Chúa Giêsu Ki-tô, " Đấng Trung Gian Và Sự Mạc Khải Trọn Vẹn" - Thanh Niên Công Giáo

728x90 AdSpace

Trending
19 tháng 1, 2013

Chúa Giêsu Ki-tô, " Đấng Trung Gian Và Sự Mạc Khải Trọn Vẹn"

ĐỨC THÁNH CHA BENEDICTUS XVI

Anh Chị Em thân mến,

Công Đồng Vatican II, trong Hiến Chế về sự Mạc Khải của Thiên Chúa Dei Verbum xác định rằng chân lý thiết thực tất cả việc Mạc Khải của Thiên Chúa tỏ rạng lên cho chúng ta " nơi Chúa Kitô, vừa là Đấng trung gian, vừa là tất cả sự Mạc Khải trọn vẹn " (n. 2).

Cựu Ước kể lại cho chúng ta rằng, sau cuộc sáng tạo, 

- mặc cho nguyên tội, mặc cho sự xấc xược của con người muốn đặt mình vào chỗ của Đấng Sáng Tạo, 

- Thiên Chúa cũng ban cho con người một lần nữa có thể có được tình thân hữu của Người, nhứt là qua giao ước với Abraham và qua cuộc hành trình của một đoàn dân chúng nhỏ bé, dân Israel, mà Người tuyển chọn không phải với tiêu chuẩn quyền lực trần thế, mà chỉ dựa trên tình yêu thương. 

Đây là một cuộc tuyển chọn vẫn còn là một bí nhiệm và mạc khải cho biết phương thức kêu gọi của Thiên Chúa, Đấng kêu gọi một vài người nào đó 

- không phải là để loại bỏ những người khác, 

- mà là để cho những người được kêu gọi trở thành chiếc cầu gạch nối để dẫn đến Người, tuyển chọn là luôn luôn tuyển chọn để nhằm cho người khác. 

Trong lịch sử dân Israel chúng ta có thể khám phá ra được những chặn đường một cuộc hành trình dài, trong đó Thiên Chúa tỏ mình ra cho biết, mạc khải chính mình, đi vào lịch sử bằng lời nói và hành động. 

Để thực hiện động tác đó, Người dùng những người trung gian, như Moisen, các Tiên Tri, các Thủ Lãnh, để các ông thông báo cho dân chúng biết ý muốn của Người, nhắc nhở cho dân chúng điều đòi buộc lòng trung thành với giao ước và luôn luôn tỉnh thức chờ đợi cuộc thực hiện hoàn hảo và quyết định các lời Chúa hứa. 

Chính việc thực hiện các lời hứa nầy, mà chúng ta đã chiêm ngắm trong Lễ Thánh Giáng Sinh: cuộc Mạc Khải của Thiên Chúa đã đạt đến thượng đỉnh của nó. 

Nơi Chúa Giêsu Nazareth, Thiên Chúa thực sự đến viếng thăm dân Người, viếng thăm nhân loại theo một phương thức vượt bên kia bất cứ lòng chờ đợi nào: Người sai Con Duy Nhứt của Người, để trở thành chính người - Thiên Chúa. Chúa Giêsu không nói cho chúng ta một vài điều gì về 

Thiên Chúa, không chỉ nói về Chúa Cha, mà chính Người là sự Mạc Khải của Thiên Chúa, bởi vì Người là Thiên Chúa, và như vậy Người mạc khải cho chúng ta diện mạo của Thiên Chúa. 

Trong Lời Tựa Phúc Âm ngài, Thánh Gioan viết: 

- "Thiên Chúa, chưa bao giờ ai thấy cả, nhưng Con Một chính là Thiên Chúa và là Đấng hằng ở nơi cung lòng Chúa Cha, chính Người đã tỏ cho chúng ta biết" (Ga 1, 18). 

1 - Tôi muốn được dừng lại ở từ ngữ "mạc khải diện mạo của Thiên Chúa" nầy. 

Về chủ đề đang bàn, trong Phúc Âm Thánh Gioan ghi lại cho chúng ta một sự kiện rất có ý nghĩa, mà chúng ta vừa nghe qua. Lúc đến gần cuộc Khổ Nạn, Chúa Giêsu trấn an các môn đệ Người bằng cách mời gọi các ông đừng sợ và hãy có đức tin, kế đến Người đối thoại với các ông, trong đó Người nói về Chúa Cha (Ga 14, 2-9). Đến một khoảng nào đó, môn đệ Philipphê xin Chúa Giêsu: 

- "Thưa thầy, xin tỏ cho chúng con Chúa Cha, như vậy chúng con mãn nguyện rồi" (Ga 14, 8). Philipphê là người rất thực tế và xác thực. ngài nói lên điều mà cả chúng ta cũng muốn nói: "chúng con muốn được thấy, hãy tỏ Chúa Cha cho chúng con", ngài xin được thấy Chúa Cha, thấy được diện mạo của Người. 

Câu trả lời của Chúa Giêsu là câu trả lời không những cho Philipphê, mà còn cho cả chúng ta và hướng dẫn chúng ta vào tâm điểm của niềm tin Kitô luận: Chúa Giêsu xác nhận: 

- "Ai thấy Thầy là thấy Chúa Cha" (Ga 14, 9). 

Câu diễn tả đó hàm chứa một cách ngắn gọn điều mới mẻ của Tân Ước, điều mới mẻ đó đã được hiện ra trong hang đá Bethlem: Thiên Chúa, chúng ta có thể thấy được, Thiên Chúa đã tỏ ra diện mạo của Người, có thể nhận ra được nơi Chúa Giêsu Kitô. 

Trong cả Cựu Ước chủ đề "tìm kiếm diện mạo Thiên Chúa" được thể hiện rõ ràng, lòng ước muốn biết được diện mạo đó, lòng ước muốn Thiên Chúa, biết được Người như thế nào thể hiện rất đầy nhiệt huyết đến nỗi từ ngữ Do thái "panim" có nghĩa là khuôn mặt, diện mạo, được dùng đến 400 lần, và 100 lần được dùng để nói về Thiên Chúa, thấy được diện mạo Thiên Chúa. 

Tuy vậy Do Thái giáo cấm ngặt dùng các hình ảnh, bởi vì Thiên Chúa không thể trình bày ra được, như trái lại các dân tộc thân cận thờ phượng các thần tượng. 

Như vậy với điều cấm cản về hình ảnh nầy, Cựu Ước dường như loại bỏ hoàn toàn việc "thấy" trong phụng tự và trong đời sống đạo đức. 

Đối với người đạo đức Do Thái, tìm kiếm diện mạo Thiên Chúa có nghĩa là gì, trong nhận thức rằng không thể có được một hình ảnh nào? 

Câu hỏi có ý nghĩa quan trọng: 

- một đàng có nghĩa là Thiên Chúa không thể hạn hẹp thành một đồ vật, như một hình ảnh mà chúng ta có thể cầm lấy trên tay được, cũng không có thể đặt để một cái gì đó thay chỗ cho Người được, 

- nhưng đàng khác, nói đến diện mạo là xác nhận rằng Thiên Chúa có diện mạo, tức là một chủ thể "Người, Cha ơi", mà với chủ thể đó, chúng ta có thể liên hệ được, không phải là Đấng đóng kín mình trên Trời, nhìn xuống nhân loại từ trên cao. 

Dĩ nhiên Thiên Chúa ở trên mọi vật, nhưng là Đấng hướng về chúng ta, lắng nghe chúng ta, thấy chúng ta, nói chuyện, siết chặt giao ước, có khả năng yêu thương chúng ta trong dòng lịch sử 

Dòng lịch sử cứu độ là dòng lịch sử của Thiên Chúa cho con người, là dòng lịch sử của mối liên hệ nầy của Thiên Chúa, Đấng dần dần mạc khải mình cho con người, làm cho chính mình được biết đến, diện mạo của Người. 

2 - Chính vào lúc đầu năm, ngày 1° tháng giêng, chúng ta đã nghe trong phụng vụ lời cầu nguyện chúc phúc tuyệt vời trên dân chúng: 

- "Nguyện Thiên Chúa chúc lành và gìn giữ anh em. Nguyện Thiên Chúa tươi nét mặt nhìn đến anh em và dũ lòng thương anh em. Nguyện Thiên Chúa ghé mắt nhìn và ban bình an cho anh em" (Ds 6, 24-26). 

Dung nhan chói lọi của Thiên Chúa là nguồn mạch của sự sống, và những gì cho phép chúng ta thấy được thực thể, ánh sáng của diện mạo người là định hướng của đời sống chúng ta. 

Trong Cựu Ước có một khuôn mặt có liên quan một cách đặc biệt với chủ đề "diện mạo Thiên Chúa", đó là khuôn mặt của Moisen, người mà Thiên Chúa chọn để giải thoát dân Israel ra khỏi ách nộ lệ của Ai Cập, bằng cách ban cho họ Lề luật của giao ước và hướng dẫn họ đến miền Đất Hứa. 

Như vậy, ở chương 33 Sách Xuất Hành nói cho biết là ông Moisen có một mối liên hệ chặt chẽ và thân tình tin cậy với Chúa: 

- "Chúa đàm đạo với Moisen, mặt giáp mặt như hai người bạn với nhau" (Ex 33, 11). Dựa vào tâm tình thân tín đó, Moisen xin Chua: 

- "Xin Chúa tỏ sự vinh quang của Chúa cho con". 

Và câu trả lời của Thiên Chúa thật rõ ràng: 

- "Ta sẽ cho tất cả sự tốt lành của Ta đi qua trước mặt ngươi và sẽ xưng danh ta là Thiên Chúa trước ngươi...Nhưng ngươi không thể xem thấy tôn nhan Ta, vì con người không thể thấy mà vẫn sống. ..Đây là chỗ gần Ta...và ngươi sẽ xem thấy lưng Ta, còn tôn nhan Ta thì không được thấy" (Xh 33, 18-23). 

Một đàng có cuộc đối thoại, mặt giáp mặt như giữa các thân hữu với nhau, nhưng đàng khác, trong cuộc sống hiện tại, không thể nhìn thấy diện mạo Thiên Chúa được, diện mạo vẫn còn ẩn giấu; 

Các cuôc diện kiến của các Tổ Phụ nói lên những lời nầy: "ngươi chỉ xem thấy lưng Ta" có nghĩa là ngươi chỉ có thể đi theo Chúa Kitô và trong lúc theo Người, ngươi thấy được từ phía sau lưng Người mầu nhiệm của Thiên Chúa: Thiên Chúa, chúng ta có thể thấy được Người, bằng cách nhìn sau lưng Người. 

Nhưng có một cái gì hoàn toàn mới mẻ xảy ra, nhờ cuộc nhập thể. Sự tìm kiếm diện mạo Thiên Chúa có được một khúc quanh không thể tưởng tượng được, bởi vì diện mạo đó giờ đây có thể nhìn thấy được, đó là diện mạo của Chúa Giêsu, Con Thiên Chúa trở thành con người. 

Nơi Người chúng ta có được sự thể hiện hoàn hảo mạc khải của Thiên Chúa, được khởi đầu bằng cuộc kêu gọi Abraham. 

Chúa Giêsu là sự trọn hảo của công cuộc mạc khải nầy, bởi vì Người là Con Thiên Chúa, và 

- "vừa là Đấng trung gian và là sự trọn hảo của cả việc Mạc Khải" (Cost. dogm, Dei Verbum, 2). Nơi Người nội dung của Mạc Khải và Đấng Mạc Khải cùng trùng hợp nhau. 

Chúa Giêsu tỏ ra cho chúng ta diện mạo của Chúa Cha và cho chúng ta biết danh tánh của Thiên Chúa. 

Trong lời cầu nguyện linh mục Buổi Tiệc Ly, Chúa Giêsu thưa với Chúa Cha: 

- "Những kẻ Cha đã chọn từ thế gian mà ban cho con, con đã cho họ biết danh Cha" (Ga 17, 6.26) Từ ngữ "danh Thiên Chúa" có nghĩa là Thiên Chúa là Đấng đang hiện diện ở giữa những con người. Đối với Moisen, nơi buội cây đang cháy nóng, Thiên Chúa đã mạc khải tôn danh Người, tức là trước kia Thiên Chúa không ai có thể kêu cứu được, Người đã cho một dấu hiệu thiết thực cho thấy Người đang " hiện diện " giữa các con người. 

Tất cả những điều đó, có được sự thực hiện đầy đủ và hoàn hảo nơi Chúa Giêsu. Người khai trương một cách thức mới sự hiện diện của Thiên Chúa trong lịch sử, bởi vì ai thấy Người là thấy được Chúa Cha, như Người đã phán với Philipphê: 

- "Ai thấy Thầy là thấy Chúa Cha" (Ga 14, 9). 

Kitô Chúa giáo. như Thánh Bernardo đã xác nhận - là "tôn giáo của Lời Thiên Chúa", nhưng không phải là của một lời nói đưọc viết ra và im lặng, mà là của Ngôi Lời nhập thể và hằng sống " (Hom. supermissus est, IV, 11: PL 183, 86B). 

Trong truyền thống giáo phụ và thời trung cỗ một công thức cá biệt được dùng để diễn tả thực tại vừa kể: người ta nói rằng Chúa Giêsu là "Verbum abbreviatum" (Ngôi Lời ngắn gọn) (cfr Rom 9, 289, riferito a Is 10, 23). Ngôi Lời được phát biểu một cách ngắn gọn, Ngôi Lời được thu ngắn, là Lời ngắn gọn và thực thể của Chúa Cha. 

Nơi Chúa Giêsu cả Ngôi Lời hiện diện. 

3 - Nơi Chúa Giêsu, sự trung gian giữa Thiên Chúa và loài người có được thể hiện đầy đủ. 

Trong Cựu Ước có cả một loạt các gương mặt hành xử phận vụ nầy, đặc biệt là ông Moisen, người giải thoát, hướng dẫn, vị "trung gian" của giao ước, như những gì cả Tân Ước cũng đề cập đến (cfr Gal 3, 16 ; Cv 7, 35; Ga 1, 17). 

Chúa Giêsu là Thiên Chúa thật và con người thật, không phải chỉ là một trong những vị trung gian giữa Thiên Chúa và con người, nhưng còn là "vị trung gian của giao uớc mới và vĩnh cửu" (cfr Heb 8, 6.9.15; 12, 24): 

- "Thật vậy, chỉ có một Thiên Chúa - Thánh Phaolồ nói - và một trung gian duy nhứt giữa Thiên Chúa và loài nguời, đó là một con người Chúa Kitô Giêsu" (1 Tm 2,6); (Gal 3, 19-20). 

Nơi Người chúng ta thấy được và gặp được Chúa Cha, nơi Người chúng ta có thể kêu van lên Thiên Chúa bằng tên gọi "Abba, Cha ơi !"; nơi Người chúng ta được ban sự cứu rổi. 

Lòng ao ước thực sự được biết Thiên Chúa, tức là được thấy dung nhan Người, là những gì được in sâu trong mỗi con người, ngay cả trong những người vô thần. 

Và chúng ta có lẽ một cách vô ý thức với lòng ước ao đơn sơ nầy chỉ mong được thấy xem Người là ai, Người là gì, là ai đối với chúng ta. 

Nhưng lòng ước ao nầy được thoả mãn bằng cách theo Chúa Kitô, như vậy chúng ta thấy được đôi vai và sau cùng thấy được Thiên Chúa như một người bạn, diện mạo của Người trong diện mạo của Chúa Kitô. 

Điều quan trọng là không phải chúng ta chỉ theo Chúa Kitô trong thời điểm chúng ta cần đến Người và khi chúng ta tìm được một khoảng trống trong các công việc hằng ngày của chúng ta, nhưng nguyên cả cuộc sống chúng ta. 

Cả cuộc sống chúng ta phải được qui hướng về cuộc gặp gỡ với Chúa Giêsu Kitô, hướng về tình yêu thương, hướng về Người và trong cuộc sống đó, một đứng ở vị trí trung tâm phải được có cho tình yêu thương đối với ngưòi thân cận. Đó là tình yêu mà trong ánh sáng Chúa Chịu Đóng Đinh làm cho chúng ta thấy được diện mạo của Chúa Giêsu trong người nghèo khó, yếu hèn, đau khổ. 

Điều đó có thể thực hiện được chỉ khi nào diện mạo đích thực của Chúa Giêsu trở thành diện mạo quen thuộc đối với chúng ta trong việc lắng nghe lời Người, trong động tác nói lên nơi nội tâm, trong việc thực sự hội nhập vào Ngôi Lời nầy , mà thực sự chúng ta gặp được Người, và dĩ nhiên trong Mầu Nhiệm Thánh Thể. 

Trong Phúc Âm Thánh Luca đoạn tường thuật hai môn đệ trên đường Emmaus thật có ý nghĩa, là những người nhận ra được Người qua động tác bẻ bánh, nhưng là hai môn đệ đã được chuẩn bị trước 

- trong lúc đi đường, 

- khi hai ông mời Người ở lại với mình, 

- khi hàn huyên với Người làm cho lòng hai ông nóng cháy lên 

- và sau cùng hai ông thấy được Người. 

Đối với chúng ta cũng vậy, Thánh Thể là một đường cao cả, trong đó chúng ta học biết được để 

- thấy dung nhan Thiên Chúa, 

- hội nhập vào mối tương quan thân tình với Người 

- và đồng thời chúng ta cũng học được biết hướng cái nhìn về thời điểm cuối cùng của lịch sử, khi Người làm cho chúng ta thoả mãn bằng ánh sáng diện mạo của Người. 

Cuộc đời chúng ta đang hành trình là cuộc hành trình tiến về mức viên mãn nầy, đang khi vui mừng chờ đợi Nước Thiên Chúa được thực sự thể hiện. 

Cám ơn Anh Chị Em.

Phỏng dịch từ nguyên bản Ý Ngữ: Nguyễn Học Tập. 
(Thông tấn www.vatican.va, 16.01.2013).




Chúa Giêsu Ki-tô, " Đấng Trung Gian Và Sự Mạc Khải Trọn Vẹn" Reviewed by Unknown on 1/19/2013 Rating: 5 ĐỨC THÁNH CHA BENEDICTUS XVI Anh Chị Em thân mến, Công Đồng Vatican II, trong Hiến Chế về sự Mạc Khải của Thiên Chúa Dei Verbum x...

Không có nhận xét nào: