Quyền bình đẳng tích cực, thực hữu, kiểm soát bắt buộc để bảo vệ - Thanh Niên Công Giáo

728x90 AdSpace

Trending
5 tháng 12, 2012

Quyền bình đẳng tích cực, thực hữu, kiểm soát bắt buộc để bảo vệ

NGUYỄN HỌC TẬP - "Mọi người đều có điạ vị xã hội như nhau và bình đẳng trước pháp luật. Không ai có thể được ưu đải hay bị thiệt thòi vì lý do phái giống, chủng tộc, ngôn ngữ, tôn giáo, chính kiến, điều kiện cá nhân hay xã hội" (Điều 3, đoạn 1 và 3, Hiến Pháp 1949 Cộng hoà Liên Bang Đức). 

Nền Cộng Hoà có nhiệm vụ dẹp bỏ đi những chướng ngại vật về các phương diện kinh tế và xã hội là những chướng ngại vật, trong khi giới hạn thực sự tự do và bình đẳng của người dân, cản trở mỗi cá nhân triển nở hoàn hảo con người của mình và tham dự một cách thiết thực vào các tổ chức chính trị, kinh tế và xã hội của xứ sở " (Điều 3, đoạn 2 Hiến Pháp 1947 Ý Quốc). 

A - Luật thực định và quy trách. 

Chủ đề của điều đang bàn nói về quyền bình đẳng, một trong những đặc tính nền tảng của thể chế Nhân Bản và Dân Chủ. 

Quyền bình đẳng được tuyên bố dưới hai hình thức: 

- thuyết lý (formelle), điều 3, đoạn 1 Hiến Pháp 1949 CHLBĐ. 

- và tích cực và thực hữu (substantielle), điều 3 đoạn 2, Hiến Pháp 1947 Ý Quốc. 

Nhưng chúng ta sẽ không thể hiểu được sứ điệp cao cả Văn Bản Thể Chế Nhân Bản và Dân Chủ, mà chúng ta mong muốn cho tương lai Việt Nam, nếu chúng ta bình luận tách biệt hai phần được trích dẫn , như là hai phần của một bản văn không liên hệ gì nhau. 

Bởi lẽ cả hai đều liên hệ với con người , như là nhân vị (persona) có phẩm giá và các quyền tự do của mình bất khả xâm phạm, liên hệ đến Phẩm Giá Con Người và Tự Do Cá Nhân, hai đề tài chúng ta đã có dịp bàn đến. 

Và liên hệ với hai điều vừa kể (nhân phẩm và tự do cá nhân bất khả xâm phạm), là một số các quyền liên hệ để bảo đảm cho con người có được một cuộc sống xứng đáng với địa vị con người của mình, chúng tôi sẽ liệt kê dựa vào Hiến Pháp Nhân Bản và Dân Chủ Ý Quốc ở những dòng tới. 

Trở lại đề tài chính, đoạn 1, quyền bình đẳng cá nhân được tuyên bố dưới hình thức tiêu cực thuyết lý (negativa e formale): 

"Mọi người đều có địa vị xã hội ngang nhau và bình đẳng trước pháp luật. Không ai có thể được ưu đải hay bị thiệt thòi vì lý do phái giống, chủng tộc, ngôn ngữ, tôn giáo, chính kiến, điều kiện cá nhân hay xã hội" (Điều 3, đoạn 1 Hiến Pháp 1949 CHLBD). 

Đọc điều tuyên bố vừa kể, chúng ta có cảm tưởng đọc những lời tuyên bố về bình đẳng đã từng gặp ở các hiến pháp thể chế tự do của thời trước thế chiến II, hay không có gì mới lạ đối với các Hiến Pháp Cộng Sản, kể cả Hiến Pháp 1977 Liên Bang Sô Viết và 1992 CSVN . 

Các Hiến Pháp đặt nhân phẩm và quyền bất khả xâm phạm của con người trên luật tự nhiên hay theo quan niệm thoả ước, trong đó có cả hiến pháp Weimar 1919 của Đức, một lời tuyên bố trên nguyên tắc để tuyên bố, và dành cho Quốc Gia mọi quyền lập luật tùy hỷ, "État de législation". 

Chúng ta có cảm tưởng như vậy, vì chúng ta đã quên rằng những lời tuyên bố Hiến Pháp chúng ta mong ước cho tương lai của Việt Nam phải chứa những điều khoản luật có giá trị bắt buộc và có chủ thể được chỉ định để quy trách, như tinh thần của Hiến Pháp 1949 Cộng Hoà Liên Bang Đức, thoát xuất từ kinh nghiệm độc tài hãi hùng của Hitler: 

- "Các quyền căn bản được kể sau đây có giá trị bắt buộc đối với các cơ chế Quốc Gia, lập pháp, hành pháp và tư pháp, như là những quyền đòi buộc trực tiếp" (Điều 1, đoạn 3 Hiến Pháp 1949 Cộng Hoà Liên Bang Đức). 

Và với điều khoản vừa kể, Hiến Pháp đã đặt con người với nhân phẩm và các quyền bất khả xâm phạm của mình như là giá trị nền tảng của hệ thống luật pháp thực định (lois positives) cho thể chế Quốc Gia, đặt vào chính trong thân bài của Hiến Pháp và quy trách cho ai là chủ thể phải chịu trách nhiệm hình luật, dân luật và cả luật hành chánh, nếu quyền của con người bị xúc phạm. 

Nói cách khác, Thể Chế Nhân Bản và Dân Chủ đa nguyên, mà chúng ta mong cho Việt Nam trong tương lai, không đặt nền tảng trên quan niệm trừu tượng về con người, mà trên nền tảng pháp luật thực định. 

Bởi vì nền tảng củaThể Chế và Dân Chủ đa nguyên, trên đó Việt Nam tương lai được xây dựng là nền tảng của một thể chế nhằm tổ chức cuộc chung sống Cộng Đồng Quốc Gia, dựa trên pháp luật thực định (lois positives) , có hiệu lực luật định, để xếp đặt và điều hành cuộc sống giữa người và người, hoạt động của người nầy liên hệ và hỗ tương người khác được thực thi trôi chảy và hữu hiệu. 

Nói như vậy, không có nghĩa là nền tảng Thể Chế Nhân Bản và Dân Chủ đa nguyên của Việt Nam trong tương lai không chấp nhận 

- quan niệm trừu tượng về con người, 

- quan niệm luật tự nhiên, 

- quan niệm tôn giáo và triết học, 

mà là, ngoài ra quan niệm luật tự nhiên được tiên định trước (présupposé), Thể Chế Nhân Bản và Dân Chủ đa nguyên của chúng ta còn 

- cần đặt giá trị về nhân phẩm và các quyền bất khả xâm phạm của con người trong mối liên hệ ảnh hưởng hỗ tương giữa người với người trong cuộc sống xã hội và với những phương thức bảo đảm mối liên hệ hỗ tương đó bằng hệ thống pháp luật thực định. 

Con người với nhân phẩm cao cả của mình trong Thể Chế Nhân Bản và Dân Chủ đa nguyên của chúng ta 

- là con người cao cả với những giá trị của mình, 

- nhưng không trừu tượng và đơn độc, 

- mà là con người được Hiến Pháp "nhận biết và bảo vệ" (Điều 1, đoạn 2 Hiến Pháp 1949 CHLBĐ) nhân phẩm của mình trong liên đới với những chủ thể con người khác, cũng có nhân vị đồng đẳng như mình , cùng sống và cùng hoạt động với mình trong cộng đồng Quốc Gia để đem lại lợi ích cho chính mình và cho cuộc sống chung. 

Đó là quan niệm con người toàn diện (persona integrale) 

- trong chiều sâu thẩm của một nhân vị, 

- trải ra trong chiều rộng đối với đồng bào và người đồng loại của mình trong tương quan xã hội, 

- và trong chiều hướng thượng của mình đối với các giá trị tôn giáo, đối với Đấng Tối Cao, cùng đích của mình phải đạt đến sau cuộc sống trần thế (J. Maritain, Humanisme intégral, trad. it, Studium, Roma 1946), 

những giá trị tối thượng đó trong Thể Chế Nhân Bản và Dân Chủ đa nguyên của Việt Nam, được hiện thực hoá bằng luật pháp thực định. 

Và với quan niệm con người toàn diện, một nhân vị với nhân phẩm và các quyền bất khả xâm phạm của mình, Hiến Pháp tương lai phải nghĩ ra phương cách để bảo vệ cho mỗi người được quyền kính trọng trong địa vị con người của mình. 

Hiến Pháp nghiêm cấm mọi cách đối đãi thiên vị dựa trên những dị biệt không tuỳ thuộc vào bản tính nhân loại của con người: 

"Mọi người có địa vị xã hội ngang nhau và bình đẳng trước pháp luật. Không ai có thể được biệt đải hay bị thiệt thòi vì lý do phái tính, chủng tộc, ngôn ngữ, tôn giáo, chính kiến, điều kiện cá nhân hay xã hội" (Điều 3, đoạn 1 và 3 Hiến Pháp 1949 CHLBD). 

B - Bình đẳng tích cực. 

Nhưng nếu tinh thần của những gì chúng ta vừa đọc, được trình bày qua lời tuyên bố quyền bình đẳng của Hiến Pháp dưới hình thức tiêu cực: bình đẳng có nghĩa là không được đối đãi một cách thiên vị (Điều 3, đoạn 1 Hiến Pháp 1949 CHLBD). 

thì đoạn kế tiếp của điều khoản (Điều 3, đoạn 2 Hiến Pháp 1947 Ý Quốc) cho chúng ta có một cái nhìn tích cực hơn về quan niệm bình đẳng của Hiến Pháp: bình đẳng là được Quốc Gia trợ lực, giúp đở những gì mà cá nhân tự mình không thể vượt thắng để thực hiện được. 

Được Quốc Gia trơ lực: dẹp bỏ đi những trở lực, để mỗi người có điều kiện thuận lợi 

- phát triển hoàn hảo con người của mình 

- và hoạt động góp phần làm lợi ích cho đất nước. 

Đó là bình đẳng trong lòng Quốc Gia và nhờ tổ chức Quốc Gia (égalité dans..., égalité par moyen de...): 

"Bổn phận cua Nền Cộng Hoà là dẹp bỏ đi những chướng ngại vật về các phương diện vừa kể, là những chướng ngại, trong khi giới hạn thât sự tự do và bình đẳng của người dân, không cho phép mỗi cá nhân triển nở hoàn hảo con người của mình và tham dự một cách thiết thực và các tổ chức chính trị, kinh tế và xã hội của xứ sở" (Điều 3, đoạn 2 Hiến Pháp 1947 Ý Quốc). 

Trước hết trong đoạn vừa trích dẫn, Hiến Pháp nêu cho chúng ta mục đích của tổ chức Quốc Gia. 

Quốc Gia được tổ chức 

- không phải để trở thành cường quốc, đem quân đánh chiếm làm bá chủ thiên hạ bành trướng như đế quốc Roma, hay như Thành Cát Tư Hản, như Napoléon, 

- cũng không phải để phát triển kinh tế vượt bực, ngân sách quốc gia thặng dư và Quốc Gia giàu có bực nhứt thế giới, phóng vệ tinh liên hành tinh, 

- mà là tạo điều kiện thuận lợi để người dân có điều kiện phát triển hoàn hảo chính mình và có khả năng hoạt động để góp phần tạo phát triển cho xứ sở: 

"... triển nở hoàn hảo con người của mình và tham dự một cách thiết thực vào các tổ chức chính trị, kinh tế và xã hội của xứ sở". 

Những điều kiện phải có đó để con người có thể phát triển hoàn hảo con người của mình, người dân Việt Nam chúng ta trong tương lại có quyền đòi buộc và cơ chế Quốc Gia có bổn phận cung cấp cho, được Hiến Pháp quy trách: "Bổn phận của Nền Cộng Hoà là dẹp bỏ đi những chướng ngại vật về phương diện kinh tế và xã hội...". 

Những điều kiện thuận lợi phải có đó không phải là ân huệ, mà người dân phải ngửa tay xin, mà là quyền của người dân được Hiến Pháp xác nhận, có thể đòi buộc (actionable), bằng các phương thức sẽ được Hiến Pháp bàn đến, Quốc Gia phải tiên liệu cho qua câu nói, "Quốc Gia Việt Nam có bổn phận". 

Như vậy trong phần diễn tả "bình đẳng thực hữu" (Điều 3, đọan 2 Hiến Pháp 1947 Ý Quốc), Hiến Pháp đưa ra một phương cách tích cực can thiệp của Quốc Gia để loại bỏ đi cách hành xử theo "ân huệ" , "xin - cho", "thiên vị", "bè phái" vì bất cứ lý do gì, 

"Quốc Gia Việt Nam có bổn phận dẹp bỏ đi những chướng ngại vật về các phương diện vừa kể...", 

là những chướng ngại vật làm cho người dân không được hưởng tự do và bình đẳng của mình để 

- "phát huy làm triển nở hoàn hảo con người của mình và tham dư vào đời sống Quốc Gia" một cách bình đẳng như mọi người khác ( P. Perlingieri, Scuole, tendenze e metodi, Problemi del diritto civile, Napoli, 1988, 150). 

Nhưng có lẽ chúng ta không nên lầm lẫn giữa bình đẳng hiến định nhân bản và bình đẳng sang bằng mạc rệp của Xã Hội Chủ Nghĩa. 

Địa vị xã hội ngang nhau, không có nghĩa là hoàn cảnh xã hội sang sác bằng nhau "đồng nhứt rập khuôn mạc rệp vô sản như nhau" 

Một xã hội không có khác biệt là xã hội không tưởng và là lý do làm cho xã hội lạc hậu và mạc rệp, như xã hội Nga và Đông Âu trong suốt 70 năm Cộng Sản Chủ Nghĩa ngự trị. 

Những chướng ngại vật mà Quốc Gia có "bổn phận phải dẹp bỏ đi" là những chướng ngại vật giới hạn thực sự tự do và bình đẳng , cản trở con người không phát huy được hoàn hảo để biểu thị các tài năng của mình. 

Mỗi người được tự do khỏi bị các nhu cầu khẩn thiết ràng buộc, có nghĩa là được Quốc Gia cung cấp cho các điều kiện thuận lợi để có thể tạo cho mình và cho gia đình mình một cuộc sống xứng đáng khang trang và tự do. 

Điều đó không có nghĩa là mỗi người đều phải có một gia sản tương tợ nhau, giàu có như nhau hay bằng nhau (theo chủ thuyết đần độn mỗi người làm việc tùy khả năng và tiêu thụ tùy theo nhu cầu). 

Nếu mọi người đều có địa vị xã hội ngang nhau và bình đẳng trước pháp luật, thì không thể hiểu vì lý do gì trong những hoàn cảnh khác nhau, điều kiện khác nhau, khả năng khác nhau, tổ chức Quốc Gia nói chung và pháp luật nói riêng có thể đối đải đồng đều nhau, bởi lẽ công bình là điều kiện tiên quyết để có bình đẳng hay nói như người La Tinh đã nói từ ngàn xưa: 

"Suum cuique tribuere" 

(Trao trả cho mỗi người những gì thuộc về của anh ta). 

Và đó cũng là điều mà Viện Bảo Hiến Ý Quốc tuyên bố trong một số quyết định: các hoàn cảnh kinh tế và xã hội không giống nhau có thể và phải được đối xử theo phương thức khác nhau (Corte Cost., 31-3.1961, n.21; 1.3.1973, n.23). 

Qua những tư tưởng vừa đề cập, chúng ta thấy rằng Thể Chế Nhân Bản và Dân Chủ đa nguyên, mà chúng ta mong ước cho Việt Nam, không phải là thể chế "cá nhân chủ nghĩa" cực đoan, trong đó, cá lớn nuốt cá bé, kẻ mạnh đè bẹp kẻ yếu hay nói như Cao bá Quát: 

"Nước trong leo lẻo cá đớp cá, 

Trời nắng chang chang người đánh người", 

nhưng cũng không phải là khuôn mẩu không tưởng để tổ chức xã hội theo Xã Hội Chủ Nghĩa, Quốc Gia có nhiệm vụ phân phát đồng đều lợi tức cho dân tùy theo nhu cầu của mỗi người, dĩ nhiên là với số lượng mạc rệp và giả sử nếu có đủ để phát. 

Điều 3, đoạn 2 của Hiến Pháp 1947 Ý Quốc 

- "Bổn phận của Nền Cộng Hoà dẹp bỏ đi những chướng ngại vật..., không cho phép mỗi cá nhân ...". 

nêu lên nhiệm vụ của Quốc Gia là 

- nhiệm vụ điều chỉnh lại những dị biệt quá đáng, 

- bảo vệ mức sống và cơ may tối thiểu (chances de vie) để mọi người có thể vươn lên. 

Bởi lẽ bất cứ một cuộc chung sống tự do nào, tự do và sáng kiến cá nhân, tự do và lợi thú là động lực để cầu tiến và phát triển, cũng không tránh khỏi những dị biệt quá đáng sẽ được tạo ra, do việc chúng ta được thiên phú tài năng, trí nảo không đồng đều nhau. 

Đoạn văn trên không nêu ra bổn phận rỏ rệt của Quốc Gia phải làm gì, như trong thể chế không tưởng Xã Hội Chủ Nghĩa, 

"Dân làm chủ, Đảng Chỉ Đạo, Nhà Nước Quản Lý". 

Và vì "Đảng chỉ đạo, Nhà Nước quản lý", nên "Dân chỉ còn làm chủ không", "dân chỉ còn chổng khu kêu trời không thấu" trong hoàn cảnh mạt rệp của mình. 

Trong thể chế dân chủ đa nguyên tương lai của chúng ta, Quốc Gia được dành cho nhiều quyền hạn rộng rãi để can thiệp, điều chỉnh lại những dị biệt sai trái luôn luôn dưới ánh sáng của nguyên tắc nền tảng 

- con người là một nhân vị, 

- có nhân phẩm và các quyền căn bản bất khả xâm phạm, 

sống trong cộng đồng Quốc Gia chung với những chủ thể con người đồng đẳng khác. 

Đi trước chúng ta, trên cùng một nền tảng nhân bản trên, Hiến Pháp 1947 Ý Quốc đã hướng dẫn kiến thiết lại quốc gia họ, từ một quốc gia đổ nát của thế chiến thứ hai, từ cuộc cai trị độc tài mọi rợ, xem người như thú vật của Benito Mussolini, trở thành một trong bảy quốc gia tân tiến và kỷ nghệ nhất thế giới (G-7). 

Hiến Pháp Ý đã làm gì? 

Đây là những điều khoản đề cập đến những can thiệp thiết thực của Quốc Gia để người dân được cơ may tối thiểu để vương lên: 

- "Quốc gia dành mọi phương tiện kinh tế và các thể thức dễ dãi khác để gia đình được thành lập và chu toàn các bổn phận liên hệ và những biệt đải đối với những gia đình đông con" (Điều 31, id.)... 

- "Người phụ nữ công nhân có các quyền và việc làm như nhau, cũng được thù lao như nam công nhân. 

Các điều kiện về việc làm phải được thiết định thế nào để người nữ công nhân có thể chu toàn bổn phận thiết yếu của mình trong gia đình, phải bảo đảm cho người mẹ và trẻ thơ một sự bảo trợ đặc biệt và thích hợp". 

"Quốc Gia bảo đảm cho việc làm của vị thành niên bằng những điều khoản đặc biệt và bảo đảm cho vị thành niên cũng được thù lao lương bổng đồng đều , đối với việc làm như nhau" (Điều 37, đoạn 1, 2 và 3 id.). 

- "Học đường được mở cửa cho tất cả mọi người. 

Học vấn ở cấp bực thấp được giảng dạy miển phí và bắt buộc mưới hai năm. 

Những ai có khả năng và đáng được tưởng thưởng, mặc dầu thiếu phương tiện vẫn được quyền học hành đến trình độ cao nhứt của nền học vấn. 

Quốc Gia biến quyền nầy thành thực hữu bằng học bổng, phụ cấp gia đình và các hình thức tiên liệu khác, được cấp qua các cuộc thi tuyển" (Điều 34, đoạn 1,2,3 và 4). 

- "Người công nhân được quyền thù lao tương xứng với số lượng và phẩm chất của công việc mình làm. Dù sao đi nữa, lương bổng cũng phải đủ để bảo đảm cho mình và gia đình mình một cuộc sống khang trang" (Điều 36, Hiến Pháp 1947 Ý Quốc). 

- "Các công nhân có quyền được tiên liệu và bảo đảm để có đủ các phương tiện thích hợp đáp ứng lại nhu cầu đời sống trong trường hợp tai nạn, bệnh tật, già nua, thất nghiệp ngoài ý muốn" (Điều 38, id.). 

- "Để nâng cao vai trò làm việc trong kinh tế và xã hội, đáp ứng thích hợp với nhu cầu sản xuất, Nền Cộng Hoà nhìn nhận quyền của công nhân được cộng tác, trong thể thức và giới mức pháp định, vào việc quảng trị xí nghiệp" (Điều 46, id.). 

- "Quốc Gia có bổn phận huấn nghệ và thăng tiến chức nghiệp cho người làm việc" (Điều 35, đoạn 2, id.). 

- "Sáng kiến kinh tế cá nhân là quyền tự do". 

Không ai có thể hành xử quyền tự do hoạt động kinh tế ngược lại lợi ích xã hội hay hành xử làm phương hại đến an ninh, tự do và nhân phẩm con người" (Điều 41, đoạn 1 và 2, id.). 

- "Quốc Gia bảo vệ sức khỏe như là quyền căn bản cá nhân và lợi ích của cộng đồng xã hội, bảo đảm chửa trị miễn phí cho những ai thiếu phương tiện" (Điều 32, id.). 

- "Các công dân tật nguyền, khiếm khuyết cũng có quyền được giáo dục và huấn nghệ để khởi công nghề nghiệp" (Điều 38, id). 

- "Mọi công dân không có khả năng làm việc và thiếu phương tiện để sống còn, có quyền được Quốc Gia giúp đở và trợ cấp xã hội" (Điều 38, đoạn 1). 

- "Không ai có thể bị thuyên chuyển ra khỏi vị thẩm phán tự nhiên trách niệm trước đương sự, được luật pháp tiền định", 

Không ai có thể bị giam giữ vì lý do an ninh, nếu không trong các trường hợp được luật pháp tiền định" (Điều 25, id.), 

- "Người bị tố cáo không thể bị coi là tội phạm cho đến lúc nào chưa có bản án chung quyết" 

Hình phạt không thể nào gồm có những cách đối xử vô nhân đạo và phải có mục đích cải huấn can phạm" (Điều 27, id.). 

- "Mọi bạo lực trên thân xác và khủng bố tinh thần của người bị giảm thiểu tự do đều sẽ bị trừng phạt" (Điều 13, đoạn 4, id.). 

- "Không có bất cứ trường hợp nào một quyền căn bản của con người bị tổ thương đến nội dung thiết yếu của nó" (Điều 19, đoạn 2 Hiến Pháp 1949 Cộng Hoà Liên Bang Đức)... 

Phải chăng đó cũng là những điều khoản khuôn mẫu nền tảng cho cách tổ chức Nhân Bản và Dân Chủ của chúng ta trong tương lai? 

Với điều 3, đoạn 2 Hiến Pháp 1947 Ý Quốc bàn về quyền bình đẳng thực hữu chúng ta vừa nói ở trên, Hiến Pháp tương lại của chúng ta sẽ quy trách cho Quốc Gia trách nhiệm nặng nề và quan trọng, được xem như là sứ mạng và cùng đích, mà Quốc Gia được tạo nên: 

"Bổn phận của Nền Cộng Hoà dẹp bỏ đi những chướng ngại vật về các phương diện vừa kể,... là những chướng ngại không cho phép mỗi cá nhân triển hoàn hảo con người của mình và tham dự một cách thiết thực vào các tổ chức chính trị, kinh tế và xã hội của xứ sở". 

Trách nhiệm nặng nề đó không phải chỉ quy tóm vào việc Quốc Gia có chu toàn bổn phận của mình trong việc "dẹp bỏ đi những chướng ngại vật", cung cấp hay không cung cấp cho người dân những phương tiện và điều kiện phải có. 

Trách nhiệm nặng nề đó quy trách cho Quốc Gia là điều kiện thiết yếu và nguyên cớ cho việc người dân có được hay không 

"triển nở được toàn vẹn con người của mình và có khả năng tham dự thiết thực vào các tổ chức chính trị, kinh tế và xã hội của xứ sở " 

là do việc Quốc Gia có tạo điều kiện hiến định và luật định vừa kể cho người dân hay không. 

Nói cách khác, nếu người dân không phát triển được hoàn hảo con người của mình và tham dự vào cuộc sống của xứ sở để làm lợi ích cho chính mình và cho đồng bào mình, vì Quốc Gia không chu toàn bổn phận của mình, tạo điều kiện thuận lợi và cung cấp cho họ phương tiện và điều kiện cần thiết, Quốc Gia phải gánh chịu trách nhiệm đó trước Hiến Pháp trước tiên và trước luật pháp kế đến, với tất cả hậu quả của nó, kể cả hậu quả giới đương quyền phải từ chức và lãnh trách nhiệm dân sự cũng như hình sự: 

- "Các viên chức và công chức thuộc hệ quốc Gia và các tổ chức công quyền trực tiếp có trách nhiệm theo hình luật, dân luật và luật hành chánh về các động tác đã thực hiện vi phạm đến quyền lợi của người dân. Trong trường hợp đó, trách nhiệm dân sự có thể trải rộng ra liên can đến tổ chức Quốc Gia và các cơ quan công quyền" (Điều 28, Hiến Pháp 1947 Ý Quốc). 

Điều đó cũng cho thấy rõ rằng người dân trong Quốc Gia của chúng ta trong tương lai không phải chỉ là khách hàng, người tiêu thụ hay là kẻ ăn xin, mà tổ chức Quốc Gia muốn cung cấp hay không các sản phẩm và dịch vụ cũng được. 

Người dân trong Quốc Gia tương lai của Việt Nam 

- là một chủ thể quyền lực Quốc Gia 

- và những người lãnh đạo Tổ Chức Quốc Gia là các nhân viên đại diện được người dân giao phó cho quyền lực để thừa hành thay mình. 

Người dân trong Cộng Đồng Quốc Gia là chủ nhân với địa vị con người của mình, có quyền kỳ vọng (actionable), mà Tổ Chúc Quốc Gia có nhiệm vụ phải phục vụ. 

Chúng ta có thể nói: 

- "Quốc Gia Việt Nam có bổn phận dẹp bỏ đi những chướng ngại vật...". 

hay nói như Hiến Pháp 1949 CHLBD: 

- "Những quyền căn bản sẽ được kể sau đây là những quyền có giá trị bắt buộc đối với Lập Pháp, Hành Pháp và Tư Pháp, là những quyền đòi buộc trực tiếp" (Điều 1, đoạn 3 Hiến Pháp 1949 Cộng Hoà Liên Bang Đức). 

Con người trong Quốc Gia Việt Nam là chủ thể có quyền tối thượng trên thể chế tổ chức Quốc Gia, trong Thể Chế Nhân Bản và Dân Chủ, nền tảng của tổ chức Quốc Gia, gồm những nguyên tắc nền tảng của Quốc Gia Việt Nam, chúng ta sẽ bàn thêm rộng rải trong phần định nghĩa về thể chế và cấu trúc Quốc Gia. 

Người dân là chủ nhân tối thượng của quyền lực Quốc Gia và việc Quốc Gia có bổn phận cung cấp sản phẩm và dịch vụ liên quan 

- đến đời sống cá nhân của mình, "triển nở hoàn hảo con người của mình" 

- và hệ trọng đến sự phát triển của cả cộng đồng quốc Gia,"tham dự môt cách thiết thực vào tổ chức chính trị, kinh tế và xã hội của xứ sở ". 

C - Quyền hành giao phó phải được kiểm soát. 

Trọng trách đó không thể chỉ được khoán trắng cho giới cầm quyền, để họ hành xử cách nào tùy hỷ, nếu chủ nhân không muốn trở thành nô lệ của kẻ thừa hành , luôn luôn phải "ngửa tay xin - cho", hay bị kẻ thừa hành lạm quyền tiêu diệt. 

Nói một cách ngắn gọn, quyền hành giao phó phải được kiểm soát. 

Trong Thể Chế Nhân Bản và Dân Chủ đa nguyên, quyền kiểm soát vừa kể được giao phó cho 

- Tổng Thống (Điều 87, Hiến Pháp 1947 Ý Quốc), 

- Quốc Hội (Điều 63; 67; 68 Hiến Pháp 1949 Cộng Hoà Liên Bang Đức, CHLBD), 

- Thượng Viện Liên Bang (Điều 77, Hiến Pháp 1949 CHLBD). 

- Cơ Quan Tư Pháp (Điều 19, đoạn 4, Hiến Pháp 1949 CHLBD), 

- Tối Cao Pháp Viện (Điều 95, Hiến Pháp 1949 CHLBD), 

- Viện Bảo Hiến (Điều 93, Hiến Pháp 1949 CHLBD). 

- Các Cộng Đồng Địa Phương, Vùng, Tỉnh, Làng Xã (Điều 5, Hiến Pháp 1947 Ý Quốc) 

Và áp dụng tinh thần đó của điều 5 Hiến Pháp 1947 Ý Quốc là đạo luật 241/ 90 đã được ban hành. 

Đạo luật bắt buộc Chính Quyền phải tôn trọng sự hiện diện của người dân trong các hoạt động của mình. 

Trong thể chế dân chủ, người dân không phải chỉ là một con số, là thần dân của vua, là người tiêu thụ mà giới cầm quyền muốn cung cấp sản phẩm và dịch vụ hay không cũng được hay cung cấp cách nào và lúc nào tùy hỷ. 

Người dân trong Thể Chế Nhân Bản và Dân Chủ là "chủ nhân ông" của quyền lực Quốc Gia và giới đương quyền chỉ là những người đại diện cho họ để thừa hành, để quản trị (G. Bush Administration, J. Chirac Administration, S. Berlusconi Amministrazione). 

Người dân trong Thể Chế Nhân Bản và Dân Chủ là chủ thể của quyền lực Quốc Gia bất cứ lúc nào và đối với bất cứ ai hành xử quyền lực Quốc Gia, chớ không phải chỉ giới hạn trong thời gian trước và đang khi bỏ phiếu. 

Do đó đạo luật 241 / 90 của Ý Quốc tuyên bố người dân có quyền: 

- tham dự vào việc quản trị tài nguyên và phục vụ xứ sở (Điều 7, luật 241/ 90), 

- được thông báo các quyết định trong việc quản trị, có quyền kiểm soát, văn kiện, tiến trình quản trị của Chính Quyền (Điều 3; 7; 22 id.), 

- được Chính quyền nghe trình bày ý kiến (Điều 9; 10 id.), 

- được có người đặc trách duy nhứt trong Chính Quyền chịu trách nhiệm để trả lời thoả đáng về lãnh vực liên hệ, người dân muốn biết (Điều 4, id.), 

- không phải bị Chính Quyền coi rẻ, ngược đãi, chờ đợi ngày nầy qua ngày khác (Điều 1; 18 id.), 

- quyền có được mối liên hệ chắc chắn đối với Chính Quyền (biết rỏ đâu là bổn phận và đâu là quyền hạn phải được Chính Quyền tôn trọng) (Điều 2; 19; 20 id.), 

- quyền được coi là người đáng tin cậy đối với những gì mình tuyên bố, trả lời, tự chứng (Điều 18 id.). 

Qua những điều khoản luật 241/90 vừa được trích dẫn cũng như tinh thần của Điều 3, đoạn 2 của Hiến Pháp 1947 Ý Quốc đang bàn , chúng ta thấy rằng mối tương quan của người dân và Chính Quyền hiện nay 

- không phải là mối tương quan dựa trên "quyền lực - tự do" (quyền lực của Quốc Gia - tự do khỏi của người dân, liberté de, theo quan niệm tự do phôi thai: càng hạn chế được quyền lực Quốc Gia - người dân càng được tự do, khỏi bị đàn áp, xâm phạm). 

- mà dựa trên "hiệu năng - lợi thú" : "khả năng hoạt động hiệu năng và không bè phái, thiên vị của Chính Quyền - lợi thú của người dân, chủ thể tối thượng quyền lực Quốc Gia" (Điều 97, đoạn 1 Hiến Pháp 1947 Ý Quốc). 

Chỉ khi nào Chính Quyền hoạt động hiệu năng và không thiên vị để phục vụ người dân, họ mới có phương tiện và điều kiện để thực hiện được quyền 

- "triển nở toàn vẹn con người của mình" hay có quyền trở nên chính mình, như mình muốn 

- và từ đó "tham dự một cách thiết thực vào tổ chức chính trị, kinh tế, xã hội của xứ sở". 

Trong tư tưởng đó của đạo luật 241/ 90 và tinh thần của điều 3, đoạn 2 Hiến Pháp 1947 Ý Quốc đang bàn , 

- người dân có quyền thẩm định kết quả đã nhận được 

- và tuyên bố thoả mãn các lợi thú của mình hay không. 

Hiện nay lý do biện minh cho sự hiện hữu và tồn tại của Chính Quyền không phải chỉ là Chính Quyền 

- được tuyển chọn một cách chính danh, 

- hoạt dộng của Chính Quyền luôn luôn hợp pháp, nằm trong lằn mức luật định (Quốc Gia Pháp Trị, État de droit), 

- mà kết quả của các hoạt động đó có đáp ứng lại thoả đáng các đòi hỏi của người dân theo tiêu chuẩn hiệu năng và không thiên vị không, "hiệu năng - lợi thú". 

Tinh thần đạo luật 241/ 90 và điều 3, đoạn 2 của Hiến Pháp đang bàn, Hiến Pháp và Luật Pháp xác định cho người dân có thẩm quyền phán đoán đối với Chính Quyền. 

Không những người dân có quyền phán quyết kết quả của những hoạt động cung cấp sản phẩm và phục vụ của Chính Quyền đối với nhu cầu của mình, mà còn có quyền phán quyết những gì hàm chứa đàng sau những hoạt động đó. 

Người dân có quyền phán đoán 

- những cơ cấu của Chính Quyền, 

- nguyên nhân đưa đến việc phục vụ hiệu năng và vô tư cho mình hay không. 

Nếu Chính Quyền và cơ cấu của Chính Quyền không đáp ứng lại nhu cầu và nguyện vọng của " chủ nhân quyền lực Quốc Gia", họ không có lý do gì để tồn tại trong Thể Chế Nhân Bản và Dân Chủ đa nguyên. 

Người dân, với tinh thần đạo luật 241/ 90 và điều 3, đoạn 2 của Hiến Pháp 1947 Ý Quốc có quyền đứng bên ngoài nhìn vào các dinh thự của Chính Quyền, 

- không phải với cái nhìn của du khách, 

- càng không phải chỉ cái nhìn để tìm hiểu, 

- mà là nhìn để phán đoán và định đoạt số phận và cơ cấu của Chính Quyền trong kỳ bầu cử tới, nếu không muốn nói là Quốc Hội có thể cho Chính quyền về vườn sớm hơn (Điều 67, Hiến Pháp 1949 CHLBD). 

Người Việt Nam bình đẳng thực hữu và tích cực trong thể chế Nhân Bản và Dân Chủ của Đất Nước là vậy.

Nguyễn Học Tập TNCG
Quyền bình đẳng tích cực, thực hữu, kiểm soát bắt buộc để bảo vệ Reviewed by Em Binh on 12/05/2012 Rating: 5 NGUYỄN HỌC TẬP -  "Mọi người đều có điạ vị xã hội như nhau và bình đẳng trước pháp luật. Không ai có thể được ưu đải hay bị thiệt ...

Không có nhận xét nào: