Chủ thể tính và người nghèo trong thông điệp Centesimus Anus - Thanh Niên Công Giáo

728x90 AdSpace

Trending
14 tháng 11, 2012

Chủ thể tính và người nghèo trong thông điệp Centesimus Anus

NGUYỄN HỌC TẬP - I - Nhật, Hồng Kông, Nam Hàn và Đài Loan là những quốc gia nhỏ bé tính theo diện tích; đông đúc dân cư nhìn trên dân số; thiếu thốn nguyên liệu về phương diện tài nguyên và cũng bị chiến tranh tàn phá trong Đệ Nhị Thế Chiến (1939-1945) và cả những năm sau đó. 

Vậy mà Nhật hiện nay là một trong những cường quốc kinh tế nhứt nhì trên thế giới. Hồng Kông theo thống kê năm 1993, có lợi tức đầu người hàng năm khoảng 8.000 Mỹ Kim. 

"...lợi tức đầu người hàng năm của Đài Loan năm 1945 (năm của Đệ Nhị Thế Chiến vừa chấm dứt) chỉ mới có 70 Mỹ Kim. Năm 1980 đã vượt qúa 2.280 Mỹ Kim. Tổng Sản Lượng Quốc Gia (STP, Gross National Product) của Đài Loan cừ mỗi 7 năm tăng lên gấp 2 lần và năm 1981 đã tăng lên 1100% so với Tổng Sản Lượng của năm 1952. 

...Nam Hàn cũng bị Thế Chiến Thứ II tàn phá nặng nề và sự tàn phá còn trầm trọng hơn nữa trong cuộc Chiến Tranh Nam Bắc (1949-1953). Nhưng Nam Hàn đã biến lợi tức đầu người 87 Mỹ Kim của năm 1962 thành 1600 Mỹ Kim trong năm 1982. Cũng trong thời gian nầy mức lương bổng của Nam Hàn tăng thêm 7%" (Michael Novak, Will it Liberate? Question about Liberation Theology, Mahwah, Paulist Press, 1986,90). 

Trong khi đó sau trên 70 năm ở Liên Bang Sô Viết, các nước Đông Âu, Bắc Hàn, Trung Cộng, Cuba và Việt nam do Cộng Sản cai trị, tư tưởng trổi vượt Xã Hội Chủ Nghĩa của Karl Marx đã biến trên nửa tỷ người của các nước Xã Hội Chủ Nghĩa Anh em Vĩ Đại «phải: 

"Sắp hàng dài thường thượt dưới nền trời xám tuyết rơi, kiên nhẫn trong tủi nhục và nãn chí để mua được vài ổ bánh mì hay một vài lít xăng.Thực tế thê thảm trên màn ảnh truyền hình đã lật tẩy cho cả thế giới chứng kiến, sau những gì đã xảy ra năm 1989" (Cf. "Yếu Tố Phát Triển Trong Kinh Tế Tư Bản", Đinh Hướng 3 (10.11.12 - 1993, 3). 

Và ông Michael Gorbachov, vị Tổng Thống cuối cùng của Cộng Hoà Liên Bang Sô Viết, một quốc gia với diện tích gần như vô tận, với tài nguyên phong phú, kể cả dầu hoả, khí đốt, vàng và kim cương, với dân số đông gấp 8 lần dân số Ý, nhưng đã phải đến và cầu cứu dân Ý giúp đở: 

"Không có sự giúp đở của các bạn, chúng tôi không biết làm sao qua khỏi mùa đông nầy" (Nhật báo Corriera della Sera, 25.11.91, 2). 

Cuba, với tài lãnh đạo "khôn ngoan, đỉnh cao trí tuệ" của Fidel Castro trong mấy chục năm đã biến kinh tế của quốc gia trở thành nền kinh tế bán khai. Mức lạm phát hàng năm được viết bằng 2, đôi khi cũng bằng 3 con số không . Tiền tệ của Cuba bị phá giá đến đỗi, cách đây hai năm (1995) Fidel Castro phải đưa ra dự án bải bỏ hệ thống tiền tệ để trở lại cách trao đổi bằng "hiện vật" (baratto). Và rồi viễn ảnh trao đổi bằng hiện vật cũng không có gì sáng sủa, mấy tháng vừa qua (năm 1997 khi chúng tôi viết cho quý độc giả những dòng nầy), Fidel Castro bị dồn vào ngỏ bí, phải xếp lại thủ bản của Karl Marx, "hiên ngang" đến viếng thăm Toà Thánh Vatican, như là dấu hiệu bước đầu cho sự "cởi mở", "đổi mới", sau mấy chục năm biệt tích với thế giới "Tư Bản, Thực Dân, Bốc Lột giới Vô Sản", nay bắt đầu liên lạc lại. 

Và hơn 20 năm được gọi là "thống nhất đất nước", Việt Nam do Đảng và Nhà Nước "sáng suốt, đỉnh cao trí tuệ" lãnh đạo, lợi tức đầu người hàng năm chưa được 200 Mỹ Kim (theo thống kê của Ngân Hàng Thế Giới năm 1996). 

Con số lợi tức đầu người hàng năm 200 Mỹ Kim là số tiền mà ngưòi dân có được để sống và chi phí cho tất cả các nhu cầu 

- từ y tế, 

- may mặc, 

- giáo dục, 

- giao thông, 

- quốc phòng, 

- hưu dưỡng... 

Một con số thật nhỏ nhoi nói lên mức sống cùng cực của đồng bào dưới chế độ XHCN, không hơn gì mức sống bán khai của một vài bộ lạc trên sa mạc Sahara. 

Để có một ý niệm rỏ rệt hơn, chúng ta thử đặt câu hỏi: Với con số lợi tức đầu người 200 Mỹ Kim vừa kể, mỗi người sẽ bỏ ra bao nhiêu cho vấn đề giáo dục? 

10% chăng? 10% là con số trung bình của mức chi tiêu công qũy quốc gia cho giáo dục. 10% của 200 Mỹ Kim là 20 Mỹ Kim để mua sắm sách vở, bút mực, tổ chức trường sở và trả lương bổng cho giáo chức. 

Nêu ra con số đó, chúng ta có thể mường tượng được trình độ trí thức của con em chúng ta tại Việt Nam dưới chế độ XHCN hiện tại. Hy vọng rằng trong phần chiết tính trên chúng tôi đã sai lầm và trình độ trí thức của con em chúng ta ở Việt Nam sáng sủa hơn. Nếu chẳng may những nhẫm tính vừa rồi là một thực tại, thì tương lai quê hương chúng ta thật đen tối vậy. 

Trong thị trường kinh tế, việc mở thêm hãng xưởng cũng như việc nhiều cơ sở thương mãi, kỹ nghệ bị thua lỗ là những tiến trình tự nhiên, lúc nào cũng có thể xảy ra do luật cung cầu và giá cả của thị trường đào thải hay kích thích. 

Nói theo ngôn ngữ của Adam Smith "Luật cung cầu và giá cả là bàn tay nhiệm mầu xếp đặt đúng chỗ (allocation) các yếu tố sản xuất, nhằm đạt đến hiệu năng tối đa" (Adam Smith, The Wealth of Nations). 

Nhưng việc tất cả các hảng xưởng, các cửa hàng của một thành phố hay của cả nước đồng loạt phá sản, đóng cửa là một hiện tượng quái lạ, có một cái gì bất ổn. 

- Hơn 70 năm XHCN ở Liên Bang Sô Viết và các quốc gia Đông Âu đã làm cho dân chúng các quốc gia nầy "hàng ngày phải sắp hàng dài thường thượt dưới nền trời xám tuyết rơi, kiên nhẫn chờ đợi trong tủi nhục và nản chí để mua được một vài ổ bánh mì hay một vài lít xăng", là một hiện tưởng bất ổn quái lạ. 

- Cuba hơn 20 năm XHCN của Fidel Castro cũng đã phá sản, định bãi bỏ hệ thống tiền tệ để trở lại phương thức trao đổi bằng hiện vật của nền kinh tế bán khai, là một hiện tượng bất ổn quái lạ. 

- Việc Đảng Cộng Sản Việt Nam cai trị đất đai trù phú và nhiều tài nguyên với tính cần cù của dân chúng Việt Nam, vậy mà đã trên 20 năm cai trị (tính đến năm 1996), lợi tức đầu người hàng năm chưa vượt khỏi 200 Mỹ Kim, là một hiện tượng bất ổn quái lạ ! 

Nói tóm lại, ở đâu có ý thức hệ XHCN hiên diện là ở đó có hiện tượng bất ổn quái lạ về kinh tế. Kinh tế của các nước XHCN anh em vĩ đại bất cứ ở đâu cũng ở trong tình trạng mạc rệp, lạc hậu, hiện tượng bất ổn quái lạ. 

Điều đó nói lên một sự kiện: việc bất ổn quái lạ và lạc hậu mạc rệp của nền kinh tế chỉ huy các quốc gia XHCN Anh Em không phải là hiện tượng ngẫu nhiên, mà là kết qủa của một nguyên cớ chung nào đó. 

Nguyên cớ hay mẫu số chung của nền kinh tế phá sản mạc rệp đó của các nước XHCN là câu hỏi mà chúng ta cùng nhau đi tìm giải đáp dưới đây. 

II - A - XHCN, THIẾU SÓT CỦA MỘT ĐỊNH NGHĨA. 

Đối với Karl Marx, tác giả của tư tưởng ý thức hệ XHCN về kinh tế, thì thị trường tự do hay kinh tế tư bản là hệ thống kinh tế dựa trên ba yếu tố: 

- Tư hữu các phương tiện sản xuất, 

- Thị trường trao đổi tự do cạnh tranh, 

- Chen lấn để tìm lợi nhuận ("Michael Novak, Come Costruire la Prosperità nel Terzo Mondo", Studi Sociali, 11/91, BoloSta, Dehoniana,8). 

Karl Marx đã liệt kê một cách chính xác những yếu tố quan trọng trong hệ thống kinh tế tư bản, nhưng Marx đã sai lầm khi đọc thoáng qua không để ý đến yếu tố căn bản quyết định, hàm chứa ngay trong danh từ của hệ thống. 

Và chính do sự thiếu sót hay sai lầm đó, Marx đã làm cho bại hoại đau khổ, lầm than và chết chóc không biết bao nhiêu triệu người trong thời gian trên 70 XHCN cai trị ở Liên Bang Sô Viết, ở Đông Âu, ở Trung Cộng, ở Bắc Hàn, ở Việt Nam và ở Cuba. 

Hệ thống kinh tế tự do trao đổi, thật ra lúc sơ khai dựa vào hiện vật hay bằng cách đếm đầu (capita) súc vật để trao đổi. Tôi đổi cho anh 4 con heo (4 capita: 4 đầu heo) để lấy một con bò(1 caput) . Tôi đổi cho anh 2 con gà để lấy một gịa lúa...Dần dần tư tưởng được biến đổi : ai có nhiều súc vật (capita) là người có nhiều "vốn" (capital), là người giàu có. 

Và rồi vốn liếng cũng được gán cho quyền sở hữu trên các vật dụng khác: đất đai, cơ sở, máy móc, nguyên liệu, tiền bạc... 

Có lẽ đối với "vốn liếng" (capital), Marx chỉ có tầm hiểu biết đến trình độ đó, mà quên đi sự việc "4 con heo : 4 capita) tự nó không đi đổi lấy một con bò (1 caput), mà chính "Tôi", mới là ngưòi đứng ra trao đổi với anh, trong câu nói: "Tôi đổi cho anh 4 con heo để lấy một con bò". Chính "Tôi" mới là chủ thể đứng ra quyết định cho sự trao đổi. Hay nói theo ngôn từ kinh tế học, chính tôi mới là chủ thể định đoạt trả lời cho các câu hỏi của kinh tế học: 

Sản xuất những gì? 

Sản xuất cho ai? 

Sản xuất bao nhiêu? 

Sản xuất bằng cách nào? 

Bao giờ sản xuất? 

Nói cách khác, trong kinh tế tư bản "vốn liếng" hay "tư hữu các phương tiện sản xuất", nói theo ngôn ngữ của Marx, tức là đất đai, cơ sở, máy móc, nguyên liệu, tiền bạc...tự chúng chưa tạo ra được nền kinh tế hay chưa làm cho kinh tế phát triển được. Chính con người là "chủ thể" điều khiển sản xuất, chuyên chở, phân phối, tiêu thụ và thực hiện bằng cách nào. 

Do đó từ ngữ "Kinh Tế Tư Bản" (Capitalism), phát xuất từ danh từ La Tinh "Caput": cái đầu. Và khi nói đến con người, "chủ thể" trong kinh tế, nói đến đầu là nói đến đầu óc, trí nảo, nói đến kiến thức, biết nhìn xa thấy rộng, biết tiên liệu, biết tổ chức. Chúng ta tạm gọi sự hiểu biết hay kiến thức đó là "SỐ VỐN NHÂN THỨC" (Human Capital). 

- Liên Bang Sô Viết với đất đai dường như vô tận và tài nguyên phong phú, trên 70 năm XHCN cai trị cũng chưa làm cho dân chúng thoát khỏi cảnh "sắp hàng dài thườn thượt dưới nền trời xám tuyết rơi, chờ đợi tũi nhục và nản chí để mua được một vài ổ bánh mì hay một vài lít xăng...". 

- Nhật, Hồng Kông,Nam Hàn, Đài Loan với đất đai chật chội, dân cư đông đúc, tài nguyên nghèo nàn vậy mà trong mấy chục năm ngắn ngủi đã đưa mức lợi tức của dân chúng đến những con số mà chúng tôi ghi lại ở đầu bài. 

- Ở Hồng Kông chỉ cần 16 ngày làm thủ tục và 50 Mỹ Kim là có thể mở được một cơ sở thương mại hay tiểu công nghệ. Do đó Hồng Kông chỉ có mấy chục cây số vuông, mà có đến 28.000 cơ sở.(Michael Novak, ult.op.cit, 12). 

- Ở Liên Bang Sô Viết cũng như các nước theo XHCN với nền kinh tế tập trung do Đảng và Nhà Nước chỉ đạo, lãnh đạo và quản lý, con ngưòi chỉ biết tuân lệnh "cấp trên", như một bánh xe trong guồng máy khổng lồ vận chuyển. Con người trở thành một tế bào trong cơ cấu xã hội, là một con số không hơn không kém, mất hết chủ thể tính năng động của mình. 

Nói cáchkhác XHCN đã làm tê liệt "Số Vốn Nhân Thức", kiến thức và khả năng sáng tạo của con người, động lực chính để điều khiển và làm cho kinh tế vận chuyển. 

Đức Thắnh Cha Gioan Phaolô II đã nêu lên sự sai lầm vừa nói trong Thông Điệp Centesimus Annus của Ngài, viết ra để kỷ niệm 100 ngày ban hành Thông Điệp Rerum Novarum (1891), Thông Điệp đầu tiên về các Huấn Dụ Xã Hội của Giáo Hội Công Giáo. Đức Giao Phaolô II nêu lên như sau: 

"...sự sai lầm căn bản của XHCN là sự sai lầm mang tính cách nhân bản học (antropologico). Chủ thuyết trên, trên thực tế, quan niệm con người chỉ là một yếu tố, một tế bào trong cơ chế xã hội. Và từ đó hạnh phúc cá nhân tuỳ thuộc vào cơ chế hoạt động kinh tế, xã hội..." (Centesimus Annus,CA, 13). 

Quan niệm sai lầm trên của Karl Marx cũng đưọc vi Tổng Thống cuối cùng của Cộng Hoà Liên Bang Sô Viết xác nhận : 

"Cộng Hoà Liên Bang Sô Viết đang trải qua một cơn khủng hoảng trầm trọng. Chúng tôi là một trong những người cuối cùng, trong thời đại truyền thông kỹ thuật, hiểu được của cải quý giá nhứt là sự hiểu biết của con người, trí óc tưởng tượng và sáng tạo của cá nhân. Sự đánh giá sai lạc nầy, chúng tôi còn phải trả đắc giá trong nhiều năm tới nữa" (Michael Gorbachov, Freedom anh High Teach Revolution, cit. George Gilder, Imprimis, vol.19, n.111, Nov.1990, 1). 

Dưới một hình thức khác, Engel Loebl, giám đốc một hãng kỹ nghệ quan trọng ở Canada và Stephan Roman, nguyên Bộ Trưởng Ngoại Giao Tiệp Khắc, tỵ nạn tại Hoa Kỳ đã diển tả cái nhìn sai lạc của Karl Marx trong kinh tế như sau: 

"Nhân thức "là nguồn mạch nguyên thủy của sự sung mãn nhân loại. "Nhân thức" là số vốn nguyên thủy của con người. Dầu hỏa đã có từ mấy ngàn năm nay, nhưng vẫn nằm yên dưới lớp cát ở các xứ Ả Rập, cho đến khi "nhân thức" khám phá ra cách xử dụng nó.Có hằng hà sa số sự vật mà Thiên Chúa đã dựng nên, trải qua không biết bao nhiêu ngàn năm vẫn không dùng được vào việc gì, cho đến khi con ngưòi khám phá ra giá trị của chúng. Bao nhiêu vật mà hôm nay chúng ta cho là tài nguyên, một trăm năm trước đây không ai gán cho chúng giá trị hiện tại. Và bao nhiêu vật khác mai đây sẽ có giá trị, nhưng hôm nay chúng ta chưa biết xữ dụng nó. Chiếc cầu đưa đến sự phú quý, chính là trí khôn của con người vậy" (Michael Novak, The Spirit of Democratic Capitalism, New York, Simon and Schuster Inc., 1982, 127 - 128). 

Tư tưởng của hai nhà kỹ nghệ và chính trị gia trên cũng đã được Đức Gioan Phaolô II xác nhận: 

"Nguồn tài nguyên chính yếu của con người, cùng chung với đất đai, là chính con người. Chính nhờ trí khôn ngoan mà con ngưòi biết khám phá ra khả năng sản xuất của đất đai và thiên hình vạn trạng hình thức có thể thoả mãn các nhu cầu của con người" (CA, 32). 

Ở một đoạn khác Đức Gioan Phaolô II diễn tả "nguồn tài nguyên chính yếu của con người" hay "số vốn nhân thức" hư một thực thể phát sinh từ bản tính của con ngườì và con người thực hiện khả năng "Thiên phú" đó như chính sứ mạng mà con người phải chu toàn trong cuộc sống trần thế: 

- "Con ngưòi khám phá ra khả năng biến chế và, nói theo một ý nghĩa nào đó, khả năng sáng tạo thế giới bằng chính việc làm của mình... (con người) thực hiện vai trò của mình cộng tác với Thiên Chúa trong việc sáng tạo thế giới" (CA, 37). 

Con người được Thiên Chúa phú cho "nguồn tài nguyên chính yếu" hay "số vốn nhân thức" 

Để khám phá, sáng tạo, tổ chức. Khả năng đó phát sinh từ chính địa vị cao cả của con người ngay từ lúc Thiên Chúa dựng nên: 

"Thiên Chúa dựng nên con người giống hình ảnh Ngài, Giống hình ảnh Ngài thiên Chúa tạo dựng nên Ngài dựng nên người nam và ngưòi nữ" (St 1,27): 

Thiên Chúa dựng nên con người giống hình ảnh Ngài, tức là ban cho con người trí khôn, biết suy tư, biết khám phá, hiểu biết, biết sáng tạo phản ảnh trí khôn ngoan của Ngài. 

Thiên Chúa ban cho con người tất cả những điều đó cùng với sự tự do suy tư và hành động để cộng tác với Ngài sáng tạo mặt đất: 

"... và Thiên Chúa đặt con người trong vườn điạ đàng để trồng trọt và trông coi" (St 2, 15). 

Do địa vị cao cả là "hình ảnh của thiên Chúa", được "thiên phú "trí khôn ngoan và có nhiệm vụ phải chu toàn là dùng trí khôn ngoan của mình để cộng tác với Thiên Chúa, tiếp tục công việc sáng tạo thế giói của Ngài, mà 

- "... con người chỉ có thể phát triển thành đạt chính mình thật sự bằng trí khôn, tự do của mình, và qua hành động đó, con người chiếm lấy của cải vật chất làm như của riêng mình và như dụng cụ để thực hiện. Phương cách hành động như vừa kể là nền tảng của quyền tự do sáng kiến cá nhân và quyền tư hữu" (CA,43). 

Chính trí khôn hay "số vốn nhân thức "mới là "vốn liếng ", là yếu tố chính, là động lực cho sự phát triển kinh tế: 

- "Trong thời đại chúng ta, một cách đặc biệt, còn có một hình thức tư hữu khác chiếm vai trò quan trọng không kém gì đất đai: đó là tư hữu của sự hiểu biết kỹ thuật và kiến thức. Sự phú cường của các quốc gia kỹ nghệ hoá đặt nền tảng trên tư hữu nầy hơn là trên tài nguyên thiên nhiên" (CA,32) 

Do chính địa vị con người được" Thiên Chúa dựng nên giống hình ảnh Ngài "hay nói cách khác  "được Thiên Chúa ban cho trí khôn ngoan để suy tư, hiểu biết sáng tạo và hành động một cách tự do và có trách nhiệm", như chính cách hành động của Thiên Chúa, mà mấy năm trước đó, năm 1987, với Thông Điệp Sollecitudo Rei Socialis, Đức Gioan Phaolô II còn đi xa hơn nữa: 

- "...quyền có sáng kiến cá nhân trong kinh tế là một quyền bất khả nhượng, chỉ chiếm địa vị thứ hai sau quyền tự do tôn giáo mà thôi" (Sollecitudo Rei Socialis, 33). 

Cũng trong cùng một Thông Điệp, Đức Gioan Phaolô II đã vạch rỏ sự sai lầm của nền kinh tế chỉ huy, sự sụp đổ của hệ thống kinh tế và chính trị XHCN hai năm sau đó, năm 1989: 

- "... các cơ cấu chính trị không nên làm giảm thiểu hay hủy diệt «sáng kiến cá nhân", chủ thể tính sáng tạo của người dân" (id., 15). 

Bởi vì "làm giảm thiểu hay hủy diệt chủ thể tính sáng tạo của người dân", yếu tố chính yếu của phát triển kinh tế, nền kinh tế được tổ chức như vừa kể có viễn ảnh phá sản ngay trong trứng nước: 

- "Nếu trong qúa khứ, yếu tố quyết định để sản xuất là đất đai, cũng như thời gian kế đến là vốn liếng, được hiểu như máy móc và dụng cụ, hiện nay yếu tố càng ngày càng trở nên quyết định chính là con người, qua kiến thức khoa học, khả năng hiểu biết của con người được đặt trên vị thế nổi bật, khả năng tổ chức để hợp tác với nhau, khả năng tiên đoán để thỏa mãn được nhu cầu cần thiết của người khác" (CA,32). 

Trong 70 năm kinh tế chỉ huy, các nước XHCN với chính sách "cản trở, giảm thiểu hay hủy diệt chủ thể tính sáng tạo" của con người đã đi đến con đường cùn mơ ước không tưởng của họ. Điều mà Đức Leo XIII đã tiên đoán gần 100 năm trước đó trong Thông Điệp Rerum Novarum (R.N. 3-4). 

B - TRỢ GIÚP NGƯỜI NGHÈOVÀ TRỢ GIÚP CÁC QUỐC GIA NGHÈO 

a) Trợ giúp ngưòi nghèo. 

Đức Gioan Phaolô II đề cập đến người nghèo và các quốc gia nghèo trong Thông Điệp Centesimus Annus của Ngài ở đoạn 33 như sau: 

- "Các nước kỹ nghệ hóa cũng như giới có của cần nỗ lực giúp cho các xứ chậm tiến cũng như người nghèo khổ có cơ hội nhập cuộc vào tiến trình sản sản xuất trong kinh tế tư bản ..." (CA,33) 

Nhiều đảng xã hội, nhứt là các đảng tả phái sau khi vừa đọc Thông Điệp liền la ó lên là họ có lý, là "ô nhục", "ich kỷ" các nước tư bản tân tiến, giúp cho người nghèo quá ít, nên Đức Thánh Cha mới lên tiếng. Cần nới rộng hồ bao ra thêm nữa. 

Có thật tiểu đoạn 33 của Centesimus Annus nêu lên lời kêu gọi của Đức Thánh Cha theo chiều hướng vừa kể không? "Nới rộng hầu bao hơn nữa cho người nghèo và các nước nghèo được nhờ ?" 

Để có cái nhìn xác thực hơn, chúng ta thử đọc lại và đặt văn mạch của tiểu đoạn 33 vào chiều hướng Huấn Dụ Xã Hội của Giáo Hội. 

Chiều hướng Huấn Dụ Xã Hội của Giáo Hội, chúng ta có thể tìm thấy ngay trong Hiến Chế Gaudium et Spes như sau: 

"Ở những nước kinh tế tiến bộ, hệ thống cơ cấu xã hội về hưu dưỡng và an sinh xã hội một phần có thể đem ra thực hiện ý nghĩa "dụng đích chung" (destination comune) về của cải. Đàng khác cần phát triển hơn nữa những cơ cấu để phục vụ gia đình và những nhu cầu xã hội, nhứt là những tổ chức chuyên lo về văn hóa và giáo dục. Nhưng trong khi tổ chức những cơ cấu nầy, cần phải thận trọng, đừng để người dân có thái độ thụ động với xã hội hay có thái độ vô trách nhiệm trong bổn phận phải chu toàn hoặc từ chối bổn phận phục vụ" (Gaudium et Spes, 69). 

Năm 1964, Tổng Thống Lyndon Johnson đưa ra chính sách "chống nạn nghèo đói « trên đất Hoa Kỳ. Hai mươi năm sau đó, năm 1984 một nhóm chuyên viên của viện đại học AEI (American Entreprise Institute for Public Policy Research) được đề cử nghiêng cứu kết quả. Và sau đây là bản tưòng trình của Ủy Ban: 

- "... trong thời gian 20 năm,vấn đề cứu tế người già đã thực hiện một bước khả quan về phẩm chất. Việc trợ cấp y tế cùng với việc trợ cấp tài chánh đã thăng tiến một cách khả quan mức sống của người già... nhưng đối với giới trẻ, tình trạng đã trở nên tệ hại hơn, nhứt là đối với trẻ em và gia đình chỉ một mình cha hoặc mẹ: số trẻ em sinh ra ngoại hôn và số gia đình chỉ có một mình cha hoặc mẹ gia tăng. Giữa những người nghèo ở thành phố tình trạng phạm pháp, giết người, lưu manh trở nên lang tràn. Trong khi đó, thì nền luân lý gia đình đang đi vào khủng hoảng... Số ngưòi nghiện ma túy cũng gia tăng" (M.Novak, "Working Seminar on Family and American Welfare State", in The New Consensus on Family and Welfare, Washinton DC, American Entreprise Institute for Public Policy Research, 1987). 

Qua hai tài liệu đạo, đời vừa trích dẫn, chắc hẵn chúng ta có một nhãn quang khá đầy đủ để hiểu đoạn 33 của Thông Điệp Centesimus Annus, so sánh với lối nhìn một chiều của các chính đảng la ó vừa kể. 

- "Nhưng trong khi tổ chức những cơ cấu nầy, cần thận trọng đừng để người dân có thái độ thụ động, vô trách nhiệm trong bổn phận..., từ chối bổn phận phục vụ" (Gaudium et Spes, 69). 

- "số trẻ em sinh ra ngoại hôn và số gia đình chỉ có một mình cha hay mẹ gia tăng..., tình trạng phạm pháp, giết người, lưu manh lan tràn..., số người nghiện ma túy cũng gia tăng" (M. Novak, cit. id.). 

Chắc chắn khi viết đoạn 33 của Thông Điệp Centesimus Annus, Đức Thánh Cha không lạ gì đối với lời khuyên bảo của Công Đồng Vatican II, cũng như đối với bản tường trình của Ủy Ban Chuyên Môn đại học AEI. 

Mặt khác ở một đoạn trích dẫn khác của Thông Điệp Centesimus Annus, mà chúng ta đã đọc qua ở những trang trên của bài nầy, chúng ta thấy quan niệm "Chủ Thể Tính" của Đức Gioan Phaolô II là quan niệm "Chủ Thể Tính Năng Động" và "Tích Cực": 

- đứng ra nhận lấy phần chủ động, có sáng kiến và nhận lãnh trách nhiệm trong kinh tế, 

- chớ con người không phải chỉ là «một bánh xe vô danh»hay «một tế bào vô cá tính»trong guồng máy tổ chức xã hội, nhứt là XHCN. 

Con người trong quan niệm nhân bản Ki Tô giáo là 

- "con người được dựng nên giống hình ảnh Thiên Chúa, mang hình ảnh Ngài"

được Ngài ban cho trí khôn ngoan và sự tự do của Ngài, để «hành động cộng tác với Ngài trong việc sáng tạo mặt đất», chớ không phải là một đơn vị vô danh tánh, thụ động, không xương sống, bất động nằm chờ được "trợ cấp", "cứu tế", "ủy lạo". 

Hiểu được văn mạch như vậy, chúng ta sẽ thấy rằng lời kêu gọi của Đức Gioan Phaolô II: 

- "... số đông không được những yếu tố khả dĩ cho phép họ tham dự một cách thiết thực và xứng đáng với địa vị con người vào hệ thống xí nghiệp..., họ không có phương tiện để thu thập được các kiến thức căn bản khiến cho họ có thể diễn tả được khả năng sáng tạo và làm triển nở tiềm năng của họ. Họ không thể nhập cuộc vào môi trường của kiến thức và truyền thông quốc tế để tài năng của họ được ngưỡng mộ" (CA, 33), là lời kêu gọi sự giúp đở để con người có phương tiện phát triển khả năng và thăng tiến, cộng tác tích cực vào tiến trình phát triển kinh tế đem lại lợi ích cho chính mình và cho cộng đồng nhân loại, chớ không phải là lời van xin bố thí để cho người nghèo khó ngồi không lãnh phụ cấp, có thời giờ rãnh rỗi đi đâm chém, cướp giựt, cờ bạc, nghiện ngập ma túy, làm tình xả láng, sinh con ngoại hôn. 

Dĩ nhiên trong xã hội lúc nào cũng có người già cả, tật nguyền, bệnh tật, người không đủ khả năng học hành đậu đạt để có thể hội nhập vào kinh tế thị trường, cần được các tổ chức xã hội giúp đỡ. 

Nhưng nếu không thận trọng, Welfare State, lối tổ chức xã hội của chúng ta thay vì cứu trợ và kích thích con người thăng tiến để trở thành lợi ích cho chính bản thân và cho cộng đồng xã hội, Welfare State có thể đưa con người đến chỗ tự hủy diệt như tình trạng bản báo cáo của AEI và làm băng hoại luôn cả xã hội, mà đáng lý ra mình phải góp phần để thăng tiến. 

Một trong những khía cạnh khác mà phương thức tổ chức Welfare State của chúng ta nên để ý là nguyên tắc "bổ trợ" (subsidiarité) : một cơ chế ở cấp bậc cao hơn đừng nên chen vào nội bộ của cơ chế ở cấp bậc thấp hơn làm cho cơ chế thuộc hạ mất đi thẩm quyền của mình. Trái lại cơ chế ở cấp bậc cao, trong trường hợp cần thiết, phải giúp đỡ cơ chế thuộc hạ để họ thể tự mình phối hợp các hoạt động của mình với các thành phần xã hội khác, đem lại lợi ích chung cho đoàn thể (CA, 48, rif. Quadragesimo Anno I, 146-148). 

Nêu lên nguyên tắc trên chúng tôi có ý lưu tâm đến thể thức tổ chức các cơ quan xã hội nói riêng và tổ chức các cơ quan Quốc Gia nói chung. 

Nói một cách đơn sơ: những gì ở cấp địa phương, làng, xã, thôn, ấp hay quận lỵ có thể thực hiện được, thì tổ chức cấp trung ương đừng ôm đồm, thâu tóm tất cả về trung ương, để rồi từ đó mới phân phát xuống vùng, tỉnh quận, làng.... Làm như vậy, trước hết trung ương phải tạo nên những cơ sở đồ sộ với bộ máy hành chánh khổng lồ, tốn kém để quản trị bao nhiêu sổ sách, danh tánh, kế toán, nhân viên và cần bao nhiêu thủ tục và thời gian điều hành mới thực hiện được. Điều mà đáng lý ra ở cấp làng xã, thôn xóm với số lượng nhỏ bé của địa phương có thể giải quyết một cách mau lẹ, biết rõ chính xác nhu cầu, để đáp ứng kịp thời.. 

Để cho địa phương trực tiếp giải quyết, bởi vì những gì tại địa phương, chỉ có người địa phương gần gũi nhau mới hiểu nhau và biết đưọc những nhu cầu thiết thực của nhau. 

Đối với vấn đề cứu tế xã hội, người được trợ cấp không phải chỉ là một con số được ghi trên tấm thẻ bằng plastic để cho vào máy điện toán của cơ quan trung ương, mà là một con người có nhân vị, có tình cảm, cần được trợ giúp tài chánh, thuốc men, nhưng cũng cần sự thông cảm sâu xa bằng cảm tình láng diềng và tình người để người yếu thế, tật nguyền, già nua khỏi tủi thân vì có mặc cảm thấp kém, thua thiệt, bị bỏ rơi... 

Mối "tình người" như vừa kể chỉ có những ai gần gủi, những tổ chức địa phương mới thực hiện được. (CA, 48). 

b) Trợ giúp các quốc gia chậm tiến. 

Những tương quan chúng ta bàn đến giữa người nghèo và người giàu trong một quốc gia về phương diện tổ chức xã hội, Welfare State, một phần chúng ta cũng có thể ứng dụng cho sự liên đới giữa quốc gia tiến bộ và các nước chậm tiến. 

Nói cách khác các quốc gia kỹ nghệ cần giúp cho các quốc nghèo để họ: 

- "... có được những yếu tố khả dĩ cho phép họ hội nhập một cách thiết thực và xứng đáng với địa vị con người vào hệ thống sản xuất của xí nghiệp, vào thị trường tự do. 

- "... có phương tiện thâu thập được các kiến thức căn bản làm cho họ có thể diễn tả khả năng sáng tạo và tiềm năng của họ" (CA, 33). 

Về phía các quốc gia chậm tiến, họ phải biết lợi dụng cơ hội được giúp đỡ, 

- "phải cố gắng hy sinh cần kiệm cũng như tạo được hòa khí ổn định chính trị và kinh tế, viễn ảnh hòa bình vững chắc trong tay, bảo đảm cho việc phát triển kinh tế bằng chính việc làm của họ, bằng cách đào tạo những doanh thương đầy đủ hiệu năng và ý thức trọng trách của mình đảm nhận" (CA, 35). 

Một rong những vần đề chính yếu của các nước chậm tiến không phải là thiếu viện trợ cho bằng "thiếu doanh thương hiệu năng và trách nhiệm", biết xử dụng số tiền viện trợ một cách hữu hiệu theo định luật đầu tư kinh tế. 

Nhiều chuyên viên của Qũy Tiền Tệ Quốc Tế (IMF), sau những lần viện trợ và viếng thăm các nước được trợ giúp đã phải buông tay "kêu trời": 

- "Trên thực tế, những chương trình viện trợ không đến tay người nghèo mà chúng ta thấy hình chụp trong các bích chương hay các chương trình quảng cáo, tuyên truyền xuất hiện trên các phương tiện truyền thông. Ngược lại, viện trợ đến thẳng tay chính quyền. Nói cách khác, là đến tay những người làm chính trị, mà chính chương trình cai trị xứ sở của họ là nguyên nhân cho sự bần cùng của dân chúng. Ngay cả ở những trường hợp không cấp thiết, các chương trình viện trợ quốc tế đều đến tay những người cầm quyền, mà phương thức quản trị công quỹ của họ được quyết định tùy theo lợi ích riêng tư. Việc trợ giúp và bảo đảm cho người nghèo chỉ là thứ yếu" (Lord B.T. Bauer, Realty and Rhetoric: Studies in the Economics of Development, Cambridge, MA, Harvard University Press, 1984,50). 

Chúng tôi không muốn dài dòng thêm, chỉ ghi lại một vài sự kiện và những con số sau đây để chúng ta tự suy đoán lấy. 

Mỗi người trong chúng ta ai cũng nghe nói đến số nợ chồng chất của các nước Châu Mỹ La tinh, chồng chất đến nỗi hàng giáo phẩm phải lên tiếng kêu gọi lòng nhân đạo của Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế (IMF) và Ngân Hàng Thế Giới (W.B.) rằng số nợ trên đã làm cho "ngột ngạt" đời sống vốn đã bần cùng của dân chúng. Người dân các nước trên có làm quần quật suốt năm riêng chỉ tiền lời thôi cũng không trả nổi, chớ đừng nói gì đến vốn. 

Chính Đức Gioan Phaolô II trong Centesimus Annus cũng đã kêu gọi đến các giới chức hữu trách làm cách nào để giảm bớt số tiền lời, hoặc triển hạn các định kỳ phải trả theo thoả ước và nếu có thể cũng cho khỏi phải trả số nợ nặng nề trên (CA, 35). 

Tình trạng thê thảm đó bắt nguồn từ nhà cầm quyền hành xử quyền thế một cách vô trách nhiệm hoặc không có khả năng, như Lord B.T. Bauer đề cập ở trên. 

Và sau dây là những con số cho tư tưởng vừa kể: 

Theo bản tường trình Liên Hiệp Quốc thì sau đây là kết quả tỷ lệ giữa ngân sách cho chi phí xã hội và quân sự năm 1987-1989: "Bản tổng kết và đồ thị cho thấy tỷ lệ giữa ngân sách xã hội và quân sự của: 

- Irak 1/500 (Irak đang có những cuộc đụng độ lớn với Iran) 

- Somalie 1/500, 

- Nicaragua 1/300,... 

- Bolivia 1/50 (Bolivia đưọc xếp hang thứ 9 trongdanh sách). 

(Luigi Paganetti, "Fame nel mondo" (Nạn đói trên thế giới), nhật báo Corriera della Sera, 21.04.92, 2). 

Và nếu tiền viện trợ hay vay mượn với lãi suất thấp và dài hạn không được dùng vào súng đạn thì cũng: 

"Phân nửa hoặc hơn phân nửa số nợ ngoại quốc của các nước Mỹ Châu La tinh được tái đầu tư vào các ngân hàng Thụy sĩ, Hoa kỳ hay các nước kỹ nghệ khác" (Morgan Guaranty Trust Company,1989). 

Cũng theo bản tường trình vừa kể, thì số vốn đầu tư vào các nước Mỹ Châu La Tinh như sau: 

- Brasil (Ba Tây) 31 tỷ 

- Mexico (Mể Tây Cơ) 84 tỷ 

- Venezuela 58 tỷ 

- Argentina (Á Căn Đình) 64 tỷ. 

Và theo Mark Falcon, chuyên viên kinh tế của chương trình bảo trợ tài chánh của công ty trên, thì nếu số ngoại tệ vừa kể được hoàn toàn đầu tư vào nội địa các nước vừa kể (số tiền được đề cập đến chỉ là số ngoại tệ của năm 1989 mà họ nhận được), thì số nợ "chồng chất ngột ngạt "có thể không đến nổi "ngột ngạt" như chúng ta thường nghe kể. 

Và đây là những con số phần trăm sẽ giảm đi, nếu họ biết đầu tư vào nội địa: 

"Brasil với 31 tỷ Mỹ Kim vừa kể, số nợ sẽ giảm đi từ 30-40%; Mexico với 84 tỷ, giảm đi 60%; Argentina và Venezuela sẽ sang bằng 100%" (Nicolas Eberstadt, ForeiSt Aid and American Purpose, Washington DC, AEI Press, 1989). 

Hàng giao phẩm các xứ Châu Mỹ La Tinh cũng như Đức Giáo Hoàng có lý khi các ngài đứng về phiá người nghèo, thông cảm tình trạng khốn cùng của họ, lên tiếng kêu gọi lòng rộng lượng, nhân đạo của các xứ giàu, kỹ nghệ hoá, triển hạn, giảm bớt hoặc tha các món nợ "chồng chất, ngột ngạt", làm cho đời sống bần cùng trở nên thê thảm của hàng tỷ người ở các xứ chậm tiến. 

Nhưng chúng tôi nghĩ rằng, các Ngài cũng đừng quên khiển trách, mạnh dạn "xách lổ tai" (tirare l'orecchio), nói theo ngôn từ của người Ý, cảnh cáo những người hành quyền có trách nhiệm đối với đời sống dân chúng ở các xứ chậm tiến, do lối dùng công qũy cho tư lợi, vô trách nhiệm và thiếu khả năng quản trị của họ, nguyên nhân đưa dânchúng đến lầm than. 

Bởi lẽ, nếu các Ngài không vạch mặt chỉ trán "nói thẳng và nói thật" cho dân chúng thấp cổ bé họng, thì còn ai có thể bênh vực được cho những người yếu thế. 

Chúa Giêsu nhân lành, nhưng vì lợi ích của những người yếu thế đã không ngần ngại nói tạt mặt: 

- "Khốn cho các người, kẻ thông thái luật cùng nhóm Pharisêu giả hình, giống như mã tô vôi bên ngoài..." (Mt 23,27). 

Đứng ở một vị thế khác, thay vì nhìn tiền viện trợ, tiền vay mượn với lãi suất thấp từ phía các quốc gia vay nợ, chúng ta thử đặt mình vào địa vị của những quốc gia đứng ra tài trợ, Ngân Hàng Thế Giới hoặc Qũy Tiền Tệ Quốc Tế cho các nước kém mở mang vay mượn. 

Chúng ta sẽ nghĩ gì khi thấy tiền bạc chúng ta đưa ra bao nhiêu cũng sạch, không có hy vọng nào để thu góp lại, ít ra là không bị mất vốn? 

Chúng ta nghĩ gì khi thấy tiến bạc của chúng ta phải đổ mồ hôi, sôi nước mắt và hy sinh mới có được mà bị tiêu xài một cách phung phí, vô trách nhiệm, bởi những kẻ không có khả năng quản trị, đã vậy còn tiêu lòn, xén bớt cho tư lợi của họ? 

Chúng ta mất tiền, dân chúng các xứ chậm tiến vẫn tiếp tục khốn cùng, chỉ có chương mục của những người vô trách nhiệm, bất tài và bất lương ở các ngân hàng Thụy Sĩ càng ngày càng kết xù. 

Có lẽ khi kêu cứu Qũy Tiền Tệ Quốc Tế, Ngân hàng Thế Giới hay các xứ kỹ nghệ hoá giúp đở, nhóm lãnh đạo vô trách nhiệm và bất tài quản trị khúm núm .lễ phép, xin xỏ rằng tiền viện trợ để dùng vào "Phát Triển Nông Nghiệp", tài trợ "Thủ Công Nghệ", "Canh Tân Hoá Ngư Nghiệp"... Nhưng số tiền sẽ đến Chính Phủ, rồi qua các Nha, Sở, Bộ, Ty... Đó là chưa kể đến số tiền để "Phát triển Nông Nghiệp", bị Nhà Nước dành "ưu tiên một", truất đi cho việc mua súng đạn để trang bị cho "quân dân ta sang trấn giữ Cam Bốt". 

Bản tường trình LHQ của GS Luigi Paganetti trên là một bằng chứng. 

Do đó 1.000 Mỹ Kim cho "Phát Triển Nông Nghiệp", nhưng trên thực tế ngành nông nghiệp "thấp cổ bé họng" và "quê mùa" có nhận được đến 600 không. Và với mức đầu tư 600 Mỹ Kim vào nông nghiệp, "tới mùa khô" chưa chắc có vị thánh nào làm phép lạ giúp cho chú nông nghiệp đáng thương đủ khả năng để trang trải số nợ 1000 mỹ Kim cộng thêm 5% lãi suất. Bước sang năm thứ 2, tình trạng bắt đầu đen tối hơn, chú nông nghiệp èo uột sẽ phải gánh thêm lãi suất 5% của số vốn 1.050 Mỹ Kim. 

Và tình trạng ngột ngạt của các xứ chậm tiến bắt đầu từ đó. 

Muốn tránh khỏi tình trạng "ngột ngạt" nợ của các xứ chậm tiến, các nhà lãnh đạo của chúng ta nên nhét vào đầu họ những tư tưởng cố định rằng tiền viện trợ để "Phát Triển Nông Nghiệp" không phải là tiền để mua vũ khí, cũng không phải là tiền để họ bỏ túi đem qua cho các ngân hàng Thụy Sĩ. 

Kế đến, muốn "Phát triển Nông Nghiệp", "Thủ Công Nghệ", "Ngư nghiệp", "Lâm Sản"... hay xí nghiệp, chúng ta cần có chương trình và chuyên viên với những dự án thiệt thực khả thi hay 

- "những nhà doanh thương có khả năng và trách nhiệm" (CA, 35; cf. Laborem Exercens, 21), 

nói như Đức Gioan Phaolô II, dự án khả dĩ đem lại lợi nhuận cho phép chúng ta trang trải nợ nần cũng như bước đầu cho phát triển. 

Với những con số và tư tưởng đã được đề cập, chúng ta hiểu tại sao nhiêu quốc gia kỹ nghệ hiện nay đang duyệt xét lại chương trình tài trợ của họ cho các quốc gia kém mở man. 

Hối lộ, tham nhũng, thối nát, "thụt két" của nhũng ngưòi lãnh đạo tại nhiều nước chậm tiến là hiện tượng không sao kiểm soát được. 

Nhiều nước đồng ý viện trợ, nhưng là viện trợ trực tiếp đến tay dân chúng hay cho nhân viên của họ trực tiếp đến tận nơi điều hành các dự án thỏa thuận, thay vì giao tiền cho chính quyền sở tại, như "gởi trứng cho ác". 

Cũng trong tài liệu trên Lord B.T. Bauer cho biết là năm 1989 

- "trong số 197 thoả ước vay mượn giữa Ngân Hàng Thế Giới và Brasil, chỉ có 2 thỏa ước được ký kết giữa Ngân Hàng và tư nhân" (Lord B.T. Bauer, op. cit., id.). 

Đáng lý ra các thỏa ước viện trợ nên làm thế nào cho số tiền trợ giúp đến tận tay người dân nghèo như việc tài trợ huấn nghệ, hoặc giúp họ thăng tiến khả năng học vấn của mình, giúp họ những số vốn nho nhỏ để họ có thể bắt đầu được các hoạt động thương mãi, tiểu công nghệ đều khắp trong dân chúng. 

Ở phần đầu khi chúng tôi đề cập đến việc các nước XHCN đồng loạt bị phá sản về kinh tế, một số độc giả sẽ nêu lên vấn nạn: một số đông các quốc gia đệ III thế giới vẫn ở trong tình trạng lạc hậu nghèo khổ, nhưng họ đâu có theo CS. Vậy thì các nước tự do hay theo kinh tế tự do chưa chắc sẽ là những nước tân tiến. 

Điều nhận xét trên rất chính xác. 

Trong phần đầu của bài nầy, chúng tôi có ý xác nhận rằng "Các nước CS là những nước lạc hậu", nhưng chúng tôi không có ý quả quyết phần đảo ngữ của câu quả quyết trên cũng hoàn toàn đúng. 

Điều đó nói lên hai hậu ý quan trọng, có lẽ người Việt không CS chúng ta không để ý. 

1 - Hậu ý đầu tiên: Nếu CS làm cho quốc gia chúng ta lạc hậu, thì việc lật đổ CS không mà thôi, chưa chắc sẽ làm cho chúng ta có được đất nước thịnh vượng, tiến bộ. CS là một cản trở, là một trong những vấn đề của đất nước, chớ không phải là vấn đề. Bởi đó, lật đổ được CS, chưa chắc chúng ta làm cho đất nước được hưng thịnh, nếu người Việt Quốc Gia không có những chương trình chính trị, kinh tế cũng như "doanh thương và những nhà lãnh đạo có hiệu năng và trách nhiệm" (CA, 35). 

Nói cách khác, việc xây dựng và phát triển đất nước không phải là việc ngẩu nhiên, bất thần, mà là những đồ án được học hỏi nghiêng cứu công phu bởi nhiều bộ óc có khả năng suy tư, trao đổi và đúc kết, cũng như được đưa ra thực hiện bởi những người lãnh đạo có tài năng và đạo đức, có "hiệu năng và trách nhiệm" hướng dẫn. 

2 - Hậu ý thứ hai: sở dĩ nhiều quốc gia nghèo nàn của thế giới đệ III, mặc dầu không thuộc CS, họ vẫn ở trong tình trạng lạc hậu. 

Có lẽ vì họ thiếu tài nguyên vật chất, có lẽ nhưng không chắc chắn. Điều chắc chắn là họ thiếu 

- "phương tiện để thu thập kiến thức căn bản làm cho họ có thể diễn tả được khả năng sáng tạo và làm triển nở tiền năng của họ..., cho họ tham dự một cách thiết thực và xứng đáng địa vị con người vào hệ thống xí nghiệp..." (CA, 33). 

Có lẽ một trong những lý do mà nhiều quan sát viên từ các nước tân tiến không để ý đến, khi nhìn vào thực trạng các quốc gia nghèo, nhưng dân chúng sở tại cảm thấy như những chiếc gông đè nặng lên người họ, mặc dầu trên lý thuyết họ được hoàn toàn tự do kinh tế, nhưng trên thực tế thì không có cách gì ngóc đầu lên được. 

Đó là tình hình quả đầu chế (oligarchia) trong kinh tế. Hay tình trạng độc quyền (monopolio) kinh tế ở các nước chậm tiến. 

Nói cách đơn sơ, nền kinh tế, thương mãi nằm trong tay một nhóm thiểu số, cấu kết với giới cầm quyền quốc gia, giữ bá chủ, bóp nghẹt tất cả các sáng kiến cá nhân. 

Ai sống duới thời Pháp Thuộc, thời đệ I và đệ II Cộng Hoà ở Miền Nam, nhứt là vùng Sàigòn vẫn còn nhớ thế nào là tổ chúc độc quyền của các "chú ba Tàu" trong Chợ Lớn. 

Tại Mỹ Châu La Tinh cũng không hơn gì: 

- "Không những phần lớn dân chúng bị loại ra khỏi thị trường làm việc, mà cũng không có cách gì hội nhập vào thế giới tiểu công thương..., 43% số căn nhà dân chúng ở Péru do những tổ chức bất lương xây cất..., 93% các phương tiện chuyên chở công cộng do tổ chức lưu manh, cướp giựt kiểm soát" (Hermando de Soto, What's Wrong with Latin American Economies?, «Reason", n.10.1989,13). 

Còn nữa: 

- "Tại Péru, 48% dân số ở tuổi làm việc và 62,2% số giờ làm việc đều làm lậu.Mức lợi tức của việc làm lậu đạt đến 38,9% Tổng Sản Lượng Quốc Gia, theo bản thống kê của Chính Phủ" (Hermando de Soto, id., 12). 

Và 

- "chỉ có 35% số nhà cửa của dân chúng ở Péru là có văn kiện chứng minh sở hữu chủ. Vì thế không lạ gì việc dân chúng Péru không thể "hội nhập" vào con đường kỹ nghệ hoá được. 

"Thật vậy, dù có văn kiện minh chứng sở hữu chủ, quyền sở hữu trên không có cách nào hoán chuyển thành bảo chứng tín dụng được.Và không có tín dụng thì không thể bắt đầu hoạt động kỹ nghệ thương mãi được" (Hermando de Soto, id., 40). 

Nói tóm lại, 

- vốn đầu tư, "doanh thương và thành phần lãnh đạo hiệu dụng và có tinh thần trách nhiệm"

- cũng như loại bỏ được thành phần thiểu số gian manh cầu kết với quyền lực quốc gia để chiếm giữ độc quyền kinh tế, 

- viện trợ trực tiếp đến tay dân chúng để giúp họ thăng tiến khả năng "chủ thể tính năng động" hầu phát triển kinh tế đều khắp là những tư tưởng mấu chốt cần cho những ai có trách nhiệm và hoài bão cho các nước chậm tiến và cho quê hương chúng ta lưu ý, để hướng dẫn Việt Nam trên con đường văn minh tiến bộ. 

Ý thức về "chủ thể tính năng động" trong kinh tế và xã hội của Thông Điệp Centesimus Annus cho chúng ta một cái nhìn tích cực về người nghèo khổ. 

Người nghèo không phải chỉ là người rách rưới lang thang, bẩn thỉu, hôi hám mà chúng ta phải bố thí để cứu đói. 

Họ không phải chỉ là gánh nặng cho xã hội. Họ không phải chỉ là "bộ máy tiêu hóa»(tube digestif) chỉ biết tiêu thụ, mà là những nhà sản xuất tiềm năng (producteurs potentiels) trong tương lai, có khả năng tạo ra sản phẩm và phục vụ cho chính mình và cho cộng đồng xã hội, nếu họ được giúp đở để phát triển khả năng thiên phú và có được những điều kiện thuận lợi để bộc phát được khả năng sáng tạo của họ. 

Bởi vì họ cũng là những người được Trời ban cho "Số Vốn Nhân Thức" hay được 

"Thiên chúa dựng nên con người giống hình ảnh Ngài, Giống hình ảnh Ngài, thiên Chúa dựng nên. Người nam và người nữ, Thiên chúa dựng nên"(St 1, 26-27)./. 

Nguyễn Học Tập - Thanhnienconggiaoblog

Chủ thể tính và người nghèo trong thông điệp Centesimus Anus Reviewed by Em Binh on 11/14/2012 Rating: 5 NGUYỄN HỌC TẬP - I - Nhật, Hồng Kông, Nam Hàn và Đài Loan là những quốc gia nhỏ bé tính theo diện tích; đông đúc dân cư nhìn trên dân số...

Không có nhận xét nào: