Học giả quốc tế nói về chủ quyền Biển Đông - Thanh Niên Công Giáo

728x90 AdSpace

Trending
27 tháng 10, 2012

Học giả quốc tế nói về chủ quyền Biển Đông

Việt Chi - Với mưu đồ độc chiếm Biển Đông, thực thi yêu sách phi lý “đường lưỡi bò”, Trung Quốc ngày càng gây hấn tạo căng thẳng gây áp lực với các nước trong khu vực, điều này đã khiến cả cộng đồng quốc tế quan tâm đặc biệt đến diễn biến tại Biển Đông trong thời gian vừa qua.

Nhiều nhà nghiên cứu, học giả, luật gia trên thế giới đã bỏ nhiều công sức để nghiên cứu tìm ra sự thực, chân lý cho các vấn đề tranh chấp ở Biển Đông.

Bà Monique Chemillier – Gendreau, Giáo sư công pháp quốc tế và khoa học chính trị tại trường đại học Paris- VII – Denis Diderot, nguyên Chủ tịch hội luật gia dân chủ Pháp đã dày công đi khắp các trung tâm lưu trữ ở Anh, Pháp và Việt Nam để nghiên cứu tìm tòi các tư liệu liên quan đến chủ quyến 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa để viết cuốn sách “Chủ quyền trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa”. Trong tác phẩm của mình, Bà Monique Chemillier – Gendreau đã đưa ra đánh giá một các độc lập, khách quan về các tư liệu pháp lý, lịch sử chứng minh chủ quyền của Việt Nam đối với 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Trong một lần phỏng vấn giáo sư Monique Chemillier – Gendreau nói: “Khi tôi bắt đầu nghiên cứu vấn đề này dưới góc độ luật pháp quốc tế, tôi đã bắt đầu bằng cách nghiên cứu xem đâu là danh nghĩa lịch sử của các quốc gia nêu yêu sách đối với các đảo này. Tôi thấy rằng Việt Nam được thừa kế danh nghĩa lịch sử mà các vị Vua Việt Nam đã xác lập từ Thế kỷ 17, bởi vì vào thời kỳ đó, đã có những tư liệu, khẳng định rằng từ Thế kỷ 17 đến giữa Thế kỷ 19, các vị Vua Việt Nam đã khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với 2 quần đảo. Điều tạo nên bằng chứng pháp lý chính là việc các vị Vua của An Nam không dừng lại ở việc nói rằng “đây là quần đảo của chúng tôi” mà còn tiến hành các hoạt động quản lý. Đây chính là nội dung của quy tắc luật quốc tế. Khi có một lãnh thổ ban đầu không có người ở, cũng chính là trường hợp hai quần đảo này, một quốc gia chiếm hữu nó, danh nghĩa chủ quyền có hiệu lực khi quốc gia này thực thi quyền lực của mình trên lãnh thổ này, có nghĩa là khi quốc gia này thực hiện các hành động thực sự nhằm quản lý lãnh thổ đó. Từ những gì mà tôi được tiếp cận, có thể thấy rằng các vị Vua An Nam đã chủ ý thực thi chủ quyền đối với 2 quần đảo. Họ đã cử các đội thuyền đến khu vực 2 quần đảo vào những mùa thích hợp với những mệnh lệnh chính xác như trồng cây, đo đạc các đảo…. Từ những điều đó có thể kết luận rằng ở thời kỳ đó đã có danh nghĩa pháp lý của các vị Vua Việt Nam đối với 2 quần đảo mà ta không thể tìm thấy danh nghĩa tương tự như vậy đối với các nước khác trong khu vực…Pháp đã phát hiện ra rằng An Nam, quốc gia mà họ đang bảo hộ đã xác lập chủ quyền đối với các đảo này nên Pháp cần phải thay mặt An Nam khẳng định chủ quyền đối với các đảo này và họ đã tuyên bố rất rõ ràng điều đó. Vào đầu những năm 30 (của Thế kỷ 20), văn bản thể hiện rõ ràng quan điểm của Pháp vào năm 1932, trong văn bản trao đổi với Trung Quốc, Pháp đã khẳng định rõ ràng rằng các đảo này không thuộc về Trung Quốc mà chủ quyền thuộc về An Nam và nước Pháp thực thi chủ quyền đối với các đảo này với tư cách quốc gia bảo hộ…và nước Pháp gửi các đoàn khảo sát, xây dựng hải đăng, đồn lính trên các đảo này…. Vào năm 1930, Pháp đã gửi một chiến hạm đến chiếm đảo Trường Sa và năm 1933, Pháp đã mở rộng chiếm đóng lên một nhóm đảo ở quần đảo Trường Sa”.Với những phân tích trên đây bà Monique Chemillier – Gendreau kết luận “Như vậy, trong thời kỳ thuộc địa, Pháp đã khẳng định danh nghĩa chủ quyền đối với Hoàng Sa và Trường Sa theo phương thức khác nhau.”

Một bản đồ cổ ghi rõ chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Ảnh: Internet.

Cùng quan điểm với bà Monique Chemillier – Gendreau, Giáo sư Gillian Triggs, Giám đốc trung tâm Luật trường Đại học Sydney của Úc với công trình nghiên cứu công phu nhan đề “Tranh chấp biên giới trên biển ở biển Nam Trung Hoa: vấn đề luật pháp quốc tế”, đã cho rằng“Tranh chấp quần đảo Hoàng Sa, các chứng cứ lịch sử củng cố danh nghĩa của Việt Nam là từ đầu Thế kỷ 18, việc quản lý hữu hiệu đã được bảo đảm bởi người Pháp trong giai đoạn thuộc địa. Yêu sách của Trung Quốc đối với các đảo xuất hiện vào năm 1909 và dựa vào việc chiếm đóng bằng vũ lực từ những năm 1960. Quan điểm phù hợp hơn là Trung Quốc không thể yêu sách chủ quyền dựa trên xâm chiếm và Việt Nam đã nhiều lần phản đối để giữ danh nghĩa trên chứng cứ lịch sử của mình. Trong hoàn cảnh đó, luật pháp quốc tế có thể sẽ thừa nhận rằng Việt Nam có quyền hơn là Trung Quốc đối với chủ quyền ở Hoàng Sa”. Đối với quần đảo Trường Sa, Giáo sư Gillian Triggs nhận định rằng “Nhờ sự chiếm cứ và quản lý của người Pháp trong giai đoạn thuộc địa, Việt Nam dường như có yêu sách tương đối mạnh hơn về Trường Sa so với các quốc gia khác. Việt Nam có yêu sách khá lâu đời, xuyên suốt các triều đại của các vị vua An Nam và từ năm 1956 đã chiếm đóng rất nhiều đảo”.

Vấn đề chủ quyền đối với 2 quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa lại được các chuyên gia, học giả đề cập đến tại cuộc hội thảo “Biển Đông - vùng xung đột mới” do Viện Quan hệ quốc tế và chiến lược (IRIS) và Quỹ Gabriel Péri, một tổ chức chuyên nghiên cứu chính trị có uy tín tại Pháp, tổ chức Ngày 16/10/2012 tại Paris. Tại cuộc hội thảo, khi bàn về giải pháp cho các tranh chấp ở Biển Đông, các chuyên gia hàng đầu của Pháp và châu Âu về Luật biển quốc tế và địa chính trị đều rằng giải pháp bền vững và đúng đắn nhất cho các tranh chấp ở Biển Đông, bao gồm cả vấn đề chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa là đưa vụ việc ra Tòa án quốc tế La Haye. Các chuyên gia cũng cho rằng sở dĩ Trung Quốc không muốn có tòa quốc tế nào phân xử tranh chấp trên Biển Đông vì họ hoàn toàn không có chứng cứ pháp lý và lịch sử để bảo vệ cho các yêu sách phi lý của họ.Giáo sư Monique Chemillier-Gendreau một lần nữa nhấn mạnh “trong trường hợp đòi chủ quyền lãnh thổ, quyền đòi hỏi, được áp dụng đến tận ngày nay, phải dựa trên điều mà người ta gọi là pháp luật theo tập quán. Trung Quốc chỉ đề cập đến các quần đảo trên biển Đông trong tài liệu từ năm 1930. Trong khi các vua chúa An Nam đã lập địa bạ về Hoàng Sa và Trường Sa từ thế kỷ 17. Điều đó có nghĩa trên phương diện luật pháp và chứng cứ kiểm chứng được, các tài liệu do Việt Nam đưa ra có thời gian lâu hơn”.

Tại cuộc hội thảo quốc tế với chủ đề “Thực trạng vấn đề chủ quyền Biển Đông và giải pháp” diễn ra ngày 23/10/2012 tại Đại học Tổng hợp Chosun (Hàn Quốc), Giáo sư chuyên ngành Việt Nam học Lee Yun-boem thuộc trường Đại học Chungwoon (Hàn Quốc) đã đi sâu phân tích, nhấn mạnh “Việt Nam công khai kiên quyết giữ vững lập trường đối với vấn đề chủ quyền hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, thể hiện trên hai nội dung chính: Thứ nhất, Việt Nam có đầy đủ các chứng cứ lịch sử minh bạch chứng minh chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa; Thứ hai, Việt Nam chủ trương giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình”. Trong khi đó, Giáo sư Ahn Kyong-hwan thuộc Đại học Chosun cho rằng về mặt lịch sử, quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa được chứng minh một cách rõ rang là đã được Việt Nam cai quản một cách hiệu quả.

Về những căn cứ lịch sử liên quan đến chủ quyền trên biển Đông, tiến sỹ Isabel, Viện Giáo dục Ngôn ngữ thuộc Đại học Chosun, có tham luận nhan đề “Căn cứ và sự thật lịch sử về chủ quyền quần đảo Trường Sa, Hoàng Sa của Việt Nam.” trong đó khẳng định rằng: “Không chỉ từ luật quốc tế và thực tiễn của tình hình quốc tế mà cả từ những kết luận và chứng cứ lịch sử đã được đề cập, có thể đưa ra ba luận điểm quan trọng sau: Thứ nhất, Việt Nam chứ không phải quốc gia nào khác đã sở hữu một cách thực chất quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa từ lâu. Thứ hai, từ sau thế kỷ 17, trong hàng trăm năm, Việt Nam đã thực thi chủ quyền của mình đối với quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa theo phương thức hòa bình và liên tục. Thứ ba, Việt Nam đã bảo đảm được danh phận và quyền lợi hợp pháp để đối phó với các ý đồ và hành động xâm phạm chủ quyền quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa.”

Như vậy, qua những ý kiến trên đây của các chuyên gia, nhà nghiên cứu, học giả quốc tế, chúng ta đều thấy rằng căn cứ vào luật pháp quốc tế, Việt Nam là quốc gia có chủ quyền đối với 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Yêu sách của Trung Quốc ở Biển Đông là hoàn toàn không có cơ sở pháp lý. Việc mới đây Trung Quốc công bố thành lập cái gọi là “thành phố Tam Sa” là hoàn toàn phi pháp, xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam đối với 2 quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa. Hành động này của Trung Quốc đang bị lên án bởi cả cộng đồng quốc tế và sự phản kháng quyết liệt của các nước có liên quan .

Học giả quốc tế nói về chủ quyền Biển Đông Reviewed by Admin on 10/27/2012 Rating: 5 Việt Chi - Với mưu đồ độc chiếm Biển Đông, thực thi yêu sách phi lý “đường lưỡi bò” , Trung Quốc ngày càng gây hấn tạo căng thẳng gây áp...

Không có nhận xét nào: