KS Nguyễn Văn Thạnh - Lời mở đầu: Tôi xin gửi lời cảm ơn đến các bạn đã đọc bài viết “Nhật ký làm việc với PA61 - An ninh thành phố Đ.N”, xin cảm ơn một số bạn đã đồng cảm và lo lắng cho tôi, mong được biết tin buổi làm việc tiếp theo.
Theo hẹn, sáng 06.02.2013, tôi lên làm việc, không biết do cuối năm, do cũng chẳng còn gì để “làm việc” hay do bài viết làm việc với an ninh được công khai minh bạch mà hai anh cán bộ làm việc rất nhanh gọn. Họ đưa ra một số bài viết được họ in xuống từ web PT CĐVN, danluan, họ hỏi đây có phải là những bài tôi viết không? Tôi đọc qua từng bài. Tôi xác nhận một số bài có thể là tôi viết vì viết đã lâu nên tôi không nhớ hết, tiêu đề và nội dung tổng quát là của tôi nhưng để xác nhận cần phải xem lại thật kỹ mới kết luận được vì không biết có bị biên tập, thêm bớt gì không? Họ yêu cầu tôi trình bày ngụ ý từng bài viết. Tôi trả lời là “từng câu chữ đã mang ý nghĩa của nó, còn người đọc cảm nhận sao là quyền mọi người-một việc luôn có người khen, kẻ chê. Người khác cho chẳng có gì, còn an ninh các anh thì có thể suy diễn ra đủ thứ. Tôi không có nghĩa vụ phải nói lên cảm nhận của mình”. Chỉ có như vậy, sau đó trao đổi vài điều linh tinh mang tính cá nhân. Cuối cùng, họ chúc tết, tôi cảm ơn, chúc lại và ra về.
Qua đây tôi cũng có một bài viết nhỏ, nhằm trao đổi để các bạn biết thêm một điều “là một công dân, chúng ta có rất nhiều quyền lực”, nếu chúng ta biết, chúng ta sử dụng hay cùng nhau đấu tranh để giữ lấy thì chúng ta đã có một thể chế dân chủ tốt hơn là bị “đè đầu, cỡi cổ” như thời gian qua.
Thể chế chính trị dân chủ với quan niệm rằng “quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân”, nhân dân là chủ thể của đất nước, “nhân viên nhà nước” chỉ là người làm thuê. Không cần quan tâm ai lãnh đạo, vai trò của họ là làm thuê. Chúng ta thường nghe câu trích dẫn “cán bộ là công bộc, là đầy tớ của nhân dân” (lời CT HCM). Tuy nhiên dân chủ không thể có được chỉ bằng ý tưởng, bằng lời nói dù là của lãnh tụ, mà nó phải được thực hiện trên thực tế. Thực tế dù nhỏ nhặt nhất như chuyện giấy mời.
Lâu nay, khi an ninh VN có mối nghi ngờ ai đó phạm luật thì họ ra giấy mời, phát đến “đối tượng” mời lên làm việc. Tiếng là giấy mời cho vẻ lịch sự nhưng thực chất thì không khác một “lệnh”: họ qui định hẳn thời gian đi làm việc, không quan tâm đến công dân có bận công việc gì không và thường họ đưa giấy rất cận ngày-chiều hôm nay đưa, sáng mai đi làm việc. Nhiều nơi còn cửa quyền đến mức ghi “có việc quan trọng”, “không đi chịu trách nhiệm trước pháp luật”, “yêu cầu đi đúng giờ”.
Sự vô lý đó có mặt ở khắp nơi và trong một thời gian rất dài. Rất nhiều người là nạn nhân từ thói hành xử này: căng thẳng, mệt mỏi, rối loạn cuộc sống cá nhân; mất việc; thậm chí là phá sản như trường hợp anh Trần Huỳnh Duy Thức. Công ty anh Thức bị nghi ngờ trộm cướp viễn thông, thế là công an mời anh làm việc suốt 21 ngày, dù anh là tổng giám đốc công ty họ cũng chẳng quan tâm là anh có bận việc không. Kết quả là công ty anh lâm vào khó khăn, phá sản dù anh chẳng phạm tội trộm cước viễn thông. Rất, rất nhiều doanh nhân bị tai bay vạ gió giống anh.
Để đất nước chúng ta thật sự dân chủ, chúng ta cần có những qui định rõ ràng nhằm bảo đảm thực hiện được trong thực tế cuộc sống chứ không chỉ lời hay ý đẹp.
- Giáo dục cho công dân, cho nhân viên nhà nước biết quyền và nghĩa vụ của họ. Những người hiểu biết, luật sư,…viết bài để giúp mọi người biết họ có quyền gì khi bị mời, quyền lực cơ quan công an đến đâu?
- Thực hiện nguyên tắc bình đẳng giữa công dân và nhà nước. Trong nhà nước pháp quyền, công dân với nhà nước phải bình đẳng. Công dân có cuộc sống, công việc của công dân, họ đóng thuế để thuê nhân viên nhà nước thực hiện các công việc chung như: giữ trật tự xã hội, chống tội phạm, bảo đảm an ninh. Để có thể thực hiện được công việc được giao phó, nhân viên nhà nước có quyền hành-cái gọi là “công lực”. Tuy nhiên nhiều nhân viên công lực không biết quyền lực này cũng có giới hạn, họ cũng phải bình đẳng trước pháp luật. Họ có xu hướng nhân danh nhà nước, nhân danh pháp luật để lạm quyền. Họ không biết rằng phận sự họ làm cũng như bao công việc khác như giáo viên đi dạy, thầy thuốc chữa bệnh, công nhân làm đường,…. suy cho cùng bảo đảm an ninh cũng chỉ là một việc như bao việc trong cuộc sống. Họ phải có trách nhiệm với công việc. Họ không thể “hành dân” để được việc của mình. Hiện nay nhà nước đã có luật bồi thường oan sai, tuy nhiên người viết luật rất khôn khi dành “cái cán” cho cán bộ nhà nước khi qui định người bị oan phải chứng minh thiệt hại. Rất khó chứng minh là người giám đốc bị mời đi làm việc một ngày thì thiệt hại bao nhiêu? Chúng ta cần đấu tranh để quốc hội ra luật: trong trường hợp nhân viên an ninh muốn công dân cộng tác để được việc mình thì phải thỏa thuận với công dân về thời gian, phải chi trả thiệt hại khi công dân nghỉ việc. Trong trường hợp lạm quyền, hành xử sai luật thì nhân viên phải bồi thường thiệt hại bằng tiền của mình chứ không thể lấy tiền nhà nước (tiền thuế dân) ra bồi thường. (Đây là ý tưởng của tôi, bạn nào đồng ý xin liên lạc để hình thành nhóm vận động).
- Những người lên tiếng cổ xúy cho dân chủ nên lập một cổng thông tin chia sẻ, đấu tranh, kiện cáo khi bị “mời” đi làm việc một cách không tự nguyện.
- Người mời đi làm việc nên chuẩn bị tâm lý không có gì phải sợ. Cơ quan công an hay có một luận điệu “anh có gì chúng tôi mới mời anh, không có lửa làm sao có khói”, kiểu lập lờ như vậy làm nhiều người tự nhiên thấy mình là “tội phạm”, đâm ra lo lắng, sợ hãi. Với tôi họ cũng nói như vậy, tôi bác bỏ ngay. Tôi nói “biết đâu được, nhỡ các anh hoang tưởng thì sao, thấy đâu cũng là tội phạm, các anh mời tôi, hay các anh rảnh quá, muốn làm phiền người khác thì sao?”. Nền pháp trị phải có bằng chứng chứ không thể dùng cảm tính “nghi ngờ” được.
- Không nên có tâm lý chờ ơn lòng tốt của cán bộ công an. Họ hay nói là chúng tôi làm việc nhanh thôi, sẽ làm cho anh không bị theo dõi, không bị làm phiền, chúng tôi muốn tốt cho anh, muốn giúp anh khỏi bị công an hiểu lầm,….Nên nghi ngờ tất cả, có thể có người tốt nhưng khối người chẳng ra gì, gây không biết bao nhiêu oan sai cho dân lành. Nên hỏi kỹ tên, tuổi, số hiệu, ghi chép rõ ràng các điều đó. Yêu cầu làm việc với người có danh tính rõ ràng, chúng ta cứ nói thẳng là thời buổi thật giả lẫn lộn, lừa đảo khắp nơi. Nên ghi âm cuộc làm việc, ít nhất là bằng điện thoại. Ghi âm là quyền của bạn, không phải sợ gì. Nếu họ yêu cầu tắt máy ghi âm, bạn có thể từ chối vì pháp luật không cấm việc này. Bạn nên tấn công lại là “các anh có khuất tất mới sợ sự minh bạch. Ghi âm là quyền tự bảo vệ mình của công dân”.
- Nên nhớ một quyền đó là “chúng ta có quyền im lặng, từ chối trả lời”, không cần thiết là họ hỏi gì trả lời đó. Công an có tính cù nhầy và hay hỏi nhiều câu rất vớ vẩn.
- Nên minh bạch. Thời buổi này không gì tốt hơn minh bạch. Trong thể chế mà tư pháp không độc lập, chính quyền trên dưới một giuột thì để bảo vệ mình không gì tốt hơn là công luận. Chính công luận sẽ làm chùn bước âm mưu khép tội bẩn thiểu.
Vài dòng chia sẻ, kinh chúc quí bạn hữu đón tết ngập tràn niềm vui!
Đ.N, 06.02.2013
Nguyễn Văn Thạnh
----------------------------------------------------
Bài viết về KS Nguyễn Văn Thạnh trên báo Dân Trí
Gặp lại “hiệp sĩ” CLB máu khó đông
(Dân trí) - Cách đây hai năm, nhiều người biết đến chàng sinh viên Nguyễn Văn Thạnh (khoa Công nghệ sinh học, ĐH Bách khoa Đà Nẵng) qua website www.maukhodong.net.
Website www.maukhodong.net. là một trang web nhằm tập hợp những người mắc bệnh máu khó đông cũng như tinh thần lạc quan, đấu tranh với bệnh tật để vươn lên trong cuộc sống của chàng sinh viên Nguyễn Văn Thạnh. Đặc biệt khi Thạnh nhận giải chính thức cuộc thi Ngày sáng tạo Việt Nam do Ngân hàng Thế giới tổ chức tại Hà Nội với dự án “Thiết lập mạng thông tin hỗ trợ bệnh nhân máu khó đông trên toàn quốc” nhiều người mắc bệnh máu khó đông đã tìm đến với Thạnh như một “địa chỉ” để sẻ chia những mất mát, tủi hờn, đau đớn…
Gặp lại Thạnh, anh vẫn lạc quan như ngày nào và đang triển khai “dự án” mới.
Cùng giúp nhau vượt qua bệnh tật
Nguyễn Văn Thạnh (sinh năm 1983), quê ở huyện Tây Sơn, tỉnh Bình Định. Nhà có 4 anh em thì Thạnh và đứa em trai út đều mắc bệnh máu khó đông từ khi lọt lòng mẹ. Bố mẹ Thạnh làm nông vất vả nên mỗi lần hai anh em Thạnh nhập viện lại càng cực hơn. Chỉ một xây xát nhẹ bố mẹ Thạnh vội vàng đưa con đến bệnh viện, mỗi lần truyền máu tốn rất nhiều tiền. Đến tuổi đi học, Thạnh cũng đến trường như bao bạn bè cùng trang lứa chỉ có điều vừa đi học vừa đi viện với Thạnh là chuyện thường xuyên. Thế nhưng trong suốt 12 năm học Thạnh luôn đạt học sinh khá, giỏi. Rồi cái tin “thằng” Thạnh đậu đại học Đại học Bách khoa làm rộn lên cả xã.
Càng lớn, Thạnh càng ý thức được bệnh nên luôn tìm hiểu thông qua những người mắc bệnh như mình để biết cách phòng tránh.
Bên cạnh đó, Thạnh còn lên các trang web nước ngoài tìm kiếm thêm thông tin về bệnh để hiểu rõ về căn bệnh này hơn bởi lúc đó số người mắc bệnh máu khó đông ở nước ta ít nên chưa có sự quan tâm nhiều.
Những năm học đại học cũng là những năm Thạnh vật lộn với căn bệnh hiểm nghèo này. Cuộc sống xa nhà của một chàng sinh viên nghèo mỗi lần nhập viện lại càng khó khăn hơn. Xương khớp thường xuyên đau nhức vì sưng tấy. Nhưng nhờ sự giúp đỡ của thầy cô, bạn bè đã giúp Thạnh vượt qua.
Thạnh vẫn luôn lạc quan để vượt qua bệnh tật (ảnh Khánh Hồng)
Chính những lần nằm viện đã cho Thạnh cơ hội được tiếp cận với những người cùng chung căn bệnh như mình. Có nhiều người bị bệnh nhưng không giám nói hay nhiều người còn có nhận thức sai lệch về căn bệnh này. Từ đó, ý nghĩ tập hợp những người bị bệnh máu khó đông để cùng nhau vượt qua bệnh tật đã xuất hiện trong suy nghĩ của Thạnh.
Rồi trang web www.maukhodong.net nhằm giúp mọi người biết hơn về bệnh máu khó đông, tạo sự liên hệ giữa bệnh nhân, sự cảm thông chia sẻ, giúp đỡ từ cộng đồng để bệnh nhân máu khó đông có cuộc sống tốt hơn của Thạnh đã ra đời.
Không dừng lại ở đó, khi Ngân hàng Thế giới tổ chức cuộc thi "Ngày sáng tạo Việt Nam”, Thạnh đã mạnh dạn lập hẳn dự án "Thiết lập mạng thông tin hỗ trợ bệnh nhân máu khó đông trên toàn quốc” tham gia cuộc thi. Dự án được nhận giải chính thức của cuộc thi.
CLB máu khó đông - Nơi sẻ chia những nổi niềm
Cộng đồng người mắc bệnh máu khó đông biết nhiều đến Thạnh qua trang web www.maukhodong.net. Đặc biệt khi dự án "Thiết lập mạng thông tin hỗ trợ bệnh nhân máu khó đông trên toàn quốc” của anh được nhận giải chính thức, nhiều người đã tìm đến với CLB của anh. Đây cũng chính là nơi để mọi người chia sẻ những mất mát, tủi hờn…
Hiện tại CLB máu khó đông có khoảng 400 thành viên trong cả nước trong đó Đà Nẵng có 60 thành viên.
Căn nhà số 452 Nguyễn Lương Bằng (quận Liên Chiểu, TP. Đà Nẵng) là nơi gặp gỡ của những người bệnh hay người nhà của người mắc bệnh máu khó đông. Mỗi người đến đây đều mang một tâm trạng, một nỗi đau không bờ bến và những câu chuyện đầy nước mắt. Qua những cuộc gặp gỡ thế này, nhiều người đã hiểu hơn về bệnh máu khó đông. Còn những người ở xa không thể đến được thì gọi điện, gửi email.
Trên trang web www.maukhodong.net, Thạnh viết: “Từ khi được báo chí, truyền hình đưa tin, tôi nhận được nhiều cuộc điện thoại, thư từ của các bệnh nhân trên khắp mọi miền đất nước. Trong đó một cuộc điện thoại của một chị quê Thanh Hóa, đang làm ở TPHCM, làm tôi nhớ mãi…
Quê chị là một làng nghèo của tỉnh Thanh Hóa, càng nghèo khó hơn khi chị sinh ra hai con trai bị Hemophilia A thể nặng. Từ nhà chị đến bệnh viện Đa Khoa Thanh Hóa rất xa, đường xá khó đi, mỗi lần đi viện là cả một vấn đề. Thế mà tháng nào cũng phải đưa con đi bệnh viện, không đứa lớn thì đứa nhỏ, khi thì chân tay sưng vù, khi thì chảy máu miệng, tiểu ra máu. Vì là một bệnh nan y, hiếm gặp nên cũng ít bác sĩ biết, phải chuyển viện từ tuyến dưới lên trên. Nhìn con quằn quại trong đau đớn chờ chuyển viện mà đứt ruột. Một lần cháu lớn bị chảy máu nặng, không chuyển viện kịp đã mất…
Chị còn kể cho chúng tôi nghe trong nước mắt nghẹn ngào: Dòng họ chị không ai mắc bệnh này, chỉ riêng chị là có hai con bị. Miệng quê nặng nề, chị sống giữa bao lời dị nghị mặc cảm, tủi hổ. Con gà bới đám rau chị cũng không dám đánh đuổi, không khéo người ta bảo chị ăn ở ác nên sinh con bệnh tật. Sau khi giải thích, cung cấp kiến thức về bệnh, chị phần nào hiểu ra, trút bỏ buồn phiền, mặc cảm lâu nay.
Để thực hiện dự án cho người bệnh máu khó đông, Thạnh phải xin bảo lưu kết quả học tập một năm tập trung vào dự án vì sức khỏe không cho phép. Tháng 7 vừa rồi, anh cũng đã kịp nhận tấm bằng đại học.
Với Thạnh, không chỉ tập hợp tập hợp những người mắc bệnh máu khó đông để cùng nhau chia sẻ kinh nghiệm, bộc bạch những tâm tư tình cảm là đủ. Điều anh vẫn trăn trở là tìm kiếm công việc cho những người bị bệnh máu khó đông. “Có như vậy mới giúp bệnh nhân máu khó đông một cách thiết thực, cuộc sống họ đỡ vất vả hơn”, Thạnh cho biết.
Tuy nhiên, do bệnh nhân máu khó đông sức khỏe yếu, lại phải nhập viện thường xuyên nên rất khó để tìm kiếm những công việc thích hợp.
“Dự án” mới mà vừa triển khai là thành lập Trung tâm giới thiệu việc làm nhằm tìm kiếm công việc cho những người nghèo.
“Mình thấy có mẹ thằng bạn, cuộc sống khó khăn ra thành phố xin việc nhưng nhiều ngày vẫn không xin được. Vì thế mình đã nảy ý nghĩ nghĩ thành lập trung tâm. Trung tâm mình sẽ đảm bảo an toàn về người lao động cho những gia đình cần thuê người và cũng như đảm bảo những quyền lợi chính đáng đối với người lao động”, Thạnh cho biết.
Sau một tháng hoạt động, nhiều người đã tìm đến với trung tâm của Thạnh. Tuy nhiên, theo Thạnh cái khó nhất bây giờ là vốn để mở rộng và quảng bá để nhiều người có nhu cầu biết đến trung tâm. “Khi Trung tâm giới thiệu việc làm phát triển, mình sẽ có nhiều cơ hội để giúp đỡ và tạo công ăn việc làm cho những người mắc bệnh máu khó đông”, Thạnh hy vọng.
Không có nhận xét nào: