Professor Vũ Tường |
Giáo sư Vũ Tường tốt nghiệp Tiến sĩ khoa học chính trị tại Đại học California, Berkley, từng thỉnh giảng tại Đại học Quốc gia Singapore và Đại học Princeton, ông hiện đang nghiên cứu và giảng dạy về Đông Nam Á tại Đại học Oregon, Hoa Kỳ. Về cuộc chất vấn Thủ Tướng Nguyễn Tấn Dũng tại diễn đàn quốc hội Việt Nam hôm 14 tháng 11, khi ông bị phê bình với những lời lẽ khá gay gắt,
Giáo sư Vũ Tường so sánh cuộc chất vấn kỳ này với cách đây 2 năm, khi Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết, Đại biểu Quốc hội khóa XI, XII, mạnh mẽ đả kích Thủ Tướng Nguyễn Tấn Dũng về vụ Vinashin:
“Vâng, lần này thì có vẻ gay gắt nhưng mà theo tôi thì so với 2 năm trước hồi vụ Vinashin mới vỡ lở đó, thì ông Nguyễn Minh Thuyết đã nói rất là thẳng, ông yêu cầu Thủ Tướng Nguyễn Tấn Dũng phải kiểm điểm trách nhiệm cho mạnh mẽ hơn. Lần này, tuy ông Dương Trung Quốc có nói gián tiếp tới việc Thủ Tướng Nguyễn Tấn Dũng từ chức, nhưng cách đặt câu hỏi của ông rất là quanh co, thành ra tôi nghĩ là không có mạnh bằng phát biểu của ông Nguyễn Minh Thuyết cách đây 2 năm. Nhưng mà nó cũng chứng tỏ cho thấy là vị thế của ông Nguyễn Tấn Dũng đã yếu đi rất nhiều do ông bị phê bình trong cái hội nghị trung ương 6 của Đảng Cộng Sản Việt Nam. ”
Liệu những chất vấn như thế tại quốc hội có là dấu hiệu cho thấy có một sự thay đổi về não trạng cho phép các nhà lập pháp Việt Nam đã bắt đầu muốn thực sự hành xử các quyền hạn của mình, bất chấp trên thực tế Đảng Cộng Sản Việt Nam vẫn giữ ngôi vị độc tôn lãnh đạo, và dù trên nguyên tắc Quốc hội Việt Nam là cơ quan quyền lực nhất nước?
Giáo sư Vũ Tường: “Tôi cũng thấy là tình hình không có gì mới tại vì những khuôn mặt thường xuyên có những lời nói mạnh mẽ thì vẫn là những khuôn măït cũ, như ông Dương Trung Quốc hoặc bà đại biểu Phạm thị Loan v.v…Và quan sát thái độ của những đại biểu khác trong hội trường lúc mà ông Quốc đặt câu hỏi thì chúng ta thấy không có một cái phản ứng nào rõ rệt, chứng tỏ là đại đa số đại biểu vẫn mũ ni che tai, tức là để mặc cho ông Dương Trung Quốc muốn nói gì thì nói. Cái buổi sáng hôm nay thì chưa đủ để chúng ta nói là có một cái hướng đi mới hay một cái biến chuyển quan trọng sắp tới. Chúng ta phải chờ thêm hành động trong vài ngày tới. ”
Tuy nhiên theo Giáo sư Vũ Tường thì rõ ràng là có những áp lực ngày càng gia tăng hơn từ phía dưới, từ dân chúng, từ các báo chí lề trái, đòi hỏi các đại biểu quốc hội và các tầng lớp trí thức trong xã hội phải nói hay làm một cái gì đó để tạo ra sự thay đổi. Áp lực đó thể hiện qua những yêu cầu trên những báo chí lề trái, hoặc những vụ biểu tình của bà nông dân và công nhân.
Như vậy câu hỏi được đặt ra ở đây là liệu có phải đây chỉ là một sự dàn xếp để khoác lên một bộ mặt dân chủ cho các sinh hoạt chính trị ở Việt Nam?
Giáo sư Vũ Tường: “Cái quốc hội Việt Nam thì bản chất của nó thì nó là một trò diễn dân chủ thôi chứ nó không có thực chất, nhưng mà các câu hỏi của các đại biểu quốc hội ngày hôm nay thì tôi không nghĩ đó là một trò diễn, mà có thể họ bức xúc thật sự.”
Nhưng có người tỏ ra hoài nghi về động cơ thúc đẩy đại biểu Dương Trung Quốc chất vấn ông Nguyễn Tấn Dũng. Người ta nhắc lại rằng sau Hội nghị Trung ương lần thứ 6 của Đảng Cộng Sản Việt Nam, ông Dương Trung Quốc nói “Thủ Tướng Nguyễn Tấn Dũng đã xin lỗi rồi, thì chúng ta có thể yên tâm”. Vì câu nói đó ông Dương Trung Quốc đã bị các báo chí lề trái và các trang blog chỉ trích nặng nề. Như thế có phải ông Dương Trung Quốc muốn trả lời những người chỉ trích ông?
Giáo sư Vũ Tường: “Vâng, chị có thể nghĩ như vậy. Tôi thì tôi không biết ông ấy nghĩ gì nhưng cũng có thể là ông ấy cảm thấy là ông đã bị chỉ trích vì bị hiểu sai hoặc là ông chịu áp lực phải làm một điều gì đó để cứu vãn thanh danh của ông. Tôi nghĩ ông Dương Trung Quốc có thể có một cái hành động mạnh mẽ hơn bằng cách từ chức đại biểu quốc hội bởi vì trên lý thuyết, quốc hội là cơ quan quyền lực cao nhất nước mà trong trường hợp này, quốc hội không có đủ quyền hạn để buộc Thủ Tướng Nguyễn Tấn Dũng từ chức, như vậy có thể nói là ông Quốc không hoàn thành nhiệm vụ của ông trong tư cách đại biểu quốc hội vì những lý do có thể ngoài quyền hạn của ông, thì một hành động mạnh mẽ hơn nữa là ông có thể từ chức. Cái gọi là văn hóa từ chức ông yêu cầu Thủ Tướng khởi động cái văn hóa từ chức đó, thì nó có thể được khởi động từ chính hành động của ông Quốc.”
Đánh giá câu trả lời cũng như phong cách của Thủ Tướng Nguyễn Tấn Dũng trong cuộc chất vấn, Giáo sư Vũ Tường nhận định:
“Vâng, tôi nghĩ ông Nguyễn Tấn Dũng bị bất ngờ trước câu hỏi, thành ra phải mất vài giây thì ông ấy lấy lại được sự bình tĩnh để trả lời. Rõ ràng ông ấy không ngờ cái cách đặt vấn đề như thế của đại biểu Dương Trung Quốc, nói thẳng đến việc từ chức, nhưng sau đó thì ông ấy đã trở lại cái bài bản quen thuộc, phần đầu ông nói tới các giải pháp để cứu chữa nền kinh tế Việt Nam. Phần thứ 2 ông trở lại bài bản cũ là 'tôi chỉ làm những việc đảng giao phó, tôi là người của đảng, tôi hành động, tôi làm theo quyết định của Đảng'. Thành ra ông ấy quay lại đổ lỗi cho đảng đã giao nhiệm vụ cho ông. Đảng không cách chức ông thì ông vẫn phải làm theo lời Đảng tức là ông phải làm Thủ Tướng.”
Giáo sư Vũ Tường nói rằng chẳng có điều gì mới lạ trong các câu trả lời của Thủ Tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng. Tức là mọi sự vẫn như cũ?
“Dạ vâng …Cái câu này cũng cho chúng ta thấy rõ hơn cái cơ chế chính trị Việt Nam là các lãnh đạo chỉ chịu trách nhiệm trước đảng của họ, chứ không chịu trách nhiệm trước dân chúng.”
Nguồn: VOA Tiếng Việt
Nguồn: VOA Tiếng Việt
Không có nhận xét nào: