NƯỚC THIÊN CHÚA VÀ NGƯỜI GIÀU
SUY NIỆM PHÚC ÂM (IV B 50); (14.10.2012); (Mc 10, 17-30)
CHÚA NHẬT XXVIII PHỤNG VỤ THƯỜNG NIÊN NĂM B
Nguyễn Học Tập (TNCG) - Bài Phúc Âm Chúa Nhật hôm nay gồm có hai phần,
- phần đầu (Mc 10, 17-22) nói về cuộc đối thoại giữa Chúa Giêsu và một người thanh niên giàu có,
- phần hai (Mc 10, 23-30): Chúa Giêsu tiếp tục đàm thoại với các Môn Đệ về đề tài liên quan.
Phần đầu của Phúc Âm Thánh Marco Chúa Nhật hôm nay thuật lại cho chúng ta cuộc đối thoại giữa Chúa Giêsu và một người thanh niên giàu có đến hỏi Ngài về cuộc sống vĩnh viễn hạnh phúc.
Trong khi Phúc Âm Thánh Matthêu thuật lại cho chúng ta con người muốn đến tìm chân lý đó là một thanh niên:
- "Bấy giờ có một người đến thưa với Chúa Giêsu rằng: Thưa thầy, con phải làm điều gì tốt để được hưởng sự sống đời đời... Nghe lời ấy, người thanh niên buồn rầu bỏ ra đi, vì anh ta có nhiều của cải" (Mt 19, 16.22),
thì Phúc Âm Thánh Marco chỉ nói cho chúng biết người giàu có vừa kể là " một người ", không xác định rỏ già hay trẻ:
- "Chúa Giêsu vừa lên đường, thì có một người chạy đến, quỳ xuống trước mặt Người và hỏi: Thưa Thầy nhân lành, con phải làm gì để được sự sống đời đời làm gia nghiệp?" (Mc 10, 17).
Trước hết cử chỉ của người đến gặp Chúa Giêsu trong Phúc Âm Thánh Marco là cử chỉ của các tổ phụ trong Cựu Ước, quỳ xuống phủ phục trước mặt Thiên Chúa hay người cấp dưới hơn , trẻ hơn quỳ trước mặt các bô lảo để xin những lời chỉ giáo. Điều đó nói lên sự kính trọng và thần phục đối với Đấng đang ở trước mặt anh.
Thái độ quỳ phủ phục , cũng như lời nói của anh nói lên sự ngưỡng mộ, tôn vinh của anh đối với Chúa Giêsu:
- "Thưa Thầy nhân lành, con phải làm gì để được sự sống đời đời làm gia nghiệp ?" (Mc 10, 17)
Lợi dụng cử chỉ và lời nói tôn vinh của anh, " thưa Thầy nhân lành, con phải làm gì ", Chúa Giêsu muốn hướng dẫn anh thẳng tới Thiên Chúa trong câu trả lời của Ngài:
- "Sao anh gọi Ta là nhân lành? Không có ai nhân lành cả, trừ một mình Thiên Chúa" (Mc 10, 18).
Và cũng chính trong câu nói đó, Chúa Giêsu đã trả lời cho anh điều răn thứ nhất trong hai điều răn trọng yếu của Thiên Chúa Giáo:
- "Ngươi phải yêu mến Thiên Chúa là Chúa của ngươi, hết lòng, hết linh hồn và hết trí khôn ngươi. Đó là điều răn quan trọng nhứt và điều răn thứ nhứt" (Mt 22, 37),
Nói cách khác, "chỉ có một mình Thiên Chúa là Đấng nhân lành", anh phải nhận biết , yêu mến và thờ phượng Người như điều răn thứ nhứt dạy anh.
Và sau câu nói đó, Người tiếp tục dạy anh điều răn thứ hai:
- "Chớ giết người, chớ ngoại tình, chớ trộm cắp, chớ làm chứng gian, chớ làm hại cho ai, hãy thờ kính cha kính mẹ" (Mc 10, 19).
Hay tuyên bố dưới hình thức tích cực của giới răn:
- "Còn điều răn thứ hai cũng giống như điều răn ấy, là "ngươi phải yêu người lân cận như chính mình" (Mt 22, 39).
Hai điều răn vừa kể, ai trong dân Do Thái cũng đều biết, là hình thức tuyên bố ngắn gọn của mười điều răn, Tuyên Ngôn của Giao Ước giữa Thiên Chúa và dân tộc được chọn.
Chắc chắn anh thanh niên giàu có, ước muốn được tiến đến trọn hảo trong Phúc Âm hôm nay cũng biết và thực hành.
Và đó là điều được anh xác nhận trong câu trả lời của anh với Chúa Giêsu:
- "Thưa Thầy, tất cả những điều đó con đã tuân giữ từ nhỏ" (Mc 10, 20).
Nghe những lời anh vừa thốt ra, Chúa Giêsu nhìn anh một cách trìu mến:
- "Chúa Giêsu đưa mắt nhìn anh và đem lòng yêu mến" (Mc 10, 21).
Chưa bao giờ Phúc Âm Thánh Marco thuật lại cho chúng ta một cử chỉ ưu ái như vậy đối với bất cứ ai, ngay cả lúc Chúa Giêsu nhìn và kêu gọi bốn Môn Đệ tiên khởi của Ngài:
- "Người đang đi dọc bờ biển hồ Galilea, thì thấy ông Simon và người anh của ông là ông Andrea, đang quăng lưới xuống biển, vì họ làm nghề đánh cá. Người bảo họ: Các anh hãy theo Ta, Ta sẽ làm cho các anh thành những kẻ lưới người như lưới cá. Lập tức hai ông bỏ chài lưới mà theo Người.
Đi xa hơn một chút, Người thấy ông Giacôbê , con ông Zebedeo, và người em là ông Gioan, Người liền gọi hai ông. Và các ông bỏ cha mình là ông Zebedeo ở lại trên thuyền" (Mc 1, 16-19.20).
Người nhìn anh trìu mến, vì Ngài biết anh là người tốt lành, như lời nói của anh "thưa Thầy, tất cả những điều đó, con đã tuân giữ từ nhỏ".
Và chính câu nói của Chúa Giêsu thốt ra cũng chứng tỏ lòng trìu mến của Ngài đối với anh thanh niên, tiên báo cho anh về Nước Thiên Chúa hay sự sống đời đời đang nằm trong tầm tay anh :
- "Anh chỉ còn thiếu có một điều" (Mc 10, 21).
Trong suốt Phúc Âm Thánh Marco, từ đầu cho đến những chương 9 và 10 chúng ta đang suy niệm, chưa bao giờ Chúa Giêsu nói với ai như vậy để được vào Nước Thiên Chúa. Chỉ có một lần ở chương 12, khi Chúa Giêsu trả lời cho một kinh sư thông thái:
- "Chúa Giêsu thấy ông trả lời khôn ngoan như vậy thì bảo: Ông không còn xa Nước Thiên Chúa đâu" (Mc 12, 34).
Trở lại câu trả lời nguyên văn của Chúa Giêsu cho người thanh niên được Người trìu mến:
- "Anh chỉ còn thiếu một điều, là hãy đi bán những gì anh có mà cho người nghèo. Anh sẽ được kho tàng trên trời. Rồi hãy trở lại theo Ta" (Mc 10, 21b).
Trong câu trả lời vừa kể của Chúa Giêsu, chúng ta thấy Thánh Marco ghi lại cho chúng ta tất cả những động tác chính yếu của một ơn kêu gọi, mà chúng ta có thể tìm thấy dễ dàng trong Thánh Kinh: " đi , bán, trở lại , theo Ta". Là những động từ nói lên thái độ phải có của những ai muốn theo tiếng gọi của Chúa. Muốn theo Chúa Giêsu, chúng ta phải tháo gở những vướng mắc ràng buộc bản thân chúng ta " đi, bán ". Nhiều khi tháo gở những ràng buộc cá nhân chúng ta không phải là điều dễ dàng, cần có can đảm và dứt khoát. Cử chỉ can đảm đó được thể hiện trong động từ quyết chí "trở lại" để "theo" Chúa.
Đọc lời khuyên và ơn gọi vừa kể của Chúa Giêsu, không ít người có cái nhìn bi quan đến hiểu lầm cho rằng Ki Tô giáo là một tôn giáo tiêu cực.
Đời nầy chỉ là nơi tạm bợ, là thung lũng đầy nước mắt "in hac lacrimarum valle", cần phải vứt bỏ đi những liên hệ và của cải trần tục vô giá trị , chỉ làm cho chúng ta vướng mắc, "đi bán những gì anh có ", không được nhẹ bỏng, cất cánh tung bay về với Chúa và Mẹ Maria.
Phải chăng chính Chúa Giêsu đã biết " Dương gian nầy là chốn lưu đày, đoàn con như khách lữ hành", nên Ngài mới dạy người thanh niên được Ngài trìu mến hãy về "đi bán những gì anh có.", để giải thoát anh khỏi những vướng mắc, tự do để theo Chúa?
Để có một câu trả lời đúng đắn hơn, chúng ta thử bình tâm đọc lại toàn phần lời dạy của Chúa Giêsu:
- "Anh chỉ còn thiếu một điều, là hãy đi bán những gì anh có mà cho người nghèo. Anh sẽ được kho tàng trên trời. Rồi hãy trở lại theo Ta" (Mc 10, 21b).
Trước hết ngay trong lời Chúa Giêsu dạy anh thanh niên giàu có, "hãy đi bán những gì anh có", cho thấy Chúa Giêsu dạy cho chúng ta của cải ở đời nầy có giá trị của chúng.
Bởi lẽ không ai có thể "bán" những đồ vật phế thải, vô giá trị, không dùng được vào việc gì, không ai muốn. Làm sao bán cho người khác những vật mà không ai dùng được vào việc gì?
Đó là những gì chúng ta đã có dịp suy nghĩ đến trong bài suy niệm Phúc Âm Chúa Nhật tuần trước nữa .
Của cải ở đời nầy, đồ vật, tiền bạc, địa vị, quyền bính, sắc đẹp là những thực thể có giá trị, vì một cách nào đó là những thực thể được Thiên Chúa dựng nên.
Thiên Chúa dựng nên có giá trị cho chúng ta. Và Ngài hài lòng nhìn thấy những gì Ngài dựng nên cho con người là những điều tốt đẹp, sau mỗi ngày tạo dựng:
- "Và Thiên Chúa nhìn thấy đó là điều tốt đẹp" (St 1, 9.12.18.21.25.31).
Không phải một lần, mà sáu lần như vậy, Thánh Kinh lập lại cho chúng ta khi Chúa nhìn lại công trình mà Ngài tạo dựng nên một cách ưu ái cho chúng ta, để tất cả nhân loại chúng ta có được nơi cư ngụ và môi trường sinh sống khang trang.
Còn nữa, nếu của cải trần gian là điều không tốt đẹp, là đồ bỏ, vô giá trị, thì không có lý do gì sau khi tạo dựng con người, Thiên Chúa đặt con người ở trần gian để cộng tác với Ngài tạo nên nơi chốn và điều kiện cư ngụ khang trang cho chính họ và cho anh em họ:
- "Đức Chúa là Thiên Chúa đem con người đặt vào vườn Địa Đàng để trồng trọt và trông coi" (St 2, 15).
Thánh Kinh không ghi lại cho chúng ta những gì Ngài dựng nên cho chúng ta là " điều tốt đẹp nhứt, là những gí trị vô hạn định, có khả năng làm cho chúng ta hạnh phúc vô tận".
Không có của cải trần gian nào mang được những giá trị vô hạn đó.
Và chúng ta có thâu tóm bao nhiêu của cải, không bao giờ chúng ta thu tóm đủ để làm cho chúng ta hạnh phúc vô tận. Bởi lẽ những tài vật mà Thiên Chúa dựng nên cho chúng ta là những sự vật có giá trị hữu hạn.
Thu tóm những giá trị hữu hạn không bao giờ chúng ta có được một tổng số vô hạn.
Hạnh phúc vô hạn đó, chỉ có Thiên Chúa mới là Đấng trọn hảo vô hạn có thể lấp đầy ước vọng hạnh phúc vô hạn, mà Ngài đặt trong tâm khảm chúng ta khi Ngài dựng nên chúng ta giống hình ảnh Ngài (St 1, 27).
Chính vì vậy mà Thánh Augustino đã phải thốt lên một câu:
- "Tâm hồn tôi chỉ có thể an nghỉ, khi chiếm hữu được Thiên Chúa làm của riêng tôi".
Của cải trần gian không có khả năng tạo cho chúng ta hạnh phúc vô tận, không phải là điều tốt đẹp tuyệt hảo, nhưng là những của cải có giá trị, có khả năng làm cho con người có được một cuộc sống khang trang, hạnh phúc, để từ đó con người phát triển chính nhân cách của mình, hướng về Chúa là nguồn hạnh phúc bất diệt.
Xác tín như vậy là một chuyện, có cái nhìn yếm thế tiêu cực cho rằng của cải vật chất ở đời nầy là những vật vô giá trị, của phù du cần vất bỏ đi, là chuyện khác.
Thái độ quá đáng và không có lòng biết ơn nhận thấy những gì Thiên Chúa ưu ái tạo dựng nên cho mình và cho anh em mình.
Của cải ở trần gian có một giá trị của nó, nếu không Chúa Giêsu đã không bảo người thanh niên được Ngài trìu mến "bán" đi , mà "vất đi" như những đồ vật phế thải vô giá trị.
Và nếu của cải là những vật có giá trị, tại sao Chúa Giêsu dạy người thanh niên "bán" đi, thay vì cất giấu, tích trữ như anh đã làm?
Câu trả lời đã được Chúa Giêsu đưa ra:
- "hãy bán đi những gì anh có mà cho người nghèo" (Mc 10, 12b).
Lý do chính đáng để anh truất bỏ đi của cải không phải vì của cải vô giá trị, mà vì người anh em của anh đang nghèo túng, cùng cực.
Của cải của anh có giá trị, có khả năng làm giảm thiểu sự khốn cùng của anh em. Anh hãy bán chúng đi, lấy giá trị của nó, lấy tiền, giúp cho anh em tạo được những điều kiện cần thiết , giảm bớt mức sống thiếu thốn cùng cực của họ.
Anh không thể nói anh "đã tuân giữ tất cả những điều đó từ lúc còn nhỏ", " yêu thương người thân cận như chính mình", trong khi anh " có nhiều của cải" (Mc 10, 22), mặc cho anh em của anh đang sống cùng cực, đê tiện và có lẽ cũng không còn phải là người nữa.
- "Chớ giết người, chớ ngoại tình, chớ trộm cướp, chớ làm chứng gian, chớ làm hại ai" (Mc 10, 19).
Là điều răn thứ hai được nêu lên dưới hình thức tiêu cực. Giữ trọn được giới răn dưới hình thức tiêu cực đã là một điều đáng khích lệ, nhưng chưa đủ.
Bổn phận của người Ki Tô hữu không phải chỉ được giới hạn trong cách hành xử không làm điều ác, mà còn trong hoạt động để làm điều thiện.
Chúa Giêsu đã lên án người giàu có trong câu chuyện người giàu và Lazzaro. Người giàu trong câu chuyện Lazzaro không hề có một hành động nào độc ác, phạm lỗi đối với những gì Chúa Giêsu vừa kể cho anh thanh niên. Ông ta chỉ có mỗi tội là không hề "thấy" Lazzaro sống lây lất chung với đàn chó ngoài ngưỡng cửa của ông:
- "Có ông giàu có kia, mặc toàn lụa là gấm vóc, ngày ngày yến tiệc linh đình. Lại có một người nghèo khó tên là Lazzaro, mụn nhọt đầy mình, nằm trước cổng ông nhà giàu, thèm được những thứ trên bàn của ông ấy rớt xuống mà ăn cho no. Lại thêm mấy con chó cứ đến liếm ghẻ chóc anh ta" (Lc 16, 19-21).
Và đây là lời kết án của Chúa Giêsu, qua miệng tổ phụ Abraham cho lối sống không bao giờ " thấy" những khốn cùng của anh em:
- "Con ơi, con hãy nhớ lại: suốt đời con, con đã nhận phần phước rồi; còn Lazzaro suốt đời chịu toàn những bất hạnh. Bây giờ Lazzaro được an ủi nơi đây, còn con thì phải chịu khốn khổ" (Lc 16, 25).
Không làm điều thiện, không can đảm hy sinh, đảm đang trách nhiệm đứng ra giúp đở, bệnh vực anh em theo lẽ phải và lương tâm ngay chính để anh em có được một cuộc sống người cho ra người, là thái độ không có gì khác hơn thái độ của người thanh niên giàu có khi nghe Chúa Giêsu bảo bán của cải đễ giúp đở người nghèo:
- "Nghe lời đó, anh ta sa sầm nét mặt và buồn rầu bỏ đi, vì anh ta có nhiều của cải" (Mc 10, 22).
Không làm điều ác, chưa đủ. Giữ đạo Chúa Ki Tô không phải chỉ có vậy!
Người Ki Tô hữu còn có bổn phận phải làm điều thiện, hy sinh dấn thân và can đảm đứng ra giúp đở, tranh đấu, bênh vực anh em mình theo lẽ phải, theo con đường công chính.
Thái độ trốn tránh trách nhiệm, khi bổn phận và lương tâm ngay chính của mình đòi buộc mình phải thực hiện để bênh vực và nâng đở anh em, đã bị Chúa Giêsu lên án đối với thái độ " lách sang rồi bỏ đi luôn " của Thầy Tư Tế và Thầy Thông Thái Luật trong dụ ngôn người Samaritano nhân lành (Lc 10, 29-37).
Thầy Tư Tế và Thầy Thông Thái Luật trong câu chuyện không làm điều gì sai trái, không làm điều ác, chỉ có thiếu làm điều thiện, thiếu đức bác ái đối với người anh em đang cần được giúp đở, "lách sang rồi bỏ đi luôn". Đó là cử chỉ đê tiện, bất nhân bị Chúa Giêsu lên án.
Lời dạy đó trong Phúc Âm cũng đã được Kinh Cáo Mình của chúng ta hôm nay, Kinh Cáo Mình của Công Đồng Vatican II lập lại:
- "Con đã phạm tội nhiều, trong tư tưởng, lời nói, việc làm và những điều thiếu sót (omissio)".
"Omissio" của tiếng La Tinh là những gì mình biết phải làm, mà mình "tự ý cố tính bỏ qua", "lách sang rồi bỏ đi luôn", chớ không phải "thiếu sót" vì không biết hay quên lãng.
"Tự ý bỏ qua", "thiếu trách nhiệm" những gì mình đáng lý phải làm là tội, là thiếu bác ái đối với anh em, lỗi điều răn thứ hai cũng quan trọng như phạm đến điều răn thứ nhứt:
"Còn điều răn thứ hai cũng giống như điều răn ấy, là: ngươi phải yêu người thân cận như chính mình" (Mt 22, 39).
Và ai không tuân giữ điều răn thứ hai, thì cũng chẳng tôn trọng gì điều răn thứ nhứt, "yêu mến Thiên Chúa của ngươi hết lòng, hết linh hồn và hết trí khôn", theo lời cảnh cáo của Thánh Gioan:
- "ai không yêu thương người anh em mà mình trông thấy, làm sao có thể yêu mến Thiên Chúa, Đấng mà họ không trông thấy" (1 Jn 4, 20).
Nguyễn Học Tập (TNCG)
Không có nhận xét nào: