VRNs (07.12.2012) – Washington DC, USA - Chiếm tài nguyên và biển đảo trong vùng lân cận là mục tiêu lâu dài của Trung Quốc.
Giáo sư Nguyễn Mạnh Hùng, một Chuyên viên về vấn đề Ngọai Giao Quốc tế của Đại Học George Mason (Virginia) vừa từ Việt Nam trở về sau khi tham dự
“Hội thảo quốc tế Việt Nam học” lần thứ 4 tại Hà Nội (26-28/11/2012).
Cuộc hội thảo, quy tụ trên 1,000 Học gỉa và Chuyên viên của 36 Quốc gia, do Viện Khoa học Xã hội Việt Nam và Đại học Quốc gia Hà Nội đồng tổ chức.
Tuy nhiên vấn đề Hộ chiếu có in hình Lưỡi Bò của Trung Cộng chiếm chủ quyền cả 2 quần đảo Hòang Sa và Trường Sa của Việt Nam đã được các Học gỉa bàn cãi sôi nổi bên lề các cuộc thảo luận chính.
Qua cuộc phỏng vấn của chúng tôi (Phạm Trần), độc gỉa sẽ được Giáo sư Nguyễn Mạnh Hùng trả lời câu hỏi: Trung Cộng phát hành Hộ chiếu Lưỡi Bò với mục đích gì ở Biển Đông ?
Chương trình “Những Vấn Đề Việt Nam” của Bản tin Hoa Thịnh Đốn/SBTN sẽ phát hình Cuộc Phỏng vấn này vào đêm Thứ Sáu ngày 7/12 (2012), vào lúc 11 giờ đêm giờ miền Đông Hoa Kỳ (hay 8:00 PM giờ California).
Sau đây là nội dung Cuộc phỏng vấn:
1)H: Thưa Giáo sư, ông vừa từ Việt Nam về sau khi tham dự Hội thảo quốc tế Việt Nam học lần thứ 4 với chủ đề “Việt Nam trên đường hội nhập và phát triển bền vững” do Viện Khoa học Xã hội Việt Nam tổ chức. Vậy theo nhận xét của ông thì cuộc Hội thảo quy tụ trên 1,000 Học giả và Chuyên viên hàng đầu đến từ 36 nước trên thế giới có tìm thấy một nước Việt Nam, sau 26 năm thi hành chính sách “Đổi Mới” từ 1986, đã đi đúng đường “hội nhập” để “phát triển bền vững” trên hai lĩnh vực”chính trị” và “kinh tế” chưa ?
Đ: Cuộc hội thảo được chia thành 16 đề tài, từ kinh tế, quản lý môi trường, giao lưu văn hóa, phát triển đô thị đến quan hệ quốc tế và cách tiếp cận và nghiên cứu Việt Nam học, v.v. . . thảo luận cùng một lúc. Mỗi đề tài lại chia thành nhiều phiên. Tôi chỉ dự đề tài 14 về quan hệ quốc tế của Việt Nam trong tiến trình hội nhập, và cũng chỉ trong một số phiên rồi phải đi họp ở các nơi khác nên chỉ có thể cho ông biết về những phiên mà tôi tham dự. Trong những phiên đó có bài thuyết trình của giáo sư David Elliott về “Việt Nam chuyển đổi tới hội nhập toàn cầu” và của giáo sư Carlyle Thayer về “Việt Nam trên đường hội nhập toàn cầu.” Hai bài đó đều cho rằng từ tình trạng bị cô lập ngoại giao và bao vây kinh tế, tiến trình đối mới và mở cửa đã giúp Việt Nam lập được quan hệ với gần 200 nước, kể cả những quan hệ chiến lược với tất cả 5 hội viên thường trực của Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc, đồng thời đóng vai trò quan trọng trong một số tổ chức khu vực và thế giới, thì theo họ, đó là những thành quả đáng kể.
HỘ CHIẾU LƯỠI BÒ
2)H: Theo các bài tường thuật của báo chí Việt Nam thì các Học gỉa, trong đó có ông, đã tập trung thảo luận về biến cố mới do phía Trung Cộng gây ra liên quan đến Hộ chiếu có in hình “Lưỡi Bò” chiếm gần hết diện tích trên 3,000 cây số vuông Biển Đông, bao gồm cả hai quần đào Hòang Sa và Trường Sa của Việt Nam, xin ông cho biết tại sao tấm Hộ chiếu mới này đã gây chú ý và biến thành đề tài chính trong 3 ngày Hội thảo ?
Đ: Cũng như các cuộc hội thảo quốc tế khác, các đề tài hội thảo và người thuyết trình đã được ấn định từ nhiều tháng trước. Vấn đề hộ chiếu Trung Quốc có in hình lưỡi bò chỉ xảy ra trong ngày hội thảo nên nó không được đưa chính thức vào chương trình thảo luận và cũng không phải là đề tài chính. Báo chí và truyền hình nhân cơ hội đó đã phỏng vấn tôi và một số các học giả khác bên lề cuộc hội thảo rồi loan báo, cho nên có thể đã gây cảm tưởng nó là đề tài chính trong cuộc hội thảo.
3)H: Cũng liên quan đến chuyện tấm Hộ chiếu Lưỡi Bò thì ông và những Học gỉa người Việt đã nói gì tại Cuộc Hội thảo này và tại sao ông lại nói như thế, báo chí trong nước có phản ảnh đúng và đầy đủ những gì ông nói tại cuộc Hội thảo không ?
Đ: Trong các cuộc phỏng vấn báo chí, tôi nói rằng tấm hộ chiếu lưỡi bò chỉ là một hình thức đấu tranh biểu tượng song song với các áp lực khác để TQ từng bước tạo ra những “sự đã rồi” (faits accomplis) trong mục tiêu kiểm soát 80 phần trăm Biển Đông hay Biển Nam Trung Hoa. Đó là chỉ dấu khởi đầu cho thiên hình vạn trạng hình thức đấu tranh biểu tượng mà VN sẽ phải đối phó trong tương lai. Những áp lực liện tục này nhằm mục đích làm mệt mỏi cố gắng chống đỡ của Việt Nam, ASEAN, và cả Mỹ nữa. Báo chí không đăng hết mà chỉ đăng một phần những lời tôi nói. Trong những bài báo mà tôi được đọc, tuy nó không lột hết được suy nghĩ của tôi và đôi lúc làm giảm độ mạnh của những nhận xét ấy, nhưng họ không xuyên tạc.
4)H: Theo chỗ chúng tôi biết thì báo chí Việt Nam có nêu tên một số Học gỉa Trung Quốc cũng tham dự Cuộc Hội thảo này nhưng không tôi thấy họ nói gì đến các Học gỉa Đài Loan, và quan điểm của học gỉa Trung Quốc thì đều đứng về phiá Bắc Kinh, trái với quan điểm của đa số các Học gỉa khác cho rằng Hộ chiếu Lưỡi Bò đã gây ra “khó khăn mới” cho tình hình Biển Đông, vậy ông và các Học gỉa người Việt trong nước hay từ nước ngòai về có tranh luận gì với Học gỉa Trung Quốc về vấn đề này không ?
Đ: Gần như hầu hết các học giả ngoại quốc đều cho rằng đòi hòi của TQ là quá đáng. Tôi là nguời Mỹ gốc Việt duy nhất trong đề tài 14. Trong phần thảo luận sau bài thuyết trình của tôi thì đến giờ ăn cơm trưa. Trong phiên kế tiếp một học giả TQ phàn nàn rằng cuộc hội thảo dường như nhằm chỉ trích TQ. Ông ấy đặc biệt nhắc đến tên tôi cho rằng tôi nói những điều “không thể chấp nhận được.” Cho nên, tôi đã trả lời ông ấy và được người ta vỗ tay hoan hô. Một vài tờ báo viết là có thảo luận “sôi nổi” hoặc “nóng” nhưng họ không đăng chi tiết nội dung của cuộc trao đổi ấy.
5)H: Giáo sư trả lời như thế nào?
Đ: Tôi cho ông ấy biết tôi là một giáo sư Mỹ, không phải là công dân Việt Nam, và tôi được mời tới đây để tham dự một cuộc hội thảo khoa học (academic confence) chứ không phải một cuộc tranh biện chính trị. Ở Mỹ, chúng tôi có tự do học thuật (academic freedom), quyền phát biểu tư do, và quyên bất đồng ý kiến. Khi dậy học, tôi có thể và thường phê bình chính sách của Tổng Thông Bush và Tổng Thống Obama. Các ông ấy có thể thích hay không thích, đồng ý hay không đồng ý với những chỉ trích của tôi, nhưng không có thể nói rằng quyền chỉ trích của tôi là “không thể chấp nhận được.”
TẬP CẬN BÌNH VÀ BIỂN ĐÔNG
6)H: Theo ý Giáo sư thì nhà nước CSVN và các nước có tranh chấp chủ quyền trực tiếp với Trung Cộng ở Biển Đông gồm Phi Luật Tân, Mã Lai Á và Brunei sẽ phải đối phó như thế nào về chuyện Hộ Chiếu Lưỡi Bò nếu 6 nước còn lại của Hiệp hội các nước Đông Nam Á (ASEAN) không có tranh chấp trực tiếp với Trung Cộng ở Biển Đông gồm Thái Lan, Lào, Cao Miên, Miến Điện, Nam Dương và Tân Gia Ba cứ để cho người Tầu mang Hộ chiếu Lưỡi Bò vào nước họ ?
Đ: Chính phủ Việt Nam và Phi Luật Tân đã có cách đối phó của họ. Tôi không có lời khuyên nào cho các nước khác.
Trong phần thuyết trình của tôi cũng như trong các cuộc phỏng vấn, tôi nói răng sự đoàn kết của ASEAN là một yếu tố quan trọng nhất trong việc đạt được một giải pháp “công bình và bền vững” cho tranh chấp Biển Đông. Các quốc gia nhỏ yếu ấy cần phải vượt qua những tính toán quyền lợi quốc gia thiển cận và những giải pháp cá nhân để đi đến một lập trường chung hầu đạt được thế mặc cả tập thể, chế ngự bớt áp lực của TQ và khuyến khích sự can dự và cam kết của Mỹ. Nhưng tôi bi quan về khả năng đoàn kết của ASEAN. Toàn văn bài phát biểu của tôi sẽ được đăng trên tạp chí Global Asia số mùa Đông 2012, dự kiến phát hành ngày 24/12 sắp tới.
7) H: Cầu hỏi sau cùng của tôi trong Cuộc Phỏng vấn hôm nay là ông có nghĩ rằng tân Tổng Bí thư đảng CS Trung Quốc Tập Cận Bình, người lên chức ngày 14/11 (2012) đã bị giới "Quân phiệt" và thành phần "Thực dân mới" ở Trung Quốc qua mặt trong việc phát hành Hộ chiếu Lưỡi Bò để chiếm tài nguyên và biển đảo của nước khác hay là ông ta cũng muốn làm việc này từ khi chưa làm Tổng Bí thư đảng ?
Đ: Tôi không có bằng cớ gì để kết luận rằng ông Tập Cận Bình bị giới quân phiệt và thành phần thực dân mới “qua mặt” trong việc phát hành hộ chiếu có hình lưỡi bò, vì việc này đã được chuẩn bị từ nhiều tháng trước. Tôi cũng không nghĩ rằng ông Tập, trong khi phải dồn sức vận động để được làm Tổng Bí Thư mới của ĐCSTQ lại có thì giờ bàn hay kiểm soát những hành động có tính cách tiểu xảo như vậy. Còn việc chiếm tài nguyên và biển đảo trong vùng lân cận là mục tiêu lâu dài của TQ, ông lãnh tụ nào của TQ cũng muốn làm như vậy, chỉ có cách làm là có thể khác nhau thôi.
Phạm Trần
Không có nhận xét nào: