Bốn Nguyên Tắc Tự Do Của Giáo Hội - Thanh Niên Công Giáo

728x90 AdSpace

Trending
21 tháng 1, 2013

Bốn Nguyên Tắc Tự Do Của Giáo Hội

Thông tư của Tòa Thánh về thể chế tự trị của Giáo Hội 

Rôma - Tín lý của Giáo Hội Công Giáo liên quan đến những phương diện tự do tôn giáo đang bị ảnh hưởng vì hai vụ kiện ở Tòa án nhân quyền Âu Châu, có thể được trình bày, một cách tổng hợp, như là được xây dựng trên 4 nguyên tắc sau đây : phân biệt giữa Giáo Hội và cộng đồng chính trị, tự do đối với Nhà Nước, tự do trong nội bộ Giáo Hội, tôn trọng trật tự công cộng chính đáng. 

Đó là những điều Đại Diện thường trực của Tòa Thánh bên cạnh Hội Đồng Âu Châu, được công bố ngày 16-01-2013, trong khuôn khổ của hai vụ kiện đã được đưa ra trước Tòa án nhân quyền Âu Châu. Thông tri về thể chế tự do và tự chủ của Giáo Hội Công Giáo 

Nhân dịp cứu xét hai vụ là Sindicatul ‘Pastorul cel Bun’ kiện Nhà Nước Rumani (Số 2330/09) và Fernandez-Martinez kiện Nhà Nước Tây Băn Nha (Số 56030/07) trước Tòa Nhân Quyền Âu Châu. 

Giáo lý của Giáo Hội Công Giáo liên quan đến những phương diện tự do tôn giáo đang bị ảnh hưởng vì hai vụ kiện ở Tòa án nhân quyền Âu Châu, có thể được trình bày, một cách tổng hợp, như là được xây dựng trên 4 nguyên tắc sau đây : 1) phân biệt giữa Giáo Hội và cộng đồng chính trị, 2) tự do đối với Nhà Nước, 3) tự do trong nội bộ Giáo Hội, 4) tôn trọng trật tự công cộng chính đáng. 

1. Phân biệt giữa Giáo Hội và cộng đồng chính trị 

Giáo Hội công nhận sự tách biệt giữa Giáo Hội và cộng đồng chính trị vì mục đích của đôi bên khác biệt ; Giáo Hội không hề, dưới bất cứ phương thức nào, lẫn lộn với cộng đồng chính trị và cũng không hề gắn liền với bất cứ một hệ thống chính trị nào. Cộng đồng chính trị phải chăm lo cho công ích và làm sao cho trên trái đất này, các công dân được có một “cuộc sống bình thản và yên ổn”. Giáo Hội công nhận là chính trong cộng đồng chính trị, người ta tìm được sự thể hiện công ích một cách đầy đủ nhất (x. Sách Giáo Lý của Giáo Hội Công Giáo, số 1910), được hiểu như « tổng hợp những điều kiện xã hội cho phép những tập thể hay những phần tử riêng rẽ có thể đạt tới sự hoàn hảo riêng một cách đầy đủ và dễ dàng hơn » (nt., số 1906). Nhà Nước có bổn phận bảo vệ và đảm bảo sự gắn bó, đoàn kết và tổ chức xã hội sao cho công ích được thực hiện với sự đóng góp của các công dân, và tạo thuận lợi cho mỗi người đều có thể tiếp cận được những công ích cần thiết - vật chất, văn hóa, luân lý và tinh thần – cho một cuộc sống thật sự nhân bản. Về phần Giáo Hội, Giáo Hội được dựng lên để dẫn dắt các tín hữu, bằng giáo lý, các phép bí tích, cầu nguyện và giới răn, tới mục đích vĩnh cửu của họ. 

Sự phân biệt này là dựa trên lời Đức Kitô đã phán dạy : « Của Xê-da, trả về Xê-da ; của Thiên Chúa, trả về Thiên Chúa » (Mt 22, 21). Trên những lãnh vực riêng biệt của mình, cộng đồng chính trị và Giáo Hội độc lập với nhau và tự trị. Trên những lãnh vực liên quan đến cả thiêng liêng và thế tục, như hôn nhân và giáo dục trẻ em, Giáo Hội coi như chính quyền dân sự phải thể hiện thẩm quyền của mình và tránh không tác hại đến lợi ích tinh thần của các tín hữu. Tuy vậy, Giáo Hội và cộng đồng chính trị không thể không đếm xỉa đến nhau ; với tư cách này hay tư cách kia, cả hai cũng đều phải phục vụ cùng những con người. Hai bên càng phục vụ tốt cho thiện ích của mọi người nếu cùng tìm kiếm một sự hợp tác lành mạnh, như đã nói trong Công Đồng Vaticanô II (xem Gaudium et Spes, số 76). 

Sự phân biệt giữa Giáo Hội và cộng đồng chính trị được bảo đảm bởi sự tôn trọng nền tự trị của mỗi bên, nền tự trị này là điều kiện của tự do cho mỗi bên. Những giới hạn của sự tự do này, với Nhà Nước, là tránh không đưa ra những biện pháp có thể làm hại đến sự cứu rỗi đời đời của các tín hữu, và, với Giáo Hội, là phải tôn trọng trật tự công cộng. 

2. Tự do đối với Nhà Nước 

Giáo Hội không yêu sách đặc quyền, đặc lợi, nhưng đòi hỏi sự tôn trọng đầy đủ và sự bảo vệ quyền tự do của Giáo Hội để hoàn thành sứ vụ của mình giữa lòng của một xã hội đa nguyên. Sứ vụ và quyền tự do này, Giáo Hội đã nhận lãnh từ Đức Giêsu Kitô chứ không phải từ Nhà Nước. Chính Quyền dân sự, như thế, phải tôn trọng và bảo vệ quyền tự do và tự trị của Giáo Hội và không được ngăn cản Giáo Hội dưới bất cứ hình thức nào trong việc thi hành sứ vụ của mình là dẫn dắt các tín hữu của mình, bằng tín lý, các phép bí tích, lời cầu nguyện và các giới răn, tới mục đích vĩnh cửu của họ. 

Quyền tự do của Giáo Hội phải được chính quyền dân sự công nhận trong tất cả những gì thuộc về sứ vụ của Giáo Hội, từ tổ chức thể chế của Giáo Hội (tuyển chọn và đào tạo các cộng sự viên và các tu sĩ, bầu cử giám mục, thông tin nội bộ giữa Tòa Thánh, các giám mục và giáo dân, thành lập và cai quản các tu viện, xuất bản và phát hành các ấn phẩm, sở hữu và quản trị các của cải vật chất…) đến việc hoàn thành sứ vụ của mình nơi các giáo dân (nhất là qua việc thực hiện quyền giảng dạy, việc cử hành thờ phượng, việc ban các phép bí tích và săn sóc mục vụ). 

Đạo Công Giáo hiện hữu trong và bởi Giáo Hội vốn là nhiệm thể của Đức Kitô. Trong khi tôn trọng tự do của Giáo Hội, cần phải trước tiên chú ý tới tầm vóc tập thể : Giáo Hội tự trị trong vận hành mang tính thể chế phải được nhà cầm quyền dân sự tôn trọng ; đó là một điều kiện của tự do tôn giáo và của sự phân biệt giữa Giáo Hội và Nhà Nước. Nếu không muốn bị coi là lạm dụng quyền hạn, Nhà cầm quyền dân sự không thể can thiệp vào lãnh vực tôn giáo, thí dụ làm như muốn thay đổi một quyết định của Giám Mục liên quan đến việc bổ nhiệm vào một chức vụ. 

3. Tự do trong lòng Giáo Hội 

Giáo Hội không phải là không biết, có những tôn giáo hay những chủ thuyết đàn áp tự do giáo dân của họ ; tuy nhiên về phần mình, Giáo Hội công nhận giá trị cơ bản của tự do con người. Giáo Hội nhận thấy trong mọi con người một tạo vật có trí tuệ và có ý chí tự do. Giáo Hội quan niệm mình là một không gian tự do và quy định những tiêu chuẩn nhằm để bao đảm sự tôn trọng quyền tự do đó. Vì thế, tất cả những hành động tôn giáo, để có giá trị, buộc phải có sự tự do của những người làm hành động đó. Trên tổng thể, ngoài ý nghĩa riêng, các hành động được cử hành một cách tự do nhằm làm cho người ta tiếp cận đến “sự tự do của con cái Thiên Chúa”. Những mối tương quan trong lòng Giáo Hội (thí dụ hôn nhân và những lời khấn hứa của các tu sĩ trước mặt Chúa) đều được chi phối bởi sự tự do này. 

Tự do lệ thuộc sự thật (« sự thật sẽ giải phóng các ông », Ga 8, 32) : và hậu quả là tự do không được viện dẫn để biện minh cho sự xúc phạm đến sự thật. Như vậy, một tín hữu giáo dân hay tu sĩ, đối với Giáo Hội, không thể viện dẫn quyền tự do của mình để phản đối lại Đức Tin (thí dụ thành lập một nghiệp đoàn các linh mục chống lại ý muốn của Hội Thánh). Đúng là mọi người có thể phản đối Quyền Giáo Huấn hay những chỉ thị và những chuẩn mực của Giáo Hội. Trường hợp có bất đồng ý kiến, mọi người đều có thể dùng quyền khiếu nại được dự trù bởi Giáo Luật Canon kể cả đoạn giao với Giáo Hội. Các quan hệ trong lòng Giáo Hội chủ yếu là mang tính thiêng liêng, Nhà Nước không có quyền xâm nhập vào phạm vi này và phân xử những mâu thuẫn như vậy. 

4. Tôn trọng trật tự công cộng chính đáng 

Giáo Hội không muốn những cộng đoàn tôn giáo là những vùng “vô luật”, nơi mà luật pháp Nhà Nước không được áp dụng. Giáo Hội công nhận thẩm quyền hợp pháp của nhà cầm quyền và những cơ chế tài phán dân sự để bảo đảm gìn giữ trật tự công cộng ; trật tự công cộng này phải tôn trọng công lý. Như vậy, Nhà Nước phải bảo đảm việc các cộng đoàn tôn giáo phải tôn trọng luân lý và trật tự công cộng chính đáng. Nhà Nước đặc biệt phải coi chừng để không một ai sẽ bị đối xử một cách vô nhân đạo hay bị hạ thấp phẩm giá, cũng như phải tôn trọng sự toàn vẹn thân thể và tinh thần của họ, kể cả cái khả năng của họ rời bỏ một cách tự do cộng đoàn tôn giáo của họ. Đó là giới hạn nền tự trị của những cộng đoàn tôn giáo khác nhau, cho phép bảo đảm tự do tôn giáo cá nhân cũng như tập thể và thể chế, trong sự tôn trọng công ích và sự gắn bó của các xã hội đa nguyên. Ngoài các trường hợp này, nhà cầm quyền dân sự có nhiệm vụ phải tôn trọng nền tự chủ của các cộng đoàn tôn giáo, chiếu theo nền tự trị này các cộng đoàn tôn giáo phải được tự do hoạt động và tổ chức theo các lề luật riêng của họ. 

Về phương diện này, cần phải nhắc là Đức Tin Công Giáo hoàn toàn tôn trọng lý trí. Người Kitô hữu công nhận sự phân biệt giữa lý trí và tôn giáo, giữa trật tự tự nhiên và trật tự siêu nhiên, và xác tín rằng “ơn phúc không phá hủy bản chất”, nghĩa là Đức Tin và các ơn phúc khác của Thiên Chúa không khiến cho bản chất con người và sự sử dụng lý trí con người trở thành vô ích hay bị lãng quên, mà trái lại, khuyến khích việc sử dụng này. Kitô giáo, khác với các tôn giáo khác, không bao hàm những quy định tôn giáo nghiêm ngặt (về ăn uống, quần áo, hủy hoại thân thể…) có thể nhiều khi đi ngược luân lý tự nhiên và vi phạm luật pháp của một Nhà Nước trung lập về mặt tôn giáo. Hơn nữa, Đức Kitô đã dạy phải vượt qua những quy định tôn giáo mang tính hoàn toàn hình thức và đã thay thế chúng bằng lề luật bác ái sống động, một lề luật mà, trong trật tự tự nhiên, công nhận dành cho lương tâm cái quyền phân biệt cái thiện và cái ác. Như vậy, Giáo Hội Công Giáo không thể áp đặt bất cứ một quy định nào trái ngược với những đòi hỏi chính đáng của trật tự công cộng. 

Mạc Khải phỏng dịch 
Nguồn : http://www.zenit.org/article-33130?l=french
Bốn Nguyên Tắc Tự Do Của Giáo Hội Reviewed by Unknown on 1/21/2013 Rating: 5 Thông tư của Tòa Thánh về thể chế tự trị của Giáo Hội  Rôma - Tín lý của Giáo Hội Công Giáo liên quan đến những phương diện tự do tô...

Không có nhận xét nào: