TTXVN (Niu Yoóc 19/11) - Phản ánh các vấn đề xung quanh chuyến thăm 3 nước Đông Nam Á của Tổng thống Mỹ Barack Obama, “Tạp chí Chính trị Thế giới” của Mỹ ngày 15/11 nhận định các quan chức Mỹ không nói ra trực tiếp nhưng chuyến công du nước ngoài đầu tiên đến Đông Nam Á sau khi tái cử của Tổng thống Barack Obama chủ yếu nhằm mục đích đẩy lùi ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc trong khu vực.
Tổng thống Obama rời Oasinhtơn ngày 17/11 để đến thăm Thái Lan, sau đó tham dự Hội nghị cấp cao Đông Á tại Campuchia trước khi đặt chân đến Mianma. Như ông Michael Green, cựu quan chức phụ trách châu Á của Nhà Trắng nhận định, 3 nước mà Tổng thống Obama đến thăm đều nằm trong chiến lược trở lại châu Á nhằm ngăn chặn ảnh hưởng kinh tế và sức mạnh quân sự ngày càng tăng của Trung Quốc trong khu vực. Ông khẳng định mỗi nước lại có một mối quan hệ phức tạp với Mỹ và với Trung Quốc. Thái Lan, mặc dù là đồng minh lâu đời nhất của Mỹ ớ châu Á, đã tiến gần hơn với Trung Quốc trong những năm gần đây. Sự thay đổi đặc biệt nhanh chóng sau một cuộc đảo chính quân sự chống Chính phủ Thái Lan năm 2006 buộc Mỹ phải xem xét lại các mối quan hệ quốc phòng và ngừng viện trợ cho Thái Lan hơn một năm. Một cuộc thăm dò của Mỹ được tiến hành sau 3 năm đảo chính cho thấy đa số các nhà lãnh đạo Thái Lan coi Mỹ là mối đe dọa lớn nhất đối với khu vực. Phản ánh mâu thuẫn về tư tưởng đang tiếp tục của Thái Lan với Mỹ, gần đây Chính phủ Thái Lan quyết định không cho phép cơ quan hàng không vũ trụ NASA của Mỹ sử dụng căn cứ hải quân U-Tapao ở phía Đông. Nam Băng Cốc để phục vụ nghiên cứu khí quyển. Thái Lan lo ngại Mỹ có thể sử dụng căn cứ này để phục vụ chiến lược trở lại châu Á. Hành động đó cũng cho thấy Chính phủ Thái Lan thất vọng khi Mỹ không quan tâm đến các vấn đề không liên quan đến an ninh như an ninh lương thực, năng lượng và bảo vệ môi trường…
Trong quá trình phát triển các mối quan hệ với Thái Lan. Ông Kavi Chongkittavorn, biên tập viên báo “Dân tộc” của Thái Lan cho biết theo quan điểm của Thái Lan, Oasinhtơn chỉ quan tâm các lợi ích phù hợp với các yêu cầu an ninh của Mỹ. Thái Lan thường đáp ứng yêu cầu sử dụng các căn cứ không quân và các chương trình hợp tác bí mật khác nhằm phục vụ lợi ích chiến lược của Mỹ. Trong khi đó, Trung Quốc giúp đỡ Thái Lan rất nhiều trên lĩnh vực này với quan điểm có đi có lại, hai bên cùng có lợi. Các quan chức Mỹ cũng biết ảnh hưởng của Trung Quốc ở Thái Lan tăng mạnh sau cuộc đảo chính năm 2006, nhưng Mỹ cho rằng các cuộc đảo chính là không tốt, trong khi Trung Quốc coi vấn đề nhân quyền và tự do là các vấn đề nội bộ. Trung Quốc chỉ quan tâm đến vấn đề kinh tế, thương mại và đầu tư mà bỏ qua các vấn đề khác. Và đây là một trong những đặc điểm nổi lên ở cả ba nước mà Tổng thống Obama sẽ đến thăm.
Tại Mianma, các biện pháp cấm vận của Mỹ và phương Tây chống chính quyền quân sự trước đây của Mianma cho phép Trung Quốc trở thành đồng minh lớn nhất, đầu tư cơ sở hạ tầng, đập thủy điện và đường ống dẫn khí đốt để đáp ứng nhu cầu năng lượng ngày càng tăng ở khu vực phía Nam Trung Quốc. Nhưng Tổng thống Thein Sein đã đánh tín hiệu rằng ông đang tìm cách thoát khỏi sự lệ thuộc của Trung Quốc bằng cách vào năm ngoái quyết định đình chỉ một dự án xây dựng con đập lớn để cung cấp điện cho Trung Quốc sau khi dân chúng và các tổ chức môi trường phản đối mạnh mẽ. Và khi Mỹ xóa bỏ gần như tất cả các biện pháp cấm vận Mianma nhằm ủng hộ các cải cách dân chủ cũng như các cải cách khác, các quan chức và các phương tiện truyền thông của Trung Quốc trở nên lo lắng trước ý đồ của Mỹ nhằm xóa bỏ ảnh hưởng của Trung Quốc tại Minama. Nhưng Tổng thống Thein Sein đã đến Trung Quốc trước khi bay sang Mỹ để thực hiện một chuyến công du mang tính bước ngoặt vào tháng 9/2012 nhằm khẳng định với các nhà lãnh đạo Trung Quốc rằng Mianma rất chú trọng phát triển các mối quan hệ với Trung Quốc và chính sách coi Trung Quốc như một người bạn thật sự của Mianma vẫn không thay đổi.
Các nhà lãnh đạo Trung Quốc không tỏ ra lúng túng khi Mỹ tăng cường quan hệ với giới lãnh đạo mới của Mianma. Cuối tuần qua, phát biểu trước các phóng viên báo chí, ông Tần Quang Vinh, bí thư tỉnh ủy Vân Nam, tỉnh có chung biên giới với Mianma, khẳng định Trung Quốc tin tưởng các nhà lãnh đạo Mianma sẽ hành động một cách khôn ngoan để lãnh đạo đất nước mở cửa. Các nhà lãnh đạo Minanma nên biết rằng Trung Quốc sẽ luôn là người bạn thật sự của Mianma. Cùng lúc đó, các tổ chức nhân quyền cho biết các công ty liên quan đến quân đội Mianma có quan hệ với Trung Quốc đang tiếp tục thu mua đất ở các khu vực nông thôn. Họ tỏ ra thất vọng bởi gần đây Chính quyền Tổng thống Thein Sein quyết định triển khai dự án khai thác mỏ đồng vốn gây nhiều tranh cãi được Trung Quốc cấp vốn ở khu vực Tây Bắc Mianma bất chấp sự phản đối mạnh mẽ của dư luận trên cả nước, trong đó có các cuộc biểu tình của dân chúng địa phương phản đối chính quyền tịch thu đất cho dự án. Ủy ban Nhân quyền châu Á, đặt trụ sở tại Hồng Công, cho biết tổ chức này thu thập nhiều thông tin về các vụ tịch thu đất ở Mianma trong những năm gần đây và khẳng định hiện nay Mianma đang rơi vào tình trạng nguy hiểm do việc tịch thu đất tràn lan. Campuchia, đồng minh Đông Nam Á hàng đầu của Trung Ọnốc, có thể là vấn đề đau đầu lớn nhất của Tổng thống Obama. Quốc gia nghèo khổ này từng bị tố cáo vi phạm nhân quyền nghiêm trọng dưới chính quyền của Thủ tướng Hun Sen. Các tổ chức nhân quyền muốn Tổng thống Obama công khai yêu cầu ông Hun Sen tiến hành các cải cách trung thực để người dân Campuchia có thể được hưởng các quyền và tự do của nhân loại. Ông Matthew Goodman, cựu điều phối viên các hội nghị thượng đỉnh của Nhà Trắng, nhận định tại Hội nghị cấp cao Đông Á, Trung Quốc sẽ không từ bỏ ý đồ sử dụng con bài Campuchia để thao túng kết quả của hội nghị có lợi cho họ, bất chấp các nước khác muốn đưa các vấn đề liên quan đến Biển Đông, tự do hàng hải, tôn trọng luật pháp quốc tế và giải pháp hòa bình cho các cuộc xung đột… ra thảo luận tại hội nghị. Việt Nam và Philíppin đang trên tuyến đầu của cuộc đấu tranh với Trung Quốc về các tuyên bố lãnh thổ chồng lấn ở Biển Đông – nơi đang trở thành điểm nóng quân sự tiềm tàng nhất ở châu Á. Gần đây Trung Quốc không ngừng đẩy mạnh hoạt động ở Biển Đông, trong đó có thành lập một đơn vị đồn trú quân sự mới để quản lý vùng biển rộng lớn và khẳng định quyền kiểm soát quần đảo tranh chấp và có khả năng chứa nhiều dầu lứa trong khu vực.
Ở phía Bắc Biển Đông, Mỹ đang lo ngại nguy cơ dẫn đến một cuộc xung đột vũ trang giữa Nhật Bản, đồng minh hàng đầu của Mỹ ở châu Á và Trung Quốc sau khi Tôkyô quốc hữu hóa quần đảo Senkaku mà Trung Quốc tuyên bố thuộc chủ quyền của họ. Hiện nay hàng ngày Trung Quốc đưa các tàu hải giám đến gần quần đảo tranh chấp ở biển Hoa Đông trong bối cảnh căng thẳng ngày càng gia tăng. Trong trường hợp xảy ra một cuộc xung đột quân sự, hiệp ước của Mỹ với Nhật Bản sẽ buộc Oasinhtơn phải đứng về phía Tôkyô. Ông Dan Blumenthal, cựu quan chức của Lầu Năm Góc và nhà phân tích thuộc tổ chức Heritage Foundation đặt trụ sở ở Oasinhtơn, cho rằng tranh chấp Trung Quốc-Nhật Bản có thể là cuộc thử nghiệm quan trọng nhất của Mỹ ở châu Á trong năm tới. Trong bối cảnh mối đe dọa của Trung Quốc, Mỹ khẳng định sẽ triển khai phần lớn các nguồn lực quân sự đến châu Á để thực hiện chiến lược trở lại khu vực được công bố năm 2011. Nhưng các nhà phân tích lo ngại các tác động tiêu cực từ việc tăng thuế và cắt giảm chi tiêu quốc phòng của Mỹ nếu Tổng thống Obama và Quốc hội không thống nhất một kế hoạch để tránh cái gọi là “vách đá tài chính” trong năm mới. Ông Amitav Acharya, chuyên gia quan hệ quốc tế của Đại học tổng hợp Mỹ tại Oasinhtơn, cho biết đa số các nước châu Á nhận thấy Mỹ không đủ khả năng kinh tế để thực hiện chiến lược trở lại châu Á. Ngân sách quốc phòng giảm mạnh đang phá hủy cách tiếp cận tái cân bằng. Quan trọng hơn, kế hoạch cắt giảm ngân sách mua sắm các máy bay chiến đấu F-35 và tàu ngầm tấn công lớn Virginia của Mỹ sẽ tác động lớn đến khả năng sẵn sàng chiến đấu của quân đội Mỹ trong khi Trung Quốc đang đẩy mạnh các khả năng tác chiến trên không và trên biển./.
TTXVN
Không có nhận xét nào: