Chướng ngại lớn nhất của linh mục? - Thanh Niên Công Giáo

728x90 AdSpace

Trending
12 tháng 10, 2012

Chướng ngại lớn nhất của linh mục?

VRNs (11.10.2012) – Sài Gòn – Thượng Hội Đồng Giám Mục kỳ thứ 13 vừa khai mạc tại thánh đô Vatican, có chủ đề “Tái truyền giảng Tin Mừng để thông truyền Phúc Âm”.

Trong phần phát biểu của các nghị phụ, có lẽ chúng tôi chú ý đến hai lời phát biểu ấn tượng. Đó là lời phát biểu của Đức Tổng Giám Mục Socrates Villegas của giáo phận Lingayen-Dagupan, Philippines và của Đức Hồng Y Zenon Grocholewski, người Ba Lan, Tổng trưởng Bộ giáo dục Công Giáo.

Đức Tổng Socrates Villegas nói rằng chỉ có thể rao giảng Tin Mừng cho người nghèo nếu người truyền giảng chia sẻ sự nghèo khó của họ. “Tin Mừng có thể được giảng cho những bao tử trống rỗng, nhưng chỉ khi nào bao tử của người giảng thuyết cũng trống như bao tử các giáo dân của mình”.

Còn Đức Hồng Y Zenon Grocholewski thì nói rằng chướng ngại lớn nhất mà một linh mục hoặc một nhà thần học gặp phải, trong việc trở thành một nhà rao giảng Tin Mừng đích thực chắc chắn là thái độ kiêu ngạo, cùng với “đồng minh” của tật xấu này là sự ích kỷ. Sự ham hố và miệt mài cố gắng trở thành cao trọng, thành người đặc sắc và quan trọng khiến cho nhiều giáo sĩ trở thành những “người chăm sóc bản thân mình thay vì lo lắng quan tâm cho đoàn chiên”, như thánh Augustino đã nói.

Hai nghị phụ từ hai phương trời xa lạ gặp nhau ở một điểm chung. Ấy là điểm của đức tin và lòng mến và là điểm chính yếu trong công cuộc rao giảng Tin Mừng. Điều này đã được Đức Kitô công bố khi Người khởi đầu công cuộc rao giảng Tin Mừng. Thánh Luca ghi lại: “Họ trao cho Người cuốn sách ngôn sứ I-sai-a. Người mở ra, gặp đoạn chép rằng : Thần Khí Chúa ngự trên tôi, vì Chúa đã xức dầu tấn phong tôi, để tôi loan báo Tin Mừng cho kẻ nghèo hèn” (Lc.4,17-18).

Đức Hồng Y Zenon Grocholewski cho rằng không thể rao giảng Tin Mừng nếu sống ích kỷ và kiêu căng, còn Đức Tổng Socrates Villegas thì nhấn mạnh đến việc chia sẻ cảnh nghèo của con người thời đại.

Truyền thống Hội Thánh bắt nguồn từ Đức Kitô là sự khó nghèo khiêm hạ. Đầu mục thế gian thì kiêu căng, giả dối và bất công. Còn các mục tử trong Hội Thánh thì khiêm tốn, trung thực và nói lên tiếng nói của công lý và sự thật.

Đức Hồng Y Fulton Sheen đã từng viết: “Hai mươi thế kỷ đã qua, sự căm ghét Chúa Giêsu vẫn chưa nguôi. Lý do là vì Người còn là một chướng ngại vật làm cản trở tội lỗi, tính ích kỷ, thuyết vô thần và tinh thần thế tục”.

Như thế, đời sống của các vị giáo sĩ và tu sĩ sẽ bị rập khuôn với kẻ chống đối Chúa nếu các ngài ích kỷ, “chăm sóc bản thân mình” và theo tinh thần thế tục, là tinh thần ham của cải và những gì thuộc về thế gian.

Nhưng thế nào là “bao tử của người giảng thuyết cũng trống như bao tử các giáo dân của mình”? Đó là sự từ bỏ những tiện nghi, là sự từ chối những xa hoa, yến tiệc linh đình. Đó còn là sự chia sẻ đến tận cùng, không giữ lại riêng gì cho mình và không hãnh diện về vật chất mình đang có.

Khi mục tử sống nghèo, người tín hữu giáo dân thấy gần gũi với ngài, và do đó họ cũng gắn bó với Giáo Hội. Trong một bài viết, tôi có kể chuyện mấy lần nhóm cựu sinh viên chúng tôi đến mừng Bổn Mạng Bố Matthêu Vũ Khởi Phụng. Một lần chúng tôi biếu ngài hộp bánh. Mấy hôm sau khi ngài dẫn chúng tôi đi thăm một nhà nuôi trẻ ở Tân Bình, ngài đã cho lại các em. Lần khác anh em biếu ngài chiếc áo, mà lâu quá vẫn không thấy ngài mặc, dò tìm thì biết áo đã có chủ khác.

Đó là chuyện riêng tư, nhưng quả thật rất đáng nói ra, không phải để ca ngợi Bố của chúng tôi, nhưng là để xác nhận lời của các nghị phụ. Và cũng để nói rằng: người tín hữu giáo dân, nhất là người nghèo, thấy hạnh phúc vô cùng khi các vị mục tử cúi xuống bên mình.

Đức Hồng Y Zenon Grocholewski thì lên án thái độ kiêu ngạo và ích kỷ của linh mục. Chúng ta phải cám ơn Chúa vì chúng ta vẫn gặp những vị linh mục đứng khiêm tốn bên người nghèo, đi âm thầm bên người cô độc và ngồi lặng lẽ bên người bị áp bức. Nhưng không ít lần chúng ta thấy có những mục tử đi bằng những phương tiện thế gian mà người nghèo chỉ thấy bóng ngài lướt nhanh.

Đức Kitô khiêm tốn bên đoàn dân nghèo xứ Israel. Người vẫn còn lặng lẽ bên dân thánh trong cuộc đời của họ. Và cũng vì Người khiêm hạ âm thầm, thế gian điêu ngoa mới có dịp lên giọng kiêu căng hợm hĩnh. Người kêu gọi môn đệ Người, nhất là các mục tử, thầm lặng với Người để âm thầm “hạ kẻ quyền thế xuống khỏi toà cao và nâng kẻ khiêm nhường lên” như lời Kinh Magnificat của Mẹ chúng ta.

Vậy thì các mục tử không thể đi trên con đường khác với con đường của Đức Kitô, bởi một lý do đơn giản: các ngài đi theo tiếng gọi của Đức Kitô chứ không phải của thế gian.

Suy tư về lời các nghị phụ của Thượng Hội Đồng Giám Mục, chúng ta thấy vui mừng vì Hội Thánh vẫn luôn ở bên chúng ta và ôm ấp chúng ta. Chúng ta cùng sốt sắng cầu xin cho Hội Thánh, cho các nghị phụ và các vị chủ chăn trung thành với con đường của Đức Kitô, và nhờ đó, chúng ta cũng được dẫn dắt trên con đường đầy bóng mát yêu thương.

Gioan Lê Quang Vinh, VRNs

Chướng ngại lớn nhất của linh mục? Reviewed by Admin on 10/12/2012 Rating: 5 VRNs (11.10.201 2) – Sài Gòn – Thượng Hội Đồng Giám Mục kỳ thứ 13 vừa khai mạc tại thánh đô Vatican, có chủ đề “Tái truyền giảng Tin Mừng...

Không có nhận xét nào: