Việt Nam đang đi về đâu? - Thanh Niên Công Giáo

728x90 AdSpace

Trending
13 tháng 9, 2012

Việt Nam đang đi về đâu?

Lê Anh Hùng - Mấy ngày vừa qua, thông tin Việt Nam lại tụt hạng về năng lực cạnh tranh – xếp thứ 75/142) trong bản Báo cáo Năng lực Cạnh tranh Toàn cầu (Global Competitiveness Report - GCR) của Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) – hẳn không khỏi khiến nhiều người Việt Nam bi quan về hiện trạng và tương lai của đất nước.

Trong số 9 quốc gia ASEAN được khảo sát (trừ Lào và Myanmar), Việt Nam đứng sau Singapore (vị trí thứ 2), Malaysia (25), Brunei (28), Thái Lan (38), Indonesia (50) và Philippines (65), đồng thời chỉ đứng trên hai nước là Campuchia (vị trí thứ 85) và Timor Leste (136). Và trong khi Singapore tiếp tục giữ vững vị trí thứ 2 trên bảng xếp hạng, Malaysia chỉ tụt 4 bậc so với năm 2011 nhưng vẫn chiếm giữ vị trí khá cao (trước đó đã nhảy từ vị trí 26 năm 2010 lên vị trí 21 năm 2011), Brunei vẫn nằm ở vị trí 28 như năm 2011, Thái Lan tăng một bậc so với năm 2011, Indonesia chỉ tụt 4 bậc so với năm 2011, Philippines tăng đến 10 bậc so với năm 2011, Campuchia tăng ngoạn mục 12 bậc từ vị trí 97 năm 2011 thì Việt Nam chúng ta lại tụt những 10 bậc trong bảng xếp hạng năm 2012 sau khi đã tụt tới 6 bậc năm 2011. Rõ ràng, Việt Nam đang ngày càng đánh mất khả năng cạnh tranh so với đa số các nước ngay trong vùng trũng ASEAN chứ chưa bàn tới các khu vực phát triển hơn trên thế giới.

Mặc dù Myanmar, một nước ASEAN có nhiều điểm tương đồng với Việt Nam, chưa bao giờ được đưa vào bản Báo cáo Năng lực Cạnh tranh Toàn cầu của WEF, song trên thực tế, trái ngược với Việt Nam, quốc gia suốt một thời gian dài nằm dưới chế độ độc tài quân sự này lại đang biến chuyển mau lẹ trước con mắt ngạc nhiên pha lẫn thán phục của cộng đồng quốc tế. Cách đây gần 9 tháng, trong bài “Cạnh tranh thể chế và thách thức với Việt Nam”, tác giả đã đưa ra nhận xét: “Chúng ta không thể thản nhiên đứng nhìn một Myanmar đang chuyển mình nhanh chóng theo xu thế tự do - dân chủ của thế giới, mà sớm muộn gì đó cũng là một đối thủ của chúng ta trên đấu trường kinh tế. Để giành chiến thắng trong cuộc cạnh tranh kinh tế đang diễn ra ngày một gay gắt trong một thế giới đang ngày càng ‘phẳng’ hơn theo xu thế toàn cầu hoá, trước hết chúng ta phải chiến thắng trong cuộc cạnh tranh thể chế quốc tế.” Và dấu hiệu thua cuộc dường như đã hiện rõ với Việt Nam ngay khi mà cuộc đấu kia chỉ mới bắt đầu thôi: trong khi Myanmar đã vứt bỏ chế độ độc tài quân sự vào sọt rác lịch sử thì Việt Nam vẫn khư khư cái thể chế độc tài đảng trị vốn là căn nguyên của tình trạng tụt hậu, rối ren và bế tắc hiện nay của nước nhà; trong khi Tổng thống Thein Sein của Myanmar đang lựa chọn những gương mặt cấp tiến, dám nghĩ dám làm cho nội các nhằm mục đích đẩy mạnh cải cách chính trị và canh tân đất nước thì TBT Nguyễn Phú Trọng của Việt Nam lại chỉ cần những cái máy để thực thi những “Cương lĩnh” hay “đường lối” của Đảng (những thứ vốn gần như “bất di bất dịch” suốt mấy chục năm qua); trong khi Myanmar đang đứng trước làn sóng đầu tư ồ ạt từ nước ngoài thì đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Việt Nam lại giảm mạnh nhất Đông Nam Á ngay giữa lúc FDI đổ vào khu vực này năm 2011 tăng tới 26% so với năm 2010…

Trong bối cảnh kinh tế đình trệ và tham nhũng ngày càng tràn lan hiện nay, cũng như trước nhiều thách thức cam go cả đối nội lẫn đối ngoại mà đất nước đang phải đối mặt, bước “cải cách thể chế” đáng kể nhất mà Đảng và Nhà nước tiến hành đang thu hút nhiều sự chú ý của người dân lại là việc chuyển vai trò Trưởng ban chỉ đạo Trung ương về Phòng chống tham nhũng từ Thủ tướng sang Tổng Bí thư theo quyết nghị của Hội nghị Trung ương 5 khoá XI diễn ra vào trung tuần tháng 5 vừa rồi. Tuy nhiên, điều oái oăm là chức danh này lại được quy định trong Luật Phòng chống tham nhũng hiện hành. Vì thế, dù đã 4 tháng trôi qua kể từ sau Hội nghị TW 5 song Thủ tướng vẫn đường đường chính chính là Trưởng ban Chỉ đạo PCTN; và để luật hoá quyết nghị của Ban chấp hành TW Đảng, chính thức chuyển vai trò này sang cho Tổng Bí thư thì Quốc hội còn phải sửa đổi Luật Phòng chống tham nhũng, thậm chí còn phải chờ đến khi luật sửa đổi kia có hiệu lực thì Tổng Bí thư mới “danh chính ngôn thuận” trong vai trò mới mẻ đó. Nếu vậy, đây là lần đầu tiên ở Việt Nam, một vai trò của Tổng Bí thư được pháp luật điều chỉnh bằng một đạo luật cụ thể. Vấn đề xem ra không đơn giản chút nào khi mà từ trước đến nay Đảng CSVN, cũng như các chức danh của nó, vẫn “quen” với thực tế là không phải chịu sự điều chỉnh của những đạo luật vốn mang tính ràng buộc pháp lý chặt chẽ hơn so với những gì vẫn được quy định trong “Điều lệ Đảng”. Ngoài ra, biết đâu người ta lại chẳng đang lo sợ rằng điều này sẽ khơi mào cho đòi hỏi hoàn toàn chính đáng của người dân là cần phải luật hoá Điều 4 của Hiến pháp hiện hành?!


Đi về đâu hỡi người?!

Trong khi đa số nhân loại đang tiến nhanh về phía trước trên con đường tự do - dân chủ thì giới lãnh đạo Việt Nam lại vẫn loay hoay vá víu chiếc áo thể chế cũ nát và lỗi thời hòng cố duy trì một bộ máy ăn bám khổng lồ vốn chỉ còn biết “còn Đảng còn mình”. Việt Nam đang đi về đâu? Câu hỏi ấy đặt ra lúc này xem ra không phải là để đánh giá nhận thức của ai mà là để đánh động lương tri của mỗi người dân Việt Nam trong giai đoạn quyết định hiện nay của dân tộc.

Hà Nội, 11/9/2012

L.A.H.

Tác giả gửi trực tiếp cho BVN

Việt Nam đang đi về đâu? Reviewed by Admin on 9/13/2012 Rating: 5 Lê Anh Hùng - Mấy ngày vừa qua, thông tin Việt Nam lại tụt hạng về năng lực cạnh tranh – xếp thứ 75/142) trong bản Báo cáo Năng lực Cạnh...

Không có nhận xét nào: