Shannon Van Sant - BEIJING — Tin tức từ tỉnh Thanh Hải ở miền tây Trung Quốc cho biết, hằng trăm và thậm chí hằng ngàn người Tây Tạng đã tuần hành tới các văn phòng chính phủ hôm thứ Sáu. Các cuộc biểu tình phản đối xảy ra giữa lúc chính quyền Trung Quốc tìm cách duy trì ổn định xã hội trong giai đoạn chuyển giao quyền chính trị. Thông tín viên đài VOA Shannon Van Sant từ Bắc Kinh gởi về bài tường thuật sau đây.
Người Tây Tạng biểu tình tuần hành tại văn phòng chính phủ ở Rebkong, một vùng ở đông Tây Tạng, sau một loạt các vụ tự thiêu gây sự chú ý của cộng đồng quốc tế. Theo ước tính, có từ hằng trăm tới hằng ngàn người biểu tình tụ tập trên các đường phố vào lúc 5 giờ sáng. Nhiều người nói họ tuần hành để phản đối hệ thống giáo dục của Trung Quốc. Bà Stephanie Brigden là giám đốc điều hành tổ chức nhân quyền Tây Tạng Tự do.
“Các nguồn tin của chúng tôi xác nhận rằng nhiều sinh viên kêu gọi tự do sử dụng ngôn ngữ và yêu cầu chính quyền để Đức Đạt Lai Lạt Ma, nhà lãnh đạo tinh thần của nhân dân Tây tạng, được hồi hương.”
Các cuộc biểu tình rầm rộ tại Rebkong cũng diễn ra vào năm 2010, lúc đó những người biểu tình phản đối kế hoạch của Trung Quốc thay thế tiếng Tây Tạng bằng tiếng Trung Quốc như một ngôn ngữ dạy tại các trường ở địa phương.
Bà Brigden nói tiếp:
“Họ phải làm một chọn lựa khó khăn nên chọn ngôn ngữ nào để học, bởi vì nếu họ muốn có cơ hội theo đuổi việc học trong tương lai, đặc biệt là giáo dục cao đẳng, rồi còn các cơ hội tìm việc nữa, thì họ cần phải học tiếng Trung Quốc. Nếu chọn học ngôn ngữ của mình thì họ có thể bị gạt ra bên lề xã hội trong tương lai.”
Trong tháng này giới chức nhân quyền cao cấp nhất của Liên Hiệp Quốc kêu gọi Trung Quốc hãy để các quan sát viên độc lập tới thăm những khu vực Tây Tạng, nơi các vụ tự thiêu diễn ra. Hôm thứ Sáu, các đại biểu cấp vùng tham dự đại hội nhân dân ở Bắc Kinh đã bác bỏ đề nghị này.
Ông Qiangba Puncoq, trưởng phái đoàn từ vùng tự trị Tây Tạng, nói ông và nhiều người tại đây không hoan nghênh một số người nghĩ rằng Tây Tạng đang có nhiều vấn đề như vấn đề nhân quyền. Ông nói việc những người này tới Tây Tạng để thực hiện một cuộc điều tra là không thích hợp.
Tin cho hay những người biểu tình hầu hết là sinh viên và tăng sĩ. Trong khi lực lượng an ninh chưa can thiệp vào các cuộc biểu tình, nguồn tin cho biết cảnh sát và quân đội đã được triển khai bên ngoài các văn phòng quan trọng của chính phủ nơi dân chúng đang biểu tình.
Không có nhận xét nào: