BBC - Đến thăm Hà Nội và phát biểu trước các sinh viên Đại học Kinh tế Quốc dân, Phó Thủ tướng Đức gốc Việt, ông Philipp Roesler đã kêu gọi nước chủ nhà cải cách dân chủ đầy đủ, trao tự do cho nhân dân cả trong lĩnh vực kinh tế và xã hội.
Ông Roesler đã nhận bằng tiến sỹ danh dự ở Hà Nội
Là một lãnh tụ trẻ tuổi của đảng Tự do Dân chủ (FDP) trong chính phủ liên minh ở Đức, ông Roesler, người sinh ra năm 1973 tại Nam Việt Nam, đã nói về tự do hôm 18/9/2012 khi nhận bằng tiến sỹ danh dự viên Đại học Kinh tế Quốc dân ở Hà Nội.
Ông hối thúc chính quyền Việt Nam không chỉ tư nhân hóa và mở cửa thị trường, mà cần trao cho người dân thêm quyền tự do:
"Với những người không được tự do để chọn cho mình cách suy nghĩ và hành động độc lập, thì sẽ không có kinh doanh, và thiếu tự do kinh tế cũng sẽ không có tự do xã hội".
Nhắc đến cơ hội cho bản thân là một người sinh tại Việt Nam nhưng trưởng thành tại Đức, ông coi đó là ví dụ về sức mạnh của tự do:
"Một đứa trẻ mồ côi thời chiến tại Việt Nam được nhận làm con nuôi mà có cơ hội vươn lên trong một xã hội dân chủ như vậy, và gánh vác trách nhiệm lớn thì đó là bằng chứng nền dân chủ có thể tạo ra sức mạnh như thế nào".
"Một đứa trẻ mồ côi thời chiến tại Việt Nam được nhận làm con nuôi mà có cơ hội vươn lên trong một xã hội dân chủ như vậy, và gánh vác trách nhiệm lớn thì đó là bằng chức nền dân chủ có thể tạo ra sức mạnh như thế nào".Philipp Roesler
Là Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Kinh tế và Công nghệ, ông Roesler cũng nhấn mạnh với diễn giả trong buổi lễ ở Đại học Kinh tế Quốc dân, về vai trò của khu vực tư nhân trong nền kinh tế, cũng như nói về sở hữu tư nhân.
Ông cũng nói điều kiện cho đầu tư là chữ tín của hợp đồng và niềm tin của đối tác với hợp đồng.
Theo hãng tin Đức DPA, các công ty Đức thường phàn nàn về việc thực hiện hợp đồng tại Việt Nam.
Khi trao đổi với chính giới Việt Nam, ông Roesler cũng mang theo một danh sách 5 tù nhân lương tâm theo Thiên Chúa giáo bị bệnh mà Bộ Ngoại giao Đức nhờ ông chuyển cho các lãnh đạo Việt Nam, yêu cầu thả tự do cho họ, theo DPA.
Được biết chính phủ Đức cũng bày tỏ quan tâm vụ phóng viên Hoàng Khương của báo Tuổi Trẻ bị bốn năm tù.
Berlin cũng theo dõi vụ xử ba blogger Điếu Cày, Phan Thanh Hải, Tạ Phong Tần, đã ba lần đình hoãn và theo tin mới nhất, có thể diễn ra vào ngày 24/9.
Cùng đi với ông Roesler đi thăm Việt Nam và Thái Lan lần này có khoảng 50 đại diện các công ty Đức.
Không có nhận xét nào: