Khi Báo Nhân Dân Giới Thiệu Dâm Thư Và Phim Kinh Dị - Thanh Niên Công Giáo

728x90 AdSpace

Trending
9 tháng 2, 2013

Khi Báo Nhân Dân Giới Thiệu Dâm Thư Và Phim Kinh Dị

Phạm Thị Hoài - Báo Nhân dân không ai đọc, nhiều người nghĩ thế. Tôi cho rằng họ sai. Độc giả của tờ báo đầu đàn chính thống này là một tầng lớp đặc biệt, trước hết gồm các đảng viên, tức những người thuộc giai cấp cầm quyền chính trị; sau nữa đến bản thân giới truyền thông, vì cùng với Thông tấn xã Việt Nam, Đài Phát thanh và Đài Truyền hình, tờ Nhân dân thuộc bộ tứ định hướng tuyên giáo cho toàn bộ giới truyền thông còn lại [i]; và cuối cùng, ít nhất là những người từ nhiều lí do khác nhau quan tâm đến khí hậu chính trị Việt Nam: Họ phải xem dự báo thời tiết. Với trên 200.000 bản in phát hành đến tận các chi bộ, trang Nhân dân Điện tử và ước chừng không ít hơn nửa triệu độc giả chốt tại nhiều mắt xích quan trọng của chuỗi quyền lực chính trị và truyền thông, ảnh hưởng của tờNhân dân đủ lớn để không thể bị coi đơn giản là giấy lót nồi. Vai trò dẫn đường cho dư luận dòng chính của tờ Nhân dân về cơ bản không khác vai trò của một tờ như New York Times – sự khác nhau giữa hai bên ở cơ chế vận hành của vai trò đó không đặt ra trong bài này.


Dù khí hậu tinh thần về đại cục không thay đổi đáng kể, theo cảm nhận của tôi, thời tiết văn hóa ở Việt Nam đã bớt khắc nghiệt hơn nhiều so với một, hai thập kỉ trước. Những năm 90, thật khó hình dung một tác phẩm như Lolita nằm đàng hoàng trên các rạp sách ở Việt Nam. Khi ấy tập truyện ngắn của tôi do Nhà xuất bản Hà Nội ấn hành bị thu hồi vì lí do “mang tính kích dục”. Gần hai mươi năm sau, báo Nhân dân dành cho Lolita những lời thiện cảm và không quên cả quảng cáo cho bộ phim cùng tên của đạo diễn Stanley Kubrick. Tôi nhớ đến lời tuyên bố của tác giả Lolita, nhà văn Nga lưu vong Nabokov, rằng ngoài một phương châm cực kì đơn giản và dễ nhớ thì ông không quan tâm đến chính trị. Phương châm đó như sau: tất cả những gì có lợi cho “bọn Đỏ” – chỉ những người cộng sản – thì ông chống và tất cả những gì bất lợi cho “bọn Đỏ” thì ông theo. Tôi thấy mừng vì thế giới thời tôi sống hơi phức tạp hơn một chút so với phương châm đó. Nhưng còn gì đáng thích thú hơn việc cơ quan ngôn luận đầu não của một Đảng Cộng sản trước sau vẫn cứng rắn và giáo điều trong ý thức hệ lại khen ngợi tác phẩm từng bị coi là scandal đồi trụy của một nhà văn ghét cộng sản đến đào đất đổ đi.

Song thế chưa phải là hết. Tờ Nhân dân còn sẵn sàng cho những bất ngờ khác, đáng sửng sốt đến mức tinh thần chính thống cũng phải khâm phục sự đột biến sinh học của chính mình. Giữa năm ngoái, tờ báo này đăng một bài giới thiệu cuốn Fifty Shades of Grey, cũng với nhiều thiện cảm, thậm chí có thể gọi là thán phục. Với cách phiên âm tên nước ngoài độc nhất vô nhị của mình, ban biên tập còn đóng chứng nhận sản phẩm “chỉ có ở báo Nhân dân” cho bài quảng cáo đó.

Đứng cách Lolita một lịch sử văn học mênh mông, cuốn 50 sắc thái xám không hề là một scandal, dù nó trưng bày mu và mồng, mông và mồn như ở quầy bán thịt trong siêu thị và cung cấp đủ tinh trùng để phun ướt đẫm nhiều trang sách. Nó đơn giản là một cuốn dâm thư có thành công thương mại khổng lồ nhờ hội được nhiều may mắn của hoàn cảnh ra đời. Tôi cũng góp phần mình vào thành công đó, bằng cách mua đến 5 cuốn tặng năm người bạn, những phụ nữ vừa tròn tuổi 50.

Không lâu nữa, cả bộ ba tập 50 sắc thái xám của Nhà xuất bản Lao Động và Công ti Alphabooks sẽ được phát hành chính thức tại Việt Nam. Độc giả Việt đã trưởng thành. Báo Nhân dân không hề yêu cầu dâm thư phải đóng góp vào việc “bồi dưỡng lí tưởng xã hội chủ nghĩa, đạo đức, tình cảm, cảm thụ thẩm mĩ cho con người”. Mới đây tờ báo này còn có lời ca ngợi hiện tượng điện ảnh thế giới “nổi bật”, bộ phim kinh dị Mẹ Ma (Mama). Phim này đang được chiếu trên toàn quốc.

Khi báo Nhân dân giới thiệu dâm thư và phim kinh dị thì Việt Nam đã bước vào thời đại văn hóa giải trí và thương mại. Tôi không có gì phản đối điều đó. Thay được toàn bộ nền văn hóa tuyên truyền bằng văn hóa giải trí thuần túy thì phúc của chúng ta còn lớn lắm. Tác hại của nghệ thuật giải trí cũng thua xa của nghệ thuật tầm phào. Tôi thích xem 007 hơn những bộ phim lên gân mà nhẽo nhợt của nền điện ảnh nghiêm túc Việt Nam, thích đọc Harry Potter hơn những bài thơ gửi một thoáng tâm hồn cao thượng, nhạy cảm, sâu sắc, nhân ái vào một thế chấp vẩn vơ nào đó. Đọc Harry Potter, ít nhất tôi được biết rằng ở tuổi 82 khả kính, tổ chức chính trị khuynh loát toàn bộ xã hội Việt Nam bỗng tuân theo kịch bản hành động của một bộ truyện phù thủy dành cho trẻ em. Tôi thấy một nhân vật bước thẳng từ hư cấu ra hiện thực. Kẻ mà ai cũng biết (You-Know-Who) nhưng không được phép nêu tên (He-Who-Must-Not-Be-Named): Đồng chí X ra đời từ đồng chí Voldemort, nguyên mẫu của ông trùm đỏ là vị chúa tể đen hắc ám (The Dark Lord).

Song quê hương yêu dấu của tôi sẽ không còn là nó, nếu ở đó có một cái gì mà lí trí bình thường có thể nắm bắt. Ở đó sự cởi mở thì khác thường, sự hà khắc thì phi thường, và bình thường là tất cả những ấm ớ hội tề còn lại. Trong khi bộ phim bạo lực mới toanh với diễn viên cơ bắp và Cựu Thống đốc California Arnold Schwarzenegger được duyệt thì Đấu trường sinh tử (The Hunger Games) bị cấm. Trong khi Thông tấn xã Việt Nam ca ngợi màn trình diễn “vô cùng đặc sắc và bất ngờ” với vài mảnh vải che thân của ca sĩ Mỹ Beyonce ở Super Bowl thì Nghị định 79 đem cái vung “thuần phong mĩ tục và truyền thống văn hóa dân tộc” đậy lên da thịt của sao Việt. Và thời tiết văn hóa Việt Nam tưởng đã thoáng đãng hơn nhiều lại thản nhiên chìa ra bộ mặt nghiệt ngã của nó, khi những ngày qua chúng ta vĩnh biệt một nghệ sĩ lớn, nhạc sĩ Phạm Duy. Gần trọn một thế kỉ, ông đã sống và minh họa giai đoạn đau thương, chia cắt và phức tạp nhất trong lịch sử nước Việt từ nhiều chỗ đứng. Chỗ cuối cùng mà ông chọn và để nằm xuống là chỗ kiên quyết chỉ dành cho ông 1/10 sự thừa nhận sự nghiệp, dù ông đã bày tỏ thiện chí tới mức như tỏ tình, tới mức như cầu xin. Số tác phẩm được cấp phép của một nghệ sĩ nổi tiếng khác, Trịnh Công Sơn, đã mất từ hơn mười năm nay, còn ít hơn nữa.

Cho nên tín hiệu khác thường từ việc thả luật sư Lê Công Định trước thời hạn cùng lắm chỉ ngang giá trị với việc báo Nhân dân giới thiệu dâm thư và phim kinh dị. Vài ngày trước, cũng chính quyền ấy kết án 299 năm tù cộng một bản án chung thân cho 22 người phần lớn đã cao tuổi, vì khu du lịch sinh thái mà họ chung lưng tạo dựng bị coi là căn cứ địa để lật đổ chính quyền và học thuyết chống đối của họ là sấm Trạng Trình.

2013 pro&contra

[i] Tổng Biên tập báo Nhân dân ít nhất phải là Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, đều giữ vị trí cao hoặc cao nhất trong hệ thống tuyên giáo. Ông Đinh Thế Huynh, Tổng Biên tập nhiệm kì trước kéo dài một thập kỉ, đồng thời là Chủ tịch Hội Nhà báo, hiện là Ủy viên Bộ Chính trị và Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương.

Khi Báo Nhân Dân Giới Thiệu Dâm Thư Và Phim Kinh Dị Reviewed by Unknown on 2/09/2013 Rating: 5 Phạm Thị Hoài - Báo Nhân dân không ai đọc, nhiều người nghĩ thế. Tôi cho rằng họ sai. Độc giả của tờ báo đầu đàn chính thống này là một ...

Không có nhận xét nào: