MÔN ĐỆ: KHIÊM NHƯỜNG VÀ PHỤC VỤ
SUY NIỆM PHÚC ÂM (IV B 47), (23.09.2012), (Mc 9, 30-37)
CHÚA NHẬT XXV PHỤNG VỤ THƯỜNG NIÊN, NĂM B
Nguyễn Học Tập(TNCG) - Đoạn Phúc Âm Chúa Nhật hôm nay (Mc 9, 30-37) có thể được chia làm hai phần:
- phần đầu (9, 30-32) đề cập đến tiến trình cuộc tử nạn và phục sinh của Chúa Giêsu;
- phần thứ hai, về lời giảng dạy bổn phận phục vụ của những ai được chọn làm người trưởng thượng, cao trọng đối với anh em (9, 33-37).
Về hình thức giảng dạy, chúng ta cũng có thể phân biệt Chúa Giêsu giảng dạy các Môn Đệ trong lúc hành trình (ở phần đầu) hay giảng dạy lúc dừng chân nghỉ ngơi tại tư gia (ở phần thứ hai).
Phần đầu của đoạn Phúc Âm, phần giảng dạy lúc hành trình, tường thuật lại khoảng đường dài một ngày đi bộ, từ miền Cesarea Philippe, nơi Thánh Phêrô tuyên xưng Chúa Giêsu là Đấng Cứu Thế và cũng là nơi Chúa Giêsu loan báo lần đấu tiên về cuộc tử nạn và phục sinh của Ngài:
- "Rồi Người bắt đầu dạy cho các ông biết Con Người phải chịu đau khổ nhiều, bị các kỳ mục, thượng tế cùng kinh sư loại bỏ, bị giết và sau ba ngày sẽ sống lại" (Mc 8, 31), và sau một ngày đường, Chúa Giêsu và các Môn Đệ đến thành Capharnaum, căn cứ đầu tiên nơi phát xuất các công cuộc truyền giáo, nơi Chúa Giêsu bắt đầu giảng dạy dân chúng:
- "Chúa Giêsu và các Môn Đệ vào thành Capharnaum. Ngày Sabat, Người vào hội đường giảng dạy" (Mc 1, 21).
I - Trở lại phần đầu của đoạn Phúc Âm hôm nay, phần giảng dạy lúc đi đường từ miền Cesare Philippe đến Capharnaum, Chúa Giêsu lập lại cho các Môn Đệ sự kiện Người phải chịu tử nạn và sau ba ngày sống lại:
- "Chúa Giêsu và các Môn Đệ ra khỏi đó, đi băng qua miền Galilea. Nhưng Chúa Giêsu không muốn cho ai biết, vì Người đang dạy các Môn Đệ rằng: Con Người sẽ bị nộp vào tay người đời. Họ sẽ giết chết Người, và ba ngày sau khi giết chết, Người sẽ sống lại" (Mc 9, 30-31).
Những lời vừa kể phải chăng là những lời tiên báo cuộc tử nạn sắp tới? Có lẽ chúng ta nên nghĩ đúng hơn là những lời dạy bảo, những mạc khải về số phận sắp đến của Người thì đúng hơn.
So với những lời loan báo lần đầu:
- "Rồi Người bắt đầu dạy cho các ông biết Con Người phải chịu đau khổ nhiều, bị các kỳ mục, thượng tế cùng các kinh sư loại bỏ, bị giết chết và sau ba ngày sẽ sống lại" (Mc 8, 31),
cũng như lần loan báo thứ ba:
- "Nầy chúng ta lên Giêrusalem và Con Người sẽ bị nộp cho các thương tế và kinh sư. Họ sẽ lên án xử tử Người và nộp Người cho dân ngoại. Họ sẽ nhạo báng Người, khạc nhỗ vào Người, họ sẽ đánh đòn và giết chết Người. Ba ngày sau Người sẽ sống lại" (Mc 10, 33-34),
chúng ta có những lý chứng tin được rằng lời giảng dạy trong Phúc Âm hôm nay, loan báo cuộc tử nạn lần thứ hai, (Mc 9, 30-31), tường thuật lại nguyên văn chính các lời Chúa Giêsu nói với các Môn Đệ Ngài lúc đó.
Trong khi đó thì hai đoạn Phúc Âm tường thuật lại lần loan báo thứ nhứt và thứ ba, là những lần tường thuật lại " vaticinia ex eventu": không phải là những lời do chính Chúa Giêsu nói, mà là những sự kiện do tác giả Phúc Âm cho là của Chúa Giêsu với những suy tư và lòng tin sau biến cố Phục Sinh, của chính tác giả Phúc Âm cũng như của các Cộng Đồng Kitô giáo tiên khởi.
Chúng ta có lý chứng tin rằng những lời giảng dạy hôm nay về diển tiến cuộc Tử Nạn và Phục Sinh là những gì do chính Chúa Giêsu mạc khải cho các Môn Đệ lúc đó.
Trước hết, vì những lời tường thuật rất ngắn ngủi, không có nhiều chi tiết chính xác như những gì đã thật sự xãy ra trong cuộc Tử Nạn và Phục Sinh của Chúa Giêsu, đã được hai lần loan báo vừa đề cập thuật lại với nhiều chi tiết. Những mạc khải hôm nay chỉ ngắn gọn:
- "Con Người sẽ bị nộp vào tay người đời. Họ giết chết Người và ba ngày sau khi bị giết, Người sẽ sống lại" (Mc 9, 31).
kế đến danh từ "Con Người", là từ ngữ được Chúa Giêsu thích dùng để ám chỉ chính Ngài, là từ ngữ có ý nghĩa bí ẩn, đã được tiên tri Daniel dùng với ý nghĩa huyền bí:
- "Trong những thị kiến ban đêm, tôi mãi nhìn, thì kìa: có ai như một Con Người đang ngự giá mây trời mà đến" (Dn 7, 13).
Động từ " sẽ bị nộp" được dùng theo thể thụ động (passif), là hình thức ngôn ngữ thường được Cựu Ước dùng để ám chỉ vị tử đạo Do Thái, ám chỉ biến cố bi thảm của "Con Người" chấp nhận số phận của mình bởi tay Thiên Chúa, nhưng không nói rỏ " sẽ bị nộp" bởi ai vì kính trọng địa vị tối cao của Thiên Chúa, đó là thể thụ động thần học (passif théologique), có ý nghĩa do ý muốn của Chúa Cha.
Ở đây cũng như ở nhiều đoạn khác trong Phúc Âm Marco, từ ngữ "Con Người" và "người đời" thường được dùng bên cạnh nhau đối chiếu tương phản.
Thử dịch lại hai từ ngữ trên bằng ngôn ngữ Aramaico, ngôn ngữ nguyên thủy của Chúa Giêsu, và đặt vào văn mạch của câu Phúc Âm, chúng ta sẽ nghe được cách phát âm đối chiếu giữa "Con Người" và "người đời". Từ ngữ "Con Người" (bar' e'nasha') và "người đời hay con cái người đời" (lide' bené e'nasha').
Đặt hai từ ngữ được dịch vào văn mạch của đoạn Phúc Âm, "mitmesar bar' e'nasha lide' bené e'nasha" chúng ta có cảm tưởng được "Con Người" đang bất lực, thụ động sẽ bị nộp cho "con cái người đời", dòng giống tội lỗi, theo thánh ý mầu nhiệm của Thiên Chúa. Từ đó chúng ta có thể mường tượng được cái chết chắc chắn đang đợi "Con Người" trong viễn ảnh sắp tới.
Và đó là những gì Thánh Marco đã viết lại lời Chúa Giêsu thốt ra trong cuộc tử nạn của Ngài:
- "Thôi đủ rồi. Giờ đã điểm. Nầy Con Người bị nộp vào tay phường tội lỗi" (Mc 14, 41).
Như vậy trong lúc đi đường, Chúa Giêsu đã mạc khải cho các Môn Đệ thực tại thê thảm của thời gian sắp tới về cuộc đời của Ngài và cũng là tương lai không có gì khích lệ của Nhóm Mười Hai Người đang theo Ngài. Một thực tại phủ phàng và tàn nhẫn, chẳng ai muốn nghe, đối với một Bậc Thầy mà các ông đã đặt tất cả tin tưởng và chính Phêrô đã tuyên xưng: "Thầy là Đấng Kitô" (Mc 8, 29), tức là Đấng đã được chính Thiên Chúa xức dầu tôn vương cho.
Chúa Giêsu mạc khải cho các ông một thực tại khó hiểu, đối ngược với ước vọng của con người, nhứt là đối với những ai đã bỏ hết sự nghiệp và thân nhân mà theo Người.
Do đó thái độ tự nhiên của các ông là bỏ qua đi, không muốn nghe và cũng không muốn bàn đến đề tài không có gì hấp dẩn, nếu không muốn nói là phũ phàng vừa được biết.
Đề tài hợp với ước vọng của con người hơn, của các ông và của cả chúng ta, đó là đề tài được các ông bàn đến trong suốt cuộc hành trình.
II - Đề tài phần thứ hai Phúc Âm hôm nay (Mc 9, 33-37).
Khi đến Capharnaum, đến nơi trọ, có lẽ Chúa Giêsu và các Môn Đệ dừng lại nghỉ ở nhà của ông Simon Phêrô, Thánh Marco tiếp tục tường thuật trong Phúc Âm của Ngài.
Cấu trúc của đoạn tường thuật vẫn như cũ: sáng kiến của Chúa Giêsu đặt câu hỏi và phản ứng của các Môn Đệ:
- "Khi về tới nhà, Chúa Giêsu hỏi các ông: Dọc đường anh em bàn tán điều gì vậy ? Các ông làm thinh vì khi đi đường, các ông cải nhau xem ai là người lớn hơn cả"(Mc 9, 33-34).
Trước câu hỏi bất thình lình của Chúa Giêsu, các ông bị bất ngờ, thất vọng trước viễn ảnh của những gì được mạc khải lúc đi đường và cũng có lẽ thẹn thùng trước thái độ tranh giành địa vị, chức quyền với nhau thay vì bàn bạc để chia xẻ mối lo âu của Chúa Giêsu trước cơn tử nạn sắp đến. Bởi đó các ông không tìm được câu trả lời hay không dám nói ra sự thật:
- "các ông làm thinh vì khi đi đường, các ông cải nhau xem ai là người lớn hơn cả".
Và từ bất chợt, hổ thẹn có lẽ các ông cũng lo sợ Chúa Giêsu nổi giận trước thái độ ích kỷ của các ông đối với Ngài: các ông lo nghĩ đến các ông, đến địa vị của các ông, "ai là người lớn hơn cả", hơn là đến những lo âu của Ngài. Các ông đã biết Chúa Giêsu cũng nóng giận thét lớn tiếng khiển trách Phêrô, chỉ vì Phêrô khuyên Ngài tránh đi, đừng chịu cực hình:
- "Nhưng khi Chúa Giêsu quay lại, nhìn thấy các Môn Đệ, Người trách Phêrô: Satan! Lui lại đàng sau Thầy! Vì tư tưởng của anh không phải là tư tưởng của Thiên Chúa, mà là của loài người" (Mc 8, 33).
Nhưng một lần nữa các ông bị bắt chợt, Chúa Giêsu không nóng giận, mà lợi dụng đề tài tranh cải của các ông để dạy cho các ông và cho tất cả chúng ta một tấm gương của người tín hữu Chúa Kitô đích thực.
Sự cao cả trong Kitô giáo và sự triển nở hoàn hảo con người của mình trong Kitô giáo là gì?
Để trở thành người tín hữu Chúa Kitô, trở thành môn đệ đích thực của Chúa Kitô, cần phải biết từ bỏ tư tưởng ganh đua, chen lấn và chà đạp người khác để ích kỷ vươn lên trên đầu, trên cổ mọi người.
Tích cực hơn, chúng ta được mời gọi tìm kiếm một khuôn mẫu khiêm nhường thực sự.
Khiêm nhường không có nghĩa là tự kềm hảm khả năng Chúa ban cho mỗi người, áp chế hay một thái độ khéo léo "khiêm tốn" bên ngoài che giấu tham vọng "kẻ cả" bên trong, mà là phát triển khả năng thật sự Chúa ban cho mình và dùng khả năng đó rộng luợng, sẳn sàng phục vụ anh em, như trong dụ ngôn các nén bạc (Mt 25, 14-30).
Để trở thành người tín hữu Chúa Kitô thật sự, môn đệ theo Chúa Giêsu, chúng ta đừng có thái độ giữ khoảng cách giữa chúng ta và Chúa Giêsu như các Môn Đệ trên chặng đường Cesare Philippe đến Capharnao trong Phúc Âm. Người tín hữu Chúa Kitô là người sống thân cận với Chúa Giêsu, "ở lại trong Ta và Ta ở lại trong người ấy" (Ga 6, 56) qua lời Chúa trong Phúc Âm và qua phép Bí Tích Thánh Thể.
Kế đến người tín hữu Kitô là người tìm được đức khiêm nhường Kitô giáo. Khiêm nhường không phải là mục đích mà là phương tiện cần thiết, không phải để cho tình yêu tự kỷ, thoả mãn về chính mình, về khả năng của mình và về những gì mình đã thành đạt đối với người khác. Đức khiêm nhường dành chổ trống cho ý hướng muốn gặp được người khác trong tinh thần bác ái Kitô giáo để giúp đỡ họ.
Chúa Giêsu đem một em bé, đặt em ở giữa các Môn Đệ, để dạy các ông và dạy chúng ta đức bác ái Kitô giáo:
- "Kế đó Người đem một em nhỏ, đặt vào giữa các ông, rồi ôm lấy em và nói: ai tiếp đón một em nhỏ như em nầy, vì danh Thầy, là tiếp đón chính Thầy; và ai tiếp đón Thầy, thì không phải là tiếp đón Thầy, nhưng là tiếp đón Đấng đã sai Thầy" (Mc 9, 37).
Trong Kitô giáo không có người sang kẻ hèn, người cao trọng thông thái, kẻ tầm thường nhỏ mọn, ngu dốt.
Tất cả mọi người đều được Thiên Chúa dựng nên với lòng ưu ái của Ngài,
- được dựng nên giống hình ảnh Ngài (St 1, 27)
- và nhờ công cuộc Nhập Thể của Chúa Giêsu là những đứa con của Ngài (Mt 6, 9).
Do đó ai tiếp đón và giúp đở một con người là thương yêu, tiếp đón và phục vụ cho chính Thiên Chúa,
- "ai tiếp đón một em nhỏ như em nầy,vì danh Thầy, là tiếp đón chính Thầy, và ai tiếp đón Thầy, thì không phải là tiếp đón Thầy, nhưng là tiếp đón Đấng đã sai Thầy".
Câu Phúc Âm trên cho phép chúng ta suy diễn thêm dưới hình thức tiêu cực:
- ai không tiếp đón một con người, dầu là người yếu đuối, không có khả năng tự vệ như một em bé,
- ai không tôn trọng và phục vụ con người,
- ai đê tiện hoá con người, chà đạp nhân phẩm con người,
thì họ và những suy tư của họ, ý thức hệ của họ vừa bất nhân vừa vô thần.
Dầu cho thái độ dững dưng và ích kỷ của họ nhằm phục vụ cho lợi ích cá nhân, hay cho phe nhóm, đoàn thể, đảng phái cũng vậy.
Con người và ý thức hệ như vừa kể, không phục vụ con người và cũng không phục vụ Thiên Chúa, không "tiếp nhận Đấng đã sai Thầy".
Con người và ý thức hệ đó không nằm trong tư tưởng Kitô giáo, mà cũng không phải là con người và ý thức hệ xứng đáng với nhân cách con người, không xứng đáng sống với loài người.
Nguyễn Học Tập(TNCG)
Không có nhận xét nào: