Nguyễn Hưng Quốc - Viết để đánh động vào cảm xúc của người đọc, hoặc đa số người đọc, không khó. Trong lãnh vực văn chương, không khó. Trong lãnh vực chính trị, lại càng không khó.
Chính trị, nơi thường có những tranh chấp quyết liệt, thậm chí, đẫm máu nhất, oái oăm thay, lại thường là nơi người ta dễ đồng cảm với nhau nhất. Lý do dễ hiểu: chính trị tác động đến con người không phải chỉ với tư cách cá nhân mà còn với tư cách tập thể.
Thứ nhất, tất cả các chính phủ đều chỉ đại diện cho một khối người nhất định nào đó. Không bao giờ có chính phủ của toàn dân. Những cách nói “chính phủ của toàn dân” bao giờ cũng là những lối mạo nhận, đầy giả dối. Những số phiếu bầu 100% hay ngay cả trên 90% cho một người hay một đảng phái nào đó chắc chắn là những số phiếu gian lận. Chính phủ, may lắm, chỉ là chính phủ của đa số. Chứ không phải là của toàn bộ. Của tất cả. Đã có đa số thì sẽ có thiểu số. Hai bên sẽ tranh chấp với nhau, nhưng ít nhất trong từng bên, sẽ rất dễ có sự đồng cảm.
Thứ hai, bất cứ chính sách lớn nào của chính phủ, về các phương diện kinh tế và xã hội, cũng đều ít nhiều có tác dụng tích cực đối với nhóm người này và tác dụng tiêu cực đến một nhóm người khác. Hai nhóm này có thể tranh chấp với nhau; nhưng trong nội bộ từng nhóm thì lại thường dễ đồng cảm với nhau.
Một ví dụ đơn giản: Khi quyết định tăng thuế, rất hiếm khi chính phủ dám tăng thuế đồng loạt. Thường chỉ tăng thuế ở một mức thu nhập nào đó, nghĩa là, nhắm vào một tầng lớp xã hội nào đó. Ví dụ, có đảng chủ trương tăng thuế của giới tư bản, thật giàu và giảm bớt thuế cho giới trung lưu hoặc dưới trung lưu; ngược lại, cũng có đảng chủ trương tăng thuế giới trung lưu, cắt giảm trợ cấp xã hội của thành phần có thu nhập thấp và giảm hoặc không tăng thuế giới giàu có với lập luận: thành phần đại tư bản giàu có ấy đã đóng góp lớn lao trong lãnh vực nhân dụng, tạo công ăn việc làm cho cả hàng ngàn hay chục ngàn người khác.
Bất cứ chính sách thuế khoá nào, như vậy, cũng làm lợi cho một số người và ngược lại, làm thiệt một số người khác. Trong từng nhóm, những người có lợi và những người bị thiệt ấy, rất dễ có sự đồng cảm với nhau.
Ở các chế độ độc tài, nhất là độc tài ở giai đoạn cuối, sự đồng cảm càng dễ nảy nở: trừ một thiểu số được hưởng lợi từ độc tài, những nạn nhân của độc tài thường rất gần nhau ở hoàn cảnh cũng như ở tâm trạng.
Khi một tâm trạng được cả đám đông chia sẻ, viết để đánh động cảm xúc của họ là điều dễ dàng. Ví dụ, ở Việt Nam hiện nay, không mấy người không bất mãn trước sự độc tài, tham lam và tàn bạo của giới cầm quyền. Nắm bắt sự bất mãn ấy: không khó. Khích động được sự bất mãn ấy: cũng không khó. Xoáy sâu vào những bất mãn ấy, người cầm bút rất dễ nhận được đồng cảm hay ngay cả sự hoan nghênh.
Việc làm ấy, dĩ nhiên, không phải không có ích. Nó khiến mọi người tự giác hơn về tội ác của giới cầm quyền. Nó làm mọi người thấy gần gũi hơn với tư cách nạn nhân hay chứng nhân. Nó lột mặt nạ, toàn bộ mặt nạ, của những tên bạo chúa giả dối để không còn ai có thể bị ảo tưởng hay bị lừa bịp nữa.
Nhưng việc làm ấy không phải không có hại. Dân chúng đang quằn quại đau đớn và phẫn uất, gặp những bài viết đánh động vào cảm xúc của mình, rất dễ đồng cảm. Thấy sung sướng. Thấy hả hê. Thấy như được trả thù. Bao nhiêu u uất, u uẩn và phẫn nộ dường như được giải toả. Người ta bỗng thấy nhẹ nhõm hẳn. Và vì sự nhẹ nhõm ấy, người ta không thấy có nhu cầu hành động hay làm gì thêm để thay đổi tình thế.
Nói hại là vì vậy.
Tôi nghĩ, trong thời điểm hiện nay, cần hơn là những bài viết nhằm khai mở nhận thức. Nhà cầm quyền Việt Nam hiện nay tham nhũng? Điều đó hầu như ai cũng biết. Nhưng tham nhũng đến độ nào? Quan hệ giữa tham nhũng và thể chế chính trị như thế nào? Tại sao hành động chống tham nhũng, để có hiệu quả, phải gắn liền với hành động chính trị? Trả lời các câu hỏi ấy, người ta không phải chỉ vuốt ve cảm xúc mà còn làm thay đổi nhận thức của người đọc.
Chỉ nhận thức không, không đủ tạo thành cách mạng. Chỉ cảm xúc không, cũng không đủ tạo thành cách mạng. Không phải chỉ nhờ việc nhận thức được bản chất của độc tài, người ta có thể sẵn sàng đổ xô xuống đường chống lại độc tài. Cũng không phải chỉ do bất mãn độc tài, người ta đã có thể sẵn sàng hy sinh mạng sống của mình để đánh đổ độc tài.
Cách mạng bao giờ cũng là kết quả của cả hai, nhận thức và cảm xúc: khi cảm xúc được soi sáng thành nhận thức và khi nhận thức sâu sắc đến độ biến thành cảm xúc.
Không có nhận xét nào: