Song Chi - Năm 2013 chỉ vừa mới kết thúc tháng Một nhưng chúng ta đã kịp chứng kiến tình trạng tiếp tục gia tăng đàn áp, tiếp tục vi phạm nhân quyền trầm trọng của nhà nước VN. Hàng loạt vụ bắt bớ, xét xử, kết án không tuân theo bất cứ một quy ước tối thiểu nào của bất cứ một quốc gia nào có tôn trọng luật pháp, tôn trọng con người, đối với những người yêu nước và bày tỏ chính kiến một cách ôn hòa. Hàng loạt vụ đối xử cực kỳ hà khắc, vô văn hóa, phi nhân đối với những người bị bắt, bị tạm giữ hoặc đang thi hành những bản án có tính chất chính trị.
Thử nhìn lại những vụ vi phạm nhân quyền, chà đạp lên quyền tự do dân chủ, tự do ngôn luận của nhà cầm quyền VN chỉ riêng trong tháng 1.2013:
Ngày 8.1: diễn ra phiên tòa xét xử 14 thanh niên Công giáo và Tin lành yêu nước tại thành phố Vinh, Nghệ An.
Mọi quy trình, cách thức xét xử cũng y như mọi phiên tòa của những vụ án có tính chất chính trị khác: Gọi là “công khai” nhưng trước và trong ngày xử án, tất cả các biện pháp khác nhau đã được thi hành nhằm ngăn chặn bạn bè, gia đình, người thân cũng như dân chúng bình thường có thể đến dự phiên tòa. Nhiều vị linh mục, giáo dân, nhất là những blogger nổi tiếng mà công an đã biết tên biết mặt, bị bắt giữ, đánh đập. Hàng ngàn công an, an ninh, dân phòng…được huy động để “bảo vệ” phiên tòa. Trong phòng xử án chỉ toàn là màu áo xanh của công an, chưa kể những khuôn mặt của các dân phòng, lực lượng công an chìm. Những lời bào chữa của các thanh niên, của luật sư đều bị chánh án và hội đồng xét xử gạt phăng hoặc bỏ ngoài tai.
Mặc cho những người bị kết án đều tự tin và khẳng định mình vô tội, những việc họ làm cũng không thể kết án họ theo như cáo trạng, phiên tòa vẫn kết thúc với những bản án cực kỳ nặng nề: Tổng cộng 83 năm tù dành cho 14 nhà hoạt động xã hội và tôn giáo trẻ tuổi, trong đó 3 người nhận bản án cao nhất là Hồ Đức Hòa, Đặng Xuân Diệu, Lê Văn Sơn: 13 năm tù giam và 5 năm quản chế.
Cũng trong ngày 8.1, tòa án TP.HCM tiến hành xét xử cô Lô Thị Thanh Thảo, cũng với tội danh “Tuyên truyền chống nhà nước CHXHCN Việt Nam”. Cô Thanh Thảo bị kết án 3 năm 6 tháng tù giam và 2 năm quản chế. Theo bản cáo trạng, hành vi của cô là rải truyền đơn nói xấu, chống phá nhà nước và chụp hình dân oan đi khiếu kiện, biểu tình để tung lên mạng (!).
Ngày 15.1: ông Võ Viết Dziễn, 41 tuổi, bị tòa án Tây Ninh tuyên án ba năm tù cộng với ba năm quản chế với tội danh “hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân”.
Cùng ngày, khi ông Dziễn từ tòa án bước vào nhà tù thì một người khác, mục sư Nguyễn Trung Tôn, mãn hạn tù sau hai năm thi hành án về tội tuyên truyền chống nhà nước theo điều 88 Bộ Luật hình sự.
Trả lời đài RFA, mục sư cho biết tù chính trị bị giam chung buồng với ông tại trại giam Nam Hà có tất cả 46 người, trong đó có nhà đấu tranh dân chủ Vi Đức Hồi, 13, 14 đồng bào Tây Nguyên bị bắt vì tội “chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc”, một số người Mông bị quy tội bạo loạn, gây rối, một số công chức nhà nước (công an, tuyên giáo) bị kết tội cung cấp thông tin bí mật, làm gián điệp cho TQ. (“Mục sư Nguyễn Trung Tôn mãn án tù”, RFA).
Từ lâu, chế độ do đảng cộng sản lãnh đạo ở VN đã bị thế giới lên án là không có tự do ngôn luận, tự do báo chí cũng không có tự do tín ngưỡng. Nhiều tổ chức tôn giáo bị gây khó dễ, cấm hoạt động, nhiều nhà hoạt động tôn giáo bị sách nhiễu, bắt bớ. Trong tháng 1.2013, Giáo hội Tin lành Đấng Christ Việt Nam tại tỉnh Daklak lại lên tiếng về những hành vi gây khó dễ, làm áp lực phải bỏ đạo, không cho tổ chức lễ Giáng Sinh, bắt một số mục sư, tín hữu lên đồn làm việc v.v…của công an, chính quyền địa phương, với lý do giáo hội Tin lành này là của tổ chức Fulro lưu vong.
Ngày 18.1: giới blogger, dư luận trong ngoài nước lại xôn xao, bức xúc trước thông tin blogger Lê Anh Hùng bị công an bắt cóc đưa vào trại tâm thần-Trung tâm Bảo trợ xã hội II Hà Nội.
Lê Anh Hùng là người có những tác phẩm dịch và những bài viết sắc sảo về tình hình chính trị xã hội VN trên trang blog cá nhân, từng tham gia biểu tình chống TQ và từng rất nhiều lần làm đơn tố cáo những hành vi tham nhũng, những tội ác bị che dấu của những nhân vật chóp bu trong giới cầm quyền Hà Nội. Với sự lên tiếng kịp thời của bạn bè, của quốc tế, ngay người mẹ già của Lê Anh Hùng cũng hiểu ra sự việc và đã viết đơn đòi trả lại con, nhưng không ai rõ nhà nước này có thả Lê Anh Hùng ra hay không, dư luận vẫn đang theo dõi sát sự việc này.
Ngày 28.1: lại thêm 22 người bị ra tòa trong vụ “Hội đồng công luật công án Bia Sơn”.
Đây là tổ chức do ông Phan Văn Thu tức Trần Công thành lập. Ông Phan Văn Thu cũng là người đã lập ra giáo phái “Ân đàn đại đạo” từ năm 1969 và từng bị tù nhiều năm vì bị cáo buộc “hoạt động nhằm lật đổ chính quyền”.
22 người nói trên bị kết tội có âm mưu lật đổ chính quyền theo điều 79 Bộ Luật Hình sự VN. Nhưng những người bị kết án không công nhận cáo buộc của nhà cầm quyền, nói rằng họ chỉ tu hành, góp công góp của xây dựng nên khu du lịch sinh thái Núi Đá Bia ở Phú Yên với mục đích muốn có chỗ tu đạo, và làm thế nào mà chỉ vài trăm người, chủ yếu đã lớn tuổi, lại có thể lật đổ được cả nhà nước VN? Bản cáo trạng với những lời kết tội mù mờ, không thể chứng minh được những người bị xử án đã thật sự làm những gì để gọi là phản động và âm mưu lật đổ chế độ. Không loại trừ khả năng nhà cầm quyền địa phương thấy khu du lịch sinh thái có triển vọng ăn nên làm ra nên bắt giữ họ để cướp đoạt tài sản công dân mà thôi.
Ngày 30: tiến sĩ toán học Nguyễn Quốc Quân, đảng viên đảng Việt Tân đã được thả tự do và trục xuất về Mỹ sau 9 tháng bị giam cầm. Trước đó, nhà nước VN từng cáo buộc ông Lê Quốc Quân tội danh khủng bố, sau đó lại thay bằng tội ‘Hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân’ theo điều 79. Phiên tòa xử ông Quân dự kiến diễn ra nhiều lần rồi lại bị hoãn, cuối cùng dưới sức ép của chính phủ Hoa Kỳ và dư luận quốc tế, Hà Nội buộc phải trả tự do cho ông Quân.
Từ trước đến nay, những người bị bắt nếu là công dân của nước khác, đặc biệt là công dân Hoa Kỳ thì VN thường phải trả tự do và trục xuất về nước sau một thời gian giam giữ. Ngược lại, nếu là người VN đang sống trong nước bị cáo buộc cùng tội danh thì thường phải chịu những bản án nặng nề, ngày càng nặng hơn và không khoan nhượng.
Không những bị bắt, bị xét xử một cách phi lý, tùy tiện, những người bất đồng chính kiến, các nhà hoạt động dân chủ, hoạt động tôn giáo, hoặc nhiều khi chỉ vì yêu nước, bất bình với thực trạng chính trị xã hội VN, lo lắng bức xúc trước nguy cơ bị lệ thuộc/mất nước vào tay TQ nên phải lên tiếng…đều bị đối xử một cách cực kỳ vô văn hóa, vô lương tâm khi bị bắt, bị tạm giam hay đang thi hành án.
Trong tháng 1, luật sư Lê Quốc Quân, người bị bắt vào tù từ ngày 27.12.2012 đã tuyệt thực nhiều ngày để phản đối quá trình bắt giữ không đúng theo luật pháp và cách hành xử tồi tệ của nhà cầm quyền đối với ông và gia đình.
Việc bắt giữ luật sư Lê Quốc Quân cùng với người em ruột Lê Đình Quản, người em họ Lê Thị Kim Oanh và ghép họ vào tội danh “trốn thuế” cũng giống như vụ án của blogger Điếu Cày trước đây, đặc biệt việc cô Kim Oanh bị bắt vào tù khi đang mang thai khiến dư luận hết sức phẫn nộ.
Ngày 4.1 blogger Nguyễn Hoàng Vi làm đơn tố cáo đồn công an phường Nguyễn Cư Trinh thuộc quận 1, TPHCM đã bắt giữ tùy tiện, đánh đập, lột quần áo và xâm phạm chỗ kín, khi cô bị bắt vào đồn ngày 28.12.2012, đúng ngày diễn ra phiên tòa phúc thẩm 3 blogger Điếu Cày, Tạ Phong Tần và Anh Ba SG. Cơ quan bảo vệ nhà báo trên toàn thế giới (CPJ) đã lên tiếng về vụ việc này.
Những người bị bắt vì điều luật 79 hay 88 của Bộ Luật Hình sự VN thường phải chịu điều kiện giam giữ và cách đối xử vô cùng khắc nghiệt, phi nhân trong tù, bị tước đoạt mọi quyền lợi tối thiểu nhất so với các tù nhân khác.
Mới đây, thông qua đài RFA, thân nhân của hai nữ tù nhân lương tâm Mai Thị Dung và Trần Thị Thúy đã lên tiếng bày tỏ sự lo lắng trước điều kiện giam giữ quá khắc nghiệt và tình trạng sức khỏe sa sút nghiêm trọng của hai người. Cả hai còn bị giam chung với những người bị bệnh AID giai đoạn sắp chết.
Bà Mai Thị Dung bị kết án hai lần, tổng cộng 11 năm tù, bà Trần Thị Thúy bị 8 năm tù, hiện cả hai đang thi hành án tại trại giam K5 tỉnh Đồng Nai. (“Lo ngại cho sức khỏe của hai nữ tù nhân lương tâm”, RFA).
Người con gái của tín đồ Phật giáo Hòa Hảo Nguyễn Văn Lía, đang thi hành bản án 4 năm rưỡi tại trại tù K3, Xuân Lộc, Đồng Nai cũng lên tiếng về những điều tương tự. Và mới đây nhất, nhà hoạt động dân chủ, cựu tù nhân Lê Thăng Long cũng đã báo động về tình trạng bị biệt giam, bị cô lập, cách ly một cách nghiêm trọng của người tù nổi tiếng Trần Huỳnh Duy Thức ở trại giam Xuân Lộc.
Những người bị hành hạ trong tù, như vừa kể trên, thường là những người có tinh thần vững vàng, kiên quyết không nhận tội cho dù bị quản giáo, công an nhiều lần dụ dỗ, thuyết phục, đến đe dọa.
Tù nhân bị hành hạ đã đành, thân nhân của họ cũng bị sách nhiễu đủ đường. Điển hình là chị Dương Thị Tân, vợ cũ của blogger Điếu Cày và con trai, trong suốt những năm qua. Mãi đến gần đây, thông tin từ trang Dòng Chúa Cứu Thế VN cho biết, bà Dương Thị Tân mới được gặp và nói chuyện với ông Hải-blogger Điếu Cày kể từ khi ông bị giam cách đây hơn 4 năm! (“Trại Bố Lá: quản giáo lạm quyền, xúc phạm blogger Tạ Phong Tần”, Dòng Chúa Cứu Thế VN).
Anh trai của sinh viên Đinh Nguyên Kha, người bị bắt cùng với cô sinh viên Nguyễn Phương Uyên vì tội yêu nước, chống TQ, ngày 25.1 đã viết trên facebook của mình về một ngày thăm nuôi vất vả của hai bà mẹ v.v….
Chỉ trong một tháng trời mà thêm bao nhiêu người bị bắt, bị kết án vì lý do liên quan đến chính trị, bao nhiêu người khác bị ngược đãi trong tù cùng lúc người thân của họ bên ngoài cũng bị hoạnh họe lên bờ xuống ruộng. Sẽ còn bao nhiêu câu chuyện phi lý như vậy nữa diễn ra trong năm 2013 như đã từng xảy ra trong suốt gần 7 thập kỷ dài dằng dặc cầm quyền của đảng cộng sản VN? Nói một cách khác, cái nợ oan trái mà họ đang vay của dân tộc này, đất nước này ngày càng chất nặng như núi mà họ vẫn chưa có dấu hiệu gì là biết dừng lại…
Không có nhận xét nào: