Ai chủ trương không phản biện Trung Quốc về Biển Đông? - Thanh Niên Công Giáo

728x90 AdSpace

Trending
11 tháng 12, 2012

Ai chủ trương không phản biện Trung Quốc về Biển Đông?

Ai chủ trương không phản biện quan điểm của các học giả và nhà nước Trung Quốc về Biển Đông?

Thư ngỏ

Kính gửi:

- GS.TS Phạm Vũ Luận, Bộ trưởng Bộ Giáo dục & Đào tạo

- PGS.TS Phan Thanh Bình, Giám đốc Đại học quốc gia TP.HCM

- PGS.TS Võ Văn Sen, Hiệu trưởng Trường Đại học KHXH&NV TP.HCM

Đồng kính gửi cơ quan PA 83 CA TP.HCM và A 83 Bộ Công An biết để “Bảo vệ chính trị nội bộ”.

Tôi tên Đinh Kim Phúc, người có nhiều bài nghiên cứu về Biển Đông và hải đảo Việt Nam, xin trình bày với quý vị một số vấn đề sau đây:

Ngày 4 tháng 10 năm 2012 tôi đã nhận được thư mời của PGS.TS Võ Văn Sen về việc tham gia hội thảo “Hợp tác Biển Đông: Lịch sử và triển vong” sẽ được tổ chức vào trung tuần tháng 12 tại Đà Nẵng (lời mời lần thứ nhất tham dự hội thảo đã từng phải tạm hoãn bởi công văn số 127/XHVV-KH của PGS.TS Phạm Quang Minh, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học KHXH&NV Hà Nội). Sau khi nhận được thư mời tôi đã gửi tham luận “Phản biện quan điểm của một số học giả Trung Quốc về chủ quyền trên hai quần đảo Hoàng Sa-Trường Sa của Việt Nam” đúng quy định và nhận được sự khích lệ của PGS.TS Hà Minh Hồng, Trưởng Khoa Lịch sử.

Nhưng bất ngờ vào sát ngày khai mạc hội thảo, ngày 10/12/2012 tôi nhận được giấy báo “Trong khuôn khổ của Hội thảo có hạn, báo cáo của ông không nằm trong các báo cáo được chọn báo cáo tại Hội thảo” do PGS.TS Võ Văn Sen ký.

Tôi có 3 câu hỏi gửi đến quý ông và Ban tổ chức Hội thảo “Hợp tác Biển Đông: Lịch sử và triển vong”:

Tham luận và sự có mặt của tôi tại Hội thảo có làm phật ý ai không?

Ngay sau khi nhận được giấy báo từ chối tôi có trao đổi với PGS.TS Hà Minh Hồng thì được biết một trong những lý do từ chối tham luận của tôi là Ban tổ chức Hội thảo chủ trương không phản biện quan điểm của các học giả và nhà nước Trung Quốc về Biển Đông.

Câu hỏi đặt ra là: tổ chức hội thảo về Biển Đông mà không phản biện lại những quan điểm sai trái của các học giả và nhà nước Trung Quốc về chủ quyền của Việt Nam trên hai quần đảo Hoàng Sa-Trường Sa thì hội thảo nhằm mục đích gì? Phải chăng tổ chức hội thảo là nhằm tiêu hết tiền thuế của nhân dân?

Câu hỏi thứ 3: Ban tổ chức Hội thảo nhận được bao nhiêu tiền từ phía Trung Quốc để gạt tôi ra khỏi hội thảo này?

Với 3 câu hỏi trên, mong nhận được lời giải đáp thỏa đáng từ quý vị.

Chào trân trọng

NNC Đinh Kim Phúc


PHẢN BIỆN QUAN ĐIỂM CỦA MỘT SỐ HỌC GIẢ TRUNG QUỐC 
VỀ CHỦ QUYỀN TRÊN HAI QUẦN ĐẢO HOÀNG SA-TRƯỜNG SA CỦA VIỆT NAM 

ĐINH KIM PHÚC  - Sự xung đột trong tuyên bố về chủ quyền lãnh hải ở Biển Đông của Trung Quốc, nơi có trữ lượng dầu mỏ và khí đốt dồi dào và là con đường hang hải huyết mạch với các nước trong khu vực đang làm gia tăng nguy cơ có thể dẫn tới chiến tranh tại vùng biển Đông Nam Á. 

Ngày 2/3/2011, tàu tuần tra Trung Quốc hoạt động trong nhóm đảo Kalayaan của Philippines tiếp cận một tàu khảo sát địa chấn của Philippines trong vùng biển ngoài khơi bãi Cỏ Rong và ra lệnh cho con tàu này rời khỏi khu vực. 

Theo thông báo của Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam (PVN), ngày 26/5/2011 các tàu hải giám Trung Quốc đã vi phạm vùng biển thuộc quyền chủ quyền của Việt Nam, gây thiệt hại lớn về kinh tế và cản trở hoạt động bình thường của PVN. Tàu hải giám Trung Quốc đã đe dọa tàu Bình Minh 02, cắt cáp thăm dò địa chấn tại lô 148 Thềm lục địa Việt Nam, cách mũi Đại Lãnh (Phú Yên) 120 km hải lý. Hoạt động thăm dò của tàu Bình Minh đã được diễn ra một cách bình thường từ năm 2010 không có tranh chấp. 


Cáp tàu Bình Minh 02 bị tàu hải giám Trung Quốc phá hoại. 

Ngày 28/5, hai ngày sau khi Việt Nam cáo buộc tàu hải giám Trung Quốc gây hấn với tàu thăm dò Việt Nam, Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã ra thông cáo nói đây là “hoạt động bình thường trong vùng biển chủ quyền” của nước này. 

Sau đó, tại cuộc họp báo hôm thứ Ba 31/5, người phát ngôn Khương Du nhắc lại lập trường của Trung Quốc: “Tàu hải giám của Trung Quốc chỉ làm việc thực thi pháp luật trước sự hoạt động bất hợp pháp của tàu Việt Nam. Đây là hành động hoàn toàn chính đáng (của Trung Quốc)”. “Chúng tôi yêu cầu phía Việt Nam dừng ngay các hoạt động của họ và không gây thêm rắc rối”. 

Tiếp đó, ngày 9/6/2011, tàu khảo sát địa chấn Viking 2 mà Việt Nam thuê của Pháp đã bị tàu cá của Trung Quốc phá dây cáp vào buổi sáng. 

Thông tin từ PVN cho biết, tàu cá của Trung Quốc mang số hiệu 6226 đã chạy với tốc độ cao ngang qua và phá hoại dây cáp thăm dò của Viking 2 “bằng thiết bị chuyên dụng”, gây rối cáp khiến tàu này phải ngừng hoạt động. 

Đây là một việc làm “hoàn toàn có chủ ý, được tính toán và chuẩn bị kỹ lưỡng” và được tiếp sức bởi nhà cầm quyền Trung Quốc. Ngay sau khi Người phát ngôn Việt Nam tổ chức họp báo thì Hồng Lỗi, người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã cáo buộc Việt Nam đã “vi phạm chủ quyền của Trung Quốc” trong vụ xảy ra sáng ngày 9/6/2011. 

Tân Hoa Xã dẫn lời Người phát ngôn Trung Quốc nói: “Tàu cá Trung Quốc, trong khi hoạt động tại vùng biển trên, đã bị tàu có vũ trang của Việt Nam xua đuổi”. “Trong khi đuổi bắt lộn xộn, lưới của một trong các tàu cá Trung Quốc bị vướng vào dây cáp của một tàu thăm dò dầu khí Việt Nam, vốn đang hoạt động bất hợp pháp trong vùng biển này”. 

Nhưng sự thật là vị trí xảy ra sự việc là ở lô 136.03, hoàn toàn nằm trong vùng kinh tế đặc quyền của Việt Nam. 

Nhưng những diễn biến tiếp theo các học giả Trung Quốc lại đặt “16 chữ vàng” bên lề tình hữu nghị. 

Giáo sư Lý Kim Minh, Viện Nghiên cứu Đông Nam Á tại Đại học Hạ Môn trong bài viết “Nguồn gốc và sự tranh cãi đang diễn ra về vấn đề Biển Đông” đăng trên “Beijing Review”(1/8/2011) đã nhận xét: ‘Pháp đã không kiểm soát quần đảo Nam Sa sau chiến tranh thế giới thứ II. Hơn nữa, không có tài liệu chứng minh việc chuyển giao giữa Pháp và Việt Nam. Ngoài ra, Việt Nam thừa nhận quần đảo Nam Sa và quần đảo Tây Sa là lãnh thổ Trung Quốc trong quá khứ. Vì vậy, dựa trên nguyên tắc estoppel của luật pháp quốc tế, chính phủ Việt Nam hiện nay nên tuân theo ghi nhận trước đó”.(1) 

Vu Hướng Đông, Giáo sư Viện trưởng Viện nghiên cứu Việt Nam, Học viện Chủ nghĩa Mác, Đại học Trịnh Châu, lại càng hồ đồ: “Trong quá trình phát triển quan hệ Trung – Việt, tranh chấp Nam Hải bắt đầu từ những năm 70 thế kỷ trước đã trở thành nhân tố tiêu cực lớn. Trong bối cảnh biến động ghê gớm về địa chính trị trên thế giới và khu vực, phương thức của Việt Nam thông qua dư luận để tuyên truyền và chiếm đóng về mặt quân sự, không ngừng khuấy lên tranh chấp với Trung Quốc ở Nam Hải đã trở thành một trong những nhân tố làm cho quan hệ Trung-Việt hiện nay xấu đi, cũng khiến cho quan hệ hai nước trong thể kỷ 21 đứng trước thử thách nghiêm trọng. 

Mọi người đều biết, năm 1958 trong một bức thư ngoại giao do Thủ tướng Việt Nam Phạm Văn Đồng gửi cho Thủ tướng Chu Ân Lai đã công nhận chủ quyền đối với Tây Sa và Nam Sa (Hoàng Sa và Trường Sa) là thuộc về Trung Quốc, năm 1974 lại công khai ủng hộ cuộc chiến phản kích tự vệ của Trung Quốc ở quần đảo Tây Sa. Năm 1975, sau khi thống nhất đất nước, Việt Nam đã hoàn toàn thay đổi lập trường trong vấn đề Nam Hải. Mùa Xuân năm đó hải quân Việt Nam đã căn cứ theo chỉ thị của Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam bí mật xuất quân, chiếm lĩnh trái phép các đảo thuộc quần đảo Nam Sa như đảo Nam Tử (Việt Nam gọi là Song Tử Tây), đảo Cát (hay còn gọi là bãi cát Đôn Khiêm), (Việt Nam gọi là đảo Sơn Ca), đảo Hồng Hưu (Việt Nam gọi là đảo Nam Yết), đảo Cảnh Hồng (Việt Nam gọi là đảo Sinh Tồn). Nửa cuối những năm 70 đầu những năm 80 Việt Nam lần lượt công bố 4 sách trắng và một số bài nghiên cứu, tuyên bố các quần đảo Tây Sa và Nam Sa là các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam, đánh lừa cộng đồng quốc tế. Trước việc làm nói trên, Trung Quốc đã kiên quyết đáp trả và tỏ rõ lập trường nghiêm chỉnh của mình. Sau đó Việt Nam lại tiếp tục gặm nhấm thêm một bước các đảo của Trung Quốc, tăng cường xâm chiếm trái phép, không ngừng nâng cao quy cách hoạch định khu vực quản lý hành chính đối với cái gọi là “quần đảo Hoàng Sa” và “quần đảo Trường Sa”, đồng thời mở rộng mức độ hợp tác với các công ty nước ngoài, tiến hành thăm dò khai thác dầu khí, ngang nhiên cướp đoạt tài nguyên biển của Trung Quốc” (2). 

Ngoài ra còn có Tôn Hồng Niên, Nghiên cứu viên thuộc Trung tâm nghiên cứu Sử Địa biên giới, Viện Khoa học Xã hội Trung Quốc, Vương Hàn Lĩnh, Tiến sĩ, Phó Viện trưởng Viện Luật pháp quốc tế, Viện Khoa học Xã hội Trung Quốc, Giáo sư Tô Hạo, Đại học Ngoại giao Trung Quốc…quan điểm không có gì khác với lập trường của chính phủ Trung Quốc hiện nay. 

Lịch sử tranh chấp 2 quần đảo Hoàng Sa-Trường Sa đối với Việt Nam của Trung Quốc có đúng như thế không? 

Bài viết này nhằm phản bác lại quan điểm sai trái và hàm hồ của các học giả Trung Quốc. 

Nhà nghiên cứu Hồng Lê Thọ đã nhấn mạnh: “Nhà cầm quyền Trung Quốc hiện nay đang cố gắng dùng lời lẽ ngọt ngào trong đàm phán ngoại giao, với những thông điệp rất êm tai như “hòa bình”, “hữu nghị”, “láng giềng thân thiện”… hay gần đây nhất là “sơn thủy tương liên, văn hóa tương thông, lý tưởng tương đồng, vận mệnh tương quan” của Chủ tịch Hồ Cẩm Đào khi đề cập đến quan hệ Trung-Việt nhưng bên trong và hành động trên thực tế hoàn toàn trái ngược, áp đặt “một chiều” để lấn át và răn đe thô bạo kiểu Trung Quốc. Nhìn hạm đội của Trung Quốc trong tư thế vũ trang sẵn sàng chiến đấu, thao dượt rầm rộ trên biển Đông và liên tục bắt bớ tàu đánh cá, đánh đập ngư dân Việt Nam trong vùng biển Hoàng Sa, xem biển Đông và Nam Trung Hoa như ao nhà, người ta không thể không cảnh giác trước uy hiếp về quân sự của Trung Quốc. Tư tưởng biên giới lãnh thổ mở rộng và luôn biến động theo tầm địa lý của lợi ích quốc gia trong một số nhà lãnh đạo quân sự Trung Quốc càng kích động những người quá khích chạy theo chủ nghĩa dân tộc ích kỷ và bành trướng, đưa nguy cơ xung đột ngày càng có điều kiện bùng nổ bất cứ lúc nào. 

Không thể xây dựng niềm tin trên sự giả dối và càng không thể thương thảo khi đối tác lăm lăm gươm giáo, đằng đằng sát khí, với mùi khét của khói súng lãng vãng bên cạnh. Lời nói phải đi đôi với việc làm với thái độ tự trọng và biết kiềm chế, tương kính lẫn nhau là điều kiện tiên quyết để tìm lối thoát hợp lý và công bằng vì một nền hòa bình và ổn định dài lâu để cùng phát triển phải chăng là một đòi hỏi quá đáng hay ngược lại đang nằm trong tầm tay của các nhà lãnh đạo Trung Quốc nếu họ chấp nhận từ bỏ tư tưởng Đại Hán?”(3), Tác giả Hồng Lê Thọ kêu gọi: “Với tình hình quốc tế hiện nay, việc “đa phương hóa” hay”quốc tế hóa” vấn đề biển Đông đã có được những tiền đề vô cùng thuận lợi, không nhất thiết phải lo lắng thái quá trước động thái phá hoại hay ngăn cản từ một phía nào đó, mà theo chúng tôi chẳng qua là họ bắt buộc phải lên tiếng hung hăng như bao lần, vẫn cứng cổ rằng “không thể tranh cãi” trong yêu sách ngoan cố về chủ quyền của Trung Quốc ở biển Đông ngang ngược và trái khoáy với “chiếc lưỡi bò” lãnh hải vô căn cứ “do lịch sử để lại”. Trước khi chấp nhận một giải pháp đa phương, nhà đương cuộc của Trung Quốc có thể có hành động làm càn, ra tay trước để thị uy. Vì vậy việc cảnh giác trước mọi động thái hiếu chiến và khả năng sử dụng vũ lực của Trung Quốc nhằm chiếm đoạt toàn bộ quần đảo Trường Sa, Việt Nam cần phải có phương án để đối phó một cách hữu hiệu và nâng cao nhận thức bảo vệ chủ quyền hải đảo trong nhân dân hơn bao giờ hết”.(4) 

1. Tư duy biển cả của Trung Quốc 

Giới hạn cương vực vùng Hoa Nam của Trung Quốc 

Bộ Hải ngoại Ký sự của nhà sư Thích Đại Sán đã được nhiều người biết đến khi nghiên cứu quan hệ quốc tế của Đại Việt vào thế kỷ XV-XVII. Tác giả là một nhà sư đời Khang Hy đã đến đất Thuận Hóa dưới triều Nguyễn Phúc Chu ngày 13/3/1695 và rời chùa Thiền Lâm vào Hội An để về Quảng Đông ngày 7/8/1695. 

Đọc các đoạn văn tại quyển III của Hải ngoại Ký sự, chúng ta có thể nhận thấy rằng trong thế kỷ XVII chủ quyền VN trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa đã được quản lý dưới nhiều hình thức khác nhau: 

“Khách có người bảo mùa gió xuôi trở về Quảng Đông chừng vào độ nửa tháng trước và sau ngày lập Thu. Chừng ấy gió Tây Nam thổi mạnh, chạy một lèo gió xuôi chừng 4,5 ngày đêm có thể đến Hổ Môn. 

Nếu chờ đến sau mùa nắng, gió bấc dần dần thổi lên, nước chảy về hướng Đông, sức gió Nam yếu, không chống nổi dòng nước chảy mạnh về phía Đông, lúc đó sẽ khó giữ được sự yên ổn. 

Bởi vì có những cồn cát nằm thẳng bờ biển, chạy dài từ Đông Bắc qua Tây Nam; Động cao dựng đứng như vách tường, bãi thấp cũng ngang mặt nước biển; mặt cắt khô rắn như sắt, rủi thuyền chạm phải ắt tan tành; bãi cát rộng cả trăm dặm, chiều dài thăm thẳm chẳng biết bao nhiêu mà kể, gọi là “Vạn lý Trường Sa”, mù tít chẳng thấy cỏ cây nhà cửa; Nếu thuyền bị trái gió trái nước tấp vào dầu không tan nát cũng không gạo, không nước, trở thành ma đói mà thôi. 

Khoảng cách đến Đại Việt là bảy canh đường, bảy canh bằng khoảng 700 dặm. Các quốc vương thời trước, hàng năm sai thuyền đi đánh cá đi dọc theo bãi cát, lượm vàng bạc khí cụ của các tàu thuyền hư hỏng dạt vào. 

Mùa thu nước dòng cạn rút về hướng Đông bị một ngọn sóng đưa đi, thuyền có thể trôi xa hàng trăm dặm, gặp khi gió mạnh, càng sợ gặp hiểm hoạ Trường Sa.(5) 

Khảo sát tất cả bản đồ cổ của Trung Quốc từ năm 1909 trở về trước, người ta thấy tất cả bản đồ cổ nước Trung Quốc do người Trung Quốc vẽ không có bản đồ nào có ghi các quần đảo Tây Sa, Nam Sa. Tất cả bản đồ cổ ấy đều xác định đảo Hải Nam là cực nam của biên giới phía Nam của Trung Quốc. 

Những dữ liệu kể trên chúng tôi thấy phù hợp với tất cả các bản đồ mà các nhà hàng hải phương Tây và kể cả bản đồ của Trung Quốc đương thời đã miêu tả cương vực vùng Hoa Nam của Trung Quốc từ thế kỷ XVI đến nửa đầu thế kỷ XX. 

Bản đồ 1: 

Bản đồ Trung Quốc năm 1625 của Samuel Purchas

[Ấn tượng sâu đậm về bản đồ Trung Quốc của ông Purchas, bản đồ được nhiều người xem như là bản đồ đầu tiên của Trung Quốc xuất bản ở châu Âu, bắt nguồn trực tiếp từ các nguồn ở Trung Quốc. 

Bản đồ hiếm hoi bằng tiếng Anh và quan trọng xuất hiện rất sớm này là mô hình cho các bản đồ sau này của De Bry và Semedo. Nó được xuất bản lần đầu tiên trong Purchas his Pilgrimes, bộ sưu tập các tác phẩm du lịch, dựa trên công việc của nhà địa lý nổi tiếng, ông Richard Hakluyt (1552-1616). Purchas đã ghi lại rằng bản đồ của ông ban đầu dựa vào bản đồ Trung Quốc, ghi lại bởi Captain Saris, một thương gia người Anh tại cảng Bantam (Indonesia). Có thể bản đồ Trung Quốc này là “Cao Map” năm 1593, bản đồ mà hiện tại chỉ có một bản duy nhất làm ví dụ. Các hình vuông và hình tròn mô tả các thành phố và các khu định cư. Các tỉnh của Trung Quốc được đánh dấu và ranh giới cho thấy, có lẽ lần đầu tiên nó có trên bản đồ phương Tây. Lưu ý rằng Macau và Quảng Châu đều được đặt tên. Các họa tiết ở các góc đã vẽ Matteo Ricci và một cặp vợ chồng Trung Quốc]. 

(Nguồn:http://www.raremaps.com/gallery/detail/23040/The_Map_of_China/Purchas.html) 

Bản đồ 2: 

China Veteribus Sinarumregio nunc Incolis Tame dieta năm 1636 của Hondius, 

Jodocus & Jansson, Jan 

[Một bản đồ khu vực thanh lịch được chạm khắc với phần phía đông của Trung Quốc (phía tây bắc giáp ranh với Vạn Lý Tường Thành) trong đó có nhiều hồ lớn. Chaimay Lacus hư cấu cho thấy có nhiều con sông chảy về phía Nam vào Ấn Độ và Xiêm. Hàn Quốc được mô tả là một hòn đảo có hình dạng kỳ lạ ngăn cách với đất liền bằng một eo biển hẹp. Đài Loan nằm ở vị trí khá chính xác, cả hai được đặt tên là Pakan al I. Formosa và Tayoan. Tuy nhiên, Hàn Quốc vẫn còn là một hòn đảo, và Nhật Bản gồm ba hòn đảo. Bản đồ được trang trí với nhiều con tàu châu Âu chạy bằng buồm và những chiếc thuyền tam bản của Trung Quốc, trang trí các khoảng cách cố định, và tiêu đề được vẽ hình xoắn ốc, hai bên là một người đàn ông và một người phụ nữ Trung Quốc. Dựa trên các cuộc điều tra của các thầy tu dòng Tên, bản đồ đại diện cho phiên bản chính tiếp theo trong bản đồ học của Trung Quốc, theo sau bản đồ Ortelius 1584]. 


Bản đồ 3: 

Bản đồ Trung Quốc năm 1655 của Blaeu/Martini 

[Bản đồ Trung Quốc do nhà xuất bản Blaeu phát hành, dựa trên dòng Tên Martini.Amsterdam phát hành lần đầu năm 1655. Kỹ thuật: khắc bằng đồng] 

(Nguồn: www.helmink.com/Antique_Map_Blae...hina.jpg) 

Bản đồ 4: 

Bản đồ Trung Quốc năm 1781 của Bellin, J.N 

[Bản đồ Trung Quốc với Hàn Quốc và Đài Loan. Tiêu đề trang trí theo hình xoắn ốc ở ba góc. Phát hành không phổ biến của Ý. Các thị xã, thành phố chính được thấy với một điểm màu đỏ (Hàn Quốc ở phía bắc với các khu định cư chính. Sông và núi cho thêm chi tiết địa hình). Đảo Hải Nam được tô màu xanh và là giới hạn phía Nam của Trung Quốc]. 

Nguồn: (http://www.swaen.com/antique-map-of.php?id=9652) 

Bản đồ 5: 

Bản đồ năm 1812 của Trung Quốc (mười tám tỉnh) của Arrowsmith và Lewis, được in ở Boston bởi Thomas & Andrews

[Mặc dù được vẽ từ năm 1812, bản đồ này không thể hiện chính xác Trung Quốc (mười tám tỉnh) vào năm 1812. 

- Giang Nam, Hồ Quảng, và Sơn Tây đã bị phá vỡ hồi thế kỷ 17 thành Giang Tô và An Huy, Hồ Bắc và Hồ Nam, Cam Túc và Sơn Tây. Điều này không thể hiện trên bản đồ, mặc dù xảy ra trước đó khoảng 150 năm. 

- Hải Nam và Đài Loan được thể hiện như là các tỉnh (có lẽ, vì màu sắc của nó khác nhau). Thực tế, Đài Loan đã là một tỉnh hồi năm 1885, hơn 70 năm sau khi bản đồ này đã được lập ra, trong khi Hải Nam trở thành một tỉnh hồi năm 1988, hơn 170 năm sau khi bản đồ này được lập]. 

(Nguồn: http://maps.library.umass.edu/raster/other_historical/arrow.html) 

Bản đồ 6: 

Bản đồ Trung Quốc năm 1855 của J.H. Colton 


Bản đồ 7: 

Bản đồ Trung quốc năm 1910 (thời Nhà Thanh). 

[Bản đồ rõ ràng không phải của Trung Quốc mà do người phương Tây vẽ về thời nhà Thanh, Trung đế quốc vào năm 1910 AD, một năm sau chủ quyền của Trung Quốc bị đe dọa và bị bao vây hơn 70 năm. 

Trong Bản đồ năm 1910 này, được vẽ một năm trước khi hoàng đế cuối cùng của nhà Thanh, Tuyên Thống (còn có tên Aisin-Gioro Pu Yi) thoái vị và cuối cùng đã kết thúc giai đoạn lịch sử phong kiến Trung Quốc, Trung Quốc được vẽ với ranh giới và sự xác định nhỏ nhất. Đáng chú ý là vùng Đông Bắc (Mãn Châu), và Nội Mông, cả hai vùng lãnh thổ trên danh nghĩa do Trung Quốc kiểm soát và thuộc chủ quyền của Trung Quốc được vẽ như các khu vực riêng biệt]. 

(Nguồn: http://www.drben.net/files/China/ChinaMaps-ALL/Historic_Maps/Qing_Dynasty-1644-1911/_Ancient_Maps__Asia_-_Chinese_Empire_1910-S_op_800×611.jpg) 

Bản đồ 8: 

Bản đồ của Trung Hoa Dân Quốc năm 1936 do "Sheng Bao" (nhà xuất bản của một tờ báo) xuất bản cũng đã thển hiện cực Nam của Trung Quốc cũng chỉ tới đảo Hải Nam. 


Những luận cứ và luận chứng kể trên càng được củng cố hơn khi tác chúng tôi phát hiện ra hàng loạt bản đồ cổ của Trung Quốc thì cương vực phía Nam của Trung Quốc cũng chỉ dừng lại ở đảo Hải Nam. Các học giả Trung Quốc lý giải ra sau về bằng chứng này? 

Bản đồ 9: 

Đường Đại Cương Vực Đồ (bản đồ Triều Đường) 


[Bản đồ này là của Trung Hoa Dân Quốc ấn hành dùng để giảng dạy trong nhà trường (!)]

Bản đồ 10: 

Bản đồ đời Tống vẽ trên đá 

(Đây là bản đồ Trung Quốc “Vũ Tích Đồ” [Yu Ji Tu] (bản đồ về dấu tích của vua Vũ/ Đại Vũ). Bản đồ này được khắc vào đá vào năm 1137 thời nhà Tống đặt tại khu Bi Lâm (vườn sưu tập Bia cổ) Tây An. Đại Vũ là vị vua trong thần thoại Trung Quốc ở thế kỷ thứ V tr.CN , được nhắc đến trong thiên Vũ Cống (là phần viết về địa lý trong Kinh Thư), 1 chương trong Lịch sử Cổ đại. Needham & Chavannes khẳng định rằng bản đồ gốc phải được hình thành vào thế kỷ XII. 

Mỗi ô vuông trên bản đồ tượng trưng cho100 li (đơn vị đo lường cổ của Trung Hoa). Bản đồ có diện tích tổng thể là 3 feets vuông.Đường viền biển tương đối chính xác và độ chính xác của hệ thống sông ngòi thì cực kỳ chính xác. Không rõ danh tính những nhà địa lý và họa đồ viên khởi phát làm nên tấm bản đồ này. 

Vào năm 1142, một bản sao của bản đồ được bảo tồn tại Trấn Giang (Zhenjiang), tỉnh Giang Tô (Jiangsu) do một người tên Du Trì [Yu Chi], lúc ấy là Giáo học phủ Trấn Giang. Cũng có nhắc đến một bản sao trước đó vào khoảng năm 1100, dựa trên phiên bản Chang’an. Needham xác định rằng bản đồ được sử dụng chủ yếu để dạy học sinh về các khu vực được mô tả trong thiên Vũ Cống [Yu Gong ] của Lịch sử Cổ đại Trung Quốc. 

Ảnh này được Pericles của Athens chụp từ Khoa học & văn minh Trung Hoa của tác giả Joseph Needham: Chương 13, Mathematics and the Sciences of the Heavens and the Earth (Toán học & Khoa học của Thiên đường & trái đất), trang PLATE LXXXI, trang 547-549). 


Bản đồ 11: 

Đại Minh Hỗn nhất đồ, được vẽ trên vải lụa vào năm 1389, nhưng với chú thích bằng tiếng Mãn Châu được viết trên giấy gió dán chồng lên bản đồ này nhiều thế kỷ sau đó. 

Đây là bản đồ Trung Quốc cổ nhất còn sót lại. 


“Tam Bảo Thái giám hạ Tây Dương” 

Với những luận chứng như đã kể trên, tính xác thực trong những chuyến hải trình chinh phục biển cả trong lịch sử Trung Quốc nhất là của Trịnh Hòa “Tam Bảo Thái giám hạ Tây Dương” cần phải được xem xét lại một cách khoa học và nghiêm túc. 

Đầu tiên có thể nói rằng, những chuyến đi của Trịnh Hòa không phải là để chinh phục biển cả cũng như không phải để củng cố hay xác lập chủ quyền trên các nơi mà ông ta đã đi qua như Thái Lan, Singapore, Malaysia, Ấn độ… huống chỉ là những quần đảo rải rác trên biển Đông mà các nhà khoa học của Trung Quốc thường nhấn mạnh! 

Bản đồ 12: 

Hành trình của Trịnh Hòa 

Sử liệu của những chuyến “Tây Dương” đã bị bị làm sai lệch bởi các học giả Trung Quốc hiện nay nhằm gây ấn tượng rằng ở thế kỷ XV, Trung Quốc đã từng thám hiểm mặt biển không thua kém gì các quốc gia Âu Châu thời kỳ tiền tư bản và coi cuộc thám hiểm của Trịnh Hòa có tầm vóc ngang hàng với Columbus. 

7 chuyến hải du của Trịnh Hòa đã đưa ra một minh chứng đầy ấn tượng về khả năng tổ chức và sức mạnh công nghệ của Trung Quốc lúc bấy giờ, nhưng đã không mở ra thời kỳ chính sách trọng thương cho đất nước này và cho cả thế giới cũng như không mở ra thời đại phát kiến địa lý (năm 1424 Minh Thành Tổ chết. Người kế nghiệp là hoàng đế Minh Nhân Tông (trị vì từ năm 1424 đến năm 1425), đã quyết định hạn chế ảnh hưởng của nội cung. Trịnh Hòa cũng đã thực hiện một chuyến đi nữa dưới thời trị vì của Minh Tuyên Tông (trị vì từ năm 1426 đến năm 1435), mở đường cho những cuộc di dân ồ ạt của người Hoa (Triều Châu, Phúc Kiến, Quáng Đông….) nhưng sau đó những chuyến tàu giao thương của người Trung Quốc đã chính thức chấm dứt. Nhà Minh bắt đầu chính sách bế quan tỏa cảng bằng chỉ dụ Hải cấm). 

Nhưng có một điều chắc chắn, đó là các sự hỗ trợ của chính quyền cho hoạt động hàng hải đã suy giảm nghiêm trọng sau các chuyến đi của Trịnh Hòa. Từ đầu thế kỷ XV Trung Quốc đã phải chịu áp lực ngày càng tăng từ các bộ lạc Mông Cổ mới trỗi dậy ở phía Bắc. Năm 1421 vua Minh Thành Tổ đã dời đô từ Nam Kinh về Bắc Kinh như là một sự thừa nhận sự hiện hữu của mối đe dọa này cũng như là để gần với khu vực quyền lực của dòng họ này. Từ kinh đô mới ông có thể kiểm soát tốt hơn các cố gắng nhằm bảo vệ biên cương phía Bắc. Với phí tổn đáng kể, Trung Quốc hàng năm đều phải có các cuộc viễn chinh nhằm làm suy yếu người Mông Cổ. Các phí tổn cho các chiến dịch trên bộ này đã cạnh tranh trực tiếp với ngân sách cần thiết dành cho các chuyến thám hiểm hàng hải.Trong hoàn cảnh đó, ngân khố dành cho các chuyến thám hiểm hàng hải đơn giản là không còn nữa. 

Nói một cách khác, không giống như các chuyến thám hiểm sau này của các quốc gia châu Âu, các tàu thuyền chở của cải của người Trung Quốc dường như bị hao hụt dần đến cạn kiệt sau các chuyến đi dài, do các chuyến đi này thiếu động cơ kinh tế. Chúng chủ yếu để làm tăng uy thế của hoàng đế và các chi phí cho chuyến đi cũng như tặng phẩm cho các vị vua chúa và sứ giả nước ngoài còn lớn hơn cả các món lợi thu được từ các cống phẩm. Vì thế khi tài chính của chính quyền nhà nước bị áp lực, thì các ngân quỹ dành cho các chuyến thám hiểm hàng hải không thể có nữa. Trái lại, vào thế kỷ XVI, phần lớn các chuyến thám hiểm của người châu Âu là có đủ lãi từ các hoạt động thương mại cũng như từ thành công trong việc xác lập một chế độ cai trị thuộc địa, sự chiếm đoạt các nguồn tài nguyên và đất của bản xứ đã có thể tự trang trải, cho phép họ có thể tiếp tục thám hiểm mà không liên quan nhiều đến ngân khố quốc gia.(6) 

Tóm lại, tư duy biển của các nhà cầm Trung Quốc từ thời Trung đại cho đến trước năm 1949 cũng chỉ là tư duy tập trung vào “nội địa”, đối phó với Mông Cổ và vùng Trung Á, xem biển là rào chắn thiên nhiên đối với bên ngoài, chỉ cần lệnh “Hải Cấm” là đủ vì vậy ý thức chủ quyền biển đảo của các chế độ ở Trung Hoa dừng lại đảo Hải Nam và không vượt quá hải đảo ven bờ cận duyên. Tư duy nầy đã phản ánh rõ nét khi chúng ta khảo sát các bản đồ của chính người Trung quốc vẽ (như bản đồ 8-9-10-11-13) ở trên, phù hợp với những bản đồ cổ của người phương Tây trong suốt thời gian tương ứng (xem bản đồ từ 1-7) . Hơn thế nữa, lãnh thổ của nước Trung Hoa ở theo sách lược phương Nam của Tôn Trung Sơn cũng chỉ dừng lại ở đảo Hải Nam như bản đồ dưới đây. 

Bản đồ 13: 

Bản đồ: “TÔN TRUNG SƠN TIÊN SINH kiến quốc PHƯƠNG LƯỢC ĐỒ” 


[Tôn Dật Tiên, còn gọi là Tôn Văn hay Tôn Trung Sơn (12/11/186612/3/1925) là nhà cách mạng dân chủ Trung Quốc, người lãnh đạo cuộc cách mạng Tân Hợi năm 1911 lật đổ triều đại Mãn Thanh và khai sinh nước Trung Hoa Dân Quốc. Ông đã nêu ra chủ thuyết “Tam dân” (dân tộc độc lập, dân quyền tự do, dân sinh hạnh phúc). Ông được người Trung Hoa gọi yêu mến là “Quốc phụ Trung Hoa”]. 

Bản chất của chính sách Đại Minh đã được phân tích rõ: “Trong tình hình tài chính phủ phê, Vĩnh Lạc đế(nhà Minh) tích cực thúc đẩy chính sách vươn ra bên ngoài để chứng tỏ uy thế của mình, xem Trung Hoa là trung tâm của thế giới. Về mặt mậu dịch trên biển, Vĩnh Lạc đế đã kế thừa “Hải cấm chính sách” của Hồng Vũ đế không những ngăn cấm thương gia Trung Quốc ra bên ngoài mua bán mà còn cấm chỉ việc đóng tàu viễn dương, buộc những tàu đi biển khơi chuyển sang tàu chuyện chở đường thủy nội địa có cấu tạo bằng đáy ngang, Vĩnh lạc đế khống chế việc giao thương của thương nhân Trung Quốc nhưng lại mở rộng việc mậu dịch triều cống (7), ông ta liên tục gửi các đoàn sứ thần sang Triều Tiên,Việt Nam, Xiêm La, Chân Lạp, Java…Từ năm 1405 Vĩnh Lạc quyết tâm cho một đoàn tàu đi về Nam Hải với qui mô lớn chưa từng thấy và đã chọn Trịnh Hòa, vốn là người theo đạo Hồi vượt đại dương tất cả 7 lần, dài 10 vạn hải lí với số tùy tùng, phục dịch trên 27.000 người/lần trong suốt 28 năm”. (8) 

Tất cả điều nầy cho thấy chủ thuyết “Hán-di”(tư tưởng lấy nước Trung Hoa là trung tâm và các chư hầu chung quanh là man di mọi rợ) đã hình thành sau khi Nhà Minh chinh phục được Mông Cổ ở phương bắc và Việt Nam ở phương Nam. 

Ban lãnh đạo nhà nước Trung Quốc ngày nay cố tình nhấn mạnh tên tuổi của Trịnh Hòa còn có giá trị khác phù hợp với ý chí của Trung Quốc hiện đại: “Trịnh Hòa từng khoanh vùng ở Đông Nam Á và Trung Quốc đã từng vươn ra các châu lục”(!). 

2. Chính phủ Pháp ở Đông Dương có liên tục thực thi chủ quyền của Việt Nam trên hai quần đảo Hoàng Sa-Trường Sa trong thời kỳ 1909-1945 hay không? 

Khi nhắc đến hai quần đảo Hoàng Sa-Trường Sa, người Pháp đã nhận xét: 

“Quần đảo Hoàng Sa gồm những đảo nổi tiếng trong biên niên sử hàng hải qua chuyện mắc cạn của tàu “l’Amphirite”, chiếc tàu đầu tiên của Pháp dưới thời vua Louis XIV, đi từ Pháp qua Trung Quốc (1698). 

Quần đảo nhỏ này có vị trí ở khoảng vĩ độ giữa Huế và Đà Nẵng, chia làm hai nhóm: nhóm Croissant (Trăng Khuyết), ở gần bán đảo Đông Dương nhất, và nhóm l’Amphitrite (An Vĩnh), xa về phía Đông. Vị trí địa lý của quần đảo không ra ngoài phạm vi lãnh thổ của vua An Nam, Gia Long, đã đặt chủ quyền từ năm1806. 

Nhóm Trường Sa, được biết dưới tên nhóm đảo Tempête (Bão Tố) nằm ở vị trí mà phần lớn thuộc Đông Dương, cùng vĩ độ của quần đảo Côn Lôn. Một nhóm khoảng 14 đảo, Trường Sa trải rộng ở phía đông nam của Paradang, phía nam của Hoàng Sa, 594 dặm về phía Nam đảo Hải Nam. Các đảo này có nhiều đảo san hô, là nơi trú ẩn của vô số chim biển; là một vị trí tuyệt vời cho thủy phi cơ trong vùng Đông nam Á, nằm giữa khoảng cách giữa bán đảo Đông Dương và Bornéo”.(9) 

Cho đến trước năm 1909, thế giới đã chứng kiến một sự kiện chưa từng có tiền lệ: quân đội của một nước da vàng đánh thắng quân đội của một nước da trắng. Đó là cuộc chiến tranh Nga-Nhật (1904-1905). 

Đây là một thắng lợi đầu tiên của một nước châu Á trước một cường quốc châu Âu trong thời kỳ hiện đại. Uy thế của Nhật Bản tăng lên nhanh chóng và bắt đầu được coi là một cường quốc đầu thế kỷ XX. Chủ nghĩa Đại Đông Á đang trên đà thẳng tiến. 

Trước đó, trong cuộc chiến tranh Trung-Nhật (1894-1895) và chiến thắng cũng đứng về phía Nhật Bản nên đã làm cho giới lãnh đạo Trung Quốc lúc bấy giờ thức tỉnh, họ bắt đầu coi trọng đại dương và chiến lược hướng ra đại dương cũng bắt đầu từ đó. Và phương Nam vẫn là hướng bành trướng truyền thống của các nhà nước phương Bắc. 

Trong bối cảnh ấy, tầm quan trọng của hai quần đảo Hoàng Sa-Trường Sa đã được nhận thức lại: “Các đảo nhỏ, đá ngầm mà trước đây chưa bao lâu, gây cản trở và làm người ta né tránh, thì hôm nay lại là chủ đề để người ta nghiên cứu, đặt tham vọng, và thay đổi quan điểm ngoại giao. Hậu quả là, người ta phát hiện ra những điều mà trước đây đã bỏ qua: đó là nơi có thể làm căn cứ không quân, điểm để quan sát và tuần cảnh trên biển”.(10) 

Đầu năm 1907, Nhật Bản chiếm Đông Sa (Pratas), Tổng Đốc Quảng Đông lúc bấy giờ là Trương Nhân Tuấn đã nhiều lần trình lên cho triều đình Nhà Thanh ở Bắc Kinh để thương thảo với chính phủ Nhật trả lại. Bộ Ngoại Giao Trung Quốc điện cho Tổng Đốc Trương Nhân Tuấn giao thiệp với lãnh sứ Nhật ở Quảng Châu để giành lại đảo này. Đến ngày 7/10/1907, Nhật Bản trao lại đảo này cho Trung Quốc. Như vậy, sự kiện Nhật Bản nhòm ngó đảo Đông Sa vào năm 1907 làm cho các nhà cầm quyền miền Nam Trung Quốc quan tâm đến các đảo trên Biển Đông. 

Năm 1909, vì cho rằng quần đảo Hoàng Sa là vùng đất vô chủ, và sợ Nhật Bản đánh chiếm, lần đầu tiên chính quyền Quảng Đông (Trung Quốc) đã lập một ủy ban quản lý vùng và lệnh cho đô đốc Lý Chuẩn tiến hành cho khảo sát Hoàng Sa. Quá trình tranh chấp biển Đông của Trung Quốc có thể nói rằng đã bắt đầu từ đây. 

“Vào năm 1909, hai tàu chiến nhỏ của Trung Hoa đến từ Quảng Châu, bất ngờ, buộc 2 người Đức giao nộp tài liệu khảo sát về quần đảo trong vòng 24 giờ, nhưng họ loan một mẫu tin trong một tờ báo lớn ở Quảng Châu, ngày 20 tháng 6, một tin quan trọng khôi hài: ‘Teo-tai-Li, như đã nói, là đã vẽ một bản đồ tổng quát về các đảo mà ông đã khám phá và 15 bản đồ riêng của cùng những đảo đó ( trong vài giờ !)” (11) 

Báo La Nature số 2916 ngày 1-11-1933 

Xác nhận sự kiện trên, báo Advertiser số ra ngày thứ Ba, 29/6/1909 đã viết: 

“Tin từ cảng Darwin hôm 28/6 – một nguồn tin từ Trường Sa (Hồ Nam, Trung Quốc) cho biết Trung Quốc vừa tiến hành một sứ mạng chính thức với sự tham dự của cả các sĩ quan chỉ huy cấp cao, đó là ra thăm quần đảo Hoàng Sa trên 3 pháo hạm Fupao, Chinhao và Kwong Kum để thượng cờ rồng (Long kỳ - cờ Thanh triều Trung Quốc) tại quần đảo này. Đảo Hữu Nhật bị đổi tên thành đảo Fupao, đảo Cây thành đảo Chinhao sau khi hai con tàu trên tới các đảo này. Điều này cho thấy người Trung Quốc đang nhắm tới việc biến Du Lâm Cảng (Zulinkan) thành căn cứ phía Nam cho hải quân Trung Quốc trong tương lai”.(12) 

Cũng trên báo Advertiser số ra ngày thứ Hai, 5-7-1909, tiếp tục đưa tin: 

“Đô đốc Le và Taotai Li, những người vừa ghé thăm quần đảo Hoàng Sa, đã trình tấu cho Phó Vương Quảng Đông là hai đảo Fuk-Po và Mo-Huk có thể được dùng để làm thương cảng, và một cây cầu sẽ nối liền hai đảo. Họ cho biết các cơ sở làm nông nghiệp, sản xuất muối, và nghề cá có thể được duy trì trên những đảo này”.(13) 

Tin về quần đảo Hoàng Sa trên trang 8 báo The Advertiser, ngày thứ Hai, 5-7-1909 

Từ những sự kiện kể trên, cho đến nay các học giả Trung Quốc vẫn căn cứ vào đó coi như hồ sơ pháp lý của mình để hợp thức hóa trong việc lên tiếng chủ quyền của họ trên biển Đông. Nhưng phía Trung Quốc quên rằng trong các năm 1895, 1896 khi các ngư dân ở đảo Hải Nam ra cướp đồng trên các tàu bị đắm tại Hoàng Sa như tàu Bellona của Đức và tàu Himeji Maru của Nhật, chính phủ Anh đã phản kháng và Trung Quốc tuyên bố chính thức là quần đảo nầy không thuộc về mình.(14) 

Trong khi ấy, sau khi Hoà ước Giáp Thân (1884), là Hoà ước được Triều đình Huế kí với nước Pháp công nhận cuộc bảo hộ của Pháp và kể từ đây thực dân Pháp đặt nền bảo hộ trên toàn cõi Việt Nam.Thực dân Pháp sẽ thay mặt Việt Nam trong những quan hệ ngoại giao với nước ngoài bên cạnh là đảm bảo chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam. Cũng theo tinh thần của Hòa ước Giáp Thân, thực dân Pháp tiếp tục thực thi chủ quyền của Việt Nam trên hai quần đảo Hoàng Sa-Trường Sa. 

Trong khoảng thời gian từ 1894-1899, Pháp đã đạt được nhiều lợi ích từ Đông Dương, Trung Quốc và đạt được về nguyên tắc những lợi ích căn bản tại đây, nhưng cũng kể từ thời gian này, chính sách của chính phủ Pháp chú trọng đặc biệt vào châu Phi. Nhưng chúng tôi thấy rằng không vì lợi ích kinh tế ở Châu Phi và những khó khăn ở Đông Dương (lúc đầu người Pháp không mấy quan tâm đến Hoàng Sa) thực dân Pháp vẫn tiếp tục duy trì chủ quyền của Việt Nam trên hai quần đảo Hoàng Sa-Trường Sa: 

“Cần nhắc lại rằng trong khoảng năm 1899, M. Doumer, khi đó là Thống đốc Toàn quyền Đông Dương, đã ra lịnh xây dựng một hải đăng trên đảo Hoàng Sa. Một dự án đã được viết hoàn tất. Dự án này đã bị ngưng trệ một cách lặng lẽ trong khối nhiệm vụ của một quan toàn quyền”.(15) 

Dự án này tuy được Toàn quyền Paul Doumer ủng hộ nhưng bất thành vì thiếu ngân quỹ. Giải thích về vấn đề, Báo La Nature có nhận xét: “Chính phủ Pháp, đã thiết lập sự đô hộ của họ đối với An Nam mà những hòn đảo này thuộc lãnh thổ của An Nam, nên Pháp có quyền sở hữu và trách nhiệm coi sóc đối với lãnh thổ mới này. Phải nhận thấy rằng họ đã hoàn toàn phớt lờ trách nhiệm cho đến hôm nay. Lý do vì lợi tức ít oi hoàn toàn không biện bạch được cho việc thờ ơ này”.(16) 

Tuy nhiên, hải quân Pháp vẫn tuần tiễu vùng biển để giữ an ninh và cứu giúp các thuyền bị đắm: “Từ thời kỳ này đến 1920, quần đảo Hoàng Sa chìm vào quên lãng. Trong thời kỳ này, tàu của sở thuế Đông Dương thỉnh thoảng ghé nơi này nơi kia giữa các đảo của quần đảo, khi thì can thiệp giữa các người đánh cá Trung Hoa và An Nam khi họ hành nghề ở đó, bước đầu họ phải vất vả đánh bắt sản vật biển để sau đó đem bán cùng với các sản vật biển khác mà phụ nữ và trẻ em thu lượm được, khi thì ngăn chận bọn buôn lậu vũ khí và á phiện”.(17) 

Bên cạnh việc giữ gìn an ninh trên biển, năm 1917, 1918 trong các báo cáo của chính quyền Pháp tại Đông Dương, có đề cập đến việc cần thiết lắp đặt đài radio TSF, trạm quan sát thời tiết, hải đăng trên quần đảo Hoàng Sa. Điều này cho thấy Pháp sớm quan tâm quản lý, thực thi chủ quyền Hoàng Sa trong Đông Dương thuộc Pháp. (18) 

Chúng ta thấy rằng, từ cuối năm 1918, sự kiểm soát của Pháp trên biển Đông rất gắt gao, chính vì thế Nhật Bản phao tin là Pháp giành quyền khai thác phốt-phát. 

Năm 1920 khi tàu Khuou Maru ở Kobe thuộc tập đoàn Mitsui Busan Kaisha chở phốt phát khai thác từ đảo Phú Lâm bị tàu chiến Pháp Espadon bắt mới rõ là tàu Nhật này đã được Hải quân Pháp đóng ở Sài Gòn xem như cho phép vì chỉ đánh giá về mặt quân sự. Cũng trong năm này, Công ty Mitsui Busan Kaisha xin phép Pháp khai thác quần đảo Hoàng Sa nhưng Pháp từ chối. 

“Trong bản tường trình cho Bộ Thuộc Địa tại Paris viết ngày 20 tháng ba năm 1930, chính phủ thực dân Pháp tường thuật rằng vào năm 1927 Lãnh Sự Nhật Bản tại Hà Nội, ông Kurosawa, đã thay mặt chính phủ Nhật Bản hỏi Pháp về tình trạng một số đảo trong vùng biển Đông. Nhưng Lãnh Sự Nhật Bản tuyên bố rằng, theo chỉ thị của chính phủ Nhật Bản, quần đảo Hoàng Sa dứt khoát không được bàn đến, vì Nhật Bản không hề tranh luận chủ quyền của Hoàng Sa với Pháp” vì đã tự ý đặt Hoàng Sa dưới sự cai quản của chính phủ thuộc địa của Nhật ở Đài Loan.(19) 

Mặt khác, ngày 30/1/1921, Chính quyền miền Nam Trung Quốc ra quyết định sáp nhập hành chánh quần đảo Hoàng Sa (mà họ gọi là Tây Sa) vào huyện Châu Nhai, đảo Hải Nam, tỉnh Quảng Đông đã làm cho chính quyền Pháp ở Đông Dương ngày càng quan tâm hơn đến vấn đề chủ quyền của An Nam đối với quần đảo Hoàng Sa.Từ đây sự tranh chấp giữa Trung Quốc và Pháp về chủ quyền trên quần đảo Hoàng Sa đã trở thành điểm nóng. 

Tuy hành động xâm phạm chủ quyền của Trung Quốc chỉ diễn ra trên giấy tờ, nhưng Pháp cho rằng đây là hành vi nghiêm trọng. Khâm sứ Trung Kỳ LeFol viết trong thư ngày 22-1-1926 gửi Toàn quyền Đông Dương: “Sau khi Trung Quốc có yêu sách vào năm 1909, vì nước Pháp thay mặt nước An Nam về quan hệ đối ngoại theo Hiệp ước bảo hộ, đáng lẽ phải khẳng định quyền của nước được bảo hộ đối với các đảo hữu quan, thì trái lại hình như hoàn toàn không quan tâm đến vấn đề, như vậy làm lợi cho người Trung Quốc và dường như họ chuẩn bị cho việc nắm quyền sở hữu chính thức đối với các đảo đó”. Cũng trong bức thư trên, ông LeFol cho biết, Thượng thư Bộ Binh Thân Trọng Huề của Nam Triều đã có văn thư ngày 3-3-1925 khẳng định: “Các đảo nhỏ đó [quần đảo Hoàng Sa] bao giờ cũng là sở hữu của nước An Nam, không có sự tranh cãi trong vấn đề này”.(20) 

Ngày 8/3/1921, Toàn quyền Đông Dương tuyên bố hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa là lãnh thổ của Pháp. 

Trước tình hình đó, trong bài báo La perte du Haiphong của tạp chí L'Eveil économique de l'Indochine số 394 xuất bản tại Hà Nội ngày 28/12/1924 đã kêu gọi về sự cần thiết phải chiếm giữ và xây dựng các công trình trên quần đảo Hoàng Sa, lợi ích của việc xây hải đăng trên đảo Tri Tôn.(21) 

Sự kiểm soát biển Đông có hiệu quả của chính quyền thực dân Pháp đã dẫn đến điều kiện cho phép các cuộc thám hiểm khoa học trên quần đảo Hoàng Sa. 

“Một cuộc khảo sát về độ sâu vào năm 1926 được tàu De Lanessan của Sở nghiên cứu hải dương và nghề cá Đông Dương thực hiện, với sự điều hành của D’A. Kempf, giám đốc Sở. Chuyến khảo sát đã ghi nhận thành phần cấu trúc duy nhất của đất đá trên các đảo và đảo nhỏ là đá vôi san hô, trên bề mặt là một lớp san hô sống, cát và sỏi đá vôi. 

Người ta cũng thấy có một tầng đá vôi phos-phat dày chừng 1m với hàm lượng axit phos-pho-ric từ 23-25% trong tầng mặt, 42% ở tầng sâu (Phân tích của giám đốc phòng thí nghiệm hóa học Sàì gòn, M.Michel-chú thích của tác giả bài báo). 


Sự khám phá ra mỏ khoáng này, thật có lợi như ta đã thấy, nhưng cho đến nay, chỉ có một công ty Nhật, vào năm 1920, được giấy phép của Tư lệnh hải quân Sài Gòn đến khai thác mỏ trên đảo Phú Lâm và Hữu Nhật. Một số lượng phosphat nào đó đã được đưa về qua một đoạn đường sắt nhỏ dẫn đến một cầu tàu dài 300m, nơi cập bến”.(22) 

Hơn nữa, dường như khó có thể tiến hành khai thác nghề cá dưới dạng công nghiệp trên vùng đá san hô của quần đảo Hoàng Sa. “Quả vậy, những báo cáo của phái đoàn nghiên cứu của tàu De Lanessan nói rằng, dù tìm thấy có rất nhiều loài cá ở đó, nhưng cấu tạo của đáy biển ven bờ gây khó khăn cho việc dùng lưới, công việc mà người ta không thể thực hiện được trong vài phút ở vùng đáy biển gồ ghề nơi có đầy san hô đang sinh trưởng. Cuộc khảo sát đáy biển này, đoàn nghiên cứu đã thực hiện bằng phương cách chiếu sáng, cho phép Sở Nghiên cứu hải dương và nghề cá Đông Dương ghi nhận các loài sinh vật biển chưa được biết đến ở đó cũng như có thể trao đổi qua lại giữa các thành viên trong đoàn về số liệu của những khối san hô và độ sâu các vùng trũng phân cách chúng. Nhưng phải nói là rất ấn tượng với khối nước 20m này, nó trong suốt như thủy tinh với những loài cá nhiều màu sắc rực rỡ lượn qua lại giữa các loài san hô đa dạng”.(23) 

Mặc dù “Có vẻ như việc khai thác này không đem lại hiệu quả nên các công trình xây dựng từ lâu bị bỏ phế: cầu tàu, xe goòng, xà lan xi măng, máy chưng cất, v.v…Việc khai thác, thực tế có vẻ không hữu dụng: gió mạnh, tiếp tế lương thực tốn kém và sự an toàn khi chuyên chở hàng hóa rất bấp bênh. Hơn nữa, dường như khó có thể tiến hành khai thác nghề cá dưới dạng công nghiệp trên vùng đá san hô của quần đảo Hoàng Sa. Quả vậy, những báo cáo của phái đoàn nghiên cứu của tàu De Lanessan nói rằng, dù tìm thấy có rất nhiều loài cá ở đó, nhưng cấu tạo của đáy biển ven bờ gây khó khăn cho việc dùng lưới, công việc mà người ta không thể thực hiện được trong vài phút ở vùng đáy biển gồ ghề nơi có đầy san hô đang sinh trưởng”.(24) 

Nhưng “Tốt hơn là các quy định này được lập ra khi chính phủ đặt trên khối đá ngầm này một hải đăng hiệu quả cho phép tàu đi biển không gặp nguy hiểm khi đi gần đến đó. Sẽ rất tuyệt vời nếu đặt thêm vào nơi đó một trung tâm thông tin khí tượng, ở nơi có nhiều cơn bão chính đi qua trong vùng biển Trung Hoa, để tổ chức và hoạt động của trung tâm này đưa ra những cảnh báo thời tiết.(25) 

Chính vì vậy, D’A. Kempf đã đề xuất thiết lập một đài quan sát và một ngọn hải đăng và nếu có thể là một bến cảng tại Hoàng Sa để có chỗ cho ngư dân tránh bão và bảo vệ ngư dân An Nam.(26) 


“Quyền hạn pháp lý của Pháp vững chắc, và yên ổn đủ để cho phép các cuộc thám hiểm khoa học trên quần đảo Hoàng Sa. Một danh sách đáng kể gồm các công trình nghiên cứu khoa học trong mọi lãnh vực đã được công bố bởi các viện thuộc địa và học giả. Từ 1925, sau sứ mạng khoa học lần đầu tiên trên thuyền De Lanessan do các khoa học gia thuộc Hải học viện Nha Trang nổi tiếng thực hiện, những kiến thức về quần đảo Hoàng Sa được thu thập nhiều”.(27) 

Nhưng quan trọng hơn hết, Viện Hải dương học sau hai năm nghiên cứu và đo đạc đã chứng minh một cách chính xác rằng: “Quần đảo Hoàng Sa nằm trên một cao nguyên chìm dưới biển và dính liền với lục địa Việt Nam”. Ðây là một bằng chứng khoa học càng sáng tỏ hơn giá trị lịch sử về chủ quyền hợp pháp của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa. Ðúng như lời kết luận của tiến sĩ Krempt, Giám đốc Viện Hải học Ðông Dương, rằng: “Về phương diện địa chất, những đảo Hoàng Sa là một phần của Việt Nam”. Các nhà nghiên cứu hải học, như ông Oliver A. Saix và ông Marcel Beauvoix đều có kết luận như vậy.(28) 

Năm 1927, Pháp cho đặt một trạm khí tượng hạng nhất tại đảo Hoàng Sa và một trạm phong vũ biểu tại đảo Ba Bình. Đây là 2 đài khí tượng nằm trong hệ thống được quốc tế thừa nhận.(29) 

Trong một báo cáo năm 1933 về tình hình kinh tế, tài chính của chính quyền thuộc địa Pháp tại Đông Dương có nói những hoạt động chính của tàu De Lanessan trong chuyến khảo sát quần đảo Trường Sa. Các đảo được khảo sát gồm có đảo An Bang (Amboyna Cay), Đá Tây (Récif London Ouest), Đá Chữ Thập (Fiery Cross), đảo Ba Bình (Itu Aba) và cụm Tizard, đảo Loại Ta, Đá Subi, đảo Thị Tứ, đảo Song Tử Đông (Cay de l'Alerte) và cụm Song Tử (North Danger) (30) đã chứng chứng tỏ chính phủ Pháp đã có trách nhiệm trong việc chiếm hữu, khai thác liên tục và có hiệu quả trên vùng biển Đông thuộc chủ quyền của Việt Nam. 

“Bằng những hành động kể trên, người Pháp nhận lấy pháp quyền và trách nhiệm giao nhượng cho họ từ người Việt Nam bị bảo hộ, tiếp tục bảo đảm quyền hạn pháp lý thay mặt cho người Việt Nam. Tuy nhiên, khi đối diện với yêu sách không căn cứ và hành động bất hợp pháp của Trung Hoa về quần đảo Hoàng Sa năm 1932, người Pháp cảm thấy cần phải có biện pháp phòng thủ. Từ năm 1909, Trung Quốc thỉnh thoảng đòi chủ quyền trên đảo. Một lần trong năm 1909, chính quyền tỉnh Kuang Tung [Quảng Đông] cho tàu chiến ra thám hiểm đảo. Ngày 20 tháng ba, 1921 tỉnh trưởng Kuang Tung ký một sắc lệnh kỳ lạ sát nhập quần đảo Hoàng Sa vào lãnh thổ đảo Hải Nam. Tuy nhiên, hành động của ông không ai biết đến, vì nó chỉ được ghi chép trong văn bản của địa phương, do đó thế giới không biết đến để bình phẩm hoặc chống lại. Tuy Trung Quốc không đưa người ra chiếm đảo, nhưng Pháp thấy rằng những hành động đó khiến Pháp phải ra tay trước. Thí dụ, năm 1930 thủy thủ đoàn trên tàu La Malicieuse đổ bộ lên nhiều đảo trong quần đảo Hoàng Sa để cắm cờ và mốc chủ quyền”.(31) 

Ngày 8-3-1925, Toàn quyền Đông Dương ra tuyên bố khẳng định quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa là lãnh thổ Pháp. Tháng 11-1928, Thống đốc Nam Kỳ cấp giấy phép nghiên cứu mỏ ở quần đảo Trường Sa cho Công ty Phosphat Bắc Kỳ Mới. Trong thư ngày 20-3-1930, Toàn quyền Đông Dương gởi cho Bộ trưởng Bộ Thuộc địa Pháp xác nhận: “Cần thừa nhận lợi ích nước Pháp có thể có trong việc nhân danh An Nam, đòi chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa”. 

Năm 1929, sứ bộ Perrier-De Rouville đề nghị xây dựng bốn đèn pha ở bốn góc quần đảo Hoàng Sa (trên các đảo Tri Tôn, Linh Côn, bãi Đá Bắc, Bom Bay). 

Năm 1927, với tựa đề “Chronique des mines” tác giả bài báo đã đề cập đến việc quần đảo Hoàng Sa là một phần của An Nam nhưng chính phủ Pháp đã không có những hành động thiết thực để chứng minh chủ quyền của An Nam khi đó là nước được Pháp bảo hộ và để cho Trung Quốc nghiễm nhiên coi Hoàng Sa là của Trung Quốc (32). 

Đứng trước tình hình đó, “Ngày 4-12-1931 và ngày 24-4-1932, Pháp phản kháng Chính phủ Trung Quốc về việc chính quyền Quảng Đông lúc đó có ý định cho đấu thầu khai thác phân chim trên quần đảo Hoàng Sa”.(33) 

Ngày 15-6-1932, chính quyền thuộc địa Pháp ra Nghị định số 156-SC ấn định việc thiết lập một đơn vị hành chính gọi là quận Hoàng Sa tại quần đảo Hoàng Sa. 

Năm 1933, chính quyền Pháp quyết định thiết lập chủ quyền trên quần đảo Trường Sa. 

Báo Le journal officiel trong số báo ngày 1 tháng 7 năm 1933, đã đăng tải một thông tin liên quan đến việc các đơn vị hải quân Pháp chiếm hữu một số đảo và đảo nhỏ nằm trong vùng biển Đông, giữa các đảo của Philippines, Bornéo và Đông Dương. 

“Pháp đã biết đến nhóm đảo này, vào ngày 13 tháng 4 năm 1930, bởi tàu chiến nhẹ “La Malicieuse”. Ngày 7 và 10 tháng 4 năm 1933, đảo đã được đặt cột mốc xác định chủ quyền bởi các thông báo hạm “Astrolabe” và “Alerte”; cuối cùng vào ngày 25 tháng 4 năm 1938, một cột cờ đã được dựng lên bởi tuần dương hạm “Duguay-Trouin”.(34) 

“Sự chiếm hữu tiến hành theo nghi thức cổ xưa – đó là một văn bản được thảo ra và các thuyền trưởng ký thành 11 bản – Mỗi đảo nhận một văn bản, được đóng kín vào trong một cái chai rồi được gắn trong một trụ xi măng xây trên mỗi đảo tại một điểm ấn định và cố định trên mặt đất, người ta kéo lên lá cờ tam tài và thổi kèn trên từng hòn đảo”.(35) 

Cáo thị sát nhập đăng trên báo “Journal Officiel” ngày 26 tháng 7 năm 1933. 

“Công bố quyền thủ đắc do chiếm cứ các đảo do các đơn vị Hải Quân Pháp thực hiện.” 

Chính phủ Pháp quốc nay long trọng công bố sự kiện chiếm cứ các đảo nêu trên do Hải Quân 

Pháp thực hiện. 

1. Trường Sa, tọa lạc tại vĩ tuyến 8 độ 39 Bắc và 111 độ kinh Tuyến Đông cùng một số đảo nhỏ khác trong vùng.(Chiếm cứ ngày 13 tháng 4 năm 1930). 

2. Cồn Am Bang (Amboine) tọa lạc tại vĩ tuyến 7 độ 52 Bắc và kinh tuyến 115 độ 55 Đông cùng một số đảo nhỏ trong vùng.(Chiếm cứ ngày 7 tháng 4 năm 1933). 

3. Đảo Ba Bình (Ita Aba) tọa lạc tại vĩ tuyến 10 độ 2 Bắc và kinh tuyến 114 độ 21 Đông cùng một số đảo khác trong vùng.(Chiếm cứ ngày 10 tháng 4 năm 1933). 

4. Nhóm hai đảo tọa lạc tại vĩ tuyến 111 độ 29 Bắc, kinh tuyến 114 độ 21 Đông cùng một số đảo nhỏ khác trong vùng (36).(Chiếm cứ ngày 10 tháng 4 năm 1933). 

5. Loại Tá (Loaita) tọa lạc tại vĩ tuyến 10 độ 42 Bắc kinh tuyến 114 độ 25 Đông cùng một số đảo nhỏ khác.(Chiếm cứ ngày 12 tháng 4 năm 1933). 

6. Đảo Thị Tứ (Thitu) tọa lạc tại vĩ tuyến 11 độ 7 Bắc và kinh tuyến 114 độ 16 Đông cùng một số đảo khác.(Chiếm cứ ngày 12 tháng 4 năm 1933). 

Tất cả các đảo nêu trên sẽ thuộc chủ quyền của nước Pháp kể từ ngày hôm nay (công bố nầy có hiệu lực hủy bỏ tất cả các công bố được liệt vào sổ bộ trước đây). 

Ngày 25 tháng 7 năm 1933. 

Ngày 24-7-1933, Pháp đã thông báo cho Nhật Bản việc Pháp đưa quân ra đóng các đảo chính trong quần đảo Hoàng Sa, Nhật Bản lên tiếng phản đối nhưng bị Pháp bác bỏ. 

Ngày 21-12-1933, thống đốc Nam Kỳ M. J. Krautheimer ký Nghị định sáp nhập các đảo Trường Sa, An Bang, Itu Aba, nhóm Song Tử(36), Loại Ta và Thị Tứ vào địa phận tỉnh Bà Rịa



Người Pháp cũng tiếp tục thực hiện những cuộc thăm dò khoa học các đảo thuộc quần đảo Trường Sa sau năm 1933. Ví dụ như tài liệu nghiên cứu địa lý và địa chất đảo Trường Sa rất giá trị đã được để tham khảo trong bản tường trình số 22 của Hải Học Viện Đông Dương. 



Tháng 10 năm 1937, chính quyền Đông Dương dựng lên trên đảo Hoàng Sa một hải đăng khuyết quang mà phạm vi quét của đèn chiếu khắp nhóm đảo Trăng Khuyết; kế đến, năm 1938, đặt trên đảo Phú Lâm, xa về phía Đông, một trạm khí tượng để dự báo bảo và một ngọn hải đăng để an toàn đi lại trên biển.(37) 



Ngày 29-3-1938, vua Bảo Đại ký Dụ tách quần đảo Hoàng Sa khỏi địa hạt tỉnh Nam Nghĩa: 

“Chiếu chỉ các Cù lao Hoàng Sa (Archipel des iles Paracels) thuộc về chủ quyền nước Nam đã lâu đời và dưới các tiền triều, các Cù lao ấy thuộc về địa hạt tỉnh Nam Nghĩa: đến đời Đức Thế Tổ Cao Hoàng Đế vẫn để y như cũ là vì nguyên trước sự giao thông với các Cù lao ấy đều do các cửa bể tỉnh Nam Nghĩa. 

Chiếu chỉ nhờ sự tiến bộ trong việc hàng hải nên việc giao thông ngày nay có thay đổi, vả lại viên Đại diện Chánh phủ Nam triều uỷ phái ra kinh lý các cù lao ấy cùng quan Đại diện Chánh phủ bảo hộ có tâu rằng nên tháp các cù lao Hoàng Sa vào địa hạt tỉnh Thừa Thiên thời được thuận tiện hơn. 

Dụ: 

Độc khoản: Trước chuẩn tháp nhập các cù lao Hoàng Sa (Archipel des iles Paracels) vào địa hạt tỉnh Thừa Thiên: về phương diện hành chánh, các cù lao ấy thuộc dưới quyền quan Tỉnh hiến tỉnh ấy”. (38) 

Dụ số 10 của hoàng đế Bảo Đại ký ngày 29-3-1938 

Ngày 15-6-1938 toàn quyền Đông Dương Jules Brévié ký Nghị định thành lập một đơn vị hành chính tại quần đảo Hoàng Sa thuộc tỉnh Thừa Thiên. Nhưng ngày 5-5-1939 toàn quyền Đông Dương Jules Brévié ký Nghị định sửa đổi nghị định ngày 15-6-1938 nói trên và thành lập tại quần đảo Hoàng Sa hai cơ quan hành chánh: “Croissant et indépendences” và “d’Amphitrite et indépendences”.

Cũng trong năm 1938, Pháp dựng bia chủ quyền trên quần đảo Hoàng Sa, riêng trên đảo Hoàng Sa, bia chủ quyền mang dòng chữ: 

Répubique Francaise (Cộng hòa Pháp Quốc) 

Empire d’Annam (Đế chế An Nam) 

Archipel des Paracels (Quần đảo Hoàng Sa) 

1816-Ile de Pattle-1938 (Đảo Hoàng Sa 1816-1938) 

Bìa chủ quyền Hoàng Sa của Việt Nam 

Ảnh: chụp tại phòng lưu trữ tư liệu Hoàng Sa, Đà Nẵng 

Song song với sự kiện dựng bia chủ quyền trên đảo Hoàng Sa, báo Tiếng Dân ngày 31 tháng 3 năm 1938 đã đưa tin: 

“Một phái đoàn gồm M.gauthier, kỹ sư trưởng của Sở Hàng hải Hải Phòng, M.Sirène, Giám Đốc Sở Hải dương Nha Trang, Thuyền trưởng của các tàu Aviso, La Marne, Hydragrapha, Astrolabe, P.Bert đã đến quần đảo Hoàng Sa, có vị trí ở phía đông Đà Nẵng, để khánh thành một hải đăng trên đảo Pattle, nằm ở giữa hải trình Saigon-Hongkong. Công trình xây dựng đã hoàn tất”. 

Báo Tiếng Dân ngày 31/3/1938 

(Nguồn: http://www.jacar.go.jp) 

Ngày 3 tháng 7 năm 1938, Bộ Ngoại Giao Pháp công bố về việc Pháp chiếm hữu quần đảo Hoàng Sa: “Do sự đáng chú ý của việc chiếm lĩnh quần đảo Hoàng Sa, mà vào tháng 7 năm 1938, Đại sứ của ta [Pháp] ở Tokyo nhắc lại sự sát nhập quần đảo Trường Sa trước đây vào nước Pháp”(39) 

Nước Nhật đã phản ứng lại sự kiện này, họ cho rằng “từ năm 1917 người Nhật đã khai thác mỏ phốt-phát trên hòn đảo chính, người ta chưa bao giờ chú ý rằng chỉ có một người Pháp duy nhất đến sống ở đó”(40). Chính vì vậy ngày 31-3-1938 Tokyo đã cáo thị với Đại sứ Pháp rằng “quần đảo Hoàng Sa là đất của Nhật Bản, đã được đặt dưới luật pháp của Nhật Bản, sát nhập cai trị với lãnh thổ Đài Loan; sự chiếm đóng được bảo đảm bằng một đội cảnh sát biệt phái”(41). 

Tháng 7-1938, Hãng thông tấn Domei, cơ quan báo chí chính thức của Tokyo, đã công bố một công hàm nói rằng theo tin tức từ Hongkong, có sáu tàu chiến Pháp đang hoạt động bảo vệ quần đảo Hoàng Sa và rằng, chủ nhật vừa qua, hai tàu vận tải Pháp đã mang đến đó vũ khí, đạn dược và lương thực dự trữ. 

Ngày 14-7-1938, Nhật báo La Croix đã khẳng định: “Cần nhắc lại rằng quần đảo Hoàng Sa là một nhóm các đảo nhỏ và đá ngầm nhô trên mặt nước có vị trí nằm ở phía Nam đảo Hải Nam, đối diện với Đông Dương và vừa mới đây có một ít lính Đông Dương được gởi tới đây để bảo vệ trạm phát sóng T.S.F và ngọn hải đăng mà chính quyền Pháp đã xây dựng trên miền đât này, và hơn nữa, đảo này thuộc về thuộc địa của chúng tôi”.(42) 

Ngay sau đó Nhật Bản thay đổi thái độ, báo Le Journal ngày 21/8/1938 đã đưa tin: 

“Paris , 20 tháng 8 (1938). Theo một công bố của Bộ Ngoại Giao Pháp chiều hôm qua, chính phủ Nhật Bản đã chấp nhận quan điểm của Pháp về việc chiếm đóng quần đảo Hoàng Sa của quân đội Pháp. Công bố cũng nhắc lại rằng Nhật Bản đã từng tranh cãi về quyền chiếm hữu quần đảo này, một vị trí có tầm quan trọng trên tuyến đường biển giữa Trung Hoa và Đông Dương. 

Quyết định của chính phủ Nhật đã được đón nhận tốt đẹp ở Paris và công bố cũng nói rằng với thiện chí song phương , tất cả những khác biệt về chính trị có thể sẽ được giải quyết – Transocean” 

Bản tin trên báo Le Journal ngày 21/8/1938 

Nhưng với ý đồ chiếm giữ Hoàng Sa và Trường Sa, ngày 31/3/1939, Bô Ngoại giao Nhật Bản ra tuyên bố gửi tới Đại sứ Pháp ở Nhật Bản khẳng định Nhật Bản là người đầu khám phá Trường Sa vào năm 1917 và tuyên bố Nhật kiểm soát Trường Sa. 

Ngày 4-4-1939, chính phủ Pháp gởi một công hàm phản đối chống lại các quyết định tuyên bố chủ quyền của Nhật Bản và đề nghị cùng chọn giải pháp trọng tài. Công hàm bị phía Nhật từ chối. Cần nhắc lại rằng, Pháp được Anh ủng hộ trong cuộc tranh luận ngày 5 tháng 4 năm1939 tại Hạ Nghị Viện, đại diện Bộ Ngoại Giao Anh đã khẳng định chủ quyền quần đảo Trường Sa trọn vẹn thuộc nước Pháp. Nước Pháp tiếp tục quản lý 2 quần đảo Hoàng Sa-Trường Sa cho đến năm 1956 khi họ rút hết quân đội khỏi Đông Dương theo tinh thần Hiệp định Genève 1954. Mãi đến tháng 5 năm 1956, sau khi Tomas Cloma thiết lập cái gọi là “ Đất Tự do” (Freedomland) của ông ta thì Đặc Sứ Pháp tại Manila đã nhắc nhở chính phủ Philippines về quyền hạn của nước Pháp đến từ việc chiếm đóng vào năm 1933.(43) 

Do nhu cầu thiết lập đầu cầu xâm chiếm Đông Nam Á, năm 1938, Nhật Bản đã nhanh chóng chiếm đảo Phú Lâm và 1939 đánh chiếm đảo Ba Bình của Trường Sa. Cho đến ngày 9 tháng 3 năm 1945, ngày Nhật Bản đảo chính Pháp tại Đông Dương, Nhật mới bắt làm tù binh các đơn vị lính Pháp đóng ở các đảo Hoàng Sa. 

Kể từ đây lịch sử tranh chấp hai quần đảo Hoàng Sa-Trường Sa bước sang một giai đoạn mới: chiến tranh thế giới lần thứ hai. 

Nhận xét: 

Mãi đến đầu thế kỷ 20, năm 1909, trước sự đe doạ của chủ nghĩa bành trướng Nhật Bản, và biến thành Chủ thuyết Đại Đông Á trong thế chiến thứ hai,Trung Quốc mới bắt đầu chú ý tới quần đảo và sau này, trong những năm 1928, 1932, biểu hiện ý đồ tranh giành chủ quyền khi Chính phủ Nhật Bản đặt vấn đề chủ quyền của quần đảo Hoàng Sa với chính quyền bảo hộ ở Đông Dương nhưng đã không có hành động chiếm cứ hay xác minh cụ thể. 

Theo GS Urano Tatsuo, sau khi Đài Loan và một số đảo trong bán đảo Liêu Đông, Bành Hồ và nhiều bãi đá hoang đã trở thành thuộc địa của Nhật Bản theo hòa ước Shimonoseki giữa hai nước Nhật-Thanh (1895), nhà buôn khai thác tài nguyên của Nhật đã đổ xô đi tìm và phát hiện nguồn phân lân phong phú của đảo Đông Sa (Pratas) khi tàu buôn của họ lạc vào đảo nầy vào năm 1902 và nhảy vào khai thác đã làm cho chính quyền Quảng Đông (Trung Hoa Dân Quốc) nóng lòng bắt đầu quan tâm đến vấn đề “chủ quyền”, trong khi ở Đông Sa từ trước đến nay vẫn là đảo hoang như nhiều đảo khác rải rác trong quần đảo Hoàng Sa.... Việc Nhà Thanh lại không đồng ý khi Nhật Bản khai thác phân chim trên đảo Đông Sa (mà đảo nầy Nhật Bản đã mua của Nhà Thanh), hay việc cho hải quân vội vã ra chiếm đảo Ba Bình (Itu Aba) thuộc quần đảo Trường Sa - do Pháp chiếm giữ trước đó dưới danh nghĩa giải giới quân đội Nhật đang chiếm đóng trên đảo này - ngay sau khi thế chiến thứ hai kết thúc là những ví dụ chứng minh. 

Nhân đây, xin nhắc lại một điểm quan trọng cần được nhấn mạnh là trong khi nghiên cứu đề tài này, chúng tôi chưa thấy có công trình nào đề cập đến ngoại trừ tài liệu nghiên cứu của NNC Hồng Lê Thọ (chưa công bố), có những điểm đáng lưu ý như sau: 

- Một là, sau khi thua trận trong chiến tranh Trung-Nhật, Nhà Thanh đã kí Hiệp ước Shimonoseki ngày 17/4/1895 (Trung Quốc gọi là Hiệp ước Mã Quan), theo đó Nhà Thanh nhượng cho Nhật Bản vĩnh viễn chủ quyền đầy đủ của quần đảo Bành Hồ, Đài Loan và phần phía đông vùng biển của bán đảo Liêu Đông cùng với tất cả các tài sản có trên đó như: công sự, kho vũ khí, ...và khu vực nầy(44) không bao gồm 2 quần đảo Hoàng Sa-Trường Sa, điều đó có nghĩa là 2 quần đảo nầy đã không được xem là thuộc chủ quyền của Trung Hoa (nhà Thanh)! Điều nầy hoàn toàn phù hợp với việc các bản đồ Trung Quốc vẽ trong thời kì nầy đã xem Hải Nam là vùng cực Nam của Trung Quốc. Mặt khác, qua sự kiện tàu buôn La Bellona của Đức bị chìm vì đá ngầm vào năm 1885 và tàu Himeji của Nhật bị đắm vào năm 1896 đã bị nhà đương cuộc Trung Hoa ở đảo Hải Nam từ chối trách nhiệm cứu vớt với lý do những vùng nầy không thuộc lãnh hải và quyền quản hạt của Trung Hoa cho thấy rằng chí ít đến cuối thế kỷ 19, nhà đương cuộc Trung Hoa xem những quần đảo nầy là đảo hoang, không thuộc về Trung quốc lẫn Vương Quốc An Nam.(xem chú thích ở dưới, rằng Vương Quốc An Nam không có chủ quyền là sai)(45) 

Như vậy Hiệp ước Shimonoseki ngày 17/4/1895 giữa Trung-Nhật cho thấy rằng những phần đất mà Nhà Thanh nhượng cho Nhật Bản trên bản đồ nằm ở từ 119o-120o kinh Đông, và từ 23o-24o vĩ Bắc phù với miêu tả trong Trung Quốc địa lý học giáo khoa thư, biên soạn năm 1905, xuất bản năm 1906: “Phía Nam từ vĩ độ Bắc 18o13’, tận cùng là bờ biển Nhai Châu, đảo Hải Nam, phía Bắc đến vĩ độ 53o50’, tận cùng là chỗ gặp nhau giữa sông Hắc Long Giang và sông U-xu-ri; phía Tây đế kinh tuyến 42o11’ tận cùng là núi Tùng Lĩnh, Nam Bắc gồm hơn 36 vĩ độ, rộng hơn 7.100 dặm. Đông Tây gồm hơn 61 độ, dài hơn 8.800 dặm. Diện tích 32.605.156 dặm vuông, chiếm ¼ Châu Á, 1/10 lục địa thế giới, lớn hơn cả Châu Âu”. 

Trung Quốc địa lý học giáo khoa thư 

- Hai là, trong những năm đầu của thế kỷ 20, khi Trung Hoa Dân Quốc lên nắm quyền thay nhà Thanh, Nhật Bản tiếp tục khai thác phosphate ở các đảo ở Hoàng Sa thì xảy ra tranh chấp chủ quyền giữa Pháp với Nhật Bản, kết quả là Nhật Bản phải tôn trọng chủ quyền Việt Nam mà Pháp đang cai trị ở Đông Dương, điều nầy có nghĩa Trung Quốc thời kỳ Trung Hoa Dân Quốc cũng không xác định lãnh thổ của họ ở biển Đông cho đến năm 1947. Khi thương nghị với các nước thuộc phe đồng minh về việc giải giới và xử lý đối với Nhật Bản sau chiến tranh, trong Tuyên bố Postdam đưa ra ngày 24/7/1945 giữa Harry S. Truman (Tổng thống Hoa Kỳ), Winston Churchill (Thủ tướng Anh) và Tưởng Giới Thạch (Tổng thống Trung Hoa Dân Quốc) - theo nội dung Hội Nghị Postdam (17/7/1945) - cũng đã không yêu cầu “thu hồi” Hoàng Sa và Trường Sa là nơi quân đội Nhật Bản đã chiếm cứ trong thế chiến thứ hai về cho Trung Quốc vì một lẽ đơn giản là hai quần đảo nầy không thuộc Trung Hoa. Điều nầy là lý do giải thích vì sao tại Hội nghị San Francisco 1951 sau đó, các nước đồng minh đã không yêu cầu Nhật Bản trao trả cho Trung Quốc “quần đảo Tân Nam” (新南諸島-Shinnan Shoto- Trường Sa) và một phần quần đảo Hoàng Sa mà quân đội Nhật đã chiếm đóng, xây dựng căn cứ quân sự trong thế chiến thứ hai. 

Sau này, theo nhận xét về những tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc đối với quần đảo Trường Sa lúc bấy giờ, học giả Samuels đã nhận xét: “Những tuyên bố của Trung Quốc trên các quần đảo Trường Sa bị suy yếu bởi một báo cáo 1928 của Ủy ban chính phủ Trung Hoa Dân Quốc cho biết các quần đảo Hoàng Sa là lãnh thổ cực Nam của Trung Quốc”(thay vì đảo Hải Nam như trước đây?!) và “điều này ít ra cũng đã cho thấy rằng quần đảo Trường Sa không được xem như là lãnh thổ Trung Quốc tại thời điểm đó”.(46) 

Nhận xét của Samuels hoàn toàn phù hợp với bản đồ của Chính phủ Trung Quốc xuất bản năm 1925. 

Bản đồ 1925 đề rõ bằng tiếng Hoa: " 特里島爲我極南地” (đặc lý đồn đảo vi ngã quốc cực nam chi địa có nghĩa là “Đảo Tri Tôn là đảo cực nam của Trung Quốc”. 

[Đảo Tri Tôn hiện tại đã được Trung Quốc đặt lại tên là 中建岛, Zhongjian Dao-Trung Kiến đảo] 

Nghiên cứu của GS Urano Tatsuo (Nhật Bản) cho biết trong suốt thời gian Việt Nam dưới chế độ thuộc Pháp, với tư cách là quốc gia “bảo hộ”, Pháp không hề khước từ chủ quyền trên hai quần đảo, khẳng định quan hệ chủ quyền và phản đối những yêu sách của Nhật Bản lẫn Trung Quốc. Mặc dù vào ngày 8 tháng 3 năm 1921 Toàn quyền Đông Dương tuyên bố hai quần đảo: Hoàng Sa và Trường Sa là lãnh thổ của Pháp nhưng mối tranh chấp chủ quyền về quần đảo Hoàng Sa giữa Pháp-Trung Hoa đã bùng lên khi Chính quyền miền Nam Trung Hoa ra quyết định sáp nhập quần đảo Hoàng Sa (mà họ gọi là Tây Sa) vào đảo Hải Nam vào ngày 30/3/1921. Cũng nên nhắc lại rằng tháng 3 năm 1925, Binh Bộ Thượng Thư Thân Trọng Huệ của triều đình Huế xác nhận thêm lần nữa là Hoàng Sa thuộc lãnh thổ Việt Nam. Tiếp đó, ngày 6/11/1925 Pháp kí hiệp ước với triều đình Huế tăng cường việc bảo hộ của Pháp, chính thức ra tuyên bố phủ nhận chủ quyền của Trung Quốc đối với quần đảo này (1927)....bắt đầu triển khai các hoạt động như phái tàu tuần dương ra canh phòng, điều tra, thăm dò và chuẩn bị đặt trạm quan trắc khí tượng, hải đăng trên đảo Hoàng Sa.Vì vậy, ngày 8-3-1925, Toàn quyền Đông Dương lần nữa ra tuyên bố khắng định quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam và đây cũng là cơ sở cho chính quyền “bảo hộ” tiếp nối việc cai quản các quần đảo một cách hợp pháp. Ngày 29/4/1932 chính phủ “bảo hộ”ở Đông Dương thông báo chủ quyền đối với Hoàng Sa cho phía Trung Hoa Dân Quốc và tiếp đên là ngày 16/6/1932 thông báo điều nầy cho phía Nhật bản.(47) 

Khi lý giải về việc Chính phủ Pháp trong 20 năm đầu thế kỷ 20 chưa quan tâm đến việc thực thi chủ quyền của Việt Nam trên biển Đông, một học giả đã nhận xét: “Về phía chính quyền thực dân Pháp, nguyên nhân chủ quan chính là do quyền lợi riêng của Chính quyền thực dân Pháp đă khiến Pháp không phản ứng kịp thời để Trung Hoa cho là đất vô chủ và đi sâu vào hành động xâm phạm chủ quyền của Việt Nam ở Ḥoàng Sa và sự thiếu hiểu biết do hạn chế của người đi đô hộ, không hiểu quan điểm của Nhà nước và nhân dân Việt Nam” (48) hoặc phía Pháp đã không “phát huy” quyền “bảo hộ” của mình đối với An Nam trước âm mưu chiếm đóng Hoàng Sa và Trường Sa của quân đội Nhật Bản, Trung Hoa Dân Quốc(!) như ý kiến của một vài chuyên gia nước ngoài. 

Có thật sự như thế không? Thử nhìn lại tình hình việc xây dựng một chế độ “tam kỳ” ở Việt Nam theo Hòa ước Patenôtre năm 1884 để thống trị của thực dân Pháp chưa hoàn tất (Nam Kỳ là xứ thuộc địa Pháp; Bắc Kỳ và Trung Kỳ là xứ Pháp bảo hộ nhưng triều đình nhà Nguyễn trên danh nghĩa vẫn được quyền kiểm soát) và tình hình xáo trộn nội trị của “mẫu quốc”, thế chiến thứ nhất bùng nổ và Pháp là nước chịu tổn thất nặng nề hơn cả và hoàn toàn bị khánh kiệt, dẫn tới đại bại của Pháp trong các cuộc chiến tranh về sau …đã không cho phép chính quyền cai trị thực dân ở thuộc địa có điều kiện để xác lập chủ quyền chính thức ở biển đảo cho đến khi “nhà nước bảo hộ thực hiện việc chiếm giữ 6 hòn đảo thuộc quần đảo Trường Sa vào năm 1933 như đã đề cập ở trên. Hơn thế nữa cuộc tranh giành chủ quyền song phương các quần đảo trên biển Đông đã diễn ra giữa ba nước Pháp-Trung Hoa-Nhật Bản vô cùng phức tạp kéo dài từ năm 1927, đến năm 1933 thì Pháp chính thức ra thông báo chủ quyền của mình cho phía Nhật Bản (24/7/1933) sau khi đã chiếm một số hòn đảo chủ yếu thuộc quần đảo Trường Sa và chính thức sát nhập vào quản hạt của tỉnh Bà Rịa. 

Tóm lại, 100 năm trước, trước khi thực dân Pháp nổ súng xâm lược Việt Nam (1858), “Họ mong ước chiếm được trong các biển gần Trung Hoa, nơi mà Hải quân Pháp không có một chỗ trú ẩn nào kể từ thế kỷ 17, mặc dù tàu thuyền họ thường xuyên qua lại vùng này, một khu vực có vị trí tương đương với vị trí Hải quân Anh và họ liền coi Việt Nam là nơi thuận tiện để đặt căn cứ hành quân sang Trung Hoa. 

Do đó, đối với mối quan tâm chính yếu của họ là hướng sang Trung Hoa, và đứng trước thế thượng phong của Hải quân Anh, thì tham vọng của các sĩ quan đối với Việt Nam vẫn còn khiêm tốn: có lẽ họ có thể bằng lòng chiếm một hòn đảo như Côn Lôn hoặc một đảo nhỏ vô danh nào đó gần Đà Nẵng”.(49) 

Mặt khác, nhìn vào danh sách 24 Thống đốc Nam kỳ thuộc Pháp từ năm 1858-1883, chúng tôi thấy có 17/24 người là sĩ quan cao cấp của Hải quân Pháp, trong đó: Phó Đô đốc là 2 người; Đề đốc là 13 người, Đại tá Hải quân là 1 người, Trung tá Hải quân là 1 người(50).Tầm quan trọng và mối quan tâm biển đảo của thuộc địa chắc chắn phải tỉ lệ thuận với binh chủng và cấp bậc của các nhà cai trị Pháp ở Đông Dương. 

Yoshiharu Tsuboi đã nhận xét: “Thuộc địa mới ở rất xa chính quốc và lẻ loi đối với các thuộc địa khác của Pháp. Chiếm hữu bởi thủy binh và chỉ có thể liên lạc bằng đường thủy, nên thuộc địa này được đặt dưới quyền của Bộ Hải quân”, và “Được thành lập vì những lý do chính trị và quân sự-còn lý do kinh tế sẽ tới sau vì thiếu những kẻ khai thác thuộc địa-khi khởi đầu, thuộc địa xuất hiện như một phạm vi lãnh địa dành riêng cho Hải quân, do sĩ quan hải quân quản trị và cho các sĩ quan đó một môi trường thăng tiến nhanh chóng”.(51). “Trên thực tế, Bộ trưởng Hải quân quyết định chính sách thuộc địa tổng quát, tùy thuộc vào những tin tức thâu lượm được từ khắp các thuộc địa mà ông kiểm soát việc cai trị.(52) 

Ngày 29/4/1932 chính phủ Pháp gửi công hàm cho Bộ Ngoại giao Trung Hoa Dân Quốc phản đối việc khai thác phân lân trên đảo Hoàng Sa, xác nhận chủ quyền quần đảo nầy vốn dĩ thuộc về An Nam từ xưa. Ngày 15/6/1932 Toàn quyền Đông Dương ra quyết định số SC-152 chính thức sáp nhập quần đảo Hoàng Sa vào tỉnh Thừa Thiên (Huế)(53). Tiếp theo đó, Tuyên bố ngày 4/7/1933 của Chính phủ Pháp xác nhận quần đảo Hoàng Sa đã được Vua nhà Nguyễn chiếm đóng từ đầu thế kỷ 19, xưa nay vốn thuộc lãnh thổ của Vương Quốc An Nam, cho biết chính quyền Đông Dương đã cho xây hải đăng kiên cố trên đảo Hoàng Sa để bảo đảm an ninh hàng hải trong vùng biển thuộc khu vực quần đảo này, xây dựng trạm quan trắc khí tượng và bố trí lính người An Nam canh phòng bảo vệ túc trực thường xuyên.Trong công hàm gửi Chính phủ Nhật bản ngày 12/7/1938, đại sứ Pháp ở Tokyo khẳng định vai trò gìn giữ an ninh trên biển Đông với hàm ý sự chi phối về chủ quyền của chính quyền “bảo hộ” Pháp trên biển Đông như sau: 

“Trãi rộng ra quần đảo Hoàng Sa, phương cách đảm bảo an toàn (an ninh) đường biển đang được thực thi ở vùng duyên hải và các đảo thuộc về Liên bang Đông Dương, mục đích của Chính phủ Pháp là thi hành đầy đủ trách nhiệm của mình nhằm đảm bảo việc đi lại trên biển quốc tế cho quần đảo Hoàng Sa và các khu vực chung quanh”.(54) 

Những tài liệu dẫn chứng trên thiết tưởng đã đủ để chứng minh một sự thật là chính quyền “bảo hộ” của thực dân Pháp ở Đông Dương đã tái xác lập chủ quyền của Việt Nam (để bảo vệ quyền lợi chính trị lẫn kinh tế của chính sách thực dân như trên đã có đề cập) trong thời kỳ chúng đô hộ, đấu tranh bác bỏ lập luận của phía Trung Quốc (trước đây là Trung Hoa Dân Quốc của Quốc Dân Đảng trong âm mưu bành trướng lâu dài của chủ nghĩa dân tộc Đại Hán mà lãnh hải hình lưỡi bò xuất hiện vào năm 1947 là một minh chứng hùng hồn nhất) và quân phiệt Nhật Bản trong thời kỳ chiếm đóng quần đảo Trường Sa trong thế chiến thứ hai dưới tên gọi “Tân Nam quần đảo”. 

3. Vấn đề công hàm ngày 14/9/1958 của Thủ tướng Phạm Văn Đồng 

Vu Hướng Đông, Giáo sư Viện trưởng Viện nghiên cứu Việt Nam, Học viện Chủ nghĩa Mác, Đại học Trịnh Châu: “Mọi người đều biết, năm 1958 trong một bức thư ngoại giao do Thủ tướng Việt Nam Phạm Văn Đồng gửi cho Thủ tướng Chu Ân Lai đã công nhận chủ quyền đối với Tây Sa và Nam Sa (Hoàng Sa và Trường Sa) là thuộc về Trung Quốc, năm 1974 lại công khai ủng hộ cuộc chiến phản kích tự vệ của Trung Quốc ở quần đảo Tây Sa…” (55) 

Lịch sử tranh chấp hai quần đảo Hoàng Sa-Trường Sa đối với Việt Nam của Trung Quốc có đúng như thế không? 

3.1 Hoàn cảnh ra đời “Tuyên bố của Chính phủ Nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa về Lãnh hải ngày 4/9/1958” 

Một là, ngày 4 tháng 9 năm 1958, trong bối cảnh của thời kỳ chiến tranh lạnh, lúc bấy giờ đang xảy ra cuộc khủng hoảng eo biển Đài Loan. Đài Loan lúc đó còn giữ hai đảo nằm giáp lãnh thổ Trung Quốc là Kim Môn và Mã Tổ. 

Ngày 26/5/1950, chiến tranh Triều Tiên bùng nổ, Tổng thống Hoa Kỳ Harry S. Truman đã ra lệnh cho Hạm đội 7 tiến vào eo biển Đài Loan, ngăn chặn cuộc tấn công của Trung Quốc nhắm vào các đảo trên eo biển Đài Loan. Với hành động này, Hoa Kỳ đã thực sự bảo hộ Đài Loan, mặc cho Trung Quốc kịch liệt lên án. Để tỏ rõ quyết tâm giải phóng Đài Loan, ngày 3/9/1954, Trung Quốc đã tấn công trừng phạt đối với các hòn đảo ven biển như Kim Môn, Mã Tổ. Ngày 11/8/1954, Thủ tướng Trung Quốc Chu Ân Lai tuyên bố sẽ “giải phóng” Đài Loan, và tăng cường pháo kích vào hai đảo Kim Môn và Mã Tổ. Ngày 12/9/1954, Chủ tịch Hội đồng Liên quân Hoa Kỳ đưa ra dự tính tấn công Trung Quốc bằng vũ khí nguyên tử nhưng Tổng thống Eisenhower đã do dự sử dụng vũ khí nguyên tử cũng như sự liên can của quân đội Hoa Kỳ vào cuộc chiến này. Năm 1958, tiếp tục xảy ra cuộc khủng hoảng eo biển Đài Loan lần thứ hai. Ngày 23/8/1958 Trung Quốc đột ngột tăng cường nã pháo vào đảo Kim Môn. Theo Hiệp định Phòng thủ tương hỗ giữa Đài Loan-Hoa Kỳ, Tổng thống Eisenhower đã ra lệnh cho tàu chiến Hoa Kỳ đến bảo vệ đường tiếp tế hậu cần từ đảo Đài Loan đến 2 đảo tiền tiêu Kim Môn và Mã Tổ. 

Hai là, Tuyên bố của Chính phủ Nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa về Lãnh hải ngày 4-9-1958 ra đời trong bối cảnh Hội nghị của LHQ về Biển khai mạc ngày 29-4-1958 và Công ước về thềm lục địa cũng được ra đời nhân dịp này (Sau khi Hội nghị của LHQ về Biển ngày 29-4-1958 thông qua bốn Công ước gồm : Công ước về lãnh hải và vùng tiếp giáp lãnh hải, Công ước về đại dương, Công ước về đánh bắt và bảo toàn các nguồn sinh vật trong đại dương và Công ước về thềm lục địa). 

Hạn chót để các quốc gia thuộc LHQ có thể ký nhận công ước này là ngày 31-10-1958. Vì không phải là một thành viên của LHQ, tuyên bố ngày 4-9-1958 của Trung Quốc là cần thiết để khẳng định những đòi hỏi của nước này về lãnh hải và vùng tiếp cận. 

Sau đây là toàn văn tuyên bố: 

“Tuyên bố của Chính phủ Nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa về Lãnh hải (Ðược thông qua trong kỳ họp thứ 100 của Ban Thường vụ Đại hội đại biểu Nhân dân toàn quốc ngày 4 tháng 9 năm 1958) 

Cộng Hòa Nhân Dân Trung Hoa nay tuyên bố: 

(1) Chiều rộng lãnh hải của nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa là 12 hải lý. Ðiều lệ này áp dụng cho toàn lãnh thổ nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, bao gồm phần đất Trung Quốc trên đất liền và các hải đảo ngoài khơi, Ðài Loan và các đảo phụ cận, quần đảo Bành Hồ, quần đảo Ðông Sa, quần đảo Tây Sa, quần đảo Trung Sa, quần đảo Nam Sa, và các đảo khác thuộc Trung Quốc (tách biệt khỏi đất liền và các hải đảo khác bởi biển cả). 

(2) Các đường thẳng nối liền mỗi điểm căn bản của bờ biển trên đất liền và các đảo ngoại biên ngoài khơi được xem là các đường căn bản của lãnh hải dọc theo đất liền Trung Quốc và các đảo ngoài khơi. Phần biển 12 hải lý tính ra từ các đường căn bản là hải phận của Trung Quốc. Phần biển bên trong các đường căn bản, kể cả vịnh Bohai và eo biển Giongzhou, là vùng nội hải của Trung Quốc. Các đảo bên trong các đường căn bản, kể cả đảo Dongyin, đảo Gaodeng, đảo Mazu, đảo Baiquan, đảo Niaoqin, đảo Ðại và Tiểu Jinmen, đảo Dadam, đảo Erdan, và đảo Dongdinh, là các đảo thuộc nội hải Trung Quốc. 

(3) Nếu không có sự cho phép của Chính Phủ Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, tất cả máy bay nước ngoài và tàu bè quân sự không được xâm nhập hải phận Trung Quốc và vùng trời bao trên hải phận này. Bất cứ tàu bè nước ngoài nào di chuyển trong hải phận Trung Quốc đều phải tuyên thủ các luật lệ liên hệ của Chính Phủ Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa. 

(4) Ðiều (2) và (3) bên trên cũng áp dụng cho Ðài Loan và các đảo phụ cận, quần đảo Bành Hồ, quần đảo Ðông Sa, quần đảo Tây Sa, quần đảo Trung Sa, quần đảo Nam Sa, và các đảo khác thuộc Trung Quốc. 

Ðài Loan và Bành Hồ hiện còn bị cưỡng chiếm bởi Hoa Kỳ. Ðây là hành động bất hợp pháp vi phạm sự toàn vẹn lãnh thổ và chủ quyền của Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa. Ðài Loan và Bành Hồ đang chờ được chiếm lại. Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa có quyền dùng mọi biện pháp thích ứng để lấy lại các phần đất này trong tương lai. Các nước ngoài không nên xen vào các vấn đề nội bộ của Trung Quốc”. 


Phê chuẩn của hội nghị lần thứ 100 của Ban Thường vụ 

Đại hội đại biểu nhân dân toàn quốc ngày 4-9-1958 

(Nguồn: http://law.hku.hk) 

Nhưng đó chỉ là những nguyên nhận trực tiếp, còn nguyên nhân sâu xa là tham vọng về lãnh thổ của Trung Quốc đã không đạt được trong Tuyên bố Cairo 1943, Tuyên ngôn Potsdam 1945 và Hòa ước San Francisco 1951. 

Tuyên cáo Cairo 1943 

Vào cuối năm 1943, trong lúc chiến tranh đang ở mức độ ác liệt nhất thì các nhà lãnh đạo cấp cao của Hoa Kỳ, Anh và Trung Hoa Dân Quốc đã bí mật gặp nhau tại Cairo, thủ đô Ai Cập, từ 23 đến 27 tháng 11 năm 1943 (56) để thảo luận các chiến lược tiêu diệt phe Trục (Đức-Ý-Nhật). Ngày 26/11/1943, Tổng thống Hoa Kỳ Franklin D. Roosevelt, Thủ tướng Anh Winston Churchill và Tổng thống Trung Hoa Dân Quốc Tưởng Giới Thạch đã ký một bản tuyên cáo chung (thường được gọi là Tuyên cáo Cairo) trong đó có đoạn viết: 

“Đối tượng của các nước này [tức là của ba nước Đồng minh] là phải tước bỏ quyền của Nhật Bản trên tất cả các đảo ở Thái Bình Dương mà nước này đã cưỡng chiếm từ khi có Chiến tranh thế giới thứ nhất năm 1914 và tất cả các lãnh thổ Nhật Bản đã cướp của người Trung Hoa, như là Mãn Châu, Đài Loan và Bành Hồ, phải được hoàn trả Trung Hoa Dân Quốc. Nhật Bản cũng sẽ phải bị trục xuất khỏi các lãnh thổ khác đã chiếm được bằng vũ lực và lòng tham”. (57) 

Đọc đoạn trích dẫn trên chúng ta thấy Tuyên cáo Cairo có hai quy định quan trọng: 

- Một là, chỉ có các đất Mãn Châu, Đài Loan và Bành Hồ được hoàn trả cho Trung Quốc mà thôi. 

- Hai là, các lãnh thổ khác mà Nhật Bản chiếm được thì bản tuyên cáo này chỉ quy định việc trục xuất Nhật Bản, chứ không hề nói tới việc hoàn trả chúng cho Trung Quốc 

Như vậy, chúng ta thấy rằng, cho đến cuối năm 1943, mặc dù Tổng thống Tưởng Giới Thạch đại diện duy nhất cho Trung Quốc tuyên bố chủ quyền đối với Hoàng Sa và Trường Sa tại hội nghị Cairo, nhưng ông ta cũng không đề cập đến những quần đảo này trong bản tuyên bố chung cuộc. 

Nếu hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa thực sự thuộc chủ quyền của Trung Quốc thì không có lý gì họ Tưởng chỉ đòi hoàn trả có Mãn Châu, Đài Loan và Bành Hồ mà lại không đòi luôn Hoàng Sa và Trường Sa. 

Tuyên ngôn Potsdam 1945 

Quyết định của 3 cường quốc Hoa Kỳ, Anh, Trung Hoa Dân Quốc tại Hội nghị Cairo được tái xác nhận trong một hội nghị thượng đỉnh khác nhóm họp tại Potsdam từ 17/7 đến 2/8/1945 để ấn định các điều kiện cho Nhật Bản đầu hàng. Tổng thống Hoa Kỳ, Thủ tướng Anh (58) và Tổng thống Trung Hoa Dân Quốc đã ra một tuyên ngôn (thường gọi là Tuyên ngôn Potsdam) ngày 26/7/1945 trong đó có ghi là “các điều khoản của bản Tuyên cáo Cairo sẽ được thi hành”. (59) 

Tại hội nghị Potsdam này, các nhà lãnh đạo Tam cường đã quyết định chia Đông Dương làm hai khu vực để cho tiện việc giải giới quân đội Nhật Bản đóng tại đây. Vĩ tuyến thứ 16 được chọn làm ranh giới: việc giải giới ở khu vực Bắc vĩ tuyến ủy thác cho quân đội Trung Hoa (quân Tưởng Giới Thạch) và ở khu vực phía Nam do liên quân Anh - Ấn đảm nhận.(60) 

Vì quần đảo Hoàng Sa nằm ở giữa hai vĩ tuyến thứ 15 và 17 nên việc giải giới quân đội Nhật trú đóng ở đây thuộc thẩm quyền của quân Tưởng. Trái lại, việc giải giới ở quần đảo Trường Sa phải do liên quân Anh - Ấn đảm nhận do lẽ quần đảo này nằm giữa hai vĩ tuyến thứ 8 và 12. 

Ngày 26/10/1946, lợi dụng thời cơ, hạm đội đặc biệt của Trung Hoa Dân Quốc xuất phát từ cảng Ngô Tùng gồm 4 chiến hạm, mỗi chiếc chở một số đại diện của các cơ quan và 59 binh sĩ thuộc trung đội độc lập về cảnh vệ của hải quân để giải giáp quân đội Nhật Bản. Ngày 29 tháng 11 năm 1946, các tàu Vĩnh Hưng và Trung Kiên tới đảo Hoàng Sa và đổ bộ lên đây. Tàu Thái Bình và Trung Nghiệp đến Trường Sa. 

Tuyên cáo Cairo lẫn Tuyên ngôn Potsdam chỉ cho phép Trung Hoa Dân Quốc giải giới quân đội Nhật Bản ở quần đảo Hoàng Sa mà thôi, chứ không có nghĩa là cho phép Trung Hoa Dân Quốc thu hồi quần đảo này song song với việc giải giới quân đội Nhật Bản ở quần đảo Trường Sa và thu hồi quần đảo đó. 

Vì thế việc chiếm đóng và thu hồi hai quần đảo này của Trung Hoa Dân Quốc là bất hợp pháp và vi phạm nghiêm trọng luật quốc tế vì làm trái với quyết định của Tuyên cáo Cairo và Tuyên ngôn Potsdam. 

Hòa ước San Francisco 1951 

Đầu tháng 9 năm 1951, theo lời mời của Chính phủ Hoa Kỳ, 51 quốc gia trước kia đã từng tham gia hay có liên hệ tới cuộc chiến chống xâm lược Nhật Bản từ năm 1939 đến năm 1945 đã tham dự Hội nghị Hòa bình nhóm họp ở thành phố San Francisco (Hoa Kỳ) để thảo luận vấn đề chấm dứt tình trạng chiến tranh và tái lập bang giao với Nhật Bản. Điểm đáng chú ý là cả Trung Quốc và Đài Loan đều không được mời tham dự hội nghị. 

Trong hội nghị, vấn đề chính là thảo luận bản dự thảo hòa ước do hai nước Anh và Hoa Kỳ đề nghị ngày 12/7/1951. Ngày 8/9/1951, ngoại trừ Liên Xô, Ba Lan và Tiệp Khắc, các nước tham dự hội nghị đã ký hòa ước với Nhật Bản. (61) 

Tại hội nghị này cho thấy hai quần đảo Hoàng Sa-Trường Sa được bao gồm trong vấn đề giàn xếp về lãnh thổ trong toàn văn Điều 2 của Hiệp ước: 

Chương 2: Lãnh Thổ 

Điều 2: 

a) Nhật Bản, công nhận nền độc lập của Hàn Quốc, từ bỏ chủ quyền và yêu sách đối với Hàn Quốc, bao gồm đảo Quelpart, Port Hamilton và Dagelet. 

b) Nhật Bản từ bỏ chủ quyền và yêu sách đối với Đài Loan và Pescadores. 

c) Nhật Bản từ bỏ tất cả quyền, chủ quyền, và yêu sách về đảo Kurile, một phần của đảo Sakhalin và những đảo lân cận mà Nhật Bản làm chủ do kết quả của Hòa ước Portsmouth ngày 5 tháng 9 năm 1905. 

d) Nhật Bản từ bỏ quyền, chủ quyền, và yêu sách liên quan đến việc uỷ nhiệm của Hội Quốc Liên, và chấp nhận quyết định của Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc ngày 2 tháng 4 năm 1947, mở rộng hệ thống quản trị đối với các đảo Thái Bình Dương nguyên thuộc quyền quản trị của Nhật Bản. 

e) Nhật Bản từ bỏ tất cả mọi yêu sách về quyền hay chủ quyền hay quyền lợi liên quan đến bất cứ nơi nào ở Nam cực, cho dù xuất phát từ những hoạt động của Nhật hay bất cứ quốc gia nào khác. 

f) Nhật Bản từ bỏ tất cả quyền, chủ quyền hay yêu sách về quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa 

Chúng ta thấy rằng Hiệp ước không nêu tên nước nào sẽ làm chủ những lãnh thổ do Nhật Bản bỏ lại. Tuy nhiên, từ những điều trên, rất rõ ràng là mỗi đề mục đều liên quan đến quyền của một quốc gia, thí dụ: 

- mục (b): quyền liên quan đến Trung Quốc 

- mục (c): quyền liên quan đến Liên Xô 

- mục (d): quyền liên quan đến Hoa Kỳ 

- mục (f): quyền liên quan đến Việt Nam 

Ngày 5/9/1951, trong phiên họp toàn thể thứ 2 của hội nghị San Francisco, đại biểu Liên Xô Andrei A. Gromyko sau khi chỉ trích tính cách bất hợp pháp và sự vô nghĩa của bản dự thảo hòa ước của Anh - Mỹ để ký với Nhật Bản đã đưa ra một đề nghị 7 điểm gọi là để hướng dẫn việc ký kết hòa ước thực sự với Nhật Bản. Điểm 6 đề nghị trao trả hai quần đảo Hoàng Sa-Trường Sa cho Trung Quốc. 

“1. Thay đổi về điều 2. 

(a) Thay vì đề mục (b) và (f) là đoạn văn sau đây: Nhật Bản công nhận chủ quyền toàn vẹn của nước Cộng hòa Nhân Dân Trung Hoa ở Mãn Châu, Đài Loan (Formosa) với những đảo lân cận của nó, đảo Penlinletao (The Pescadores), đảoTunshatsuntao (The Pratas Islands), cũng như quần đảo Sishatsunta và Chunshatsuntao (quần đảo Hoàng Sa, nhóm đảo Amphitrites, Maxfield) và quần đảo Nanshatsuntao bao gồm quần đảo Trường Sa, đồng thời Nhật Bản từ bỏ tất cả quyền, chủ quyền và yêu sách đối với những lãnh thổ nói trên”. 

Trong phiên họp lần thứ 8 của Hội Nghị. Chủ tịch hội nghị đã loại bỏ yêu cầu này của Liên Xô ra khỏi nghị trình qua cuộc bầu phiếu với tỷ lệ 46 phiếu chống, 3 phiếu thuận và một phiếu trắng. 

Hai ngày sau, ngày 7/9/1951 Thủ tướng kiêm Ngoại trưởng Trần Văn Hữu, trưởng phái đoàn Quốc gia Việt Nam (62), đã lên tiếng tái xác định chủ quyền của Việt Nam trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa trước 51 phái đoàn ngoại giao như sau: 

“Et comme il faut franchement profiter de toutes occasions pour étouffer les germes de discorde, nous affirmons nos droits sur les îles Spratley et Paracels qui, de tout temps, ont fait partie du Viet Nam”. 

Tạm dịch là: “Và để tận dụng không ngần ngại mọi cơ hội để dập tắt những mầm mống bất hòa, chúng tôi khẳng định chủ quyền của chúng tôi trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa từ xưa đến nay vẫn thuộc cương vực Việt Nam”. (63) 


Lời tuyên bố của Đoàn đại biểu Quốc gia Việt Nam tại Hội nghị San Francisco (1951). 
(Đăng trong tạp chí France-A’e số 66-67 Novembre-Décembre, 1951) 

Lời tuyên bố của Trần Văn Hữu đã được Hội nghị San Francisco ghi vào biên bản và trong tất cả 51 phái đoàn, không có một phái đoàn nào phản đối. Điều này được coi như là sự chấp nhận toàn vẹn chủ quyền của Việt Nam trên hai quần đảo Hoàng Sa-Trường Sa. Bản tuyên bố của Thủ tướng Trần Văn Hữu xác nhận chủ quyền đã hiện hữu, vì vậy nó có tác dụng đối với tất cả, ngay cả đối với những quốc gia không có mặt tại hội nghị (theo Điều 25 của Hiệp ước Hòa bình San Francisco năm 1951 thì không giao cho các nước [chủ quyền các vùng lãnh thổ mà Nhật từ bỏ] nếu các nước này không ký kết và thông qua Hiệp ước. Cả hai phía Cộng Hoà Nhân Dân Trung Hoa, Trung Hoa Dân Quốc đều không tham gia ký kết Hòa ước). (64) 

Thủ tướng Trần Văn Hữu, Trưởng phái đoàn Quốc gia Việt Nam 

kí hòa ước San Francisco ngày 8/9/1951 

Bên cạnh đó, trong bản tuyên bố ngày 5/5/1952(65) về hòa ước mà Trung Hoa Dân Quốc đã ký với Nhật Bản ngày 28.4.1952, Chu Ân Lai không nói gì đến hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, mặc dù hai quần đảo này đã được đề cập tới trong điều 2 của hòa ước như sau: 

“Điều 2. Hai bên nhìn nhận là theo điều 2 Hòa ước với Nhật Bản ký ngày 8 tháng chín năm 1951 tại San Francisco ở Hoa Kỳ, Nhật Bản đã khước từ mọi quyền, danh nghĩa hay đòi hỏi liên quan đến Đài Loan (Formosa) và Bành Hồ (the Pescadores), cũng như quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa”. (66) 

Theo điều khoản này, Nhật Bản chỉ nhắc lại việc khước từ chứ không nói rõ là Nhật Bản hoàn trả hai quần đào này cho Trung Hoa Dân Quốc. 

Ngày 8.2.1955, 12 năm sau khi tham dự hội nghị và ký bản Tuyên cáo Cairo, Tưởng Giới Thạch vẫn còn nhắc lại là: 

“Trong thông cáo công bố vào lúc bế mạc hội nghị, chúng tôi đã tuyên bố là tất cả các lãnh thổ do Nhật Bản ‘cướp’ của Trung Hoa, kể cả Đông Tam Tỉnh, Đài Loan và Bành Hồ phải được hoàn trả lại cho Trung Hoa Dân Quốc. Lời tuyên bố này đã được bản Tuyên ngôn Potsdam công nhận và Nhật Bản chấp nhận khi nước này đầu hàng”. (67) 

Tóm lại, về phía Việt Nam – nước tham gia Hội nghị San Francisco với tư cách là thành viên của khối Liên hiệp Pháp(68) – tuyên bố của phái đoàn Quốc gia Việt Nam về chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa trong Hội nghị mà không có sự phản đối nào của các nước tham gia cũng chính là sự thừa nhận của các nước Đồng minh về chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo này. 

Hơn nữa, Điều 2 của Hiệp ước Hòa bình với Nhật Bản có hiệu lực đã tái lập sự toàn vẹn lãnh thổ cho những quốc gia bị quân Nhật chiếm đóng trong Thế chiến hai. Do đó, việc Nhật Bản tuyên bố từ bỏ tất cả các quyền, danh nghĩa và đòi hỏi đối với quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa cũng có nghĩa là Nhật Bản trả lại chủ quyền của hai quần đảo mà nước này chiếm đóng trong giai đoạn 1939-1945 cho Việt Nam. Chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa-Trường Sa tất yếu thuộc về Việt Nam. 

3.2 Công hàm ngày 14/9/1958 của Thủ tướng Phạm Văn Đồng 

Sau Tuyên bố của Chính phủ Nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa về Lãnh hải ngày 4/9/1958, ngày 14/9/1958, Thủ tướng nước VNDCCH Phạm Văn Đồng gửi bức công hàm cho Thủ tướng Chu Ân Lai với nguyên văn như sau: 

“Thưa đồng chí Tổng lý 

Chúng tôi xin trân trọng báo tin để đồng chí Tổng lý rõ: 

Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ghi nhận và tán thành bản tuyên bố, ngày 4-9-1958, của Chính phủ nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, quyết định về hải phận của Trung Quốc. 

Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tôn trọng quyết định ấy và sẽ chỉ thị cho các cơ quan Nhà nước có trách nhiệm triệt để tôn trọng hải phận 12 hải lý của Trung Quốc, trong mọi quan hệ với nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa trên mặt bể. 

Chúng tôi xin gửi đồng chí Tổng lý lời chào rất trân trọng”. 

Hà Nội, ngày 14 tháng 9 năm 1958 

PHẠM VĂN ĐỒNG 

Thủ tướng Chính phủ 

Nước Việt-nam dân chủ cộng hoà (69) 

Chúng ta thấy rằng công hàm ngày 14/9/1958 của Thủ tướng Phạm Văn Đồng phù hợp với hoàn cảnh và mối quan hệ đặc thù giữa Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (VNDCCH) và Cộng hòa nhân dân Trung Hoa bấy giờ, nội dung Công hàm cũng được thể hiện rất thận trọng, đặc biệt là không hề có việc tuyên bố từ bỏ chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. 

Nhưng công hàm ngày 14/9/1958 có hai nội dung rất rõ ràng: 

- Chính phủ VNDCCH ghi nhận và tán thành việc quyết định về hải phận của Trung Quốc. 

- Chính phủ VNDCCH chỉ thị cho các cơ quan nhà nước tôn trọng giới hạn lãnh hải 12 hải lý mà Trung Quốc tuyên bố. 

Chính vì vậy chính phủ Trung Quốc đã coi công hàm ngày 14/9/1958 của Thủ tướng Phạm Văn Đồng như một bằng chứng pháp lý về chủ quyền của họ đối với hai quần đảo Hoàng Sa-Trường Sa. 

Công hàm ngày 14/9/1958 của Thủ tướng Phạm Văn Đồng 


Giải thích vấn đề này, ông Nguyễn Mạnh Cầm đã nhấn mạnh: “Các nhà lãnh đạo của chúng tôi đã có tuyên bố lúc trước về Hoàng Sa và Trường Sa dựa trên tinh thần sau: Lúc đó, theo Hiệp định Geneve 1954 về Đông Dương, các lãnh thổ từ vĩ tuyến 17 về phía nam, bao gồm cả hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa là đặt dưới sự kiểm soát của chính quyền miền Nam. Hơn nữa, Việt Nam đã phải tập trung tất cả các lực lượng quân sự cho mục tiêu cao nhất để chống lại cuộc chiến tranh hung hãn của Mỹ, nhằm bảo vệ nền độc lập quốc gia. Việt Nam đã phải kêu gọi sự ủng hộ của bè bạn trên toàn thế giới. Đồng thời, tình hữu nghị Hoa-Việt rất thân cận và hai nước tin tưởng lẫn nhau. Trung Quốc đã cho Việt Nam một sự ủng hộ rất vĩ đại và giúp đỡ vô giá. Trong tinh thần đó và bắt nguồn từ những đòi hỏi khẩn cấp nêu trên, tuyên bố của các nhà lãnh đạo của chúng tôi [ủng hộ Trung Quốc trong việc tuyên bố chủ quyền của họ trên Quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa] là cần thiết vì nó trực tiếp phục vụ cho cuộc đấu tranh bảo vệ độc lập và tự do cho tổ quốc. 

Đặc biệt thêm nữa là cái tuyên bố đó để nhắm vào việc đạt yêu cầu cho những nhu cầu cấp thiết vào lúc bấy giờ để ngăn ngừa bọn tư bản Mỹ dùng những hải đảo này để tấn công chúng tôi. Nó không có dính dáng gì đến nền tảng lịch sử và pháp lý trong chủ quyền của Việt Nam về hai quần đảo Hoàng Sa Và Trường Sa”.(70) 

Ông Lưu Văn Lợi, cựu Chánh văn phòng-Trợ lý Bộ trưởng Ngoại giao, Trưởng ban Biên giới thuộc Hội đồng Bộ trưởng (1978-1989) đã nhận xét: “Công hàm của ông Phạm Văn Đồng chỉ là một cử chỉ tốt đẹp về tình hữu nghị, ủng hộ Trung Quốc trong lúc Mỹ đưa hạm đội 7 tới eo biển Đài Loan mà thôi”.(71) 

Từ năm 1979 đến nay Trung Quốc đã nhiều lần nhắc lại vấn đề này. 

Ngày 17-11-2000, Bộ Ngoại giao Trung Quốc phát đi bản tin với cái gọi là “Sự thừa nhận của quốc tế về chủ quyền của Trung Quốc trên quần đảo Trường Sa”: 

“ 5. Việt Nam 

a) Thứ trưởng ngoại giao Dung văn Khiêm [Ung Văn Khiêm] của Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa khi tiếp ông Li Zhimin, xử lý thường vụ Toà Ðại sứ Trung Quốc tại Việt Nam đã nói rằng “theo những dữ kiện của Việt Nam, hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa là môt bộ phận lịch sử của lãnh thổ Trung Quốc”. Ông Le Doc [Lê Lộc], quyền Vụ trưởng Á châu Sự vụ thuộc Bộ Ngoại giao Việt Nam, cũng có mặt lúc đó, đã nói thêm rằng “xét về mặt lịch sử thì các quần đảo này đã hoàn toàn thuộc về Trung Quốc từ thời nhà Ðường”. 

b) Báo Nhân Dân của Việt Nam đã tường thuật rất chi tiết trong số xuất bản ngày 6/9/1958 về Bản Tuyên bố ngày 4/9/1958 của Nhà nước Trung Quốc, rằng kích thước lãnh hải của nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa là 12 hải lý và điều này được áp dụng cho tất cả các lãnh thổ của phía Trung Quốc, bao gồm tất cả các quần đảo trên biển Nam Trung Hoa. Ngày 14/9 cùng năm đó, Thủ tướng Phạm Văn Ðồng của phía nhà nước Việt Nam, trong bản công hàm gởi cho Thủ tướng Chu Ân Lai, đã thành khẩn tuyên bố rằng Việt Nam “nhìn nhận và ủng hộ Bản Tuyên bố của Nhà nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa trong vấn đề lãnh hải”. 

c) Bài học về nước CHND Trung Hoa trong giáo trình cơ bản của môn địa lý của Việt Nam xuất bản năm 1974, đã ghi nhận rằng các quần đảo từ Trường Sa và Hoàng Sa đến đảo Hải Nam và Ðài Loan hình thành một bức tường phòng thủ vĩ đại cho lục địa Trung Hoa”.(72) 

Ngày 29/6/2011, một lần nữa Tân Hoa Xã đã phát đi bản tin nhân chuyến thăm viếng Trung Quốc của Thứ trưởng Ngoại giao Việt Nam Hồ Xuân Sơn: 

“Chinese historical records show that in 1958, the Chinese government claimed the islands in the South China Sea as part of China's sovereign territory, and then Vietnamese Premier Pham Van Dong expressed agreement in his diplomatic note to then Premier Zhou Enlai”. (73) 

Tạm dịch: “Hồ sơ lịch sử Trung Quốc cho thấy năm 1958, chính phủ Trung Quốc tuyên bố các đảo trong Biển Nam Trung Hoa (Biển Đông) như là một phần lãnh thổ chủ quyền của Trung Quốc, và sau đó Thủ tướng Việt Nam Phạm Văn Đồng bày tỏ sự đồng thuận trong công hàm ngoại giao của mình gửi Thủ tướng Chu Ân Lai”. 

Cần nhắc lại rằng, ngày 7/8/1979, Bộ Ngoại giao nước CHXHCN Việt Nam đã ra Tuyên bố ngày 7/8/1979 bác bỏ sự xuyên tạc trắng trợn của Trung Quốc đối với văn bản ngày 14/9/1958 của Thủ tướng nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa: 

“Tuyên bố của Bộ Ngoại giao nước Cộng Hoà Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam về Quần đảo Hoàng Sa và Quần đảo Trường Sa (1979) 

Vào ngày 30/7/1979, Trung Quốc đã công khai công bố tại Bắc Kinh một số tài liệu với ý định để minh chứng cho việc tuyên bố chủ quyền của họ trên quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa. 

Về vấn đề này, Bộ Ngoại giao nước Cộng hoà Xã hội Chủ Nghĩa Việt Nam tuyên bố: 

1. Quần đảo Hoàng Sa và Quần đảo Trường Sa là một phần của lãnh thổ Việt Nam. Các Sứ quân Việt Nam đã là những người đầu tiên trong lịch sử đến chiếm đóng, tổ chức, kiểm soát và khai phá các quần đảo này trong chức năng của họ như là các lãnh chúa. Quyền sở hữu này có hiệu quả và phù hợp với luật pháp quốc tế. Chúng tôi có đầy đủ các tài liệu lịch sử và luật pháp để chứng minh chủ quyền tuyệt đối trên hai quần đảo này. 

2. Sự diễn giải của Trung quốc về văn bản ngày 14 tháng 9 năm 1958 của Thủ tướng nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hoà như một sự công nhận chủ quyền của phiá Trung quốc trên các quần đảo là một sự xuyên tạc trắng trợn khi tinh thần và ý nghĩa của bản văn chỉ có ý định công nhận giới hạn 12 hải lý của lãnh hải Trung Quốc. 

3. Năm 1965, Hoa Kỳ gia tăng cuộc chiến tranh xâm lược tại miền Nam Việt Nam và phát động một cuộc chiến huỷ diệt bằng không quân và hải quân chống lại miền Bắc Việt Nam. Họ đã tuyên bố rằng khu vực chiến trường của quân đội Hoa Kỳ bao gồm Việt Nam và vùng lân cận của khu vực khoảng 100 hải lý tính từ bờ biển Việt Nam. Vào lúc đó, trong cuộc đấu tranh chống Mỹ cứu nước, nhân dân Việt Nam đã phải chiến đấu trong mọi tình huống để bảo vệ chủ quyền đất nước. Thêm nữa, Việt Nam và Trung Quốc lúc đó vẫn duy trì quan hệ hữu nghị. Bản tuyên bố ngày 9/5/1965 của Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã đưa ra lý do để tồn tại chỉ với quá trình lịch sử này. 

4. Từ năm 1972, theo sau Bản Thông cáo chung Thượng Hải, những kẻ cai trị Trung Quốc đã âm mưu với bọn hiếu chiến Mỹ để phản bội nhân dân Việt Nam, gây ra biết bao nhiêu trở ngại cho cuộc chiến tranh tự vệ của Việt Nam. Ðầu Tháng Giêng 1974, chỉ trước khi nhân dân Việt Nam toàn thắng vào mùa Xuân 1975, Trung Quốc đã chiếm đóng quần đảo Hoàng Sa bằng biện pháp quân sự, lúc đó vẫn dưới sự quản lý của chính quyền Sài Gòn. 

Việt Nam Cộng Hòa lúc đó đã tuyên bố rõ ràng cương vị của họ như sau đây: 

- Chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ là những câu hỏi thiêng liêng cho tất cả mọi quốc gia. 

- Những khó khăn về biên giới lãnh thổ, thường tồn tại trong các cuộc tranh chấp giữa các nước láng giềng do lịch sử để lại, có thể vô cùng rắc rối và nên được nghiên cứu kỹ càng. 

- Các quốc gia quan tâm nên cứu xét vấn đề này trong tinh thần công bằng, tôn trọng lẫn nhau, hòa nhã, láng giềng tốt và giải quyết vấn đề bằng sự thương lượng. 

5. Tại các cuộc thảo luận tổ chức vào ngày 24/9/1975 với phái đoàn Ðảng và Nhà nước Việt Nam trong chuyến thăm viếng Trung Quốc, Phó Thủ tướng Ðặng Tiểu Bình đã thú nhận rằng có sự tranh chấp giữa hai bên về vấn đề quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa và hai bên sau đó nên bàn thảo với nhau để giải quyết vấn đề 

6. Chiếm đóng quần đảo Hoàng Sa một cách bất hợp pháp bằng quân sự, Trung Quốc đã xâm phạm vào sự toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam và dẫm chân lên làm cản trở tinh thần của Hiến chương Liên Hiệp Quốc kêu gọi giải quyết tất cả các tranh chấp bằng thương lượng hoà bình. Sau khi phát động một cuộc chiến xâm lược Việt Nam với tầm vóc to lớn, phía Trung Quốc lại nêu ra vấn đề quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, trong khi tạo ra một tình trạng càng ngày càng căng thẳng dọc theo biên giới Việt Nam và từ chối việc thảo luận những giải pháp cấp thiết để bảo đảm hoà bình và ổn định trong khu vực biên giới giữa hai nước. Ðiều rõ ràng là những kẻ cai trị Trung Quốc vẫn không từ bỏ ý định tấn công Việt Nam một lần nữa. Hành động của họ là một sự đe doạ nghiêm trọng cho hoà bình và ổn định trong vùng Ðông Nam Á và làm lộ rõ hơn tham vọng bành trướng, với bản chất bá quyền hiếu chiến của một nước lớn, bộ mặt xảo trá lật lọng và phản bội của họ. 

Hà Nội, ngày 7 tháng 8 năm 1979”.(74) 

Trong quá trình nghiên cứu đề tài này, chúng tôi đặt ra hai khả năng để giải quyết vấn đề: 

Trước nhất, công hàm của chính phủ Trung Quốc gửi cho chính phủ VNDCCH về việc tuyên bố lãnh hải của mình có gì khuất tất không? Bởi vì trong một tài liệu nghiên cứu thuộc Văn phòng Địa lý, Vụ nghiên cứu tình báo trực thuộc Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ về “Tuyên bố của Chính phủ Nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa về Lãnh hải ngày 4/9/1958”, chúng tôi phát hiện ở Điều 1 không có liệt kê quần đảo Ðông Sa, quần đảo Tây Sa, quần đảo Trung Sa, quần đảo Nam Sa như trong bản tiếng Trung: 

(1) The breadth of the territorial sea of the People’s Republic of China shall be twelve nautical miles. This provision applies to all terrltories of the People’s Republic of China, including the Chinese mainland and its coastal islands, as well as Taiwan and its surrounding islands, the Penghu Islands [Quần đảo Bành Hồ] and all other islands belonging to China which are separated from the mainland and its coastal islands by the high seas.(75) 

Tạm dịch: 

(1) Chiều rộng lãnh hải của nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa là 12 hải lý. Ðiều lệ này áp dụng cho toàn lãnh thổ nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, bao gồm phần đất Trung Quốc trên đất liền và các hải đảo ngoài khơi, Ðài Loan và các đảo phụ cận, quần đảo Bành Hồ và các đảo khác thuộc Trung Quốc (tách biệt khỏi đất liền và các hải đảo khác bởi biển cả).

INTERNATIONAL BOUNDARY STUDY, Series A, LIMITS I N THE SEAS, No. 43, STRAIGHT BASELINES: PEOPLE'S REPUBLIC OF CHINA 

The Geographer Office o f the Geographer Bureau of Intelligence and Research 

Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã dựa vào văn bản nào để trả lời cho Chu Ân Lai? Đọc lại bản tin trên báo Nhân Dân ngày 6/9/1958, chúng tôi thấy từ nguồn Thông Tấn Xã Việt Nam, báo Nhân Dân đã đăng toàn văn “Tuyên bố của Chính phủ Nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa về Lãnh hải ngày 4/9/1958” như đã trình bày. Như vậy việc đánh giá về công hàm của Thủ tướng Phạm Văn Đồng sẽ như thế nào? 

Tựu trung lại có một số quan điểm sau đây: 

Nhận xét về quan điểm của Trung Quốc, Giáo sư Đại Học Paris III Monique Chemillier-Gendreau đã viết như sau: “Dans ce contexte, les declarations ou prise de position éventuelles des autorités du Nord Vietnam sont sans consequences sur le titre de souveraineté. Il ne s’agit pas du gouvernement territorialement competent à l’égard des archipels. On ne peut renoncer à ce sur quoi on n’a pas d’autorité…”(76) 

Tạm dịch: “Trong những điều kiện này, những lời tuyên bố hoặc lập trường nào đó của chính quyền miền Bắc Việt Nam không có hiệu lực gì đối với chủ quyền. Đây không phải là chính quyền có thẩm quyền trên quần đảo này. Người ta không thể từ bỏ ở cái mà người ta không có chủ quyền…”. 

Chúng ta thấy rằng, về phương diện pháp lý, nước VNDCCH lúc bấy giờ không trực tiếp quản lý đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Theo Hiệp định Genève 1954, hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa nằm phía Nam vĩ tuyến 17 tạm thời thuộc quyền quản lý của Chính phủ Việt Nam Cộng Hòa. Trong thời điểm đó, dưới góc độ tài phán quốc tế, thì Chính phủ VNDCCH không có nghĩa vụ và quyền hạn hành xử chủ quyền tại hai quần đảo này theo luật pháp quốc tế.(77) 

Hòa một một điệu với chính phủ Trung Quốc, Giáo sư Lý Kim Minh, Viện Nghiên cứu Đông Nam Á tại Đại học Hạ Môn trong bài viết “Nguồn gốc và sự tranh cãi đang diễn ra về vấn đề Biển Đông” đăng trên “Beijing Review”(1/8/2011) đã nhận xét: ‘… Việt Nam thừa nhận quần đảo Nam Sa và quần đảo Tây Sa là lãnh thổ Trung Quốc trong quá khứ. Vì vậy, dựa trên nguyên tắc estoppel của luật pháp quốc tế, chính phủ Việt Nam hiện nay nên tuân theo ghi nhận trước đó”. 

Nguyên tắt “estoppel” mà Lý Kim Minh vận dụng sẽ được hiểu như thế nào? 

Tiến sĩ Luật học Đại học Sorbonne, Pháp, Từ Đặng Minh Thu đã cho biết: 

“Theo luật quốc tế, không có một văn bản pháp lý nào có thể gắn cho những lời tuyên bố đơn phương một tính chất bó buộc, ngoại trừ thuyết “estoppel”. 

Điều 38 Quy chế Toà án Quốc tế không liệt kê những lời tuyên bố đơn phương trong danh sách những nguồn gốc của luật pháp quốc tế. Estoppel là một nguyên tắc theo đó một quốc gia không có quyền nói hoặc hoạt động ngược lại với những gì mình đã nói hoặc hoạt động trước kia. Câu tục ngữ thường dùng để định nghĩa nó là “one cannot at the same time blow hot and cold”. 

“Thuyết estoppel không có nghĩa là cứ tuyên bố một điều gì đó thì quốc gia tuyên bố phải bị ràng buộc bởi lời tuyên bố đó. Thuyết estoppel bắt nguồn từ hệ thống luật quốc nội của Anh, được thâu nhập vào luật quốc tế. Mục đích chính của nó ngăn chặn trường hợp một quốc gia có thể hưởng lợi vì những thái độ bất nhất của mình, và do đó, gây thiệt hại cho quốc gia khác. 

Vì vậy, estoppel phải hội đủ các điều kiện chính: 



1.Lời tuyên bố hoặc hành động phải do một người hoặc cơ quan đại diện cho quốc gia phát biểu, và phải được phát biểu một cách minh bạch. 

2.Quốc gia nại “estoppel” phải chứng minh rằng mình đã dựa trên những lời tuyên bố hoặc hoạt động của quốc gia kia, mà có những hoạt động nào đó, hoặc không hoạt động. Yếu tố này trong luật quốc nội Anh-Mỹ gọi là “reliance” [sự phụ thuộc]. 

3.Quốc gia nại “estoppel” cũng phải chứng minh rằng, vì dựa vào lời tuyên bố của quốc gia kia, mình đã bị thiệt hại, hoặc quốc gia kia đã hưởng lợi khi phát biểu lời tuyên bố đó. 

4.Nhiều bản án còn đòi hỏi lời tuyên bố hoặc hoạt động phải được phát biểu một cách liên tục và trường kỳ. 

5.Ngoài ra, nếu lời tuyên bố đơn phương có tính chất một lời hứa, nghĩa là quốc gia tuyên bố mình sẽ làm hoặc không làm một việc gì, thì quốc gia phải thực sự có ý định muốn bị ràng buộc bởi lời hứa đó, thực sự muốn thi hành lời hứa đó. (78) 

Như chúng ta đều biết, hiện nay công hàm ngày 14/9/1958 của Thủ tướng Phạm Văn Đồng là một trong những lập luận chính của phía Trung Quốc và một số quan điểm khác lại cho rằng đây là một “công hàm bán nước [?]” và để bác bỏ hay phủ nhận công hàm ngày 14/9/1958 của chính phủ VNDCH thì quốc hội nước CHXCN Việt Nam phải phải ra quyêt định phủ quyết nó. 

“Luận điểm cáo buộc ông Phạm Văn Đồng như nêu trên dựa vào một văn thư ngoại giao, mang chữ ký của ông Phạm Văn Đồng, trong cương vị Thủ tướng nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa, để trả lời một bản “tuyên bố” của Trung Hoa về việc nới rộng hải phận 12 hải lý. 

Có hai điểm chính cần được nói đến ngay, đó là công hàm ngoại giao này chỉ là một “trao đổi quan điểm” giữa hai nước “không có giá trị như một hiệp ước”, hoặc chỉ là một thỏa thuận “giới hạn trong thời gian”.(Nói khác đi phút này đồng ý phút sau đổi ý, tùy nhu cầu và mối tương quan giữa hai nước). 

Nếu đọc kỹ bản văn trên, người ta còn thấy sự khôn khéo trong cách hành văn ngoại giao, trong đó phía Việt Nam chỉ nói: “Chúng tôi ghi nhận và tán thành bản tuyên bố ngày 4-9-56 của chính phủ Cộng Hòa nhân dân Trung Hoa, quyết định về hải phận của Trung Quốc.” 

Có lẽ cần lưu ý đặc biệt những từ ngữ quan trọng nhất trong câu này đó là: ghi nhận, tán thành và... bản tuyên bố. 

Câu văn này có nghĩa là phía Việt Nam ghi nhận ý muốn của Trung quốc muốn nới rộng hải phận qua một tuyên bố đơn phương của mình, và tán đồng ý muốn này. 

Và đoạn văn kế đó có thể hiểu ngầm là trong tình trạng giao hảo “lúc đó” giữa hai nước, phía Việt Nam sẽ tôn trọng ý muốn 12 hải lý hải phận của Trung quốc”. (79) 

Giả thiết được đặt ra: công hàm ngày 14/9/1958 của Thủ tướng Phạm Văn Đồng là có giá trị pháp lý thì quốc hội nước CHXHCNVN có phủ quyết công hàm đó được không? 

Nhà nghiên cứu Trương Nhân Tuấn đã lý giải: Theo Convention sur le Droit des Traité de Vienne Công ước về Luật của các Hiệp ước ký tại Vienne, Áo (Convention sur le Droit des Traité de Vienne) ngày 29/5/1969 : 
Vienna Convention on Succession of States in respect of Treaties (2): một nước có thể ngưng thi hành một hiệp ước đã ký cũng như có thể hủy bỏ toàn bộ nội dung các hiệp ước nầy vì tính bất bình đẳng của nó (trường hợp các hiệp ước được ký dưới thời kỳ một nước bị bảo hộ). 

Tuy-nhiên, Ðiều 11 của Công ước Vienne có nội dung: 

“Boundary regimes: 

A succession of States does not as such affect: (a) a boundary established by a treaty; or (b) obligations and rights established by a treaty and relating to the regime of a boundary.” 

Tạm dịch: “Thể lệ về biên giới: Một sự kế tục của quốc gia không đặt lại vấn đề về: a) biên giới xác định do một hiệp ước và b) nghĩa vụ và quyền lợi xác định do một hiệp ước có liên hệ với một thể lệ về biên giới.” 

Trên thế giới có rất nhiều hiệp ước phân định biên giới (rất bất bình đẳng) đã ký từ nhiều thế kỷ trước đến nay vẫn còn hiệu lực như giữa Nga và Trung Quốc (Trung Quốc mất hàng triệu km²). 

Như thế, giả sử quốc hội nước CHXHCN Việt Nam có ra nghị quyết phủ nhận công hàm ngày 14/9/1958 thì đối với quốc tế luật này không có giá trị vì công hàm ngày 14/9/1958 liên quan đến vấn đề “biên giới”. 

Nhưng công ước Vienne 1969 có nói đến “sự kế tục của quốc gia”. 

Tiếp theo, Trương Nhân Tuấn cho rằng để phản bác lại quan điểm của Trung Quốc hiện nay tùy thuộc vào sự lựa chọn của chính phủ Việt Nam hiện nay về việc kế tục quốc gia. 

Ta thấy “người kế thừa” Việt Nam Công Hòa (VNCH) là Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam (CPCMLTCHMNVN). Trước và sau 30/4/1975, VNCH và CPCMLTCHMNVN chưa hề tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc tại Trường Sa và Hoàng Sa. Ngược lại, trước năm 1975, VNCH luôn khẳng định chủ quyền, của mình ở các quần đảo này. Việc khẳng định chủ quyền này thể hiện qua nhiều cách thức khác nhau. Ngày 9/9/1975, nhân hội nghi quốc tế về “khí tượng” tổ chức ở Colombo, đại diện của CPCMLTCHMNVN đề nghị hội nghị ghi nhận các trạm thời tiết đặt tại các đảo Hoàng Sa thuộc về Việt Nam. Điều này cho thấy CPCMLTMNVN khẳng định chủ quyền của Việt Nam ở Hoàng Sa và Trường Sa, tức thừa kế VNCH. 

Lập trường hai bên miền Nam là một trong vấn đề chủ quyền Hoàng Sa và Trường Sa 

Sau khi “hiệp thuơng” thống nhất đất nước năm 1976(80), chính phủ CHXHCNVN có quyền lựa chọn việc kế thừa, ở đây không ai cấm chính phủ này kế thừa CPCMLMNVN.(81) 

Như vậy, từ sau năm 1975, nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam, người kế thừa hai nhà nước VNCH và VNDCCH, đã kế thừa chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa từ VNCH cùng các tuyên bố đơn phương không mang tính chất ràng buộc và hiệu quả pháp lý từ VNDCCH hoàn toàn có đầy đủ cơ sở để khẳng định chủ quyền hợp pháp của mình trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Nhưng quan trọng hơn hết, cần phải nói rằng từ năm 1945 đến nay, Quốc hội nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Quốc hội nước Việt Nam Cộng hòa, Mặt trận DTGPMN Việt Nam và sau đó là Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt và hiện nay là Quốc hội nước CHXHCN Việt Nam chưa bao giờ lên tiếng hoặc ra nghị quyết từ bỏ chủ quyền của Việt Nam trên hai quần đảo Hoàng Sa – Trường Sa. Bên cạnh đó chúng ta cũng phải thừa nhận rằng công hàm ngày 14/9/1958 của Thủ tướng Phạm Văn Đồng là một sản phẩm lịch sử của thời kỳ chiến tranh lạnh và cũng là của sự ấu trĩ về tình hình thế giới của giới lãnh đạo VNDCCH lúc bấy giờ. 

Từ những phân tích trên, chúng tôi cho là xác đáng nhưng cần phải nhấn mạnh rằng tất cả những hành động ngoại giao của Thủ tướng Phạm văn Đồng không phải là ông không nhìn thấy mọi ý đồ của Trung Quốc đối với cách mạng Việt Nam vì ông đã có kinh nghiệm và đã trả giá trong bàn đàm phán Geneve năm 1954, khi bàn về việc chấm dứt chiến tranh và lập lại hòa bình ở Đông Dương. Nhưng kinh nghiệm ấy cũng không ngăn ông được khi giải quyết các vấn đề biên giới, lãnh thổ với Trung Quốc vì Việt Nam đã tạo nên ấn tượng rằng Việt Nam đã tự nguyện chấp nhận những hy sinh vì lợi ích của đường lối chung về “cùng tồn tại hòa bình” đang thịnh hành trong thế giới xã hội chủ nghĩa lúc bấy giờ 

Kết luận: 

Kể từ sau sự kiện ngày 26/5/2011 Tàu hải giám Trung Quốc đã đe dọa tàu Bình Minh 02, cắt cáp thăm dò địa chấn tại lô 148 Thềm lục địa Việt Nam và ngày 9/6/2011, tàu khảo sát địa chấn Viking 2 mà Việt Nam thuê của Pháp đã bị tàu cá của Trung Quốc phá dây cáp cho đến nay Trung Quốc không dừng lại ở đó mà tiếp tục có nhiều hành động đe dọa một cách có hệ thống chủ quyền của nước Việt Nam: 

Thông cáo từ Bộ Ngoại giao Ấn Độ gửi đến BBC cho hay tàu hải quân INS Airavat đã có chuyến thăm hữu nghị Việt Nam từ 19-28/7/2011: “Hôm 22/7, INS Airavat đang trên đường từ Nha Trang ra Hải Phòng để thăm cảng này. Khi ở Biển Đông, cách bờ biển Việt Nam chừng 45 hải lý, INS Airavat nhận được điện đàm từ một người gọi tự xưng là 'Hải quân Trung Quốc' cảnh báo rằng tàu này đang tiến vào hải phận Trung Quốc”.(82) 

Tiếp theo đó, Bộ Nông nghiệp Trung Quốc thông báo trên trang web của cơ quan ngư chính tỉnh Quảng Đông, cho biết một tàu mang số hiệu 306, có trọng tải 400 tấn, đã rời Quảng Châu để đi về hướng Hoàng Sa. 

Một quan chức của cơ quan ngư chính Quảng Đông nói việc điều động nhằm “tăng cường nỗ lực thực thi pháp luật tại các vùng đánh bắt cá ở Hoàng Sa, bảo vệ hoạt động đánh bắt cá, an toàn cho ngư dân, và bảo vệ chủ quyền trên biển của Trung Quốc”. (83) 

Ngày 10/9/2011, Tân Hoa xã đưa tin giới chức Trung Quốc vừa điều tàu cá đa năng Quỳnh Phú Hoa Ngư - 01 tới vùng biển Trường Sa của Việt Nam. Giới chức Trung Quốc không nói rõ nhiệm vụ của tàu mà chỉ tuyên bố nó “sẽ hỗ trợ đưa nghề nuôi trồng ngư nghiệp nhiệt đới trong khu vực vào giai đoạn mới”. Trước đó, đại diện Hải quân Trung Quốc cùng Tập đoàn China Mobile lại ngang nhiên tổ chức lễ nghiệm thu công trình xây dựng trạm điện thoại di động tại những đảo do nước này chiếm giữ ở Trường Sa. (84) 

Báo chí Trung Quốc gần đây đăng tải nhiều thông tin về một số hoạt động của các cơ quan Trung Quốc ở khu vực quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Bộ trưởng Giao thông Trung Quốc ra quần đảo Hoàng Sa để thị sát tàu Hải Tuần. Cục trưởng Cục thể thao Trung Quốc ra đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa để khảo sát tình hình triển khai hoạt động thể dục thể thao. 

Viện nghiên cứu Môi trường và Khảo sát công trình hải dương “Nam Hải” đã thực hiện dự án đo đạc, giám sát, phân tích và đánh giá sự thay đổi của một số đảo điển hình ở quần đảo Hoàng Sa. Cục trưởng Cục ngư chính khu “Nam Hải” của Trung Quốc thì cho biết Trung Quốc có kế hoạch về việc xây dựng căn cứ nghề cá ở đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa, cũng như xây dựng cầu tàu và căn cứ dịch vụ nghề cá ở Trường Sa. 

Ngày 23/2/2012, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lương Thanh Nghị tuyên “Những hoạt động như vậy trái với thỏa thuận về các nguyên tắc cơ bản giải quyết các vấn đề trên biển đã ký giữa hai nước, cũng như không phù hợp với Tuyên bố về Cách ứng xử của các bên tại Biển Đông (DOC) và các cam kết duy trì hòa bình ổn định trên biển”, “Việt Nam yêu cầu Trung Quốc dừng ngay các hành động này và hủy bỏ các dự án xâm phạm chủ quyền của Việt Nam, cùng các bên liên quan hợp tác giữ gìn hòa bình ổn định ở Biển Đông, thực hiện nghiêm túc DOC”. 

Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi nói, Trung Quốc hối thúc Việt Nam thực sự tôn trọng chủ quyền, quyền lợi và quyền cai quản của Trung Quốc. 

Ngay sau đó, ngày 27/2/2012, Khi trả lời câu hỏi của phóng viên trong buổi họp báo thường kỳ: “Trước việc Trung Quốc tiến hành nghiên cứu hải dương trên vùng biển hữu quan, quan chức Việt Nam trong bài phát biểu mới yêu cầu Trung Quốc chấm dứt hoạt động đe dọa tới chủ quyền lãnh thổ của quần đảo Tây Sa và Nam Sa Việt Nam, Trung Quốc có sự phản ứng gì?”. 

Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi nói: “Trung Quốc có chủ quyền không thể tranh cãi đối với các hòn đảo Nam Hải và vùng biển xung quanh. Trung Quốc tiến hành hoạt động xây dựng bình thường và triển khai bất cứ hoạt động gì trên quần đảo Tây Sa hoàn toàn là công việc trong phạm vi chủ quyền của Trung Quốc. Trung Quốc hoàn toàn không thể chấp nhận cách nói của Việt Nam. Trung Quốc hối thúc Việt Nam thực sự tôn trọng chủ quyền, quyền lợi và quyền cai quản của Trung Quốc”. (85) 

Và mới đây, theo trang web Bộ Dân chính Trung Quốc ngày 21-6-2012 đăng thông báo Quốc vụ viện Trung Quốc mới phê chuẩn nâng Thành phố Tam Sa (tỉnh Hải Nam) từ thành phố cấp huyện lên thành phố cấp vùng và chính quyền Thành phố Tam Sa đặt tại đảo Phú Lâm trên quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam. 

Theo TTXVN, sau một loạt các hoạt động phi pháp nhằm xây dựng và phát triển cái gọi là “thành phố Tam Sa,” ngày 1/10/2012, Trung Quốc đã tổ chức lễ kéo cờ kỷ niệm Quốc khánh Trung Quốc tại đảo Phú Lâm, thuộc quần đảo Hoàng Sa; ngày 3/10/2012, Hạm đội Nam Hải Trung Quốc tổ chức diễn tập trực chiến khẩn cấp tại khu vực vùng biển quần đảo Hoàng Sa; ngày 8/10/2012, Trung Quốc thành lập Phòng khí tượng thành phố Tam Sa. Trước đó, ngày 23/9/2012, báo chí Trung Quốc đưa tin Trung Quốc sẽ sử dụng máy bay không người lái tăng cường giám sát các vùng biển, trong đó có hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa… 

Tất cả những việc làm trên đây là một phần trong chiến lược thôn tính biển Đông của Trung Quốc. Nhìn chung, chiến lược xâm lấn lãnh thổ và lãnh hải của Trung Quốc có thể tóm lược bằng phương châm: biến không thành có. Chiến lược này thường được thực hiện qua 3 bước như sau: 

Bước 1, biến một vấn đề hoàn toàn không tranh chấp thành một vấn đề tranh chấp; 

Bước 2, gây áp lực — nếu cần dùng bạo lực — trên nước láng giềng nhỏ bé hơn; 

Bước 3, đàm phán, và trong đàm phán thì phải có nhân nhượng, Trung Quốc dĩ nhiên sẽ chiếm được một phần dưới danh nghĩa là “nhường” cho nước nhỏ! 

Tất cả những động thái đó đã cho chúng ta thấy rằng, cuối cùng, đối với Trung Quốc, nói đi nói lại dù cho lời hay ý đẹp cũng là “Chủ quyền thuộc ngã” khi muốn ôm trọn biển Đông ở phương Nam hay những hòn đảo, đá… ở biển Đông Trung Hoa như Senkaku, Okinotori (Nhật Bản) mang tính chiến lược nằm trong tham vọng bành trướng mà các thế hệ lãnh đạo Trung Quốc vẫn ấp ủ từ lâu. 

Tôi xin mượn lời nhận xét của một học giả Phương Tây khi nhận xét về tấm Trung Hoa tân địa đồ được xuất bản năm 1938 để kết thúc đề tài này: Bức địa đồ của sự hổ thẹn dân tộc. 

Hồng Mậu Hy, Trung Hoa tân địa đồ, địa đồ dùng cho hệ tiểu học, do Bộ Nội chính cho phép xuất bản, Trùng Khánh, Đông Phương Dư Địa học xã xuất bản năm 1938 

Chú thích: 


(2) TTX Việt Nam, Tài liệu tham khảo đặc biệt, Chủ Nhật, ngày 21/08/2011 

(3) Hồng Lê Thọ, “Chủ quyền thuộc ngã” – Từ “Gác lại” đến “Cưỡng đoạt”: Sách lược thực dụng và thâm độc trong tranh chấp chủ quyền biển đảo của Trung Quốc 


(4) Hồng Lê Thọ, Cộng đồng quốc tế quan tâm đến biển Đông tiền đề của “quốc tế hóa” 


(5) Xem Thích Đại Sán, Hải ngoại Ký sự, (7 quyển), Viện Đại học Huế. Ủy ban phiên dịch sử liệu Việt Nam. Huế 1963. 



(8) Hồng Lê Thọ, “Chủ quyền thuộc ngã” – Từ “Gác lại” đến “Cưỡng đoạt”: Sách lược thực dụng và thâm độc trong tranh chấp chủ quyền biển đảo của Trung Quốc 


(9)(10) Madrolle Claudius – Vấn đề Hải Nam và quần đảo Hoàng Sa – trong : Chính sách nước ngoài – số 3 - 1939 – năm thứ tư, trang 302-312 (http://www.persee.fr

Vua Gia Long xác lập chủ quyền trên quần đảo Hoàng Sa vào năm 1816. Tác giả bài báo đã nhầm là năm 1806. 

(11) Báo “ La Nature” số 2916 ngày 1 tháng 11 năm 1933, phát hành vào ngày 1 và 15 hằng tháng. Tài liệu lưu trử của Trung tâm dữ liệu Hoàng Sa. 

Trong một tài liệu khác cho biết Đô đốc Lý Chuẩn trong chuyến đi “khảo sát” Hoàng Sa lần này ông đã cho vẽ 15 bản đồ và 10 bức ảnh chỉ diễn ra trong vòng 36 tiếng đồng hồ! Xem: P.A Lapicque, A propos des Iles Paracels, 1929, Les Editions D’Extreme-Asie, Saigon, trang 8-11. 

(12) Báo Advertiser số ra ngày thứ 3, 29/6/1909, trang 7. Tài liệu lưu trử của Trung tâm dữ liệu Hoàng Sa. 

(13) The Advertiser, Monday 5 July 1909, page 8. Tài liệu lưu trử của Trung tâm dữ liệu Hoàng Sa. 

(14) Bài báo "L'histoire moderne des iles Paracels" đăng trên tờ báo "L' Eveil de l'Indochine" số 738 năm thứ 16, phát hành ngày 22/5/1932 tại Hà Nội. Tài liệu lưu trử của Trung tâm dữ liệu Hoàng Sa. 

(15) Báo “ La Nature” số 2916 ngày 1 tháng 11 năm 1933, tài liệu đã dẫn. 

(16) Báo “ La Nature” số 2916 ngày 1 tháng 11 năm 1933, tài liệu đã dẫn. 

(17) Báo “ La Nature” số 2916 ngày 1 tháng 11 năm 1933, tài liệu đã dẫn. 


- Gouvernment général de l'Indochine - Conseil de Gouvernment: Session ordinaire de 1918. Tài liệu lưu trử của Trung tâm dữ liệu Hoàng Sa. 

(19) Bạch Thư về các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, Việt Nam Cộng Hòa, Bộ Ngoại Giao, Sài-gòn, 1975 

(20) Xem: 

- Gustave SALÉ, “Les Iles Paracels et la Sécurité en Extrême-Orient”, Avenir du Tonkin, (no 10495), 17/04/1931, pp 2. 

- E. SAURIN, “A propos des Galets Exotiques des Iles Paracels”, Archives Géologiques du Vietnam, I.N.D.E.O, Saigon, (no 4), 1957, pp 9. 

(21) L'Eveil économique de l'Indochine N394: La perte du Haiphong 28/12/1924. Tài liệu lưu trử của Trung tâm dữ liệu Hoàng Sa. 

(22) Báo “ La Nature” số 2916 ngày 1 tháng 11 năm 1933, tài liệu đã dẫn. 

(23) Báo “ La Nature” số 2916 ngày 1 tháng 11 năm 1933, tài liệu đã dẫn. 

(24) Báo “ La Nature” số 2916 ngày 1 tháng 11 năm 1933, tài liệu đã dẫn. 

(25) Báo “ La Nature” số 2916 ngày 1 tháng 11 năm 1933, tài liệu đã dẫn. 

(26) L' Eveil de l'Indochine N419. Du Charbon pour le “de Lanessan”.1925/06/21. Tài liệu lưu trử của Trung tâm dữ liệu Hoàng Sa. 

(27) Bạch Thư về các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, Việt Nam Cộng Hòa, Bộ Ngoại Giao, Sài-gòn, 1975 

(28) Tham khảo bài của Oliver trong “La Géographie”, Tome LX, Nov - Dec. 1933, và bài của Marcel “Les Archipels Paracels et Spratly” trong báo VIetnam Press, Sagon, Nov. 1971, No 7574 

(29) (Bruzon, Canton, Romer, Le climat de L’Indochine et les typhoons de la Mer de Chine, Hanoi, 1930) 

(30) Océanographie physicque et biologique 1932, 1933. Tài liệu lưu trử của Trung tâm dữ liệu Hoàng Sa. 

(31) Bạch Thư về các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, Việt Nam Cộng Hòa, Bộ Ngoại Giao, Sài-gòn, 1975 

(32) L' Eveil de l'Indochine N502 . Chronique des mines . 1927/01/23. Tài liệu lưu trử của Trung tâm dữ liệu Hoàng Sa. 

(33) Quần Ðảo Hoàng Sa và Trường Sa-Lãnh Thổ Việt Nam. 


(34) Madrolle Claudius – Vấn đề Hải Nam và quần đảo Hoàng Sa – Tài liệu đã dẫn. 

(35) Chủ quyền trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, NXB Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1998, Người dịch: Nguyễn Hồng Thao, Hiệu đính: Lưu Văn Lợi, Lê Minh Nghĩa. Nguyên bản: La Souveraineté sur les Archipels Paracels et Spratleys, tác giả Monique Chemillier-Gendreau. 

(36) Tức đảo Song Tử Tây và đảo Song Tử Đông. 

(37) Madrolle Claudius – Vấn đề Hải Nam và quần đảo Hoàng Sa – Tài liệu đã dẫn. 

Vào năm 1938, Sở Khí tượng Đông Dương (Indochina Meteorological Service) thiết lập một trạm thời tiết tại Ba Bình, là nơi được coi là tốt nhất tại Biển Đông để cung cấp dữ kiện về thời tiết cho những quốc gia trong vùng. Trạm được người Pháp quản trị trong vòng 3 năm đầu, sau đó thì người ta tin là Trạm vận hành dưới sự kiểm soát của quân đội Nhật Bản. Trước khi rơi vào tay quân đội Nhật, trạm Ba Bình quan trọng tới mức được cấp mã số quốc tế là 48919. Những dữ kiện do trạm cung cấp được lưu trữ khắp nơi trên thế giới dưới tên French Indochina – Cochinchina. 

(Xem: Bạch Thư về các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, Việt Nam Cộng Hòa, Bộ Ngoại Giao, Sài-gòn, 1975) 


(39) (40) (41) Madrolle Claudius – Vấn đề Hải Nam và quần đảo Hoàng Sa – Tài liệu đã dẫn. 

(42) Nhật báo La Croix số 17004 năm thứ 59, ngày thứ năm 14.07.1938, trang 1.Tài liệu lưu trử của Trung tâm dữ liệu Hoàng Sa. 

(43) Reported by Prof. Charles Rousseau in Revue General de Droit International Public July- September 1972, p.830. 

(44) Theo Hòa ước Shimonoseki, điều 2 & 3 qui định 

清国は、遼東半島台湾澎湖諸島など付属諸島嶼の主権ならびに該地方にある城塁、兵器製造所及び官有物を永遠に日本に割与する。(第二条、第三条)澎湖列島即英國「グリーンウィチ」東經百十九度乃至百二十度及北緯二十三度乃至二十四度ノ間ニ在ル諸島嶼 


bản tiếng Anh: 

(b) The island of Formosa, together with all islands appertaining or belonging to the said island of Formosa. 

© The Pescadores Group, that is to say, all islands lying between the 119th and 120th degrees of longitude east of Greenwich and the 23rd and 24th degrees of north latitude. 


[tất cả các đảo nằm trong khu vực từ 119 độ đến 120 độ kinh đông và từ 23 độ đến 24 độ bắc vĩ tuyến] cho thấy khu vực nhà Thanh nhượng cho Nhật Bản không bao gồm quần đảo Hoàng Sa-Trường Sa, chỉ đến đảo Hải Nam mà thôi. 

(45) “Thực thi chủ quyền ở Hoàng Sa và Trường Sa của các triều đại Việt Nam” (25/06/2011)


(47) Theo Urano Tatsuno “International Conflit over the South China Sea”(Nankai shotoo Kokusai Fusooshi”(Tosui Shobo Publishers, 1997) 


Khái niệm “nhà nước và nhân dân Việt Nam” của TS Nguyễn Nhã nêu ở đây phải chăng là triều đình Huế? 

(49) Yoshiharu Tsuboi, Nước Đại Nam đối diện với Pháp và Trung Hoa 1847-1885, NXB Tri Thức, 2011, trang 111. 

(50) Võ Đức Hạnh, La place du catholicisme, trang 402-403, dẫn theo Yoshiharu Tsuboi, Nước Đại Nam đối diện với Pháp và Trung Hoa, Sđd, trang 125. 

Sau khi thực dân Pháp xâm chiếm đất Nam kỳ, người Pháp tổ chức hệ thống cai trị qua hai giai đoạn. Trong giai đoạn đầu, từ 1861 đến1879, người Pháp thành lập Soái phủ Nam kỳ (Gouvernement des Amiraux) do các đô đốc của Hải quân Pháp đứng đầu, trông coi việc cai trị hành chính và binh bị. Bắt đầu năm 1879, người Pháp đặt chức vụ Thống đốc Nam kỳ (Gouverneur-général de la Cochinchine) để cai trị mảnh đất thuộc địa này. Chức vụ thống đốc này trực thuộc bộ Thuộc địabộ Hải quân Pháp. Sau khi áp đặt chế độ bảo hộ, người Pháp đặt thêm chức vụ Khâm sứ Trung kỳ (Résident supérieur d'Annam) và Thống sứ Bắc kỳ (Résident général du Tonkin). Hai người này trực thuộc bộ Ngoại giao Pháp

(51) Yoshiharu Tsuboi, Nước Đại Nam đối diện với Pháp và Trung Hoa, Sđd, trang 121. 

(52) Yoshiharu Tsuboi, Nước Đại Nam đối diện với Pháp và Trung Hoa, Sđd, trang 129. 

(53) Theo Dương Tác Châu trong “Tranh Chấp ở quần đảo Trường Sa”(Funsoo Nasha Guntoo”(NXB Shinbyoron—Tokyo) 

(54) Công Hàm của Đại Sứ Quán Pháp tại Nhật Bản gửi CP NB ngày 12/7/1938 

“En étendant aux iles Paracelse le dispositif de sécurité maritime qui fonction sur la côte et le iles relevant de l’Union Indochinoise le Gouvernement Francais n’a d’autre intention que de remplir la charge qui lui incombe d’assurer dans ces parages la protection de la navigation internationale.” (theo Urano Tatsuo, Sđd, trang 288-289) 


(56) Chi tiết về hội nghị này và hội nghị Tehran được in trong tập The Foreign Relations of The United States Diplomatic Papers: The Conferences at Cairo and Tehran, 1943 (viết tắt: FRUS Cairo Tehran), Government Printing Office, Washington, D.C., 1961 

(57) FRUS Cairo Tehran, tr. 448, 449. 

(58) Mới đầu là Winston Churchill, sau là Clement Attlee khi Đảng Bảo thủ Anh thất cử. 

(59) Documents on American Foreign Relations, do Raymond Dennett và Ro­bert K. Turner biên tập và Prince University Press xuất bản năm 1948, tập VIII: 1.7.1945 31.12.1946. 

(60) Jean R. Sainteny, Histoire D’Une Paix Manquée: Indochine 1945-1947, Amiot Dumont, Paris, 1953, tr. 50. 

(61) Toàn văn bản Hòa ước San Francisco đăng trong: (a) United Nations Treaty Series, tập 136, tr. 46 và tiếp theo, và (b) American Foreign Policy, 1950 1955: Basic Documents do Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ xuất bản năm 1957, ấn bản số 5446, tr. 425 439. 

(62) Quốc gia Việt Nam là một thực thể chính trị tồn tại trong giai đoạn 1949-1956, ra đời sau Hiệp ước ngày 8/3/1949 giữa Pháp và cựu hoàng Bảo Đại (Hiệp ước Elysee). Cuối năm 1955, Ngô Đình Diệm – lúc này là Thủ tướng Quốc gia Việt Nam – lên làm tổng thống sau cuộc “Trưng cầu dân ý” ngày 23-10-1955. Đến năm 1956, Quốc gia Việt Nam “cải đổi” thành Việt Nam Cộng hòa, công bố Hiến pháp mới (26-10-1956). Như vậy có thể nói Quốc gia Việt Nam là “tiền thân” của Việt Nam Cộng hòa. 

(63) Tuyên bố của Thủ tướng Chính phủ Quốc gia Việt Nam Trần Văn Hữu tại Hội nghị San Francisci 1951 

“Thật là nghiêm trọng và cảm kích cho Việt Nam được đến San Francisco tham dự công việc của hội nghị Hòa bình với Nhật Bản. Sở dĩ chúng tôi được hiện diện tại đây là nhờ các tử sĩ của chúng tôi và lòng hy sinh vô bờ bến của dân tộc chúng tôi, dân tộc đã chịu đựng biết bao đau khổ để được sống còn và giành sự trường tồn cho một nòi giống đã có hơn 4 ngàn năm lịch sử. 

Nếu mỗi dân tộc đã thống khổ do sự chiếm đóng của Nhật Bản, có quyền tham dự hội nghị này, như tất cả diễn giả liên tiếp hai ngày nay đã đồng thanh nhìn nhận, mặc dù thuộc ý thức hệ nào đi nữa cũng vậy, thì cái quyền Việt Nam lên tiếng về Hòa ước Hòa bình với Nhật Bản lại càng dĩ nhiên hơn lúc nào hết, vì không ai không biết rằng, trong tất cả các quốc gia Á châu, V.N là một nước chịu nhiều đau khổ nhất về tài sản cũng như về tính mạng người dân. Và tôi thiếu sót phận sự tối thiểu đối với đồng bào quá vãng nếu giờ phút này, tôi không hướng một ý nghĩ thành kính đến số một triệu dân Việt mà hoàn cảnh bi thảm của sự chiếm đóng đã đưa đến cái chết đau thương. Những hư hại vật chất mà đất nước chúng tôi gánh chịu không phải là ít và tất cả nền kinh tế của chúng tôi bị ảnh hưởng một cách trầm trọng. Cầu cống và đường sá bị cắt đứt, làng xã bị triệt hạ hoàn toàn, nhà thương và trường học bị thiệt hại, bến tàu và đường sá bị dội bom, tất cả đều phải làm lại, đều cần thiết phải làm lại, nhưng than ôi cần có nguồn tài nguyên quá cao so với khả năng hiện hữu của chúng tôi. 

Cho nên, trong lúc khen ngợi sự rộng lượng của những tác giả dự án thỏa hiệp này, chúng tôi cũng trình bày ngay đây những quan điểm mà chúng tôi yêu cầu hội nghị ghi nhận. 

Là những người Á châu, chúng tôi thành thật hân hoan trước những viễn tượng mới mẻ mở rộng ra cho một quốc gia Á Đông sau khi kết thúc thỏa hiệp hòa bình này. Chúng tôi sẽ hết sức cố gắng góp phần vào sự phục hưng của một dân tộc Á đông bình dị và cần mẫn như nước Nhật Bản đây, chúng tôi tin chắc rằng những người dân châu Á phải là những người phát khởi thịnh vượng chung của mình, họ cũng trông cậy nơi chính mình để xa lánh mọi chế độ đế quốc và trong việc thiết lập một trạng thái quốc tế mới, một sự liên đới Á châu cũng cần thiết như một sự liên đới Âu châu vậy. 

"Điều này không có ý muốn nói là sẽ có một ngày nào đó hai sự đoàn kết này sẽ chống đối lẫn nhau. Điều này chỉ muốn nói một cách giản dị là các dân tộc châu Á một khi đã được các quốc gia Tây phương hoàn thành việc giúp đỡ họ xây dựng hòa bình, tôi nói rằng một khi mà hòa bình đã vãn hồi, các dân tộc Á châu không thể sẽ là gánh nặng cho kẻ khác, mà trái lại họ phải nhớ nằm lòng là họ phải tự bảo vệ mạng sống của họ bằng những phương tiện riêng của họ. Điều đó, ít nhất cũng là tham vọng của Việt Nam và dù cho có phải chịu nhiều thăng trầm cực nhọc họ vẫn tự hào là không lúc nào để nhụt chí. Nhưng một dân tộc độc lập phải là một dân tộc tự hào và cũng bởi sự tự hào, theo chúng tôi, có cái giá, giá đó tuy không thể nào bằng sự tự hào của Nhật Bản nhưng chúng tôi tới đây để yêu cầu được chữ ký của 51 quốc gia hội viên của Hội nghị này mà tái lập lại một đời sống quốc gia xứng đáng và tự hào. 

Tuy nhiên nếu dự thảo hiệp ước này đòi hỏi thẳng thắn cái quyền dền bồi lại tất cả những thiệt hại mà chính Nhật Bản hoặc là tác giả, hoặc ngẫu nhiên đã gây ra, những đền bù được dự liệu bằng các cung cấp dịch vụ, trong trường hợp của Việt Nam mà không được đền bồi bằng những nguyên liệu, thì chắc chắn sẽ chẳng có kết quả gì cả. Tất cả mọi thứ Việt Nam, cũng cần như Nhật Bản, một số trợ giúp quan trọng để tái tạo nền kinh tế của mình. Từ đó, nếu nhận những đền bù chánh yếu bằng những cung cấp dịch vụ thì chẳng khác nào như là đi tín nhiệm mọi thứ tiền không thể lưu hành ở xứ mình. 

Chúng tôi vì vậy sẽ phải đòi hỏi nghiên cứu lại các phương thức bồi hoàn hữu hiệu hơn và nhất là chúng tôi phải tính, ngoại trừ những phương tiện tạm thời, tới một sự bồi thường chính thức vào cái ngày mà chúng tôi ước mong là sẽ rất gần, cái ngày mà nền kinh tế của Nhật Bản sẽ được phục hưng để họ có thể đương đầu với tất cả mọi bắt buộc. 

Và để tận dụng không ngần ngại mọi cơ hội để dập tắt những mầm mống bất hòa, chúng tôi khẳng định chủ quyền của chúng tôi trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa từ xưa đến nay vẫn thuộc cương vực Việt Nam”. 

(Trích trong France-Asia, số 66-67, tháng 11-12 1951) 

(64) Các nước tham dự bao gồm: 


(65) Toàn bản văn đăng trong People’s China, tập V, số 10, ng. 16.5.1952, tr.4. 

(66) People’s China, tập V, số 10, ng. 16.5.1952, tr.4. 

(67) Xem bài “Review of International Situation” đăng trong President Chiang Kai Shek’s selected speeches and messages in 1955, do China Publishing Co. xuất bản tại Đài Bắc năm 1956, tr. 22. Đông Tam Tỉnh nói ở đây là danh xưng người Trung Hoa vẫn dùng để gọi Mãn Châu. 

(68) Ngày 29-6-1950, Pháp chính thức công nhận Quốc gia Việt Nam là thành viên của khối Liên hiệp Pháp. 

(69) Lưu Văn Lợi, Cuộc tranh chấp Việt-Trung về 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, NXB Công an, Hà Nội, 1995, trang 105. 

(70) Tuyên bố trong một buổi họp báo tại Hà Nội ngày 2/12/1992, được loan tải bởi Thông Tấn Xã Việt Nam ngày 3/12/1992. 

(71) BBC Vietnamese.com ngày 18/09/2008. Bài “Trung Quốc xuyên tạc cử chỉ hữu nghị”. 

(72) www.fmprc.gov.cn, ngày 17/11/2000 


(74) Trích và lược dịch từ nguồn: Paracels Forum - The Discussion Proceeds For Peace


(76) Monique Chemillier-Gendreau: La souveraineté sur les Paracels et Spratleys. L’Harmatan, Paris, 1996, Sđd, tr. 123 

(77) Điều 4 của Hiệp định Geneve ngày 21-7-1954: 

Giới tuyến quân sự tạm thời giữa hai vùng tập hợp kéo dài ra ngoài hải phận theo một đường thẳng góc với đường ven biển. 

Lực lượng Liên hiệp Pháp sẽ rút khỏi các hải đảo ven bờ biển thuộc phía Bắc giới tuyến ấy, Quân đội Nhân dân Việt Nam sẽ rút khỏi tất cả các hải đảo thuộc phía Nam. 

Điều 24 của Hiệp định Geneve ngày 21-7-1954: 

Hiệp định này áp dụng cho tất cả mọi lực lượng vũ trang của đôi bên. Lực lượng vũ trang của mỗi bên sẽ phải tôn trọng khu phi quân sự và lãnh thổ đặt dưới quyền kiểm soát quân sự của bên kia và sẽ không có hành động hoặc hoạt động gì chống bên kia, hoặc một hoạt động phong tỏa bất cứ bằng cách nào ở Việt Nam. 

Danh từ “lãnh thổ” nói đây bao gồm cả hải phận và không phận. 

Điều 12 trong Tuyên bố cuối cùng của Hội nghị Geneve ngày 21-7-1954: 

“Trong quan hệ với Cao – Miên, Lào và Việt Nam, mỗi nước tham gia Hội nghị Genève cam kết tôn trọng chủ quyền, độc lập, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của những nước trên và tuyệt đối không can thiệp vào nội trị của những nước đó”. 

Thành phần tham dự Hội nghị Geneve: 

• Phái đoàn Anh, do Anthony Eden làm trưởng đoàn. 

• Phái đoàn Hoa Kỳ, do Bedell Smith làm trưởng đoàn. 

• Phái đoàn Liên bang Xô Viết, do Viacheslav Molotov làm trưởng đoàn. 

• Phái đoàn Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, do Chu Ân Lai làm trưởng đoàn. 

• Phái đoàn Pháp, do Georges Bidault làm trưởng đoàn. 

• Phái đoàn Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, do Phạm Văn Đồng làm trưởng đoàn. 

• Phái đoàn Quốc gia Việt Nam, do Nguyễn Quốc Định làm trưởng đoàn sau Trần Văn Đỗ thay thế. 

• Phái đoàn Lào, do Phumi Sananikone làm trưởng đoàn. 

• Phái đoàn Campuchia, do Tep Than, làm trưởng đoàn. 

(78) Từ Đặng Minh Thu, Chủ quyền trên hai quần đảo. Hoàng Sa và Trường Sa. Thử phân tích lập luận của Việt Nam và Trung Quốc (Tham luận của tiến sĩ Từ Đặng Minh Thu đọc tại hội thảo "Vấn đề tranh chấp biển Đông" tổ chức ở New York (Mỹ) ngày 15 và 16-8-1998. Tham luận đã đăng trên tạp chí Thời Đại Mới 7-2007). 

(79) Bài viết được đăng trên tờ Việt Weekly ấn bản ngày 27/12/2007 

(80) Từ ngày 6 đến 8 tháng 6 năm 1969, Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam là nòng cốt, cùng với Liên minh các Lực lượng Dân tộc, Dân chủ và Hòa bình Việt Nam do Trịnh Đình Thảo làm chủ tịch, đã lập ra Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam để đối chọi với chính phủ Việt Nam Cộng Hòa. Chính phủ cách mạng lâm thời do kiến trúc sư Huỳnh Tấn Phát làm chủ tịch, và Hội đồng cố vấn Chính phủ do luật sư Nguyễn Hữu Thọ làm chủ tịch. Chính phủ cách mạng lâm thời đã được các nước theo phe XHCN và một số nước thuộc Thế giới thứ ba công nhận. Ngay trong tháng 6 năm 1969, cho đến ngày 5 tháng 11 năm 1975 đã có 23 nước công nhận Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam, trong đó có 21 nước đã quan hệ ngoại giao. 

Ngày 27 tháng 1 năm 1973, Hiệp định Paris được ký kết. Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam cùng với Chính phủ Cách mạng Lâm thời được chính thức công nhận là một chính quyền tại Nam Việt Nam và là một trong 4 bên tham gia hiệp định. 

Dưới sự chỉ đạo của Đảng Lao Động Việt Nam, từ ngày 15 đến 21 tháng 11 năm 1975, hội nghị hiệp thương chính trị được tổ chức để tiến tới thống nhất về mặt nhà nước. Đoàn Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa do ông Trường Chinh đứng đầu, đoàn Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam do ông Phạm Hùng đứng đầu. Hội nghị đã tán thành tổ chức bầu cử Quốc hội thống nhất. 

Ngày 25 tháng 4 năm 1976 tổng tuyển cử trong cả nước được tổ chức. Từ ngày 24 tháng 6 đến ngày 2 tháng 7 năm 1976, Quốc hội họp phiên đầu tiên, đặt tên nước là Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam, thông qua quốc kỳ, quốc huy, quốc ca, xác định Thủ đô, bầu chính phủ. Từ đây, chính quyền Cộng hòa Miền Nam Việt Nam chính thức hợp nhất với chính quyền Việt Nam Dân chủ Cộng hòa để ra đời chính quyền Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam của một quốc gia Việt Nam thống nhất. 






=======================================================================


TRƯỜNG ĐẠI HỌC
KH XÃ HỘI & NHÂN VĂN
ĐẠI HỌC QG HÀ NỘI
HỌC VIỆN
CHÍNH TRỊ - HÀNH CHÍNH
QUỐC GIA KHU VỰC III
TRƯỜNG ĐẠI HỌC
KH XÃ HỘI & NHÂN VĂN
ĐẠI HỌC QG TP.HCM

GIẤY MỜI
VIẾT THAM LUẬN THAM GIA  HỘI THẢO KHOA HỌC QUỐC GIA
“HỢP TÁC BIỂN ĐÔNG: LỊCH SỬ VÀ TRIỂN VỌNG”

Kính gửi:        Đinh Kim Phúc
                   ĐH Mở TP. HCM.

Trong chiến lược phát triển của các quốc gia Đông Nam Á và khu vực châu Á - Thái Bình Dương, Biển Đông có một vị trí hết sức quan trọng. Đây không chỉ là một vùng biển nắm giữ vai trò huyết mạch trong hệ thống giao thương châu Á và thế giới mà còn là khu vực giàu tiềm năng, gắn với triển vọng phát triển của nhiều quốc gia khu vực.
Để tiếp tục nghiên cứu, nâng cao nhận thức về Biển Đông, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội), Học Viện Chính trị - Hành chính Quốc gia khu vực III (Đà Nẵng) và Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia Tp.Hồ Chí Minh) phối hợp đồng tổ chức hội thảo khoa học nhằm công bố những thành tựu nghiên cứu mới về Biển Đông, tập trung làm rõ vị trí chiến lược, tiềm năng kinh tế, văn hóa, khả năng hợp tác, phát triển giữa các quốc gia khu vực Biển Đông.
1.      Mục đích của Hội thảo
Hội thảo là cơ hội để các chuyên gia, các nhà khoa học công bố những thành tựu nghiên cứu mới về Biển Đông, tập trung làm rõ vị trí chiến lược, tiềm năng kinh tế, văn hóa, khả năng hợp tác, phát triển giữa các quốc gia khu vực Biển Đông từ góc độ lịch sử và triển vọng.
         Với phương hướng tiếp cận liên ngành, Hội thảo cũng nhằm cung cấp thêm những tư liệu lịch sử, văn hoá, nhằm làm rõ vị trí địa lý, kinh tế, cơ sở pháp lý... cho các quan hệ hợp tác phát triển của các quốc gia trong khu vực và có liên quan tới Biển Đông.
         Hội thảo tạo cơ sở để hình thành mạng lưới nghiên cứu về Biển Đông giữa các nước trong khu vực và trên thế giới, hướng tới xây dựng một Chương trình hợp tác, nghiên cứu về Biển Đông.
2.      Nội dung của Hội thảo
Hội thảo tập trung thảo luận 4 nội dung chính:
Vị trí chiến lược của Biển Đông về chính trị, quân sự và kinh tế đối với Việt Nam, Đông Nam Á và các quốc gia khu vực châu Á - Thái Bình Dương trong lịch sử.
Tiềm năng kinh tế biển, năng lực khai thác biển, quan hệ giao thương và bang giao trên biển... của người Việt Nam trong tiến trình lịch sử.
Biển Đông trong quan hệ hợp tác đảm bảo an ninh, khai thác và phát triển các nguồn lợi kinh tế biển đối với sự phát triển của Việt Nam và các quốc gia khu vực hiện nay cũng như trong tương lai.
Cơ sở pháp lý quốc tế; lịch sử, xác lập và thực hiện chủ quyền biển đảo trên Biển Đông; kinh nghiệm giải quyết các tranh chấp về chủ quyền biển đảo của các quốc gia trong khu vực và trên thế giới.
3. Ngôn ngữ sử dụng trong Hội thảo: Tiếng Việt.
4. Thời gian tổ chức: Trong 02 ngày từ  ngày 12  đến  ngày 14 tháng 12  năm 2012.
5. Địa điểm tổ chức: Học viện Chính trị - Hành chính khu vực II, Thành phố Đà Nẵng.
Ban Tổ chức Hội thảo Quốc gia xin thông báo và trân trọng kính mời các nhà khoa học, các chuyên gia và nhà nghiên cứu viết tham luận tham gia hội thảo về những nội dung nói trên.
Kính đề nghị các nhà khoa học gửi báo cáo toàn văn trước ngày 30 tháng 10 năm 2012 cho Ban liên lạc theo địa chỉ:
Email:nghiemlogic@gmail.com, thuydangcuc@yahoo.com.vn. Bản toàn văn báo cáo được chế bản trên giấy A4, font chữ Times New Roman, bảng mã Unicode, cỡ chữ 13.
            Liên hệ theo địa chỉ: Phòng Quản lý Khoa học-Dự án, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐHQG-TP. HCM, Điện thoại: (08) 38293828-122. Hoặc Đặng Thanh Thúy, Di động: 0919 10 11 20.
                                                                   Tp. HCM, ngày 04 tháng 10 năm 2012

TM. BAN TỔ CHỨC HỘI THẢO

ĐỒNG TRƯỞNG BAN

HIỆU TRƯỞNG

(Đã kí)

PGS.TS. VÕ VĂN SEN



Ai chủ trương không phản biện Trung Quốc về Biển Đông? Reviewed by Em Binh on 12/11/2012 Rating: 5 Ai chủ trương không phản biện quan điểm của các học giả và nhà nước Trung Quốc về Biển Đông? Thư ngỏ Kính gửi: - GS.TS Phạm V...

Không có nhận xét nào: