BBC - Đại biểu Quốc hội Dương Trung Quốc cảnh báo hội chứng xin lỗi để che đậy sai phạm trong hàng ngũ lãnh đạo chính quyền và gợi ý bổ sung hình thức tuyên thệ.
Trả lời báo Tuổi Trẻ về điều được mô tả là hiện tượng xin lỗi được nhiều vị lãnh đạo đưa ra gần đây trên cả diễn đàn Quốc hội lẫn Hội đồng Nhân dân các địa phương, nhà sử học Dương Trung Quốc nói ông cho rằng đây là hiệu ứng của các nghị quyết trung ương 4 và 6 tập trung vào nỗ lực phê và tự phê.
“Trước đây, việc nhận trách nhiệm và xin lỗi là khá nặng nề, nhưng khi người ta thấy nhận trách nhiệm và xin lỗi mà không ai bị làm sao cả nên có người động viên nhau hoặc tự động viên mình là "thôi, nhận trách nhiệm cho nó xong đi".
Dân biểu gây nhiều chú ý tại Quốc hội với đề xuất mà ông gọi là “đoạn tuyệt với lời xin lỗi” khi chất vấn Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng gần đây nói “những người có chức trách thì thực hiện chức năng, nhiệm vụ của mình theo pháp luật".
“Do đó khi sai sót, sai phạm, sai lầm thì cần căn cứ theo pháp luật, theo quy định của Nhà nước để xử lý. Hoặc bản thân anh thấy năng lực không đáp ứng được yêu cầu của công việc thì anh có thể xin từ chức.
“Người có lỗi biết nhận lỗi và xin lỗi là đáng trân trọng. Nhưng quan trọng hơn là hối lỗi, sửa chữa lỗi lầm và biết chuộc lỗi do mình gây ra.
“Mặt khác, lời xin lỗi cũng có thể bị lạm dụng để che đậy sai phạm, xin lỗi nhiều quá thì thành mị dân, lợi dụng lòng thương của người khác. Trong những trường hợp như vậy, chúng ta khó có thể chấp nhận những lời xin lỗi suông”, ông Dương Trung Quốc nói thêm.
'Tuyên thệ'
Trong phiên chất vấn trước quốc hội vào giữa tháng 11 năm nay, Đại biểu Dương Trung Quốc đưa ra câu hỏi có thể xem là ‘chưa có tiền lệ’ với Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng.
Thủ tướng Dũng nói ông sẵn sàng chấp hành nghiêm túc mọi quyết định của các cơ quan quyền lực cao nhất"
Ông nhắc nhở người đứng đầu chính phủ rằng "Đã đến lúc phải đề cao trách nhiệm pháp luật, chứ không chỉ là lời xin lỗi," khi nói về việc ông Dũng chỉ xin lỗi về trách nhiệm chính trị liên quan đến một số tập đoàn Nhà nước.
Ông Dương Trung Quốc nói: "Phải chăng Thủ tướng nên nhân dịp này thể hiện quyết tâm sửa chữa của mình bằng cách khởi động cho một cuộc phấn đấu Chính phủ hướng tới đoạn tuyệt với lời xin lỗi, thay bằng... văn hóa từ chức với một lộ trình để quan chức của ta từng bước làm được điều mà các quốc gia tiên tiến vẫn làm?"
"Thủ tướng có tán thành khởi đầu cho sự tiến bộ của Chính phủ hướng tới một văn hóa từ chức để từng bước đoạn tuyệt với lời xin lỗi hay không?", ông hỏi Thủ tướng Dũng.
Về phần mình, ông Dũng khi đó một lần nữa khẳng định ông “nghiêm túc nhìn nhận trách nhiệm của người đứng đầu về tất cả hạn chế, yếu kém trong tất cả các lĩnh vực, trong đó có yếu kém trong giám sát, kiểm tra hoạt động của các doanh nghiệp Nhà nước”.
Ông cũng dẫn tới việc Quốc hội đã bỏ phiếu bầu ông làm Thủ tướng Chính phủ nên ông “sẵn sàng chấp hành nghiêm túc mọi quyết định của Đảng, BCH Trung ương Đảng, Quốc hội – cơ quan quyền lực cao nhất"
"Cả cuộc đời tôi theo Đảng, hoạt động cách mạng, tôi sẽ không thoái thác, từ chối bất cứ nhiệm vụ nào được Đảng giao phó…. Tôi sẽ tiếp tục thực hiện và nghiêm túc thực hiện như những gì tôi đã làm suốt 51 năm qua.”
Trả lời phỏng vấn với báo BấmTuổi Trẻ, Đại biểu Quốc hội Dương Trung Quốc nhấn mạnh về “những quy định mở đường cho việc hình thành văn hóa từ chức, như việc tới đây đại biểu sẽ sử dụng lá phiếu tín nhiệm của mình để đánh giá những người giữ trọng trách trong bộ máy”.
Tuy nhiên ông nói rằng ông có thêm một đề nghị rằng “có thể tới đây Quốc hội sửa hiến pháp thì cần quy định trong đó hình thức tuyên thệ hoặc tuyên hứa đối với những người được bầu giữ trọng trách của đất nước”.
“Việc đưa ra lời tuyên thệ ấy sẽ thiêng liêng và người ta phải luôn giữ gìn để không phạm vào lời thề của mình, còn nếu không thực hiện được lời thề, lời hứa thì cách tốt nhất là nên từ chức để rút lui”, ông nói.
Không có nhận xét nào: