Tháng Mân Côi - Thanh Niên Công Giáo

728x90 AdSpace

Trending
2 tháng 10, 2012

Tháng Mân Côi

Loạt bài về Tháng Mân Côi
Trầm Thiên Thu chuyển ngữ và suy niệm
Đức Mẹ Mân Côi

Lam Hồng - Hơn 100 năm qua, người Công giáo đã cử hành Tháng Mười là Tháng Mân Côi. Việc sùng kính này đã được ĐGH Leo XIII (1810-1903) thiết lập ngày 1-9-1883 và đã công bố con số kỷ lục là 11 Tông thư về Chuỗi Mân Côi trong triều đại giáo hoàng của ngài.

Việc dành riêng Tháng Mười là Tháng Mân Côi mời gọi chúng ta thêm siêng năng lần Chuỗi Mân Côi, không chỉ trong Tháng Mười mà suốt cả năm và suốt cả đời.

Ngày 7 tháng 10, chúng ta mừng lễ Đức Mẹ Mân Côi. Lễ này được Thánh GH Piô V thiết lập để ghi nhớ chiến thắng của Hải quân Kitô giáo đối với quân Thổ Nhĩ Kỳ tại trận Lepanto ngày 7-10-1571. Chiến thắng này nhờ người ta lần Chuỗi Mân Côi dâng kính Đức Mẹ ở Rôma vào ngày giao chiến.

Theo thời gian, không còn ai nhớ rõ nguồn gốc. Việc lần chuỗi hạt là thói quen xưa trước thời kỳ Kitô giáo, nhưng người Công giáo đã dùng Chuỗi Mân Côi hằng thế kỷ qua. Mới đầu, người ta gọi là “những hạt kinh Lạy Cha” vì người ta dùng để đếm 150 kinh Lạy Cha (Paternosters). Một số người cho rằng 150 kinh Lạy Cha được thay thế bằng việc ngâm 150 Thánh vịnh cho những ai không đọc.

Truyền thuyết đạo đức này được cho là nguồn gốc của Chuỗi Mân Côi như chúng ta biết là “công” của Thánh Đa Minh (Dominic), nhưng không có dữ liệu nào xác định truyền thuyết này. Tuy nhiên, đó là một tu sĩ Dòng của Thánh Đa Minh, người thiết lập 15 Lời Hứa Mân Côi từ thế kỷ XV, và một tu sĩ Dòng Carthusia là Đa Minh Prussia đã thêm phần suy niệm vào kinh Kính Mừng. 15 mầu nhiệm truyền thống được Thánh GH Piô V tiêu chuẩn hóa.

Kinh Mân Côi là lòng sùng kính Đức Mẹ, thể hiện truyền thống Công giáo tin Đức Mẹ là Đấng dẫn đường đến với Chúa Giêsu như câu chuyện tiệc cưới Cana (Ga 2:8), Đức Mẹ đã nói với gia nhân “làm theo lời Chúa Giêsu bảo”.

Vẻ đẹp của kinh Mân Côi gấp đôi. Thứ nhất là tính đơn giản, thứ nhì là dẫn chúng ta đến với Chúa Giêsu qua các mầu nhiệm của cuộc đời Ngài, cuộc khổ nạn và sự phục sinh của Ngài. Chuỗi Mân Côi đã và đang theo vô số người trên hành trình đến với Chúa Cha.

Chuyển ngữ từ BishopFarrell.blogspot.com

Tháng Mân Côi

Hằng năm, Giáo hội Công giáo dành Tháng Mười để tôn kính Đức Mẹ Mân Côi. Theo miêu tả của tu sĩ Alan de la Roch, Dòng Đa Minh thế kỷ XV, Đức Mẹ đã hiện ra với thánh Đa Minh năm 1206 sau khi thánh nhân cầu nguyện và sám hối vì đã không thành công trong việc chống tà thuyết Albigensianism (*). Đức Mẹ đã khen ngài về sự chiến đấu anh dũng của ngài chống lại tà thuyết và trao cho ngài Chuỗi Mân Côi làm vũ khí phi thường, đồng thời giải thích cách sử dụng và hiệu quả của Chuỗi Mân Côi. Đức Mẹ bảo thánh Đa Minh rao truyền Chuỗi Mân Côi cho những người khác.

Kinh Mân Côi có nguồn gốc từ chính Thiên Chúa, từ Kinh thánh, và từ Giáo hội. Không lạ gì khi Chuỗi Mân Côi gần gũi với Đức Mẹ và mạnh mẽ đối với Nước Trời.

Rất nhiều người đã được ơn từ việc lần Chuỗi Mân Côi. Chân phước GH Gioan Phaolô II cũng thường xuyên lần Chuỗi Mân Côi khi ngài đi bách bộ. Nếu xem lại lịch sử, chúng ta thấy có nhiều chiến thắng nhờ Chuỗi Mân Côi. Truyền thống ban đầu đã có chiến thắng tà thuyết Anbi tại trận Muret năm 1213 nhờ Chuỗi Mân Côi.

Dù không muốn chấp nhận truyền thống đó thì cũng phải chân nhận rằng thánh GH Piô V đã góp phần chiến thắng đội quân Thổ Nhĩ Kỳ vào Chúa Nhật đầu tháng 10 năm 1571. Ngay thời điểm đó có Hội Mân Côi (Rosary confraternities) tại Rôma và những nơi khác. Do đó, thánh GH Piô V đã truyền phải tôn kính Kinh Mân Côi vào chính ngày đó.

Năm 1573, ĐGH Grêgôriô XIII công bố việc mừng lễ Đức Mẹ Mân Côi tại các nhà thờ có bàn thờ dâng kính Đức Mẹ Mân Côi. Năm 1671, ĐGH Clêmentô X mở rộng lễ này trên toàn cõi nước Tây Ban Nha. Chiến thắng anh dũng lần thứ hai trên người Thổ Nhĩ Kỳ, những người đã có lần (cũng như người Nga) đe dọa phá hủy văn minh Kitô giáo, xảy ra vào ngày 5-8-1716, khi hoàng tử Eugene đánh bại họ tại Peterwardein (Hungary). Do đó, ĐGH Clêmentô XI mở rộng lễ Đức Mẹ Mân Côi trong toàn Giáo hội.

Lm. William G. Most đã viết trong cuốn “Đức Maria trong Đời sống Chúng ta” (Mary in Our Lives): “Ngày nay, các mối nguy hiểm còn lớn hơn người Thổ Nhĩ Kỳ, không chỉ đe dọa Kitô giáo mà đe dọa cả nền văn minh, Đức Mẹ thúc giục chúng ta trở lại với Chuỗi Mân Côi để được giúp đỡ. Nếu nhân loại đủ số người làm vậy, đồng thời thực hiện các điều kiện khác mà Đức Mẹ đã đưa ra, chúng ta có lý do chính đáng để tin rằng chúng ta sẽ thoát khỏi mọi mối nguy hiểm”.

Nhưng thiết nghĩ chúng ta cần tích cực lần Chuỗi Mân Côi hàng ngày không vì mong được lợi cho mình mà vì lòng yêu mến chân thành. Người Việt Nam có câu: “Mưu sự tại nhân, thành sự tại thiên”. Cứ hành động bằng tất cả niềm tin, cậy, mến thì chúng ta không bao giờ phải thất vọng.

Chúng con xin trao phó mọi sự cho Thiên Chúa và Đức Mẹ, xin quan phòng và lo liệu cho chúng con hôm nay và mãi mãi. Amen.

(*) Albigensianism: Anbi giáo, một phong trào Kitô giáo được coi là hậu duệ thời trung cổ của Mani giáo (Manichaeism – xem chú thích bên dưới) ở miền Nam nước Pháp hồi thế kỷ XII và XIII, có đặc tính của thuyết nhị nguyên (đồng hiện hữu của hai quy luật đối nghịch là Thiện và Ác). Thuyết này bị kết án là tà thuyết thời Tòa án Dị giáo (Inquisition).

Manichaeism: Mani giáo, hệ thống tôn giáo nhị nguyên do tiên tri Manes (khoảng 216–276) sáng lập ở Ba Tư hồi thế kỷ III, dựa trên vụ xung đột nguyên thủy giữa ánh sáng và bóng tối, kết hợp với các yếu tố của Kitô giáo ngộ đạo (Gnostic Christianity), Phật giáo (Buddhism), Bái hỏa giáo (Zoroastrianism), và các yếu tố ngoại giáo khác. Thuyết này bị chống đối từ phía Hoàng đế La mã, các triết gia phái tân Platon (Neo-Platonist) và các Kitô hữu chính thống.


Hiệu quả của Kinh Mân Côi

Cuối Thu gợi nhớ Tháng Mười
Nhắc ta lần Chuỗi Mân Côi hằng ngày

Tại sao chúng ta lần Chuỗi Mân Côi để được đặc ân? Để kết hiệp với Thiên Chúa? Để suy niệm? Để đền tội mình, tội của tha nhân, và cầu hòa bình cho thế giới?

Chuỗi Mân Côi rất mầu nhiệm và hiệu quả. Đọc kinh Mân Côi là cách vừa cầu nguyện vừa suy niệm các sự kiện trong cuộc đời Chúa Giêsu. Nhưng chúng ta hay bị chia trí, nghĩ về những điều khác, thậm chí là ngủ gật… Như vậy có thể kết hiệp với Chúa? Cách nói lạ hơn là có thể tham dự vào kế hoạch cứu độ của Chúa? Các cách cầu nguyện khác có vẻ có hiệu quả hiển nhiên hơn: Đọc Kt có thể cho chúng ta thông điệp khá rõ ràng, thinh lặng hoặc đọc báo chí có thể giúp chúng ta biết những gì đang xảy ra trong lòng mình hoặc thế giới, bí tích có thể cho chúng ta những cảm xúc mạnh hơn.

Nhưng chúng ta có thực sự hiểu rõ hiệu quả của lời cầu nguyện? Hoặc công việc cứu độ của Chúa có tác dụng trong chúng ta hoặc xung quanh chúng ta? Chắc chắn, vì Thiên Chúa đã mặc khải chính Ngài cho chúng ta và chúng ta biết mình cần gì, ít hoặc nhiều, nhưng cách của Chúa không như cách của chúng ta. Không thể giải thích được có cái may trong cái rủi như thế nào, việc cứu chuộc hiện hữu như thế nào, mọi thứ có thể liên kết với nhau như thế nào, Chúa có thể biến đổi người yếu đuối như thế nào, những cái xấu thành cái đẹp như thế nào khi Ngài hóa bánh và cá ra nhiều để nuôi 5.000 người (không kể phụ nữ và trẻ em) hoặc hóa nước thành rượu tại tiệc cưới Cana.

Hành động và tình yêu của Chúa quá mầu nhiệm, thế giới chúng ta đang sống đẹp một cách lạ lùng. Có vẻ Thiên Chúa yêu cầu chúng ta điều gì đó quá đơn giản mà mầu nhiệm như lời cầu nguyện. Cầu nguyện bằng Chuỗi Mân Côi kỳ diệu lắm. Nữ tu Angela Coelho, người làm chứng về hai trẻ chăn chiên ở Fatima, nói tại một hội nghị rằng chúng ta nên cầu nguyện bằng Chuỗi Mân Côi vì Thiên Chúa yêu cầu chúng ta như vậy và vì Chuỗi Mân Côi tạo sự hiệp nhất của chúng ta, dù chúng ta ngủ gật hoặc chia trí.

Nữ tu Angela kể một câu chuyện về Chân phước Phanxicô (Francisco), một trong ba trẻ thấy Đức Mẹ hiện ra tại Fatima, và đức tin như trẻ thơ của cậu bé này. Trước khi Đức Mẹ hiện ra lần đầu tiên, ba em đã chạy về nhà với đàn chiên vì nghĩ sắp có bão. Bất ngờ Luxia (Lucia) và Giaxinta (Jacinta), hai trong ba trẻ, đã quỳ gối trước cây sồi xanh (holm-oak). Hẳn là Phanxicô nghĩ phải làm vậy, vì bão đang đến, các em phải về nhà gấp. Nhưng khi nghe Luxia và Giaxinta nói, Phanxicô liền rút tràng hạt ra và cầu nguyện, không cần biết lý do. Phanxicô không hề nói là không có thời gian. Phanxicô lần chuỗi tới hạt thứ sáu thì cũng được thấy Đức Mẹ.

Nữ tu Angela minh họa những lợi ích và tầm quan trọng của việc lần Chuỗi Mân Côi với nhiều câu chuyện và ví dụ. Lý do quan trọng là Đức Mẹ hiện ra tại Fatima và nói: “Hãy lần Chuỗi Mân Côi hằng ngày”, và Thiên Chúa cũng yêu cầu chúng ta làm như vậy. Lạ lùng là Thiên Chúa yêu cầu chúng ta lần Chuỗi Mân Côi, và cũng lạ thay đó cũng là cách Thiên Chúa chăm sóc chúng ta, cho chúng ta tham dự vào việc cứu độ nhân loại. Hiệu quả của Chuỗi Mân Côi rất nhiều và ảnh hưởng sâu rộng, nhưng điều đó còn tùy chúng ta. Chúng ta có thể làm những gì đơn giản mà Thiên Chúa yêu cầu chúng ta làm. Những lần hiện ra tại Fatima là mặc khải tư, do đó được dành riêng cho một thời gian hoặc một nhóm người nào đó. Nhiều Đức giáo hoàng đã nói về tầm quan trọng của việc cầu nguyện hằng ngày bằng Chuỗi Mân Côi, nhất là trong gia đình, và nhiều vị thánh cũng đã làm vậy.

Theo nữ tu Angela, Chuỗi Mân Côi không chỉ được trao cho người Bồ Đào Nha làm lời cầu nguyện đặc biệt, but as a mission for evangelization. Chúng ta hãy tự vấn: “Tại sao tôi không lấy việc lần Chuỗi Mân Côi làm thói quen cầu nguyện hằng ngày?”.

Chuyển ngữ từ IgnitumToday.com

***

Chuỗi Mân Côi sống động

Anna Maria Adorni là một người mẹ, một góa phụ, một giáo dân sùng đạo và vừa được phong thánh. Bà là người Ý, bà được nhớ đến vì lòng bác ái đối với người cùng khổ, nhất là đối với những người bị tù đày, bà còn được nhớ đến là một người cầu nguyện liên lỉ.

Tổng giám mục Angelo Amato, Bộ trưởng bộ phong thánh, đã chủ sự nghi thức phong thánh tại nhà thờ chính tòa Parma (Ý).

Trong một bài báo đăng trên tạp chí L’Osservatore Romano, cha Guglielmo Camera – người điều tra án phong thánh – cho biết rằng dù gặp nhiều khó khăn nhưng thánh nhân không hề nản chí sờn lòng.

Anna Maria Adorni sinh năm 1805. Lúc 39 tuổi, sau khi chồng chết và 5 trong 6 đứa con cũng chết, bà dành cuộc đời làm từ thiện và an ủi những người bị tù đày theo sự khuyến khích của cha giải tội.

Các phụ nữ khác đã noi gương bà, và công việc mở rộng hơn là chăm sóc các phụ nữ mãn hạn tù, các trẻ em có nguy cơ và các trẻ mồ côi tại nhà của họ có tên gọi là Cơ sở Chúa Chiên Lành. Năm 1857, cùng với 8 người bạn khác, bà thành lập một hội tôn giáo gọi là Các Nữ tỳ Mẹ Vô Nhiễm.

Cha Camera nói thêm rằng Chân phước Adorni, qua đời năm 1893, được coi là người mẹ của những người bị xã hội ruồng bỏ, bị lợi dụng, bị làm nô lệ kiểu mới, đặc biệt là người mẹ của những người bị tù đày và các phụ nữ bị xúc phạm nhân phẩm.

Đức Giáo hoàng Benedict XVI cũng ghi nhớ đến Chân phước Adorni trước khi đọc kinh Truyền Tin ngày Chúa nhật. Ngài gọi Adorni là người mẹ và người vợ mẫu gương trong việc dành cuộc đời làm việc bác ái đối với những người bị tù đày và gặp khó khăn.

ĐGH nói: “Nhờ cầu nguyện liên lỉ, Mẹ Adorni được mệnh danh là Chuỗi Mân Côi sống động”. Ngài kêu gọi mọi người tìm cách củng cố bằng lời cầu nguyện như Mẹ Adorni đã làm, nhất là trong tháng Mân Côi này.

Chân phước Guido Maria Conforti, TGM giáo phận Parma thời Anna Maria Adorni, đã viết sau khi bà qua đời: “Lòng bác ái của Adorni là vô biên, soi sáng cả những nơi tối tăm nhất không có ánh sáng chân lý”. Ngài nói thêm: “Từ các nhà tù có các linh hồn bị bỏ rơi đã nhận được những lời động viên khích lệ, những lời nhịn nhục, những lời bình an của Anna Maria Adorni để biến thành điều kỳ diệu. Những người nghèo tìm thấy sự an ủi và sự thanh thản đối với nỗi u sầu, người yếu đuối tìm thấy sự nghỉ ngơi nhờ lòng bác ái của thánh nhân, tâm hồn và thể xác được chữa lành tùy nhu cầu lẫn nhau”.

Anna Maria Adorni là người được phong thánh trễ nhất trong số các vị được phong thánh của Giáo hội Công giáo trong mấy tháng qua. Trong số các vị khác là ĐHY John Henry Newman (Anh), Chiara “Luce” Badano (Ý) và Tu sĩ Leopold de Alpandeire (Tây ban nha) cũng được phong thánh qua các nghi lễ riêng biệt tại quê hương. Ngày 17/10/2010 là lễ phong thánh các Chân phước Mary MacKillop (Úc), Andre Bessette (Canada), Stanilao Soltys (Ba Lan), Candida Maria de Jesus Cipitria y Barriola (Tây Ban Nha), Giulia Salzano và Battista da Varano (Ý) được diễn ra tại Quảng trường Thánh Phêrô.

Chuyển ngữ từ CatholicNewsAgency.com

***

Chuỗi Mân Côi và Thánh Đa Minh
Tác giả Robert Feeney

Bà Jane ở Aza thánh thiện đến nỗi chiếu sáng như những vì sao trên bầu trời ban đêm. Bà sinh năm 1140, sống ở một lâu đài tại Tây Ban Nha với chồng là Felix, một người được kính trọng với chức hiệp sĩ. Bà là một phụ nữ hay thương người, đầy lòng trắc ẩn với những người kém may mắn, và giúp đỡ vật chất cho người nghèo.

Bà Jane có 2 con trai là Mannes và Anthony, nhưng bà muốn con thêm nhiều con. Một hôm, bà tới tu viện Silos để cầu xin có thêm một con trai nữa, xin Dòng Silos cầu nguyện giúp bà. Một tu sĩ Dòng Đa Minh nói: “Này chị, lời cầu của chị đã được nghe và Thiên Chúa sẽ ban cho chị một người con trai. Người con đó sẽ là tôi tớ vĩ đại của Thiên Chúa và có thể làm nhiều điều phi thường cho Chúa Kitô và Giáo hội”.

Khi tạ ơn, bà Jane đặt tên cho con trai là Dominic (Đa Minh).

Trước khi sinh con, bà Jane đã có giấc mơ tiên tri linh cảm việc giảng thuyết mà thánh Đa Minh, trong hình con chó trắng đen, chạy đi với ngọn đuốc sáng ngậm ở miệng, thắp sáng khắp thế giới. Bà Jane sinh bé trai Đa Minh tại Calaroga, thuộc Old Castile, năm 1170. Khi Đa Minh được rửa tội tại nhà thờ xứ, mẹ đỡ đầu của ngài cũng thấy ánh sáng chói lọi, nhìn như ngôi sao, trên lông mày của bé Đa Minh. Lúc đó Đa Minh được tiền định là một luồng sáng, một người sẽ soi sáng những người ở trong bóng tối.

Thánh Đa Minh được trông mong nhiều, nhưng ngài không làm thất vọng. Ngài là một thanh niên thông minh, vui vẻ, có chiều cao trung bình, điển trai, diện mạo khá hồng hào, có tiếng nói ấm và vang. Ngài thừa hưởng ở người mẹ lòng súng kính Đức Mẹ, biết giá trị của việc kết hợp việc cầu nguyện bằng lời và bằng tâm linh, nghe biết những câu chuyện về cuộc đời Chúa Giêsu mà ngài biết đó là những mầu nhiệm, và ngài sẽ rao giảng.

Thánh Đa Minh tận hiến cho Thiên Chúa, trở thành linh mục và phục vụ 9 năm ở Osma, sống theo tu luật thánh Augustinô. Có lòng trắc ẩn trước nỗi đau khổ của người khác, ngài cầu nguyện và khóc thương những người tội lỗi và những người đau khổ. Ngài được nhiều người yêu mến và kính trọng.

Năm 1203, lúc 33 tuổi, ngài rời Osma đi thành phố Fanjeaux thuộc vùng Languedoc, miền Nam Pháp quốc, tại đây ngài giảng đạo gần 13 năm. Trong những hành trình tông đồ, ngài thường dừng lại để cầu nguyện ở Nguyện đường Maria ở Prouille, một làng nhỏ nằm giữa Fanjeaux và Montreal, không xa núi Pyrenees.

Công việc của ngài không hề dễ dàng. Lúc đó, Pháp quốc bị tà thuyết An-bi-gen (*) đe dọa. Những người theo tà thuyết này cho rằng sự sống trên trái đất là công việc của ma quỷ. Niềm tin này sản sinh một nền văn hóa sự chết khủng khiếp. Những người theo tà thuyết này từ bỏ tính thánh thiện của hôn nhân và sự sinh sản con cái. Việc tự tử được khen ngợi vì nó chấm dứt vấn đề hiện hữu. Những người theo tà thuyết này hoàn toàn bác bỏ các giáo huấn của Giáo hội, kể cả mầu nhiệm Nhập thể.

Mọi thứ có vẻ không suôn sẻ, khi thánh Đa Minh cầu nguyện và khóc ở Nguyện đường Đức Maria năm 1208, ngài than thở với Đức Mẹ về việc thiếu kết quả của việc rao giảng cho những người theo tà thuyết An-bi-gen. Đang lúc đó thì Đức Mẹ hiện ra với ngài.

Đức Mẹ nói: “Đừng lo, đến nay con đã đạt được một ít kết quả như vậy nhờ sức lao động của con. Con phải dùng kết quả đó trên vùng đất khô cằn, chưa được tưới bằng sương hồng ân. Khi Thiên Chúa muốn canh tân bộ mặt trái đất, Ngài sẽ bắt đầu bằng cách cho mưa tuôn sự chào đón của thiên thần (rain of the Angelic Salutation). Hãy truyền bá Chuỗi Mân Côi gồm 150 câu chào của sứ thần và 15 kinh Lạy Cha, con sẽ bội thu”.

Thánh Đa Minh không có thời gian. Theo mệnh lệnh của Đức Mẹ, ngài bắt đầu truyền bá Chuỗi Mân Côi, bắt đầu từ Toulouse, một thành phố không xa Prouille. Theo ghi chép của thánh Louis Montfort, một nhà truyền giáo người Pháp hồi thế kỷ 18, thánh Đa Minh đã tới nhà thờ, nơi các thiên thần rung chuông mời gọi mọi người. Khi thánh Đa Minh rao giảng, Thiên Chúa đã hỗ trợ: Trái đất rung chuyển, mặt trời tối sầm, sấm chớp dữ dội. Hầu như cả dân thành Toulouse đều bỏ niềm tin lầm lạc và bắt đầu sống đời Kitô hữu.

Sau thành công tại Toulouse, thánh Đa Minh đi từ thành phố này tới thành phố khác ở Pháp quốc, Tây Ban Nha và Ý để truyền bá Kinh Mân Côi. Trên hành trình, ngài tỏ ra rất chịu đựng, đến nỗi những người đương thời diễn tả ngài là “vận động viên mạnh mẽ”. Sức chịu đựng của ngài gây ấn tượng. Bất cứ đi đâu ngài cũng rao giảng chân lý Phúc âm tập trung vào cuộc đời vui mừng, sầu thương, và vinh quang của Đức Kitô. Nói đến một mầu nhiệm và giảng một câu về đời sống của Chúa Giêsu, ngài mời người nghe lần một hạt trong chuỗi hạt – thường được dùng để đếm các lời cầu nguyện – rồi đọc kinh Lạy Cha và kinh Kính Mừng, các yếu tố của đức tin vẫn nhắm vào những người theo tà thuyết An-bi-gen. Chú ý những lời đầu tiên Đức Mẹ nói với ngài, và một lần Chúa Giêsu hiện ra hướng dẫn ngài khơi lòng người ta yêu mến cầu nguyện trước khi giảng thuyết chống lại tội lỗi, thánh Đa Minh và các linh mục khác đều đọc kinh Kính Mừng chung với giáo dân trước khi giảng thuyết để xin Ơn Chúa. Ngài giải thích rằng kinh Kính Mừng chứa đầy các ví dụ về cuộc sống hàng ngày.

Phương pháp đó tác dụng. Hầu như ở các thành phố ngài rao giảng, ngài đều thành lập Hội ái hữu Mân Côi (Confraternity of the Rosary). Thánh Montfort nói rằng các giáo huấn của thánh Đa Minh tạo sự nhiệt thành đến nỗi hoán cải được những người tội lỗi chai lỳ nhất. Thánh Montfort viết rằng một người đàn ông bị ma quỷ chiếm hữu đã kêu lớn tiếng rằng lời rao giảng của thánh Đa Minh đã làm hoảng sợ cả hỏa ngục. Chuỗi Mân Côi cũng được tin là tạo chiến thắng của đội quân Công giáo do Count Simon de Montfort dẫn đầu, trong trận Muret hồi tháng 9-1213 ở miền Nam Pháp quốc, gồm 800 binh sĩ chống lại vua Aragon và 40.000 quân của tà thuyết An-bi-gen.

Năm 1215, thánh Đa Minh thu hút 6 người bạn cùng làm việc tông đồ và cho họ mặc trang phục như ngài. Đó là một dòng tu đang hình thành với chương trình cầu nguyện, sống chung, và chương trình học tập với Alexander Stavensky, tiến sĩ thần học người Anh. Rao giảng, dạy dỗ, và làm việc để cứu các linh hồn là lý tưởng của thánh Đa Minh. Một người giàu có tên là Phêrô Siela đến xin theo thánh Đa Minh, giao cho ngài nhà cửa của mình ở gần Narbonne Gate tại Toulouse. Cũng trong năm 1215, thánh Đa Minh đi Rôma và quỳ trước mặt ĐGH Innocent III để xin phê chuẩn Dòng Anh Em Thuyết Giáo (OP – Order of Preachers). ĐGH hướng dẫn ngài dùng tu luật hiện có để sống theo. Thánh Đa Minh và các tu sĩ đồng ý chọn tu luật của thánh Augustinô. Ngày 22-12-1216 có tân giáo hoàng là ĐGH Honoriô III, ngài đã phê chuẩn và tuyên bố thánh Đa Minh là “ánh sáng thật của thế giới”.

Khi sinh thời, thánh Đa Minh đã chữa lành các bệnh nhân, phục sinh người chết, và biến lương thực ra nhiều (các phép lạ vẫn tiếp tục xảy ra cho đến sau khi ngài qua đời). Ngài khuyến khích người trẻ và trìu mến với những người mà ngài gặp. Dù ngài già theo thời gian, nhưng tâm hồn ngài vẫn trẻ trung và vui vẻ. Sau khi dòng được phê chuẩn 5 năm, thánh Đa Minh qua đời ngày 6-8-1221 tại Bologna, Ý. Ngay khi hấp hối, ngài vẫn an ủi người khác. Ngài nói: “Anh em đừng khóc. Tôi sẽ có ích hơn cho anh em dù tôi đi bất cứ nơi đâu, có ích hơn khi tôi sống trên đời này”.

Ước mơ từ lâu của chân phước Jane, mẹ của thánh Đa Minh, đã thành hiện thực: Con trai bà đã thắp lửa sáng khắp thế giới.

Thánh thi hay Chuỗi Mân Côi?

Trong thời thánh Đa Minh, Chuỗi Mân Côi được nhắc tới như “Thánh thi của Đức Maria”, và mãi tới thế kỷ 15 Chuỗi Mân Côi mới được sử dụng. Nhưng 100 năm sau khi thánh Đa Minh giới thiệu Chuỗi Mân Côi, người ta vẫn không hề nhớ tới.

Chữ ros có thể lấy từ tiếng Latin, nghĩa là “sương”, ám chỉ lời Đức Mẹ nói với thánh Đa Minh về “sương hồng ân” hoặc do tiếng Latin là rosarium, nghĩa là “triều thiên hoa hồng” – từ ngữ “Chuỗi Mân Côi” (Rosary) có sau khi Lm Alan de la Roche, Dòng Đa Minh, người Pháp, được thị kiến Chúa Giêsu, Mẹ Maria, và thánh Đa Minh khuyến khích ngài khôi phục Chuỗi Mân Côi.

Dạng Chuỗi Mân Côi như chúng ta thấy ngày nay cũng không có trong thời thánh Đa Minh. Việc thêm các mầu nhiệm đã mất nhiều thế kỷ để chỉnh sửa và xác định. Thánh GH Piô V, cũng là tu sĩ Dòng Đa Minh, đã làm điều này năm 1569. Ngày 16-10-2002, chân phước GH Gioan Phalô II đề nghị thêm 5 Mầu nhiệm Sự Sáng vào Chuỗi Mân Côi truyền thống. Gọi là “Mầu nhiệm Sự Sáng” vì gồm các mầu nhiệm trong sứ vụ công khai của Chúa Kitô từ khi chịu Phép Rửa tới Cuộc Khổ Nạn.

Tặng phẩm của scapular

Năm 1218, tại Rôma, Đức Mẹ hiện ra với một tu sĩ Dòng Đa Minh là Master Reginald, ở Orleans, là giáo sư nổi tiếng về giáo luật tại ĐH Paris trước khi gặp thánh Đa Minh và gia nhập dòng này. Các bài giảng thuyết của ngài đã thu hút nhiều người vào dòng. Lúc Đức Mẹ hiện ra, Reginald bị bệnh. Mỉm cười với ngài, Đức Mẹ xức dầu co ngài, chữa bệnh cho ngài, và giới thiệu với ngài một áo dòng trắng (scapular). Đức Mẹ nói: “Đây là áo dòng của con”.

Tại sao lần Chuỗi Mân Côi?

Thế kỷ 15, Lm Alan de la Roche, OP, bảo đảm Chuỗi Mân Côi là nguồn vô biên của các phúc lành:

1. Tội nhân được tha thứ.
2. Linh hồn nào khao khát sẽ được thỏa khát.
3. Ai khổ sầu sẽ tìm thấy hạnh phúc.
4. Ai bị cám dỗ sẽ được bình an.
5. Người nghèo được giúp đỡ.
6. Tu sĩ được canh tân.
7. Ai không hiểu biết sẽ được hướng dẫn.

Về Chuỗi Mân Côi, chân phước GH Gioan Phaolô II nói: “Lần Chuỗi Mân Côi là giao phó những gánh nặng cho Thánh Tâm Thương Xót của Chúa Kitô và Đức Mẹ”.

Chuyển ngữ từ CatholicDigest.com

(*) Albigensianism (Albigensianian): Phong trào Kitô giáo được coi là hậu duệ thời trung cổ của Mani giáo (Manichaeism) ở miền Nam nước Pháp hồi thế kỷ XII và XIII, có đặc tính của thuyết nhị nguyên (đồng hiện hữu của hai quy luật đối nghịch là Thiện và Ác). Thuyết này bị kết án là lạc giáo thời Tòa án Dị giáo (Inquisition hoặc Catharism).

Tháng Mân Côi Reviewed by Admin on 10/02/2012 Rating: 5 Loạt bài về Tháng Mân Côi Trầm Thiên Thu chuyển ngữ và suy niệm Đức Mẹ Mân Côi Lam Hồng - Hơn 100 năm qua, người Công giáo đã cử hà...

Không có nhận xét nào: