VRNs (07.11.2012) – Sài Gòn – Nhân có thông tin Tiến sĩ Cù Huy Hà Vũ có ý định yêu cầu xét lại theo thủ tục Giám đốc thẩm Bản án đã có hiệu lực pháp luật của Tòa Phúc thẩm – Tòa Án Nhân Dân Tối Cao tuyên phạt Ông bảy năm tù, chúng tôi thông tin đến bạn đọc một số quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự (“BLTTHS”) liên quan đến thủ tục Giám đốc thẩm và Tái thẩm như sau:
1. Tính chất của Giám đốc thẩm (“GĐT”) và Tái thẩm:
a) GĐT là xét lại Bản án hoặc quyết định đã có hiệu lực pháp luật nhưng bị kháng nghị vì phát hiện có vi phạm pháp luật nghiêm trọng trong việc xử lý vụ án.
b) Còn Tái thẩm: Được áp dụng đối với Bản án hoặc quyết định đã có hiệu lực pháp luật nhưng bị kháng nghị vì có những tình tiết mới được phát hiện có thể làm thay đổi cơ bản nội dung của Bản án hoặc quyết đinh mà Tòa án không biết được khi ra bản án hoặc quyết định đó.
Như vậy, thủ tục GĐT hay Tái thẩm không phải là đương nhiên nếu có kháng cáo (kháng án), mà chỉ được tiến hành khi có kháng nghị của những người có quyền kháng nghị GĐT hoặc Tái thẩm. Kháng nghị là hoạt động quan trọng nhất, vì không có kháng nghị thì dù Bản án hoặc Quyết định đã có hiệu lực pháp luật có vi phạm pháp luật nghiêm trọng trong việc xử lý vụ án – hoặc có những tình tiết mới được phát hiện…- thì cũng không được giải quyết theo thủ tục GĐT hoặc Tái thẩm..
Chính vì vậy nhiều người nhầm lẫn khi gửi “đơn yêu cầu GĐT hoặc Tái thẩm”, thực ra là yêu cầu có kháng nghị theo thủ tục GĐT hoặc Tái thẩm đối với Bản án hoặc quyết định đã có hiệu lực pháp luật.
Cần lưu ý, đối tượng kháng nghị theo thủ tục GĐT hoặc Tái thẩm chỉ là những Bản án hoặc quyết định đã có hiệu lực pháp luật.
2. Về yêu cầu kháng nghị:
a) Bất kỳ ai: người bị kết án, cơ quan, tổ chức và mọi công dân đều có quyền phát hiện những vi phạm pháp luật trong các Bản án và quyết định của tòa án đã có hiệu lực pháp luật và thông báo cho những người có quyền kháng nghị theo thủ tục GĐT. Như trường hợp cụ thể vụ án TS Cù Huy Hà Vũ là Chánh án tòa án nhân dân tối cao và Viện trưởng viện kiểm sát nhân dân tối cao.
b) Thời hạn kháng nghị theo thủ tục GĐT hoặc Tái thẩm theo hướng có lợi cho người bị kết án có thể được tiến hành bất cứ lúc nào. Kể cả trường hợp người bị kết án đã chết mà cần minh oan, tức không hạn chế về thời gian. Thời hạn ba năm là đối với việc kháng nghị về dân sự trong vụ án hình sự. Tuy nhiên, theo quy định của Bộ luật Tố tụng Dân sự (“BLTTDS”) năm 2004 (sửa đổi bổ sung năm 2011) thì thời hạn kháng nghị được kéo dài thêm hai năm nếu có các điều kiện quy định tại khoản 2 Điều 288 BLTTDS.
Nếu không có căn cứ để kháng nghị theo thủ tục GĐT, người có quyền kháng nghị phải trả lời cho người hoặc cơ quan tổ chức đã phát hiện biết rõ lý do của việc không kháng nghị.
3. Phiên tòa GĐT/ Tái thẩm:
a) Phiên tòa GĐT/ Tái thẩm phải được tiến hành trong thời hạn bốn tháng, kể từ ngày nhận được kháng nghị.
b) Phiên tòa GĐT/ Tái thẩm phải có sự tham gia của Viện kiểm sát cùng cấp.
Khi xét thấy cần thiết, Tòa án phải triệu tập người bị kết án, người bào chữa và có thể triệu tập những người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến việc kháng nghị tham gia phiên tòa GĐT/ Tái thẩm.
c) Riêng phạm vi GĐT: “Hội đồng GĐT phải xem xét toàn bộ vụ án mà không chỉ hạn chế trong nội dung của kháng nghị”.
d) Thẩm quyền của Hội đồng GĐT: “Hội đồng GĐT có quyền ra quyết định:
1/ Không chấp nhận kháng nghị và giữ nguyên bản án hoặc quyết định đã có hiệu lực pháp luật;
2/ Hủy bản án hoặc quyết định đã có hiệu lực pháp luật và đình chỉ vụ án;
3/ Hủy bản án hoặc quyết định đã có hiệu lực pháp luật để điều tra lại hoặc xét xử lại.”
e) Thẩm quyền của Hội đồng Tái thẩm: “Hội đồng Tái thẩm có quyền ra quyết định:
1/ Không chấp nhận kháng nghị và giữ nguyên bản án hoặc quyết định đã có hiệu lực pháp luật;
2/ Hủy bản án hoặc quyết định bị kháng nghị để điều tra lại hoặc xét xử lại;
3/ Huỷ bản án hoặc quyết định bị kháng nghị và đình chỉ vụ án.”
Không có nhận xét nào: