Chuyện Tàu nhưng việc ta: Trung Quốc, đấu tranh quyền lực — Những gì đang và sẽ xảy ra trước và sau Đại hội XVIII Đảng Cộng sản Tàu - Thanh Niên Công Giáo

728x90 AdSpace

Trending
11 tháng 11, 2012

Chuyện Tàu nhưng việc ta: Trung Quốc, đấu tranh quyền lực — Những gì đang và sẽ xảy ra trước và sau Đại hội XVIII Đảng Cộng sản Tàu

TS. Phan Văn Song - Tuần tới đây, tất cả sự chú ý của thế giới sẽ được tập trung vào Hoa kỳ, nơi diễn ra cuộc bầu cử tổng thống vào ngày 6 tháng 11, nhưng sẽ có một hiện tượng khác cũng quan trọng không kém sẽ xảy ra hai ngày sau đó ở Beijing, Trung Hoa Cộng sản : Đại hội Đảng Cộng sản Tàu lần thứ 18 với sự thay đổi lãnh đạo -Tập CậnBình sẽ thay thế Hồ CẩmĐào.

Để Trung Hoa Cộng sản tiếp tục duy trì cái uy thế đệ nhị quyền lực kinh tế của hoàn cầu, thế giới phải trả một cái giá rất đắc ! Trung Hoa Cộng sản là một con hạm lớn, đói ăn, đói tiêu dùng, đói hưởng thụ với một nhà máy sản xuất khổng lồ cho thị trường quốc tế, nên đói năng lượng, cần rất nhiều nhiên liệu,(nhưng sử dụng còn rất hoang phí), đói nguyên liệu nên phải lao vào một cuôc chạy đua sống còn để đi tìm mua nguyên liệu, tạo một thị trường nhu cầu căng thẳng, làm tăng giá nhu yếu phẩm của thế giới từ nguyên liệu cho kỹ nghệ đến nông phẩm qua đến nhu yếu phẩm cho kỹ thuật mủi nhọn Vì thế mặc dù « cố tình » núp dưới một hình ảnh hiền hoà,, chỉ là một quốc gia thương mại, đầy thiện chí, bạn với tất cả các « quốc gia chậm tiến » trên thế giới, kết tình hữu nghị, chỉ tìm bạn để giúp đở, tài trợ và ngược lại, chỉ « xin khai thác mua lại » những nguyên liệu khoáng sản cho hệ thống sản xuất của mình, nhưng Trung Hoa Cộng sản, qua những hành động « thiếu tế nhị » và thái độ « kẻ cả nhà giàu » hằng ngày, đã bày rõ cho thiên hạ biết, để lòi ra một bộ mặt xâm lược, một tư tưởng bá quyền, một tham vọng nước lớn muốn thay thế Hoa kỳ để làm bá chủ thế giới và một uy thế của một thế lực «thuộc địa mới».

Cũng như Hitler ngày xưa, với một mặc cảm “trả thù dân tộc”, và để che dấu tham vọng bá quyền của mình, Cộng sản Trung quốc cũng « cần phải lộng kiến đưa lên bàn thờ » một chủ nghĩa, một tư tưởng và một lý thuyết gia : Hitler sử dụng nhà tư tưởng, nhà triết học Friedrich Nietzsche (1844-1900), với một cái nhìn rất gay gắt về văn hóa tây âu vào cuối thế kỷ 19, cho rằng những giá trị luân lý, giá trị chánh trị, giá trị triết lý và ngay cả những giá trị tôn giáo ( thiên chúa giáo và do thái giáo) đã hoàn toàn suy sụp, cần phải sửa đổi lại - Umvertung aller Werte (đánh giá lại những giá trị - cách chơi chữ Werte –giá trị - sử dụng hai lần – tạm dịch qua Pháp ngữ Réévaluation des valeurs) và với một Quyết tâm tìm Sức mạnh– Wille zur Macht và để đi đến tạo thành một Siêu Nhân – Der Übermensch. Hitler dùng những tư tưởng triết lý của Nietzsche, cộng với tư tưởng của triết gia Arthur Shopenhauer (178 – 1860) người đã ảnh hưởng lớn đến tinh thần phò dân tộc Đức trong những sáng tác của nhạc sĩ Richard Wagner (1813 -1883) để làm nền tảng cho chủ nghĩa dân tộc Quốc Xã Đức.

Và cũng để có « danh gì với núi sông, và tạo tiếng thơm cùng với thế giới», Trung quốc cũng dựng lại hình ảnh và lộng kiến Đức Khổng Phu Tử, ( -551 TTC/ -479 TTC) người triết gia Á đông lừng lẩy của nhơn loại. Nhưng đây là một Khổng Phu Tử mới ! Một Khổng Phu Tử, đại diện cho một chủ nghĩa Hán, dưới một mặt nạ Văn Hóa Đại Hán, một nền Văn minh Đại Hán, và được dùng để quảng bá một tư tưởng Đại Hán cho một Trung quốc mới ! Đó là đối ngoại. Còn đối nội, đối với nhơn dân Trung Quốc, một Khổng Phu Tử mới cũng được dùng như một biểu tượng, một định nghĩa về một giá trị một con người mới, một người Hán mới, tuy được cộng sản hóa, nhưng vẫn giữ chất Hán, để giữ làm chất keo, tạo một « con người Hán thống nhứt trong một xã hội Trung Hoa mới, thống nhứt », có gắng tìm một chổ đứng trong một xã hôi Trung Hoa ngày nay, thực sự, đầy những đòi hỏi lý lịch địa phương và quyền tự quyết địa phưong dân tộc.

Tất cả phải được giải quyết trước ngày Đại Hôi XVIII nầy. Đại Hội XVIII của Đảng Cộng sản Trung Quốc phải tìm cho được một con đường đi, tránh những chông gai bẩy sập « nội bộ », những bãi « mìn xã hội », để đến một con đường dẫn đến « một cái nhìn mới cho một mô hình Đảng Cộng sản mới » trong một không khí ổn định xã hội.

«Sau Đại hội … » Mọi câu hỏi đều được một câu trả lời bắt đầu như vậy, cũng như ở Hoa kỳ tất cả đều mong chờ ngày “ Sau bầu cử Tổng thống …” vậy !

Nhưng đó là chuyện Tàu, còn Việt Nam ? Hình như ở Việt Nam cũng vậy, mọi trả lời đều được ngưng lại chờ đợi Đại hôi Đảng Công sản của Tàu. Nhưng nếu ở Hoa kỳ, bầu cử được giới truyền thông thông tin quảng bá rầm rộ, mọi công dân Huê kỳ, thâm chí mọi người dân các quốc gia khác trên thế giới, Âu châu, Nam mỹ, Úc, Phi và Á chấu đều chăm chú theo dỏi. Còn ở Trung quốc, ai ai cũng biết, thế giới cũng biết, Đại hội chỉ là một màn kịch diễn một bản kịch đã được viết sẳn, người sẽ thay thế ông Hu Jintao – Hồ CẩmĐào là ông Xi Jinping – Tập CậnBình. Người ta biết cả phải thay thế 7 người trên 9 người của Ban Thường Vụ của Bộ Chánh trị, và 60 % các ủy viên trung ương !.

Đó là Trung Quốc, nơi mà những cái gì mới nhứt, tiến tiến nhứt đang hoạt động trong một cơ chế cổ lổ xỉ nhứt. Thế kỷ 21 hoạt động trong một cơ chế cầm quyền của thời trung cổ. Nền khoa học hiện đại Âu Mỹ phục vụ cho một bộ máy cầm quyền thời Xuân Thu Chiến quốc Trung Hoa. ..

Đại hôi thứ XVIII của Đảng Cộng sản Trung quốc sẽ được tổ chức “ trong đệ nhị lục cá nguyệt năm 2012”, theo tuyên bố chánh thức, phản ảnh cái nghịch lý ấy của thế giới Ba Tàu. Đảng Cộng sản Trung Hoa, độc quyền, độc tôn, độc tài cầm quyền từ năm 1949 quy định từ nay sẽ thay đổi các thủ lãnh như sau: những lãnh tụ tối cao Đảng và Nhà nước (Tổng Bí thư đảng đồng thời kiêm Chủ tịch Nước, Thủ tướng Chánh phủ và Chủ tịch quốc hội Nhơn dân) chỉ được hai nhiệm kỳ thôi, và không được cầm quyền trên 10 năm. Tuổi về hưu các ủy viên các cơ quan đầu nảo sẽ là 68 tuổi. Như vậy Trung quốc của năm 2012 sẽ là quốc gia có truyền thống cộng sản đầu tiên có rất nhiều thay đổi nhơn sự : sẽ thay thế 7 ủy viên của Ban Thường Vụ Bộ Chánh trị gồm 9 người (1). Và sẽ thay thế 60%, có thể 65% Trung ương ủy viên đảng. Nhưng thay thế những ai ? theo tiêu chuẩn nào ?… . Trả lời : Bí mật, bí mật và bí mật ! Luôn luôn nên nhớ rằng truyền thống của các Đảng Cộng sản, quốc tế, Nga, Tàu hay Việt Nam, Cu Ba, Triều Tiên gì gì … cũng bí mật cả. Nhưng không cấm, mặc cả, tiêu lòn, chơi xấu, chơi xỏ, chơi cú xí mứn, đánh cùi chỏ, sử dụng mánh mun, chơi xấu, chơi đòn chánh trị, dùng đòn quyền lực trao đồi, dùng tiền bạc mua bán, đồng minh, phe ta, phe địch … đủ cả mọi trò… miển sao cầm quyền, tham nhũng, ăn chia …hưởng lợi.

Còn đảng viên thường, đảng viên thường thì phải … chỉ biết vâng, biết dạ. Phải có dù, có ô, phải có đàn anh để che, đàn em để xài, phải có băng, có đảng, có gốc, có gác, phải có phe, có cánh. Nếu chẳng may, đảng viên nào có tí suy nghĩ, hay con tim, hay đầu óc, …chán quá, bất mãn, trả thẻ Đảng ? Khó lắm ! Ra đi biệt xứ ? Bỏ nghề bỏ nghiệp ? Chớ nếu còn muốn nghề muốn nghiệp, muốn kiếm việc làm, một cơ quan, một xí nghiệp… phải cần Đảng bộ giới thiệu che chở và sẽ đóng hụi.

Khi đã là đảng viên, nếu muốn ra khỏi Đảng Cộng sản ? khó lắm, khó hơn vào Đảng. Vào Đảng thì vào khi tuổi nhỏ, khi còn đi học, thường thường do các bí thư ( trường học, phường, huyện, cơ quan, công sở …) để ý thâu tuyển, rồi đối tượng đoàn, …đối tượng đảng. Nhưng nếu chẳng may suốt thời gian lớn lên không ai để ý hết, lớn lên, muốn tiến thân có công ăn việc làm tử tế, lên lương lên lộc, phải vào Đảng. Nộp đơn, chưa đủ. Phải có người bảo lãnh, sau một cuộc điều tra lý lịch, xem thành phần, cá nhơn , cha mẹ, xuất thân từ đâu … ba đời bần cố nông. Nói tóm lại Cộng sản đâu cũng vậy Việt Nam Tàu xêm xêm, một bài một bản.

Ở Tàu, từ năm 2007 đến 2012, trên 10 triệu đảng viên mới. Một Đảng khổng lồ với 80 triệu 600 ngàn đảng viên, gần bằng dân số cả nước Việt Nam ta, bằng dân số nước Đức, nhiều hơn nước Pháp… thành phần đảng viên rất trẻ, gồm 1/4 dưới 35 tuổi, 1/2 giữa 35 và 60 tuổi theo thống kê chánh thức ( Xinhua – Tân Hoa Xã ).

Một nghịch lý, chưa bao giờ các lãnh đạo Đảng (đặc biệt ở các địa phương).. bị chỉ trích công khai, thậm chí bị kiện cáo, như ngày nay, nhưng chưa bao giờ số người xin gia nhập đông lại như vậy

Những hậu duệ con cái của các đảng viên tuy phần đông đã có một tương lai đang chờ sẳn, nhưng ngày nay được khuến khích đi học. Một cái nhì mới, một nảo trạng mới, trọng « Hồng » nhưng lại quý « Chuyên », trọng bằng cấp. Mới ngày nào, giới trí thức, hay giới trẻ vừa đổ đạt xong, bằng cấp cao đều bị gọi là “tiểu tư sản”, và ruồng bỏ, ngày nay đang được cưng như trứng và tuyển dụng. Đảng Cộng sản « công nông » đang biến thành Đảng của « những trí tuệ, chất xám » « Đảng của Phẩm chất ». Đảng và Nhà nước là một, vì vậy Đảng đang cần chất xám, đang cần chuyên viên. Đê thành công trong việc tuyển chọn, Đảng cần phải huấn luyện, cần phải đào tạo ! Đại học ngoại quốc, Đại học trong nước, chưa đủ, Đảng Cộng sản Trung quốc có Đại học riêng của Đảng.

Muốn lãnh đạo một cơ quan Trung ương, quan trọng, muốn làm lãnh đạo đứng đầu một cơ quan quan trọng, cấp trung ương hay cấp địa phương, phải đi qua Trường Đại học Đảng. Những vị quan, những cán bộ cao cấp tương lai của chế độ Cộng sản phải được huấn luyện để, chẳng những nhuần nhuyễn tư tưởng Cộng sản Trung hoa, lão luyện với những bí quyết của đường lối chánh trị đương thời, mà còn phải được tôi luyện chuyên môn hóa trong ngành quản trị hành chánh nữa. Trường Đại học Đảng Thượng hải – Shanghai là một thí dụ, song song với Trường chánh trị Đảng thành lập từ thuở giao thời Đảng, Trường Quốc gia Hành chánh thành lập từ năm 1980, theo mô hình của Trường Quốc gia Hành Chánh Pháp (École Nationale d’Administration de France – ENA) (2). Những Giáo sư nổi tiếng nhứt của Trung quốc và của quốc tế đều được mời đến để giảng dạy. Trường Đại học Quảng Châu – Canton rất tự hào với ban giáo huấn gồm rất nhiều tên tuổi nổi danh của ngành giáo dục Hoa kỳ. Ở đây không có sự kiểm soát internet, sinh viên được sử dụng các mạng lưới thông tin một cách tư do, thoải mái. Không có một sự kiểm duyệt nào, sách báo đọc tự do, chỉ trích thả cửa, tự do ngôn luận. Vì đây là lò luyện của những cán bộ cao cấp, những thủ lãnh tương lai của chế độ.

Thế nhưng “Phải biết vâng lời …” Luôn luôn nên nhớ nằm lòng 64 tiêu chuẩn trong chế độ đảng viên để tiến thân, từ trình đô học vấn, đến thâm niên trong Đảng, nhưng trung thành tuyệt đối là quan trọng, khi nhận công tác, tuân thủ, tuân lệnh để đi đến những kết quả bằng mọi giá, … trung thành và quá trình phấn đấu… để trung thành tuyệt đối với Đảng ? (3)

Thế nhưng, “Trước năm 1990, một đảng viên từ cấp nhỏ nếu phấn đấu giòi có thể có cơ hội thăng cấp leo lên cao. Ngày nay, không thể có nữa !” Yang Jinseng, kinh tế gia, cựu nhà báo của cơ quan báo chí Xinhua – Tân Hoa Xã tâm sự, Và Anh chứng mình bằng câu chuyện của một quyển sách, bị cấm, tựa là Nghiên cứu những thành phần giai cấp xã hội ở Trung quốc,được phổ biến chui, bí mật đem từ Hong Kong vào, vì sách bị cấm xuất bản đến năm 2011, vì là sách chui nên rất đắt khách, ai aui cũng tìm đọc. Tác giả một đảng viên cao cấp, ai cũng biết nhưng không bao giờ gặp khó khăn mặc dù ông đã tố cáo một hiện tượng có thật của Đảng Cộng sản Trung quốc: một giai cấp « con ông cháu cha » thừa hưởng gia tài.

«Ngày nay không còn có hiện tượng leo thang giai cấp nữa. Những chổ ngon lành, ăn trên , ngồi trước đều được để dành cho các con ông cháu cha, đã được huấn luyện kỹ. Thế hệ mới sau nầy là sẽ là con quan làm tiếp tục quan, con nhà giàu sẽ giàu, và con nhà nghèo sẽ tiếp tục nghèo » Ở một xứ tư bản, người ta có thể hiểu, nhưng ở một quốc gia do Nhân dân làm chủ và Xã hội chủ nghĩa, thật sự có cái gì không ổn.

Thật vậy, những con quan, những cậu “công tử” – con những nhân vật Đảng có “lịch sử” của Đảng (taizi dang) – ngày nay thường giữ những chức vụ cao cấp trong bộ máy cầm quyền – (Một phần tư của Bộ chánh trị thuộc thành phần nầy) – hoặc là những lãnh đạo của các doanh nghiệp quốc doanh hay bán quốc doanh. Một nhóm thành phần khác cũng không kém phần quan trọng, đó là những lãnh đạo xuất thân từ những gia đình khiêm nhường hơn, nhưng với một sự nghiệp gắn bó với Đảng, suốt đời phục vụ đảng, từ nhỏ đoàn viên rồi đảng viên , nhóm tuanpai. Hai người đìển hình cho nhóm người nầy là vị đương kim Chủ tịch Hu Jintao – Hồ CẩmĐào và đương kim Thủ tướng Wen Jiabao – Ôn GiaBảo. Trái lại Chủ tịch tương lai Xi Jinping – Tập CậnBình, « cậu công tử đỏ », con của cựu cánh tay mặt của Cớ Thủ tướng Zhou Enlai – Chu ÂnLai thuộc nhóm trước, nhưng người Thủ tướng tương lai Li Keqiang – Lý KhắcTường, lại thuộc nhóm sau (4).

Có thể xảy ra một cuộc đấu tranh giai cấp không ? Chhác chắn là không, vì vấn đề giữ Đảng. Nếu có, thì có thể có những luồng tư tưởng khác nhau, hay những đấm đá bè phái, phe cánh – nhưng rất kín và nhứt thiết chánh thức là không có – những lục đục sẽ không thấy xảy ra. Nhưng tại sao có xìcăngđan Bo Xilai – Bạc HyLai ?

Trước khi bị trục xuất khỏi sân khấu chánh tri Bo Xilai – Bac HyLai, người đứng đầu thành phố Chongqing – Trùng Khánh với 33 triệu dân, thành phố đông dân nhứt Trung quốc, con của một lãnh tụ anh hùng nhơn dân Tàu, Bo Yibo, Bo Xilai là người hùng bảo vệ quyền lợi của dân công ( mingong), chống tham nhũng, chống những tập đoàn xây dựng nhà cửa, đầu tư…và người chống lại Bo mạnh nhứt, là Wang Yang, xếp tỉnh Guangdong nơi tâp trung các cơ sở thương mại tư bản. Wang Yang không có gốc gác, ca tụng tư bản chủ nghĩa, tự do doanh thương … Và mâu thuẩn thay, chính Bo lại là người bị loại khỏi Đảng Cộng sản, tội tham nhũng và tội « hoài cổ » nhớ Mao. “ Bo có thể làm sống lại cuộc Cách mạng Văn Hóa và nguy hiểm cho nền kinh tế Trung quốc” Thủ tướng Wen trả lời với báo chí. Miễn bàn !

Như vậy để chúng ta thấy rõ, là nhận định tình hình Đảng Cộng sản Tàu rất khó. Đặc biệt với nhản quan, với những hiểu biết và tiêu chuản Tây âu: ai là người cấp tiến, ai là kẻ bảo thủ, thế nào là bảo thủ? thế nào là cấp tiến ? còn tả / hữu lại còn khó nói nữa. Trước khi có xìcăngđan Bo Xilai, người ta vẫn cho Bo là cánh tả của Đảng Cộng sản Trung quốc, Bo là một Mao –ít, bảo vệ những quyền lợi xã hội, và thường được gọi là nhóm “Tân tả phái”. Bo có thành tích chống tham nhũng, nhưng lại rơi đài về tham nhũng ! Bị gài chăng ? .

Wen Jiabao, Thủ tướng người tự giới thiệu mình là Thủ tướng « Nhà nghèo », tự giới thiệu mình thuộc giai cấp nghèo, lúc nào cũng bảo vệ người nghèo, và đòi trừng trị nặng nề những ai tham những, gian thương, tuần vừa qua đang bị mạng luới thông tin Mỹ cho biết là gia đình giòng họ Wen Thủ tướng có trong tay gần 3 tỷ bạc dollars, do tiền làm ăn bất hợp pháp ;

Ai đúng ai sai ? Bo Xilai tham nhũng ? Wen Jiabao tham nhũng. ? Có lẽ sự thật là Đảng cầm quyền Trung Cộng cũng như Đảng cầm quyền Việt Cộng đều là một hệ thống Mafia làm ăn bất hợp pháp, đầy tham nhũng. .

Và thay đổi lãnh đạo cũng chỉ là một phần cũng cố cái ghế ngồi của Đảng Cộng sản mà thôi!

Và Xã hội chủ nghĩa ? và Chủ nghĩa Đại Hán? Tất cả chỉ tạo một bức màn khói để yên nhà, yên cửa, “tề gia, trị quốc, bình thiên hạ”. Tồ chức cho Đảng yên, dẹp bất mãn quần chúng, bình thiên hạ.

Đảng Cộng sản mơ được trị vì một ngàn năm, của như lúc xưa Hitler mơ tạo dựng một “Một ngàn năm Đệ tam Reich” vậy !

Đại hội Đảng Tàu Cộng xong, Đảng Việt Cộng sẽ thái độ gì đây ?

Hay lại giở trò mang “cờ Trung quốc 6 sao” ra mừng Tập Chủ Tịch vừa nhậm chức, như ngày nào ! 

Và tiếp tục bắt ! Và tiếp tục nhốt ! Và tiếp tục xử tôi các Nhà đấu tranh Dân chủ Yêu nước ! Chống Tàu chống Đảng Cộng sản Việt Nam bán nước cho Tàu.

Rõ chán !

Hồi Nhơn Sơn những ngày chờ kết quả bầu cử Tổng thống Hoa kỳ.

Phan Văn Song, TS 


Ghi chú:

(1) Sau ngày Đại hội sẽ có quyết định Bộ chánh trị sẽ là 7 hay 11 người

(2) xem Émilie Tran : « Trường đảng và phương pháp huấn luyện đào tạo cán bộ cao cấp tại Trung quốc » – “École du Parti en formation des élites dirigeantes en Chine” Cahiers internationauxde sociologie, n°122 Presses universitaires de France, Paris 2007.

(3) Richard McGregor, “Đảng, Thế giới bí mật của những luật lệ Đảng Cộng sản Tàu” – “The Party : The Secret World of China’s Communist Rulers”Harpers Collins, NewYork, 2010.

(4) xem Laurent Ballouhey, “ Con quan và …Chủ tịch » – « Fils de prince et ..président » và « người lãnh tụ trẻ nhứt » trong « Trung quốc, tình hình nguy ngập” – “Le plus jeune des dirigeants » dans « Chine, état critique », Manière de voir, n°123 juin/juillet 2012

Đảng Cộng sản Trung quốc, những con số :
80,6 triệu đảng viên
23,7% đảng viên dưới 35 tuổi ; 50,9% <35 – 60<tuổi ; 25,4% <60 tuổi ; 24% đàn bà
8,5% công nhơn ; 29,9%nông dân hay ngư dân ; 21,1% chủ nhơn xí nghiệp tư doanh
10,2% công nhơn viên nhà nước ; 18,1% hưu trí ; 2,8% sinh viên .
Ủy Ban Trung ương gồm 204 ủy viên (12 nữ) và 167 dự khuyết. 10% tốt ngiệp Đại học hay có du học hoặc đã phục vụ ở ngoại quốc. 5% từng lẵh đạo xí nghiệp. 

Thành phần Con Ông cháu Cha :

Nhiều COCC đang giữ những chức vụ lớn trong đoanh thương : vài thí dụ
Hu Haifeng, con của Chủ tịch Hu Jintao, lãnh đạo Hảng Nuctech, chuyên sản xuất các cổng an toàn, sử dụng ở các phi trường, các cửa hàng, xe điện ngầm …) sau đó chuyển sang làm Tổng bí thư Đảng của Tập đoàn Tsinghua Holdings, cơ sở mẹ điều khiển Nuctech, và 20 hảng khác.
Con gái của Hu Chủ tịch, bà Hu Haiqing, là vợ của ông Mao Daolin, cựu chủ nhơn của cơ sở internet Sina.com.
Con trai của Thủ tướng Wen Jiabao, ông Wen Yunsong, là Chủ tịch tập đoàn quốc doanh China Satellite Communications (Satcom) ; con rễ Wen Thủ tướng, ông Lui Chunhang, sau khi tập việc ở Morgan Stanley, nay là Tổng Giám đốc Nha nghiên cứu và Thống kê của Ủy ban kiểm soát và điều chỉnh Ngân hàng.
Ông Wilson Feng, con nuôi của Chủ tịch Quốc hôi Nhơn dân Trung quốc Wu Bangguo ( số 2 cỏ Triều đình Vương quốc Trung Cộng) lãnh đạo một cơ quan đầu tư cọng tác với Ngân hàng kỹ nghệ và thương mại Hong Kong.

Nguồn Xinhua – Tân Hoa Xã – The New York Times 17 /05 : 2012.

Tài liệu nghiên cứu của Patrick Bochler phổ biến bởi Nguyệt san Le Monde Diplomatique số tháng 9 /2012
Chuyện Tàu nhưng việc ta: Trung Quốc, đấu tranh quyền lực — Những gì đang và sẽ xảy ra trước và sau Đại hội XVIII Đảng Cộng sản Tàu Reviewed by Admin on 11/11/2012 Rating: 5 TS. Phan Văn Song - Tuần tới đây, tất cả sự chú ý của thế giới sẽ được tập trung vào Hoa kỳ, nơi diễn ra cuộc bầu cử tổng thống vào ngày ...

Không có nhận xét nào: