Phương Bích - Khi quay trở lại chỗ thắp hương cho bà cụ Nhung, tôi nghe các bác ấy nói, khi thi thể bà cụ Nhung được đưa về Thanh Hóa, những người đồng cảnh dân oan đã góp những đồng tiền còm cõi của mình để thuê một chuyến xe đi theo về Thanh Hóa. Vậy mà xe về đến Thanh Hóa thì bị chính quyền ở đây chặn không cho xe đi tiếp. Sao con người ta lại có thể táng tận lương tâm đến thế được chứ? Dọc đường về, một bác thẫn thờ nói, nghe họ kể vét những đồng tiền cuối cùng để thuê xe về Thanh đưa tiễn bà cụ Nhung, lại đau lòng nghĩ: vậy những ngày tới họ sống bằng gì?...
*
Một người bạn đáng kính mới đi công tác xa về, nghe tin về cái chết của cụ bà xấu số Hà Thị Nhung, thì ngỏ ý muốn ra vườn hoa Lý Tự Trọng để thắp hương cho cụ.
Lâu lắm không có việc đi qua, thấy một sợi dây màu vàng chóe khá ấn tượng chăng từ gốc cây này sang gốc cây khác, quây hết cả vườn hoa Mai Xuân Thưởng. Tôi trỏ cho bác ấy xem thì bác bên cạnh thốt lên một câu nghe cứ như thơ: Vườn hoa bị trói!
Câu nói thật lạ tai, tựa như một tiếng than. Tôi kinh ngạc như thể vừa phát hiện ra được một tứ thơ hay, nghe sao mà đau đớn, mà ai oán thế.
Thật là hình tượng quá – Vườn hoa bị trói!
Chúng tôi dắt xe lên vườn hoa Lý Tự Trọng ở phía bên kia đường, nơi những nhóm dân oan đang nằm ngồi la liệt. Một điều đau buồn là phần lớn trong số họ đều là phụ nữ lớn tuổi. Những gương mặt dãi dầu mưa nắng ngước lên nhìn chúng tôi, đầy vẻ hy vọng khi tôi giơ điện thoại lên chụp. Như người sắp chết đuối, thấy cái cọc nào là cứ vớ đại lấy - Họ tưởng đâu như các nhà báo đến quay phim, chụp ảnh để bá cáo lên lãnh đạo, giải quyết sơm sớm cho họ còn về quê. Hỏi thăm thì mỗi người một miền, xa thì Bình Định, gần thì Vĩnh Phúc, Sơn Tây, phần lớn chung cảnh ngộ bị mất đất, mất nhà...
Khi nghe chúng tôi hỏi thăm về nơi bà cụ Nhung gặp nạn, các bà các chị trỏ cho chúng tôi chỗ đặt bó hoa cúc vàng đằng xa, dưới một gốc cây cổ thụ phía đường Thanh niên. Đã có sẵn 5 bó hương mua dọc đường, tôi và hai người bạn theo chân những người phụ nữ ra chỗ đang đặt hoa và hương, chả là người Việt ta hay có cái lệ thắp hương, ngay tại chỗ những người gặp nạn và tử vong.
Các bà các chị còn trỏ cho chúng tôi chỗ đám gạch đen xỉn, bảo đấy là nước dãi bà cụ Nhung chảy ra, đã bốn ngày nay kể cả cơn mưa buổi sáng vẫn không khô được. Một bác phân tích, người dân quê vốn dãi nắng dầm mưa từ bé như bà Nhung, đâu có dễ cảm mà chết ngay tức thì như báo chí nhà nước nói. Mới lúc trước bà còn đang mạnh khỏe, còn đang hát, vậy mà chết ngay được mới tài. Các bà các chị bảo, họ thâm lắm, nhìn ngoài thì có vẻ chỉ như nắm chân nắm tay, nhưng thực ra là họ bấm huyệt cả đấy. Thảo nào mà trong clip, thấy một bà kể, cứ bảo là các anh không được nắm tay tôi. Một bác bảo, có lý! Nước dãi thì khô ngay, chứ chắc đây là nước dịch trào ra do bị bấm huyệt?
Thực ra ngay cả kẻ bấm huyệt nếu có, cũng chả dại gì bấm cho bà chết. Người ta bảo bấm huyệt cũng phải có kungfu, nhẹ quá thì không có tác dụng, mà mạnh quá cũng chết. Có lẽ mấy thằng cha non nghề, ti toe giở võ kín ra nên mới xảy ra “tai nạn” chết người như thế. Thôi thì các giả thuyết cứ việc đưa ra, tôi chả hiểu biết gì nên chỉ biết nghe thế, rồi phỏng đoán có nhẽ là vậy, ít ra còn đáng tin hơn tin đăng trên báo!
Ngay từ lúc ba người chúng tôi đặt chân lên vườn hoa, những cặp mắt chuyên nghiệp đã có vẻ nhận biết được mục đích viếng thăm của chúng tôi. Ít nhất phải có 4 thanh niên trẻ chụp ảnh chúng tôi ở các cự ly xa, gần. Cái kiểu cầm máy camera chụp cận cảnh chắc là để khủng bố tinh thần là chính. Nhưng tôi và hai bác đi cùng chả thèm quan tâm đến những ống kính, cứ thắp hương và cầu khấn cho linh hồn người xấu số được yên nghỉ, sống khôn chết thiêng phù hộ cho bà con dân oan sớm được toại nguyện.
An ninh thường trực trên vườn hoa Lý Tự Trọng -
công khai quay chụp hẳn chỉ để khủng bố tinh thần?
Trong khi hai bác hỏi chuyện những người phụ nữ, tôi đi chụp một nhóm khác mặc áo phông trắng, viết chữ đỏ chi chít trên áo đang ngồi chỗ khác. Trong nhóm này có một cậu thanh niên trẻ, đang ngồi chuyện trò có vẻ thân mật với những người mặc áo “có chữ”, khiến tôi tưởng họ cùng nhóm. Nhưng khi cậu ta bảo đừng chụp cậu ý thì tôi mới nhòm thấy cái tất màu cỏ úa dưới chân cậu ta. Ồ, giá mà họ thật lòng đi sâu đi sát cùng bà con dân oan, nắm rõ tình hình để về bá cáo lãnh đạo, giải quyết sơm sớm cho bà con về nhà thì tốt quá.
Thấy có người chụp ảnh, những người dân oan kéo đến, ai cũng muốn tôi chụp ảnh họ, thậm chí còn đưa đơn cho tôi. Tôi cảm thấy bất lực quá khi chả giúp được gì cho họ, giống như thấy người sắp chết mà không thể cứu. Làm sao tôi có thể từ chối niềm hy vọng trong những đôi mắt cầu cứu kia. Thôi thì cứ chụp, chụp cho họ yên lòng, với lời hứa sẽ kể lại cho mọi người nghe.
Khi quay trở lại chỗ thắp hương cho bà cụ Nhung, tôi nghe các bác ấy nói, khi thi thể bà cụ Nhung được đưa về Thanh Hóa, những người đồng cảnh dân oan đã góp những đồng tiền còm cõi của mình để thuê một chuyến xe đi theo về Thanh Hóa. Vậy mà xe về đến Thanh Hóa thì bị chính quyền ở đây chặn không cho xe đi tiếp. Sao con người ta lại có thể táng tận lương tâm đến thế được chứ?
Dọc đường về, một bác thẫn thờ nói, nghe họ kể vét những đồng tiền cuối cùng để thuê xe về Thanh đưa tiễn bà cụ Nhung, lại đau lòng nghĩ: vậy những ngày tới họ sống bằng gì? Trong khi có những kẻ sống phè phỡn trên tiền lạnh lùng, dửng dưng trước những cảnh khốn cùng của đồng loại, thì những người cùng cảnh ngộ lại sẵn sàng vét những đồng tiền còm cõi trong túi, để làm cái việc gọi là nghĩa tử nghĩa tận với bạn cùng cảnh ngộ. Lúc đó thực lòng muốn giúp họ ít tiền quá mà bỗng dưng lại thấy sợ vu vơ những ống kính camera đang rình mò khắp nơi, để sẵn sàng quy chụp một cái tội rất chi là giời ơi đất hỡi nào đó.
Nhưng nghĩ thế giờ lại thấy bừng bừng phẫn nộ. Thời buổi khốn nạn nào mà con người ta muốn giúp nhau lúc hoạn nạn cũng phải sợ là thế nào? Kẻ cướp không lo đối phó, lại đi đối phó với những người muốn nhường cơm sẻ áo cho nhau thế hở? Nếu bảo hình ảnh dân oan đi khiếu kiện ngút trời như thế là làm xấu mặt chính quyền, vậy sao không lo giải quyết cho họ đi? Nói như một bác, giỏi thì cấm hết đi, còn đã để cái gì thì phải thực hiện cho nó ra hồn. Nào đâu là tự do? Nào đâu là hạnh phúc? Hở?
Sắp lạnh rồi, để lục xem có ít quần áo ấm đem ra “Vườn dân oan” cho bà con luôn thể. Một bác vừa đặt thêm tên cho vườn hoa Lý Tự Trong là “Vườn dân oan”. Nay mai không biết Vườn dân oan này có bị “trói” nốt hay không? Nếu thế dân oan sẽ trôi dạt về đâu? Sao các vị ấy không hiểu một điều, giống như một dòng sông, nếu bịt chỗ này nó sẽ phình ra chỗ khác. Điều cốt lõi là cần phải khơi thông dòng chảy, thì xã hội khắc trở thành một dòng sông hiền hòa và tươi đẹp thôi.
Ảnh trên cáo phích của dân oan
An ninh thường trực trên vườn hoa Lý Tự Trọng
Không có nhận xét nào: