WTGPHN - Vào lúc 18h00, ngày 2 tháng 10 năm 2012, tại nhà thờ Chính Tòa Hà Nội, Đức Tổng Giám mục Phê-rô Nguyễn Văn Nhơn đã chủ tế Thánh lễ kỷ niệm 100 năm ngày sinh của linh mục Gioan Lasan Nguyễn Văn Vinh (2/10/1912 -2/10/2012). Cùng đồng tế với ngài có Đức cha Giuse Đặng Đức Ngân, Giáo phận Lạng Sơn, Đức cha Lôrensô Chu Văn Minh, Đức cha Giuse Nguyễn Văn Yến, khoảng 40 linh mục thuộc Tổng Giáo phận Hà Nội, đông đảo quý nam nữ tu sỹ và bà con giáo dân.
Trước khi bước vào thánh lễ, Đức Tổng giám mục đã giới thiệu với cộng đoàn về cha Gioan Lasan: "Ngài là một linh mục ưu tú, một chứng nhân đức tin của Tổng Giáo phận Hà Nội. Chúng ta dâng thánh lễ này để tưởng nhớ đến ngài, và noi gương ngài đã sống can trường trong đức tin với những nhân đức tốt đẹp của ngài".
Trong phần giảng lễ, Đức cha Phụ tá Lôrensô Chu Văn Minh đã tóm tắt về cuộc đời cha Gioan Lasan, nêu lên những mốc thời gian quan trọng, những tài năng, những công việc ngài đã làm và những nhân đức anh hùng của ngài. Đức cha đặc biệt nhấn mạnh tới lòng can trường, cương nghị, tinh thần hăng say phục vụ và lòng bác ái mục tử của cha Gioan Lasan. Ngay cả những lúc khó khăn ở trong tù, ngài vẫn luôn quên mình để phục vụ mọi người và luôn kiên trung trong đức tin, không chịu khuất phục và không bị lôi kéo trước bất cứ cường quyền nào.
Đức cha còn nhấn mạnh đặc biệt đến tài năng âm nhạc của cha Gioan Lasan. Ngài có năng khiếu bẩm sinh đặc biệt về âm nhạc, lại được đào luyện chu đáo nên đã sáng tác và để lại nhiều nhạc phẩm thánh ca tuyệt vời. Lược qua các tác phẩm âm nhạc của ngài, chúng ta sẽ hình dung được thân thế, sự nghiệp và tâm hồn của ngài. Ngoài ra, cha cố còn phổ nhạc bài thơ "Đèo Ngang" của Bà Huyện Thanh Quan, bài "Sao Mai" và bài "Ca vịnh 8"...
Cuối thánh lễ, Đức cha Phụ tá Lô-re-sô và ca đoàn nhà thờ Chính toà Hà Nội trình bày một tác phẩm âm nhạc do cha Gioan Lasan sáng tác.
Kết thúc thánh lễ, Đức Tổng Giám mục Phêrô, quý Đức cha đã thắp hương trước di ảnh của cha Gioan Lasan để tưởng nhớ một chứng nhân đức tin anh dũng, một linh mục can trường của Tổng Giáo phận Hà Nội. Ngài sẽ mãi là tấm gương để hậu thế kính tôn và tri ân.
Bài giảng của Gm Lôrensô Chu Văn Minh
Cha Gioan Lasan Nguyễn Văn Vinh chào đời ngày 2 tháng 10 năm 1912 tại làng Ngọc Lũ, huyện Bình Lục, tỉnh Hà Nam.
Cậu Vinh, một thiếu niên vui vẻ, thông minh, có năng khiếu nghệ thuật bẩm sinh về âm nhạc, ca hát. Cha xứ Ngọc Lũ thời đó là Cố Hương, một linh mục người Pháp tên là Dépaulis giới thiệu cậu lên học tại trường Puginier Hà Nội.
Năm 1930, thầy Vinh được cố Hương dẫn sang Pháp du học. Năm 1935, thầy vào Đại Chủng viện St Sulpice, Paris. Ngày 20-6-1940, thầy được thụ phong linh mục ở Limoges.
Chiến tranh thế giới xảy ra, cha Vinh phải ở lại Pháp và tiếp tục học tập. Ngài học văn khoa - triết tại Đại học Sorbonne, và tốt nghiệp khoa sáng tác, hòa âm tại Nhạc viện Quốc gia Pháp.
Vóc dáng thon thả dễ thương của ngài khiến nhiều người Pháp tưởng lầm ngài là phụ nữ, nên cứ chào: Bonjour Madame! Nhưng ẩn trong cái dáng vóc nhỏ nhắn đó là một tâm hồn rộng lớn, sau đôi mắt sáng là tính cương trực, dưới nụ cười là ý chí sắt son.
Sau khi tốt nghiệp cử nhân văn khoa - triết ở Sorbone, ngài gia nhập dòng khổ tu Biển Đức tại Đan Viện Ste Marie. Trong Đan Viện, các thày dòng luôn cử hành kinh thần vụ bằng lời ca tiếng hát. Suốt ngày dài từ tinh mơ, sáng, trưa, chiều, tối, đang đêm các thầy cũng dậy hát kinh thần vụ. Tiếng hát ca cầu nguyện sốt sắng linh thánh của các thầy trong vắt như tiếng hạc bay giữa thinh không, như hương thơm tỏa lan trước tòa Thiên Chúa để kính tôn thánh danh và ngợi khen Ngài. Cha Vinh có ý định sẽ về lập dòng Biển Đức ở Việt Nam nhưng không thành.
Khi về nước, cha Vinh là một trong những nhạc sĩ tiên phong của Thánh nhạc Việt Nam và là một nhạc sĩ toàn tài. Ngài chơi vĩ cầm và dương cầm nhuần nhuyễn với trình độ cao, ngài kể chính ngài là người Việt Nam đầu tiên chơi vĩ cầm ở Hà Nội. Hằng tuần ngài sang dạy nhạc, xướng âm và tập hát bên chủng viện Gioan. Cha Vinh có cái miệng xinh xinh, lúc nào cũng chúm chím như muốn cười, hay huýt sáo miệng, giọng nam cao, âm hưởng thanh thoát, lôi cuốn.
Ngài tổ chức và chỉ huy dàn đồng ca với mấy trăm ca viên trong nhiều cuộc đại lễ và rước kiệu linh đình như cuộc Cung Nghinh Thánh Thể từ Hàm Long về Nhà Thờ Lớn Hà Nội.
Biết tài năng và kiến thức âm nhạc của ngài, nhiều nhạc sĩ ở Hà Nội thời đó tìm đến cha Vinh tham khảo ý kiến và nhờ xem lại những bản nhạc, bài ca họ mới viết.
Ngài có năng khiếu bẩm sinh đặc biệt về âm nhạc, lại được đào luyện chu đáo nên đã sáng tác và để lại nhiều nhạc phẩm thánh ca tuyệt vời.
Cha ông ta có câu: "Người làm sao, của lao hao làm vậy''. Cứ xem các tác phẩm sẽ biết tác giả.
Lược qua các tác phẩm âm nhạc của ngài, chúng ta sẽ hình dung được thân thế, sự nghiệp của ngài.
Ý thức rằng mọi sự ta có đều là hồng ân Thiên Chúa ban cho, cha Vinh đã phát huy tài năng ca nhạc của mình phục vụ con người và tôn vinh danh Chúa, bài "Thánh vịnh 8": Chúa đã dùng miệng trẻ nhỏ lưỡi con thơ vang những lời ca tán tụng phản đối phương, để tiêu diệt cả quân thù và đối địch.
Cha Vinh yêu tổ quốc, ngài phổ nhạc bài thơ "Đèo Ngang" của Bà Huyện Thanh Quan, đất nước quê hương thân yêu của chúng ta được nét nhạc trình bày nhẹ nhàng, nuột nà, đẹp như một bức tranh. Ngài mến con người Việt Nam, bài "Sao Mai" ví thiếu nhi như những ngôi sao mai tương lai đẹp sáng, như chim trời vỗ cánh bình minh vào đời. Qua bài "Ca vịnh 8" khi nhìn ngắm thiên nhiên, trời đất ngài nâng tâm hồn lên nhận biết đấng sáng tạo muôn loài.
Mười lăm tuổi cậu Vinh vào Tiểu Chủng viện Hoàng Nguyên, bài "Chủng Viện Gioan" coi chủng sinh như những người lính có tình yêu Thiên Chúa đứng canh thánh điện vàng, có Thiên Chúa làm hân hoan. Hai mươi tám tuổi ngài thụ phong linh mục, bước lên bàn thánh với bài "Tận Hiến": Huyền cầm dạo khúc vui tươi lễ dâng Thiên Chúa trước ngai diệu huyền, xác hồn tận hiến trinh trong, theo hầu Chiên Chúa uy phong muôn đời. Nét nhạc lâng lâng thiêng thánh bay vút lên thinh không. Ngài kính tôn tình yêu mà Chúa Giêsu dành cho nhân loại qua bài "Thánh Tâm Giêsu": nguồn sống thiên thu. Ngài sùng kính Đức Mẹ Maria, qua bài "Đức Mẹ Vô Nhiễm": Maria biến sâu ơn phúc lai láng. Ngài gắn bó với Chúa, luôn suy niệm về Chúa qua bài "Chúa trong lòng con". Ngài yêu mến nhà Chúa, thể hiện tâm tình gắn bó qua Thánh vịnh 147 trong bài "Salem hỡi". Khi từ Pháp mới về Hà Nội cha Vinh đã gặp gỡ các thanh niên Công giáo Hà Nội và cùng nhạc sĩ Hùng Lân viết vở nhạc kịch đầu tiên của Việt Nam "Tôn Giáo Nhạc Kịch Đavít" thể hiện ước mong Giáo Hội Việt Nam tuy nhỏ bé như Đavít xưa nhưng với sức thần của Thiên Chúa sẽ đánh bại được thế lực thù địch là tên Gôlíat khổng lồ để tồn tại và phát triển vững mạnh.
Ngài là một tông đồ có tinh thần truyền giáo hăng say, thể hiện qua ba tác phẩm lớn "Mở Đường Phúc Thật" rao giảng Tin Mừng cho muôn dân, nhằm mở rộng Nước Trời, nhằm "Tôn vinh Thiên Chúa Ba Ngôi" và cùng mọi người tin tưởng mà ngợi khen Thiên Chúa với tác phẩm "Gia-vi Vua Tình Yêu".
Trong bối cảnh xã hội rối ren, suy thoái, giữa cảnh đời đen bạc, nhiều thế lực tấn công Giáo Hội, ngày ngày chúng cứ hỏi, hỏi rằng Chúa mày đâu ? Ngài kể qua "Thánh vinh 115": Vực sâu gọi vực sâu cất theo tiếng thác sầu, sóng thần vần sóng lớp vùi ngập cả đầu này, ngày lại ngày nguyện ước, Gia-vi xuống ơn mầu. Đêm thâu vẫn ca tụng Thiên Chúa sinh mệnh tôi.
Ý thức được sự linh thiêng của đền thánh Chúa như bài "Thánh vịnh 23": Ai lên núi thánh Gia-vi, ai về tiến bước nguyện quỳ thánh cung ? Là ai tay trắng với lòng thanh, chẳng chút thề nguyền gạt kẻ cận thân. Ấy người hưởng phúc Gia-vi lãnh công được Đức Thượng Minh cứu chuộc. Dịp lễ Noel năm 1958, khi người ta xâm phạm Nhà Thờ Lớn Hà Nội, ngài kiên quyết đứng ra bảo vệ quyền tự do tôn giáo, gìn giữ Nhà Chúa nên bị bắt giam và tù đầy. Trong nơi tối tăm ngài hướng lên kêu nài cùng Chúa xin Chúa xót thương với lời hát "Thánh vịnh 115": Dù tôi nói tôi cùng khổ quá. Tôi vẫn một lòng tin vững Chúa tôi. Khi xao xuyến tôi đã chê rằng mọi người đều gian dối. Tôi sẽ chu toàn lời tôi hứa cùng Chúa trước mặt toàn dân.
Như linh cảm trước cuộc đời làm chứng cho Chúa phải thử thách cam go, khổ sở, tù đầy sau này của mình, ngài đã phổ nhạc bài "Lạy Mừng Thánh Tử Đạo" của cha Trần Đình Nam. Điệu nhạc trầm hùng, tả cảnh đời mạnh mẽ dồn dập như sóng vỗ gió gào, đang khi tâm hồn tĩnh lặng khoan thai, chiêm niệm thẳm sâu.
Trong ngục tù, ngài vẫn kiên cường trung thành với Giáo Hội, tín thác vào Chúa.Với bản Thánh ca "Ở Dưới Vực Sâu" cha Vinh nguyện xin Chúa: Ở dưới vực sâu, tôi kêu cùng Chúa, Xin Chúa thỉnh nhời, Chúa hãy lắng nghe tiếng tôi van. Hồn tôi khát mong đợi Chúa, như người lính canh mong đợi hừng đông. Xin Chúa cho những người đã lìa trần được vào chốn nghỉ ngơi muôn đời và được ánh sáng muôn đời chiếu soi. Làn điệu nài nẵng, thiết tha với những nốt trầm sâu lắng, bỗng cung nhạc vút cao bay lên thanh thoát tin tưởng vui tươi làm xao xuyến tâm hồn.
Bị đầy đọa hãm hại ngài vẫn kiên trung với Chúa và Giáo Hội, không bị mua chuộc, dụ dỗ, không hề sợ hãi thối lui, nên đã bị diệt trừ và lìa trần tại trại tù Cổng Trời năm 1971.
Nhưng như lời ngài hát trong "Thánh vịnh 115": Cái chết của những người tín hữu Chúa, có giá trị trước mặt Người. Lạy Chúa, tôi là tôi tá Chúa, là con kẻ làm tôi tớ Chúa. Chúa sẽ phá xiềng xích trói buộc tôi.
Suốt đời trong mọi tình huống cha Nguyễn Văn Vinh đã hoàn thành trách vụ của mình cách trọn hảo. Ngài đã hăng say rao giảng Tin Mừng và làm chứng cho đức tin, khi thuận tiện cũng như khó khăn, vượt mọi thử thách gian khổ không chịu khuất phục trước cường quyền, bạo lực, luôn trung kiên với Thiên Chúa và Giáo Hội.
Cha Gioan Lasan Nguyễn Văn Vinh đã đi vào cõi Ngàn Thu. Tuy thể xác ngài đã lìa trần, nhưng tinh thần bất khuất của ngài vẫn sáng chói, hồn thiêng của ngài vẫn phảng phất quanh đây, gần gũi mọi người chúng ta qua tấm gương sáng làm chứng cho đức tin, lẽ phải, công bình, bác ái. Ngài là một chứng nhân kiên dũng, một Mục Tử Nhân Lành chân chính.
Ngài cũng là nhạc sĩ thiên tài, một trong những nhạc sĩ Công giáo tiên phong của phong trào Thánh ca Việt Nam hiện đại, đã để lại cho đời và nhất là cho Giáo Hội Việt Nam những kiệt tác âm nhạc, những bài thánh ca đạo đức bay bổng, những bài bình ca đượm mầu sắc dân tộc luôn rung động lòng người.
Chính cuộc đời của Cha Gioan Lasan Nguyễn Văn Vinh là một bản trường ca, một thiên anh hùng ca biểu hiện cả một thời kỳ chiến đấu anh hùng của Giáo Hội Việt Nam trong thời hiện đại biến động này, cha là cành lá vạn tuế tượng trưng cho những anh hùng đức tin. Cha là vòng nguyệt quế biểu hiện sự chiến thắng của sự thiện trên sự dữ, là khúc khải hoàn ca tụng khen của Giáo Hội Việt Nam dâng lên Thiên Chúa toàn năng.
Thưa cha Nguyễn Văn Vinh, cha là người cha, người thầy, cha là vinh dự, là niềm tự hào của chúng con, chúng con yêu mến, kính tôn và tri ân cha. Noi gương cha, chúng con nguyện ước sẽ dùng lời ca điệu nhạc và biến cuộc đời chúng con thành một bài ca tán tụng Thiên Chúa và phục vụ mọi người.
Nguyện xin Thiên Chúa trả công bội hậu cho cha trên thiên đường, được hưởng hạnh phúc muôn đời cùng các thần thánh như những người tôi trung và con yêu của Chúa. Amen
(Nguồn: WTGPHN)
Không có nhận xét nào: