VOA - Người đứng đầu Quỹ Tiền tệ Quốc tế IMF kêu gọi “hành động hợp tác và can đảm” giữa các thành viên để đạt được sự phục hồi kinh tế lâu bền. Tuy nhiên, căng thẳng chính trị ở Châu Á và những mối quan ngại kéo dài về Châu Âu đang được chú ý nhiều nhất. Từ địa điểm cuộc họp chung giữa IMF và Ngân hàng Thế giới tại Tokyo, thông tín viên VOA Steve Herman gửi về bài tường thuật sau đây.
Giám đốc điều hành IMF, bà Christine Lagarde thừa nhận “có tin tốt cũng như tin xấu” về khu vực sử dụng đồng Euro, một mối quan tâm chủ yếu đối với các bộ trưởng tài chính và chủ tịch ngân hàng trung ương dự cuộc họp ở Tokyo.
Tin tốt, theo bà, là một tổ chức mới gọi là Cơ chế Ổn định Châu Âu nay đang hoạt động. Cơ chế này có gần 650 tỷ đôla để cung cấp cho các thành viên trong khối Euro đang gặp khó khăn.
Tin xấu, bà Lagarde giải thích, là các rào cản pháp lý tại các quốc gia có khó khăn ngăn các nước này không có được biện pháp hữu hiệu.
Bà Lagarde cũng đưa ra một số khuyến nghị cho nền kinh tế lớn thứ nhì thế giới là Trung Quốc.
Bà Lagarde nói: “Hãy là một đối tác trong nền kinh tế toàn cầu, một đối tác đầy đủ. Thứ nhì, hãy tập trung vào thị trường nội địa mà rõ ràng đang là đầu máy thúc đẩy tăng trưởng mà Trung Quốc nên khởi động và dự định khởi động. Và, khi tôi nói thị trường nội địa, tôi có ý muốn phân chia giữa đầu tư và tiêu thụ. Và rõ ràng trọng điểm sắp tới phải nhắm vào tiêu thụ bởi vì đầu tư đã được chú ý tới đầy đủ trong vài năm vừa qua.”
Bộ trưởng Tài chính Hoa Kỳ ông Timothy Geithner giải thích rằng nền kinh tế Trung Quốc đã trở nên phức tạp hơn trong nhiều năm và hiện giờ chấn động từ Châu Âu đã gây thiệt hại cho mức tăng trưởng thúc đẩy bởi xuất khẩu của Trung Quốc.
Ông Geithner cho rằng Trung Quốc không thể chỉ ngồi đó và quay nút, như đã làm trước đây và đi đến kết quả là hoạt động tăng trưởng đáng kể mà không có rủi ro mà nay họ đang hơi lo ngại, nghĩa là không tạo ra lại những vụ man khai, chi phí qua nhiều chặng, hoặc chỉ tìm cách đẩy nhiều tiền thật nhanh qua một hệ thống phân phối các nguồn lực không được tốt lắm.
Nhưng bộ trưởng tài chính của Trung Quốc và các chuyên gia ngân hàng cấp cao không có mặt để nghe những lời bình phẩm này. Bắc Kinh đã gửi các giới chức cấp thấp để bầy tỏ sự bất bình với nước chủ nhà Nhật Bản. Hai nước đang lâm vào một vụ đối đầu ngoại giao về những hòn đảo không có người ở đang nằm dưới sự kiểm soát của Nhật Bản nhưng Trung Quốc nhận chủ quyền.
Bà Lagarde, nguyên là bộ trưởng tài chính của Pháp, đã khiển trách phía Trung Quốc là không dự hội nghị, và nói rằng họ thất thế qua việc không dự các cuộc họp quan trọng.
Ðối với các giới chức của các nước đang phát triển đến phó hội, có những mối lo ngại rằng giá thực phẩm tăng cao sẽ có nghĩa là có thêm dân chúng trong nước họ bị đói.
Chủ tịch Ngân hàng Thế giới, ông Jim Yong Kim nói ông rất quan ngại về việc này.
Ông Kim nói để đáp lại hiện tượng tăng giá thực phẩm cần phải có một biện pháp đa diện. Ðiều cần phải làm ngay tức thời là có sẵn các nguồn lực cho các nước để cung cấp một khả năng khẩn cấp giúp họ mua thực phẩm.
Chủ tịch Ngân hàng Thế giới kêu gọi các vị bộ trưởng và chủ tịch ngân hàng tại các nước phát triển tập trung sự chú ý không những vào việc chống suy thoái trong các nền kinh tế tiên tiến, mà còn phải có những biện pháp trong tuần này nhằm giúp các nước đang phát triển tránh được tình trạng nghèo khó.
Không có nhận xét nào: