Cứu Cánh Và Hành Động - Thanh Niên Công Giáo

728x90 AdSpace

Trending
31 tháng 12, 2012

Cứu Cánh Và Hành Động

Vietcatholic - “Phúc cho những ai xây dựng hòa bình vì họ sẽ được gọi là con Thiên Chúa”. (Mt 5,9)
Năm 2012 sắp khép lại với những biến cố buồn vui của kiếp người và những sự kiện thăng trầm của thế giới.

Khi điểm lại những gì đã diễn ra trên thế giới trong một năm qua, chắc hẳn người ta sẽ không thể quên nhắc đến hành động luôn khiêu khích và đầy gây hấn của Cộng sản Trung Quốc đối với các nước trong khu vực Á Châu mà điển hình là việc tranh chấp quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam, mà Trung Quốc gọi là Tam Sa; rồi với Philippine ở bãi cạn Scarborough, và sôi động nhất là việc tranh chấp 5 hòn đảo không có người ở và 3 bãi đá hoang với Nhật Bản. Các hòn đảo và bãi đá này được biết đến với tên gọi quần đảo Senkaku theo tiếng Nhật, mà Trung Quốc gọi là Điếu Ngư. 

Cuộc tranh chấp với Nhật Bản đã bùng phát mạnh mẽ khi các cuộc biểu tình bài Nhật đã diễn ra ở 85 thành phố của Trung Quốc. Các phần tử dân tộc chủ nghĩa Trung cộng đã tấn công gây hấn, đập phá các cửa tiệm, đốt các công ty của Nhật và xông vào cướp đồ - hôi của. Trái lại với những hành động thô lỗ trên, ở Nhật Bản đã không hề diễn ra bất cứ một cuộc gây hấn hay tấn công nào nhắm vào người Hoa đang sinh sống trên đất nước Nhật Bản. 

Mới đây, khi có dịp hướng dẫn một linh mục đi thăm thành phố Kobe, tôi đã dẫn ngài đến thăm Chinatown (mà theo ngôn ngữ bình dân gọi là Phố Tàu). Tôi đã chia sẻ với ngài về suy nghĩ của tôi là : cùng một mục đích nhưng con người ta lại hành động hoàn toàn khác nhau. Cụ thể là cùng đấu tranh cho danh dự của tồ quốc nhưng giữa người Nhật và người Hoa thì người Hoa đã chọn giải pháp bạo động còn người Nhật thì không như vậy. Sau khi nghe tôi chia sẻ suy nghĩ của mình thì vị linh mục đã nói lại với tôi : “Vì người Nhật có học nên họ mới không hành động như thế!” 

Ai cũng biết, Biển Đông vốn là một khu vực có nhiều dầu mỏ, khí đốt và là nơi có nhiều tuyến đường hàng hải với những chiến lược quan trọng. Do đó, với phương châm “lấy cứu cánh biện minh cho hành động”, Cộng sản Trung Quốc đã nảy sinh tham vọng độc chiếm khu vực biển này. Điều đó đã được minh chứng rõ nét qua lập trường, chính sách và những hành động của họ trong thời gian vài năm trở lại đây.

Vì thế, họ đã tìm đủ mọi cách và viện dẫn nhiều lý do, chứng cứ để chỉ nhắm đến một ý đồ duy nhất là làm bá chủ khu vực Biển Đông. Thế nhưng, cho dù với bất cứ lý do gì, dưới bất cứ góc nhìn nào cũng không thể biện minh cho những hành động thô bạo của Cộng sản Trung Quốc.

Đứng trước những hành động đầy thô bạo và thô lỗ của Trung cộng, những người dân Nhật Bản có lương tri và sự hiểu biết đã không thể làm ngơ in lặng đứng nhìn. Trái lại, họ đã lên tiếng phản đối và nói lên tiếng nói của lẽ phải, của công lý và hòa bình. Hơn nữa, khởi đi từ chính việc nói lên lẽ phải, bênh vực công lý và kiến tạo hòa bình và là những người có chính nghĩa mà họ đã không run sợ trước sức mạnh của tăm tối và bạo lực, họ đã hành động không như Trung cộng đã làm. Trái lại, họ luôn nhã nhặn nhu mì; dùng con đường bất bạo động để chống lại kẻ thủ ác, họ lấy ân đức để báo trả oán hận, họ lấy chính nghĩa để đối ứng hiểm độc.

Có thể nói, cung cách ứng xử của người Nhật Bản trong sự việc này lại một lần nữa nói lên nhân cách của những con người sống trong một đất nước văn minh và tiến bộ. Người ta vẫn còn chưa phai trong ký ức mình hình ảnh tang thương, hoang tàn, đổ nát của một đất nước sau trận thiên tai kép động đất và sóng thần vào ngày 11/3/2011, giữa cảnh sống đầy khó khăn và thử thách ấy, người ta đã không hề thấy có cảnh cướp giật, tranh giành hay trộm cắp, hôi của xảy ra. Trái lại, họ đã cùng chia sẻ và trợ giúp lẫn cho nhau. 

Nhìn vào nét đẹp nhân văn của người Nhật Bản trong cung cách ứng xử trên đây, hẳn phải gợi lên cho những người con dân Đất Việt cảm nhận được sự gần gũi, tương liên với nền văn hóa dân tộc Việt Nam là một nền văn hóa hiền hòa, thuần lương, hướng thiện. Một nền văn hóa dạy cho người ta biết sống yêu thương đồng loại, sống theo lẽ phải và hành động vì thiện ích chung.

Trong Sứ điệp Hòa Bình cho năm 2013, Đức Thánh Cha Biển Đức XVI, trong phần cuối của sứ điệp cũng đã gợi lên nét đẹp nhân văn ấy khi ngài viết : “Những hoạt động kiến tạo hòa bình thường kéo theo những thành tựu về thiện ích chung; những hoạt động này tạo ra những lợi ích cho hòa bình và dưỡng nuôi nó. Những suy nghĩ, lời nói và cử chỉ hòa bình thường tạo ra một tâm thức và một nền văn hóa hòa bình cùng với một bầu khí tôn trọng, yêu thương và thân ái. Vì vậy, cần dạy người ta biết yêu thương nhau, nuôi dưỡng hòa bình và sống cách nhân từ chứ không chỉ bao dung. Một sự khích lệ căn bản đối với thái độ sống này là "nói không với hận thù, nhận ra những bất công và chấp nhận những lời xin lỗi cho dù không tìm kiếm nó, và cuối cùng là biết thứ tha"” (số 7).

Với lời giáo huấn và ước nguyện trên đây của Đức Thánh Cha Biển Đức XVI, mọi người được mời gọi bước vào một năm mới với một niềm hy vọng nhân loại sẽ có được một cuộc sống an khang hơn, tâm hồn con người sẽ an bình hơn và thế giới sẽ an vui hơn nhờ việc họ biết sống theo những giá trị nhân bản của một con người, nhân văn của một thời đại và nhân linh của mọi tôn giáo.

“Lạy Chúa, mỗi ngày đầu của một năm mới, chúng con thường trao chúc cho nhau những lời nguyện ước tốt đẹp, được an khang thịnh vượng, được an bình thịnh đạt, được an vui trường thọ. Nhưng trên hết, xin cho chúng con biết trở nên người kiến tạo hòa bình vì lẽ : ‘Phúc cho những ai xây dựng hòa bình vì họ sẽ được gọi là con Thiên Chúa’ (Mt 5,8) – Amen.”

Osaka, 28/12/2012.
Cứu Cánh Và Hành Động Reviewed by Unknown on 12/31/2012 Rating: 5 Vietcatholic -   “Phúc cho những ai xây dựng hòa bình vì họ sẽ được gọi là con Thiên Chúa” . (Mt 5,9) Năm 2012 sắp khép lại với những b...

Không có nhận xét nào: