Lê Thị Công Nhân |
Lê Thị Công Nhân - Việc nhà nước Việt Nam coi giáo dục là quốc sách hàng đầu cũng chẳng phải vấn đề gì mới vì xưa đến giờ chính quyền Việt Nam vẫn luôn nói như vậy và cả thế giới gần như tuyệt đại đa số các nước đều coi giáo dục là quốc sách hàng đầu, thể hiện trong bài phát biểu nhậm chức hoặc diễn văn tống tiễn năm cũ, chúc mừng năm mới của các lãnh đạo quốc gia từ Mỹ đến Pháp, từ Trung Quốc đến Thái Lan, Việt Nam cũng như Singapore hay Anh Quốc ..v..v..
Vấn đề là quốc sách hàng đầu ấy được thực hiện như thế nào ở Việt Nam? Xin thưa, người ta đã làm nhiều lắm. Toàn là sáng tạo. Luôn là đoàn kết. Sự đồng lòng nhất trí luôn có được từ trên xuống dưới để thực hiện các chính sách nhà nước đưa ra. Cho dù ban đầu có người nọ người kia có các ý kiến phản biện, đôi khi khá là gay gắt nhưng vì cực hiếm khi có ai dám nói điều mình nghĩ một cách ngay thẳng về những vấn đề cơ bản quan trọng nhất nên chung cuộc các chính sách quyết định vẫn được đưa ra và thi hành bởi kết quả nhất trí. Buồn nhất là ngay cả những người phản đối quyết liệt nhất một chính sách nào đó của nhà nước thì đa phần cuối cùng cũng biểu quyết thông qua. Điều đặc biệt này đã trở thành nét đặc thù của giới chính khách Việt Nam.
Tiến sỹ Trần Nhơn, một cựu chính khách và lão thành cách mạng cộng sản đã viết trong bài thơ Khi quốc sách chìm trong quốc nạn, in trên báo Tổ quốc số 144 ngày 15.10.2012:
Độc tố Mác Lê Mao toàn trị
Đang mỗi ngày phát tán di căn
Các chức sắc “cựu, nguyên” góp ý
Dễ gì dốc cạn nỗi băn khoăn?
Ông chú thích “Nhiều vị chức sắc “cựu, nguyên” thấu hiểu được vấn đề, nhưng vì là nguyên, là cựu nên phải rất lựa lời, tránh những điều cốt lõi nhất được cho là nhạy cảm, tế nhị, nói sao cho dễ lọt tai, và để lần sau được mời tham gia góp ý kiến tiếp.”
QUỐC SÁCH HÀNG ĐẦU (2)
Lê Thị Công Nhân
Quả vậy, khi vấn đề cốt lõi nhất đã bị tránh đi, rồi ai cũng tự chụp lên đầu mình cái mũ khôn ngoan, vẫn trung thành với đảng chứ không phải là bọn phản động đòi dân chủ đa nguyên thì những điều mà họ nói, cách mà họ nói chỉ còn tác dụng trang trí thêm cho nền “dân chủ tập trung” của Việt Nam, góp phần củng cố vị trí độc tôn của đảng cộng sản và chế độ độc tài của nhà nước Việt Nam hiện nay.
Nền giáo dục của Việt Nam hoàn toàn nằm trong cái khối u khổng lồ và hôi thối của chủ nghĩa Mác Lê Mao này. Mọi cách chữa trị cải tạo nó từ trước đến nay đều chỉ là những ý kiến và biện pháp sao cho điều cốt lõi vẫn phải được giữ nguyên, là: mục tiêu, phương pháp giáo dục, lãnh đạo giáo dục và người làm giáo dục, tất cả vẫn phải và chỉ được tồn tại và phát triển trong cái khối u độc tố Mác Lê Mao ấy.
Cuối cùng và đặc biệt nhất là tất cả những chính sách giáo dục đã được ban hành đều thành công tốt đẹp mỗi khi các cấp cơ quan nhà nước tổng kết về tình hình giáo dục. Những tổng kết thắng lợi vẻ vang này mặc kệ và bất chấp tất cả sự dối trá, tha hóa biến chất rõ ràng của nghành giáo dục đến nỗi những em bé học tiểu học còn biết tự tay cầm phong bì tiền để “kính biếu” cô giáo. Đến nay, sau hơn nửa thế kỷ chính quyền cộng sản cai trị trên đất nước Việt Nam tất cả những trí thức lớn danh tiếng của đất nước đều phải đồng lòng nhất trí mà thừa nhận rằng văn hóa Việt Nam đã và đang suy đồi, vong bản, bế tắc và ngớ ngẩn chưa từng thấy trong lịch sử dân tộc.
Vì đâu nước Việt Nam chúng ta lại trở nên như vậy khi mà chúng ta vẫn luôn tự hào là một dân tộc có truyền thống hiếu học với lịch sử bốn ngàn năm văn hiến. Đến thời thuộc địa, Việt Nam là nơi có những thành phố thịnh vượng và đẹp nhất đông nam á. Từ khi cộng sản cầm quyền cai trị thì nhân dân ta luôn đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác, hết cuộc cải cách này đến cuộc cải cách khác trong mọi lĩnh vực mà cuộc cải cách nào cũng thành công tốt đẹp mỹ mãn hoặc hơn cả mỹ mãn. Thậm chí sự thành công ấy của Việt Nam đã biến Việt Nam thành anh hùng của thế kỷ, thành lương tâm của thời đại, đến nỗi ông cựu Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết khi đương nhiệm năm 2008 còn cười tươi như hoa mà phát biểu “Rất nhiều người nước ngoài ước mong được đến Việt Nam sinh sống.”
Những ngôn từ ở trên có lẽ khiến quý vị có cảm tưởng đang nghe một cái băng rè. Đúng vậy. Cái đoạn băng ấy đã in vào cuộc đời tôi, không chỉ là tuổi thơ, thời đi học, mà ngay đến tận bây giờ. Không chỉ riêng tôi, mà hàng triệu học sinh và người dân Việt Nam đang bị tẩy não, nhồi nhét để trở thành những con gà công nghiệp được nhuộm đỏ từ đầu đến chân, hoặc là những con gà chọi nếu như người đó “chẳng may” lại có những năng khiếu đặc biệt được chọn làm gà chọi của nền giáo dục cộng sản Việt Nam. Nền giáo dục ấy đã tạo ra những người có bằng cấp nhưng kiến thức trống rỗng, lệch lạc và phiến diện với một phông văn hóa nghèo nàn, lạc hậu, ngô nghê và đầy tự ti khi có dịp bắt buộc phải thể hiện nó ra với bạn bè thế giới.
Từ khi còn bé thơ, thậm chí còn chưa biết nói sõi, trẻ em Việt Nam đã được dạy sùng bái lãnh tụ bằng những bài hát, bài thơ ca ngợi đảng cộng sản và Hồ Chí Minh. Sự dạy ấy phải nói đúng là sự nhồi sọ và tẩy não được thực hiện trường kỳ cho đến mãi mãi (nếu như cái chế độ độc tài cộng sản vẫn chưa sụp đổ). Đồng thời với những bài hát, bài thơ ấy là muôn vàn cách mà nhà cầm quyền dùng để dìm nát, tiêu diệt tinh thần cầu thị tiến bộ thật sự ở con người, đó là tinh thần dân chủ. Từ đó, nền giáo dục Việt Nam chỉ còn có thể đào tạo ra những con người có thể có kiến thức, có chuyên môn nhưng thiếu văn hóa và không có tính độc lập. Con người ấy dù có tài giỏi đến đâu trong địa hạt chuyên môn của mình nhưng luôn bị lệ thuộc và sai khiến bởi nhà cầm quyền, thậm chí ngay cả trong lĩnh vực chuyên môn của mình.
QUỐC SÁCH HÀNG ĐẦU (3)
Lê Thị Công Nhân
Từ gốc rễ, người dân Việt Nam đã không có tự do tư tưởng vì tư tưởng đã được đảng cộng sản chọn giùm học thuyết cộng sản chủ nghĩa xã hội của Các Mác Lê Nin Mao Trạch Đông. Cái lần chọn ấy, cộng sản đã quyết chọn một lần cho mãi mãi, chọn một lần cho tất cả, có chết cũng không thay đổi. Cho dù những đồng đảng khác đã chết sặc từ lâu với cái học thuyết ấy, chết đau đớn, chết hổ thẹn, chết nhục nhã, chết trơ trẽn, chết mà không ai thương vì thương không nổi nhưng cộng sản Việt Nam vẫn quyết tâm quyết tử đeo bám cái chủ nghĩa dị hợm bệnh hoạn ấy đến cùng. Giờ đây học thuyết ấy còn được bổ sung thêm cái gọi là tư tưởng Hồ Chí Minh. Cái tư tưởng này theo lời chính Hồ Chí Minh đã nói, rằng “Tôi không có tư tưởng gì ngoài tư tưởng của Mao Trạch Đông.”. Nếu không thích hoặc muốn thay đổi thì chỉ có con đường duy nhất là trở thành “phần tử phản động, thế lực thù địch” trong mắt nhà cầm quyền.
Buồn thay! Tiếc thay! Hận thay! Ở Việt Nam, nền giáo dục - lĩnh vực quan trọng nhất trong sự phát triển con người và xã hội lại lấy chủ nghĩa Mác Lê Mao, tư tưởng Hồ Chí Minh làm tư tưởng duy nhất của giáo dục, tuyệt đối không được có bất kỳ một tư tưởng nào khác dù chỉ là manh nha, bóng gió xa xôi. Sự thảo luận-cốt lõi của một nền giáo dục chân chính, của khoa học thật sự, đã bị triệt tiêu từ gốc rễ khi con người bị hoặc tự trói chặt mình trong một thứ tư tưởng duy nhất là Mác Lê Mao Hồ, cái thứ tư tưởng mà không có tư tưởng gì còn tốt hơn là có nó. Tôi không thấy một tia sáng nào trong nền giáo dục Việt Nam khi mà nhà cầm quyền cùng với đám văn nô bồi bút là những kẻ trí thức lưu manh giả hiệu đã tiến sâu thêm vào sự độc tài trong giáo dục khi họ đưa cái gọi là tư tưởng Hồ Chí Minh thành một môn học chính quy trong nhà trường, tồi tệ hơn nữa nó còn là môn học bắt buộc phải đạt trên 5 điểm thì mới đủ điều kiện thi tốt nghiệp đại học. Với một số trường, khoa chuyên ngành nhân văn, xã hội, nó còn là môn thi bắt buộc trong kỳ thi tốt nghiệp.
Không có tự do tư tưởng thì không có tự do thảo luận. Thảo luận mà không được tự do thì thảo luận để làm gì? Thật ra ở Việt Nam, có mấy khi thảo luận thật sự là thảo luận. Thảo luận chỉ là để a dua nịnh bợ, để nhất trí trăm phần trăm với những gì “trên” đã thả xuống.
Không có nhận xét nào: