VRNs (10.01.2013) - Sàigòn – Phiên tòa “công khai” xử 14 anh chị em người Công giáo và Tin lành đã kết thúc sau hai ngày. Những gì diễn ra xung quanh phiên tòa này không làm cho người dân quá bất ngờ vì từ trước đến nay, nhà cầm quyền Việt nam vẫn dùng các “chiêu thức” như vậy trong các phiên tòa xử những công dân đe dọa đến lợi ích, đến sự tồn vong của chế độ độc tài cộng sản: bên trong tòa là những bản án bỏ túi, mặc cho chứng cứ, lời biện hộ của luật sư có như thế nào…bên ngoài tòa là mật vụ, cảnh sát, dân phòng ngăn cản, bắt bớ đánh đập người dân đến tham dự..
83 năm tù giam, 42 năm quản chế là những bản án nhà cầm quyền cộng sản áp đặt cho 14 thanh niên Công giáo và Tin lành, mặc dù những việc 14 anh chị em này làm đều nhắm một mục đích duy nhất: Nước Việt Nam được tiến bộ: có tự do, công bằng, dân chủ văn minh thực sự.
Đứng trước những bản án dành cho 14 anh chị em người Công giáo và Tin lành, cũng như bao người dân khác, tôi cảm thấy phẫn nộ đối với nhà cầm quyền và xin được chia sẻ, liên đới với nỗi đau của những thân nhân 14 anh chị em.
Bên cạnh nỗi đau vì sự bất công, giả trá thắng thế, vì tấm lòng dấn thân cho tự do, công bằng bác ái bị kết án, tôi lại khâm phục sau khi đọc những lá thư của 2 trong số 14 anh chị em này viết gửi gia đình trước và sau khi bị bắt; khi tôi nghe thân nhân của 14 anh chị em này nói về người con, người em, người cháu của họ và nhất là khi đọc những lời “cuối cùng” của Paulus Lê Sơn, Minh Nhật, Nguyễn Văn Duyệt tại tòa.
Không chỉ là ấn tượng, nhưng thực sự nể phục khi đọc lá thư của Phaolô Trần Minh Nhật gửi gia đình trước ngày bị công an bắt. Minh Nhật sinh năm 1988, là một trong 2 người trẻ tuổi nhất trong số 14 anh chị em bị xử lần này. Minh Nhật bị bắt tại Sàigòn vào tháng 8.2011 khi đang đi biểu tình chống Trung Cộng. Trước khi bị bắt, Minh Nhật đã viết thư gửi về gia đình. Không chỉ riêng tôi, nhiều bạn khi đọc thư của Nhật đã cảm phục tấm lòng hiếu thảo của anh đối với gia đình, nhất là đức tin Kitô giáo nơi anh – điều làm anh mạnh mẽ dấn thân mưu cầu công bằng, tự do cho mọi người.
Minh Nhật viết: “Trước hết con cám ơn Cha Mẹ, điều này con chưa nói ra lời được bao giờ, vì đã sinh ra con, đã dưỡng dục con trong một gia đình Ki-tô giáo. Con cám ơn Cha Mẹ vì đã dành tình yêu thương cách đặc biệt cho con. Con cảm nhận được tình yêu của Mẹ những đêm con cảm cúm, bệnh tật, Mẹ đã lo lắng cho con nhiều. Con cám ơn sự nghiêm khắc mà Cha đã dùng để dạy con, nhớ những lần làm phiền lòng Cha Mẹ để bị đánh đòn. Con mong Cha Mẹ luôn giữ gìn sức khỏe, để sống với đoàn con lũ cháu.”
“Con lại được sinh ra trong một gia đình Ki-tô giáo – một gia đình Công Giáo thực hành. Từ nhỏ con đã được Cha Mẹ cho tiếp cận với Kinh Thánh. Tại sao Cha Mẹ lại cho con tiếp cận Lời Chúa sớm thế? Chắc cũng muốn con sống theo những Lời ban sự sống đó? Con đang vang vọng bên tai câu lời của Chúa: Thầy là đường, là sự thật, là sự sống. Và lời nhắc nhở của Ngài: Chính anh em là muối cho đời, là ánh sáng cho trần gian. Nếu con không sống những lời mà Chúa dạy thì con cũng chỉ như một nắm muối đã nhạt không còn mặn nữa, vậy thì chỉ còn biết đem đổ ra đường cho người ta chà đạp. Hoặc nếu sống “nửa nạc nửa mỡ” (thánh Phao lô) thì thật là kinh tởm, đáng bị mửa đi.”
Những “lời sau cùng” tại tòa cũng nói lên tấm lòng hiếu thảo và ý chí can trường đó của Minh Nhật. Nhật nói trước tòa: “Con xin cảm ơn Cha Mẹ, gia đình, anh em và bạn bè đã đến tham dự phiên tòa đồng hành với con. Cầu mong xã hội Việt Nam sớm có được sự thật và công lý. Tôi chấp nhận tất cả những gì mà chế độ này đè nén, chấp nhận tất cả những hình phạt miễn sao công lý và sự thật được hiện diện tại đất nước Việt Nam này!”. Minh Nhật đã bị kết án 4 năm tù giam và 3 năm quản chế.
Cùng năm sinh với Minh Nhật là anh Thái Văn Dung. Trước khi phiên tòa diễn ra, anh Dung đã viết thư gửi về cho gia đình. Dù bị kiểm duyệt, nhưng những tâm tình anh Dung gửi gắm cũng cho thấy tấm lòng hiếu thảo đối với gia đình và một ý chí kiên cường, niềm hy vọng vào một tương lai tốt đẹp đang tới. Anh căn dặn các em phải đọc nhiều sách, và năng cầu nguyện, phải “học tập cho tốt, đừng để công việc làm xao lãng việc học”. Mặc dù đang bị giam cầm, nhưng điều đó dường như không làm cho Dung nhụt chí buông xuôi. Anh muốn gia đình gửi cho anh nhiều loại sách khác nhau để trau dồi kiến thức, để củng cố đức tin của mình. Tôi tin rằng, mặc dù nhà cầm quyền đã kết án anh 5 năm tù giam và 3 năm quản chế, nhưng với lòng kiên vững và luôn nhìn về phía trước để phấn đấu, anh Thái Văn Dung sẽ không bị suy sụp.
Là một trong 3 người bị kết án nặng nề nhất (13 năm tù giam, 5 năm quản chế), anh Phanxicô Đặng Xuân Diệu để lại ấn tương, sự kính trọng cho những ai đã từng tiếp xúc, cộng tác với anh. Anh dấn thân để bảo vệ sự sống trong Nhóm bảo vệ sự sống Gioan Phaolô II tại Tp. Vinh. Anh tham gia các hoạt động xã hội: phát học bổng cho các học sinh, sinh viên nghèo, hỗ trợ xe lăn cho những anh chị em khuyết tật. Khi nói về anh Đặng Xuân Diệu, người anh trai Đặng Xuân Hà chia sẻ: “Diệu là một con người rất tốt đối với quê hương, từ công việc ngoài xã hội cho đến những hoạt động trong Giáo hội. Không mấy thanh niên có thể làm được những công việc có ý nghĩa như vậy.” Anh Nguyễn Hữu Chắc, người thành lập nên Nhóm bảo vệ sự sống Gioan Phaolô II cũng nói về người anh em của mình như là “người trưởng thành về mọi mặt từ nhân cách, đạo đức tới tri thức…”
Cùng bị kết án 13 năm như Đặng Xuân Diệu, Paulus Lê Sơn khiến người ta phải nể phục nhưng cũng xót xa cho hoàn cảnh của anh. Trước phiên xử, người cậu của Sơn là anh Đỗ Văn Phẩm đã nói về người cháu của mình với tất cả niềm tự hào: “Cháu nó là một người có tấm lòng nhân hậu, là người sáng dạ. Tinh thần của cháu nó rất kiên vững. Khi vào thăm, cháu nó nói với tôi: Cháu là con cháu các thánh tử đạo Việt Nam! Cháu không làm gì sai cả!” Trong ngày xử thứ hai, những lời “sau cùng” trước tòa thể thể hiện tấm lòng hiếu thảo của Sơn đối những người thân yêu và cũng thể hiện chí khí hiên ngang kiên cường của anh: “Xin cảm ơn gia đình, mẹ già đã chăm sóc nuôi nấng, xin lỗi mẹ vì những ngày mẹ yếu đau đã không chăm sóc được cho mẹ. Xin cảm ơn các cậu, các dì và anh em bạn bè đã chăm sóc mẹ khi ốm đau thay Sơn. Phần Sơn, tự xác định là mình không có bất cứ tội gì, nguyện vọng chỉ là yêu cầu xử đúng người, đúng tội căn cứ luật pháp.”
Paulus Lê Sơn đã không biết người mẹ của mình đã qua đời trước phiên tòa hơn 8 tháng trước (21.4.2012). Tấm lòng hiếu thảo, ý chí kiên cường của Sơn chắc chắn đã được người mẹ nơi chín suối chứng giám, nhưng cũng thật xót xa khi mẹ con anh không được gặp mặt lần cuối.
Không thể liệt kê, diễn tả hết về 14 anh chị em Công giáo và Tin lành mới bị đưa ra xử, nhưng quả thực càng đọc tôi càng khâm phục những con người này. Lòng hiếu thảo của họ đối với gia đình, những việc họ đã làm, những mong ước của họ cho quê hương đất nước chắc chắn phải xuất phát từ những con người có một đức tin kiên vững: tin vào Thiên Chúa và tin vào tình yêu thương đồng loại.
Chứng kiến 14 anh chị em hiên ngang đứng giữa tòa án khẳng khái tuyên bố mình vô tội, chứng kiến cảnh những tên an ninh tụm ba tụm năm chia chác tiền công dưới phố, tôi tin mọi sự sẽ thay đổi trong nay mai!
PV.VRNs
Không có nhận xét nào: