100 Người Tự Thiêu ở Tây Tạng : Dharamsala Kêu Gọi Cộng Đồng Quốc Tế Lên Tiếng - Thanh Niên Công Giáo

728x90 AdSpace

Trending
6 tháng 2, 2013

100 Người Tự Thiêu ở Tây Tạng : Dharamsala Kêu Gọi Cộng Đồng Quốc Tế Lên Tiếng

Mạc Khải phỏng dịch - 6.2.2013: Chính phủ Tây Tạng lưu vong đã tung ra tại Delhi một chiến dịch nhằm đánh động dư luận cộng đồng quốc tế trước "thảm kịch đang diễn ra tại Tây Tạng", lúc mà đã có hơn 100 vụ tự thiêu xảy ra từ năm 2009 để phản đối sự đàn áp của Trung Quốc.

Nhiều ngàn người là thành viên của cộng đồng Tây Tạng lưu vong đã quy tụ về thủ đô Ấn Độ trong 4 ngày phát động chiến dịch "Đoàn kết với dân tộc Tây Tạng" , từ ngày 30-01-2013 đến ngày 02/02/2013. Cộng đồng quốc tế phải "hành động ngay bây giờ và lên án những gì xảy ra ở Tây Tạng trước khi quá trễ", ông Lobsang Sangay, thủ tướng chính phủ của Lhassa lưu vong tuyên bố.
Mang theo cờ xí và biểu ngữ yêu cầu các quốc gia đoàn kết để « tạo sức ép lên Trung Quốc " để chấm dứt những đau khổ của dân tộc Tây Tạng", khoảng 5000 người tham dự tụ tập tại Delhi để cầu nguyện, diễn hành, ăn chay, hội thảo và biểu tình.

Đợt tự thiêu, bắt đầu năm 2009 trong những khu dân cư Tây Tạng chung quanh vùng tự trị, đã lan ra trong ba tháng gần đây trong toàn lãnh thổ Tây Tạng, với một sự tăng tốc về nhịp độ các cuộc tự thiêu (trên con số khoảng 100 vụ tự thiêu được thống kê từ trước đến nay, có 83 vụ đã diễn ra chỉ trong năm vừa qua).
 
"Cái gì đã khiến họ phải tự thiêu ?", ông Lobsang Sangay đã hỏi đám đông, khi nhắc đến con số nay đã lên đến 100 nạn nhân tự thiêu ở Tây Tạng mới đây (1). "Bởi vì họ không có được tự do ngôn luận, không được phát biểu, không được phản đối", ông đã nói tiếp. "Các hành động (tự thiêu) này phản ánh sự thất vọng và quyết tâm của người Tây Tạng, và dù chúng ta có nỗ lực ngăn cản đi chăng nữa, thì các hành động này cũng vẫn sẽ tiếp tục nếu chính quyền Trung Quốc vẫn áp dụng chính sách đàn áp", ông kết luận.

Thế hệ trẻ, dù sinh ra ở bên ngoài nước Tây Tạng, đã xác tín rằng không có lựa chọn nào khác. "Hy sinh sự sống của chúng ta là điều duy nhất mà chúng ta còn lại để phản đối mà không làm người khác đau đớn, và đó là cách tốt nhất để thu hút sự chú ý của quốc tế", anh Lobsang Thai, 28 tuổi, đến từ một trong những làng Tây Tạng tỵ nạn ở Ấn Độ khẳng định.

Chiến dịch này là hoạt động quan trọng nhất được tổ chức trên đất Ấn Độ kể từ khi chính phủ lưu vong được đặt ở thị trấn Dharamsala, nhằm dấy động một sự nhận thức và sự đầu tư cụ thể từ phía ngoại quốc và những tổ chức quốc tế, như Liên Hiệp Quốc mà việc gửi các quan sát viên tới Tây Tạng đã không ngừng bị Trung Quốc ngăn chặn. "Một vụ tự thiêu ở Tunisie đã có thể kích động Mùa Xuân Ả-rập. Tại sao, trong lúc chúng tôi từ hàng chục năm qua đã tiến hành đấu tranh bất bạo động, chúng tôi lại nhận được sự ủng hộ ít hơn thế giới ả-rập ?", ông thủ tướng Tây Tạng đã đặt ra câu hỏi.

Trong những sự ủng hộ mà chính phủ lưu vong hy vọng nhận được, sự ủng hộ của Ấn Độ, vốn là quốc gia đã từ hơn 50 năm nay đón nhận những người Tây Tạng trên lãnh thổ của mình, chắc chắn là đang được chính phủ lưu vong chờ đợi nhất. Từ đầu tháng này, nhiều vị đân cử Tây Tạng đã được gửi đến các thủ đô những Tiểu Quốc của Liên Bang để vận động sự hỗ trợ của những nhà lãnh đạo chính.

Ngay ở Delhi, nhiều chính giới và dân biểu Ấn Độ thuộc nhiều xu hướng chính trị khác nhau đã đến cam kết với những người đại diện Tây Tạng sự ủng hộ của họ. Ông Lobsang Sangay đã ngỏ lời tri ân của dân tộc Tây Tạng đối với "đất thánh Ấn Độ" và đã cầu chúc Tây Tạng một ngày kia trở thành "chuyện thành công bất ngờ" của Liên Bang Ấn Độ.

Mới đây, Bắc Kinh đã không thành công trong việc vận động để Delhi ủng hộ chính sách của họ ở Tây Tạng cũng như là lên án chính phủ lưu vong Dharamsala. Ông Lobsang Sangay vì thế đã nuôi hy vọng Ấn Độ chấp nhận là đồng minh của ông trong chiến dịch vận động dư luận quốc tế rộng lớn này do ông phát động ngày hôm nay. Các đại diện của Ủy Ban Nhân Quyền Liên Hiệp Quốc, cũng như các nhà ngoại giao của 20 quốc gia cũng đã đến Delhi để mang lại sự ủng hộ chính thức của chính phủ các nước họ cho chiến dịch ủng hộ Tây Tạng.

Về phía Bắc Kinh, như mọi năm, họ chuẩn bị cho một giai đoạn nhiều bất trắc là dịp kỷ niệm vào tháng Ba tới đây, cuộc khởi nghĩa hụt ở Lhassa, bằng cách ngay từ bây giờ, đã cô lập Tây Tạng với thế giới bên ngoài và giàn thêm quân đội và công an khắp nơi.

Từ lúc mới xảy ra những vụ tự thiêu, câu trả lời cua Trung Quốc vẫn không thay đổi : mỗi đợt tự thiêu đều kích động một cuộc đàn áp gia tăng từ phía nhà cầm quyền, đàn áp gây thêm những vụ tự thiêu và rồi tự thiêu lại kéo theo một đợt đàn áp còn nghiêm trọng hơn nữa.

Với việc bổ nhiệm hôm 01/02/2013 vừa qua một viên thống đốc mới lãnh đạo Vùng Tự Trị Tây Tạng, Bắc Kinh có vẻ kiên trì chính sách leo thang đàn áp. Lobsang Gyaltsen, 55 tuổi, một người Tây Tạng đã leo lên từ cơ sở Đảng, một người chủ trương « đường lối cứng rắn ». Được biết đến như một hung thần trong Vùng tự trị Tây Tạng lúc người này còn làm chủ tịch thành phố Lhassa trong những năm 1996 và 2003, phó chủ tịch Ủy Ban Nhân Dân và là người trách nhiệm ở nhiều cấp bộ của guồng máy hành chính trong vùng, hắn ta đã nói rõ cái nhìn của hắn về chính sách ở Tây Tạng lúc hắn được chính thức bổ nhiệm. Trong bài diễn văn nhậm chức, hắn đã nói : "Tất cả sự phát triển và tiến bộ của Tây Tạng từ ngày được giải phóng ôn hòa đến nay là kết quả của sự gắn kết với lãnh đạo Đảng cộng sản Trung Quốc, với hệ thống xã hội chủ nghĩa, với hệ thống tự trị dân tộc thiểu số địa phương và với con đường phát triển có những đặc tính Trung Quốc và những nét đặc thù Tây Tạng".

Theo các thành viên của chính phủ lưu vong ở Dharamsala, việc bổ nhiệm này là một điềm tiên đoán sẽ có một giai đoạn đen tối cho Tây Tạng vì thực tế đã có những dấu hiệu tăng cừng đàn áp.

Ngày 31-01-2013 vừa qua, một tòa án ở Ngaba đã tuyên án tử hình được hưởng án treo (3) đối với một tu sĩ Tây Tạng và người cháu của ông, vì tội "cố ý giết hại 8 người bằng cách khuyến khích tự thiêu" và vì đã thông tin ra nước ngoài về tình hình Tây Tạng. Theo chính phủ Tây Tạng lưu vong, thực tế đã có 6 người cùng bị xử trong ngày hôm đó, và đã lãnh những bản áu tù từ 3 đến 12 năm, có người bị kết án vì đã tìm cách cấp cứu một nạn nhân tự thiêu (4) và những người khác vì "can tội gây rối". Khoảng 15 người cũng đã bị bắt giam hồi tháng 12-2012 vừa qua ở Quảng Châu vì đã "tiết lộ cho truyền thông nước ngoài" những tin tức về các vụ tự thiêu đã diễn ra hồi tháng 10 và tháng 11/2012.

Ghi chú

(1) Người cuối cùng chết vì tự thiêu (được biết) là anh Kunchok Kyab, 26 tuổi, một nông dân và là cha trong gia đình, ngày 22-01-2013 vừa qua.

(2) Đức Đạt Lai Lạt Ma và chính phủ Tây Tạng lưu vong đã nhiều lần nhắc lại rằng « họ không khuyến khích những hành động quá khích » và đã yêu cầu người Tây Tạng « không nên hy sinh sự sống quý giá của mình ».

(3) Ngày 31-01-2013 vừa qua, tòa án Ngaba (vùng Tứ Xuyên) đã tuyên án tử hình (được hưởng án treo trong vòng 2 năm, trong thời gian này bản án có thể được giảm xuống còn tù chung thân) và mất quyền công dân, thày Lobsang Kunchok, tu sĩ thuộc thiền viện Kirti ở Ngaba, và kết án 10 năm tù và mất quyền công dân trong vòng 3 năm đối với người cháu của tu sỉ là ông Lobsang Tsering, 31 tuổi. Bản cáo trạng chính thức quy kết vị tu sĩ vào tội đã chuyển các tin tức tự thiêu cho chính phủ Tây Tạng lưu vong và cho truyền thông nước ngoài. Công tố đã buộc vị tu sĩ vào những tội danh là « cố ý giết ngườỉ » và « khuyến khích và ép buộc tự thiêu đối với 8 người dẫn đến tử vong của 3 người » (trong 8 người này, chỉ có 3 người bị chết vì tự thiêu, 5 người khác được công an đưa ra như là « nhân chứng ») . Thày Lobsang Kunchok và anh Losang Tsering đã bị bắt vào tháng 08/2012, nhưng sự giam giữ và những buộc tội của họ chỉ được Trung Quốc thông báo vào tháng 12/2012.

(4) Đó là ông Dorjee Rinchen, 57 tuổi, đã tự thiêu trong vùng Sangchu ngày 23-10-2012.

Mạc Khải phỏng dịch Nguồn : http://eglasie.mepasie.org/asie-du-nord-est/chine/2013-02-04-100-immolations-au-tibet-dharamsala-en-appelle-a-la-communaute-internationalehttp://eglasie.mepasie.org/asie-du-nord-est/chine/2013-02-04-100-immolations-au-tibet-dharamsala-en-appelle-a-la-communaute-internationale
100 Người Tự Thiêu ở Tây Tạng : Dharamsala Kêu Gọi Cộng Đồng Quốc Tế Lên Tiếng Reviewed by Răng Ra Ri on 2/06/2013 Rating: 5 Mạc Khải phỏng dịch - 6.2.2013 : Chính phủ Tây Tạng lưu vong đã tung ra tại Delhi một chiến dịch nhằm đánh động dư luận cộng đồng quốc tế...

Không có nhận xét nào: