Ngoại Giao Tháp Rùa - Thanh Niên Công Giáo

728x90 AdSpace

Trending
26 tháng 1, 2013

Ngoại Giao Tháp Rùa

 Phạm Thị Hoài - Không có nghị định nào buộc các cơ quan và cá nhân thuộc Đảng và Nhà nước Việt Nam phải dùng tranh thủ công mĩ nghệ làm quà lưu niệm. Nhưng ở mọi ngành, mọi cấp, mọi nơi, mọi dịp, cứ đến đoạn trao quà lưu niệm là người tặng và người được tặng đứng hai bên, chung tay khoe một bức tranh sơn mài, tranh thêu, tranh lụa, tranh gỗ hay tranh khảm ra trước ống kính. Giá trị vật liệu của những sản phẩm này tùy vào tầm vóc của sự kiện liên quan. Giá trị nghệ thuật thì luôn bằng nhau – đều là con số 0. Chúng đơn thuần làKitsch. Như để khẳng định nghệ thuật Kitsch của Việt Nam phong phú, chúng ta có 3 lựa chọn: tranh Bác Hồ, tranh Chùa Một Cột hay tranh Tháp Rùa. 

Trong chuyến công du châu Âu những ngày này, Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng nhất quán chọn Tháp Rùa. Hai cái nhỏ tặng hai ông Thủ hiến ở Bỉ. Một cái to hơn tặng Giáo hoàng.

Đằng sau món quà nổi tiếng nhất trong quan hệ quốc tế, bức tượng Nữ thần Tự do của nhân dân và nhà nước Pháp tặng Hoa Kỳ, là cả một lịch sử và đi cùng với nó là một biểu tượng bất tử. Phần lớn quà cáp ngoại giao giữa các quốc gia không được hưởng số phận ấy. Chúng nằm im trong những kho chứa, thảm chồng lên thảm, ngà voi chất thành đống, bình sứ Trung Hoa và chậu sứ Trung Đông, tủ chè, chao đèn, gươm, đao, mũ, tượng, bút, đồng hồ, đồ chơi, vô tận tranh thủ công mĩ nghệ…, chờ lịch bán đấu giá và cuối cùng có thể tập kết ở chợ giời. Vô danh, không xuất xứ. Không kể một câu chuyện nào, cùng lắm chỉ còn giá trị vật liệu.

Song quà tặng bao giờ cũng kể một câu chuyện, mang một thông điệp, không hiếm khi là thông điệp ngoài chủ định. Quà tặng tiết lộ chân dung người tặng và cả diện mạo người được tặng. Fidel Castro từng tặng cố lãnh tụ Đông Đức Erich Honecker một con tôm hùm tươi sống. Ông này không ăn, đem ướp. Con tôm nặng tình quốc tế vô sản ấy nay nằm trong Bảo tàng Bác vật Berlin. Putin từng tặng cựu Thủ tướng Đức Gerhard Schröder một chiếc áo lông. Ông này không dùng, đem cho vợ mặc. Nhà độc tài Rumani Nicolae Ceaușescu tặng cho mọi đối tượng một món duy nhất: món Nicolae Ceaușescu, bằng sách, tranh, ảnh, tượng, huy hiệu, nhãn hiệu, thủ bút, bằng khen, giải thưởng. Quà của Stalin cho Kim Nhật Thành là một đoàn tầu hỏa bọc thép. Jacques Chirac tặng G.W. Bush một lọ nước cạo râu, tất nhiên là sản phẩm Pháp, trong khi quà của Gerhard Schröder thực dụng hơn: một chiếc cưa điện, tất nhiên made in Germany, rất thích hợp cho việc trang trại ở Texas.

Có những món quà hoàn hảo, vừa mát mặt khách vừa đẹp lòng chủ nhà. Cựu Tổng thống Đức Horst Köhler thường tặng đĩa thu những buổi hòa nhạc bất hủ của dàn giao hưởng Berliner Philharmoniker. Cựu Thủ tướng Pháp François Fillon tặng Thủ tướng Đức Angela Merkel, nữ tiến sĩ vật lí, một ấn bản cổ cuốn Radioactivité của Marie Curie. Bà Merkel tặng bà Hillary Clinton một ấn bản của tờ Frankfurter Allgemeine Zeitung lồng khung, có bức hình nổi tiếng chụp riêng bàn tay của hai bà đặt cạnh nhau. Cựu Thủ tướng Anh Gordon Brown đến thăm Nhà trắng, tặng Tổng thống Obama ấn bản đầu tiên cuốn Tiểu sử Churchill.

Có những món quà phá giới hạn của quy ước ngoại giao và gây tranh cãi. Cũng ông Gordon Brown ấy tặng Obama một chiếc bút có quản làm từ gỗ của con tầu HMS Gannet lừng danh trong cuộc chiến chống buôn bán nô lệ, còn vợ chồng Obama đến thăm Điện Buckingham, tặng Nữ hoàng Anh một chiếc iPod – thời iPod đang nổi. Một nguyên thủ Hoa Kỳ khác, cựu Tổng thống Johnson, tặng cựu Thủ tướng Đức Ludwig Erhard một chiếc mũ cao bồi Stetson. Sở thích của một Bộ trưởng Đức ưa giễu cợt là phân phát những Bức tường Berlin bỏ túi tại các nước chuyên chế. Một cựu Thủ tướng Nhật từng là nỗi kinh hoàng trên sàn ngoại giao: quà của ông là một robot chó biết hát quốc ca của nước chủ nhà.

Nhưng người Nhật cũng biết sử dụng một ngôn ngữ ngoại giao dễ nghe hơn nhiều: họ tặng anh đào. Không phải hoa anh đào chết trên một bức tranh rởm, mà là hàng chục ngàn cây anh đào gửi tặng những quốc gia hữu nghị, trong đó có 3000 cây ở Washington. Người Thái tặng voi. Người Tầu tặng gấu trúc. Ngoại giao gấu trúc của Trung Quốc sát cánh cùng ngoại giao bóng bàn. Mở màn với con gấu trúc được Mao Trạch Đông tặng Richard Nixon năm 1972, gần đây nhất là đôi gấu Đoàn Đoàn và Viên Viên tặng Đài Loan năm 2005. Khi ấy Đài Loan không nhận. Bốn năm sau, tinh thần “Một Trung Quốc” đã chiến thắng, Đoàn Viên đã vui vầy định cư tại Sở thú Đài Bắc.

Còn ngoại giao Tháp Rùa?

Tất nhiên sĩ diện của tôi bị tổn thương khi thấy một Thủ tướng Việt Nam mở tờ giấy gấp tư ra đọc trong buổi hội kiến với Tổng thống Hoa Kỳ; khi nhìn những bộ com-lê và cà vạt cũng cứng đờ như cử chỉ, nét mặt và diễn văn của giới thượng lưu chính trị nước nhà trên sàn diễn quốc tế; khi một lần nữa và còn lâu mới là lần cuối lại phải ngắm cảnh các lãnh tụ Việt Nam trang trọng mang tranh rởm đi rải ở nước ngoài. Song xấu hổ là chuyện phụ. Quan trọng hơn là món quà lưu niệm cổ hữu ấy cho tôi cảm giác rằng không có tín hiệu mới mẻ nào hết, không có đột phá, không có thông điệp nào ngoài thông điệp rằng mọi sự vẫn theo đúng tập quán, phong cách và nhận thức đồng bộ như xưa.

Một lúc nào đó nhất định tôi sẽ gặp lại những sứ giả khốn khổ này của văn hóa dân tộc ở chợ giời.
___________

Ảnh 1: Quà lưu niệm của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tặng Giáo hoàng

Ảnh 2 và ảnh 3: Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trao quà lưu niệm ở Bỉ.
Ngoại Giao Tháp Rùa Reviewed by Unknown on 1/26/2013 Rating: 5   Phạm Thị Hoài - Không có nghị định nào buộc các cơ quan và cá nhân thuộc Đảng và Nhà nước Việt Nam phải dùng tranh thủ công mĩ nghệ là...

Không có nhận xét nào: