Lê Nguyên Hồng - Từ xưa đến nay, việc thành lập, sáp nhập hay giải thể một tổ chức, đảng phái, là công việc nội bộ của những người trong cuộc. Nhưng nếu như những tổ chức và đảng phái đó khuynh loát, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền và lợi ích của các cá nhân và tổ chức khác, thì nhu cầu cải cách hay giải thể các tổ chức, đảng phái đó, lại thuộc về những đối tượng bị nó xâm hại.
Đối với Đảng Cộng Sản Việt Nam (ĐCSVN), trong quá khứ, mặc dù là chủ yếu bằng những thủ đoạn dối lừa, nhưng quả thực họ đã làm cho đại bộ phận nhân dân Việt Nam tin tưởng. Phải nói một câu chính xác: Lòng tin của người dân Việt Nam dành cho ĐCS vô tư đến độ mù lòa…
Ngày nay chuyện bưng bít thông tin gần như là không thể. Chính vì vậy mọi xấu xa thối nát của
ĐCSVN cứ mỗi ngày một phô bày. Họ đã thể hiện mình là một tổ chức bịp bợm và dối trá đến cùng cực, đến khôi hài, bởi dối trá đã trở thành một căn bệnh không thể cứu chữa. Và thực ra ĐCSVN tồn tại được đến ngày hôm nay là nhờ vào “tài” dối trá của họ.
Một thể chế chính trị cầm quyền vận hành trên một hệ thống pháp luật, có hiến pháp làm nền. Hiến pháp đó quy định “Quốc hội là cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân, cơ quan quyền lực cao nhất của nước CHXHCNVN ” (Điều 83 HP). Nhưng trên quốc hội lại còn có Bộ chính trị, Trung ương ĐCSVN và “ĐCSVN là lực lượng lãnh đạo nhà nước và xã hội” (Điều 4 HP). Vậy rõ ràng quốc hội là cơ quan cấp dưới của ĐCSVN, điều này đã được chính ông tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng tái xác nhận trong cuộc tiếp xúc với cử tri Hà Nội ngày 16/10/2012.
Tại một nước có dân chủ, người dân có quyền trực tiếp bầu ra người lãnh đạo đất nước, đó là tổng thống hay thủ tướng. Nhưng trong mô hình của thể chế chính trị hiện nay ở Việt Nam, kẻ lãnh đạo nhà nước và xã hội là ĐCSVN chưa bao giờ được nhân dân bầu. Mặc dù là trá hình nhưng dù sao về mặt hình thức thì quốc hội vẫn có một cuộc bầu cử để chọn lựa. Lẽ ra quốc hội phải có quyền quyết định người lãnh đạo cao nhất nước, hoặc giả nếu bầu trực tiếp tổng thống không qua quốc hội thì cũng vẫn là dân bầu, không có chuyện “đảng cử”.
Trước đây ĐCSVN lập lờ đánh đồng Đảng là tổ quốc. Ngày nay chuyện đó không lừa được ai nữa. Nhưng vẫn không ít người nhầm lẫn Đảng là nhà nước. Trong tất cả các văn kiện của mình, ĐCSVN vẫn khẳng định mô hình “Đảng lãnh đạo, nhà nước quản lý và nhân dân làm chủ”. Như vậy rõ ràng Đảng, nhà nước, nhân dân là 3 chủ thể riêng biệt: Đảng không thể là nhà nước, cũng giống như nhân dân không thể là nhà nước vậy.
Vậy ai có quyền lãnh đạo? Lãnh đạo hoàn toàn khác quyền điều hành. Lãnh đạo một gia đình phải là người chủ gia đình, lãnh đạo công ty phải là chủ công ty, lãnh đạo đất nước tất nhiên phải là chủ nhân của đất nước, đó là nhân dân. Nhưng mọi người dân không thể bất cứ ai thích cũng có thể giành lấy sự lãnh đạo, điều đó hóa ra là không có ai lãnh đạo ai hết. Người ta phải chọn ra những đại diện ưu tú trong nhân dân để ra lãnh đạo đất nước, sự chọn lựa này sẽ được thực hiện qua các cuộc bầu cử công khai.
Nhưng ĐCSVN đã lãnh đạo đất nước hơn 67 năm mà không qua bất cứ một cuộc bầu cử nào của nhân dân, ắt rằng họ không phải đại diện của nhân dân, họ không phải từ dân mà ra vì họ đã không được nhân dân lựa chọn. Sự cầm quyền lãnh đạo đất nước của ĐCSVN như vậy là hoàn toàn bất hợp pháp.
Sự bất hợp pháp của ĐCSVN trong việc cầm quyền đã, đang dẫn đất nước và các dân tộc Việt Nam đứng bên bờ của sự diệt vong bởi ngoại bang. Nghịch lý ấy đang đưa đất nước đến bên bờ của sự kiệt quệ về kinh tế bởi nạn tham nhũng hoành hành, bởi sự dốt nát và lạc hậu trong điều hành kinh tế. Nghịc lý ấy đang trực tiếp và gián tiếp cướp đi cơm ăn áo mặc của đại bộ phận dân nghèo. Nghịch lý ấy đang hàng ngày tước đoạt quyền sống, quyền tự do bất khả xâm phạm đã được Liên Hiệp Quốc công nhận của gần 90 triệu con người.
Nhưng để tháo gỡ vấn đề hoàn toàn không đơn giản. Bằng việc tùy tiện áp đặt quyền lực của mình trong Hiến pháp, về mặt pháp lý ĐCSVN vẫn đang là tổ chức lãnh đạo nhà nước, mà nhà nước đó lại đang được bảo vệ bằng Bộ luật hình sự, bằng công an, quân đội, nhà tù. Cho nên con đường ngắn nhất và có lẽ cũng chông gai nhất, chính là con đường giải thể ĐCSVN.
Thực ra thì nhu cầu giải thể ĐCSVN là một nhu cầu của chính ĐCSVN. Cụ thể thì tất cả những đảng viên nào mà không có hoặc không còn quyền lực trong tay đều chán ngán cái đảng bất hợp pháp này. Đảng chỉ đang tồn tại làm bình phong cho những kẻ bất nhân và bất lương trong bộ máy điều hành đất nước trục lợi làm giàu, chứ không hề còn có bất cứ một lý tưởng hay chủ thuyết chính trị nào: Đường lối của Karl Marx, Lenin đã bị quên lãng, tư tưởng của Hồ Chí Minh (mặc dù chỉ là giả hiệu) cũng đã bị chôn vùi…
ĐCSVN có một điểm yếu có thể coi đó là tử huyệt của họ, đó là họ không có bất kỳ văn bản pháp luật nào bảo vệ. Đây là hệ quả của việc ĐCSVN quen áp dụng luật rừng mà không chịu sự chi phối điều chỉnh của luật pháp. Bản thân họ không có Luật Đảng, trong khi họ biết đẻ ra nào là Luật Quốc Hội, Luật Chính Phủ và hàng trăm loại luật khác.
Chính vì không có Luật Đảng cho nên mới có chuyên khôi hài là ĐCSVN triển khai hết nghị quyết này đến nghị quyết khác rầm rộ, nhưng cuối cùng chẳng có một kết quả nào cụ thể. Hội nghị trung ương 6 tìm mãi mới ra “đồng chí X” nhưng cuối cùng vì không có Luật Đảng nên thay vì xử theo luật thì lại đem ra… bỏ phiếu, mà bỏ phiếu là việc làm mang nặng về cảm tính, vậy là hòa cả làng. Thật đúng như lời phái ngôn của ông Phan Quang Nghị, bí thư thành ủy Hà Nội: “Việc này rất mới, trên thế giới chưa đâu có”!!!
Thật xấu hổ cho một nước Việt ngàn năm văn hiến. Thật đáng buồn cho các thế hệ “con lạc cháu hồng” đã sản sinh ra một chế độ chính trị lạc loài, dở âm dở dương, không có pháp trị. Những người học hành có giới hạn, hiểu biết ít thì đã vậy, nhưng những người có kiến thức, có va chạm xã hội, có dân trí cao, không khỏi trào dâng sự phẫn uất khi hàng ngày phải chứng kiến lũ người đang cầm quyền một cách phi pháp, ngu dốt, bất tuân pháp luật, hành xử như lũ côn đồ thảo khấu.
Riêng về độ lỳ lơm và bản tính tham quyền cố vị thì đương kim thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đang là người điển hình dẫn đầu nổi bật trong ĐCSVN với phát biểu "Tôi không chạy, không xin và cũng không thoái thác..." trong cuộc chất vấn ngày 14/11/2012 tại nghị trường Quốc hội.
Chỉ có một cách duy nhất, một con đường duy nhất, đó là toàn dân nhằm thẳng vào ĐCSVN, dùng sức mạnh tinh thần làm áp lực quần chúng để giải thể ĐCSVN. Một khi ĐCSVN bị giải thể thì tất nhiên chiếc thòng lọng “lãnh đạo” mà họ đã tự tiện buộc vào cổ nhân dân hơn 67 năm qua sẽ tự nhiên được tháo gỡ. Sự cầm quyền phi pháp của họ sẽ bị loại bỏ ra khỏi đời sống chính trị xã hội của đất nước Việt nam!
Lê Nguyên Hồng
Không có nhận xét nào: