Kiểm điểm, phê bình nhau trong bóng tối, ai tin? - Thanh Niên Công Giáo

728x90 AdSpace

Trending
5 tháng 10, 2012

Kiểm điểm, phê bình nhau trong bóng tối, ai tin?

VRNs (05.10.2012) – California, USA – Đảng Cộng sản Việt Nam phải công khai minh bạch với dân, nếu không dân sẽ quay lưng lại với đảng.

Đó là thông điệp đang dấy lên trong dư luận ở Việt Nam sau 10 tháng thi hành Nghị quyết “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay” do Hội nghị lần thứ 4 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khoá XI) chấp thuận ngày 31/12/2011.

Bức xúc càng rộ lên sau khi mọi người được nghe Tổng Bí thư đảng Nguyễn Phú Trọng chính thức cho biết sẽ báo cáo với Ban Chấp hành Trung ương tại Hội nghị lần 6 đang diễn ra tại Hà Nội từ ngày 01 đến 15 tháng này (10/2012) về “Kết quả kiểm điểm tự phê bình và phê bình của Bộ Chính trị,Ban Bí thư theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI về xây dựng Đảng”.

Nhưng dân thắc mắc ngay: Tại sao không công bố cho tòan dân biết Báo cáo này mà chỉ có 200 viên chức đảng của Ban Chấp hành Trung ương được quyền nhận Báo cáo để đọc kín, hay thảo luận (nếu có) riêng với nhau ?

Nguyên Ủy viên Trung ương đảng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban kinh tế Trung ương Vũ Quốc Hùng nói với báo Lao Động ngày 01/10 (2012): “Việc của Đảng không có gì là việc riêng. Và chính vì vậy, việc kiểm điểm càng phải công khai để cho dân biết. Dân có biết thì dân mới tin. Dân có tin thì dân mới ủng hộ. Và dân có ủng hộ thì việc gì cũng thành công.

Trong đợt sinh hoạt chính trị này, chúng ta đã tổ chức lấy ý kiến những đảng viên kỳ cựu, những cán bộ lão thành cách mạng. Điều đó là cần nhưng chưa đủ bởi trí tuệ nhân dân cần phải được phát huy. Theo tôi, kết quả việc kiểm điểm cần công khai trước dân để nhân dân biết, dân giám sát, dân góp ý và tham gia đánh giá kết quả kiểm điểm của các cấp. Phải để nhân dân kiểm tra, giám sát việc kiểm điểm, có như thế, việc của Đảng cũng mới là việc của dân.”

Phát biểu tại Hội nghị Bàn tròn về những vấn đề kinh tế – xã hội do Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ Quốc Việt Nam vừa tổ chức ngày 01-10 (2012), nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan nói: “Về vấn đề chính trị, tôi xin nêu hai việc, câu chuyện lớn bao trùm nhất hiện nay là phải làm tốt Nghị quyết Trung ương 4. Thực hiện thành công Nghị Quyết là nguyện vọng chung của người dân cả nước. Tuy nhiên, người dân ngay trong khu phố tôi ở đã xuất hiện những điều nghi ngại. Bởi nếu xem những điều được công bố trên báo về những cuộc hội nghị, kiểm điểm xem ra đánh giá của Trung ương vẫn chưa trúng. Vì mọi thứ đều thấy êm hết. Vậy trong Nghị quyết nói là một bộ phận không nhỏ cán bộ thoái hóa biến chất mà Nghị quyết đã cảnh báo nằm ở đâu? Phải làm rõ điều này. Trong đó, có những việc rõ rành rành ra rồi mà không thấy công bố của cơ quan nào rằng chúng tôi nhận trách nhiệm về những vấn đề này, như Vinashin, Vinalines chẳng hạn. Mong các cơ quan phải sớm công bố để yên dân. Bởi nếu việc không thành, tác hại sẽ rất lớn.”

Tòan dân chỉ được nghe hay đọc báo thấy Nguyễn Phú Trọng nói trong bài diễn văn khai mạc (01/10/2012) rằng: “Từ Đại hội XI của Đảng đến nay, Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã ban hành khá nhiều văn bản quan trọng và đã dành nhiều công sức cho việc thực hiện nhiệm vụ then chốt này. Đặc biệt, Nghị quyết Trung ương 4 “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay” đang được toàn Đảng tập trung triển khai thực hiện rất tích cực theo đúng kế hoạch, lộ trình. Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã chỉ đạo ráo riết và chặt chẽ; đồng thời đã tiến hành kiểm điểm tập thể và cá nhân một cách nghiêm túc theo đúng quy định. Tại Hội nghị này, Bộ Chính trị sẽ báo cáo kết quả bước đầu để Trung ương cho ý kiến.”

Không ai biết “kết quả bước đầu” sẽ như thế nào và liệu sau “bước đầu” có còn “các bước kế tiếp” không và nội dung có sâu sắc và thêm nhiều vấn đề nổi cộm hơn không?

Tuy nhiên, ai cũng biết Bộ Chính trị và Ban Bí thư Trung ương đảng CSVN đã hòan tất 16 ngày “kiểm điểm tự phê bình và phê bình” với nhau từ 12/7 đến 7/8/2012.

Các bản kiểm điểm của 14 Ủy viên Bộ Chính trị (BCT) và 4 người thuộc Ban Bí thư (Ban này có 10 người nhưng 6 người cũng đồng thời là Ủy viên BCT) viết dài từ 10 đến 22 trang giấy, có người đã viết đi viết lại đến 3 hay 4 lần, căn cứ theo tìn chính thức.

Tin này cũng nói tất cả mọi người đều phát biểu, giải trình ngắn nhất 30 phút và dài nhất là 2 giờ đồng hồ sau khi đã nghe Văn phòng Trung ương Đảng trình bày dự thảo Báo cáo kiểm điểm.

Nội dung kiểm điểm sau cùng đã không được tiết lộ cho đến khi Nguyễn Phú Trọng chủ tọa các buổi họp nội bộ với Bộ Chínbh trị và Ban Bí thư hồi tháng 9 để gọi là “thông qua Báo cáo kiểm điểm tự phê bình và phê bình của tập thể Bộ Chính trị, Ban Bí thư; Bản tiếp thu giải trình…, đánh giá chính thức về kết quả kiểm điểm, xem xét việc kỷ luật (có hay không, đến mức nào đối với tập thể và cá nhân) để báo cáo với Trung ương”, căn cứ vào tin phổ biến hồi tháng 8/2012.

Như vậy, cho đến khi có Thông báo kết qủa 15 ngày họp của Ban Chấp hành Trung ương, dự trù vào ngày 15/10/2012, thì người dân vẫn tăm tối như khay mực tầu !

TẠI SAO NGUYỄN TẤN DŨNG ?

Tuy vậy, trong phần nói về tình hình Kinh tế và việc Sử dụng Đất đai trong bài Diễn văn khai mạc Hội nghị Trung ương kỳ này Nguyễn Phú Trọng đã phát ra nhiều tín hiệu lạ khiến có dự đoán về tương lai chính trị “không mấy sáng sủa” của Nguyễn Tấn Dũng, Thủ tướng Chính phủ.

Chẳng hạn như khi nói trong kỳ họp này Trung ương đảng sẽ thảo luận về tình hình “kinh tế – xã hội”, thì Trọng bảo: “Việc xem xét tình hình phát triển kinh tế – xã hội năm 2012 và phương hướng kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội năm 2013 được đặt trong bối cảnh cả nước đang triển khai thực hiện đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XI và các nghị quyết của Trung ương với trọng tâm là tái cấu trúc đầu tư công, doanh nghiệp nhà nước và hệ thống ngân hàng thương mại; nền kinh tế nước ta đứng trước những tác động không thuận của tình hình thế giới, khu vực; cán bộ, đảng viên và nhân dân đang đặt nhiều kỳ vọng vào kết quả thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 về xây dựng Đảng… Vì vậy, đề nghị Trung ương tập trung thảo luận, phân tích kỹ những đặc điểm nổi bật của năm 2012, làm rõ những kết quả đã đạt được; những hạn chế, yếu kém đang tồn tại; và chỉ ra những nguyên nhân khách quan, chủ quan; dự báo những khả năng sắp tới với tinh thần thật sự khách quan, khoa học, toàn diện. Chú ý đối chiếu với những mục tiêu, nhiệm vụ đã đề ra, nhất là mục tiêu, nhiệm vụ kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội, duy trì mức tăng trưởng hợp lý, tạo tiền đề cho việc lấy lại đà tăng trưởng và phát triển nhanh, bền vững trong những năm sắp tới.”

Ai cũng biết Nguyễn tấn Dũng có trách nhiệm trong việc chủ trì việc họach định và thi hành chình sách kinh tế của nhà nước. Vì vậy, việc thành công hay thất bại đều gắn liến với trách nhiệm của người đứng đầu Chính phủ là Nguyễn Tấn Dũng.

Trọng nói với 200 Ủy viên Trung ương rằng họ phải: “Đặc biệt, cần đi sâu phân tích, đánh giá các vấn đề có liên quan đến việc triển khai thực hiện các nhiệm vụ tái cấu trúc nền kinh tế. Phải chăng vừa qua, chúng ta mới chủ yếu tập trung cho việc chèo chống, đối phó với tình hình khó khăn về tài chính, ngân hàng, hỗ trợ doanh nghiệp duy trì sản xuất, kinh doanh và việc làm cho người lao động… mà chưa ở thế chủ động triển khai các biện pháp đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế, thực hiện 3 khâu đột phá nêu trong Chiến lược phát triển kinh tế – xã hội?”

Vậy 3 khâu đột phá là gì ?

Theo Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc của Đảng CSVN lần thứ XI thì 3 khâu đột phá chiến lược về kinh tế là:

(1) Hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, trọng tâm là tạo lập môi trường cạnh tranh bình đẳng và cải cách hành chính.

(2) Phát triển nhanh nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao, tập trung vào việc đổi mới căn bản và toàn diện nền giáo dục quốc dân; gắn kết chặt chẽ phát triển nguồn nhân lực với phát triển và ứng dụng khoa học, công nghệ.

(3) Xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, với một số công trình hiện đại, tập trung vào hệ thống giao thông và hạ tầng đô thị lớn.

Chủ trương đặt ra là thế, nhưng theo Tạp chí Cộng sản ngày 12/04/2012 thì: “Sau một năm triển khai thực hiện các khâu đột phá chiến lược hiệu quả vẫn chưa rõ nét, gây tác động không nhỏ đến sự phát triển kinh tế năm 2012 và một số năm tiếp sau. Vì thế câu hỏi: Vì sao các khâu đột phá chiến lược vẫn chưa chuyển động mạnh, đang được các nhà nghiên cứu, hoạch định chính sách, các doanh nghiệp và nhân dân đặc biệt quan tâm.

Các nhà nghiên cứu cho rằng, đã là khâu đột phá, tức là những “điểm huyệt” của nền kinh tế, khi tác động vào đây sẽ làm cho nền kinh tế chuyển động mạnh mẽ theo hướng đã xác định. Vì thế, cần phải làm ngay, làm nhanh, có hiệu quả để thay đổi tình thế của nền kinh tế nước ta hiện vẫn đang trong tình trạng trì trệ. Tuy nhiên, cho đến nay vẫn chưa có tín hiệu tích cực nào từ cả 3 khâu đột phá: thể chế vẫn chậm được thay đổi, tình trạng tắc nghẽn giao thông vẫn diễn ra, vấn đề điện chưa được tháo gỡ, giáo dục đào tạo nguồn nhân lực chưa tìm được giải pháp hữu hiệu.”

Như vậy thì Nguyễn Tấn Dũng có trách nhiệm đến mức độ nào của tình trạng trì trệ tòan diện của 3 khâu đột phá ? Hay sự không thành công là trách nhiệm của tòan đảng, đặc biệt là trách nhiểm chung của Bộ Chính trị và Ban Chấp hành Trung ương ?

Vì vậy, Nguyễn Phú Trọng đã phải “đá” qủa bóng sang cho Ban Chấp hành Trung ương với yếu cầu: “Trên cơ sở đánh giá đúng tình hình, cần xác định những quan điểm phát triển, tư tưởng chỉ đạo, mục tiêu tổng quát và một số chỉ tiêu cơ bản, quan trọng nhất cho năm 2013. Phải chăng sắp tới chúng ta vẫn phải quan tâm đến việc kiềm chế lạm phát nhưng tập trung ưu tiên nhiều hơn cho ổn định, lành mạnh hóa kinh tế vĩ mô, cải thiện môi trường đầu tư, phát triển sản xuất, kinh doanh, lấy lại đà tăng trưởng và bảo đảm an sinh xã hội gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế; tạo tiền đề vững chắc cho tăng trưởng cao hơn ở những năm cuối của kế hoạch 5 năm?”

Vấn đề gây nhiều tranh luận và đang được đổ lỗi cho nhau trong nội bộ đảng CSVN là chuyện “nợ xấu” của khối Doanh nghiệp Nhà nước do ai gây ra và liệu Nguyễn Tấn Dũng có trách nhiệm gì trong việc làm ăn thua lỗ và nợ nần nhiều trăm nghìn tỷ đồng của hai Công ty Vinashin và Vinalines không ?

Một ngày sau bài diễn văn của Nguyễn Phú Trọng (02/10/2012) thì Đài Tiếng Nói Việt Nam loan tin: “Nợ xấu của DNNN ước khoảng 200 nghìn tỷ đồng; của các Tập đoàn kinh tế, tổng công ty khoảng 153 nghìn tỷ đồng.

Trong tham luận của TS. Đinh Tuấn Minh tại Diễn đàn kinh tế mùa thu được tổ chức mới đây tại Bà Rịa – Vũng Tàu, đã chỉ ra rằng: nợ xấu tại khu vực DNNN rất lớn. Những số liệu mới nhất cho thấy khu vực DNNN hiện đóng góp vào 70% nợ xấu của toàn hệ thống, trong đó các tập đoàn kinh tế, tổng công ty chiếm 53% số nợ xấu.”

Như vậy thì trách nhiệm lãng phí tiền của dân thuộc về đảng hay của Chính phủ do Nguyễn Tấn Dũng cấm đầu. Dũng là người bổ nhiệm tất cả các chức vụ lãnh đạo khối Doanh nghiệp Nhà nước và Dũng cũng là người có sáng kiến thành lập các Tổng Công Ty.

Tuy nhiện các thành viên của Tổng Công Ty lại là các công ty độc lập của Nhà nước trước đây từng làm ăn thua lỗ nhưng không chịu giải thể hay bán cổ phần cho dân mà đã tập trung lại với nhau để tiếp tục nhận được các khỏan tiền vay khổng lồ nhưng lãi nhẹ của các Ngân hàng và được Nhà nước “khoanh nợ” và nâng đỡ về mặt thuê Văn phòng hay địa điểm họat động.

Tuy nhiên, các Tổng Công ty này tiếp tục làm ăn thua lỗ vì đã lợi dụng được hưởng nhiều ưu đãi của Chính phủ để đem tiền đầu tư vào các lĩnh vực ngòai khả năng, hay kinh doanh khác ngành nghể để thủ lợi và tham nhũng.

Do đó, trong Bài diễn văn tại Hội nghị kỳ 6, Trọng đã không ngần ngại phê bình kế họach của Nguyễn Tấn Dũng: “Về Đề án “Tiếp tục sắp xếp, đổi mới, nâng cao hiệu quả doanh nghiệp nhà nước”: Đây là vấn đề lớn và khó, luôn được Đảng, Nhà nước quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo. Cách đây hơn 10 năm, ngày 24-9-2001, Hội nghị Trung ương 3 khóa IX đã ban hành Nghị quyết về sắp xếp, đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả doanh nghiệp nhà nước. Tiếp đó Nghị quyết Hội nghị Trung ương 9 khóa IX cũng tiếp tục khẳng định, bổ sung, nhấn mạnh thêm nhiều nội dung quan trọng về đổi mới, phát triển doanh nghiệp nhà nước. Bộ Chính trị đã 8 lần nghe Ban cán sự đảng Chính phủ báo cáo và đã ban hành 4 chỉ thị, kết luận chỉ đạo về công tác này. Các cấp ủy đảng, chính quyền từ Trung ương đến địa phương tích cực lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện các nghị quyết và kết luận quan trọng này của Trung ương. Mới đây, Đại hội XI của Đảng, đặc biệt là trong Cương lĩnh và Chiến lược đã xác định rõ thêm vai trò của kinh tế nhà nước, vị trí của doanh nghiệp nhà nước và các vấn đề có liên quan.

Đề nghị Trung ương tập trung cho ý kiến: Vì sao lúc này chúng ta vẫn phải tiếp tục sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp nhà nước? Phạm vi nội dung đến đâu? Phải chăng cần dựa trên cơ sở tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 3 khóa IX, chọn ra một số vấn đề lớn, quan trọng để thảo luận và có chính sách, biện pháp tháo gỡ, khắc phục?”

Trọng cũng yêu cầu các Ủy viên: “ Cần đi sâu phân tích, đánh giá tình hình và nguyên nhân; chỉ rõ đâu là nguyên nhân thuộc về chủ trương, cơ chế, chính sách và đâu là nguyên nhân do tổ chức thực hiện không đúng, không nghiêm? Từ đó, đề ra chủ trương, biện pháp phù hợp, có tính khả thi cao, tạo sự chuyển biến thật sự về hiệu quả, sức cạnh tranh của doanh nghiệp nhà nước trong tình hình mới.”

Riêng về “vấn đề đất đai”, Trọngđề nghị “tập trung thảo luận kỹ để đi đến thống nhất ban hành Nghị quyết của Trung ương định hướng cho việc nghiên cứu sửa đổi Luật Đất đai. Chú ý việc tiếp tục hoàn thiện các quy định về giá đất; về giao đất, thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ và tái định cư; về thế chấp tài sản gắn liền với quyền sử dụng đất tại ngân hàng ở nước ngoài; về việc quản lý, sử dụng đất nông, lâm trường quốc doanh; việc giải quyết đất ở, đất sản xuất cho đồng bào dân tộc thiểu số…”

Tất cả những yêu cầu này có liên quan đến tình trạng các cấp chính quyền địa phương đã lạm dụng quyền hành, hay được Nguyễn Tấn Dũng đích thân cho phép dùng võ lực, kể cả việc sử dụng Quân đội, Công an, Dân phòng và quân Côn đồ của “xã hội đen” được các Chủ đầu tư thuê muớn để “cưỡng chế đất” của dân như đã xẩy ra ở Tiên Lãng (Hải Phòng)Văn Giang (Hưng Yê n) và Vụ Bản (Nam Định) từ đấu năm đến tháng 4/2012 gây bất bình trong nhân dân.

QUY HỌACH DÙNG NGƯỜI

Cũng tại Hội nghị 6, Trung ương còn thảo luận cả đề án “Xây dựng quy hoạch Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư và các chức danh chủ chốt của Đảng, Nhà nước”, tức là việc sử dụng cán bộ, nhất là các cấp “cán bộ cấp chiến lược” để lãnh đạo đảng và nhà nước.

Việc này có liên hệ đến đề án trao quyền “bất tìn nhiệm” cho Quốc hội đồi với các chức danh được Quốc hội bỏ phiếu chấp thuận, trong đó có Chủ tịch Nước, Thủ tướng và các Bộ trưởng trong Chính phủ.

Trọng nói: “Chúng ta đều biết, cán bộ, nhất là cán bộ cấp chiến lược, là nhân tố quyết định sự thành bại của cách mạng, gắn liền với vận mệnh của Đảng, của đất nước và chế độ; do đó công tác cán bộ được coi là khâu then chốt trong toàn bộ công tác xây dựng Đảng. Và trong công tác cán bộ thì việc quy hoạch cán bộ là khâu mở đầu, có ý nghĩa cực kỳ quan trọng, bảo đảm cho công tác cán bộ đi vào nền nếp, chủ động, có tầm nhìn xa, đáp ứng cả yêu cầu trước mắt và lâu dài.”

Tuy nhiên trái với sự trông đợi của dân, Trọng đã cho xì hơi qủa bóng khi nói: “Tại Hội nghị này, Trung ương chưa thể bàn về nhân sự quy hoạch cụ thể, mà chủ yếu tập trung cho ý kiến về mục đích, yêu cầu, quan điểm, nguyên tắc, phương châm, nội dung của việc xây dựng quy hoạch cán bộ cấp chiến lược. Nội dung công tác quy hoạch Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư và các chức danh cán bộ lãnh đạo chủ chốt của Đảng và Nhà nước, bao gồm: yêu cầu, tiêu chuẩn đối với từng chức danh cụ thể; độ tuổi tham gia quy hoạch; số lượng, cơ cấu của quy hoạch; đối tượng và điều kiện lựa chọn cán bộ đưa vào quy hoạch; quy trình phát hiện, giới thiệu, lựa chọn và quyết định nguồn quy hoạch; quản lý và thực hiện quy hoạch… Sau khi Trung ương thống nhất về những vấn đề quan trọng này và Ban Chấp hành Trung ương ban hành Nghị quyết, Bộ Chính trị sẽ chỉ đạo việc xây dựng quy hoạch cụ thể Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư và các chức danh cán bộ lãnh đạo chủ chốt của Đảng, Nhà nước nhiệm kỳ 2016 – 2021 và các nhiệm kỳ tiếp theo.”

Như vậy rõ ràng Nguyễn Tấn Dũng chưa bị truất quyền cho đến khi hết nhiệm kỳ 5 năm vào năm 2016, cũng là năm cuối cùng của Khoá đảng XI. Cho nên, có nhiều dự đóan cao lắm là Dũng chỉ có thể bị “kiểm điểm” và “phê bình” về những “thiếu sót” khi thi hành nhiệm vụ nếu Bộ Chính trị và Ban Chấp hành Trung ương đồng ý được với nhau về trách nhiệm của Dũng trong hai vụ Vinashin, Vinalines và các khỏan nợ xấu của Doanh nghiệp Nhà nước.

Nhưng nếu trò chơi chính trị “nay người mai ta vì cùng là đồng chí, đồng đội với nhau” và vì người phạm lỗi “đã có nhiếu đóng góp cho Cách mạng” nên chúng ta hãy “dĩ hòa vi qúy, đóng cửa bảo nhau” để còn nhìn mặt nhau được áp dụng trong đợt “xây dựng đảng” theo Nghị quyết 4 thì đảng CSVN và Nguyễn Phú Trọng không còn mặt mũi nào để nhìn mặt dân sau Hội nghị 6.

Phạm Trần

(10/012)

Kiểm điểm, phê bình nhau trong bóng tối, ai tin? Reviewed by Admin on 10/05/2012 Rating: 5 VRNs (05.10.2012) – California, USA – Đảng Cộng sản Việt Nam phải công khai minh bạch với dân, nếu không dân sẽ quay lưng lại với đảng. ...

Không có nhận xét nào: