Mỹ hiện đang rất cảnh giác với các hoạt động của các công ty Trung Quốc trên lãnh thổ họ |
Theo đó, hai công ty này, Hoa Vị và ZTE, nên bị cấm không được có hoạt động mua lại hoặc sát nhập trên lãnh thổ mỹ, theo kiến nghị được nêu ra trong bản phúc trình của ủy ban vốn dự kiến sẽ được công bố vào cuối ngày thứ Hai 8/10.
‘Thu thập thông tin’
Theo bản phúc trình này thì hai công ty trên đã không thể làm giảm các mối quan ngại về mối quan hệ của họ đối với chính phủ và quân đội Trung Quốc.
Hai công ty này nằm trong số những nhà sản xuất hàng đầu thế giới về các thiết bị hệ thống viễn thông.
“Trung Quốc có phương tiện, cơ hội và động cơ để sử dụng các công ty viễn thông cho các mục đích xấu xa,” phúc trình cho biết.
“Dựa trên những thông tin mật và những thông tin công khai mà chúng tôi có được thì không thể tin là Hoa Vị và ZTE là không hề bị nước ngoài tác động và do đó đặt ra một thách thức an ninh đối với Hoa Kỳ và hệ thống của chúng ta.”
Cả hai công ty này đều đã bác bỏ các cáo buộc trên.
"Trung Quốc có phương tiện, cơ hội và động cơ để sử dụng các công ty viễn thông cho các mục đích xấu xa."
Phúc trình của Quốc hội Mỹ
Hoa Vị do một cựu quân nhân của Giải phóng quân Trung Quốc là ông Nhiệm Chính Phi thành lập vào năm 1987.
Giờ đây khi Hoa Vị đã lớn mạnh và trở thành một những công ty hàng đầu toàn cầu trong lĩnh vực viễn thông thì đồng thời cũng xuất hiện những lo ngại về mối quan hệ của công ty này với quân đội Trung Quốc.
Đã có những quan ngại và cáo buộc rằng Hoa Vị đang giúp Trung Quốc thu thập thông tin về các công ty và chính phủ nước ngoài mặc dù họ luôn bác bỏ.
Hồi năm ngoái, một ủy ban an ninh của Mỹ đã bác thỏa thuận cho phép Hoa Vị mua lại một công ty máy tính của Mỹ có tên là 3Leaf systems.
Hồi đầu năm, cùng# với ZTE, Hoa Vị đã bị cáo buộc rằng các thiết bị của họ đã được cài mật mã để truyền các thông tin nhạy cảm đưa về Trung Quốc.
‘Động cơ chính trị’
Lãnh đạo Hoa Vị và ZTE đều bác bỏ các cáo buộc |
Các quan chức điều hành của cả hai công ty này đều đã bác bỏ các cáo buộc nói trên khi họ ra điều trần trước các nghị sỹ Hoa Kỳ hồi tháng Chín.
Bản phúc trình này được đưa được ra trong bối cảnh nước Mỹ đang trong kỳ tranh cử tổng thống với Trung Quốc là một chủ đề tranh cử nóng hổi.
Cả Tổng thống Barack Obama và ứng viên Đảng Cộng hòa Mitt Romney đều đã cam kết sẽ gia tăng sức ép lên Bắc Kinh trên các vấn đề từ chính sách tiền tệ của Trung Quốc cho đến chính sách trợ cấp cho các công ty của nước này.
Hồi đầu tháng này, Tổng thống Obama cũng đã ký một sắc lệnh phong tỏa một thỏa thuận mua lại bốn dự án điện gió gần một căn cứ hải quân Mỹ ở Oregon của công ty Trung Quốc Ralls Corp.
"Sự trung thực và tính độc lập trong tổ chức và hoạt động kinh doanh của Hoa Vị được tin tưởng và tôn trọng ở gần 150 thị trường trên thế giới."
Phó Chủ tịch Hoa Vị William Pummer
Đây là lần đầu tiên một dự án đầu tư nước ngoài bị ngăn chặn ở Mỹ trong vòng 22 năm qua.
Tuy nhiên, Ralls Corp sau đó đã kiện Obama và cáo buộc rằng chính phủ Mỹ đã ‘lạm quyền’.
Phó Chủ tịch Hoa Vị William Pummer nói cáo buộc mới nhất đối với họ là ‘có động cơ chính trị’.
“Sự trung thực và tính độc lập trong tổ chức và hoạt động kinh doanh của Hoa Vị được tin tưởng và tôn trọng ở gần 150 thị trường trên thế giới,” ông này nói với hãng tin Pháp AFP.
Theo Pummer thì việc cho rằng cáo buộc đối với Hoa Vị là ‘không đếm xỉa gì đến các thực tế kỹ thuật và thương mại, đe dọa công ăn việc làm và sự sáng tạo của người Mỹ một cách khinh suất’ trong khi ‘không làm được gì để bảo vệ an ninh quốc gia và có thể tạo ra sự xao lãng chính trị nguy hiểm.’
Không có nhận xét nào: