Nợ xấu và nợ máu - Thanh Niên Công Giáo

728x90 AdSpace

Trending
13 tháng 11, 2012

Nợ xấu và nợ máu

Lê Phục Văn (Danlambao) - Nếu theo dõi kỹ các lời tranh cãi trong phiên họp quốc hội Việt Nam mấy tuần vừa qua thì bất cứ ai, dù không có máu khôi hài trong người, cũng phải bật cười về trình độ quan trí của giới lãnh đạo cộng sản hiện nay. Điển hình là các phát ngôn về vấn đề "nợ xấu".

Điều buồn cười đầu tiên là ngay chính ông thống đốc Ngân hàng Nhà nước, Nguyễn Văn Bình, không những không nắm được con số chắc chắn về tình trạng nợ nần quốc gia mà còn không phân biệt được thế nào là "nợ xấu". Chính vì thế mới dẫn đến màn hài kịch là "ông nói gà, bà nói vịt" khi đề cập đến tình trạng nợ nần của các tập đoàn nhà nước và các ngân hàng mà càng nghe người dân càng thêm mù mờ, không hiểu là số nợ chính xác của đất nước là bao nhiêu.


Nhưng làm sao có được con số chính xác khi những dữ liệu được đưa ra của mỗi cơ quan, hay của mỗi đại biểu quốc hội, thì con số sau phủ nhận con số trước, lúc nóng lúc lạnh, lúc lên lúc xuống... giống như một hàn thử biểu bị hư hỏng. Ví dụ như tổng số nợ của Vinashin thì mờ mờ ảo ảo trong mức từ 86 đến 100 ngàn tỷ, trong khi vụ phá sản này đã được thụ lý và điều tra suốt hơn 2 năm qua. Và vụ Vinalines cũng có chiều hướng được báo cáo một các tương tự và vô tư như thế.

Điều buồn cười thứ nhì là giới quan chức đảng, những người đang có những học vị hay học hàm cao ngất ngưởng, lại loay hoay tranh cãi về định nghĩa của hai chữ "nợ xấu" trong khi người bình dân dù ít học cũng biết "như đinh đóng cột" rằng nợ nần rõ ràng là một điều xấu hổ hay nhục nhã, chứ không phải là điều tốt đẹp gì cả. Nợ nần càng nhiều thì càng dễ dẫn tới nhiều xáo trộn trong đời sống, gia cảnh dễ bất hòa và đạo đức dễ suy đồi.

Nói một cách nôm na, chữ "nợ" dù là trong bất cứ ngôn ngữ nào của loài người cũng bao hàm ý nghĩa xấu, vì thế việc thêm chữ "xấu" vào sau chữ "nợ" là việc thừa thãi và hoàn toàn không đáng để tranh cãi. Điều đáng tranh cãi phải là món nợ nào có thể trả được và món nợ nào không thể trả được. Chẳng hạn như chính phủ Mỹ nợ hơn 16 ngàn tỷ Mỹ kim, nước Úc nợ hơn 1000 tỷ, nhưng vẫn có khả năng trả được nên vẫn được cho vay thêm. Trong khi đó Hy Lạp nợ vài trăm tỷ nhưng có nguy cơ quịt nợ nên bị xem là nợ "khó đòi". 

Vì thế, điều mà những "đỉnh cao trí tuệ" của VN phải làm và cần làm gấp là phân loại ra những món nợ nào có thể thu hồi được và món nợ nào không thể đòi được để dễ sắp xếp lại ngân sách quốc gia nhằm cứu vãn nền kinh tế đang suy sụp. Rất tiếc là vì khả năng và kiến thức vô cùng hạn hẹp, họ chỉ loay hoay trong những tranh cãi vô duyên và rất lãng xẹt về hai chữ "nợ xấu" hay về những tập đoàn "lợi ích" X, Y, Z... nào đó.

Đáng tiếc hơn nữa là hơn 20 năm qua, kể từ khi mở cửa, hàng ngàn hay hàng chục ngàn quan chức lớn nhỏ đã tiêu tốn không biết bao nhiêu là tiền bạc của quốc gia cho các chuyến công du ngoại quốc dưới mỹ từ là "học hỏi kinh nghiệm" các xứ văn minh, tức các nước tư bản đang "giẫy chết". Thế nhưng các con "ếch ngồi đáy giếng" sau đó vẫn quay về sinh sống dưới đáy giếng. Thậm chí đến người nắm giữ một bộ vô cùng quan trọng là bộ tài chánh, huyết mạch của nền kinh tế quốc gia, lại vô cùng ngu ngơ đến độ đề nghị in thêm tiền để tăng lương cho công chức. Cái "sáng kiến" này của ông bộ trưởng Vương Đình Huệ có nét tương tự như một gia đình đang mắc nợ, thay vì phải thắt lưng buộc bụng, sắp xếp lại ngân sách chi tiêu trong gia đình, thì lại đi vay thêm nợ mới để trả nợ cũ và cuối cùng thì lún sâu vào vòng nợ nần.

Điều đáng nói là một giàn lãnh đạo như thế mà cứ mở miệng ra là nói rằng trình độ dân trí Việt Nam "thấp" thì quả là thiếu tự trọng đến mức phải gọi là vô liêm sỉ. Vâng, có lẽ vì trình độ dân trí thấp nên người dân Việt đã phải nhẫn nhịn chịu đựng sống dưới một chế độ mà bất cứ một công chức lớn nhỏ nào cũng có quyền sỉ vả và trấn lột người dân bằng đủ mọi hình thức. Vâng, có lẽ cũng vì trình độ quan trí "chưa được cao" nên mới có ông đại biểu cho rằng việc ông thủ tướng tội trạng ngập đầu nhưng chỉ cần ngỏ lời xin lỗi quốc hội là đã "an lòng dân".

Nhưng có "an" hay không thì cũng chẳng cần tranh cãi, vì chỉ có những kẻ điên loạn và những kẻ chủ trương "còn đảng còn tiền", mới có thể tin rằng những người như Nguyễn Tấn Dũng, Nguyễn Phú Trọng, Trương Tấn Sang có đủ tài trí để lèo lái đất nước, dù chỉ là đẩy lùi được tệ nạn tham nhũng, chứ đừng nói là chận đứng được bước tiến xâm lăng của giặc Tàu.

Hơn 20 năm trước đây, khi đảng cộng sản VN chưa "đổi mới" về kinh tế, trong một cuộc chuyện trò, một chuyên gia người Thái Lan đã vui miệng nói với người viết bài này rằng: "Dân tộc chúng tôi (tức dân Thái) hiếm có người thông minh như dân Việt của bạn, nhưng chúng tôi chọn những người thông minh đó để trao quyền lãnh đạo đất nước. Trong khi đó thì dân tộc bạn lại chọn những kẻ bất tài để trao quyền trị quốc thì ráng mà chịu chứ tại sao lại than vãn?".

Câu chuyện rất cũ nhưng vẫn còn như mới, gây nhói buốt trong tim khi nhìn lại đất nước. Hàng núi máu xương đã đổ ra suốt 70 năm vì bom đạn chiến tranh, cải cách ruộng đất, tập trung cải tạo, đi kinh tế mới, vượt biển vượt biên, hay đánh tư bản mại sản. Thê thảm hơn nữa là hiện nay, mỗi năm vẫn có vài chục ngàn người chết hay tàn phế vì tai nạn giao thông. Và chưa kể đến hàng trăm cái chết trong đồn công an suốt mấy năm qua.

Đó là những món nợ không thể tính bằng tiền, hay bằng những lời xin lỗi suông, mà sau năm 1975 người cộng sản hùng hổ gọi là "có nợ máu với nhân dân". Ai nợ ai thì bây giờ đã quá rõ. Và những món nợ ấy quá lớn và khó có thể trả được nếu vẫn giữ nguyên đường lối cai trị bằng bạo lực như hiện nay.

Nên nhớ rằng càng đàn áp thì nợ càng chồng nợ, đến một lúc nào đó thì máu sẽ chảy tràn như cuộc bạo loạn ở Syria hiện nay. Đây là điều chắc chắn không ai muốn thấy nó xảy ra, nhưng cũng không ai có thể cản được nếu chính những người gây nợ vẫn cứ tiếp tục thách thức trí khôn và lòng nhẫn nại của người dân!

Nợ xấu và nợ máu Reviewed by Em Binh on 11/13/2012 Rating: 5 Lê Phục Văn (Danlambao) - Nếu theo dõi kỹ các lời tranh cãi trong phiên họp quốc hội Việt Nam mấy tuần vừa qua thì bất cứ ai, dù không c...

Không có nhận xét nào: