Việc thu hồi đất của ông Đoàn Văn Vươn đã gây ra quá nhiều hệ lụy |
Ý kiến này không khác ý kiến của ông Dương Trung Quốc đã nêu ra từ lâu trên diễn đàn Quốc hội: quyền sở hữu toàn dân là hư quyền. Trong phiên thảo luận trên có 52 đại biểu Quốc hội đóng góp ý kiến. Tuyệt đại đa số đồng ý với quy định hiện hành, được khẳng định lại trong dự thảo Luật đất đai: “Đất đai thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước đại diện chủ sở hữu”. Cũng có một số đại biểu có vẻ nhất trí với sở hữu toàn dân trong câu mào đầu nhưng nội dung phát biểu lại toát ra là về cơ bản họ cũng nghĩ như đại biểu Hà Sĩ Đồng. Đó là các ý kiến của các đại biểu Bùi Mạnh Hùng (Bình Phước), Huỳnh Minh Hoàng (Bạc Liêu), Đỗ Văn Vẻ (Thái Bình). Ý kiến của ông ông Hà Sỹ Đồng chiếm chưa đầy 2%, nếu tính cả 3 vị sau cũng chỉ đạt 7,7% số ý kiến. Nếu ông Dương Trung Quốc vẫn giữ ý kiến của mình, thì những người có ý kiến như các ông vẫn chiếm thiểu số rất nhỏ.
Nhưng ý kiến đa số, dẫu là tuyệt đại đa số, hoàn toàn không có nghĩa là ý kiến đó đúng, đại diện cho ý chí của nhân dân. Lịch sử thế giới và lịch sử nước ta đã chứng kiến vô vàn ý kiến đa số là sai.
Nhận ra tầm quan trọng của Luật đất đai, nên phiên thảo luận ngày 19-11-2012 của Quốc hội đã được truyền hình trực tiếp và người ta cũng hứa sẽ lấy ý kiến rộng rãi của nhân dân.
Phải nhắc lại, khái niệm sở hữu toàn dân về đất đai là khái niệm xa lạ, mới chỉ được biết đến ở Việt Nam từ ngày 18-12-1980 (Điều 19 Hiến pháp 1980). Trước đó khái niệm ấy không tồn tại suốt hàng ngàn năm lịch sử của Việt Nam và cũng rất hiếm thấy trên thế giới. Khái niệm này được vay mượn từ Liên Xô, trước khi Liên Xô tan rã khoảng một thập kỷ, và mới chỉ tồn tại ở nước ta 31 năm qua. Ở Việt Nam trước đây và ở hầu hết các nước trên thế giới, thường có 3 loại quyền sở hữu đất rạch ròi: sở hữu nhà nước (chứ không phải toàn dân); sở hữu cộng đồng; sở hữu tư nhân (của cá nhân và tổ chức tư nhân).
Chỉ có các thể nhân và pháp nhân (nói nôm na là các đối tượng có thể bị kiện) mới có thể là chủ sở hữu của bất cứ thứ gì. Nhà nước, các tổ chức có tư cách pháp nhân là các pháp nhân, các cá nhân là các thể nhân và họ có thể và chỉ họ mới có thể là các chủ sở hữu. Toàn dân nghe có vẻ cao sang nhưng không là pháp nhân cũng chẳng là thể nhân nên không thể là chủ sở hữu được. Phần rất lớn đất đai, hầm mỏ thuộc sở hữu nhà nước, hãy ghi nhận điều đó và đừng đánh tráo khái niệm thành sở hữu toàn dân. Như thế ông Dương Trung Quốc và ông Hà Sỹ Đồng hoàn toàn đúng và đa số thì sai.
Nhiều người cho rằng giữ nguyên quy định cũ là hợp với Hiến pháp, hợp với dự thảo Hiến pháp sửa đổi. Rất đáng tiếc chúng ta chưa có hiến pháp theo đúng nghĩa, tuy có một văn bản gọi là Hiến pháp do Quốc hội thông qua. Cần có những thảo luận sâu rộng về Hiến pháp, về lập hiến và chủ nghĩa hiến pháp. Đã có nhiều ý kiến đặt vấn đề phúc quyết của nhân dân đối với Hiến pháp.
Hãy để cho nhân dân quyết định và việc phúc quyết phải được tổ chức theo các thủ tục minh bạch, có các lựa chọn khả dĩ được trình bày mạch lạc, được thảo luận công khai trong một khoảng thời gian đủ để người dân tham gia và hình thành quyết định của mình. Thiếu sự thảo luận, thiếu các lựa chọn khả dĩ được trình bày mạch lạc, và nhất là thiếu thủ tục bỏ phiếu minh bạch, thì mọi sự “phúc quyết” đều vô nghĩa.
Nếu Đảng Cộng sản Việt Nam, Quốc hội nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam thật sự coi trọng quyết định của nhân dân, tôi đề nghị hãy để dân quyết định về sở hữu đất đai với 2 lựa chọn khả dĩ: a) đất đai thuộc sở hữu toàn dân (như dự thảo Hiến pháp và dự thảo Luật đất đai); và b) có đất thuộc sở hữu nhà nước, có đất thuộc sở hữu cộng đồng và có đất thuộc sở hữu tư nhân (của cá nhân, tổ chức tư nhân).
Tương tự, một số điều hết sức căn bản khác của Hiến pháp mà nhiều người cho là “nhạy cảm” cũng nên để nhân dân thảo luận rộng rãi, hình thành các lựa chọn khả dĩ khác nhau được trình bày thật mạch lạc và sau đó đưa ra trưng cầu dân ý (về từng lựa chọn) để nhân dân phúc quyết. Nếu chỉ có một lựa chọn thì nêu rõ: đồng ý hay không đồng ý.
Những lựa chọn nào được đa số cử tri tán thành được ghi vào hiến pháp, những lựa chọn bị đa số nhân dân bác bỏ thì không được đưa vào dưới bất cứ hình thức trá hình nào.
Về thủ tục phúc quyết, quan trọng nhất là vấn đề bỏ phiếu và kiểm phiếu. Phải công khai, minh bạch, có sự giám sát mọi chi tiết (trình bày các lựa chọn; lập phiếu xin ý kiến nhân dân; tổ chức; kiểm phiếu; công bố kết quả; vân vân) bởi các đại diện khác nhau của nhân dân và báo giới (thậm chí của quan sát viên quốc tế, thí dụ của Liên Hiệp Quốc). Joseph Stalin đã từng nói đại ý “không quan trọng là những ai bỏ phiếu, quan trọng là ai là những người kiểm phiếu”. Chúng ta không nên và không thể “học” Stalin, Liên Xô về những thủ đoạn này.
Tất cả quyền lực thuộc về nhân dân. Ai cũng nói như vậy. Hãy để người dân thực sự quyết định số phận của mình bằng cách tham gia tích cực vào các cuộc thảo luận về Hiến pháp, về các luật cơ bản của đất nước chứ không chỉ riêng về luật đất đai.
Làm được như vậy hay chí ít có một lộ trình rõ ràng để làm như vậy sẽ khơi dậy các nguồn lực to lớn của nhân dân để xây dựng một “nhà nước của dân, do dân và vì dân” thực sự.
N.Q.A
Ghi chú: những chữ màu đỏ là bị cắt bỏ từ bản gốc khi biên tập.
Không có nhận xét nào: