Tinh Thần Yêu Nước, Kháng Tàu Của Tiền Nhân - Thanh Niên Công Giáo

728x90 AdSpace

Trending
1 tháng 10, 2012

Tinh Thần Yêu Nước, Kháng Tàu Của Tiền Nhân

Nguyễn Thị Ngọc Dung - Lời mở đầu

Vào thời buổi khoa học điện toán ngự trị toàn cầu như ngày nay mà người viết lại đem câu chuyện chữ Hán xưa như … trái đất ra mà luận bàn thì e rằng không khỏi bị cho là lỗi thời. “Ăn cơm mới, nói chuyện cũ”, thật … khó nghe. Thế nhưng, không hiểu sao trong hoàn cảnh đất nước hiện nay, ngưòi viết bỗng nảy sinh ra ý tưởng so sánh. Dù chỉ là nhận xét cá nhân và có thể là chủ quan, cũng xin chia xẻ cùng quý độc giả, với hi vọng rằng trong muôn một, những lời lẽ thô sơ, ý tưỏng chất phác sẽ được các bậc “thức giả” đi trước chỉ giáo cho. Do thế, xin chân thành cảm tạ.

TINH THẦN YÊU NƯỚC CỦA TIỀN NHÂN

Có thể nói, ai đã từng là học sinh Việt Nam, từng học sử Việt, thì không mấy ai xa lạ với danh từ “thời kỳ đô hộ” của Trung Hoa trong lịch sử suốt mấy ngàn năm của dân tộc. Có điều càng bị đô hộ thì công cuộc tranh đấu chống ngoại xâm của dân ta càng mạnh, để nói lên ý chí quyết chiến dành lấy nền độc lập của dân tộc, và cho dân tộc. Điều này đã được sử sách ta ghi chép. Nhìn lại ngày xưa, dân ta, ngoài việc chống Tàu bằng vũ khí, còn bằng cả sự kiên trì nhẫn nại, với một tinh thần cương quyết và nhất là bằng cả sự thông minh của mình. Trong bài này người viết chỉ xin nhắc lại một khía cạnh nhỏ trong công cuộc chống Tàu của người xưa để gọi là khơi lại một vài nét son trong quá trình tranh đấu chống ngoại xâm để có thể nhân đó còn cảm thấy chút tự hào về quá khứ vẻ vang mà tiền nhân ta đã dày công xây đắp.

NIỀM TỰ HÀO DÂN TỘC

Thật vậy, trong khi ngoại bang đặt ách thống trị lên đất nước ta, nhân dân ta cũng không chịu “nép một bề”, mà vẫn luôn chứng tỏ sự bất mãn hoặc biểu lộ sự phản kháng dưới hình thức này, hay hình thức khác. Nói cách khác, ngưòi dân Việt vẫn luôn biểu lộ ý chí muốn vươn lên, thoát ra khỏi hoàn cảnh u ám ấy. Đặc biệt, tuy có bị ảnh hưởng ít nhiều bởi chính sách đồng hoá của Tàu, dân ta vẫn cố duy trì bản sắc dân tộc. Đó chính là nhờ tinh thần bất khuất của người dân, dưới sự điều khiển khéo léo của những bậc lãnh đạo tài ba, đức độ. Khôn ngoan, biết lợi dụng tình thế, để tùy cơ ứng biến, cùng vơi nhân dân chống lại ngoai bang … là những tấm gương quý báu của tiền nhân để lại. 

Ngày nay chúng ta, mỗi khi nhắc đến, còn cảm thấy tự hào về tinh thần quật khởi ấy. Nhìn thấy cảnh tham tàn đang diễn ra, bậc lãnh đạo yêu nưóc thương dân chân chính chắc chắn đã không thể ngồi yên. Nhìn lại trang sử cũ:

Một Lê Lợi đã “quên ăn vì giận“, đã “đau lòng nhức óc“, đã “nếm mật nằm gai” (Bình Ngô Đại Cáo) để tìm phương cứu nước. Còn dân ta thì một mặt, tuy bị chèn ép đã phải cắn răng “tiếp thu” những gì kẻ thống trị đang áp đặt, mặt khác, vẫn cố gắng nhẫn nhục, chờ ngày đất nước sáng sủa hơn.

Một Bà Trưng “giận quân tham bạo, thù chồng chẳng quên” quyết không chịu sống kiếp nô lệ. Hai bà đã”chị em nặng một lời nguyền, phất cờ nương tử thay quyền tướng quân” để ra tay cứu nước.

Một bà Triệu đã từng “muốn cưỡi cơn gió mạnh, đạp luồng sóng dữ, chém cá kình ở biển Đông“…để cứu dân ra khỏi cảnh lầm than v.v..

Một Nguyễn Trãi từng “đem gươm mài bóng nguyệt cứu giang san” đã quyết chí theo phò Lê Lợi, mười năm gian khổ đem lại chiến thắng vẻ vang, và tạo nên cho sự nghiệp hiển hách cho nhà Lê. ”Bình Ngô Đại Cáo” là cả một bản hùng ca, cho thấy chiến công oanh liệt của vua tôi Lê Lợi, trong việc giành lại nền độc lập cho dân tộc.

Và, đặc biệt hơn cả, trước đó không xa, là Hội Nghị Diên Hồng thời nhà Trần, đã chứng tỏ rõ nhất, tinh thần quyết tâm, muôn người như một, chống ngoại xâm. Những việc làm ấy của người xưa thật đáng ca ngợi, khi mà Vua quan với thứ dân là MỘT. Điều này chứng tỏ giai cấp lãnh đạo và nhân dân thời xưa đều cùng nhìn về một phía, sát cánh bên nhau.

Như vậy đủ thấy, chế độ quân chủ ta xưa đã mang tính chất nhân bản: Trên là Vua dưới là thần dân. Thứ bậc hẳn hoi. Dân kính nể. Nhưng nhà Vua lại rất mực thương yêu dân và lo cho dân. Tuy rằng Vua có quyền hành lớn, nhưng đã không lạm dụng uy quyền của mình để “dọa nạt” dân, bắt dân phải khuất phục. Chế độ như thế, rõ ràng đã lấy Dân làm Gốc. “Quân chủ” như thế quả đã mang ”màu sắc ” dân chủ ngay từ trong bản chất; và cũng gần gũi với khái niệm dân chủ sau này ở Tây phương.

Quân Chủ như thế – có thể nói – còn “dân chủ” hơn cả ở những nước thuờng tự mệnh danh là “Việt Nam Dân chủ Cộng Hoà” hay đúng ra là ”cộng hòa xã hội chủ nghĩa” vì tính ”dân chủ ” trong các nước ấy lại mang chất độc tài hơn đâu hết. Niềm tự hào dân tộc từ ngàn xưa, chính là ở chỗ người dân cóquyền Yêu Nước và quyền được bày tỏ lòng Yêu Nước. Nhưng chưa bao giờ trong lịch sử nhân loại, quyền yêu nước của người dân lại bị cấm đoán, và người biểu lộ lòng yêu nước lại bị bắt bớ, tù đày nhiều đến như thời đại ngày nay. Thậm chí ngưòi cầm quyền lại còn đồng loã với kẻ cướp nước mà hành hạ dân. Còn đâu niềm tự hào đối với những chiến công hiển hách cùng thái độ hiên ngang quắc thước của người xưa?

MỘT CÁI NHÌN SO SÁNH

Thật là “lỗi thời” và cả khôi hài nữa, nếu ta đem so sánh hai nền chính trị xưa và nay, dướí chế độ quân chủ ngày trưóc và chế độ CHXHCN ở Việt Nam ngày nay. Mới nghe thì có vẻ “lạ tai”, nhưng xét kỹ thì điều này cũng “lý thú”. Dưới chế độ quân chủ, nguòi dân lại được giai cấp lãnh đạo quý hoá, trong khi một chế độ từng rêu rao là một nước “dân chủ “(VNDCCH) mà ngưòi dân lại không có đươc chút quyền để phát biểu ý kiến, góp phần xây dựng cho chế độ tốt đẹp hơn. Thậm chí còn bị kết tội là “phản động”…Thì không hiểu ngưòi dân được làm chủ chỗ nào và làm chủ cái gì, làm chủ ai, khi chính đời sống cá nhân, và những gì thuộc về bản thân không được làm chủ? Một đất nuớc không còn chiến tranh mà ngưòi dân lại cứ nơm nớp lo âu, cứ thấp thỏm không yên. Thậm chí từ miếng cơm, manh áo, nhà ở, công ăn việc làm v.v…cũng không chắc là của mình! Đúng là “Quyền Họạ phúc TRỜI tranh mất cả, Chút tiện nghi chẳng trả phần ai” (Nói theo cụ Nguyễn Gia Thiều trong- “Cung Oán Ngâm Khúc”) mà ngày nay ta phải thay chữ”TRỜI “bằng chữ “ĐẢNG” cho phù hợp:” Quyền hoạ, phúc “đảng” tranh mất cả….) mớí đúng. Không thấy đâu là sự bình an, từ vật chất đến tinh thần. Quả là cả một sự nghịch lý, đến mỉa mai.

Nếu có dịp tìm hiểu kỹ, học thuyết chính trị của Nho Giáo chân chính ngày xưa cũng từng đề cao tinh thần dân chủ, lấy cách cư xử lễ nghĩa làm căn bản. Dường như ai cũng thấy, người đời thường có khuynh hướng hướng thiện, tôn trọng những điều hay, tốt và coi thuờng những điều xấu, điều ác. Nếu xã hội Á Đông ngày xưa đề cao nhũng đức tính Nhân, Nghĩa. Lễ, Trí, Tín và thái độ cư xử như lòng tự trọng, biết ơn v.v… thì con người trong xã hội Tây Phương cũng tôn trọng giá trị đạo đức tương tự. Có khác chăng là ở danh từ. Những danh từ như “Kind/ compassionate, respectful, gentle, understanding, wise, gratitude, reliable v.v…thường dùng hiện nay ở xã hội Tây Phuơng, cũng đều để chứng tỏ sự đề cao lòng tốt, thái độ khôn ngoan, tinh thần tự trọng, lòng biết ơn và biết kính nể người khác. Quả thế, đối với một nền chính trị chân chính, thì con người luôn được coi trọng -Chính vì thế mà dưói chế độ quân chủ, vua thương dân như con đẻ. Câu “Dân Vi Quý” nói lên điều này. Nhà vua, nói cho cùng, không phải là “tất cả”. Môt vị vua anh quân thường là biết yêu thương dân, tôn trọng quyền làm ngưòi. Mặc dù đứng “ngoài” nhìn vào thì vua có tất cả mọi quyền hành, mọi phương tiện. Và theo đó,nhà vua được coi là con trời (gọi là “bậc thiên tử”, thay trời trị dân (thế thiên hành đạo). Mặt khác, vua chỉ là người thừa hành” nhiệm vụ do “Trời” giao phó. Cho nên nhà Vua phải “trị” dân thế nào cho hợp với ý dân. Nếu vua làm điều gì thiếu đạo đức, không thuận với lòng dân, khiến người dân phải ta thán, thì rốt cuộc cũng sẽ có ngày bị dân lật đổ. Vì “ý dân là ý Trời“. Dưới chế độ quân chủ, tư tưởng này rất thịnh hành.

Xem như vậy thì đủ thấy, khái niệm dân chủ đã manh nha từ thời quân chủ xa xưa và đã được quy định trong sách vở. Nhưng vì có những vị vua lạm dụng quyền hành, làm sai “đạo lý” thì thế nào cũng có ngày bị đào thải. Những tấm gương xấu như Vua Kiệt, vua Trụ, Tần Thủy Hoàng, Từ Hi Thái Hậu v.v… vẫn còn đó.

Nước ta cũng không ra ngoài thông lệ đó. Dưới chế độ quân chủ, mà vua không biết lo cho dân, lại còn độc ác tham tàn, thì sớm muộn gì cũng sẽ không bền lâu. Nhất là khi nước nhà có ngoại xâm, mà chỉ lo “rước voi về dày mồ” như một Hồ Quý Ly, hay một Lê Chiêu Thống, thì lịch sử cũng sẽ “ngàn năm lưu dấu”, vết nhơ ấy sẽ “muôn đời không rửa sạch”. Người dân rất sáng suốt, và rất công bằng, không thể “lấy vải thưa mà che mắt thánh” được. Ngược lại, nếu bậc trị nước có đức độ, biết đem tài năng ra “kinh bang tế thế” thì chắc chắn sẽ được dân nể vì. Lịch sử ta không thiếu gì nhũng ngưòi có tài có đức. Như một Ngô Quyền, một lòng cương quyết đánh đuổi ngoại xâm, mang lại thái bình cho đất nước, từng điều binh khiển tướng, dùng mưu phá quân Nam Hán. Một Hưng Đạo Vương, với uy tín và đức độ hơn đời, cũng đã trưng cầu ý kiến toàn dân mới làm nên quyết định chung. Rõ ràng tư tưỏng dân chủ và tinh thần dân tộc tự quyết đã biểu lộ qua đường lối cai trị dân chủ của nhà vua. Gương anh dũng, chí bất khuất nhiều không kể hết..

Nếu những tấm gương sáng của tiền nhân xưa chúng ta tự hào bao nhiêu thì khi ngẫm đến hoàn cảnh đất nước và thái độ đối với ngoại bang của ngưòi cầm quyền Việt Nam hiện nay, mà ta không khỏi buồn. Cũng cùng hoàn cảnh bị nước ngoài đe doạ, hống hách, nhưng thái độ đối phó vói kẻ ngoại bang thì khác hẳn. Không những không hiểu rằng tiền nhân đã coi trọng “tấc đất, tấc vàng” mà nay nhũng người cầm quyền nước ta lại đi đánh đổi lấy món lợi cho riêng tư thì thật là cả một niềm đau và nỗi tủi hổ cho dân tộc, cho cả những ai còn quan tâm đến tiền đồ của đất nước. Không hiểu những con ngưòi ấy có biết thế nào là quốc sỉ?

Còn chúng ta?

Bây giờ là lúc cần xác đinh thái độ đối với thời cuộc. Bây giờ lá lúc chúng ta có thể bày tỏ tâm tư trước những gì đang xảy ra. Xã hội có biết bao nhiêu vấn nạn khiến người ta phải quan tâm. Nếu không làm điều này thì ít nhất chúng ta hãy là một người có ý thức. Chỉ cần không tiếp tay với tội ác, và không móc nối với kẻ gây nên tội ác cũng là quý lắm rồi. Điều đáng coi thường nhất, đáng trách nhất là thái độ “sống chết mặc bay” và thờ ơ trước những người đã dám nói lên tiếng nói đòi hỏi công lý cho mọi người.

Một trong những điều dễ làm nhất là trong khi ai nấy đều hưòng về đất nước, quan tâm đến nhũng ngưòi bị giam cầm, bất mãn trước những cảnh bắt bớ, đánh đập, đối xử dã man đối với người lương thiện thì tháí độ thích hợp nhất của chúng ta là KHÔNG THAM DỰ NHỮNG BUỔI VĂN NGHỆ do VIỆT CỘNG TỔ CHỨC. Thấy những điều tàn ác của CSVN thì tự trong thâm tâm ta đã ý thức rõ đâu là phải, là trái, thiện, ác thì đương nhiên ta sẽ KHÔNG THỂ NÀO THAM DỰ ĐƯỢC. Là một người biết quan tâm đến số phận của những nhà tranh đấu trong cũng như ngoài nước, ta không thể nào tha thiết nổi với những “cuộc vui” kiểu vô ý thức. Chỉ cân KHÔNG HỢP TÁC với họ là đủ chứng tỏ một thái độ hiểu biết, không đồng loã với Tội Ác rồi vậy.


Cộng Đồng Người Việt hải ngoại đã hơn một lần chứng tỏ tinh thần chống Cộng rất cao, khiến những người quan tâm trong cũng như ngoài nước cảm thấy “mát ruột”. Ưóc mong thái độ này vẫn được tiếp nối để nêu tấm gương sáng cho con cháu ta noi theo. 

Nguyễn Ngọc Dung

Vancouver 9/2012

Tinh Thần Yêu Nước, Kháng Tàu Của Tiền Nhân Reviewed by Admin on 10/01/2012 Rating: 5 Nguyễn Thị Ngọc Dung - Lời mở đầu Vào thời buổi khoa học điện toán ngự trị toàn cầu như ngày nay mà người viết lại đem câu chuyện chữ...

Không có nhận xét nào: