Các thánh, những vị đã ao ước và hành động theo ý muốn Thiên Chúa. - Thanh Niên Công Giáo

728x90 AdSpace

Trending
31 tháng 10, 2012

Các thánh, những vị đã ao ước và hành động theo ý muốn Thiên Chúa.

SUY NIỆM PHÚC ÂM (IV B 53); (01.11.2012); (Mt 5, 1-12) 

LỄ CÁC THÁNH NAM NỮ, NĂM B. 

NGUYỄN HỌC TẬP - A) Con người mới, con người được ơn cứu chuộc, được giải thoát khỏi ách nô lệ của tội lỗi, của sự chết, được ban cho khả năng có thể bước đi trong sự thánh thiện hay công lý. 

Đó là ý nghĩa những gì Chúa Giêsu muốn huấn dạy chúng ta trong Tám Mối Phước Thật của đoạn Phúc Âm Thánh Matthêu hôm nay, Lễ các Thánh Nam Nữ. 

Con người của Tám Mối Phước Thật, của Tân Ước với Cuộc Nhập Thể và Công Trình Cứu Rổi của Chúa Giêsu, khác với con người của Mười Điều Răn trong Cựu Ước với các lề luật Moisen cho dân Do Thái được tuyển chọn. 

Đọc lại Mười Điều Răn trong Cựu Ước, ngoài điều một và điều bốn dạy chúng ta thờ phượng Thiên Chúa và thảo kính cha mẹ, tất cả những điều răn còn lại đều được huấn dạy dưới hình thức tiêu cực: 

- "chớ kêu tên Chúa vô cớ, chớ giết người, chớ tà dâm, chớ lấy của người, chớ làm chứng dối, chớ muốn vợ chồng người, chớ tham của người". 

Đó là những gì Chúa Giêsu trả lời cho người thanh niên giàu có đến hỏi Ngài để được sự sống đời đời, chúng ta đã có dịp suy niệm cách đây ba Chúa Nhật (Mc 10, 17-30). 

Nhưng Thiên Chúa Giáo không phải chỉ có vậy. 

Điều đó cắt nghĩa tại sao, sau khi nghe người thanh niên giàu có tuân giữ trọn hảo mọi giới răn của Cựu Ước, Chúa Giêsu nhìn anh một cách trìu mến và tiếp tục dạy anh: 

- "Chúa Giêsu đưa mắt nhìn anh và đem lòng yêu mến. Người bảo anh: Anh chỉ còn thiếu một điều, là hãy đi bán những gì anh có mà cho người nghèo, anh sẽ được kho tàng trên trời. Rồi hãy đến theo Ta"(Mc 10, 21). 

Nói cách khác, cuộc sống của người Ki Tô hữu đích thực không chỉ giới hạn vào việc tuân giữ các giới răn, "không làm điều ác", mà còn phải dấn thân tích cực "làm việc thiện". 

Dấn thân tích cực "làm việc thiện" đòi buộc công sức, can đảm, hy sinh của cải và nhiều khi cả đến các quyền, tự do và tính mạng. 

Đó là những gì Chúa Giêsu dạy chúng ta trong Tám Mối Phước Thật của bài Phúc Âm Lễ Các Thánh Nam Nữ hôm nay. 

Một cách nào đó, chúng ta có thể xem Tám Mối Phước Thật chính là Mười Điều Răn được Chúa Giêsu tuyên bố lại cho chúng ta dưới hình thức tích cực. 

Với Tám Mối Phước Thật của Phúc Âm ngày Lễ Các Thánh Nam Nữ hôm nay, Chúa Giêsu muốn phát họa cho chúng ta một khuôn mẫu sống mới của con người, được canh tân qua việc Nhập Thể của Thiên Chúa làm người và ở giữa chúng ta: 

- "Ngôi Lời là ánh sáng thật, ánh sáng đến thế gian và chiếu soi mọi người… 

Ngôi Lời đã trở nên người phàm và cư ngụ giữa chúng ta"(Ga 1, 10.14). 

B) Tám Mối Phước Thật mà Chúa Giêsu dạy chúng ta, phát xuất từ tâm hồn yêu thương bao la của Ngài đối với nhân loại, hay thoát xuất từ miệng Ngài những gì Ngài chứa đấy ấp trong lòng cho chúng ta, nói như thành ngữ Thánh Matthêu thường viết: 

- "Thấy đám đông, Chúa Giêsu lên núi. Người ngồi xuống, các môn đệ đến gần bên. Người mở miệng dạy họ".(Mt 5, 1-2). 

Khuôn mẫu cuộc sống Ki Tô hữu trong Tám Mối Phước Thật là khuôn mẫu hành xử của con người mới, theo cách hành xử của Thiên Chúa. Không phải là một khuôn mẫu mơ tưởng suông hay không tưởng, mà là một thực tại được chính Chúa Giêsu làm gương thực hiện cho chúng ta bằng cuộc đời trần thế của Ngài. 

Khuôn mẫu của cuộc sống trong Tám Mối Phước Thật là khuôn mẫu liên hệ đến con người toàn vẹn: 

a) một vài điều khoản liên quan đến tâm hồn con người: 

- phước cho ai có tâm hồn khó nghèo, 

- phước cho ai chịu đau khỗ, 

- phước cho ai khao khát sự công chính, 

- phước cho ai thương xót người, 

- phước cho ai có tâm hồn trong sạch. 

Tất cả những điều vừa kể nói lên ý chí ngay lành và đại lượng thương yêu anh em trong tâm hồn, suy nghĩ, ước mong và quyết định. 

b) một vài điều khoản khác liên quan đến hành động của con người: 

- phước cho ai xây dựng hoà bình, 

- phước cho ai vì Thầy bị người ta sỉ vả, bách hại, vu khống đủ điều xấu xa. 

Như vậy con người mới, con người được Thiên Chúa chúc phúc trong Tám Mối Phước Thật, là con người dấn thân với tất cả tâm trí và sức lực của mình để suy nghĩ, ao ước, định chuẩn, quyết định và đem ra thực hiện, đem lại những gì tốt đẹp cho anh em. 

Con người của Tám Mối Phước Thật không phải chỉ là con người "không làm gì sai trái, gian ác", mà là con người yêu thương anh em như chính mình trong tâm hồn, ao ước, suy tư, cân nhắc, quyết định và hành động với sức lực và hy sinh, chấp nhận thiệt thòi để mưu ích cho anh em, con người "tích cực làm điều thiện". 

Đọc lại Tám Mối Phước Thật, chúng ta thấy điều thứ tư và điều cuối cùng nói về sự công chính: 

- "Phước cho ai khao khát sự công chính, vì họ sẽ được Thiên Chúa cho thoả lòng. 

Phước cho ai bị bách hại vì sống công chính, vì Nước Trời là của họ"(Mt 5, 6.10). 

Cuộc sống Ki Tô hữu là vậy, khao khát sự công chính trong lòng và can đảm mạnh dạn đem ra thực hành, cho dầu có phải "bị bách hại", "chịu đau khổ". 

Suy nghĩ kỷ hơn, trong con người "khao khát sự công chính»và dấn thân hành động để đem lại công chính cho mọi người, chúng ta có cả các tâm tình của con người có tâm hồn khó nghèo, khiêm nhường, tâm hồn trong trắng và biết thương xót anh em. 

Không làm điều ác, nhưng để mọi chuyện sống chết mặc ai, "không can dự gì đến tôi", như thái độ của Thầy Cả Thượng Phẩm và Thầy Thông Thái Luật trong dụ ngôn người Samaritano nhân lành (Lc 10, 29-37) hay của người giàu có và anh Lazzaro (Lc 16, 19-21), không phải là cách hành xử của người Ki Tô hữu được chúc phúc trong Tám Mối Phước Thật. 

Có "khao khát sự công chính" trong lòng và can đảm dấn thân để thực hiện, cho dầu phải "chịu đau khỗ", "bị bách hại", "vì Thầy mà bị người ta sỉ vả, bách hại và vu khống đủ điều xấu xa", mới là người "thương xót người", "khiêm nhường bé mọn, hiền lành" và thực tâm "xây dựng hòa bình" (Mt 5, 4.5.6.10.11). 

Người đó mới là người Ki Tô hữu được Chúa Giêsu chúc phúc : 

- "Phước cho ai" (Mt 10, 3-12). 

C) Có lẽ chúng ta quen đọc Tám Mối Phước Thật dưới nhãn quang cá nhân hơn là liên quan đến tầm vóc cộng đồng. 

Nói cách khác chúng ta quen suy niệm những điều trong Tám Mối Phước Thật như là những điều liên hệ đến cá nhân của mỗi người chúng ta, hơn là khuôn mẫu để tổ chức cộng đồng. 

Dĩ nhiên, nếu mỗi cá nhân chúng ta đều "khao khát sự công chính" và can đảm, hy sinh, gắng công thực hiện, cho dù có phải bị "sỉ vả, bách hại, vu khống", thì chắc chắn chúng ta sẽ tạo được cuộc sống cộng đồng trong công chính, hoà bình và thương yêu. 

Nhưng khuôn mẫu một cuộc sống cộng đồng trong tinh thần Ki Tô Giáo đã được Chúa Giêsu đề cập đến khi Ngài khuyên bảo chúng ta thực hiện những huấn dạy của Tám Mối Phước Thật như là muối và ánh sáng cho trần gian, ở những giòng kế tiếp của Phúc Âm hôm nay của Thánh Matthêu: 

- "Anh em là muối của trần gian. Anh em là ánh sáng cho trần gian, ánh sáng của anh em phải chiếu giãi trước mặt thiên hạ, để họ thấy những công việc tốt đẹp anh em làm, mà tôn vinh Cha anh em , Đấng ngự trên trời" (Mt 5, 13.14.16). 

Hiểu được như vậy, chúng ta ý thức được trọng trách của cách hành xử người Ki Tô hữu theo tinh thần Tám Mối Phước Thật. "Khao khát sự công chính" và can đảm, hy sinh, chấp nhận thiệt thòi về phía mình, kể cả thiệt thòi cho mạng sống, để thực hiện công chính cho anh em, không những chỉ có kết quả ở tầm vóc cho việc chính chúng ta đứng ra tranh đấu để đem lại một xã hội công chính, tự do và tình thương cho anh em, mà còn có tầm quan trọng là mẫu gương cho người khác noi theo, để cùng chúng ta cộng tác xây dựng một cuộc sống xã hội theo mẫu gương Tám Mối Phước Thật. Và qua hành động của chúng ta, họ nhận ra Thiên Chúa là Cha trên trời. 

Hiểu như vậy, chúng ta hiểu được tại sao Chúa Giêsu hứa ban cho những ai "khao khát sự công chính" và can đảm đem ra hy sinh thực hiện, phần thưởng ngay cả ở đời nầy: 

- "Phước thay ai bị bách hại vì sống công chính, vì Nước Trời là của họ"(Mt 5, 10). 

Chúa Giêsu không dạy chúng ta như ở những điều khoản khác "vì họ sẽ được đất hứa làm gia nghiệp, sẽ được Thiên Chúa an ủi, sẽ được Thiên Chúa cho thoả lòng", mà là 

- "vì Nước Trời là của họ" (Mt 5, 3.10), 

đối với những "ai có lòng khiêm nhường bé mọn biết thương người" và những ai "khao khát sự công chính". 

Người "khao khát sự công chính", "bị bách hại vì công chính", vì ao ước, suy tư, quyết định và thực hiện công chính là những người đã chiếm được Nước Trời, đã chiếm được tình thương của Thiên Chúa, đã ở trong cung lòng Thiên Chúa ngay ở trần gian nầy: "vì Nước Trời là của họ". 

Khuôn mẫu của cuộc sống mới, ánh sáng huy hoàng của thế hệ nhân loại mới trong giáo lý Ki Tô giáo vừa kể đã được thể hiện nơi những con người đã tìm kiếm , ao ước và thực hiện những gì Chúa muốn dạy chúng ta trong Tám Mối Phước Thật. 

Những con người đó là những Vị Thánh Nam Nữ, mà chúng ta mừng lễ hôm nay. 

Những con người đó có được Giáo Hội biết đến và tôn vinh lên bậc chân phước hay hiển thánh không? Điều đó không quan trọng. 

Bởi vì không có một mảnh vụn nào dù nhỏ nhặt đến đâu trong những điều Chúa Giêsu dạy chúng ta thực hiện trong Tám Mối Phước Thật mà Thiên Chúa không đánh giá và thăng thưởng cho những ai ao ước và ra công thực hiện. Bởi vì những ước muốn, những tác động hành xử đó của các con cái Ngài là những biểu tượng sự thánh thiện và lòng nhân ái của chính Ngài.

Nguyễn Học Tập - Thanhnienconggiao
Các thánh, những vị đã ao ước và hành động theo ý muốn Thiên Chúa. Reviewed by Em Binh on 10/31/2012 Rating: 5 SUY NIỆM PHÚC ÂM (IV B 53); (01.11.2012); (Mt 5, 1-12)  LỄ CÁC THÁNH NAM NỮ, NĂM B.  NGUYỄN HỌC TẬP - A) Con người mới, con người...

Không có nhận xét nào: