Hà Nội, Bắc Kinh và vấn đề dân chủ - Thanh Niên Công Giáo

728x90 AdSpace

Trending
1 tháng 10, 2012

Hà Nội, Bắc Kinh và vấn đề dân chủ


Hạ Đình Nguyên - Thời sự mấy tuần nay cho thấy áp lực của Bắc Kinh vào Việt Nam và Biển Đông tạm lắng dịu – sự lắng dịu đáng nghi ngờ mà mọi người quan tâm đến thời cuộc đang nín thở cảnh giác – nhưng ở Việt Nam lại nổi lên những vấn nạn về Dân chù.

Dư luận chưa ngớt xôn xao với chì thị của Thủ Tướng Nguyễn Tấn Dũng về ngăn cấm, cảnh cáo và lên án những trang mạng xã hội, thì tiếp đến là phiên tòa xét xử ba blogers với các bản án được dư luận cho là không thích hợp; cùng sự xuất hiện những bài báo của những tờ báo nhà nước chính thống (Nhân dân, Quân đội nhân dân, Mặt trận tổ quốc), có nội dung thống nhất, đồng loạt đả kích và lên án những người xuống đường chống bành trướng Bắc Kinh, chống bất công, đòi lại đất đai, đòi dân chù và nhân quyền trong thời gian qua.

Có người đặt câu hỏi, đây là sự tình cờ trùng hợp, hay có sự sắp đặt “đồng thuận” nào đó của Bắc Kinh, khi mà sự lắng dịu tạm thời do Bắc Kinh giảm nhẹ áp lực lên Việt Nam, thì lập tức Việt Nam rảnh tay, thẳng tay trấn áp những người đòi dân chủ và chống xâm lược Bắc Kinh, nhất là ngay sau khi Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trở về từ chuyến đi Trung Quốc và gặp Tập Cận Bình ?

Cách đây không lâu, giới bình luận quốc tế cho rằng, hành động bành trướng và hung hăng của Bắc Kinh là tạo điều kiện thuận lợi cho Mỹ gắn bó lại với các nước Đông Nam Á. Vì để bảo vệ nền độc lập của mình, trước đe dọa xâm lăng của Bắc Kinh, các nước Đông Nam Á cần sự gắn kết và hổ trợ của các nước lớn khác, đặc biệt là Mỹ, như một thế lực đối trọng.

"Việt Nam đã lọt vào bẫy của Bắc Kinh, khi tiến hành đàn áp những yêu sách đòi cải thiện dân chủ của nhân dân."
Hạ Đình Nguyên

Nay Bắc Kinh bỗng hạ giọng, đổi chiến thuật, đi vòng quanh các nước, hứa hẹn hòa bình, cam đoan duy trì ổn định, không bắt nạt ai.

Các nước Đông Nam Á, từ thế đứng độc lập sẵn có, tỏ ra bình tĩnh; riêng Việt Nam Xã Hội Chủ Nghĩa, thế đứng chênh vênh miệng cọp nên rất mừng rỡ, các lãnh đạo ai nấy đều phát biểu “đồng thuận” với Bắc Kinh.

Nhưng đồng thuận trong chủ trương giữ hòa bình Biển Đông, sao lại vội vàng quay ra trấn áp những đòi hỏi bức xúc của nhân dân về yêu cầu dân chủ có thật và những biểu thị tinh thần yêu nước khi khi đất nước bị đe dọa chủ quyền và lãnh hải bị xâm phạm?

Thái độ nhà nước đang tỏ ra giận dữ, triển khai trấn áp thành phần này, bên cạnh chiến dịch chống tham nhũng đang hồi diễn tiến gay go trong nội bộ nhà nước, cùng với cơn lốc tài chánh đang gia tăng.
Việt Nam quay lại gần Trung Quốc?

Bắc Kinh sẽ hưởng được lợi ích gì sau một nước cờ cao, với kế “thập diện mai phục” qua bốn hiện tượng sau:

1. Khi Việt Nam thực hiện mạnh bạo các hành động trấn áp, bóp nghẹt thông tin, triệt hạ internet, bỏ tù các bloggers, đàn áp, miệt thị những người biểu tình, đi ngược lại xu thế hội nhập và dân chủ, không thực thi Công Ước Quốc tế về Dân sự và Chính trị, về Hợp tác thương mại mà Việt Nam đã ký kết tham gia... tức là Việt Nam tự đẩy mình ngày càng xa với cộng đồng thế giới, cũng đồng thời có nghĩa là lùi dần về phía Bắc Kinh.

Việc làm này đã phát đi một tín hiệu lan ra khắp thế giới rằng, Việt Nam đã nói “không” với trào lưu hội nhập.

Lãnh đạo Việt Nam kiên trì theo đuổi đường lối hòa bình hữu nghị với Trung Quốc

Thái độ kiên quyết “ăn thua đủ”, hay “ai thắng ai” đối với 10 Điếu Cày hay 100 loại Điếu Cày, cũng không bù đắp được sự mất mát hình ảnh của một đất nước có lịch sử vang lừng về yêu chuộng hòa bình, từng được sự ủng hộ của nhiều quốc gia trên thế giới trong thời kỳ kháng chiến.

Là vì nỗi ám ảnh về một “mùa xuân Á Rập”, hay là vì một áp lực từ Bắc Kinh? Cả hai lý do đều không hợp lý, cả hai lý do đều bộc lộ một sự thiếu tự tin không đáng có.

Lý Hiển Long, Thủ tướng Singapore, đã nói gì với Hồ Cẩm Đào tại Bắc Kinh? Ông ấy nói rằng biển, đảo, tài nguyên phía dưới biển đều là quý, nhưng không thể so sánh với hình ảnh một Trung Quốc trước cái nhìn của thế giới, ý khuyên rằng hãy bỏ cái mặt hung hăng sát khí, thay vào đó bằng cái mặt nhân văn, dân chủ, tử tế, biết điều hơn, thì có lợi ích lớn lao hơn.

Sự biểu dương quyền lực của nhà nước Việt Nam, thể hiện qua các phiên tòa và các vụ đàn áp nông dân, có lẽ không có lợi ích gì đáng kể, so với mất mát nhiều mặt, về quan hệ quốc tế, về tính khoan dung, độ lượng và sức chứa nhỏ nhoi của một nhà nước, mệnh danh là Nhà Nước Xã Hội Chủ Nghĩa, một học thuyết được tự cho là cao cả.

Đây là thành quả không làm mà được của Bắc Kinh. Họ không mong muốn gì hơn thế, không tốn viên đạn nào, không mang tai tiếng với các nước láng giềng. Nói khác, Việt Nam đã lọt vào bẫy của Bắc Kinh, khi tiến hành đàn áp những yêu sách đòi cải thiện dân chủ của nhân dân.

2. Những cuộc trấn áp càng dữ dằn bao nhiêu, trong tình hình mà nhà nước đang rơi vào vòng xoáy tham nhũng chưa thấy rõ lối ra, càng làm cho khoảng cách giữa nhân dân và nhà nước càng lớn, quan hệ nhà nước và nhân dân vốn đã mất niềm tin lại càng mất niềm tin hơn nữa.

Trấn áp có mục đích gây nên sự sợ hãi, thì có sự sợ hãi, nhưng sự sợ hãi đang được tích lũy trở thành sự phẫn nộ.

Các cuộc đàn áp nông dân đòi đất, khiếu kiện đông người, và đặc biệt phiên tòa xử các bloggers ngày 24/9 vừa qua tại TP HCM, đã bộc lộ thật sự bản chất của hai từ “dân chủ” gượng gạo mà nhà nước vẫn nhân danh, sự hằn học không cấn thiết qua thái độ và cách hành xử ở các phiên tòa, và qua các ngòi bút tuyên huấn không có tính thuyết phục mà đầy sát khí của đao phủ.

Khoảng cách giữa nhân dân và nhà nước càng rộng, càng trúng ý Bắc Kinh. Bởi vì nhà nước độc tài thì cần sự ủng hộ của ai, nếu không phải là Bắc Kinh vì cùng phe Xã Hội Chủ Nghĩa, vốn được xem là yếu tố quyết định cho sự chọn lựa hướng đi của đât nước.


Bắc Kinh không cần dân chủ. Họ sẽ rất hào phóng tài trợ, dung dưỡng, khuyến khích cho một chính quyền độc đoán nằm trong quỹ đạo của mình. Họ không mong muốn gì hơn một Việt Nam như thế. Đây không phải là điều Đảng CSVN đã từng lo lắng hay sao?
Câu hỏi cần trả lời

3. Tham nhũng và chống tham nhũng như những đợt sóng triều nối tiếp nhau trên nền một cơ chế thích ứng để sinh sản ra chính nó.

Cuộc thanh lọc hàng ngũ, hay đấu tranh phe nhóm, hay chống tham nhũng đang diễn ra, sẽ diễn biến tới đâu, hoặc tắc tị ở đoạn nào đó, nhân dân đang hồi họp chờ xem.

Thế lực của các nhóm lợi ích sẽ được khoanh lại và bị khống chế hay đang nở ra theo những ngõ ngách mới? Có ai dám chắc rằng không có bàn tay của Bắc Kinh đang khuấy đảo từ nhiều tư thế ?

Bắc Kinh không bao giờ muốn, và không cho phép một Việt Nam độc lập, có nền kinh tế phát triển phù hợp với quan điểm hội nhập, mà ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton đã chính thức chuyển thông điệp: muốn phát triển kinh tế phải đi đôi với mở rộng dân chủ.

Bắc Kinh cần một Việt Nam có tham nhũng và cũng cần có chống tham nhũng; đồng thời cần có đấu tranh lẫn nhau (và họ sẽ làm trọng tài thu xếp cho).

"Có ai dám chắc rằng không có bàn tay của Bắc Kinh đang khuấy đảo từ nhiều tư thế?"
Hạ Đình Nguyên

Tư tưởng chỉ đạo xuyên suốt của Mao Trạch Đông và đệ tử là phải gây cho thiên hạ đại loạn thì mới dễ bề cai trị.

4. Nội bộ Ban Lãnh đạo Việt Nam sẽ không bao giờ được cho phép đoàn kết để có sức mạnh. Đó là ý muốn nghìn đời của Trung Quốc, cũng là ý muốn của Bắc Kinh ngày hôm nay.

Nhưng với tầm cao “đại cục” của Bắc Kinh ở thế kỷ 21, họ không chỉ muốn gây “đại loạn” ở một vùng đất Việt Nam địa đầu chiến lược, mà đại loạn toàn vùng Đông Nam Á - Thái Bình Dương, như cả thế giới đều thấy rõ.

Các lãnh đạo Việt Nam, từng người một, tức là mỗi người, đều có tiếp xúc “song phương” với “một” tâm điểm Bắc Kinh. Ban lãnh đạo Việt Nam dưới mắt người dân là một “tập hợp mờ”, nhìn nhau còn chưa rõ mặt, nói nhau chưa dám trọn câu, vì thế mọi việc trở nên khó hiểu.

Với lộ trình hành xử trên đây, Việt Nam càng rời xa hơn với cộng đồng thế giới và càng lùi lại gần hơn nữa với Bắc Kinh.

Phải chăng, bốn động thái đang diễn ra hiện nay đều do ý muốn và có bàn tay tạo dựng của Bắc Kinh?

Một câu hỏi được đặt ra : Việt Nam bị cưỡng bức hay tự nguyện đi vào quỹ đạo của Bắc Kinh?

Câu hỏi tiếp theo là: Ai bị cưỡng bức hay toàn dân tộc bị cưỡng bức Bộ phận nào tự nguyện hay cả dân tộc tự nguyện?

Câu hỏi này có thể trả lời bằng hai tiếng “không và không!” về phía dân tộc. Phần trả lời còn lại thuộc về những người đang có trọng trách.

Bài viết phản ánh quan điểm và văn phong của tác giả, nguyên chủ tịch Ủy ban tranh đấu Tổng hội Sinhviên Sài Gòn.

Viết từ TP Sài Gòn

Hà Nội, Bắc Kinh và vấn đề dân chủ Reviewed by Admin on 10/01/2012 Rating: 5 Hạ Đình Nguyên - Thời sự mấy tuần nay cho thấy áp lực của Bắc Kinh vào Việt Nam và Biển Đông tạm lắng dịu – sự lắng dịu đáng nghi ngờ mà m...

Không có nhận xét nào: