Quyền Con người Trong Các Giai Đoạn Điều Tra, Truy Tố Và Xét Xử Theo Luật Hình Sự Quốc Tế - Thanh Niên Công Giáo

728x90 AdSpace

Trending
21 tháng 12, 2012

Quyền Con người Trong Các Giai Đoạn Điều Tra, Truy Tố Và Xét Xử Theo Luật Hình Sự Quốc Tế

LCST - Luật của Sự Thật xin gửi đến quý bạn một bài phân tích mới của Lê Quang Việt về quyền con người trong các giai đoạn điều tra, truy tố và xét xử theo Luật hình sự quốc tế để chúng ta có thể hiểu rõ hơn, nhất là trong thời gian gần đây với nhiều trường hợp bắt giam và các phiên tòa truy tố.

Luật hình sự quốc tế quy định các quy tắc và tiêu chuẩn về bảo vệ quyền con người trong các giai đoạn điều tra, truy tố và xét xử. Các quyền con người của người bị điều tra, truy tố và xét xử được tôn trọng và bảo đảm bằng các quy định của luật pháp quốc tế trong Hiến chương Liên Hợp quốc và các công ước quốc tế. Có thể kể đến các quyền này liên quan trực tiếp trong giai đoạn điều tra, truy tố và xét xử dưới đây.

Quyền bình đẳng trước pháp luật và được pháp luật bảo vệ bình đẳng là quyền trước tiên được bảo vệ. Quyền này là tiền đề cho việc bảo đảm các quyền con người trong mọi điều kiện, hoàn cảnh, nhưng đặc biệt có ý nghĩa rất lớn trong việc tôn trọng và bảo đảm các quyền con người trong các giai đoạn điều tra, truy tố và xét xử...[1]. Mọi người cũng đều có quyền sống, quyền tự do và an toàn cá nhân. Điều 9 Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị năm 1966 (ICCPR) quy định, mọi người đều có quyền hưởng tự do và an toàn cá nhân. Quyền này biểu hiện cụ thể ở việc không ai bị bắt hoặc bị giam giữ vô cớ, việc tước tự do của một người phải có lý do và theo đúng những thủ tục luật pháp.

Quyền không bị tra tấn, đối xử hay trừng phạt tàn ác, vô nhân đạo hay bị hạ nhục cũng là một quyền con người quan trọng được Luật hình sự quốc tế bảo vệ. Hội nghị thế giới về quyền con người đã nhấn mạnh rằng: một trong những vi phạm nhân phẩm con người, vi phạm quyền con người thô bạo nhất là hành động tra tấn. Hành động này phá hoại nhân phẩm và làm tổn thương khả năng tiếp tục sống và hoạt động của các nạn nhân. Theo đó, quyền này được quy định trong Điều 7 ICCPR. Đặc biệt, không ai có thể bị sử dụng để làm thí nghiệm y học hoặc khoa học mà không có sự đồng ý tự nguyện của người đó. Mặc dù vậy, để hiểu được quyền này, ở đây cần liên hệ với khái niệm “tra tấn” được quy định trong Công ước về chống tra tấn, đối xử hay trừng phạt tàn ác, vô nhân đạo hay bị hạ nhục con người (CAT) được thông qua ngày 1/12/1984 và có hiệu lực từ ngày 26/6/1987 (ngày 26/6 đã được công nhận là ngày Quốc tế hỗ trợ nạn nhân bị tra tấn). Theo Ủy ban giám sát thực hiện Công ước của Liên Hợp quốc, tương tự như quyền sống, quyền không bị tra tấn, đối xử hay trừng phạt tàn ác, vô nhân đạo hay bị hạ nhục con người cũng không thể bị vi phạm trong bất cứ hoàn cảnh nào, kể cả trong tình trạng khẩn cấp của quốc gia. Do đó, các quốc gia trong phạm vi của mình có nghĩa vụ thực hiện tất cả các biện pháp về lập pháp, hành chính và tư pháp để bảo vệ công dân khỏi bị tra tấn, đối xử hay trừng phạt tàn ác, vô nhân đạo hay bị hạ nhục xuất phát từ bất kỳ chủ thể nào, cho dù là Nhà nước, một quan chức nhà nước hay một người khác có quyền lực như một quan chức. Điều 11 ICCPR cũng quy định, không ai bị bỏ tù chỉ vì lý do không có khả năng hoàn thành nghĩa vụ theo hợp đồng. Quy định này trên thực tế là sự bổ sung cho quyền tự do và an toàn cá nhân.

Quyền được suy đoán vô tội là một quyền quan trọng trong luật pháp quốc gia và quốc tế. Quyền được coi là vô tội đến khi tội phạm được chứng minh theo pháp luật là một trong những nguyên tắc quan trọng trong hoạt động tố tụng kể từ giai đoạn khởi tố bị can đến suốt quá trình xét xử của Tòa án và bản án có hiệu lực pháp luật. Khoản 2 Điều 14 ICCPR quy định: “Người bị buộc là phạm một tội hình sự có quyền được coi là vô tội cho tới khi tội của người đó được chứng minh theo pháp luật”.

Bên cạnh đó, quyền được thông báo lời buộc tội không chậm trễ, được sử dụng và hỗ trợ sử dụng ngôn ngữ thích hợp trong tố tụng và những người bị buộc tội phải: “Được thông báo không chậm trễ và chi tiết bằng một ngôn ngữ mà người đó hiểu về bản chất và lý do buộc tội mình”. Bị cáo có quyền có phiên dịch miễn phí nếu không hiểu hoặc không nói được ngôn ngữ sử dụng trong phiên tòa. Bất kỳ ai bị bắt giữ đều phải được thông báo ngay khi bị bắt về lý do của việc bắt giữ, và phải được thông báo ngay bất kỳ những lời buộc tội nào đối với người đó. Theo đó, quyền được thông báo về lời buộc tội bằng một ngôn ngữ thích hợp đặt ra nghĩa vụ cho các cơ quan tiến hành tố tụng phải cung cấp cho những người bị buộc tội người phiên dịch, trong trường hợp họ không hiểu được đầy đủ hoặc không nói được ngôn ngữ mà các cơ quan tiến hành tố tụng sử dụng. Quyền này đặc biệt có ý nghĩa với người nước ngoài hoặc người thuộc các dân tộc thiểu số. Việc được thông báo không chậm trễ về lý do buộc tội và được sử dụng, hỗ trợ sử dụng ngôn ngữ của cộng đồng mình trong tố tụng là những điều kiện quan trọng để bảo đảm quyền bào chữa của bị can, bị cáo và người bị bắt giữ. Theo Ủy ban giám sát ICCPR, quyền này phải được “áp dụng với tất cả các trường hợp bị buộc tội hình sự, bao gồm cả những người không bị giam giữ”. Ủy ban này cũng cho rằng, thuật ngữ “ngay lập tức” đòi hỏi lời buộc tội phải được cơ quan tiến hành tố tụng đưa ra càng sớm càng tốt, kèm theo những mô tả về quyết định đó, dưới hình thức nói hoặc văn bản. Liên tiếp để cụ thể hóa quyền này, trong Luật hình sự quốc tế còn thể hiện nhiều quyền khác như: Quyền được bào chữa và trợ giúp pháp lý ngay khi bị bắt hoặc bị giam giữ để bảo vệ sự toàn vẹn về thể chất và tinh thần của người bị tước tự do. Điểm a khoản 3 Điều 14 ICCPR quy định rằng, một người bị cáo buộc phạm tội phải được có thời gian thích đáng và điều kiện thuận lợi để chuẩn bị bào chữa và liên hệ với người bào chữa do chính mình lựa chọn.

Hay quyền không bị buộc phải chứng minh chống lại chính mình (điểm g khoản 3 Điều 14 ICCPR), quyền được xét xử công bằng và công khai bởi một Tòa án có thẩm quyền, độc lập và không thiên vị, được lập ra theo pháp luật. Về quyền này, khoản 1 Điều 14 ICCPR quy định: Mọi người đều có quyền được xét xử công bằng và công khai bởi một Tòa án có thẩm quyền, độc lập, không thiên vị và được lập ra trên cơ sở pháp luật để quyết định về lời buộc tội người đó trong các vụ án hình sự, hoặc để xác định quyền và nghĩa vụ của người đó trong các vụ kiện dân sự. Trách nhiệm chứng minh tội phạm thuộc về các cơ quan tiến hành tố tụng. Bị can, bị cáo có quyền nhưng không buộc phải chứng minh là mình vô tội. Báo chí và công chúng có thể không được phép tham dự toàn bộ hoặc một phần của phiên tòa vì lý do đạo đức. Không được dùng lời nhận tội của bị can, bị cáo làm chứng cứ duy nhất để kết tội. Mọi phán quyết trong vụ án hình sự hoặc vụ kiện dân sự phải được tuyên công khai, trừ trường hợp vì lợi ích của người chưa thành niên hay vụ việc liên quan đến những tranh chấp hôn nhân hoặc quyền giám hộ trẻ em.

Cấm áp dụng hồi tố cũng là một nguyên tắc quan trọng trong tố tụng hình sự và đã được khẳng định trong pháp luật quốc tế cũng như pháp luật của hầu hết các quốc gia trên thế giới. Theo Điều 15 ICCPR, không ai bị coi là phạm tội vì một hành động hoặc không hành động mà không cấu thành tội phạm theo pháp luật quốc gia hoặc pháp luật quốc tế tại thời điểm thực hiện hành vi đó. Ngoài ra, cũng theo Điều 15 ICCPR, nếu sau khi xảy ra hành vi phạm tội mà luật pháp quy định hình phạt nhẹ hơn với hành vi đó, thì người phạm tội được hưởng mức hình phạt nhẹ hơn; v.v...

Như vậy, những quyền này được Luật hình sự quốc tế ghi nhận chính là cơ sở để các quốc gia, tổ chức và cá nhân có thẩm quyền phải tôn trọng và chấp hành nghiêm chỉnh, qua đó bảo đảm quyền con người của người bị truy tố, điều tra, xét xử và thi hành án.

Hà Nội, ngày 16 tháng 12 năm 2012
Lê Quang Việt

------------

[1] Hiến chương Liên Hợp quốc năm 1945 đã khẳng định: “Mọi người sinh ra đều được tự do và bình đẳng về nhân phẩm và các quyền. Mọi người đều được tạo hóa ban cho lý trí và lương tâm, và cần phải đối xử với nhau bằng tình anh em” (Điều 1) và “Mọi người đều có quyền được công nhận tư cách là con người trước pháp luật ở mọi nơi” (Điều 6).

Quyền Con người Trong Các Giai Đoạn Điều Tra, Truy Tố Và Xét Xử Theo Luật Hình Sự Quốc Tế Reviewed by Unknown on 12/21/2012 Rating: 5 LCST - Luật của Sự Thật xin gửi đến quý bạn một bài phân tích mới của Lê Quang Việt về quyền con người trong các giai đoạn điều tra, tru...

Không có nhận xét nào: