Đám cờ bạc đang hồi khát nước, hai thằng đang mồ hôi mồ kê nhễ nhại trong một ván bạc khá căng thẳng. Xung quanh, mọi người hồi hộp quan sát cuộc chơi.
Thằng Quyền chơi khá bạo, hắn bất chấp thắng thua, cứ cắm đầu cắm cổ bốc, chia, hốt bài… Chẳng là vì nhà hắn có quyền chức, có nguồn tiền chùa khổng lồ, tiền tiêu không cần biết khi nào còn, khi nào hết. Cứ mỗi khi hết tiền, hắn lại bịa ra rằng thì là đang phải có công việc quan trọng, ảnh hưởng an ninh, chống thế lực thù địch, dập tắt mầm mống phản loạn đang nảy ra trong làng v.v… thì cứ thế bố hắn chi tiền. Hắn có thể đánh thua trận này bày ngay trận khác mà không sợ ai, vì cu lít, phòng thuế, dân phòng hay kể cả lính cũng đều là người nhà nhà hắn.
Nhưng hắn có thói chơi gian, lúc đầu người ta cứ nghĩ hắn con nhà lắm tiền, gia thế thì hắn sẽ chơi đàng hoàng, sòng phẳng cho ra cái mặt con nhà tử tế, có thế giá. Nhưng không. Hắn sẵn sang hô ù khi không có cạ nào, sẵn sàng dập bài không cho ai nhìn và hô mình thắng, buộc người khác không tinh tai, tinh mắt phải nôn tiền nộp cho hắn và coi như hắn thắng.
Thậm chí dù có tinh tai, nhanh mắt đi nữa, bắt tận tay hắn chơi gian, hắn cáu lên lập tức gọi đám cu lít, dân phòng… đến bắt nộp tiền hoặc lôi đi ngay vì đủ thứ tội. Mà làm thằng dân làng này, luật lệ hà khắc này thì thằng nào sống mà chẳng có tội!
Hắn vẫn chẳng thèm xấu hổ, vẫn vênh vênh tự đắc theo kiểu AQ: “Làng này đếch thằng nào bằng tao”. Vì thế mà người ta ghét hắn, ghét lắm nhưng không thèm nói hoặc không dám nói. Và đa số thì dân làng đều lảng tránh mặt hắn “cho nó lành”.
Thấy thế, hắn càng được thể, càng vênh vênh tự đắc “Nhà tao thế giá, vinh quang lắm lắm kia”. Lúc đầu người ta tưởng thế thật, nhưng rồi khi hiểu ra người ta chỉ kệ, hoặc chỉ mỉm cười khinh bỉ.
Ngược lại thằng Dân thì chăm chỉ hạt bột, thường không mấy khi sa vào đám bài bạc hoặc đánh đố với thằng Quyền. Nhưng nhiều khi ức quá, thấy bà con bị ăn hiếp nhiều quá cũng xông vào làm vài ván cho bõ tức, cho cái thằng cậy sức, cậy quyền và cậy bạo lực chừa cái thói bắt nạt người khác đi – nó bảo thế. Vì thế mà có trận đấu ngày hôm nay.
Thằng Quyền vẫn cứ kêu đám Cu lít xông vào lấy tiền thằng Dân mà thằng Dân không dám mở miệng.
Hai bên đang hồi căng thẳng. Thằng Quyền chơi gian, thằng Dân bị ăn hiếp nhưng thế cô, thân cô lại đứng giữa bầy cu lít lởn vởn xung quanh nên đành chịu. Thằng Dân thua 2 triệu rưỡi ngay ván đầu tiên. Đàng hoàng, sòng phẳng ra thì thằng Dân đã thắng ván đó. Nhưng cậy vào bọn hộ vệ đông, lại được bọn lâu la hò hét cổ vũ nên thằng Quyền cứ vậy bóp lè lưỡi thằng Dân thu đủ hai triệu rưỡi bỏ túi.
Thực ra nếu như trước đây, chẳng cần bày ra trò đánh bạc này thằng Quyền vẫn cứ kêu đám Cu lít xông vào lấy tiền thằng Dân mà thằng Dân không dám mở miệng. Nhưng làm vậy cũng không ổn, gì thì vẫn phải giữ thể diện danh giá con nhà đàng hoàng, đạo đức và gia thế ngời ngời chứ. Hắn đã trót mạnh miệng tuyên bố với cả làng thế rồi. Thế là hắn mở hội bạc này.
Thằng Quyền lấy được 2 triệu rưỡi của thằng Dân nhưng chẳng vẻ vang gì vì bị mọi người vạch mặt là ăn gian, ăn lận của thằng Dân. Khắp nơi trong họ, ngoài làng đều vạch mặt thằng Quyền là thằng bẩn, chơi cờ gian bạc lận, không xứng đáng cái mặt gia thế…
Thằng Dân đàng hoàng trả hai triệu rưỡi dù biết là bị ăn hiếp, bị oan ức nhưng vẫn tươi cười, ít nhất thì tao đã vạch được cái mặt mày ra cho thiên hạ biết, cái thói quen lấy thịt đè người, chuyên ăn gian. Thế là thằng Dân từ chỗ thua mất hai triệu rưỡi lại thành thắng, thắng đậm.
Thằng Quyền cúi gầm mặt bỏ tiền vào túi nhưng tức lắm. Thế là được bạc mà coi như thua, thua trắng. Tưởng bày trò để kiếm chút sĩ diện, nào ngờ lại đến nông nỗi này.
Thằng Dân trả nợ xong định ra về thì thằng Quyền quát:
- Mày phải ở lại để tao gỡ.
Thằng Dân ngơ ngác:
- Ơ hay, xong ván rồi thì thôi chứ, được thua thì vẫn phải đàng hoàng chứ. Giờ tao phải về, vợ con đang chờ ở nhà.
- Không được, mày phải ở lại cho tao gỡ, không cho mày về được.
Ngay lập tức, đám Cu lít xông vào giữ thằng Dân lại nhốt kỹ vào buồng, chờ thằng Quyền chuẩn bị bài bản cho ván mới.
Ván mới
Ở ngoài, vợ con, bạn bè thằng Dân kêu la: Đánh xong ván nào ra ván đó, không chơi kiểu đó được. Đánh xong phải cho nó về với vợ với con nó chứ. Cờ gian bạc lận thì cũng phải theo luật chứ!
Nhưng kệ, thằng Quyền nín thinh, rút vào trong bàn bạc với đám quân sư để chơi ván tiếp bằng thắng mới được, có thế mới gỡ được sĩ diện, hoặc ít nhất cũng làm thằng Dân mất mặt chứ không thể chịu cái nhục mang tiếng với cả làng.
Thế là ván bạc mới được bày ra, lần này thằng Quyền quyết định chơi một ván với cả thằng Dân, cô bạn và thằng bạn trẻ của nó, cả ba đứa cho đi trong một ván cho gọn.
Bên ngoài, vợ con, bạn bè thằng Dân đến xem bị cấm ngặt. Bọn lâu la quay vòng trong vòng ngoài. Vợ thằng Dân nhất định đòi vào bằng được, vì đây là quyền của tôi, chồng tôi chơi bạc thì tôi phải được vào, công khai, tự do mà – thị bảo thế. Không ngờ, một thằng Cu lít dõng dạc: Tự do là cái con cặc.
Thị té ngửa. Quả là chưa bao giờ thị được người đàn ông nào khoe cái tự do một cách dõng dạc đến thế giữa chốn đông người.
Bên ngoài, vợ con, bạn bè thằng Dân đến xem bị cấm ngặt. Bọn lâu la quay vòng trong vòng ngoài.
Ván bạc này cũng lại là ván bạc bịp, thằng Dân và hai đứa bạn vẫn đàng hoàng đánh chắc tay, mỗi lần xuống bài là một lần hắn mỉm cười. Thằng Quyền lúng túng tợn. Hắn biết nếu để cả làng đang theo dõi, hắn lại mất mặt lần nữa, mà lần này thì không thể gỡ được. Hắn quyết định chơi gian.
Bài thằng Dân sắp ù, trong khi bài thằng Quyền đang lẻ cạ, thậm chí còn chưa có phỏm nào. Chợt thằng Quyền hô to: Ù, thế rồi ném cả đống bài xuống đất xoa đi xoa lại cho lẫn vào nhau và miệng hô liến thoắng: “Thắng, thắng, ù, ù rồi nhé”. Mọi người giật nảy mình, bài chưa có phỏm sao ù được? Nhưng chợt hiểu ra, đám cu lít và nhà báo vây quanh đồng thanh hô to “Ù, Ù, Thắng, Thắng”.
Thằng Dân đành bỏ bài xuống chiếu.
Thằng Quyền tính sổ: Mày phải trả tao 12 triệu nữa, còn con bạn mày, nó phải trả 10 triệu, thằng kia còn trẻ, tao lấy 4 triệu.
Cả đám cu lít xông lại, lôi cả ba đi. Mười hai triệu, trả đến khi nào thì hết đây. Lạ thay, cả ba đứa vẫn cứ cười.
Chiều hôm đó, đứa con út của Điếu Cày hỏi mẹ: Bao giờ thì bố về?
Ngày 12/10/2012
Không có nhận xét nào: