KS. PHAN DUY KHA - NGUYỄN THÁI HỌC VÀ CUỘC KHỞI NGHĨA “DẬY NON”
“Không thành công cũng thành nhân”:
Nguyễn Thái Học (1902 – 1930) là con một gia đình trung lưu, quê ở làng Thổ Tang, tổng Lương Điền, phủ Vĩnh Tường, Vĩnh Yên (nay là xã Thổ Tang, Vĩnh Tường, Vĩnh Phúc). Gia đình ông có 5 anh em trai, đều nặng lòng nước căm thù giặc. Đó là Nguyễn Thái Học (NTH), anh cả, tiếp đến các ông Nguyễn Quang Triều, Nguyễn Thái Nho, Nguyễn Thái Lâm, Nguyễn Thái Nỉ, em út.
Năm 1927, NTH mới 25 tuổi đã sáng lập ra Việt Nam quốc dân đảng (VNQDĐ) và được bầu là Đảng trưởng. Cương lĩnh hành động của đảng là: “Liên lạc anh em, đồng chí không phân biệt giai cấp, tôn giáo, dùng võ lực để lấy lại quyền độc lập cho nước Việt Nam, lập một chính thể hòa theo chủ nghĩa dân chủ xã hội” (trích Đảng cương). Trước đó, vào năm 1926, tại tỉnh Bắc Giang, ông Nguyễn Khắc Nhu (đỗ đầu xứ nên thường gọi là Xứ Nhu) cũng thành lập một hội gọi là Quốc dân dục tài, tập hợp những người yêu nước, chống Pháp, sau đổi là Việt Nam dân quốc (VNDQ). Năm 1928, Nguyễn Khắc Nhu cho sáp nhập VNDQ của mình vào VNQDĐ của NTH. Từ đó, NTH và Nguyễn Khắc Nhu là những người lãnh đạo chủ chốt của VNQDĐ. Năm 1929, do vụ giết tên Bazin, một chủ đồn điền người Pháp, bọn thực dân Pháp bủa lưới, lùng sục, bắt bố gắt gao. Mặt khác, do VNQDĐ muốn phát triển nhanh, chạy theo số lượng mà không chú ý chất lượng nên xảy ra tình trạng tổ chức kết nạp tràn lan, không chọn lọc kỹ lưỡng, vì vậy, có một số tên tay sai của giặc nhân cơ hội lọt vào tổ chức, phá hoại từ bên trong. Cơ sở của VNQDĐ có nguy cơ tan rã từng mảng lớn. Trước tình hình đó, nhằm cứu vãn tình thế, những người lãnh đạo VNQDĐ chủ trương tiến hành một cuộc bạo động lớn đồng loạt vào đêm 9 rạng ngày 10 – 2 – 1930 tại các địa bàn Yên Bái, Lâm Thao, Hưng Hóa, Hải Dương, Kiến An, là những nơi lực lượng VNQDĐ phát triển mạnh nhất. Nếu cuộc bạo động thành công sẽ có tác dụng lớn, củng cố lòng tin của quần chúng đối với VNQDĐ, tạo đà cho phong trào phát triển, lan rộng ra toàn quốc. Nếu chẳng may thất bại thì “không thành công cũng thành nhân” gây một tiếng vang khích lệ quốc dân đồng bào. Đây là một cuộc khởi nghĩa “dậy non”, khi các điều kiện chuẩn bị chưa được chín muồi, khi bộ máy đàn áp của kẻ địch đang cảnh giác cao độ, yếu tố bí mật bất ngờ, một yếu tố cơ bản cho sự thắng lợi của cuộc khỏi nghĩa, đã không còn. Chính vì vậy mà cuộc khởi nghĩa đã bị dập tắt nhanh chóng.
“Hãy giết chỉ một mình tôi”
Ngày 10 – 2 – 1930, Nguyễn Khắc Nhu bị trọng thương trong khi chỉ huy chiến đấu ở Hưng Hóa, rồi sa vào tay giặc. Ở trong tù, ông đã đập đầu vào tường nhà lao, hy sinh anh dũng. Giặc truy lùng ráo riết, ném bom, đốt phá những nơi nghi là cơ sở hoạt động của VNQDĐ. Một không khí sợ hãi, căng thẳng bao trùm khắp nơi. Ngày 20 – 2 – 1930, NTH và một số chiến hữu sa vào tay giặc. Trong thời gian bị tù, ông đã gửi thư cho Toàn quyền Đông Dương và Hạ viện Pháp. Trong thư, NTH nhận hết trách nhiệm về mình và đề nghị tha tội cho những người khác: “… chỉ cần giết một mình tôi là đủ mà xin đừng làm tội những người khác hiện nay đang bị giam giữ ở các nhà ngục, vì chỉ có mình tôi là thủ phạm thôi, còn những người khác đều vô tội cả” (thư gửi Hạ viện Pháp, 3 – 1930).
Hành động “nhận tất cả”, “nhận tội thay” cho đồng chí mình của NTH thật là cao cả. Tuy nhiên, bọn cầm quyền thực dân không thể thỏa mãn lời cầu xin “chịu tội thay” của ông. Chúng đã tiến hành lùng sục, bắt bớ, khủng bố gắt gao. Nhiều đảng viên VNQDĐ cũng như những người dân vô tội sa vào tay giặc. Đã có tới 1.086 vụ án xử những người tham gia VNQDĐ, thủ tiêu 359 người. Những người em của NTH là Nguyễn Thái Nho, Nguyễn Thái Lâm, Nguyễn Quang Triều cũng lần lượt sa vào tay giặc, người bị xử tử, người bị thủ tiêu, riềng Nguyễn Thái Nỉ lúc ấy còn nhỏ, 7 – 8 tuổi, chưa hoạt động gì là còn sống sót. Ngày 17 – 6 – 1930, các yếu nhân của VNQDĐ đã lên đoạn đầu đài ở Yên Bái. Cùng lên đoạn đầu đài với đảng trưởng NTH là 12 đồng chí thân thiết của ông. Đó là các ông: Phó Đức Chính; Bùi Văn Toàn; Đào Văn Nhật; Nguyễn Văn Tiềm; Hà Văn Lao; Bùi Văn Chuẩn: Nguyễn Văn Thịnh; Nguyễn Văn An; Bùi Văn Cửu; Nguyễn Như Liên; Ngô Văn Du; Đỗ Văn Tú.
Câu thơ bên máy chém
Người đầu tiên bước lên máy chém là ông Đào Văn Nhật. Ông vừa hô “Việt Nam…” thì bị bọn lính chạy áp tới, bịt miệng lại. Sau đó, những người bước lên đoạn đầu đài đều bị bịt miệng. Đến người thứ 12 là ông Phó Đức Chính. Ồng khẳng khái yêu cầu hai điều: 1. Không được bịt miệng; 2. Được nằm ngửa để nhìn lưỡi đao phập xuống cổ mình.
Bọn cầm quyền đồng ý. Phó Đức Chính ung dung nằm ngửa và trước khi lưỡi đao phập xuống cổ mình, ông đã kịp hô lớn: “Việt Nam vạn tuế!”. NTH là người bước lên đoạn đầu đài cuối cùng, sau khi đã chứng kiến đủ 12 lần lưỡi đao phập xuống cổ các chiến sĩ của mình. Ông cũng không bị bịt miệng. Trước khi chết, ông mỉm cười ung dung ngâm mấy câu thơ tiếng Pháp (tạm dịch ra tiếng Việt):“Chết vì Tổ quốc, cái chết vinh quangLòng ta sung sướng, trí ta nhẹ nhàng”.
Một tờ báo lớn của Pháp thời bấy giờ, tờ Paris buổi chiều đã đăng bài tường thuật rất tỉ mỉ về cuộc hành hình này. Tác giả bài báo kết luận: “Trong đời phóng viên; tôi chưa bao giờ được chứng kiến cảnh tượng hào hùng như thế. Những tiếng hô của họ khiến tôi có niềm tin gần như mê tín vào chủ nghĩa ái quốc của họ”.
Cái chết kiên cường, bất khuất của NTH và các chiến sĩ VNQDĐ trên đoạn đầu đài ở Yên Bái đã gây xúc động lớn trong lòng đồng bào toàn quốc từ Bắc chí Nam. Họ đã lấy cái chết của bản thân mình để thực hiện mục đích cuối cùng, dù hết sức khiêm tốn: “Không thành công cũng thành nhân”.
NGUYỄN THỈ GIANG: CHÀNG THEO NƯỚC, THIẾP THEO CHỒNG
Người con gái ‘thổi gió phun mưa, vào sinh ra tử”
Nguyễn Thị Giang (NTG, 1910? – 1930) quê ở Phủ Lạng Thương (nay là thị xã Bắc Giang) tỉnh Bắc Giang, là con gái một nhà nho yêu nước. Gia đình bà có 3 chị em đều tham gia VNDQ của Nguyễn Khắc Nhu. Hai người kia là Nguyễn Thị Bắc và Nguyễn Tỉnh. Khi VNDQ sáp nhập vào VNQDĐ của NTH, ba trở thành đảng viên VNQDĐ tại chi bộ Bắc Giang. Các tài liệu không đề cập đến năm sinh của NTG nhưng căn cứ câu “Khi nhập đảng tuổi vừa đôi tám, cờ nữ binh đóng đội tiên phong“ (Phan Bội Châu – Điếu Cô Giang) ta có thể suy đoán bà sinh vào khoảng năm 1910.
Với bản tính thông minh, nhanh nhẹn, ham hoạt động, khi trở thành đảng viên VNQDĐ, bà được cử vào Tổng bộ VNQDĐ, phụ trách Ban Giao thông tuyên truyền và binh vận. Trong qua trình hoạt động, bà gặp NTH. Hai người “Yêu nhau vì nết, trọng nhau vì tài”, bà trở thành người yêu, người cộng sự gần gũi, là tham mưu của ông.
Thổi gió phun mưa từng mấy trận, nào Lâm Thao, nào Yên Bái, nữ tham mưu đưa đẩy đội hùng binh.
Ra sinh vào tử biết bao phen, kìa thành huyện, kìa đồn binh, quân nương tử xua tan vùng rắn rết.
(Phan Bội Châu – Điếu Cô Giang)
Do hoàn cảnh hoạt động bí mật nên không thể tổ chức lễ cưới theo phong tục truyền thống, hai ông bà đã tiến hành hôn lễ ở Xuân Lũng (Phú Thọ), một địa điểm gần đền Hùng, trước sự chứng kiến của các đảng viên VNQDĐ mà không có đại diện của hai bên gia đình, cũng không có giấy hôn thú của chính quyền cấp (vì vậy, sau này một số tài liệu ghi NTG chỉ là người yêu, là vị hôn thê chứ chưa phải là vợ của NTH. Tuy nhiên, sau này bố mẹ và gia đình NTH đều công nhận bà là con dâu của gia đình).
Viên đạn tự sát và bức thư tuyệt mệnh
Trước khi NTH và các bạn chiến đấu bị hành hình ở Yên Bái, NTG đã bí mật lên tận nơi, tìm cách tổ chức cướp pháp trường, giải thoát cho chồng và các đồng chí. Tuy nhiên, vì thân cô thế cô, vì sự bảo vệ pháp trường của kẻ thù rất nghiêm mật, bà không thể làm gì được. Nhưng bà đã được chứng kiến từ đầu đến cuối gương hy sinh oanh liệt của người chồng thân yêu và các đồng chí của mình. Qua chán nản và tuyệt vọng vì không làm được gì để cứu vãn tình thế, tối hôm đó (17 – 6 – 1930), NTG bí mật trở về gặp bố mẹ chồng. Bà lạy bố mẹ chồng rồi cởi sợi dây chuyền đeo ở cổ có gắn ảnh NTH – NTG, kỷ vật mà NTH tặng bà trong lễ cưới tại Xuân Lũng, gửi lại cho người em út là Nguyễn Thái Nỉ, nói lời vĩnh biệt với gia đình chồng. Đêm hôm đó, tại một ngôi quán vắng ở thôn Đồng Vệ, người ta nghe một tiếng súng lục nổ. NTG đã tự sát, sau khi để lại hai bức thư, một bức thư gửi bố mẹ chồng, một bức thư tuyệt mệnh.
Trong thư tuyệt mệnh có một bài thơ đầy xúc động dài 18 câu lục bát, nay đã được ép plastic, đặt trang trọng cạnh chân dung NTG và chân dung NTH tại nhà thờ tổ họ Nguyễn ở làng Thổ Tang.
Sau cái chết của 13 yếu nhân VNQDĐ trên đoạn đầu đài ở Yên Bái thì cái chết đầy chất bi tráng của NTG tiếp theo gây xúc động lớn trong tình cảm của ngươi dân cả nước. Từ cố đô Huế, “ông già bến ngự” Phan Bội Châu làm bài Điếu Cô Giang tỏ lòng tiếc thương và cảm phục trước gương hy sinh của bà:
Thời như thế, việc đành như thế, đài cắt đầu mừng được thấy anh linh.
Sống là không mà thác cũng là không, đạn kề cổ chẳng nhường cho giặc giết.
Trong dân gian thời bấy giờ lưu truyền một bài vè ca gợi gương trung trinh tiết liệt của NTG, có ý so bà với những gương liệt nữ bỏ mình vì dân vì nước như Hai Bà Trưng, Bà Triệu, Bùi Thị Xuân… Bài vè kết luận:Thế gian mặc chuyện ra vàoLòng trung xin nguyện trời cao soi cùngChàng theo nước, thiếp theo chồngTuồng chi dơ dáy sống cùng hôi tanhKhen chê phó mặc sử xanhTreo gương đất nghĩa trời kinh đời đời…
(Vè Cô Giang – Khuyết danh)
NTG xứng đáng là một liệt nữ, “chàng theo nước, thiếp theo chồng” trung trinh tiết liệt, xả thân vì nghĩa lớn, làm rạng ngời khí phách người phụ nữ Việt Nam anh hùng. Người chị của bà là Nguyễn Thị Bắc cũng bỏ mình vì nước. Ở TP. Hồ Chí Minh có đường Cô Bắc va đường Cô Giang mang tên hai chị em bà. ở quận 5 (TP. Hồ Chí Minh) có một trường trung học mang tên Nguyễn Thị Giang.
* Nguồn: NHÌN LẠI LỊCH SỬ, nhà xuất bản Văn hóa-Thông tin, Hà Nội 2003, Tác giả: KS. PHAN DUY KHA – TS. LÃ DUY LAN – TS. ĐINH CÔNG VĨ.
Không có nhận xét nào: