Đối Mặt Với Những Khó Khăn - Thanh Niên Công Giáo

728x90 AdSpace

Trending
31 tháng 1, 2013

Đối Mặt Với Những Khó Khăn

1. Thời điểm này là thời điểm đầy khó khăn. Mỗi khó khăn có một nguy hiểm cho riêng mỗi người.

Riêng đối với tôi, khó khăn và nguy hiểm lớn nhất là những giới hạn của bản thân mình trước những khó khăn. Ở đây, tôi chỉ xin đề cập đến một số giới hạn trong lãnh vực đạo đức tôn giáo.

2. Giới hạn thứ nhất là thiếu nhạy bén


Thời nay con người Việt Nam đang rơi vào nhiều khủng hoảng. Khủng hoảng nguy hiểm nhất là khủng hoảng về niềm tin. Phần đông đồng bào Việt Nam ta, trong cơn khủng hoảng, đều khao khát gặp được những người thực sự đạo đức, để họ đặt vào đó niềm tin của họ. Con người đạo đức, mà mọi người dân thường chờ đợi, là con người có cái tâm, thực sự quan tâm đến họ, thực sự yêu thương họ, thực sự dám hy sinh cho họ, thực sự chân thành, vị tha.

Nhận thức được điều khao khát sâu xa đó của đồng bào mình, đó là một bén nhạy. Bén nhạy này có thể hiểu như một tác động của Chúa Thánh Thần. Để rồi, nhờ ơn Chúa, mà cố gắng đáp ứng theo khả năng.

Khi đáp ứng, chúng ta sẽ gặp thấy Chúa Giêsu. Gặp gỡ Chúa Giêsu, đó lại là một bén nhạy cao quý. Lúc đó, chúng ta hiểu sự khao khát đạo đức của những đồng bào trong cơn khủng hoảng chính là cách Chúa gõ cửa lòng ta. Tiếng Chúa gõ cửa lòng ta qua những khao khát đạo đức của đồng bào là tiếng gõ nhẹ nhàng, tế nhị, âm thầm. Nghe được, hiểu được tiếng gõ ấy chính là do sự nhạy bén của một cái tâm tốt lành, nói được là cái tâm có ân sủng của Chúa.

Nhạy bén trong thời điểm khó khăn này chỉ đơn sơ là thế. Nhưng, khi xét lại chính thân mình, tôi thấy sự nhạy bén đó vốn có nhiều giới hạn trong tôi. Do sự xơ cứng của lòng mình, do thói quen tìm lợi riêng cho mình, nhất là do tình trạng khép kín tâm hồn mình. Tôi sám hối chân thành.

3. Giới hạn thứ hai là thiếu thức tỉnh

Khủng hoảng là một cách Chúa dùng để đánh thức. Qua khủng hoảng hiện nay, Chúa đánh thức tôi hãy nhìn lại ý nghĩa đời tôi và hướng đi của đời tôi. Tôi đang mất quá nhiều, nếu lại mất linh hồn mình nữa, thì đời tôi còn ý nghĩa gì. Tôi đang chứng kiến nhiều cuộc đời chạy theo hướng vật chất phải sụp đổ đau đớn, không lẽ tôi cũng vẫn theo họ lao mình vào hướng vật chất đó hay sao?

Sự đánh thức của những khủng hoảng hiện nay làm cho tôi nhớ lại những gì Chúa Giêsu đã nói và đã làm xưa để đánh thức lương tâm con người. Đọc lại Phúc Âm, tôi thấy sợ. Vì mặc dù Chúa Giêsu đã dùng mọi cách, kể cả việc làm phép lạ, để đánh thức những người theo đạo Chúa thời đó, nhưng nhiều người thời đó vẫn không thức tỉnh. Đến nỗi, từ trên xuống dưới, tôn giáo tại Do Thái thời đó đã nhất trí một lòng lên án giết Chúa Giêsu, coi tên cướp Baraba đáng được thương hơn Chúa Giêsu. Rõ ràng là tất cả đều ngủ say trong một cơ chế lỗi thời, nặng đủ các thứ lề luật, nhưng lại coi nhẹ luật yêu thương. Không thức tỉnh của người thời đó vẫn truyền lại cho tới thế hệ hôm nay.

Khi xét mình, tôi thấy tôi cũng có một số giới hạh trong việc thức tỉnh. Tôi hối hận.

4. Giới hạn thứ ba là thiếu tin cậy vào ơn Chúa

Thời Chúa Giêsu đi rao giảng Tin Mừng đã không thiếu những khó khăn, những khủng hoảng về nhiều mặt. Để đối phó với tình hình đó, kẻ thì thích ban bố thêm nhiều lề luật, người thì lớn tiếng chỉ trích lên án lung tung, kẻ thì muốn dùng quyền để trừng trị, người thì quyết tâm dùng ý chí cương nghị của mình để chống lại sự ác. Nhưng Chúa Giêsu lại đưa ra một lời dạy độc đáo: “Nếu không có Thầy, chúng con chẳng làm gì được” (Ga 15,5).

Với lời dạy đó, Chúa muốn chúng ta sống đức tin trong mọi khủng hoảng bằng cách gắn bó mật thiết với Người, tuyệt đối tin vào Người, ngoan ngoãn đi theo Người, cho dù phải trở thành hạt lúa gieo vào lòng đất (x. Ga 12,24), hay phải treo trên thánh giá, để trở thành của lễ đền tội thay cho nhân loại.

Chúa dạy là như thế, thế mà nhiều khi tôi không luôn vâng theo như thế. Khi xét mình, tôi thấy mình thực sự đã có nhiều giới hạn trong việc cậy tin vào Chúa. Tôi ăn năn hết lòng.

5. Khi nhận ra được những giới hạn trên đây của mình, tôi mới thấy trong tình hình khó khăn hiện nay Chúa đang hiện diện mật thiết trong các môn đệ của Chúa. Người đang hoạt động âm thầm mà mạnh mẽ trong các tâm hồn kính sợ Chúa. Chứng tỏ rằng trong những thời khó khăn nhất, Chúa vẫn đào tạo nên nhiều chứng nhân thích hợp làm chứng cho Chúa.

Những chứng nhân này có thể có một phong cách khác với những chứng nhân thời đạo Chúa bị cấm cách. Bén nhạy, thức tỉnh và cậy tin vào Chúa giữa thời kinh tế thị trường như hiện nay là thái độ đạo đức của một đức tin chan hoà bác ái khiêm nhường tế nhị.

6. Với thái độ bén nhạy, thức tỉnh và cậy tin vào Chúa, họ đọc thời sự báo tin những đổi thay trên Đất Nước và Hội Thánh Việt Nam. Họ khám phá thấy Chúa đang làm những sự lạ lùng trong những quan hệ giữa đạo đời, giữa giàu và nghèo, giữa cũ và mới.

Họ thấy là đang có những đổi mới và những đổi thay. Những đổi mới và những đổi thay ấy đang diễn tiến một cách nhẹ nhàng. Đúng là ân sủng và sự cứu độ Chúa dành cho người có tâm hồn đơn sơ, bé mọn.

Đồng thời họ nhận thấy điều làm nên hạnh phúc là những việc làm của cái tâm, như Chúa đã dạy trong “Tám mối phúc thật” trên núi xưa.

Riêng tôi, khi đề cập đến thái độ bén nhạy, thức tỉnh và cậy tin vào Chúa, tôi thấy mình yếu đuối. Thấy rồi, tôi vui mừng bắt đầu lại, và như luôn bắt đầu lại. Bắt đầu lại với lòng hân hoan, việc đó tôi cảm nhận như sức sống của tuổi trẻ. Mùa Xuân thiêng liêng của tôi chính là những gì luôn luôn mới được Chúa tạo dựng trong tâm hồn tôi. Bén nhạy mới, thức tỉnh mới, niềm tin cậy mới, đó là ân sủng và sự cứu độ.

Lạy Mẹ Maria, con xin Mẹ thương giúp con cảm tạ Chúa vì mùa Xuân mới của con.

+ Gm. Gioan B BÙI TUẦN

Nguồn: DanChuaHiepThong

_______________________________
Đối Mặt Với Những Khó Khăn Reviewed by Unknown on 1/31/2013 Rating: 5 1. Thời điểm này là thời điểm đầy khó khăn. Mỗi khó khăn có một nguy hiểm cho riêng mỗi người. Riêng đối với tôi, khó khăn và nguy hi...

Không có nhận xét nào: