Hiến vật của người Kito hữu là phẩm vật dâng hiến với cả tâm tình mình - Thanh Niên Công Giáo

728x90 AdSpace

Trending
10 tháng 11, 2012

Hiến vật của người Kito hữu là phẩm vật dâng hiến với cả tâm tình mình

SUY NIỆM PHÚC ÂM (IV B 55): (11.11.2012); (Mc 12, 38-44) 

CHÚA NHẬT XXXII, PHỤNG VỤ THƯỜNG NIÊN, NĂM B 

Nguyễn Học Tập (TNCG) 

Đoạn Phúc Âm Thánh Marco chúng ta vừa nghe có thể được chia làm hai phần: 

- phần thứ nhứt, câu 38-40: 

* Thánh Marco ghi lại những lời cảnh tỉnh của Chúa Giêsu: 


"anh em hãy coi chừng những kinh sư ưa dạo quanh, xúng xính trong bộ áo thụng, thích được người ta chào hỏi ở những nơi công cộng..., chiếm ghế danh dự trong hội đường, thích ngồi cỗ nhất trong đám tiệc...nuốt hết tài sản các bà goá, lại còn làm bộ đọc kinh cầu nguyện lâu giờ" (Mc 12, 39-40a). 

* và câu kết luận ngâm đe bị án phạt: 

"những người ấy sẽ bị kết án nghiêm khắc hơn" (Mc 12, 40b). 

- phần hai tường thuật lại một bối cảnh được Chúa Giêsu thuật lại ngắn ngủi và phần giải thích: "Có bà goá nghèo đến bỏ vào đó hai đồng tiền kẻm...bà goá nghèo nầy đã bỏ vào thùng nhiều hơn ai hết..., còn bà thí rút từ túng thiếu của mình mà bỏ vào đó tất cả tài sản , tất cả những gì cần có để nuôi sống mình" (Mc 12, 42-44). 

1 - Ở phần đầu, Chúa Giêsu chỉ trích thẳng thắn thái độ của các kinh sư, những người chuyên môn giải thích Luật Moisen. 

Lợi dụng địa vị đứng trên bệ cao, đứng trước hay đứng giữa công chúng giải thích để được nhiều người thấy được, và nghe được, hiểu được, giải thích ở nơi công cộng và cũng như ở các hội đường, mà khoe khoang, tự cao, nâng mình, lợi dụng địa vị của mình (và chắc cũng có lẽ khinh thường người khác), kể cả trục lợi: 

- "ưa dạo quanh, xúng xính trong bộ áo thụng, thích được thiên hạ chào hỏi nơi công cộng..., chiếm ghế danh tự trong hội đường, thích ngồi cỗ nhất trong đám tiệc..., nuốt hết tài sản các bà goá..." (Mc 12, 42). 

Dĩ nhiên không phải là nhận xét xác thực, ám chỉ biến cố xác định xảy ra nào đó để lên án, cho bằng là nhận thức tình trạng tổng quát của giới người được ám chỉ, như là cách ăn thói ở thông thường của kẻ có quyền lực: kiêu ngạo, khoe khoang, tìm chỗ ăn trên ngồi trước (với kết quả là dĩ nhiên khiến người khác phải bị thiệt thòi, bị coi ở địa vị thấp kém hơn), và lợi dụng chức vụ mình để trục lợi. 

Viết lại những dòng trên, chắc chắn Thánh Marco có ý ghi lại những gì Chúa Giêsu đã nhận xét đối với giới kinh sư và là những gì ngược lại giáo huấn của Chúa Giêsu cho các môn đệ, những ai muốn theo Người, được thể hiện trong tinh thần khiêm nhường, phục vụ và tìm chỗ rốt hết đối với anh em: 

- "Ai muốn là người đứng đầu, thì phải làm người rốt hết, và làm người phục vụ mọi người" (Mc 9, 35). 

- "Quả thật, những kẻ đứng đầu sẽ phải xuống hàng chót, còn những kẻ đứng chót sẽ được lên hàng đầu" (Mc 10, 31), 

- "...thủ lãnh các dân, thì lấy quyền mà thống trị dân, những người làm lớn thì lấy quyền mà cai trị dân. Nhưng giữa anh em, thì không được như vậy: ai muốn làm lớn giữa anh em, thì phải làm người phục vụ anh em, ai muốn làm đầu, thì phải làm đầy tớ mọi người" (Mc 10, 42-44). 

Và có lẽ viết lại những dòng vừa kể, Thánh Marco có ý gởi đến các Cộng Đồng Kitô hữu tiên khởi lúc đó nên lưu ý, cũng như cho chúng ta: các chước cám dỗ làm cho cách ăn thói ở của các kinh sư đôi khi hiện diện lại trong Cộng Đồng Kitô hữu lúc tiên khỏi, cũng là những gì hiện tại không phải là việc hiếm xảy ra. 

Thay vì sống bằng những hiểu biết thần học mà mình được huấn luyện, học hỏi, sống chức vụ thừa tác viên của mình như là ân sủng Chúa ban để phục vụ anh em, không phải là không có, lắm khi chúng ta cũng có thể bị cám dỗ nghiêng về quan niệm rằng phận vụ và địa vị của mình là nguồn mạch để đem lại cho mình nhiều đặc ân, ẩn giấu bên dưới tính khoe khoang, tự cao, tự đắc, thích ăn trên ngồi trước, được mọi người kính trọng và lợi dụng trục lợi không chừng ! 

Trong các lời cảnh cáo của Chúa Giêsu, có lẽ lời cảnh cáo cuối cùng, tách hẳn khỏi tính cách khoe khoang, kiêu ngạo, những gì Người trách móc các kinh sư trước đó. Đó là "nuốt hết tài sản các bà goá" (Mc 12, 42)

Chúng ta không biết được chính xác mối tương quan thực tế lúc đó giữa các kinh sư và của cải người khác, trong lời vừa nhận xét vừa cảnh cáo đó. 

Có lẽ các kinh sư là những người chuyên môn giải thích Luật Moisen, và Luật Moisen đối với dân Do Thái không những là những điều răn có giá trị tôn giáo phải tuân theo, mà còn có giá trị cho cả phương thức tổ chức xã hội dân sự. 

Hiểu như vậy, chúng ta có thể biết được các kinh sư là những " luật sư " để dân chúng tham khảo cũng như được biện hộ. Và như vậy các " kinh sư-luật sư " lấy tiền công tham khảo cũng như biện hộ một cách quá đáng, thiên vị, khiến cho các bà goá là những người nghèo, lợi tức kém phải bị "phá sản" ("nuốt hết tài sản"), mỗi khi phải cậy nhờ "kinh sư - luật sư". 

Điều vừa kể cho thấy "kinh sư - luật sư" không những thích sống khoe khoang, kiêu ngạo, mà còn là những con người thất đức vô nhân, không biết thương hại kẻ yếu thế, vơ vét ngay cả đối với những người cùng cực. 

Các bà goá đối với họ là nguồn lợi để làm giàu, lợi dụng Lề Luật của Thiên Chúa, thay vì "...và yêu thương người thân cận như chính mình" (Mc 12, 33), họ giảng dạy và hành xử đảo ngược ý nghĩa và trục lợi. 

2 - Phần hai của đoạn Phúc Âm được nối liền ý nghĩa với phần trước, bởi lẽ cùng đề cập đến bà goá, đến cách hành xử khiêm nhường của người thiếu phụ goá bụa, nghèo khổ, thiếu phương tiện. 

Nếu ở phần một, bà bị các kinh sư "nuốt hết tài sản" (Mc 12, 40b), thì ở phần hai, Chúa Giêsu ca ngợi cử chỉ khiêm nhường, rộng lượng của bà, đáng cho mọi người bắt chước: 

- "Cũng có một bà goá nghèo đến bỏ vào đó hai đồng tiền kẻm" (Mc 12, 42). 

Bối cảnh được thuật lại, diễn ra trong Đền Thờ, ở phần của Đền Thờ được dành cho các tín hữu dâng hiến, bố thí cho Đền Thờ. 

Trong khoảng của Đền Thờ dành cho việc dâng cúng đó, hiện lên cảnh tượng đối nghịch giữa 

- "những người giàu có": " có lắm người giáu có bỏ thật nhiều tiền" và "bà goá nghèo khổ", "...cũng có một bà goá nghèo" , 

- cảnh đối nghịch giữa "thật nhiều tiền" và "hai đồng tiền kẻm" (Mc 12, 40-41). 

Cấu trúc của phần đoạn Phúc Âm đang suy niệm, cho phép chúng ta có thể chú giải theo hai khía cạnh, tích cực cũng như tiêu cực: 

a) Nhìn dưới khía cạnh tích cực, cử chỉ của bà goá được biểu thị như là cử chỉ nói lên tình thương của nàng hoàn toàn dành hết cho Chúa và cho anh em: 

- "...còn bà nầy, thì rút từ cái túng thiếu của bà mà bỏ vào đó tất cả tài sản, tất cả những gì bà có, để nuôi sống mình" (Mc 12, 44). 

Cách yêu thương và hy sinh không nuối tiếc phải có đó, đã được Thánh Marco đề cập đến ở mấy dòng trước cùng chương 12 và chúng ta đã có dịp suy niệm tuần qua: 

- "Ngươi phải yêu thương Thiên Chúa của ngươi hết lòng, hết linh hồn, hết trí khôn và hết sức lực ngươi...Ngươi yêu thương người thân cận như chính mình" (Mc 12, 30-31). 

Tỉnh từ "tất cả" trong phần cuối câu (Mc 12, 44), "bỏ vào đó tất cả tài sản, tất cả những gì bà có,để nuôi sống mình" được lập lại hai lần như là để nhấn mạnh, cách hành xử của bà goá cũng là mẫu gương sống của mọi tín hữu Chúa Ki tô, sẵn sàng từ bỏ tất cả những gì mình có, ngay cả những gì cần thiết để sống, hay ngay cả mạng sống, để chứng tỏ tình thương của mình đối với Chúa và đối với anh em. 

Nhưng hành động như vậy, người goá phụ trong Phúc Âm cũng như người tín hữu Chúa Ki Tô không phải là những người hành động vô ý thức, bởi vì họ xác tín rằng Thiên Chúa không bao giờ bỏ rơi những ai trông cậy Người và tìm đến Người. 

Đó cũng là những gì Phúc Âm Thánh Matthêu bảo đảm cho chúng ta: 

- "...vì Cha anh em biết rõ anh em cần gì, trước khi anh em cầu xin" (Mt 6, 8). 

Cách diễn giải tích cực vừa kể, chúng ta được Phụng Vụ nói với chúng ta bằng một mẫu gương, qua bài đọc thứ nhứt, kể lại diễn biến cuộc gặp gở giữa tiên tri Elia và bà goá phụ Zarepta ở Sidone, khuôn mẫu của cuộc sống đức tin, trong đó người thiếu phụ tin vào lời của tiên tri và tin theo đem ra thực thi những gì tiên tri Elia sai bảo bà: 

- "Bà trả lời: Có Chúa, Thiên Chúa hằng sống của ông. tôi thề là tôi không có bánh. Tôi chỉ có một nắm bột trong hũ và chút dầu trong vò. Tôi đang đi lượm vài nhánh củi, rồi về nhà nướng cho tôi và con tôi. Chúng tôi sẽ ăn rồi chết...Thế là bà ấy cùng ông Elia và con bà có đủ ăn lâu ngày. Hũ bột đã không vơi, vò dầu đã chẳng cạn, đúng như lời Chúa đã dùng ông Elia mà phán" (1 Re 17, 12.15-16). 

b) Cấu trúc của phần Phúc Âm đang suy niệm cũng cho chúng ta có thể chú giải phần dưới nhãn quang tiêu cực. 

Ở câu 40, chúng ta biết được các "kinh sư - luật sư" đã làm cho người goá phụ nghèo khổ đến phá sản: 

- "Họ nuốt hết tài sản của bà goá, lại còn làm bộ dọc kinh cầu nguyện lâu giờ" (Mc 12, 40). 

Và ở câu 42, chúng ta lại biết được cử chỉ đại lượng, vì lòng tin phó thác và tình thương đối với Chúa và đối với anh em, người goá phụ đã từ bỏ cả những gì cần thiết tối thiểu để sống: 

- "Cũng có một bà goá nghèo đến bỏ vào đó hai đồng tiền kẻm..., bỏ vào đó tất cả tài sản, tất cả những gì bà có để nuôi sống mình" (Mc 12, 42.44). 

Tình trạng vừa kể cho thấy nhận thức tình trạng tổng quát hư hỏng của giới kinh sư, hay tình trạng tôn giáo, xã hội Do Thái lúc đó, như chúng ta đã có dịp đề cập lúc đầu. 

Một hệ thống tổ chức xã hội và "sống đạo đức", nhân danh các tác động để thờ kính Thiên Chúa và tôn vinh Người, diễn giải và áp dụng Lề Luật, làm cho kiệt quệ bần cùng thêm người đã nghèo khổ, trong khi đó thì không hề đá động, can dự gì đến những kẻ giàu sang, chỉ đến dâng cúng phần dư thừa khi nào họ muốn. 

Cách tổ chức xã hội và "sống đạo đức" như vừa kể, không thể nào không đi ngược lại đức tin và phản bội lại ý nghĩa chính đáng của Lề Luật, thánh ý của Thiên Chúa mạc khải cho: 

- "...và yêu thương người thân cận như chính mình" (Mc 12, 31). 

Tổ chức tôn ty đẳng cấp trong giáo quyền và những người đại diện cho tôn giáo hành xử như vậy, thay gì giảng dạy, nhân chứng, tạo điều kiện thuận tiện để con người giao hảo với Thiên Chúa, họ đánh lạc hướng và hủy hoại bản tính của tôn giáo: 

- "Các ông thật khéo coi thường điều răn Chúa, để nắm giữ truyền thống của các ông. Ông Moisen dạy: Ngươi hãy thờ kính cha mẹ, và kẻ nào nguyền rủa cha mẹ, thì phải bị xử tử. Còn các ông, các ông lại bảo: Người nào nói với cha mẹ rằng: những gì con phải có để giúp cho cha mẹ đều là "Corban", nghĩa là lễ vật đã dâng cho Chúa rồi, và các ông không để cho người ấy làm gì thêm để giúp cho cha mẹ nữa. Thề là các ông lấy truyền thống của các ông đã truyền cho nhau, mà hủy bỏ lời Chúa" (Mc 7, 9.11.12). 

Cách chú giải tiêu cực phần đang suy niệm của đoạn Phúc Âm càng có lý chứng hơn nữa, nếu chúng ta dựa vào thái độ tiêu cực của Chúa Giêsu đối với cách tổ chức cuộc sống tôn giáo ở Đền Thờ Giêrusalem lúc đó, được Thánh Marco ghi lại ở chương trước: 

- "Nào đã chẳng có lời chép rằng: Nhà Ta sẽ được gọi là nhà cầu nguyện của mọi dân tộc sao? Thế mà các ngươi đã biến thành sào huyệt của bọn trộm cướp" (Mc 11, 17). 

Và cũng vì đó mà Người tiên đoán tôn giáo cũng như Đền Thờ đó sẽ bị phá sập: 

- "Tại đây sẽ chẳng còn tảng đá nào trên tảng đá nào; tất cả đều sẽ bị phá đổ" (Mc 13, 2). 

Qua những gì chúng ta được đoạn Phúc Âm chỉ dẫn trong suy niệm, chúng ta không thể gán cho các lễ vật dâng hiến tự chúng có một giá trị tôn giáo cao cả, nếu tác động dâng hiến đó không phát xuất từ tình thương sâu thẩm trong lòng đối với Chúa và đối với anh em: 

- "Yêu mến Thiên Chúa hết lòng, hết trí khôn, hết sức lực và thương yêu người thân cận như chính mình, là điều qúy hơn mọi lễ toàn thiêu và hy lễ. Chúa Giêsu thấy ông trả lời khôn ngoan như vậy thì bảo: Ông không còn xa Nước Thiên Chúa đâu" (Mc 12, 33-34). 

Cách suy niệm theo nhãn quang tiêu cực vừa kể giúp chúng ta nhớ rằng , nếu cần chúng ta phải hy sinh tất cả cho Chúa, không nuối tiếc. 

Nhưng điều quan trọng đối với Chúa và đối với anh em không phải chỉ là của cải vật chất làm lễ vật, quà tặng, trợ giúp, mà còn là tình thương, "yêu mến Thiên Chúa hết lòng...quy hơn mọi lễ toàn thiêu và hy lễ". 

Điều vừa kể cũng cho thấy hy sinh tất cả cho Chúa và cho anh em không nuối tiếc, không phải là thái độ tiêu cực, yếm thế, lánh xa thế tục, xem dương gian vô giá trị, là chốn phù du. 

Không! Đối với người tín hữu Chúa Ki Tô của cải trần gian có giá trị của chúng, "là điều tốt đẹp" được Chúa dựng nên cho mình (St 1, 4.10.12.18.21.25.31), và đôi khi trở thành khẩn thiết cho cuộc sống, "..., tất cả những gì bà có để nuôi sống mình" (Mc 12,44). 

Của cải trần gian "là điều tốt đẹp" Thiên Chúa dựng nên cho con người, cho nên không có lý gì con người ruồng rẫy, cũng không có lý do gì người tín hữu Chúa Ki Tô là người phải tiêu diệt các ước vọng chính đáng đối với của cải trần gian "là điều tốt đẹp" được Thiên Chúa dựng nên, ước vọng để tạo cho mình và cho người thân mình, cho đồng bào mình và cho anh em có được cuôc sống tốt đẹp, xứng đáng với nhân phẩm con người. 

Có chăng người tín hữu Chúa Ki Tô hy sinh của cải trần gian, là để dành tình thương mình cho Chúa và có phương tiện để thương yêu thăng tiến cuộc sống anh em, vì tình thương đôi khi dành cho anh em cả quyền ưu tiên hơn mình, như gương người goá phụ trong Phúc Âm, "...tất cả những gì bà có để nuôi sống mình". 

Hy sinh, dành những gì "là điều tốt đẹp" của mình cho anh em mình, đôi khi kể cả "những gì để nuôi sống" mình, vì thương yêu anh em. 

Hy sinh hưởng thụ và tặng cho anh em, là tặng những gì "là điều tốt đẹp" cho anh em, không phải là vật phế thải vô giá trị. 

Đức tin và tình thương cao đẹp của Ki tô giáo là vậy! 

Tác động của người Kitô hữulà động tác được hướng dẫn bằng đức tin và tình thương. 

Tác động không được thúc đẩy bằng đức tin và tình thương, là tác động của "lắm người giàu bỏ thật nhiều tiền" trong đoạn Phúc Âm hôm nay (Mc 12, 41) hay của những người Pharisêu bị Chúa Giêsu quở trách: 

- "Dân nầy tôn kính Ta bằng môi miệng, còn lòng chúng thì xa Ta" (Mt 15, 8).

Nguyễn Học Tập (TNCG)
Hiến vật của người Kito hữu là phẩm vật dâng hiến với cả tâm tình mình Reviewed by Admin on 11/10/2012 Rating: 5 SUY NIỆM PHÚC ÂM (IV B 55): (11.11.2012); (Mc 12, 38-44)  CHÚA NHẬT XXXII, PHỤNG VỤ THƯỜNG NIÊN, NĂM B  Nguyễn Học Tập (TNCG)  ...

Không có nhận xét nào: