Bàn về kết quả Hội nghị Trung ương 6 - Thanh Niên Công Giáo

728x90 AdSpace

Trending
22 tháng 10, 2012

Bàn về kết quả Hội nghị Trung ương 6

Nguyễn Thanh Giang (Danlambao) - Nghị quyết Hội nghị TW 4 được Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng xem là đợt “sinh hoạt Đảng mang ý nghĩa thiêng liêng” nhằm cứu vớt nguy cơ đang “đe dọa sự sống còn của chế độ” (Phát biểu trong buổi dự Hội nghị kiểm điểm tự phê bình và phê bình của Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội ngày 27.2.2012) và Hội nghị TW 6 được ông cho biết là: ít có Hội nghị Trung ương nào có nhiều nội dung và dự kiến họp dài như Hội nghị lần này. Hầu hết các vấn đề được bàn và quyết định đều rất quan trọng, khó và nhạy cảm.

Hãy điểm xem những điều “thiêng liêng”, “quan trọng, khó và nhạy cảm” ảnh hưởng đến “sự sống còn của chế độ” đã được ông điều hành Hội nghị TW 6 giải quyết thế nào, qua diễn văn bế mạc Hội nghị của ông. 

Bài tổng kết Hội nghị TW 6 của TBT đề cập đến 7 vấn đề. Người viết bài này chỉ xin lướt qua một vài trong số đó: 

1 - Về vấn đề đất đai - Không nói đất đai thuộc sở hữu toàn dân nhưng ông nói: “Trung ương tiếp tục khẳng định: Quyền sử dụng đất là một loại tài sản và hàng hóa đặc biệt, nhưng không phải là quyền sở hữu, cần được xác định cụ thể, phù hợp với từng loại đất, đối tượng sử dụng đất và các trường hợp giao đất, cho thuê đất”. 

Nói quyền sử dụng đất không phải là quyền sở hữu thì Nhà nước chỉ được trao quyền sử dụng đất vào các mục tiêu an ninh, quốc phòng, giao thông công cộng... chứ làm sao có sở hữu để ban phát cho công dân A, công dân B, doanh nghiệp X, doanh nghiệp Z … 

Thừa nhận nền kinh tế thị trường có 5 thành phần thì cũng phải thừa nhận tính đa sở hữu của đất đai chứ. 

Có thể hiểu đất là một loại tài sản và hàng hóa đặc biệt chứ làm sao hiểu nổi “Quyền sử dụng đất là một loại tài sản...” được! 

Cứ còn ngoan cố, lập lờ như vậy thì đất đai vẫn không thể thoát khỏi thân phận là miếng mồi béo bở cho tham nhũng tệ hại và dấy lên từ đấy những cuộc biểu tình triền miên. 

2 - Về tiếp tục sắp xếp, đổi mới, nâng cao hiệu quả doanh nghiệp nhà nước, ông đọc: “Các tập đoàn kinh tế, các tổng công ty nhà nước lớn phải được cấu trúc lại theo mô hình công ty mẹ – công ty con; được kiểm toán hằng năm. Kết thúc giai đoạn thí điểm hình thành tập đoàn kinh tế nhà nước; xem xét chuyển một số tập đoàn kinh tế nhà nước thành tổng công ty”. 

Nhớ lại, cách đây 16 năm, khi góp ý vào dự thảo báo cáo chính trị Đại hội VIII, trong bài “Phải chăng nước ta đã ra khỏi khủng hoảng” (lưu trong thư viện mạng www.nguyenthanhgiang.com), tôi từng viết: “việc xóa bỏ các liên hiệp xí nghiệp trước đây để thành lập tràn lan những tổng công ty có số vốn đủ 100 tỷ đồng đang có nguy cơ gây ách tắc và lãng phí mới. Nhiều nhà doanh nghiệp cho rằng Chính phủ đang tốn công nặn ra những chiếc bình mới để đổ vào đấy vẫn là thứ rượu cũ. Có người còn cho rằng bên trong những chiếc bình ấy sẽ chỉ có tro thiêu của những cái xác liên hiệp cũ. 

Việc thành lập hệ thống quản lý cho các Tổng công ty này mới thật là nhiêu khê! Theo Nghị định 39/CP thì trong Tổng công ty mới phải có đầy đủ các thành phần: Tổng giám đốc, Hội đồng Quản trị, Ban kiểm soát.... Tuy nhiên, không thể nào xác định được rằng hội đồng quản trị nằm ngoài cơ cấu tổng công ty, là cấp trên để thực hiện chức năng quản lý nhà nước, hay nằm trong cơ cấu tổng công ty? (Bởi vì chức năng quản lý Nhà nước đã do cấp Bộ thực hiện rồi). 

Nghị định 75/CP của Thủ tướng Chính phủ quy định Hội đồng Quản trị không phải cơ quan quản lý nhà nước. Nó không thể thay thế cơ quan cấp bộ và ngang bộ. Nó không phải cấp trên của tổng công ty mà là tổ chức nằm ngay trong cơ cấu tổng công ty. 

Quyết định 91/CP lại nói rằng Hội đồng Quản trị chính là tổ chức được thành lập để nhận chức năng "bộ chủ quản", để từ đó giải phóng các bộ khỏi chức năng chủ quản hiện nay. 

Thế rồi, lúc thì Bộ Tài Chính thay mặt nhà nước giao vốn cho Hội đồng Quản trị để Hội đồng Quản trị giao lại vốn cho Tổng giám đốc. Nơi thì Bộ Tài chính giao vốn thẳng cho Ban giám đốc... 

Dẫu thế nào đi nữa thì hội đồng quản trị hoặc tổng giám đốc cũng đều ôm một bọc tiền chùa to tướng, ngồi trên một đống tài sản khổng lồ của nhân dân mà không mấy ai của đau con xót cả. 

Có điều thuận tiện là khi gây lãng phí tiền triệu, tiền chục, tiền trăm tỷ thì sẽ có kẻ tung người hứng, tạo nên "sức mạnh tập thể" để ngụy biện, bao che cho nhau. Và, dễ liên minh, liên kết với nhau mà tham ô dây chuyền... 

Chung quy, chỉ vì cái bệnh duy ý chí truyền kiếp, cái gan lớn muốn làm trái quy luật bằng cái mệnh lệnh: 

"tập trung nguồn lực để kinh tế nhà nước đạt cho được tỷ trọng 60% GDP". 

Trong khi, ngay cả ở những nước phát triển, tỷ trọng này cũng mới chỉ vào khoảng 25-30% GDP. 


Nên chăng, hãy cứ để cho quy luật cạnh tranh chi phối và sự tích tụ tự nhiên của thị trường dẫn đến nhu cầu tự liên kết của các đơn vị doanh nghiệp”. 

Rõ ràng tôi đã từng nói xuôi nhưng Đảng cứ làm ngược để bây giờ tỉnh ngộ phải trở lại làm xuôi thì đã tàn phá của nhân dân hàng trăm ngàn tỷ đồng! 

Khoản lãng phí khổng lồ ấy, cái giá phải trả quá lớn cho sự ngu dốt ấy do ai gây ra? 

Chính là do chủ trương đường lối sai lầm của các vị lãnh đạo ĐCSVN! 

Vậy mà, hơn hai mươi năm qua, những ý kiến đóng góp như thế của tôi không những không được Đảng khách quan nhìn nhận mà văn thư, báo chí của Đảng không ngớt vu cho tôi không biết bao nhiêu tiếng xấu: chống Đảng, chống chủ nghĩa xã hội, cơ hội, phản động, gián điệp … Rồi đấu tố, rồi khám nhà gần chục lần, rồi bỏ tù …! 

3 - Về giáo dục, đào tạo – Diễn văn khai mạc đặt nhiệm vụ phải giải đáp cụ thể: “một loạt câu hỏi đặt ra cần được thảo luận, làm rõ như: Vì sao lúc này phải đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục và đào tạo, phát triển khoa học và công nghệ? Phạm vi, mục tiêu, yêu cầu của mỗi Đề án thế nào? Đổi mới căn bản là gì, toàn diện là gì?... làm rõ vì sao giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ đến nay vẫn chưa thực sự trở thành nền tảng và động lực cho phát triển? Vướng mắc chính ở chỗ nào?...”. 

Diễn văn bế mạc không trả lời được những câu hỏi đã nêu khi khai mạc mà lại đặt lại một vấn đề rất “hùm bà làng”: “Trung ương yêu cầu phải đổi mới từ nhận thức tư duy, mục tiêu đào tạo, hệ thống tổ chức, loại hình giáo dục và đào tạo, nội dung và phương pháp dạy và học đến cơ chế vận hành, cơ chế quản lý, xây dựng đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý, cơ sở vật chất, nguồn lực, điều kiện bảo đảm thực hiện đổi mới toàn bộ hệ thống giáo dục, bao gồm giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông và giáo dục đại học, đào tạo nghề. Đây là những vấn đề hết sức lớn lao, hệ trọng và phức tạp, còn nhiều ý kiến khác nhau, cần phải tiếp tục nghiên cứu, tổng kết, bàn bạc một cách thấu đáo, cẩn trọng, tạo sự thống nhất cao để ban hành Nghị quyết vào thời gian thích hợp”. 

Nghĩa là, hỏng tất cả, hỏng từ đầu đến tứ chi, hỏng từ óc đến lục phủ ngũ tạng. phải làm mới hoàn toàn, làm lại hoàn toàn! 

Sáu nhăm năm qua ĐCSVN lãnh đạo thế nào để văn hóa, giáo dục thảm hại như thế. Là một nước có Quốc tử giám Văn Miếu trước trường đại học đầu tiên ở nhiều nước Phương Tây, dưới các triều đại phong kiến và thời thực dân Pháp đô hộ văn hóa, giáo dục Việt Nam đâu đến nỗi lạc hậu quá xa so với mặt bằng chung thế giới như hiện nay. 

4 - Về Báo cáo kết quả kiểm điểm tự phê bình và phê bình của Bộ Chính trị, Ban Bí thư – TBT như nức nở khi đọc đến đoạn này: “Bộ Chính trị đã thống nhất 100% đề nghị Ban Chấp hành Trung ương cho được nhận một hình thức kỷ luật và xem xét kỷ luật đối với một đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị... Ban Chấp hành Trung ương đã … đi đến quyết định không thi hành kỷ luật đối với tập thể Bộ Chính trị và một đồng chí trong Bộ Chính trị...”. 

Khi ông diễn đoạn này, người ta không hiểu ông thật sự hối lỗi hay uất nghẹn vì không hạ thủ được đối phương. 

Dẫu sao thì ông cũng bị xem là non yếu. 

Non yếu trong tư duy: đối phương chưa đáng bị hạ thủ (như ý kiến của BCH TW), không thể hạ thủ được (như kết quả đã thấy) mà sao ông lại đặt vấn đề hạ thủ để chính ông sẽ trở thành địch thủ sống mái. 

Non yếu trong hành động: chủ trương hạ thủ mà không hạ thủ được. 

Lẽ ra nên lờ đi, đừng đọc câu trên thì hơn. Thà đừng nói, còn hơn là nói lấp lửng. 

Ngay khi nghe ông TBT đọc “không thi hành kỷ luật đối với tập thể Bộ Chính trị và một đồng chí trong Bộ Chính trị...” mà không dám xướng rõ tên ai, có người đã “sáng tác” một mẩu chuyện cười như sau: 

BCT nọ mở đợt trưng cầu ý dân về vấn đề dinh dưỡng cho BCT. Yêu quý BCT, nhân dân kiến nghị: “Cấm BCT không được ăn thực phẩm độc hại từ Trung Quốc”. Vì lấp lửng, khi công bố kết quả chỉ nói: “Toàn dân kiến nghị cấm BCT không được ăn”. Thế là người nghe lại hiểu rằng: toàn dân muốn tiêu diệt BCT! 

Không chỉ nức nở, TBT còn xướng rất to mấy chữ “đã thống nhất 100%”. 

Nhấn thật mạnh như thế để làm gì nhỉ? 

Để thét lên cái thực tế đã không còn thống nhất 100% giữa BCT với BCH TW, không còn đoàn kết để giữ được con ngươi của Đảng nữa rồi ư? Thật là dại dột. 

Để lập lờ bôi bác sự thật ư? Ý kiến chỉ thống nhất 100% khi đề nghị thi hành kỷ luật BCT. Đối với một ủy viên BCT nào đó chỉ có 11/15 phiếu đề nghị thôi chứ. 

Thét lên để làm gì nhỉ? Hay là để nhấn mạnh cái sự hốt hoảng trước biểu hiện bất kham của Ban Chấp hành TW đối với Bộ Chính trị. 

Quả vậy, đây là lần đầu tiên một ông TBT bất lực, không điều hành nổi để BCH TW phải nghe theo BCT như nguyên tắc “tập trung dân chủ” vốn dĩ của Đảng! 


Mấy việc cần làm ngay 

Việc thứ nhất - Hội nghị TW 6 đã bàn đến nhiều vấn đề quan trọng: đất đai, kinh tế quốc doanh, giáo dục đào tạo... Còn một vấn đề hết sức bức thiết là vấn đề bảo vệ chủ quyền nói chung và lãnh thổ lãnh hải nói riêng. 

Cần sớm có Hội nghị TW 7 bàn về Đường lối Đối ngoại nhằm giải quyết vấn đề phương sách bảo vệ chủ quyền lãnh hải, đối sách với Trung Quốc và Hoa Kỳ... 

Chắc chắn Hội nghị TW 7 mới thực là “thiêng liêng”, “quan trọng, khó và nhạy cảm”. 

Việc thứ hai - Về hai ông Nguyễn Phú Trọng và Nguyễn Tấn Dũng – 

a - Mặt tốt của ông Nguyễn Phú Trọng: 

- Chưa thấy bộc lộ tham nhũng. 

- Không trân tráo gán ghép chức tước cho con cháu mình một cách vô lối như các ông Nông Đức Mạnh, Tô Huy Rứa … 

b - Mặt yếu của ông NPT: biểu hiện tư tưởng thần phục Trung Quốc một cách bệnh hoạn như: 

- Tấu cùng lãnh đạo Trung Quốc khẩu lệnh “tầm cao chiến lược” để rắp tâm tiếp tục đưa VN làm lính lệ cho TQ. 

- Trấn áp Quốc hội, không cho nghe báo cáo về tình hình Biển Đông. Giữa lúc TQ đang tích cực chính thức hóa chủ quyền Hoàng Sa, bắn giết ngư phủ ta, cắt cáp tàu Địa Vật lý của ta … mà ông NPT bảo “Tình hình Biển Đông không có gì mới” thỉ thật là vô tri vô giác về nhận thức, vô cảm đối với con người Việt Nam về nhân tâm, xược đối với Quốc hội. 

- Đứng trước mặt lãnh đạo TQ mà lại nói: Vừa nhận lãnh trách nhiệm Chủ tịch Quốc hội, nước tôi đi thăm đầu tiên là Trung Quốc. Trong khi đó, Chủ tịch nước và Thủ tướng đều không làm như ông Trọng. Câu nói ấy vì thế bị coi là hết sức vô chính trị. Khi nghe, tôi ngượng chín cả mặt. Nhiều người cho rằng vì khôn lỏi như thế nên ông NPT đã được Bắc triều ủng hộ lên làm Tổng Bí thư! 

c - Ông NPT cần tẩy rửa tư tưởng thần phục Trung Quốc và lo lắng nhiều hơn đến bảo vệ chủ quyền dân tộc. 

d - Mặt được của ông Nguyễn Tấn Dũng: 

- Tuyên bố sẽ tích cực xây dựng nền kinh tế thị trường đầy đủ. 

- Khuyến khích xây dựng Luật Lãnh hải, Luật Biểu tình 

- Biết mình có cái gót Asin ở chố không chỉ cho tất cả con cái đều du học Phương Tây mà còn dám cho con gái làm dâu “ngụy quyền” (phái thần phục TQ và các cụ giáo điều rất dễ khoét vào) nhưng vẫn công khai vồn vã khi đón tổng thống Bush. 

- Tỏ ra có bản lĩnh khi cả hai lần nhậm chức Thủ tướng đều không chịu chọn TQ làm nước yết kiến đầu tiên như NPT. 

e - Mặt không hay: 

- Yết kiến Tập Cận Bình ở Nam Ninh làm cho dư luận hiểu rằng đã chịu quy phục Bắc Kinh để được cứu vớt trong hoàn cảnh bị dồn đến chân tường. 

- Không biết bản thân NTD tham nhũng ghê gớm thế nào nhưng rõ ràng đã để cho một số bộ hạ lộng hành trong lĩnh vực kinh tế và tham nhũng quá kinh khủng. 

g - Ông Nguyễn Tấn Dũng cần: 

- Tích cực tạo sân chơi phẳng cho tất cả các thành phần kinh tế, tiết chế tối đa sự thiên vị và ưu đãi cho các doanh nghiệp nhà nước, khẩn trương thiết lập nền kinh tế thị trường đầy đủ. 

- Mạnh tay thức đẩy giao thương với Hoa Kỳ và Phương Tây không chỉ trong lĩnh vực kinh tế. 

- Công khai bày tỏ lập trường hướng Tây Phương, xóa bỏ điều tiếng đi đêm với Trung Quốc mà vừa qua trang Quan Làm Báo … đã tạo dựng, bảo rằng NTD nhận tiền của TQ rồi cho TQ vào Tây Nguyên (Thực ra, chẳng qua vì NTD phải thực hiện ký kết của TBT lúc ấy là Nông Đức Mạnh) … 

- Ngăn chặn những vụ đàn áp đối lập. Thiết lập liên minh với các thành phần cấp tiến trong và ngoài nước. 

- Nếu đúng là ông đã tham nhũng ghê gớm như dư luận thì nên từ chức và trả lại bớt tài sản cho nhân dân. 

Việc thứ ba - Cần nới rộng tự do ngôn luận để tạo điều kiện chọn lựa được người xứng đáng lãnh đạo quốc gia thông qua bầu cử tự do thực sự. 

Trước mắt, vị sự tồn tại song hành hai ông Nguyễn Phú Trọng và Nguyễn Tấn Dũng trong bộ máy lãnh đạo sẽ rất bất lợi không chỉ cho đất nước mà ngay cả ĐCSVN, cần tổ chức sớm Đại hội Đảng giữa nhiệm kỳ để cơ cấu lại nhân sự tạm thời. 

Xin mạnh dạn đề xuất như sau: 

Tổng Bí thư: Phạm Quang Nghị 

Thủ tướng: Nguyễn Bá Thanh 

Dù quá táo bạo và có thể rất nghịch nhĩ vẫn xin được nêu thêm: Nên mời Nguyễn Quang A và Trần Huỳnh Duy Thức làm trợ lý Thủ tướng Chính phủ; mời Vi Đức Hồi làm trợ lý Tổng Bí thư Đảng. 

Biết rằng những nhận định và đề xuất trên đây có thể rất ngô nghê, người viết vẫn xin được thành thực giãi bày và mong được độc giả bình tâm suy ngẫm để cùng lên tiếng. 

Hà Nội 20 tháng 10 năm 2012 

Nguyễn Thanh Giang
Bàn về kết quả Hội nghị Trung ương 6 Reviewed by Em Binh on 10/22/2012 Rating: 5 Nguyễn Thanh Giang (Danlambao) - Nghị quyết Hội nghị TW 4 được Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng xem là đợt “sinh hoạt Đảng mang ý nghĩa thi...

Không có nhận xét nào: