Ký giả Hoàng Khương trong phiên tòa ngày 7 tháng 9, 2012 ở Sài Gòn |
SÀI GÒN (NV) - Ký giả Hoàng Khương của báo Tuổi Trẻ bị kêu án 4 năm tù vì đã ‘gài bẫy’ một cảnh sát giao thông để viết loạt bài phơi bày tệ trạng ăn hối lộ rất phổ biến trong guồng máy công an tại Việt Nam.
Trong phiên tòa kéo dài hai ngày 6 và 7 tháng 9, 2012 với 6 bị cáo nhưng phần lớn thời giờ xét xử tập trung vào thẩm vấn và kể tội Hoàng Khương. Tại những phiên tòa chính trị xử những người tranh đấu dân chủ hay vận động tự do tôn giáo, thân nhân, bằng hữu và nhà báo bị giới hạn tối đa hoặc bị cấm. Nhưng trong vụ xử Hoàng Khương thì thân nhân và rất đông nhà báo của hệ thống truyền thông “lề phải” được vào theo dõi.
Ðại diện của báo Tuổi Trẻ muốn được trình bày tài liệu trong tư cách nhân chứng lại bị từ chối.
Hoàng Khương, 37 tuổi, phóng viên ban “nội chính” (tức các vụ việc liên quan đến an ninh, chính trị, quốc phòng) nổi tiếng với nhiều ký sự phơi bày tình trạng ăn hối lộ phổ biến khắp nơi của cảnh sát giao thông. Một số chứng cớ do anh nêu ra trong bài viết đã từng được dùng để kết tội viên chức cảnh sát giao thông vòi vĩnh hối lộ.
Vụ việc dẫn tới bắt giam Hoàng Khương hồi tháng 2, 2012 vừa qua do hậu quả loạt bài điều tra 2 kỳ “Xử lý tai nạn giao thông” đăng vào các ngày 4 tháng 7, 2011 (Cố ý làm sai quy trình) rồi 5 tháng 7, 2011 (Ðồng tiền xóa sạch hồ sơ) và một bài khác có tựa đề “Cảnh sát giao thông giải cứu xe đua trái phép” ngày 10 tháng 7, 2011. Các bài viết này đều do Hoàng Khương “nhập vai” người đưa hối lộ hoặc chứng kiến vụ hối lộ với hình ảnh và băng ghi âm rồi viết lại trên tờ Tuổi Trẻ.
Thay vì cám ơn một nhà báo đã tích cực góp phần làm sạch guồng máy công an cảnh sát đầy tai tiếng ăn bẩn, Viện Kiểm Sát đã truy tố Hoàng Khương với tội danh “Ðưa hối lộ” theo điều 289 Luật Hình Sự. Các người tiếp tay gài bẫy, trong đó có em vợ của Hoàng Khương, cũng đều bị kết án 4 năm tù. Ðại úy CSGT Huỳnh Minh Ðức, kẻ nhận hối lộ 15 triệu đồng, bị kết án 5 năm tù.
Tại phiên xử, Hoàng Khương nhìn nhận mình có “sai sót” khi làm nhiệm vụ nhà báo nhưng động cơ thì hoàn toàn trong sáng. Luật sư biện hộ đã dẫn khoản 4 điều 8 của Bộ Luật Hình Sự để nói rằng “Những hành vi tuy có dấu hiệu tội phạm nhưng tính chất nguy hiểm cho xã hội không đáng kể, thì không phải là phạm tội và được xử lý bằng các biện pháp khác.”
Khi được nói những lời nói cuối cùng trước khi bị tuyên án, Hoàng Khương đã đặt câu hỏi rằng “Liệu nếu không có hai bài báo này (thì) bị cáo có phải bước vào vòng lao lý ngày hôm nay không? Và chỉ vì sai sót nghiệp vụ, với động cơ hoàn toàn trong sáng là phát hiện tiêu cực và đấu tranh chống tiêu cực, đúng với chủ trương của đảng và nhà nước mà phải chịu phạm pháp lý như ngày hôm nay hay không?”
“Bản án bất công và xấu xa.” Christophe Deloire, tổng giám đốc tổ chức quốc tế Phóng Viên Không Biên Giới (RSF), phát biểu trên trang mạng của họ. “Bằng cách trừng phạt Khương vì đã điều tra rồi viết hai bài tố cáo cảnh sát ăn hối lộ, phiên tòa đã biến một hành động phục vụ công ích thành một tội ác bị trừng phạt bằng án tù.”
Theo một bản tin tường thuật trên tờ Tuổi Trẻ ngày 28 tháng 6 năm 2012, sau khi đọc loạt bài “Nhức nhối nạn mãi lộ” vào các ngày 5 và 6 tháng 9, 2011 của Hoàng Khương về tệ trạng ở trạm CSGT, tổ 5, trên quốc lộ 1A ngang qua tỉnh Thanh Hóa, “Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công An đã đến làm việc với ban biên tập báo Tuổi Trẻ và tiến hành thu thập tài liệu, chứng cứ về các sai phạm của CSGT. Từ đó, cơ quan điều tra đã khởi tố vụ án, khởi tố các bị can để điều tra. Những hình ảnh, ghi âm mà nhà báo Hoàng Khương thu thập được xác định là chứng cứ trong hồ sơ vụ án”.
Trong vụ này, Hồ Tấn Khương (chủ xe chở gỗ) và Nguyễn Xuân Tình (tài xế) là những người đã giúp đỡ cho Hoàng Khương viết loạt bài bằng cách đưa hối lộ, “Cơ quan điều tra không xem xét trách nhiệm hình sự” của họ.
Sau khi Hoàng Khương nói những lời cuối xin lỗi ban biên tập Tuổi Trẻ, đồng nghiệp và thân nhân, các người giúp anh đưa ra ánh sáng vụ ăn hối lộ của Huỳnh Minh Ðức mà tạo rắc rối và tù tội cho họ, báo Tuổi Trẻ kể rằng “Trưa 7 tháng 9, kết thúc phần nói lời sau cùng của nhà báo Hoàng Khương tại tòa là đồng loạt đồng nghiệp, bạn bè, người thân của anh ở phía ngoài phòng xử án, theo dõi qua màn hình đã đứng dậy vỗ tay.”
Một số bloggers so sánh bản án tù 4 năm của Hoàng Khương chỉ vì “động cơ trong sáng” với bản án tù 4 năm của trung tá công an Nguyễn Văn Ninh (đánh chết ông Trịnh Xuân Tùng ở bến xe Giáp Bát Hà Nội ngày 28 tháng 2, 2011 chỉ vì cự cãi số tiền vòi hối lộ nhiều ít) dù cố ý giết người để chứng minh cho sự khập khiễng của nền tư pháp CSVN bao che, dung dưỡng đám công an.
“4 năm - mức thời gian dành cho 2 bản án - một kẻ giết người và một người phạm tội danh ‘đưa hối lộ’ - chung quy chỉ để chứng tỏ rằng lực lượng ‘thanh kiếm và lá chắn bảo vệ chế độ’ là bất khả xâm phạm.” Blogger Mẹ Nấm viết.
Ông bố của Hoàng Khương khóc ngoài tòa. (Hình: Tuổi Trẻ)
“Nếu niềm tin mất mát và sự hy vọng đổ vỡ, từ những người dân bình thường nhất, những người cầm bút hay được gán là ‘chiến sĩ bảo vệ mặt trận văn hóa-tư tưởng’ nhất, thì việc đổ vỡ của những điều lớn lao là hiển nhiên, không thể chối cãi... Giữ gìn chế độ-chính thể, không thể bằng những cách phi lý và độc ác, như thế này!” Blogger Mai Thanh Hải viết.
Ðiều đáng nói hơn nữa, ông Bộ Trưởng Công An Trần Ðại Quang từng kêu gọi người ta tiếp tay tố cáo để làm sạch guồng máy công an cảnh sát.
“Nếu CSGT vòi vĩnh đòi hối lộ thì kiên quyết tố cáo với cơ quan chức năng để chúng tôi xử lý”. Ông Bộ Trưởng Quang đề nghị trong một phiên chất vấn ở Quốc Hội CSVN ngày 14 tháng 6 năm 2012, theo bản tin VTC. (T.N.)
Không có nhận xét nào: