Thiểu Số Đối Lập Và Dân Chủ - Thanh Niên Công Giáo

728x90 AdSpace

Trending
8 tháng 2, 2013

Thiểu Số Đối Lập Và Dân Chủ

NGUYỄN HỌC TẬP - Tự do đối lập. 

Ai trong chúng ta cũng biết, trong một thể chế Dân Chủ, sau mỗi bầu cử "phổ thông, trực tiếp, tự do, bình đẳng và kín" như vừa kể, chắc chắn có kẻ thắng, người thua. 

Nhưng thua, không có nghĩa là "bị loại khỏi vòng chiến". 

- "Thành phần thiểu số không thắng cử cũng cần thiết cho cuộc sống Dân Chủ như những ai đắc cử đương quyền" (G. Sartori, op. cit., 59.78). 


Người Anh thường gọi "thành phần thiểu số đối lập" , thành phần thất cử trong Quốc Hội là Chính Phủ Trong Bóng Tối (Shadow Government). 

Chính Phủ Trong Bóng Tối đang chờ để chuẩn bị ra ánh sáng lãnh đạo Quốc Gia trong nhiệm kỳ tới, với chương trình hiệu năng hơn, hấp dẫn hơn những gì giới đương nhiệm đang làm. 

Sự hiện diện của "thành phần thiểu số đối lập" là tiếng chuông cảnh tỉnh luôn gióng lên bên tai rằng thời gian hành quyền của Chính Phủ hiện hành là thời gian được tính từng ngày một. 

Cuộc đời của Chính Phủ đương nhiệm sẽ cáo chung vào dịp tuyển cử tới, nếu họ không hành xử theo luật pháp, đi ngược lại nhu cầu và ước vọng của người dân, nếu họ quản trị không hiệu năng tài nguyên đất nước và vì lợi ích chung, thay vì bè phái, đảng trị như họ đang làm. 

"Thiểu số đối lập" còn là một bảo chứng khác, ngoài ra bảo chứng của phương thức Quốc Gia Pháp Trị (Quản trị đất nước theo luật pháp), đối với quyền và tự do của người dân, cũng như đối với lợi ích chung của đất nước, chống lại các lối hành xử tác oai tác quái tùy hỷ, quản trị không hiệu năng và bè phái. 

Hiến Pháp 1949 CHLBĐ còn chính xác hơn những gì chúng ta vừa trình bày. Thành phần thiểu số đối lập không những thi hành quyền và nhiệm vụ của họ đối với Quốc Gia khi họ trở thành Chính Phủ đương quyền sau kỳ bầu cử tới. 

Hiến Pháp còn giao cho họ "thực quyền" để bảo vệ con người và bảo vệ đất nước ngay trong thời gian còn là "thiểu số đối lập". 

Và đây là thực quyền của họ: 

- "Viện Bảo Hiến Liên Bang sẽ quyết định trong trường hợp bất đồng ý kiến hay nghi vấn về các vấn đề hợp hiến hay không giữa luật pháp Liên Bang hay luật pháp Tiểu Bang với Hiến Pháp hiện tại, hoặc giữa luật pháp của Tiểu Bang với các đạo luật Liên Bang, nếu được Chính Phủ Liên Bang, Chính Phủ của một Tiểu Bang hay 1/3 nghị sĩ của Hạ Viện Liên Bang yêu cầu" (Điều 93 Hiến Pháp 1949 CHLBĐ). 

Đoạn văn "Chính Phủ của một Tiểu Bang hay 1/3 nghị sĩ của Hạ Viện Liên Bang yêu cầu" cho thấy Hiến Pháp nâng cao khả năng đối lập của thành phần thiểu số lên mức "khả thi " thiết thực. 

Trong một Quốc Gia Liên Bang như Đức hay Hoa Kỳ, thành phần đa số đang chiếm đa số ghế trong Quốc Hội và đang lãnh đạo Chính Phủ Liên Bang. 

Nhưng thành phần thiểu số đối lập có thể 

- đang lãnh đạo Chính Phủ ở một hay nhiều Tiểu Bang nào đó, 

- cũng như đang chiếm đến 1/3 hay hơn nữa số ghế trong Hạ Viện Liên Bang. 

Hiến Pháp xác nhận rằng mỗi khi có một Chính Phủ của một Tiểu Bang hay 1/3 nghị sĩ Hạ Viện Liên Bang yêu cầu là Viện Bảo Hiến sẽ duyệt xét tính cách hợp hiến hay vi hiến đạo luật của thành phần đa số đưa ra. 

Quyết định như vậy là Hiến Pháp trao cho thành phần thiểu số đối lập khả năng thực hữu kiểm soát tính cách hợp hiến hay vi hiến của luật pháp được ban hành, hoạt động của Chính Phủ và thành phần đa số trong Quốc Hội. 

Sau khi nhận được phúc trình đối kháng của phe "thiểu số đối lập", chính Viện Bảo Hiến, một cơ chế trung hoà và độc lập, đứng giữa và đứng trên (super partes) sẽ quyết định. 

Chính Phủ đương quyền cũng như thành phần đa số trong Quốc Hội thân Chính Phủ khó lòng mà "cậy quyền, ỷ thế", dựa vào số đông "cả vú lấp miệng em". 

"Thành phần thiểu số đối lập" trong Hiến Pháp 1949 CHLBĐ " có thực quyền" để thi hành " quyền và nhiệm vụ đối lập " của mình, bênh vực quyền lợi cho xứ sở, bênh vực quyền và tự do của người dân nói riêng và của con người nói chung. 

"Thành phần thiểu số đối lập" trong Hiến Pháp 1949 CHLBĐ không phải chỉ là "nghị gù, nghị gật" ngồi ở Toà Nhà Quốc Hội như những bóng ma không hồn, chờ hết tháng lãnh lương, mà là những vị Dân Biểu, đại diện cho xứ sở, nói lên lý tưởng, ước vọng và nhu cầu của đất nước. 

Mặc dầu thất cử, các vị cũng có "quyền và nhiệm vụ" được Dân Chúng ủy thác cho và Hiến Pháp cung cấp cho "thực quyền" với phương tiện khả thi để thực hiện. 

"Đối Lập", có nghĩa là thành phần thiểu số thất cử trong Quốc Hội có quyền và nhiệm vụ 

- "điều chỉnh, thắng bớt, cắt tỉa và phản đối, loại trừ" 

những chính sách và hoạt động quá lố hay sai lầm của đa số đương quyền. 

Chính khả năng có thực quyền của "thành phần thiểu số đối lập" trong việc kiểm soát hợp hiến hay vi hiến các điều khoản luật pháp, nghị định và hành động của đa số đương quyền khiến cho giới cầm quyền phải tôn trọng nghiêm chỉnh khi soạn thảo luật pháp cũng như lúc hành quyền. 

Khả năng có thực quyền hiến định của "thành phần thiểu số đối lập" luôn giữ cho giới cầm quyền thi hành quyền lực Quốc Gia trong khuôn khổ hiến định và luật định: trong tinh thần tôn trọng nhân bản, dân chủ và tự do được Hiến Pháp xác định ở điều 1 và điều 20. 

Kế đến thể chế Liên Bang của CHLBĐ là một yếu tố quan trọng kế tiếp tăng cường thực quyền đối lập của "thành phần thiểu số đối lập". 

Thể chế Liên Bang của CHLBĐ tạo ra cơ hội cho "thành phần thiểu số đối lập" có thể lãnh đạo Chính Phủ ở một hay nhiều Tiểu Bang, mặc dầu Chính Quyền cũng như Hạ Viện Liên Bang (Bundestag) do thành phần đa số lãnh đạo. 

Lãnh đạo Chính Quyền ở một hay nhiều Tiểu Bang, "thành phần thiểu số đối lập" có cơ hội cho dân chúng thấy, không những dân chúng ở Tiểu Bang nơi họ đương nhiệm mà cả dân chúng toàn quốc, tài lãnh đạo, đường lối đúng đắn và phương thức hiệu năng lợi ích cho xứ sở. 

Đó là món tiền đặt cọc cho kỳ tuyển cử tới để thành phần thiểu số đối lập có cơ hội tiến đến lãnh đạo Chính Quyền và Hạ Viện Liên Bang (Friedrich A., Landparlament in der Bundesrepublik, Berlin, 1975). 

Và rồi nếu "thành phần thiểu số đối lập" chiếm được đa số đáng kể Chính Quyền các Tiểu Bang, họ sẽ trở thành đa số trong Thượng Viện Liên Bang (Bundesrat), theo tinh thần của điều 51 Hiến Pháp 1949: 

- "Thượng Viện Liên Bang (Bundesrat) được cấu tạo bằng các thành viên của các Chính Phủ các Tiểu Bang (Laender). Các thành viên đó được các Chính Phủ họ tuyển chọn và thu hồi. Các Chính Phủ Tiểu Bang có thể đặc phái những thành viên khác đại diện mình" (Điều 51 Hiến Pháp 1949 CHLBĐ). 

Và như vậy các đại diện của các Chính Phủ các Tiểu Bang hợp nhau thành Thượng Viện Liên Bang. 

Ở đây họ có quyền "sửa đổi, cắt xén, giảm bớt, chuẩn y hay bác bỏ" với tư cách là dân biểu Quốc Hội (Thượng Viện Liên Bang là một Viện Quốc Hội) đối với những dự án luật hay nghị định được Chính Quyền Liên Bang đề ra và Hạ Viện Liên Bang (tức thành phần đa số thắng cử vừa qua) đồng thuận chuẩn y: 

Điều 50 (Tu Chính Án cho Thỏa Ước Maastricht): 

- "Qua Thượng Viện Liên Bang, các Tiểu bang cộng tác trong việc lập pháp, quản trị và trong những vấn đề liên quan đến Cộng Đồng Âu Châu" (Điều 50 Hiến Pháp 1949 CHLBĐ). 

Điều 77: 

- "Luật pháp Liên Bang được Hạ Viện Liên Bang chuẩn y. Và sau khi được Hạ Viện Liên bang chấp thuận, các điều khoản luật đó phải được Chủ Tịch Hạ Viện Liên Bang lập tức chuyển đến Thượng Viện" (Điều 77 , id.). 

Những chặn đường vừa kể là những chặn đường hiến định bắt buộc để dự án luật luật trở thành luật có hiệu lực đầy đủ , trước khi đem ra áp dụng. 

Thành phần đa số đương nhiệm (Chính Phủ và Hạ Viện Liên Bang) không thể coi thường các điều khoản của Hiến Pháp vừa kể , để tự tung tự tác " tuỳ hỷ lập luật và thi hành luật". 

"Thành phần thiểu số đối lập" có mặt ở Chính Quyền các Tiểu Bang và Thượng Viện Liên Bang có thể vạch trần những mưu đồ bất chính "vi hiến" và "phạm pháp" của giới đương quyền. 

Đàng khác, có mặt ở Chính Quyền các Tiểu Bang, thành phần thiểu số đối lập không những có cơ hội chứng tỏ cho dân chúng thấy chương trình lãnh đạo tốt đẹp hơn, hợp lý hơn và hiệu năng hơn những gì thành phần đa số đương làm, họ còn 

- "có cơ hội đào tạo cho cấp lãnh đạo sẵn sàng lãnh nhận chức vụ điều khiển Quốc Gia trong một ngày gần đây" (Schneider F., "Konkurrenz oder Konfrontation, Entwicklungtendenzen des Foederalismus in der Bundesrepublik", in Kloenne, Lebendige Verfassung, Tubingen, 1981, 91). 

Như vậy, thiểu số đối lập, ngoài ra khả năng thực hữu để "sửa đổi, cắt xén, giảm bớt, chuẩn ý hay bác bỏ" còn có khả năng đem lại cho Dân Chủ đặc tính "Dân Chủ Luân Phiên" (Alternanzdemokratie), một đặc tính không thể thiếu của thể chế Dân Chủ, khác với lối 

- "hành xử độc tài (diktature), tự tôn (autokratie), tự phong tước cho mình hay cho bè đảng của mình và cố bám lấy quyền lực" (Schneider F. - Zeh., Parlamentsrecht und Parlamentspraxis in der Bundesrepublik Deutschland, Berlin-New York, 1989, 1063-1064). 

Không có "thiểu số đối lập", 

- không có thực quyền đối lập để kiểm soát, 

không có "dân chủ luân phiên", sẽ không có Dân Chủ. 

Sự hiện diện của thành phần thiểu số đối lập là hình thức bảo vệ dân chủ và làm cho 

"Dân Chủ cầu tiến, Dân Chủ hiệu năng",thay vì "Dân Chủ ngủ gà ngủ gật, Dân Chủ bè phái, Dân Chủ đảng trị và Dân Chủ giả dạng" (Gherig C., " Gewalentleitung zwissen Regierung un parlamentarische Opposition, in DVBL, 1971, 663). 

C - Quyền hạn giao phó phải được kiểm soát. 

Trước những đàn áp, hành xử quyền lực Quốc Gia một cách độc đoán tạo nên bao nhiêu bất hạnh, máu và nước mắt của các thể chế quân chủ, cũng như của hai chế độ độc tài của Hitler và Mussolini ở Âu Châu, chúng ta hiểu được câu nói ý đầy ý nghĩa của Giáo Sư Gioavanni Sartori được trích dẫn ở phần đầu: 

- "Hiến Pháp là một văn bản bảo chứng (Garantismo). Ở Tây Âu, người dân đòi buộc phải có Hiến Pháp, nếu muốn thiết lập Quốc Gia. Hiến Pháp đối với họ là một văn bản nền tảng hay một loạt các nguyên tắc cơ bản, thể hiện một thể chế Quốc Gia, nhằm giới hạn cách xủ dụng quyền hành tự tung tự tác và bảo đảm cho một Chính Quyền có giới hạn" (G. Sartori, Elementi di Teoria Politica, II ed., Bologna, il Mulino, 1995, 18). 

Một số phương thức đặt lằn mức giới hạn và kiểm soát quyền lực được giao phó, chúng ta đã có dịp nói đến ở trên, từ 

- cách tuyên bố các quyền bất khả xâm phạm dưới hình thức tiêu cực, 

- đặt giới mức cho luật pháp, 

- tuyên bố Hiến Pháp dưới hình thức cứng rắn với một số điều khoản bất di dịch, 

- cung cấp cho thành phần thiểu số đối lập phương tiện khả thi để "sửa đổi, cắt xén, giảm bớt, chuẩn y hay bác bỏ" luật lệ, nghị định và hành động của giới đương quyền vi hiến hay phạm pháp. 

Nhưng phương thức để các chủ nhân "quyền tối thượng của Quốc Gia thuộc về dân" kiểm soát cách hành xử của giới đương quyền không phải chỉ có vậy. 

Tinh thần Nhân Bản và Dân Chủ của người dân Tây Âu đã tiến xa hơn những gì được Hiến Pháp tuyên bố dưới hình thức tiêu cực, giới hạn và kiểm soát, như là những bảo chứng tối thiểu cho người dân trong câu nói của Giáo Sư G. Sartori vừa trích dẫn. 

Quan niệm cỗ truyền về mối tương quan giữa giới hành quyền và người dân là quan niệm được biểu thị bằng hai danh từ "quyền hành - tự do", thoát xuất từ 

- giai đoạn lấn dần quyền hạn của dân chúng Anh Quốc đối với nhà vua, "No taxation, without representation" (Nếu nhà vua không cho làng xã cử thêm đại diện vào Quốc Hội, làng xã nhứt định không chịu trả thêm thuế), 

- của Tuyên Ngôn Độc Lập Hoa Kỳ 1776 

- và của Cách Mạng Pháp Quốc 1789. 

Quan niệm vừa kể cho rằng Quốc Gia chỉ đạt được mục tiêu bảo đảm cho cuộc sống chung khang trang và vững chắc của mọi người bằng cách xử dụng quyền hành, ngay cả khi Chính Quyền xử dụng ngược lại quyền và tự do của cá nhân. 

Và từ đó, quyền và tự do của cá nhân chỉ có thể được bảo đảm bằng cách hạn chế việc hành xử quyền bính của Quốc Gia trong giới mức. 

Quan niệm tổ chức Quốc Gia hiện tại ở Tây Âu, nhứt là ở Âu Châu, quyền hành chỉ là một trong những phương tiện để đạt được mục đích tổ chức cuộc sống an khang và vững chắc cho mọi người. 

Một đôi khi Quốc Gia dùng đến quyền hành của mình để áp đặt trong giới mức hiến định và luật định, ngược lại tự do và lợi thú của người dân, nhưng trong cuộc sống thường nhật nhiệm vụ thông thường của Quốc Gia là cung cấp cho người dân sản phẩm (goods) và phục vụ (services) hơn là dùng quyền lực để áp đặt. 

Điều quan trọng của các cơ chế Quốc Gia không phải là dùng quyền lực mà là đạt đến kết quả phục vụ thoả mãn nhu cầu và lợi thú của người dân, bằng những hoạt động được Hiến Pháp và luật pháp quy trách cho, hoạt động phục vụ một cách "hiệu năng và vô tư". 

Trong quan niệm cỗ truyền về Dân Chủ, mối tương quan giữa tổ chức Quốc Gia và người Dân là mối tương quan được biểu thị bằng " quyền hành - tự do", người dân nhìn các cơ chế Quốc Gia (nhứt là Chính Quyền) như là những mối đe dọa đối với quyền và tự do của mình. 

Trái lại trong thể chế Dân Chủ hiện tại của Tây Âu, mối tương quan được biểu thị bằng "hiệu năng và vô tư": 

- người dân đòi buộc Quốc Gia can thiệp để bảo đảm cho họ có mức sống văn minh, xứng đáng với địa vị con người; 

- người dân đòi buộc Quốc Gia trong các hoạt động của mình không phí phạm tài nguyên và thời giờ, không ưu đải đảng phái, phe nhóm. 

Bởi lẽ bình đẳng là một trong những nguyên tắc nền tảng của Dân chủ. 

Chính Quyền hoạt động hiệu năng để thoả mãn nhu cầu và lợi thú của người dân. Và muốn phục vụ thoã mãn nhu cầu và lợi thú của người dân một cách có hiệu năng, hoạt động của Chính Quyền phải là những hoạt động không thiên vị. 

Nhưng hiệu năng và không thiên vị phần lớn chỉ có thể kiểm soát được đang lúc Chính Quyền cung cấp phục vụ cho người dân. 

Một giấy chứng nhận có thể cung cấp cho người dân trong vòng năm phút, là hoạt động hiệu năng. 

Mãnh giấy trên , người dân có được sau cả tiếng đồng hồ sắp hàng chờ đợi, sau khi những "người có máu mặt" đến sau được cấp trước, chứng tỏ nền hành chánh thiếu hiệu năng và vô tư. 

Những gì vừa đề cập cho thấy luật pháp giao cho Chính Quyền trách nhiệm không những phải phục vụ người dân trong những gì được luật pháp ấn định, mà còn phục vụ một cách hữu hiệu và công bằng. 

Còn nữa, nếu chúng ta liên kết đặc tính phục vụ hiệu năng và không thiên vị trên, đặc tính hoạt động phải có của tổ chức Quốc Gia với mục đích cao cả mà Hiến Pháp 1947 Ý Quốc xác định như là cùng đích của tổ chức Quốc Gia, chúng ta sẽ thấy rằng sự thiếu sót cung cấp phục vụ vật chất cho người dân có thể đưa đến những tai hại khó lường. 

- "Bổn phận của nền Cộng Hoà là dẹp bỏ đi những chướng ngại vật về phương diện kinh tế và xã hội, là những chướng ngại, trong khi giảm thiểu thực sự tự do và bình đẳng của cá nhân, không cho phép họ triển nở hoàn hảo con người của mình và tham dự thiết thực vào tổ chức chinh trị, kinh tế và xã hội của xứ sở" (Điều 3, đoạn 2 Hiến Pháp 1947 Ý Quốc). 

Hiểu được mục đích cao cả của bản văn vừa trích dẫn của Hiến Pháp 1947 Ý Quốc, chúng ta sẽ ý thức rằng sự thiếu sót phẩm chất các hoạt động của Chính Quyền, hiệu năng và vô tư, sẽ đưa đến những thiệt hại khó lường cho các bậc thang giá trị mà Hiến Pháp đứng ra bảo vệ, "phát triển toàn vẹn con người của mình". 

Nói cách khác, nhờ có Quốc Gia cung cấp phương tiện vật chất và điều kiện thuận lợi, người dân có thể "phát triển toàn vẹn con người của mình": được trở thành chính mình như mình mong muốn, được tự do định đoạt lấy đời sống và cách sống của mỗi cá nhân tùy theo sở thích và năng khiếu của mình. 

Trái lại, người dân không "phát triển được toàn vẹn con người của mình", do các hoạt động thiếu hiệu năng và thiên vị của Chính Quyền, Chính Quyền phải lãnh trách nhiệm nặng nề của mình trước luật pháp: cản trở người dân không phát triển nở được con người của mình. 

Được hưỡng một nền giáo dục thoả đáng; được đề phòng, bảo vệ, chữa trị khi đau yếu và hồi phục lại khả năng sau khi lành bệnh; được có một cuộc sống giao tế xã hội điều hoà; đuợc cung cấp phương tiện di chuyển mau chóng và an toàn; được có nhà cửa khang trang làm nơi cư ngụ; được bảo đảm có đủ nhân cách con người trong cuôc sống thường nhật cũng như lúc bị tố cáo hay giảm thiểu tự do… 

Tất cả những yếu tố đó giúp cho người dân có điều kiện và phương tiện "phát triển hoàn hảo con người của mình", mục đích tối hậu tại sao Quốc Gia được thiết lập. 

Còn nữa, nếu chúng ta mở rộng thêm tầm mắt, trách nhiệm của cơ chế Quốc Gia còn nặng nề hơn nữa, nếu chúng ta ráp nối 

- mục đích "phát triển hoàn hảo con người" của cá nhân, 

- nhờ đó mỗi cá nhân có thể "tham dự một cách thiết thực vào tổ chức chính trị, kinh tế và xã hội của xứ sở", mưu ích cho chính mình và cho cả Cộng Đồng Quốc Gia. 

Nói cách khác, nếu cơ chế Quốc Gia không hữu hiệu và vô tư, việc thiếu bổn phận của Quốc Gia sẽ cản trở người dân được phát triển hoàn hảo chính mình và cản trở xứ sở phát triển đến thịnh vượng. 

Trách nhiệm nặng nề liên quan đến đời sống cá nhân, "phát triển hoàn hảo con người của mình" và hệ trọng đến sự phát triển của cả Cộng Đồng Quốc Gia, "tham dự một cách thiết thực vào tổ chức chính trị, kinh tế và xã hội của sứ sở" như vậy không thể chỉ khoán trắng cho giới đương quyền, để họ hành xử cách nào tùy hỷ. 

Do đó, ngoài ra những phương thức giới hạn và kiểm soát quyền lực chúng ta đã đề cập ở trên, Hiến Pháp 1947 Ý Quốc cũng như các Hiến Pháp Nhân Bản và Dân Chủ Tây Âu dành nhiều quyền lực cho Cộng Đồng Địa Phương và các Tổ Chức Xã Hội Trung Gian đối với giới đương quyền: 

a) quyền đề xướng luật pháp quốc Gia (Điều 71 và điều 99, Hiến Pháp 1947 Ý Quốc), 

b) quyền đề xướng trưng cầu dân ý bãi bỏ luật Quốc Gia (Điều 75, id), 

c) quyền đại diện Cộng Đồng địa phương tham dự bầu cử Tổng Thống (Điều 83, id). 

d) quyền Cộng Đồng Địa Phương trưng cầu dân ý thay đổi và bổ túc Hiến Pháp, 

e) quyền Chủ Tịch Cộng Đồng Địa Phương tham dự các phiên hợp Hội Đồng Nội Các Chính Phủ. 

f) quyền các Cộng Đồng Địa Phương hiện diện trong các cơ quan Quốc Gia. 

Và sau cùng là đạo luật 241/90 Ý Quốc bắt buộc Chính Quyền phải tôn trọng sự hiện diện của người dân trong các hoạt động của mình. 

Người dân không phải chỉ là một con số, là thần dân của nhà vua, mà Chính Quyền muốn cung cấp hay không cung cấp tài sản và phục vụ cũng được, hay cung cấp cách nào tùy hỷ. 

Người dân của các Quốc Gia Nhân Bản và Dân Chủ Tây Âu có quyền tối thượng trên Chính Quyền, là chủ nhân của mọi quyền lực Quốc Gia bất cứ lúc nào, đối với bất cứ ai đại diện hành xử. 

Người dân có quyền 

a) tham dự vào việc quản trị tài nguyên và phục vụ xứ sở (Điều 7, luật 241/90 Ý Quốc), 

b) có quyền được thông báo các quyết định trong việc quản trị (Điều 3, 7 và 22, id.), 

c) được Chính Quyền nghe trình bày ý kiến (Điều 9 và 10 , id.), 

d) được có người đặc trách duy nhứt trong Chính Quyền chịu trách nhiệm để trả lời thoả đáng (Điều 4, id.), 

e) không phải bị Chính Quyền coi rẻ, ngược đãi, chờ đợi ngày nầy qua ngày khác (Điều 1 và 8 , id.), 

f) được xác định liên hệ chắc chắn đối với Chính Quyền (đâu là bổn phận và quyền hạn phải được Chính Quyền tôn trọng) (Điều 2, 19, 20, id.), 

g) được coi là thành phần đáng tin cậy đối với những gì mình tuyên bố, trả lời, tữ chứng (Điều 18, id.). 

Qua những điều khoản vừa kể của đạo luật 241/90 và tinh thần của điều 3, đoạn 2 Hiến Pháp 1947 đã được trích dẫn, chúng ta thấy rằng mối tương quan giữa người dân và Chính Quyền hiện nay là mối tương quann dựa trên khả năng của Chính Quyền hoạt động hiệu năng và không thiên vị. 

Chỉ khi nào Chính Quyền có được những đặc tính đó trong các hoạt động của mình, người dân mới có điều kiện và phương tiện thực hiện quyền " phát triển hoàn hảo con người của mình" hay có quyền trở thành chính mình như mình muốn. 

Bởi đó người dân có quyền thẩm định kết quả đã nhận được và tuyên bố thoả mãn các nhu cầu và lợi thú của mình hay không. 

Hiện nay lý do biện minh cho sự hiện hữu và hoạt động của cơ chế Quốc Gia không phải là các cơ quan quyền lực Quốc Gia được tuyển chọn một cách chính danh, hoạt động của họ luôn luôn hợp pháp (nằm trong lằn mức pháp định), mà là hậu quả của sự hiện hữu và hoạt động của các cơ quan đó có đáp ứng lại đòi hỏi của người dân theo tiêu chuẩn hiệu năng và không thiên vị hay không. 

Người dân trong thể chế Dân Chủ Tây Âu là chủ nhân quyền lực Quốc Gia, được điều 3 đoạn 2 1947 Hiến Pháp Ý Quốc, cũng như đạo luật 241/ 90 xác nhận, có khả năng phán đoán Chính Quyền. 

Người dân 

- không những có quyền phán đoán hậu quả của những hoạt động cung cấp tài sản và phục vụ của Chính Phủ đối với nhu cầu và lợi thú của mình, 

- mà còn có quyền phán đoán những cơ cấu tổ chức Chính Phủ, nguyên nhân đưa đến sự cung cấp hiệu năng và vô tư cho mình hay không. 

Từ nay, với đạo luât 241/90 Ý Quốc, người dân có quyền đứng bên ngoài nhìn vào các dinh thự của các cơ chế Quốc Gia nói chung và Chính Quyền nói riêng, 

- không phải với cái nhìn của một du khách để ngắm các vẻ đẹp của lối kiến trúc, càng không phải nhìn để tìm hiểu, 

- mà là nhìn để phán đoán. 

Dân Chủ, "quyền tối thượng của Quốc Gia thuộc về dân": người dân là chủ nhân của quyền tối thượng trên Chính Quyền, 

- có quyền phán đoán Chính Quyền 

- và quy trách cho Chính Quyền hậu quả của những hoạt động thiếu hiệu năng và vô tư.

Nguyễn Học Tập
Thanhnienconggiao blog
Thiểu Số Đối Lập Và Dân Chủ Reviewed by Unknown on 2/08/2013 Rating: 5 NGUYỄN HỌC TẬP - Tự do đối lập.  Ai trong chúng ta cũng biết, trong một thể chế Dân Chủ, sau mỗi bầu cử "phổ thông, trực tiếp,...

Không có nhận xét nào: