DiendanPhuVan - Theo Bộ trưởng Tài chính Vương Đình Huệ thì nợ quốc gia hiện tại là 67 tỷ Mỹ kim, tức 55% tổng sản lượng nội địa (GDP). Theo ông Huệ thì như thế là an toàn: làm ra 100 đồng mỗi năm trong khi các món nợ xưa nay dồn lại thì chỉ có 55 đồng, thế có nghĩa là chưa đến nổi phải khai vỡ nợ.
Tính theo GDP bình quân đầu người thì càng an toàn hơn: Dân số Việt Nam hiện tại là 87.84 triệu người, tính ra mỗi đầu người nợ gần 740 Mỹ kim, mà mức GDP bình quân đầu người là 3,400 Mỹ kim một năm.
Số liệu trên chỉ nói “nợ nước ngoài” (External debt) chứ không nói “nợ nội địa”. Đó là các loại nợ mà nhà nước bắt nhân dân “cho vay” qua hình thức bán công trái. Nợ này thì nhà nuớc có thể quỵt lúc nào cũng được do đó chúng ta không tính.
Nhưng Tiến sĩ Vũ Quang Việt, chuyên viên thống kê của Liên Hiệp quốc còn nêu ra một sự thật khác: theo tiêu chí quốc tế thì nợ công phải tính luôn nợ của chính phủ cộng vào những món nợ do chính phủ bảo lãnh, nợ của chính quyền địa phương và nợ của các công ty quốc doanh.
Trong bài viết đăng tải ngày 25/11 trên trang Diễn đàn, Tiến sĩ Vũ Quang Việt cho biết nếu tính tiêu chí này thì hiện tại chính quyền Việt Nam đã gây ra số nợ nước ngoài từ 115 đến 129 tỷ Mỹ kim.
Số nợ này tương ứng 106% tổng sản lượng nội địa (GDP) của năm 2011 (gần 122 tỷ Mỹ kim) và nếu chia đều thì mỗi người dân lãnh món nợ từ 1309 đến gần 1,469 Mỹ kim.
Sở dĩ có khoảng cách 14 tỷ giữa hai con số là có thể có sự trùng lặp giữa nợ nước ngoài của công ty nhà nước và nợ do chính phủ bảo lãnh. Nhưng dù có nợ ở mức thấp nhất là 115 tỷ, thì tình trạng rất nguy hiểm.
Số liệu của Bộ Ngoại giao Mỹ vào tháng 10 năm 2009 cho biết nợ nước ngoài của Việt Nam năm 2008 là 21.8 tỷ Mỹ kim, chiếm 29.8 phần trăm GDP. Chỉ sau 4 năm, con số đã tăng hơn năm lần, lý do là từ đâu?
Nợ nần thì có hai lý do chính, thứ nhất là vay liều, cần tiền là vay mà không tính cái ngày mình phải trả nợ. Thứ hai là không biết cách làm ăn, vay vốn về nhưng làm không ra tiền, không trả hết nợ lại lâm cảnh lãi mẹ đẻ lãi con.
Để tìm hiểu chuyện này, chúng ta cần lùi lại về trước khoảng 7 năm với “cú hích vay nợ” 2005 của kẻ dốt làm liều.
Vay liều
Tháng 9 năm 2005 báo chí Việt Nam “hồ hởi phấn khởi đưa tin: mới ra quân tấn công thị trường tài chính Mỹ ở New York lần đầu tiên mà ta đã “thắng lợi vẻ vang”. “Mang chuông đi đấm xứ người/Không kêu cũng đánh ba hồi lấy danh”, không những chuông kêu, chuông có danh mà ta còn rinh về những 750 triệu Mỹ kim: mới chào hàng đợt trái phiếu đầu tiên với lãi suất 7.15% đã có người mua ào ào, không đủ bán.
Các nhà bình luận đảng ta thi nhau bình luận: chỉ mới ra quân đã bán được như vậy chứng tỏ rằng tiềm năng kinh tế của ta rất lớn, được các nhà đầu tư nước ngoài tin tưởng và đánh giá cao.
Khi nói như thế thì đúng là những nhà bình luận này đã hoàn toàn không biết gì về thị trường tài chính vì đây cũng là một hình thức vay nợ.
Dù biết rằng trước sau con nợ cũng sẽ nướng vào sòng bài và sẽ thua như đã từng thua nhưng tại sao một chủ nợ sẵn sàng móc hầu bao ra cho vay?
Chủ nợ dám cho vay vì hai lẽ: thứ nhất, có cho vay mới có lãi; thứ hai, ông ta hay bà ta nắm đằng chuôi, có quan hệ với xã hội đen, kẻ quỵt nợ chỉ có cách bỏ xứ mà đi; thứ ba, dù sao thì con nợ cũng có nhà cửa, có gia đình, cùng lắm thì tới nhà xiết đồ!
Khi bỏ tiền ra mua trái phiếu của Việt Nam các “chủ nợ” kia cũng tính toán tương tự như vậy.
Thứ nhất, bỏ ra 100 triệu để mua trái phiếu trên của Việt Nam thì chỉ một năm sau là họ lãi được 7.15 triệu. Với số tiền 750 triệu trên, chỉ tới tháng 9 năm 2006 thôi, Việt Nam phải gánh thêm khoản tiền lời thường niên là 53.625 triệu Mỹ kim.
Đến tháng 9 năm 2007, lãi mẹ đẻ lãi con, số tiền lãi sẽ lên tới gần 57.5 triệu Mỹ kim. Sau mười năm như vậy, tiền lãi sẽ tăng mãi, tăng mãi đến mức chóng mặt. Phải gom góp từng tấn gạo nhọc nhằn ở đồng bằng sông Cửu Long, bao nhiêu tấn hàng mây tre hay cây chổi đót mới được số tiền này?
Thứ hai, Việt Nam có dám quỵt tiền bán trái phiếu của họ không?
Trên thực tế thì chính phủ đã từng quỵt tiền mua công trái của người dân. Công trái phát hành từ giữa đầu thập niên 80 và sau giai đoạn cải cách tiền – lương – giá của “thiên tài thơ” Tố Hữu, lạm phát diễn ra với tình trạng phi mã: người dân bán con bò để mua công trái, đến lúc này thì cộng thêm tiền lời, chỉ đủ để mua vài lạng thịt bò. Mà chỉ vài lạng thôi mà đã thấy nhà nước làm thinh mãi, thôi thì xem như “cúng hương” cho nhà nước, bỏ quách cho rồi.
Thế nhưng, trong khi có thể dễ dàng quỵt tiền công trái của nhân dân, chính phủ VN khó mà dở trò bần cố nông đấu tranh trên thị trường tài chính quốc tế. Như đã nói, bán được trái phiếu cũng là vay được tiền. Người bỏ tiền ra cho vay khi biết chắc rằng Việt Nam đã hoà nhập sân chơi quốc tế, không dễ dầu gì quỵt nợ.
Thứ ba, dù sao thì lúc đó Việt Nam vẫn chưa bị liệt vào sổ đen của thị trường tài chính quốc tế: mức nợ quốc gia vẫn dưới 50% GDP, tức chưa bị liệt vào danh sách những quốc gia sắp vỡ nợ.
Tính liều
Sau khi “tấn công thị trường New York”, chính phủ Việt Nam đưa ra “chiến lược thanh toán nợ”: từ 2006 đến năm 2010 thì sẽ “phấn đấu trả mỗi năm hai tỷ”.
Như vậy nếu chia ra thì mỗi năm một người dân – bằng các hình thức thuế má v.v.. -- phải góp cho nhà nước gần 24 Mỹ kim. Còn như tha cho ông già bà già và “các cháu thiếu niên nhi đồng”, chỉ chia cho 44 triệu người có khả năng làm việc – Việt Nam gọi là “trong độ tuổi lao động” – thì mỗi người phải đóng thêm 45 Mỹ kim: với người dân lao động nghèo đây cũng là một số tiền không nhỏ!
Tuy nhiên số liệu của Bộ tài chính Việt Nam lúc đó cho biết trong giai đoạn năm 1997-2001, trung bình mỗi năm các định chế tài chính quốc tế giải ngân cho Việt Nam một khoản tiền cho vay là 1.199 tỉ Mỹ kim.
Cũng trong giai đoạn này thì tính trung bình, tiền nợ đáo hạn mà Việt Nam phải trả – tính cả gốc và lãi - là 1.12 tỉ Mỹ kim.
Nghe thật là tức cười vì có cũng như không: vừa vay về 1.199 tỷ vừa đi trả nợ cũ hết 1.12 tỷ, kể cũng như không .
Dù sao thì cũng “dư” được gần 790 triệu.
Quả là một tình trạng dở khóc dở cười, và chính vì thấy được điều này mà một số chủ nợ bóc lột ấy đã tìm cách giúp con nợ.
Bảy năm sau, qua một loạt các khoản vay khổng lồ cho các dự án khổng lồ như bauxite Tây Nguyên, thủy điện Lai Châu con số đã phình ra gấp 5 lần. Hậu quả của các dự án này là số nợ chồng chất lên vai đời con, đời cháu vì sẽ tiếp tục vay mỗi năm 3, 4 hay 5. 6. 7 tỷ và dành ra hết 2.9, 3.9 hay 4.8. 5.9 hay 6.9 tỷ để trả nợ.
Làm liều, làm dở
Tiền vay để rót vào các dự án khổng lồ nhưng thực chất thì chưa chắc các công trình này sẽ đem lại hiệu quả kinh tế mà thậm chí còn gây ra thảm hoạ, bắt Việt Nam phải vay nợ về “khắc phục hậu quả”.
Trong phiên họp quốc hội tháng 11 vừa rồi, các đại biểu đã đặt vấn đề về dự án Xi măng Cẩm Phả do Vinaconex làm chủ đầu tư. Dự án có vốn đầu tư 6,089 tỷ đồng với công suất mục tiêu 2,3 triệu tấn/năm, thế nhưng sau 3 năm hoạt động bị lỗ tới 1,259 tỷ!
Hay một dự án gây tranh cãi nhiều nhất về cả ba ý nghĩa là lợi ích kinh tế, hiểm hoạ môi trường và ý nghĩa chiến lược là bauxite Tây Nguyên.
Năm 2008 dư luận trong nước ồn ào vói việc quốc hội thông qua dự án bauxite Tây Nguyên, có “tổng mức đầu tư” cho đến năm 2029 là từ 190,000 đến 250,000 tỷ đồng.
Tính toán đến tận năm 2029 thế nhưng chỉ sau vài ba năm đã có những “biến động phát sinh” do không lường trước được như không có đường giao thông, hoá chất bị rò rỉ gây ô nhiễm môi trường phải “khắc phục hậu quả”, cho đến lúc đó thì số vốn sẽ phình ra bao nhiêu? Phải vay thêm bao nhiêu và sẽ phải trả lãi bao nhiêu?
Trong khi đó thì chính những chủ đầu tư chưa biết bao giờ sẽ làm ăn có lãi.
Ngày 29.10.2012 mục “Thời sự” trên báo Sài Gòn Tiếp Thị ký giả Chí Hiếu đã phỏng vấn ông Trần Xuân Hoà, chủ tịch hội đồng thành viên tập đoàn Than – khoáng sản Việt Nam (Vinacomin):
Hỏi: Vậy với dự án bôxít Tân Rai thì dự kiến mất bao năm mới bắt đầu có lãi?
Đáp: “Vì đây là dự án bôxít đầu tiên mà chúng tôi làm, nên phải làm đã thì mới biết đến năm nào thì có lãi. Còn nếu đòi hỏi năm đầu tiên mà dự án phải có lãi ngay thì không nước nào trên thế giới tính thế cả, bởi phải tính cho cả đời dự án”.
Hỏi: Mới đây sau cuộc thị sát do viện CODE (thuộc liên hiệp Các hội khoa học kỹ thuật Việt Nam) tổ chức, một chuyên gia của chính Vinacomin là ông Nguyễn Thành Sơn tỏ ra rất lo ngại, ông Sơn cho rằng Vinacomin nên mạnh dạn đề xuất Chính phủ cho dừng một dự án (Nhân Cơ), chờ để thí điểm xong Tân Rai nếu thấy có hiệu quả thì làm tiếp cũng chưa muộn, ông thấy sao?
Đáp: Chính phủ chỉ đạo chúng tôi làm thí điểm cả hai dự án, đấy là cái “cốt”. Còn mình là “quân” của Chính phủ thì (phải) làm theo chỉ đạo.
Hỏi: Nhưng nếu làm cả hai dự án cùng lúc, tức là dồn cả vốn vào đấy, thì Vinacomin sẽ rất khó khăn, nhất là để đầu tư vào ngành chính là than?
Đáp: Cái đó phải hỏi Chính phủ. Tất cả vốn của dự án này Chính phủ lo hết. Với lại cả nước bây giờ đang khó khăn về vốn liếng cả chứ đâu riêng gì dự án nào.
Thông qua một dự án lớn, gây bao tranh cãi như bauxit mà giao cho một nhà quản trị “không biết gì” như vậy thì hết nước nói, nợ nần đầm đìa là phải!
Cả nước đang khó khăn
Năm 2011 làm ra 122 tỷ mà năm 2012 nợ từ 115 đến 129 tỷ, nghĩa là bao nhiêu tiền làm ra đều mang đi trả lãi trong khi trường học, bệnh viện, đường sá thiếu tiền để tu bổ, giáo viên, y tá và bác sĩ cùng công chức than vãn đồng lương ọp ẹp, do đó “tiêu cực” và tham nhũng mới nảy sinh.
Trong phiên họp quốc hội tháng 11, Bộ trưởng Tài chính Vương Đình Huệ cho biết có tới 30 tập đoàn và tổng công ty có số nợ lớn gấp ba lần vốn chủ sở hữu, trong số này có tám công ty nợ gấp 10 lần vốn và 10 công ty nợ từ 5-10 lần.
Rõ ràng là 30 tập đoàn này đã mất khả năng trả nợ, tình hình lạm phát mà kéo dài thì 30 tập đoàn này cũng theo chân Vinashin để Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng có cơ hội xin lỗi với Trung ương đảng!
Báo cáo Chính phủ trình Quốc hội ngày 16-11-2012 về tình hình làm ăn của các tập đoàn, tổng công ty nhà nước cho thấy tình trạng tài chính bi quan với một món nợ khổng lồ do làm ăn lỗ lã, không trả được lãi và số nợ tăng cao do lãi mẹ đẻ lãi con.
Báo cáo cho biết: “Năm 2011, tổng số nợ phải trả của tập đoàn, tổng công ty nhà nước là 1.292.400 tỉ đồng, tăng 18,9% so với năm 2010. Hệ số nợ phải trả/vốn chủ sở hữu bình quân năm 2011 là 1,77 lần. Xét từng tập đoàn, tổng công ty nhà nước, có 30 tập đoàn, tổng công ty nhà nước tỉ lệ nợ phải trả/vốn chủ sở hữu lớn hơn 3 lần, trong đó có 8 tập đoàn, tổng công ty nhà nước trên 10 lần.”
Với số nợ quá lớn này thì bao nhiêu tiền làm ra cũng chỉ để mang đi trả nợ và vấn đề là ai chịu trách nhiệm.
Ai chịu trách nhiệm!
Khoản nợ rất lớn của các tập đoàn, tổng công ty nhà nước đặt ra các câu hỏi nhức nhối về trách nhiệm quản lý tài sản của nhân dân.
Thứ nhất là việc phê chuẩn để tập đoàn, tổng công ty nhà nước vay số vốn khổng lồ đó từ các ngân hàng của nhà nước hay đứng ra bảo lãnh cho để đi vay ở nước ngoài trong khi tình trạng nợ nần và lỗ lã cao như vậy?
Thứ hai là việc giám sách việc sử dụng các khoản vốn vay, việc đầu tư và kinh doanh.
Báo cáo tại quốc hội cho thấy rất nhiền vốn vay bị mang đầu tư ra ngoài ngành, vào những lĩnh vực có độ rủi ro cao như chứng khoán, bất động sản.
Với một công ty hoạt động theo cơ chế thị trường, chắc chắn các cổ đông sẽ không thể chấp nhận tình trạng tài chính nguy kịch như vậy và đòi hỏi phải có thay đổi. Đồng thời một nhà nước hiệu quả sẽ không thể chấp nhận các khoản vay nói trên vì khả năng sinh lời và hoàn trả quá thấp.
Động cơ nào đã thúc đẩy các phi vụ tín dụng bất bình thường này?
Đến từng tổng công ty, từng tập đoàn đặt câu hỏi, tất sẽ nhận câu trả lời của ông Trần Xuân Hoà: “Cái đó phải hỏi Chính phủ. Tất cả vốn của dự án này Chính phủ lo hết. Với lại cả nước bây giờ đang khó khăn về vốn liếng cả chứ đâu riêng gì dự án nào.”
Như vậy sẽ dẫn đến trách nhiệm của người quản lý cao nhất là thủ tướng chính phủ và việc này đã được ký giả Nguyên Hà tạm trả lời trong bài tường thuật “Thất thoát cả trăm nghìn tỷ đồng, sao chỉ một lời xin lỗi là xong?” trên báo Đất Việt ngày 1.12.2012:
“Ngày 1/12, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng tiếp xúc với các cử tri Hà Nội sau kỳ họp Quốc hội. Bức xúc trước vấn nạn tham nhũng, nhiều cử tri đề nghị Tổng bí thư vạch rõ đích danh chân tướng “một bộ phận không nhỏ cán bộ suy thoái”. Các đại biểu cũng bày tỏ sự không hài lòng với kết quả phê bình và tự phê bình theo NQ Trung ương 4 bởi phát động thì rầm rộ mà rốt cuộc không ai bị kỷ luật, dư luận cho là hòa cả làng. Thậm chí, nhiều vị ra trước QH chỉ “nhận trách nhiệm” là xong.
Cử tri Trần Viết Hoàn (Liễu Giai) lo lắng khi chứng kiến một bộ phận cán bộ, trong đó có lãnh đạo cấp cao, có biểu hiện suy thoái về đạo đức, tư tưởng chính trị, lối sống mà Nghị quyết TƯ 4 đã chỉ rõ. Đó là những người “tranh thủ” từng ngày làm quan để vơ vét.
Theo mô tả của ông Hoàn, lớp người này “lấy đồng tiền làm cứu cánh, làm cái đà cho danh vọng, cái lọng để che thân, làm cán cân của công lý, làm cái cần cho lý trí, tiền là hết ý… Dân ta đã coi đây là giặc nội xâm, quốc nạn, giặc trong lòng, giặc trong tổ chức”.
Cũng theo ông Hoàn, Nghị quyết của Đảng cũng như luật Phòng chống tham nhũng nếu làm không không triệt để thì chỉ e mọi việc lại trở về như cũ, có khi còn tồi tệ hơn. Đặc biệt, dân chúng rất chia sẻ với quyết tâm làm trong sạch bộ máy của Tổng Bí thư, nhưng dân không hiểu vì sao cả bộ máy lại không có sự chuyển biến. Thất thoát cả trăm nghìn tỷ đồng mà chỉ cần một lời xin lỗi là xong? Như vậy thì không thể chống được tham nhũng mà chỉ mở đường cho tham nhũng”.
Cử tri Nguyễn Khắc Thịnh (Giảng Võ, quận Ba Đình) cùng chung băn khoăn với ông Hoàn là Nghị quyết Trung ương 4 đã nhận định những cán bộ thoái hóa, tiêu cực là một bộ phận không nhỏ nhưng cụ thể bộ phận này chiếm bao nhiêu % lại không trả lời được. Ông Thịnh cũng e ngại chủ trương này lại tiếp tục kéo dài như nhiều Nghị quyết khác của Quốc hội, lúc ban hành thì rất rầm rộ nhưng hiệu quả chưa thấy đâu.”
Câu hỏi về trách nhiệm thủ tướng này lại dắt tới các biện hộ lòng vòng về cơ chế và rốt cuộc thỉ chả có ai thực sự chịu trách nhiệm cả, chỉ có con dân Việt Nam mới thật sự trở thành con nợ!
Lê Trọng Hiệp
Nguồn: http://groups.yahoo.com/group/DienDanPhuVan/message/41940
Không có nhận xét nào: