Đức giám mục Phát Diệm có làm chính trị? - Thanh Niên Công Giáo

728x90 AdSpace

Trending
23 tháng 10, 2012

Đức giám mục Phát Diệm có làm chính trị?

VRNs (22.10.2012) – Sài Gòn – Thượng Hội Đồng Giám Mục thế giới lần thứ XIII về Tân Phúc Âm hoá đang diễn ra ở Vatican có một hoạt động ngoại thường: một phái đoàn Toà Thánh sẽ đến thăm nước Syria theo quyết định của Đức Giáo Hoàng, để “tỏ tình đoàn kết huynh đệ” với một dân tộc đang chịu đau khổ, và nỗ lực tìm kiếm giải pháp hoà bình cho cuộc nội chiến ở đây.

Tuyên bố chiều tối 16-10-2012 tại phiên khoáng tại thứ 14 của Thượng Hội Đồng Giám Mục, Đức Hồng Y Bertone, Quốc vụ Khanh Tòa Thánh nói rằng: “Chúng ta không thể chỉ là khán giả trước một thảm kịch như đang xảy ra tại Syria. Một số bài phát biểu của các Nghị phụ tại Hội trường này chứng tỏ thảm trạng ấy. Xác tín rằng giải pháp cho cuộc khủng hoảng ở Syria chỉ có thể là giải pháp chính trị và nghĩ đến những đau khổ bao la của dân chúng, đến số phận của những người tản cư và tương lai của đất nước Syria, một số người trong chúng ta đã đề nghị Thượng Hội Đồng Giám Mục này có thể biểu lộ tình liên đới.” (http://www.chuacuuthe.com/?p=40013)

Điều khiến nhiều tín hữu giáo dân tại Việt Nam đặc biệt quan tâm là trong phái đoàn Toà Thánh lần này có Đức Cha Giuse Nguyễn Năng, Giám mục Giáo phận Phát Diệm, là một nghị phụ tại Thượng Hội Đồng.

Các câu hỏi mà nhiều người đặt ra khi nghe tin về phái đoàn Toà Thánh đi Syria là “Vấn đề của Syria là gì?”, và “Đi thăm Syria như thế, phái đoàn Toà Thánh, cách riêng Đức Cha Giuse Nguyễn Năng có làm chính trị hay không, và nếu có thì tại sao?”

Trước hết cũng nên sơ lược đôi nét về Syria. Syria là một nước cộng hoà ở Tây Á (thủ đô là Damasco), nằm trên bờ Địa Trung Hải, giáp với Thổ Nhĩ Kỳ, Israel và một số quốc gia khác. Nước này nằm dưới sự lãnh đạo của Đảng Baath từ năm 1963, mặc dù quyền lực thực tế tập trung ở trong tay tổng thống và một nhóm nhỏ những quan chức quân sự và chính trị. Tổng thống hiện thời của Syria là Bashar al-Assad, người đã giành thắng lợi trong một cuộc trưng cầu dân ý kéo dài thời gian làm tổng thống của ông thêm một nhiệm kỳ nữa, với 97.62% phiếu bầu năm 2007.

Từ tháng 3 năm 2011 đến nay, nhiều bạo loạn đã xảy ra tại đất nước này, và đã có khoảng 30.000 người bị thiệt mạng. Có người cho rằng không biết rõ phiến quân thuộc lực lượng nào, nhưng nhiều người tin rằng phiến quân là những người Hồi giáo cực đoan. Tin từ Vietcatholic.net cho hay “phiến quân đã nhắm mục tiêu vào Kitô hữu, ném bom vào một số nhà thờ và làm cho hàng chục ngàn người Kiô hữu phải bỏ nhà ra đi”.

Trước tình hình ấy, phái đoàn Toà Thánh lên đường đến Syria là một “giải pháp chính trị”“biểu lộ tình liên đới”. Nói cách khác, phái đoàn Toà Thánh, trong đó có Đức Cha Giuse Nguyễn Năng, đang thực thi giáo huấn của Hội Thánh về lãnh vực chính trị và nguyên tắc liên đới.

Vậy chính trị là gì? Vì nhiều lý do, ở Việt nam người ta cắt nghĩa từ ngữ này theo nhiều cách khác nhau và đặt nó vào lãnh vực “nhạy cảm”. Nếu xét chính trị trong cái nhìn của Giáo Huấn Xã Hội Công Giáo, chúng ta hiểu rằng “trước hết phải nỗ lực làm cho phẩm giá con người được nhìn nhận và tôn trọng, bằng cách bênh vực và phát huy các quyền căn bản và không thể tước đoạt của con người”. (GHXHCG số 388)

Bản Tóm Lược Giáo Huấn Xã Hội Công Giáo dùng từ ngữ “chính trị” 262 lần. Điều này có nghĩa là Mẹ Giáo Hội không loại trừ chính trị ra khỏi mối quan tâm của mình khi dạy dỗ con cái mình. Điều này cũng nói lên rằng những người tuyên bố Giáo Hội đứng ngoài chính trị, không quan tâm đến chính trị là nói sai lạc, dù họ là ai, có trách nhiệm gì trong Giáo Hội đi nữa.

Nếu hiểu chính trị là việc đấu đá nhau để tranh giành quyền lực thế gian bằng mưu mô và bất công thì đúng là Giáo Hội không thể tham gia và cũng không cho phép con cái mình tham gia vào.

Nhưng chính trị không phải chỉ là “tranh giành quyền lực thế gian”. Chính trị là việc dấn thân vào xã hội để đẩy lùi cái ác, điều xấu, nạn bất công và bạo lực, để canh tân và thánh hoá đời sống con người, “bảo vệ cho tính cách siêu việt của nhân vị con người.” Và vì vậy, Giáo Hội tôn trọng và thăng tiến sự tự do chính trị và trách nhiệm của người công dân.

Chính trong ý nghĩa đó mà Hội Thánh quả quyết: “Đối với con người – một hữu thể có bản tính xã hội và chính trị – “đời sống xã hội không phải là một cái gì thêm vào” mà là một khía cạnh thiết yếu và không thể phai mờ.” (GHXHCG, 284).

Giáo lý Công giáo dạy: “Do ủy nhiệm và chức năng, Giáo Hội không bị lẫn lộn bất cứ cách nào với một cộng đồng chính trị. Cho nên, Giáo Hội là dấu chỉ và là sự bảo vệ cho tính cách siêu việt của nhân vị con người. Giáo Hội tôn trọng và thăng tiến sự tự do chính trị và trách nhiệm của người công dân.” (x. SGLGHCG, số 2245)

Như thế, tự bản chất, con người không tách biệt khỏi các bổn phận chính trị trong xã hội. Giáo Hội có một sứ mạng cao cả hơn là việc phục vụ quyền lợi trần thế của Dân Chúa, nhưng điều thú vị là Giáo Hội dạy rằng: “Quyền hành phải được hướng dẫn bởi luật luân lý. Quyền hành có phẩm giá là do được thi hành trong khuôn khổ của trật tự luân lý, “trật tự này lại lấy Thiên Chúa làm nguồn gốc đầu tiên và làm mục tiêu cuối cùng của mình” (GHXHCG 396).

Vậy nếu những vị mục tử khoanh tay đứng nhìn mọi diễn biến trong cộng đồng chính trị, thì ai sẽ hướng dẫn cho xã hội “lấy Thiên Chúa làm nguồn gốc đầu tiên và làm mục tiêu cuối cùng của mình” như Đức Chân Phúc Giáo Hoàng Gioan XXIII viết?

Khi Đức Cha Giuse Nguyễn Năng chấp nhận đi cùng với đại diện Giáo Hội hoàn vũ đến Syria, mặc nhiên ngài đã vâng theo những lời giáo huấn trên đây của Giáo Hội, và như thế, ngài gián tiếp phủ nhận những tuyên bố mà chúng ta thỉnh thoảng nghe thấy: Giáo Hội đứng ngoài chính trị.

Bản tin cho biết phái đoàn Toà Thánh đi Syria nhân danh Đức Thánh Cha và tất cả chúng ta để “bày tỏ tình liên đới huynh đệ của chúng ta với toàn dân Syria, cùng với một sự đóng góp riêng của các nghị phụ và của Tòa Thánh, bày tỏ sự gần gũi tinh thần với các anh chị em Kitô hữu”. Đáng chú ý nhất là phái đoàn “nói lên sự khuyến khích của chúng ta với những người đang dấn thân tìm kiếm một sự thỏa thuận tôn trọng các quyền lợi và nghĩa vụ của mọi người, đặc biệt chú ý đến những gì được qui định trong công pháp nhân đạo.”

Hoạt động của phái đoàn Toà Thánh lần này “bày tỏ tình liên đới huynh đệ của chúng ta với toàn dân Syria”. Liên đới được Giáo Hội định nghĩa như là “Những mối quan hệ mới mẻ về sự lệ thuộc nhau giữa các cá nhân và các dân tộc” (GHXHCG số 193). Đức Chân Phúc Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, trong Thông điệp Sollicitudo Rei Socialis, đã viết: “Chắc chắn liên đới là một đức tính của Kitô giáo. Theo những gì đã nói cho tới hôm nay, chúng ta có thể nhận ra nhiều điểm gặp nhau giữa liên đới và bác ái – vốn là dấu hiệu phân biệt các môn đệ Đức Kitô (x. Ga 13,35)”.

Để thực sự có mối dây liên đới, con người không thể tách ra khỏi cộng đồng chính trị. Quả thật, liên đới “nhằm xác định trật tự của các định chế”. Thú vị ở chỗ “xác định trật tự của các định chế” là hành vi mang đặc tính chính trị.

Cha Louis-Joseph Lebret đã viết một bản xét mình cho người tín hữu về khía cạnh này, trong đó con cái Giáo Hội cần tự xét về những lỗi: “Tự hài lòng với việc phản ứng chỉ bằng lời nói. Không biết rằng chính trị là nhân đức của công ích.Tôi bàn luận về nó như một thứ đáng khinh! Tôi tránh né mọi hoạt động chính trị…”

Cha Louis-Joseph Lebret là ai? Trong tác phẩm “Những Người Lữ Hành trên Đường Hy Vọng”, Đức Hồng Y Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận viết: “Cha Louis-Joseph Lebret (1897-1966), cựu sĩ quan Hải quân, là một tu sĩ Dòng Đa-minh người Pháp, đã có công khởi xướng và cùng với nhà chuyên môn giàu thiện chí khác (như cha: Th. Suavet, H. Quoist) lập nên một học thuyết, đồng thời cũng là một nhóm mang tên “Kinh tế và nhân bản (Economie et Humanisme) nhằm mục đích phát động một nền kinh tế phục vụ con người!

Sau khi nghiên cứu và đúc kết thành một học thuyết, một hệ thống thực sự, ngài đã cùng với các đồng chí cho xuất bản nhiều sách báo, vạch ra một đường hướng phục vụ thế giới mới mẻ, ai muốn hưởng ứng thì cứ vận dụng cách sáng tạo vào hoàn cảnh của địa phương mình”.

Trong Giáo Hội, thời nào cũng có những người tín hữu dù đang đảm nhận sứ vụ nào, cũng nhìn vào khía cạnh xã hội của con người để giúp con người thăng tiến, thoát ra khỏi những bất công và tệ nạn. Nếu ai cho rằng Giáo Hội làm ngơ với chính trị thì rõ ràng họ chưa đọc Giáo huấn Xã Hội với những lời lẽ sắc bén:

“Giáo huấn xã hội này cũng bao gồm cả nghĩa vụ phải tố cáo mỗi khi tội có mặt: tội bất công và tội bạo lực, cách này hay cách khác, đang lan tràn qua xã hội và thâm nhập vào xã hội. Nhờ biết tố cáo, học thuyết xã hội trở nên giống các thẩm phán và các nhà bảo vệ những quyền lợi không được nhìn nhận và hay bị xâm phạm, nhất là các quyền lợi của người nghèo, người yếu kém” (số 78)

Giáo Hội còn dạy: “Đối diện với những bất công nghiêm trọng, việc quyết định làm ngơ hoàn toàn trước những khía cạnh đau khổ của con người phản ánh một sự chọn lựa không thể biện minh được” (số 561).

Tóm lại, phái đoàn Toà Thánh đi Syria lần này là một “giải pháp chính trị” và là thái độ sống liên đới của các mục tử trong Giáo Hội. Đức Cha Giuse Nguyễn Năng cùng với các nghị phụ thực thi lời Giáo Hội dạy để lên tiếng “bảo vệ những quyền lợi không được nhìn nhận và hay bị xâm phạm” của những người đang gặp đau khổ, bất an.

Gioan Lê Quang Vinh

(Viện Truyền Thông Chúa Cứu Thế VRMI)

Đức giám mục Phát Diệm có làm chính trị? Reviewed by Em Binh on 10/23/2012 Rating: 5 VRNs (22.10.2012) – Sài Gòn – Thượng Hội Đồng Giám Mục thế giới lần thứ XIII về Tân Phúc Âm hoá đang diễn ra ở Vatican có một hoạt động n...

Không có nhận xét nào: