Trà Mi-VOA - Thế giới đang quan ngại trước tình trạng vi phạm nhân quyền ngày càng trầm trọng tại Việt Nam, với những sự chỉ trích đồng loạt từ Liên hiệp Châu Âu, Liên hiệp quốc, và Hoa Kỳ, nhất là sau bản án tổng cộng 26 năm tù dành cho blogger Điếu Cày, Tạ Phong Tần, và AnhbaSG. Nhân dịp ông Phil Robertson, Phó Giám đốc của Human Rights Watch phụ trách khu vực Châu Á, ghé thăm đài VOA, Trà Mi có cuộc trao đổi với ông xoay quanh những ghi nhận và các kế hoạch sắp tới của tổ chức Theo dõi Nhân quyền này đối với thành tích nhân quyền của Hà Nội.
Ông Phil Robertson, Phó Giám đốc của Human Rights Watch phụ trách khu vực Châu Á đến thăm VOA |
Phil Robertson: Chúng tôi thấy tình hình nhân quyền Việt Nam đang dần dần tuột dốc. Không gian cho người dân thực thi quyền tự do bày tỏ ý kiến, tự do tụ tập hay tự do lập hội ngày càng bị thu hẹp trong khi công an ngày càng đối phó mạnh tay hơn với những người bất đồng chính kiến. Chúng tôi rất lo ngại rằng Việt Nam sẽ có thêm hành động quyết liệt đối với quyền sử dụng internet của công dân với nghị định về internet cho phép công an truy quét những ai đưa lên mạng những quan điểm cá nhân trái với nhà nước. Trong nhiều năm qua, Việt Nam có lợi thế khi Miến Điện cùng nằm trong nhóm các nước ASEAN có thành tích nhân quyền tệ hại. Hà Nội trước đây có thể chỉ vào Miến Điện mà nói rằng nhân quyền của Miến còn tệ hại hơn chúng tôi nhiều, hãy để ý tới Miến Điện, đừng làm khó chúng tôi quá. Giờ đây tình hình đã thay đổi. Nay Miến Điện đang có những tiến bộ đáng kể về nhân quyền, nhiều cơ quan nhân quyền quốc tế và các nước cấp viện đang có những cái nhìn khác đối với nhân quyền Việt Nam. Giới học giả, giới hoạt động, và giới ngoại giao đang bàn tán rằng liệu Việt Nam có thể thế chỗ Miến Điện trở thành nước có nhân quyền tồi tệ nhất trong khu vực Đông Nam Á.
VOA: Giữa những điểm tối mà ông vừa đưa ra, có dấu hiệu tích cực nào chứng tỏ Hà Nội không hoàn toàn làm ngơ mà ít ra cũng có phần nào lưu tâm tới những quan ngại của quốc tế về tình hình nhân quyền Việt Nam hay không?
Phil Robertson: Có một số lĩnh vực mà chúng tôi thấy có vài tín hiệu tiến bộ, ví dụ như về quyền của người đồng tính hay người chuyển đổi giới tính. Tại Hà Nội đã diễn ra cuộc chạy xe đạp cổ võ cho quyền này. Hoặc chẳng hạn như việc công nhận đối tác dân sự hiện đang được bàn tới. Đó là những tiến bộ nho nhỏ chúng tôi nhận thấy, nhưng bức tranh nhân quyền toàn cảnh của Việt Nam thì không sáng. Có điều gây ấn tượng là người dân Việt Nam vẫn tiếp tục sẵn sàng công khai đòi quyền của mình dù biết rằng sẽ bị nhà cầm quyền trả thù. Các nhà bất đồng chính kiến can đảm vẫn sẵn sàng lên tiếng thể hiện quan điểm và quyền tự do ngôn luận của công dân.
VOA: Quốc tế vẫn tiếp tục áp lực đòi Việt Nam cải thiện nhân quyền, nhưng, như ông mô tả, nhân quyền của Hà Nội lại không ngừng tệ đi. Nguyên nhân vì sao, theo ông?
Phil Robertson: Chúng tôi thấy áp lực từ quốc tế vẫn chưa đủ đối với Việt Nam. Ngoại trưởng Hoa Kỳ Hillary Clinton đã nhắc tới nhân quyền của Hà Nội trong chuyến thăm Việt Nam năm nay, đó là điều tích cực. Nhưng nhiều nước khác chưa lên tiếng nhiều hay công khai như vậy. Vụ xử ba nhà báo tự do Điếu Cày, Tạ Phong Tần, và AnhbaSG là một trường hợp ngoại lệ khi mà cả Mỹ, Châu Âu, và Liên hiệp quốc đều lên tiếng bày tỏ quan ngại vì ba blogger này được nhiều người biết tiếng. Nhưng ngoài ra, còn nhiều blogger khác ít được biết tiếng và những nhà hoạt động tranh đấu vì quyền lợi đất đai, trường hợp của họ không được cộng đồng quốc tế và Liên hiệp quốc biết đến và lưu tâm. Đó là điều đáng xấu hổ vì những trường hợp này xứng đáng nhận được sự quan tâm ngang bằng. Nhân quyền của họ cũng bị chà đạp y như những nhân vật được nhiều người biết đến vậy.
VOA: Chính quyền Việt Nam nói họ không khước từ nhân quyền của công dân. Họ chỉ trừng phạt những người phạm pháp để bảo đảm một xã hội tuân thủ luật lệ. Một bên gọi là các nhà hoạt động nhân quyền, một bên gọi là những người phạm pháp. Làm thế nào để giải quyết vấn đề khi bên bị tố cáo là Việt Nam và những người tố cáo là quốc tế nhìn nhận sự việc từ hai hướng khác nhau như thế?
Phil Robertson: Vấn đề căn bản là luật của Việt Nam không phù hợp với cam kết mà họ đã ký với quốc tế về nhân quyền. Điều luật trừng trị hành động ‘tuyên truyền chống nhà nước’ rõ ràng vi phạm điều 19 của Công ước Liên hiệp quốc về quyền chính trị và dân sự của công dân mà Việt Nam đã ký kết. Hà Nội cố thuyết phục thế giới là họ không chà đạp nhân quyền, nhưng vấn đề nằm ở chỗ luật của họ lại không tôn trọng nhân quyền. Họ dùng điều luật chung chung để trừng phạt bất kỳ hoạt động nào mà họ cho rằng trái với lợi ích của chính quyền. Họ bỏ tù trên chục năm đối với những người thực thi quyền bày tỏ quan điểm cá nhân như Điếu Cày hay Tạ Phong Tần. Thật quá tàn nhẫn. Điều này hoàn toàn trái ngược với cam kết của Hà Nội về tôn trọng nhân quyền và cách hành xử như vậy hoàn toàn không xứng đáng để Việt Nam ngồi vào chiếc ghế của Hội đồng Nhân quyền Liên hiệp quốc.
VOA: Lập luận của Việt Nam là mỗi nước có những đặc điểm riêng về lịch sử và môi trường chính trị, cho nên để bảo đảm một xã hội tuân thủ luật lệ, cần phải áp dụng các điều luật phù hợp với các đặc tính riêng biệt ấy.
Phil Robertson: Họ lập luận rằng những ngoại lệ so với các tiêu chuẩn quốc tế về nhân quyền là tùy thuộc vào điều kiện và môi trường nội bộ. Nhưng vấn đề là nhân quyền của con người ở tất cả mọi nơi trên trái đất này phải như nhau. Lập luận của chính quyền Hà Nội chứng tỏ chỉ vì anh là người Việt sinh sống ở Việt Nam, cho nên nhân quyền của anh ít được tôn trọng hơn so với người dân ở Thái Lan hay ở Mỹ. Quan điểm này không được cộng đồng quốc tế chấp nhận. Hồi đầu thập niên 90 khi cựu Thủ tướng Malaysia Mahathir bin Mohamad và cựu Thủ tướng Lý Quang Diệu của Singapore đưa ra lập luận tương tự, vấn đề được đưa ra Hội nghị Vienna về nhân quyền, dẫn tới Tuyên bố Vienna nhấn mạnh rằng nhân quyền có giá trị như nhau trên toàn cầu. Và Việt Nam đồng ý với quan điểm này. Cho nên, chúng ta thấy rõ ràng chính quyền Hà Nội nói một đằng làm một nẻo. Cần phải chấm dứt điều này.
VOA: Vậy làm thế nào có thể bảo đảm trật tự xã hội khi để cho người dân có thể nói gì thì nói, có thể chỉ trích nhà nước nhằm lật đổ chính quyền chẳng hạn. Nếu ai đó đặt câu hỏi này với ông, phản hồi của ông ra sao?
Phil Robertson: Trong các tiêu chuẩn nhân quyền quốc tế có một số điều khoản có thể hạn chế quyền tự do ngôn luận trong các trường hợp liên quan tới trật tự xã hội hay an ninh quốc gia, nhưng phải có những yếu tố thỏa đáng và hợp lý. Tống một người viết blog thể hiện quan điểm cá nhân như blogger Điếu Cày vào tù 12 năm rõ ràng là điều không thỏa đáng và không thể chấp nhận. Những gì Việt Nam đang làm chứng tỏ với thế giới rằng họ có thể ký cam kết với quốc tế nhưng không cần phải tuân thủ và không chịu trách nhiệm về những vi phạm.
VOA: Làm thế nào để giúp Việt Nam xóa khoảng cách giữa lời nói và hành động, như ông vừa mô tả?
Phil Robertson: Quan trọng là người dân Việt Nam phải tiếp tục đòi quyền căn bản cho mình một cách ôn hòa, tìm cách thúc đẩy nhà nước công nhận các quyền đó. Một điều quan trọng không kém là cộng đồng thế giới phải lên tiếng hơn nữa, nêu vấn đề với Việt Nam tại các diễn đàn công khai. Việt Nam cần coi lại vị trí của mình và những điều họ mong muốn có được trên trường quốc tế. Còn các nước phải có trách nhiệm nhắc nhở Việt Nam rằng những điều Hà Nội đang làm với công dân rõ ràng vi phạm với chính cam kết của họ và phải dừng ngay.
VOA: Với các bản án tù về tội danh ‘tuyên truyền chống nhà nước’ hay ‘hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân’ tại Việt Nam ngày càng mạnh tay hơn, theo ông, Hà Nội muốn gửi thông điệp gì với thế giới?
Phil Robertson: Tôi cho rằng chính quyền Việt Nam đang tìm cách dọa dẫm những người muốn thách thức quan điểm của nhà nước. Ngoài những trường hợp các nhà bất đồng chính kiến bị tù tội, chúng tôi còn ghi nhận nhiều vụ công an bạo hành, tra tấn chết người trong thời gian giam giữ. Những nạn nhân này hoàn toàn không có quan điểm chính trị. Những người lãnh đạo Việt Nam phải mở rộng cải cách hơn nữa như Miến Điện, cho phép báo chí tư nhân, cho phép tự do tụ tập, hay phóng thích tù nhân chính trị. Chẳng có lý do gì mà Việt Nam không làm được như Miến Điện cả. Chúng tôi đã có các buổi làm việc với phía chính phủ Việt Nam năm ngoái khi diễn ra cuộc gặp giữa Bộ Ngoại giao Mỹ với phái đoàn Việt Nam liên quan cuộc Đối thoại nhân quyền Việt-Mỹ. Phái đoàn của họ đã tới họp với văn phòng Human Rights Watch của chúng tôi tại thủ đô Washington. Dù mở đối thoại, nhưng chúng tôi không nhượng bộ tiêu chí rằng nhân quyền phải được tôn trọng. Chính thực trạng nhân quyền đang kèm hãm đà phát triển của Việt Nam.
VOA: Vậy tổ chức theo dõi nhân quyền Human Rights Watch dự định sẽ làm gì hơn nữa giúp bảo vệ nhân quyền tại Việt Nam, thưa ông?
Phil Robertson: Chúng tôi sẽ đưa ra những phúc trình đầy đủ về tình hình siết chặt internet tại Việt Nam, nạn công an tra tấn-bạo hành chết người, sự lộng hành và thiếu trách nhiệm của công an trong các vụ vi phạm nhân quyền. Chúng tôi sẽ tiếp tục theo dõi sát và gây áp lực đòi Việt Nam phải phóng thích những người bị tù chỉ vì đã bày tỏ quan điểm một cách ôn hòa như Điếu Cày. Chúng tôi sẽ dùng những báo cáo này làm tài liệu để cổ động các nước khác thúc đẩy Việt Nam cải tổ. Những phúc trình của chúng tôi cho thế giới thấy rằng dân Việt Nam đang bị vi phạm nhân quyền như thế nào, tại sao các vụ án như Cù Huy Hà Vũ hay Điếu Cày được mọi người chú ý và quan tâm. Chúng tôi tiếp tục kêu gọi các nước hỗ trợ mang lại nhân quyền và công lý cho người dân Việt Nam.
VOA: Nếu chính quyền Việt Nam vẫn cứ tiếp tục con đường họ đi, liệu sẽ có hậu quả gì chăng?
Phil Robertson: Thật khó nói cái gì sẽ làm nên thay đổi hay cải tổ. Nhìn sang Miến Điện chẳng hạn, hai năm trước không ai có thể đoán được sẽ có những thay đổi đáng kể như những gì đang diễn ra hiện nay. Chúng ta cứ tiếp tục gây áp lực đòi Hà Nội phải thay đổi và tôn trọng nhân quyền. Còn điều gì sẽ xảy ra trong tương lai hoàn toàn tùy thuộc vào nhân dân Việt Nam.
VOA: Xin chân thành cảm ơn ông Phil Robertson, Phó giám đốc phụ trách khu vực Châu Á của tổ chức Human Rights Watch đã đã dành thời gian cho cuộc trao đổi này.
Nguồn: VOA Tiếng Việt
Nguồn: VOA Tiếng Việt
Không có nhận xét nào: